Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tăng cường hoạt động xây dựng ở Trường Sa. Quân đội Philippines cho biết Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất, đưa thêm vũ khí, trang thiết bị tới ít nhất 7 vị trí thuộc quần Trường Sa của Việt Nam. Những bức ảnh chụp Đá Vành Khăn hồi tháng 4 cho thấy ở đây có nhiều tấm pin năng lượng mặt trời, trạm radar và những vật thể trông giống ụ súng máy. Trên Đá Chữ Thập thì hiện có một bãi đáp trực thăng, ụ súng và những thứ giống như nhà kính nông nghiệp. Trong khi đó, trên bãi Subi có vật hình cầu màu trắng được cho là trạm radar cỡ lớn. Ngoài ra, các bức ảnh còn cho thấy có hoạt động cải tạo đất và xây dựng quy mô lớn đang diễn ra trên bãi Gạc Ma cùng một số bãi đá khác. Tờ Want China Times đưa tin, kể từ tháng 2/2014, Trung Quốc đã liên tục cử các đội xây dựng tới các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. Theo đó 6 bãi đá ngầm - gồm Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên, Chữ Thập, Tư Nghĩa và Én Đất - đã bị biến thành các đảo nhỏ.

Đài Loan triển khai chiến đấu cơ giám sát máy bay Trung Quốc trên Biển Đông. Đài Loan cho biết đã cử một phi đội giám sát hai phi cơ Y-8 của Trung Quốc từ phía Nam tỉnh Quảng Đông bay vào 'không phận Đài Loan' hôm 25/8. Hai chiếc máy bay tuần tra của hải quân Quân Giải phóng đã lần lượt bay vào ADIZ của Đài Loan lúc 8:33 và 2:31 chiều hôm 25/8. Không lực Đài Loan đã điều phi cơ Mirage 2000-5s và các chiến đấu cơ do họ tự sản xuất (IDF) lên để theo dõi hai phi cơ Trung Quốc này.

+ Việt Nam:

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 28/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ông Lê Hải Bình khẳng định, “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở hai khu vực này nếu không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Về việc khởi kiện Trung Quốc như chúng tôi nhiều lần khẳng định Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với hiến chương của Liên Hợp Quốc, trong đó có UNCLOS 1982 để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các vùng đặc quyền kinh tế của mình.”

+ Indonesia:

Tổng thống Indonesia kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Ngày 23/8, trả lời phỏng vấn tờ The Weekend Australian tại Jakarta (Indonesia), Tổng thống Indonesia sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono cảnh báo bất ổn khu vực bắt nguồn từ quan hệ đối đầu Mỹ-Trung và tranh chấp biển giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, “Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không thể chứng kiến quan hệ Mỹ-Trung đi xuống. Về kinh tế, Mỹ-Trung phụ thuộc lẫn nhau. Nhiều doanh nhân Mỹ muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc. Về chính trị, đã có căng thẳng giữa hai nước. Mỹ và Trung Quốc cần thực hiện khái niệm cho và nhận. Hai nước xung đột sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực, có thể biến Đông Á và Biển Đông thành điểm nóng mới”. Ông Yudhoyono khẳng định Indonesia không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng Indonesia phản đối biện pháp ngoại giao pháo hạm và sử dụng quân sự một cách quá mức, đồng thời tranh chấp phải được giải quyết bằng hòa bình và tránh rơi vào xung đột vũ trang. Ông Yudhoyono cho biết Indonesia đã nhiều lần đặt nghi vấn về đường bản đồ chín đoạn của Trung Quốc. Indonesia cho rằng đường chín đoạn của Trung Quốc cắt ngang vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia về hướng bắc của đảo Natuna.

+ Mỹ:

Mỹ quan ngại việc Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân. Trả lời phỏng vấn nhật báo El Mercurio của Chile, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hiện căng thẳng tại hai vùng biển này lên tới mức chưa từng thấy. Một mặt Trung Quốc đang làm nhiều việc như tham gia tiến trình loại trừ vũ khí hóa học tại Syria hay lực lượng công tác đặt biệt tại vùng Sừng châu Phi, song mặt khác bằng những hành động khiêu khích, Bắc Kinh đang làm tăng căng thẳng tại các vùng biển nói trên. Ông Harris cho biết ông cũng không hiểu vì sao Trung Quốc điều cả do thám tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương. 

Đô đốc Mỹ hối thúc Trung Quốc giải quyết các tranh chấp biển. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear ngày 28/8 cho rằng Trung Quốc cần hỗ trợ giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, không gây sức ép làm gia tăng căng thẳng, “Trung Quốc là một nước lớn. Họ phải có trách nhiệm đi đầu trong cuộc tranh chấp này để đạt được một thỏa thuận với các quốc gia láng giềng về những vấn đề khó khăn.” Ngoài ra, Đô đốc Locklear cũng viện dẫn một loạt bước đi của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng, trong đó có hành động triển khai giàn khoan Hải Dương-981, tiến hành nạo vét ở các đảo và bãi đá ngầm tranh chấp, ban hành luật để quản lý các khu vực tranh chấp và “thiếu thiện chí hướng tới các diễn đàn luật pháp quốc tế.”

Quan hệ các nước

Mỹ và Malaysia tập trận chung tại Sabah gần Biển Đông. Cuộc tập trận chung mang tên “Đổ bộ” kéo dài 9 ngày sẽ giúp tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho quân đội Malaysia cũng như nâng cao khả năng tác chiến đổ bộ trong tiếp cận và tấn công. Các khoa mục tập trận chính bao gồm huấn luyện kỹ năng làm quen tàu chiến, vũ khí trang bị mới, diễn tập đổ bộ, bắn đạn thật cũng như thao diễn Kế hoạch phản ứng nhanh để đối phó kịp thời trước các tình huống bất trắc. Thời gian gần đây, Mỹ và Malaysia liên tục tổ chức các cuộc tập trận quân sự lớn, trong đó, Mỹ đưa cả máy bay chiến đấu hiện đại nhất hiện nay như F-22 tới trình diễn.

Việt -Ấn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25 đến ngày 26/8. Ngày 25/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj. Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược với Ấn Độ. Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj khẳng định Chính phủ mới của Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là một trong những trụ cột của Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Hai bên đã trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông; nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, sớm xây dựng và hoàn thành COC. Việt Nam đánh giá cao việc Ấn Độ khẳng định tiếp tục hợp tác lâu dài về thăm dò và khai thác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông.

Mỹ - Trung họp bàn sau vụ máy bay hai bên chạm trán trên Biển Đông. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ họp bàn về quy tắc hành xử quân sự tại Lầu Năm Góc trong 2 ngày 26-27/8. Cuộc gặp này, đã lên kế hoạch trước vụ việc chiến đấu cơ Trung Quốc bay chặn đầu một máy bay tuần tra của hải quân Mỹ, sẽ đề cập tới quan ngại chính của Mỹ về cách hành xử quân sự của Trung Quốc: Hành động khiêu khích của Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn hơn, bắt nguồn từ những sai lầm quân sự tại khu vực tranh chấp. Chuẩn đô đốc James Foggo, trợ lý phó chỉ huy các chiến dịch hải quân Mỹ là một trong những quan chức sẽ có mặt tại cuộc họp. Tuy nhiên, hiện chưa rõ quan chức nào phía Trung Quốc sẽ tham gia.

Việt - Trung hội đàm về tình hình Biển Đông. Chiều ngày 27/8, tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tăng cường chỉ đạo để quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc sớm khôi phục và phát triển lành mạnh; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan hữu quan của mỗi bên tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc”. Trước đó, sáng ngày 27/8, đồng chí Lê Hồng Anh đã hội đàm với đồng chí Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Về vấn đề trên biển, đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ trước căng thẳng xảy ra trong quan hệ Việt – Trung vừa qua, lãnh đạo cấp cao hai nước cần trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan hữu quan của mỗi bên tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao và “Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, kiên trì đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển theo tinh thần dễ trước khó sau, cố gắng tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; đồng thời tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên. Đặc biệt, cần kiểm soát tốt những bất đồng trên biển; tránh để xảy ra tình hình phức tạp ảnh hưởng quan hệ hai nước.

Khai mạc Diễn đàn biển các nước ASEAN lần thứ 5 tại Đà Nẵng. Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5) đã chính thức khai mạc sáng 27/8 tại thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của đại diện 10 nước ASEAN. Mục tiêu của diễn đàn là tăng cường hợp tác biển thông qua việc đối thoại và tham vấn một cách xây dựng; tăng cường vai trò cũng như đóng góp của diễn đàn đối với an ninh, an toàn biển và tự do hàng hải trong khu vực. Ngày 28/8, Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3) đã diễn ra tại Đà Nẵng và bế mạc chiều cùng ngày với sự tham gia của hơn 100 đại diện Chính phủ, các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đến từ 18 nước thuộc khuôn khổ cấp cao Đông Á (EAS) gồm của các nước ASEAN và đối tác (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ). Diễn đàn đề cao việc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, UNCLOS cũng như các cam kết khu vực, đặc biệt là thực hiện đầy đủ và hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử DOC, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Các nước đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện kiềm chế, ngăn ngừa việc tái diễn các vụ việc phức tạp ở Biển Đông. Các nước khẳng định sự cần thiết có cơ chế bảo đảm thực hiện cũng như có hoạt động hợp tác thiết thực để xây dựng lòng tin, ngăn ngừa và quản lý sự cố như tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo cho tàu thuyền đi biển gặp nạn, trong đó đối xử nhân đạo với ngư dân, thiết lập đường dây nóng.

Nhật Bản và Ấn Độ tăng cường quan hệ chiến lược. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản từ 30/8 đến 3/9, ngày 1/9, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí tăng cường quan hệ chiến lược song phương. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo quyết định “nâng cấp và đẩy mạnh” quan hệ quốc phòng, đồng thời chỉ đạo các quan chức năng xúc tiến đàm phán về việc Ấn Độ mua thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể thức hóa các cuộc tập trận hàng hải song phương, cũng như việc Nhật Bản tiếp tục tham gia các cuộc tập trận Malabar giữa Ấn Độ và Mỹ. Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng hai nước đã chỉ đạo các quan chức hai bên “thúc đẩy hơn nữa” tiến trình đàm phán để đi tới thoả thuận hạt nhân dân sự song phương. 

Phân tích và đánh giá

“Ẩn ý của Trung Quốc trong vụ áp sát máy bay Mỹ.” Hôm 19/8, chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc có cuộc chạm trán "rất gần, rất nguy hiểm" với máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ tại khu vực cách đảo Hải Nam 220 km về phía đông. Hải Nam là nơi có một căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc. Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Phó đô đốc John Kirby cho biết chiến đấu cơ Trung Quốc bay phía dưới chiếc P-8, sau đó làm một cú cắt mặt một góc 90 độ ngay trước mũi phi cơ đối phương. Chiến đấu cơ Trung Quốc còn vọt lên phía trên và thực hiện một cú lộn vòng. Sự việc diễn ra khi P-8 thực hiện chuyến bay thường lệ ở không phận quốc tế. Có giả thuyết cho rằng viên phi công của máy bay Trung Quốc đã đơn phương thực hiện hành động. Nếu vậy, sự việc sẽ liên quan đến tầm ảnh hưởng và quyền kiểm soát của các lãnh đạo Trung Quốc đối với lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Nó cũng cho thấy khả năng quản lý yếu kém binh sĩ và phi công ở tuyến đầu của các nhà chỉ huy quân sự. Bên cạnh đó, lập luận “viên phi công hung hăng” cũng lý giải tại sao Trung Quốc lại có động thái khiêu khích như vậy tại thời điểm mối quan hệ đôi bên dường như có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không tin vào cách lý giải này. Họ cho rằng quân đội Trung Quốc được đào tạo vô cùng bài bản và kỹ lưỡng, vì vậy có rất ít cơ hội cho những người không chuyên nghiệp. “Viên phi công không thể một mình đưa ra quyết định đó được”, Andrei Chang, tổng biên tập Kanwa Defense, chuyên trang về các vấn đề quân sự có trụ sở Hồng Kông nhận xét, “Tất cả những gì họ thực hiện đều được điều khiển từ mặt đất”. Một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có mối quan hệ gần gũi với các lãnh đạo quân sự và có sự kiểm soát lớn hơn tới PLA, ngụ ý ở đây là lập luận “viên phi công hung hăng” là không hợp lý. Họ cũng cho biết thêm rằng, nếu liên hệ tới các vụ ngăn chặn các tàu và máy bay nước ngoài tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự không hợp lý của lập luận “viên phi công hung hăng”. Ngoài ra, cuối năm ngoái Trung Quốc đã công bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại vùng biển tranh chấp Biển Hoa Đông, quy định các máy bay qua lại khu vực phải xác minh khi Trung Quốc yêu cầu. Ông Chang cho rằng một khu vực tương tự sẽ sớm được thông báo tại Biển Đông và việc can thiệp hung hăng vào hoạt động của các máy bay do thám Mỹ là tín hiệu ban đầu cho việc Trung Quốc công bố ADIZ tại Biển Đông. “Tôi nghĩ rằng trong tâm trí của người Trung Quốc, họ đã xem như là Trung Quốc đã có ADIZ tại Biển Đông.” Bắc Kinh có khả năng sẽ trì hoãn việc công bố cho tới sau cuộc họp giữa lãnh đạo 21 quốc gia và nền kinh tế khu vực Vành đai Thái Bình Dương dự kiến tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 11. Còn ông Sam Roggeven, nhà phân tích an ninh tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy, cho rằng cách lý giải vụ việc bằng lập luận “viên phi công hung hăng” là một động thái có chủ ý của Nhà Trắng để tránh hủy hoại các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ quân sự với Trung Quốc. “Tôi cho rằng những gì mà người Mỹ đang làm – gọi đây là một sự kiện đơn lẻ - thực chất là nhằm che giấu sự thật đằng sau.”

“Trung Quốc mở rộng cơ sở hạ tầng tại đảo Phú Lâm” của James Hardy. Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất tại quần đảo Hoàng Sa. Hình ảnh vệ tinh cho thấy kể từ tháng 10/2013, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất trên quy mô lớn, xây dựng bến cảng và các công trình hạ tầng khác trên đảo Phú Lâm. Các phân tích hình ảnh vệ tinh trước đây của IHS Jane cũng cho thấy rằng trong khoảng từ năm 2005-2011, Trung Quốc đã xây dựng một bến cảng mới tại phía tây của hòn đảo. Chúng ta thấy gì sau những động thái này của Trung Quốc? Cùng với Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa là trung tâm của tranh chấp Biển Đông. Trong khi vị trí nằm ở phía nam Biển Đông của Trường Sa khiến Trung Quốc có những hạn chế khi hoạt động tại đây, thì vị trí tương đối gần giữa Hoàng Sa đối với đảo Hải Nam cho phép Bắc Kinh mở rộng quyền tài phán và quyền quản lý đối với quần đảo này. Đảo Phú Lâm luôn được dành một sự quan tâm đặc biệt, và tháng 7/2012, được chọn là thủ phủ của cái gọi là thành phố Tam Sa - một bộ phận của tỉnh Hải Nam. Vị trí gần chiến lược của Hoàng Sa tại Biển Đông cũng cho phép Trung Quốc sử dụng khu vực này như là cơ sở cho các hoạt động giám sát, phục vụ mục đích thực thi các quy định về đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương áp đặt hay ngăn cản các hoạt động vận tải đi qua khu vực trong tương lai - đây cũng là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc - đó là kiểm soát biển. Nếu chỉ xét về ngắn hạn và trung hạn, ít khả năng Trung Quốc làm như vậy bởi các tuyến đường biển tại Hoàng Sa đang phục vụ hoạt động của các cảng Trung Quốc – như Hồng Kông và Thượng Hải – và việc tự do qua lại tại đây nằm trong lợi ích của Trung Quốc.

“Tranh chấp biển Châu Á: Cần một chính sách ngoại giao sáng tạo.” Các bên tranh chấp tại khu vực đều đang tìm kiếm từ kho dữ liệu của mình những cuốn sách, văn tự và các di vật cổ để củng cố yêu sách về quyền quản lý lịch sử đối với các đảo tranh chấp. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu lịch sử như vậy khó có thể giải quyết hoàn toàn tranh chấp (ví dụ như tranh chấp chưa được giải quyết giữa Anh và Argentina về Quần đảo Falklands-Malvinas). Giải pháp thực tế duy nhất đó là ngoại giao. Các quốc gia ven biển tại Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ phải chấp nhận phân chia, chia sẻ chủ quyền để hướng tới các mục tiêu an ninh, hướng tới việc khai thác hòa bình nguồn tài nguyên tại đây. Có nhiều ví dụ về những chương trình khai thác tài nguyên chung như vậy, từ quần đảo Spitsbergen tại Bắc Cực cho tới Vùng Trung lập giữa Ả-rập Xê-út và Kuwait. Trước khi căng thẳng bùng phát, Trung Quốc và Nhật đã đồng ý tiến hành khai thác mỏ khí Chinxia, nằm vắt ngang đường biên giới hai nước. Thách thức của các nhà ngoại giao, đặc biệt là các nhà ngoại giao của Mỹ, đó là giúp các quốc gia tại đây tìm ra cách giải quyết mà tất cả cùng có lợi. Tuy nhiên, dường như các nhà ngoại giao Mỹ lại khuyến khích các bên có lập trường cứng rắn hơn và đưa ra gợi ý đóng băng toàn bộ tranh chấp cho tới khi cuộc chiến pháp lý, bản thân vốn đã không rõ ràng đi đến kết thúc. Đã đến thời điểm các nhà hoạch định chính sách phương Tây cần nhận ra việc khai thác nguồn khí hydrocarbon vừa là điều cần thiết, vừa là mong muốn của các quốc gia tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Khai thác dầu và khí đốt cần được sử dụng như một chất xúc tác cho quá trình hợp tác, chứ không phải là cái cớ để các bên tạo ra xung đột và căng thẳng.

“Tự do hàng hải: Châu Âu có thể làm gì?” của Edward Schwarck. Bình luận của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tuần trước nhấn mạnh sự không hiệu quả của đối thoại Mỹ-Trung về tự do hàng hải. Trong phát biểu với báo chí, ông Vương đã thách thức kêu gọi của Washington về tự do hàng hải với lập luận rằng “tình hình hiện tại trên Biển Đông nhìn chung ổn định và tự do hàng hải chưa gặp phải bất kỳ vấn đề gì”. Bản chất vòng vo của cuộc tranh luận này cho thấy sự ủng hộ của bên thứ ba, chẳng hạn như Châu Âu, đối với quan điểm của Mỹ sẽ là cần thiết để phá vỡ bế tắc và góp phần củng cố một nguyên tắc mà Châu Âu cũng cần dựa vào để duy trì thịnh vượng và an ninh của chính mình. Tự do trên biển là một quy tắc phát triển từ sự công nhận quốc tế, chứ không phải từ nỗ lực của một quốc gia. Nếu muốn nguyên tắc đó được duy trì, nó phải được ủng hộ một cách rộng rãi. Đây là một vai trò mà các đối tác đồng quan điểm như Châu Âu nên đảm nhận. Là một trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới, lợi ích mà Châu Âu được hưởng từ tự do trên biển cũng nhiều như của Mỹ, và việc bảo vệ tự do hàng hải nằm trong lợi ích sát sườn của Châu Âu. Một cách nhìn lục địa về an ninh hàng hải, tức là các quốc gia có thể thống trị trên biển như cách họ làm đất với đất liền, sẽ không chỉ đặt dấu chấm hết cho giao thông hàng hải mà còn mở rộng các tranh chấp lãnh thổ trên biển, trong đó các quốc gia mạnh hơn sẽ chia nhau miếng bánh lợi ích trên cái giá phải trả của các nước yếu hơn. Mỹ có thể đạt được bất cứ mục tiêu an ninh nào trong khu vực Đông Á thông qua các cam kết về thiết bị quân sự, nỗ lực ngoại giao, và nguồn lực kinh tế. Châu Âu có thể hỗ trợ trong một số lĩnh vực. Trước hết, Châu Âu có thể đề nghị các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ nhận lấy vai trò lớn hơn trong đảm bảo an ninh biển. Điều này không chỉ có nghĩa là tiếp tục tiến hành các hoạt động hợp tác chung trong lĩnh vực chống cướp biển, cứu trợ thiên tai, mà còn đồng nghĩa với việc chấp nhận Trung Quốc và các nước lớn khác trong khu vực có một lực lượng hải quân mạnh mẽ hơn với khả năng viễn chinh. Tuy vậy, đây là một cái giá xứng đáng phải trả. Thứ hai, Châu Âu nên tìm cách lôi kéo Trung Quốc tham gia thảo luận xoay quanh mong muốn của Trung Quốc về một hệ thống biển khép kín. Trung Quốc có các lý do lịch sử cho cách tiếp cận này, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy hệ thống hiện nay không có lợi cho Bắc Kinh mà thậm chí là ngược lại. Như một quan chức cấp cao của Trung Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri La 2014, là một quốc gia thương mại toàn cầu “tự do hàng hải là quan trọng đối với Trung Quốc...và chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào nó”. Thứ ba, và quan trọng nhất, Châu Âu phải cho thấy sự ủng hộ rõ ràng đối với quyền tự do triển khai các hoạt động quân sự trong vùng EEZ. Sự hỗ trợ này sẽ giúp Washington thể hiện rõ ràng hơn quan điểm của mình - buộc Bắc Kinh làm điều tương tự - và trấn an các nước khác trong khu vực rằng các nguyên tắc đang được bảo vệ và sẽ không bị lãng quên. Châu Âu đã quen với việc cảm thấy không có quyền lực ở Đông Á, nhưng trong vấn đề này Châu Âu có thể sẽ đóng vai trò quan trọng.

“Quan hệ Việt – Trung liệu có được cải thiện sau tranh chấp?” Gần đây, đặc phái viên của Việt Nam ông Lê Hồng Anh đã có chuyến thăm Trung Quốc nhằm hàn gắn quan hệ hai nước sau hai tháng đối đầu tại Biển Đông. Tuy nhiên, một số cựu quan chức của Việt Nam và các nhà phân tích an ninh cho rằng tình hình chỉ tạm thời êm dịu trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng kiểm soát đối với các vùng biển tranh chấp. Trong cuộc gặp với ông Lê Hồng Anh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có động thái giảm nhẹ căng thẳng với tuyên bố: “Không thể dịch chuyển một nước láng giềng sang vị trí khác, và duy trì mối quan hệ thân thiện là lợi ích chung của cả hai quốc gia”. Còn trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng hai bên nhất trí tránh các hành động có thể leo thang căng thẳng trong khi vẫn tìm kiếm thỏa thuận lâu dài có thể giúp giải quyết tranh chấp biển. Vẫn còn cần thời gian để xem liệu những phát biểu của ông Tập có phải là tín hiệu cho việc Trung Quốc sẽ mềm mỏng hơn cho chính sách Biển Đông của mình hay không. Ông Ian Storey, chuyên gia về các vấn đề an ninh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho rằng việc ông Tập, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, gặp đặc phái viên của Việt Nam cho thấy mức độ quan tâm cao của lãnh đạo Trung Quốc dành cho tranh chấp tại Biển Đông. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Trung Quốc sẽ lùi bước trong yêu sách của mình, “Trung Quốc không hề đưa ra nhượng bộ nào.” Ông Storey cho biết thông điệp của chính phủ Trung Quốc luôn nhất quán. Còn ông Trần Công Trục, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Việt Nam, cho biết tranh chấp giữa hai nước về Biển Đông đã kéo dài nhiều thập kỷ, và một chuyến thăm đơn lẻ sẽ không thể giải quyết được gốc rễ của tranh chấp. Ý đồ kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc không hề thay đổi, và chính phủ Trung Quốc “sẽ thực hiện nhiều hơn các động thái đơn phương có thể khiến căng thẳng gia tăng trong tương lai.”

“Những bài học rút ra sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan” của Paul J. Leaf. Sau sự kiện giàn khoan, chúng ta có thể hiểu được phần nào chiến lược thống trị Châu Á của Trung Quốc. Thứ nhất, Bắc Kinh sẽ xuống nước một cách chiến lược (và tạm thời) khi điều này có lợi cho họ, chẳng hạn như để xoa dịu dư luận quốc tế. Trong sự kiện giàn khoan, Trung Quốc rút giàn khoan cùng thời điểm họ trả tự do cho các ngư dân Việt Nam đã bị bắt giữ trong thời gian hai bên có đối đầu. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu chính là truyền thông điệp tới các nước láng giềng rằng một nước Việt Nam đứng lẻ loi không thể ngăn chặn được Trung Quốc và Mỹ sẽ không can thiệp. Giữ giàn khoan ở lại chỉ thu về những lợi ích nhỏ mà lại khiến cộng đồng quốc tế càng có lý do để coi Trung Quốc như một kẻ bắt nạt. Thứ hai, Trung Quốc sẽ cố khiến các nước láng giềng phụ thuộc nhiều hơn vào họ để giảm bớt sự chống đối từ các nước này. Ví dụ, Trung Quốc đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với Australia, Nhật Bản (theo dự kiến, năm 2014, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia này sẽ tăng lần đầu tiên kể từ năm 2011), Hàn Quốc và Đài Loan. Và Trung Quốc đang xây dựng Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á để thay thế cho Ngân hàng Thế giới – thể chế hiện nằm dưới sự chi phối của Mỹ và Nhật. Từ đó, Bắc Kinh sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để khai thác các nước láng giềng bằng cách chia để trị thông qua kết hợp giữa các biện pháp cưỡng chế với hỗ trợ an ninh và các biện pháp kinh tế. Việc rút giàn khoan của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang tái điều chỉnh - chứ không phải từ bỏ - chiến thuật của mình để có thể gây áp lực ở mức độ phù hợp. Cụ thể, ngay sau khi kết thúc cuộc đối đầu với Việt Nam, Bắc Kinh đã gửi hai tàu khảo sát biển vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên của Manila, sử dụng nhiều hơn các giàn khoan dầu và tàu bảo vệ tại Biển Đông đồng thời công bố kế hoạch xây dựng hải đăng trên các đảo để củng cố yêu sách của mình. Chỉ khi Mỹ và các đối tác của họ phải tận dụng được những bài học từ vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, họ mới có thể ngăn chặn – hoặc ở mức độ thấp hơn là làm chậm lại - các hành động khiêu khích của Trung Quốc.