Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc cảnh báo Nhật không can dự tranh chấp Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 29/9, Phát ngôn viên Dương Vũ Quân tuyên bố: “Nhật Bản là quốc gia ngoài khu vực Biển Đông, luôn tìm cách quấy động tình hình Biển Đông và trục lợi riêng từ những vùng biển tranh chấp. Nếu Nhật Bản muốn tiến hành tuần tra hoặc tập trận chung ở những vùng biển Trung Quốc quản lý, hành động này sẽ như đùa với lửa và quân đội Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn". Trung Quốc hôm 26/9 đã lần đầu tiên điều các chiến đấu cơ bay qua một eo biển gần Nhật Bản để tiến ra Tây Thái Bình Dương diễn tập.

+ Philippines:

Mỹ lo ngại Philippines thay đổi lập trường về Biển Đông. Phát biểu hôm 27/9 trong một cuộc họp báo về nội dung chuyến công du Washington gần đây, Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết giới chức Mỹ tỏ ra lo lắng về các bước tiếp theo của Philippines trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Tuy nhiên ông Yasay khẳng định Manila sẽ căn cứ theo phán quyết của Tòa để xúc tiến các bước tiếp theo và Philippines sẽ không tham gia thảo luận với các bên khác ngoài Trung Quốc. Ngoại trưởng Philippines cho rằng việc các bên khác tham gia trong “các đàm phán đa phương sẽ làm phức tạp thêm các vấn đề. Bởi tranh chấp của Philippines với Trung Quốc trong vùng đặc quyền 200 hải lý đơn giản là tranh chấp chỉ giữa hai nước.”

Tổng thống Philippines: ‘Philippines sẽ ngừng tập trận chung với Mỹ’. Phát biểu trước cộng đồng người Philippines tại Hà Nội hôm 28/9 nhân chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ sớm chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ, song cam kết sẽ tôn trọng hiệp ước an ninh giữa hai nước đồng minh này. Cuộc tập trận chung Phiblex dự kiến diễn ra vào 4-12/10 tại đảo Luzon sẽ là lần tổ chức cuối cùng. Bên cạnh đó, Tổng thống Duterte cũng cho rằng sẽ không có việc hải quân hai nước tiến hành tuần tra chung tại Biển Đông.

Philippines cáo buộc Trung Quốc quấy nhiễu ngư dân ở Scarborough. Thông cáo của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines hôm 27/9, dẫn các báo báo của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG), cho hay vụ việc đầu tiên xảy ra hôm 6/9, khi một số tàu cá Philippines đã bị Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) ngăn không được đánh bắt cá ở khu vực gần Bãi cạn Scarborough. Một ngày sau (7/9), một tàu Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tuần tra khu vực Bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 220km. Vụ cuối cùng xảy ra ngày 10/9, một tàu cá Philippines được thông báo là đã "chạy vòng quanh" sau đó bị nhân viên Hải cảnh Trung Quốc chụp ảnh và quay video. Thông cáo cho hay: "Tàu Philippines quyết định rời khỏi khu vực đó để tránh bị quấy rối thêm."

+ Mỹ:

Mỹ tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác với ASEAN. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng không chính thức Mỹ - ASEAN tại Hawaii ngày 30/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, “Chúng ta chia sẻ quan điểm của mỗi bên về an ninh và vạch ra kế hoạch để thúc đẩy mạng lưới an ninh toàn diện và dựa trên nguyên tắc. Mạng lưới này sẽ giúp tất cả chúng ta kết nối, hợp tác và đóng góp vào an ninh khu vực. Tính nguyên tắc nghĩa là mạng lưới này giúp bảo vệ các nguyên tắc quan trọng như giải quyết hòa bình tranh chấp, đảm bảo các nước có thể có lựa chọn riêng để đối phó với sự cưỡng ép và hăm dọa, đồng thời duy trì tự do hàng không và hàng hải như luật pháp cho phép. Về an ninh biển, các tuyến đường mở đóng vai trò quan trọng để duy trì nền kinh tế năng động của khu vực.” Ông Carter đồng thời khẳng định chiến lược tái cân bằng châu Á sẽ được Washington tiếp tục trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.

+ Nhật Bản

Nhật Bản không có kế hoạch tuần tra Biển Đông cùng Mỹ. Phát biểu trong một cuộc hội thảo ở Washington hôm 26/9, Người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Đô đốc Nhật Tomohisa Takei cho hay tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản rằng nước này sẽ tham gia “các hoạt động huấn luyện chung” với Mỹ ở Biển Đông không có nghĩa rằng Nhật Bản sẽ tuần tra ở đây, “Điều đó có nghĩa rằng di chuyển từ một địa điểm này tới điểm khác; tận dụng cơ hội như vậy để diễn tập song phương, đa phương, huấn luyện cùng một nước khác. Đây là hoạt động bình thường mà Nhật Bản đã triển khai một vài năm nay. Hiện tại, Nhật Bản không có kế hoạch tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông với Mỹ .” Ông Takei cũng bay tỏ các cuộc trao đổi và các chuyến thăm giữa lực lượng phòng vệ biển Nhật với hải quân Trung Quốc Q đã bị cắt đứt từ nhiều năm sẽ được nối lại này để cải thiện quan hệ hai bên.

Quan hệ các nước

Nhật Bản - Singapore kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Singapore Lý Hiển Long đã có cuộc hội đàm ở thủ đô Tokyo ngày 28/9. Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông Lý Hiển Long cho hay, “Hai bên đã thảo luận về vấn đề Biển Đông. Singapore không phải bên tranh chấp và không đứng về phía bên nào. Nhưng chúng tôi có những lợi ích quan trọng cần bảo vệ, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, và một trật tự quốc tế và khu vực dựa trên luật pháp quốc tế - trật tự đó bảo vệ các quyền và đặc quyền của tất cả các nước và thực sự tôn trọng quá trình ngoại giao và pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp.”

Việt - Philippines thúc giục giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28-29/9. Tuyên bố chung sau chuyến thăm cho hay, “Hai nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.  Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC và nhanh chóng hợp tác nhằm đạt được COC.”

Trung Quốc  - Singapore tranh cãi về vấn đề Biển Đông. Trong một bài xã luận bằng tiếng Hoa mới đây, Tờ Hoàn Cầu Thời báo đã cáo buộc Singapore muốn đưa vấn đề Biển Đông vào dự thảo  tuyên bố chung của Hội nghị Phong trào không liên kết (NAM) lần thứ 17 ở Venezuela và nỗ lực này không thành công, “Đại diện của Singapore bị kích động và đã đưa ra những phát biểu châm biếm về lập trường của các nước phản đối. Vị đại diện thậm chí sử dụng những ngôn từ xúc phạm trong quá trình tranh luận, và đưa ra những lời công kích hiểm độc nhằm vào đại diện các nước có quan điểm công bằng”. Cũng theo Hoàn Cầu Thời báo, Singapore còn “làm phức tạp thêm vấn đề” bằng cách công khai thách thức quyết định của Venezuela, Chủ tịch luân phiên của NAM, và điều này cũng “vấp phải sự phản đối của nhiều nước”. Đáp lại những cáo buộc của tờ báo Trung Quốc, Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh ông Stanley Loh hôm 26/9 khẳng định mọi thông tin về hoạt động của Singapore tại NAM 17 mà Hoàn Cầu Thời báo đã đăng tải là “sai trái và vô căn cứ”. Trong thư gửi Tổng biên tập của tờ báo này, ông Loh khẳng định phái đoàn Singapore tham dự hội nghị tại Venezuela không đơn phương nêu vấn đề Biển Đông cũng như vụ kiện tại NAM. Đề xuất cập nhật tình hình về Đông Nam Á trong Tuyên bố Chung của NAM không phải đưa ra vào phút cuối hay do riêng một quốc gia nào đưa ra. Đây là quan điểm chung và thống nhất của ASEAN. Ông Loh bày tỏ sự thất vọng đối với một tờ báo có tiếng của Trung Quốc mà lại đăng một bài báo "vô trách nhiệm" với những cáo buộc không có cơ sở và không trung thực.

Tàu chiến Trung Quốc thăm cảng Myanmar. Ngày 30/9, hai tàu chiến của hải quân Trung Quốc là Tương Đàm và Châu Sơn đã cập cảng quốc tế ở thị trấn Thanlyin của Myanmar. Các tàu trên đến Myanmar trong chuyến thăm 5 ngày, sau khi kết thúc sứ mệnh hộ tống ở Vịnh Aden. Chuyến thăm được thực hiện trong khuôn khổ triển khai nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo quân sự hai nước. Đây là lần thứ hai các tàu hải quân Trung Quốc thăm Myanmar trong những năm gần đây.

Phân tích và đánh giá

Trung Quốc - Nga thông đồng trong chính sách Biển Đông?của  Carl Thayer

Việc Mỹ và Châu Âu áp dụng cấm vận đã làm tổn thương nền kinh tế Nga, trong khi Nga cần thị trường xuất khẩu năng lượng. Trung Quốc đã ký một hợp đồng lớn về nhập khẩu khí đốt của Nga; Trung Quốc cũng là thị trường lớn cho công nghệ và các loại vũ khí do Nga sản xuất. Tuy nhiên, lợi ích của Nga và Trung Quốc không phải luôn luôn tương đồng. Nga nghi ngờ sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm mục đích mở rộng sang Trung Á. Nga cũng gặp nhiều thách thức trong cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong khi không muốn phá hoại mối quan hệ truyền thống với Ấn Độ và Việt Nam.

Putin ủng hộ lập trường của Trung Quốc về phán quyết Tòa trọng tài với lý do phán quyết được đưa ra mà không có mặt của Trung Quốc và tham khảo quan điểm của Trung Quốc. Thực ra, Putin đã có ít thông tin (hoặc cố tình bỏ qua) các thủ tục theo Phụ lục VII của UNCLOS, theo đó, “nếu một bên vắng mặt hay không thể bào chữa, thì cũng sẽ không gây cản trở đối với thủ tục tố tụng”. Rõ ràng Putin đang cố gắng tạo thuận lợi cho Trung Quốc, ngay cả khi phải trả giá cho các mối quan hệ bạn bè truyền thống trong khu vực.

Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và các đảo nhân tạo là nhằm mục đích thống trị Biển Đông và cuối cùng là hạn chế sự di chuyển của tàu hải quân Mỹ hoặc các nước khác. Trong vấn đề này, Nga có quan điểm nước đôi: Putin ủng hộ tự do hàng hải cho hải quân Nga nhưng không quan tâm nếu Trung Quốc gây khó khăn cho hải quân Mỹ.

Mặc dù có sự gần gũi như vậy nhưng cả Nga và Trung Quốc đã thận trọng không sử dụng từ “liên minh” để mô tả quan hệ chính trị và quân sự. Liên minh chính thức thường hướng vào một bên thứ ba và có sự cam kết nhằm đáp ứng hoặc hành động chung trong những hoàn cảnh nhất định. Rõ ràng, liên minh Trung - Nga sẽ nhằm vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ và sẽ có thể mang lại một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Liên minh này có khả năng bị phản tác dụng vì hệ quả là hệ thống đồng minh của Mỹ ở cả Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương sẽ được củng cố thêm. Cuối cùng, một liên minh giả thuyết như vậy sẽ có khả năng kích động một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu, gia tăng căng thẳng và làm tăng nguy cơ xung đột ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi cả ba cường quốc đều có lợi ích vật chất.

Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục hợp tác với nhau khi thấy phù hợp, phối hợp hành động và hợp tác trong các vấn đề an ninh và chiến lược có ảnh hưởng đến hai nước, đáng chú ý là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ ở Châu Âu và THAAD ở Hàn Quốc. Hai nước này vẫn sẽ hợp tác với Mỹ nếu thấy phù hợp. Nga và Mỹ đang hợp tác để giải quyết cuộc xung đột ở Syria, trong khi Trung Quốc và Mỹ đang hợp tác về một loạt các vấn đề quốc tế, từ biến đổi khí hậu đến không phổ biến của Triều Tiên. Do đó, những gì trong quan hệ Nga - Trung Quốc hiện nay có thể được mô tả chính xác bằng cụm từ “sự hợp lưu tạm thời các lợi ích hạn chế” chứ không phải là một cam kết chiến lược sâu sắc.

Tương lai của chính sách Tái cân bằng: Thúc đẩy an ninh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năng động và then chốtbài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại San Diego, California

Bài phát biểu của ông Ashton Carter một số nội dung đáng chú ý:

Chính sách Tái cân bằng tại Châu Á - Thái Bình Dương là cam kết của Mỹ, bao gồm các cấu phần ngoại giao, kinh tế và quân sự, nhằm đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho khu vực. Để thực hiện mục tiêu trên, Mỹ đã nhận được sự phối hợp của các đồng minh, đối tác và bạn bè, trong một mạng lưới an ninh có nguyên tắc và liên kết.

Quá trình triển khai chính sách Tái cân bằng của Mỹ có cơ hội lẫn thách thức, trong đó thách thức an ninh gồm vấn đề Triều Tiên, mối lo ngại về các vấn đề trên biển ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương, nguy cơ khủng bố và các mối đe dọa xuyên quốc gia khác. Tuy nhiên, Mỹ cam kết sẽ tiếp tục song hành cùng đồng minh và đối tác để đảm bảo an ninh khu vực.

Trong trụ cột an ninh, tới nay Mỹ đã triển khai 2 giai đoạn:

i) Giai đoạn 1: cách đây 5 năm nhằm tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực;

ii) Giai đoạn 2: bắt đầu từ năm 2015 nhằm cải thiện năng lực quân sự cho quân đội Mỹ đóng ở khu vực cũng như hiện đại hóa các mối quan hệ đồng minh và đối tác quốc phòng (với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Ấn Độ, New Zealand, Singapore, Việt Nam).

Trong giai đoạn tiếp theo của Tái cân bằng, Mỹ cần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa khía cạnh an ninh để quân đội Mỹ tiếp tục hùng mạnh nhất khu vực và Mỹ sẽ được lựa chọn là đối tác an ninh chính. Mỹ cần tăng cường đầu tư để lực lượng quân đội Mỹ đang triển khai tại khu vực là lực lượng tốt nhất. Các thách thức an ninh gia tăng đòi hỏi Mỹ phải đáp ứng yêu cầu cao về bố trí lực lượng và các mối quan hệ đối tác. Thực hiện được điều này, mạng lưới an ninh có nguyên tắc và liên kết sẽ càng phát triển.

Mạng lưới an ninh có nguyên tắc không phải là liên minh chính thức, không nhằm kiềm chế hay cô lập nước nào. Trái lại, Mỹ sẽ hợp tác, kết nối với đồng minh, đối tác và bạn bè đóng góp vào an ninh khu vực và duy trì nguyên tắc cùng chia sẻ. Mạng lưới này đã và đang phát triển theo ba hướng chính: i) các cơ chế ba bên giữa các đồng minh và đối tác của Mỹ thay vì hai bên như trước kia; ii) các cơ chế ba bên không có sự tham gia của Mỹ; iii) cấu trúc an ninh khu vực đa phương, liên kết giữa khu vực này với khu vực khác (như ADMM +).

Ba vấn đề chiến lược cần giải quyết trong quan hệ ASEAN - Trung Quốccủa TANG SIEW MUN (ASEAN Focus - 10/2016).

Về tổng thể, quan hệ ASEAN - Trung Quốc hiện không cân bằng, quá nghiêng về kinh tế - thương mại trong khi mảng chính trị - an ninh chỉ ở vị trí thứ yếu. Thời gian tới, để quan hệ phát triển bền vững, hai bên cần tăng cường hợp tác về chính trị - chiến lược. Để làm được điều này, giữa ASEAN và Trung Quốc cần thống nhất với nhau về 3 vấn đề chiến lược.

Thứ nhất, ASEAN cần nhìn nhận và ứng xử với Trung Quốc đang trỗi dậy như một cường quốc đầy đủ. Khác với quá khứ, Trung Quốc ngày nay là đất nước hướng ra bên ngoài, tự tin và đang quyết tâm lấy lại vị thế trong hàng ngũ các cường quốc thế giới. Về phần mình, Trung Quốc đã đúng khi đánh giá các nước ASEAN luôn tỏ ra “thoải mái” hợp tác kinh tế nhưng vẫn ngần ngại chưa muốn chấp nhận vai trò lãnh đạo của Trung Quốc. Sự ổn định của khu vực phụ thuộc vào việc tạo dựng một không gian chiến lược để Trung Quốc có thể vươn lên thành cường quốc khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế và thực thi vai trò lãnh đạo một cách khách quan và công bằng. Dù ASEAN có theo đuổi chiến lược cân bằng hay đề phòng, Trung Quốc vẫn sẽ vươn lên thành lãnh đạo khu vực, chỉ chưa rõ là loại lãnh đạo nào. Kịch bản tốt cho ASEAN và cũng là cho chính Trung Quốc là nước này sẽ thực thi một vai trò lãnh đạo “nhân từ”. Sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu lãnh đạo dựa trên sự tin tưởng hơn là nỗi sợ hãi.

Thứ hai, sức mạnh đang lên của Trung Quốc đã tạo ra một môi trường chiến lược mới, đặt ASEAN vào vị thế nhạy cảm phải đi tìm giải pháp ứng xử tối ưu mới. Dù không đủ khả năng và cũng không hề có ý định để kiềm chế sự vươn lên của Trung Quốc, ASEAN thực sự lo ngại trước kịch bản một Trung Quốc hùng mạnh với tinh thần dân tộc đang lên có thể tiến hành những kế hoạch bành trướng để tạo lập khu vực ảnh hưởng riêng ở khu vực. Tình hình đó sẽ thách thức vai trò tự chủ của ASEAN. Việc Trung Quốc cần làm bây giờ là đưa ra những bảo đảm chiến lược rằng Trung Quốc sẽ luôn là một cường quốc “nhân từ”.

Thứ ba, với ASEAN, việc duy trì một trật tự khu vực mở và dung nạp có ý nghĩa sống còn. Xét cho cùng, ASEAN chỉ là tập hợp của 10 nước nhỏ, trong khi đoàn kết nội khối rất dễ lung lay trước sức ép từ bên ngoài. Do đó, việc nhiều cường quốc khác nhau cùng có quan hệ và lợi ích thực chất ở khu vực sẽ giúp cho khu vực không bị rơi vào vùng ảnh hưởng của một cường quốc riêng rẽ nào. Trung Quốc nên và cần chấp nhận thực tế này vì nó xuất phát từ chính lý do tồn tại của ASEAN chứ không nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Ngoài ra, điều này cũng ngăn không để Mỹ hay bất kỳ cường quốc nào khác có vai trò chi phối khu vực, do đó cho phép Trung Quốc có một không gian chiến lược để theo đuổi lợi ích của mình một cách hoà bình.

ASEAN có lợi ích khi Trung Quốc phát triển nhưng thành công của Trung Quốc có thể làm tổn hại tới ASEAN. Trung Quốc cần chủ động xoa dịu những quan ngại của ASEAN, trong đó, vấn đề Biển Đông là một phép thử quan trọng.

Pháp tiết lộ chiến lược phòng thủ ở biển Đông và xa hơn

của Nguyễn Quốc Thanh

 

Khi có thời cơ chắc chắn, Trung Quốc sẽ chiếm lấy các khu vực mà nước này tuyên bố là lãnh thổ bất chấp các nước thành viên ASEAN phản đối.

Trong bối cảnh này, các nước Đông Nam Á phải tìm một đồng minh trung lập nhưng đủ mạnh để có tiếng nói trên trường quốc tế, một chọn lựa khác giữa Mỹ và Trung Quốc. Pháp có thể đảm nhiệm vai trò này. Chiến lược quốc phòng của Pháp cũng hướng đến bảo đảm hòa bình và an ninh châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6, chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian là bộ trưởng Quốc phòng châu Âu duy nhất trình bày. Ông đã kêu gọi EU tuần tra chung trên biển Đông.

Pháp không hề xa lạ với các nước châu Á- Thái Bình Dương vì có công dân ở hải ngoại. Trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương năm 2014, Pháp khẳng định có trách nhiệm bảo vệ công dân Pháp ở châu Á-Thái Bình Dương (120.000 người tính đến năm 2012, tăng gần 220% trong 20 năm). Pháp đã phát triển quan hệ chiến lược với hầu hết các nước châu Á và liên kết với khu vực này bằng nhiều cam kết an ninh và chính trị. Pháp chiếm 40% số hợp đồng đóng tàu ngầm và 20% số dự án liên quan đến hải quân của Đông Nam Á. Các công ty vũ khí của Pháp như DCNS, DCI và Thalès đều có hoạt động kinh doanh tại châu Á. Công ty Pháp đã cung cấp tàu ngầm cho Malaysia, 12 tàu ngầm tấn công cho Úc và 36 máy bay chiến đấu Rafale cho Ấn Độ. Hải quân Pháp đã quen với công tác triển khai đến khu vực này. Đến nay đã có ba tàu của Pháp từng được triển khai đến biển Đông. Pháp có một tàu khu trục giám sát và một tàu tuần tra liên tục hoạt động ở vùng lãnh thổ New Caledonia thuộc Pháp trên Thái Bình Dương.

Từ các yếu tố trên có thể thấy với vai trò là cường quốc trung lập, Pháp có thể tháo gỡ xung đột khu vực, thậm chí ngay cả khi Trung Quốc khó chịu khi có sự can thiệp từ bên ngoài.

Tuy nhiên, như Tổng thống Francois Hollande đã nói, Pháp sẽ không hành động một mình mà sẽ cần sự tán thành của châu Âu. Nhưng tình hình hiện tại không được tốt.

Tại hội nghị cấp cao Bratislava, ông Hollande đã kêu gọi thành lập một lực lượng phối hợp chung châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc phòng châu Âu bị sự kiện Anh rời EU ảnh hưởng nên công tác tái xây dựng quốc phòng phải cần thời gian.

Pháp cùng với Đức muốn đưa châu Âu trở lại đúng hướng và đã đưa ra thời gian sáu tháng để khởi động một chương trình mới, trong đó có đề cập đến tái xây dựng lực lượng châu Âu và lộ trình cho quốc phòng châu Âu trong những năm sắp tới.

Châu Âu không thể dùng chủ nghĩa khủng bố, vấn đề nước Nga và khủng hoảng di cư làm cái cớ để quên đi các nghĩa vụ quốc tế của mình. Giờ là thời điểm thuận lợi nhất để Pháp và Châu Âu dấn thân khi tình hình ở Châu Á đang rất nóng. Nhiều khả năng bản cập nhập mới nhất đối với Luật về Kế hoạch Chương trình Quân sự Pháp sẽ đi theo hướng này.

Mối quan hệ quốc phòng Nhật – Phi dưới thời Duterte: Có đủ động lực phát triển?của Prashanth Parameswaran

Mặc dù dư luận chú ý nhiều đến hoạt động hợp tác quốc phòng của Philippines đối với Mỹ, nhưng bên cạnh đó Manila cũng tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác an ninh khác, như Úc và Nhật Bản.  Mối quan hệ hợp tác Philippines-Nhật Bản đã được tăng cường đáng kể dưới thời cựu tổng thống Aquino, một phần là do mối quan ngại chung về hành vi của Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông.

Những cam kết giữa Nhật Bản và Philippines vẫn được thực thiện dưới thời tổng thống Duterte bất chấp những lời phàn nàn, rạn nứt với Mỹ và việc ông Duterte xích lại gần với Trung Quốc, đây là những động thái tạo nên những mối hoài nghi thực sự về đường hướng tương lai trong chính sách đối ngoại của Philippines. Ông Duterte nhậm chức vào ngày 30/6 khá im ắng, và cuộc gặp thượng định giữa ông Duterte và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng diễn ra trong bối cảnh tương tự, bao gồm cả những tuyên bố hợp tác quốc phòng. Trong vòng đàm phán cấp bộ trưởng mới đây vào 21/9, hai bên đều có cơ hội thảo luận sâu hơn về những phát triển hiện tại trong mối quan hệ quốc phòng. Các quan chức cho rằng các bước đi quan trọng đều đang được thực hiện.  Điều thú vị là Bộ Quốc phòng Philippines cũng tuyên bố Manila “chào đón khả năng” hợp tác 3 bên giũa Philippines, Nhật Bản và Mỹ.

Dù những bước phát triển có thể đưa ra khả năng hai bên có đầy đủ động lực để phát triển mối quan hệ quốc phòng, nhưng vẫn không chắc chắn điều này có phù hợp với toan tính của ông Duterte hay không. Cho đến nay, quan điểm về chính sách của phòng của ông Duterte, nhất là với Mỹ, đã dấy lên những câu hỏi và lời cảnh báo về chính sách quốc phòng của ông. Hiện tại, mối quan hệ với Nhật Bản chưa bị ảnh hưởng, một phần có lẽ hành động của ông Duterte có lẽ bắt nguồn từ tư tưởng chống Mỹ chứ không phải là coi thường mạng lưới đồng minh và đối tác của Mỹ. Đối với ông Duterte, di sản của Mỹ ở Philippines là cực kỳ phức tạp. Mỹ vừa đóng vai trò sống còn về an ninh của Mỹ  nhưng đồng thời cũng để lại những di sản thời thực dân trong nửa đầu thế kỷ 20 cũng như mức độ phụ thuộc quá mức vào Washington. Mặt khác, ông Duterte lại có quan điểm tốt hơn với Nhật Bản mặc dù chính Tokyo cũng đã xâm chiếm Philippines trong Thế chiến 2, điều này chủ yếu xuất phát từ thực tế là sự hỗ trợ an ninh và kinh tế của Nhật Bản không mang nhiều điều kiện và thậm chí sự hỗ trợ đó còn vươn tới vùng phía nam của Philippines, kể cả thành phố Davao nơi ông Duterte từng làm thị trưởng.

Như nếu như hành động của ông Duterte cũng nhằm làm yên lòng Trung Quốc, không cần phải nói liệu mối quan hệ quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines có bị hảnh hưởng hay ít nhất là bị giảm đà phát triển. Nếu đà phát triển bị ảnh hưởng, nhiều khả năng chỉ giới hạn ở những lĩnh vực nhật định, chẳng hạn như hợp tác an ninh biển liên quan đến Biển Đông. Cũng có khả năng Manila sẽ lại điều chỉnh lại những ưu tiên hiện đại hóa quân sự trên quy mô tổng thể nhằm tập trung vào quốc phòng nội bộ thay vì bên ngoài./.