Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc chiếu video tuyên truyền về Biển Đông ở Mỹ. Trung Quốc đã ngang nhiên chạy đoạn video trên Quảng trường Thời Đại của Mỹ có nội dung tuyên truyền về những yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông. Đoạn video dài 3 phút 2 giây, được chiếu trên màn hình quảng cáo ở Quảng trường Thời đại từ ngày 23/7 và dự kiến kéo dài đến ngày 3/8 với tần suất chạy 120 lần/ngày.

Trung Quốc nhờ Mỹ thúc đẩy nối lại đàm phán với Philippines về Biển Đông. Tại cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry bên lề Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Lào ngày 25/7, Ngoại trưởng Trung Quc Vương Nghị bày tỏ “hy vọng phía Mỹ sẽ có những bước đi cụ thể để hỗ trợ nối lại đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines, và ủng hộ nỗ lực nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực". Theo ông Vương, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã ra một tuyên bố chung về thực thi hiệu quả và toàn diện DOC, trong đó khẳng định để giải quyết tranh chấp Biển Đông các bên cân quay lại con đường đúng đắn là đối thoại và tham vấn giữa các bên trực tiếp liên quan.”

Trung Quốc khẳng định tầm quan trọng của hợp tác với ASEAN. Phát biểu sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan tại Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đánh giá hợp tác Trung Quốc-ASEAN là một nền tảng quan trọng để Trung Quốc tham gia hợp tác khu vực. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN. 25 năm tới sẽ là một giai đoạn chín muồi cho mối quan hệ hợp tác song phương này. Ngoài ra theo ông Vương, Trung Quốc luôn coi trọng vai trò của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và tích cực tham gia vào tiến trình đối thoại, hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 26/7 cũng chỉ trích việc Ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật Bản và Úc ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông bởi cho rằngđiều đó chỉ làm "thổi bùng ngọn lửa" căng thẳng ở khu vực, "Nếu bạn thực sự muốn ổn định trên Biển Đông, bạn nên ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN trong việc thực thi DOC trên Biển Đông và giải quết tranh chấp thông qua đàm phán, tham vấn giữa các nước liên quan trực tiếp. Giờ là thời điểm để xem bạn là người gìn giữ hòa bình hay chỉ là người phá rối.”

Trung Quốc thành lập quỹ 'bảo vệ môi trường' ở Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc hôm 25/7 cho hay cái gọi là “Thành phố Tam Sa” đã thành lập quỹ bảo vệ môi trường ở Biển Đông với số vốn hơn 2,2 triệu USD. Quỹ này sẽ được sử dụng trong ba năm tới, một phần dành cho hoạt động thám hiểm hố sâu nhất thế giới tại Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài ra quỹ trên cũng được dùng vào việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học, phát triển phương pháp và thiết bị mới bảo vệ môi trường. Bắc Kinh cho hay trong 4 năm qua nước này đã chi khoảng 4,5 triệu USD để "bảo vệ các rặng san hô" ở Biển Đông.

+ Việt Nam:

Việt Nam tái khẳng định lập trường hòa bình ở Biển Đông. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và đoàn Việt Nam tái khẳng định lập trường của Việt Nam về việc bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và quan điểm về Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS. Trước những diễn biến gần đây nhất, Việt Nam khẳng định sự cần thiết thực hiện kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và UNCLOS; đồng thời các bên cùng nỗ lực thúc đẩy tham vấn, thương lượng cả trong song phương và các khuôn khổ đa phương, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm ký COC.

Việt Nam phản đối việc quan chức Đài Loan ra khu vực Ba Bình. Ngày 28/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vừa qua, việc một số quan chức Đài Loan ra khu vực Ba Bình đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan không tái diễn các hành động tương tự, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

+ Philippines:

5 đời tổng thống Philippines họp bàn về Biển Đông. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 27/7 đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia chủ yếu để bàn thảo chiến lược của chính phủ trong đàm phám với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông. Cuộc họp diễn ra tại dinh Tổng thống Malacanang có sự tham gia của 4 cựu Tổng thống Fidel Ramos, Joseph Estrada, Gloria Macapagal Arroyo và Benigno Aquino. Đây là một hành động thể hiện tinh thần đoàn kết hiếm hoi của các tổng thống bởi giữa họ từng đối nghịch sâu sắc.

Philippines khẳng đnh phán quyết của Tòa là cơ sở đàm phán với Trung Quốc. Phát biểu với báo giới trong cuộc họp báo hôm 28/7, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines ông Ernesto Abella cho biết Biển Đông là một trong những vấn đề mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thảo luận trong cuộc gặp ngày 27/7 tại Cung điện Malacanang, “Tổng thống Duterte khẳng định Philippines sẽ đàm phán dựa trên phán quyết của tòa trọng tài. Đó sẽ là cơ sở để đàm phán”. Khi được hỏi việc Trung Quốc yêu cầu Philippines phải bỏ qua phán quyết của tòa để làm điều kiện đàm phán, ông Abella cho biết “tình hình không quá bế tắc” và “các đối thoại vẫn sẽ diễn ra”.

+ Mỹ:

Mỹ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông. Phát biểu trong cuộc gặp các quan chức quân sự và ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 26/7, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định những hoạt động tuần tra của Mỹ tại Biển Đông là “hợp pháp” và Washington sẽ vẫn “tiếp tục tiến hành” các hoạt động này. Bà Rice là một trong những quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Trung Quốc từ sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Philippines hôm 12/7.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định phán quyết của Tòa mang tính bắt buộc. Phát biểu tại Manila sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines hôm 27/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố: “Lập trường của Mỹ là ủng hộ mạnh mẽ luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã tuyên bố rõ rằng phán quyết của PCA mang tính ràng buộc và Mỹ hy vọng các bên cần thực hiện nghĩa vụ theo luật pháp. Chúng tôi đang thấy một cơ hội thực sự đối với các bên yêu sách để có thể hợp tác một cách xây dựng, quản lý hòa bình và cuối cùng giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật luật pháp. Mỹ muốn thấy các bên tranh chấp triển khai phương thức ngoại giao, mà không cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực.” Trước đó phát biểu tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Lào hôm 26/7, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố đã đến lúc khép lại các căng thẳng ở Biển Đông và bước sang một trang mới, “Hy vọng rằng đây có thể trở thành thời khắc chúng ta có thể tận dụng, hợp tác tìm ra các phương cách giải quyết vấn đề đánh bắt cá, tài nguyên thiên nhiên, tự do hàng hải và bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên. Đây có thể là thời khắc quan trọng chuyển biến cách thức đàm phán, không phải thông qua các thách thức và hành động đơn phương mà thông qua các biện pháp ngoại giao mang tính xây dựng”.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA. Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tại Lào ngày 25/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Phát biểu trong cuộc gặp kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, Ngoại trưởng Kishida hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa, hướng tới giải quyết hòa bình tranh chấp. Ông Kishida cũng bày tỏ quan ngại của Tokyo về các diễn biến gần đây trên Biển Đông,  hối thúc Trung Quốc kiềm chế và tránh có những hành động có thể làm leo thang căng thẳng. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 24/7 cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Lào Saleumxay Kommasith ở thủ đô Vientiane. Trong đó, Ngoại trưởng Fumio Kishida nhấn mạnh phán quyết của Tòa mang tính ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines; kêu gọi các bên liên quan giải quyết hòa bình tranh chấp và tuân thủ luật pháp quốc tế.

+ Ấn Độ:

Ấn Độ hối thúc các bên tôn trọng UNCLOS. Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Ấn Độ lần thứ 14 tại Lào hôm 26/7, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ V. K. Singh khẳng định các tuyến đường biển tại Biển Đông “có tầm quan trọng sống còn đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Ấn Độ cho rằng các nước nên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình mà không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc luật pháp quốc tế được phản ánh trong UNCLOS.”

Quan hệ các nước

AMM 49 ra Tuyên bố bày tỏ quan ngại về tranh chấp Biển Đông. Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tại Lào ngày 24/7 khẳng định: “Các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những diễn tiến gần đây cũng như hiện nay tại Biển Đông và ghi nhận những quan ngại của một số Bộ trưởng về hành động cải tạo đảo và leo thang các hoạt động tại khu vực. Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế các hoạt động có thể gây phức tạp tình hình và làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông.” Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, thúc giục các bên làm việc hiệu quả và sớm thông qua COC.

Mỹ - Nhật - Úc hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa. Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào hôm 25/7, Bộ trưởng Ngoại giao ba nước này đã tiến hành hội đàm. Tuyên bố chung sau cuộc gặp nhấn mạnh, “Các Bộ trưởng bày tỏ mối quan ngại thực sự về các tranh chấp Biển Đông; đồng thời phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng; thúc giục các bên kiềm chế hành động cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng tiền đồn, cũng như sử dụng cơ sở này cho các mục đích quân sự. Các Bộ trưởng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ luật pháp, kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của Tòa mang tính ràng buộc và cuối cùng đối với cả hai bên. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đây là cơ hội quan trọng để khu vực bảo vệ trật tự luật pháp hiện nay, đồng thời thể hiện sự tôn trọng luật pháp.”

ASEAN-Trung Quốc thông qua Tuyên bố chung về thực hiện DOC. Ngày 25/7 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, các Bộ trưởng thông qua Tuyên bố chung về thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, trong đó tái khẳng định các nguyên tắc của DOC, nhấn mạnh cần sớm đạt được COC nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực. Hội nghị hoan nghênh đối thoại và tham vấn gần đây, trong đó có Cuộc họp các Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC và tham vấn về COC ở Hạ Long, Việt Nam vào ngày 9/6/2016; nhấn mạnh sự ủng hộ đối với đoàn kết, thống nhất của ASEAN sẽ giúp cho phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Việt Nam-Thái Lan muốn xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trên biển. Chiều 28/7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Phó Thủ tướng Thái Lan Tanasak Patimapragorn nhân dịp sang thăm Việt Nam. Chủ tịch nước đề nghị hai nước tăng cường sử dụng đường dây nóng giữa Hải quân hai nước để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên biển, trong đó có vấn đề ngư dân, tàu thuyền; giải quyết vấn đề ngư dân, tàu thuyền theo tinh thần nhân đạo, tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước và quan hệ Đối tác chiến lược. Về phần mình, Phó Thủ tướng Tanasak Patimapragorn khẳng định quan điểm của Thái Lan là giải quyết các vụ việc phát sinh trên biển trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược; các vụ việc đều được giải quyết thông qua kênh ngoại giao giữa các cơ quan chức năng với Đại sứ quán của mỗi nước.

Nga – Trung chuẩn bị tập trận chung ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 28/7, người phát ngôn Dương Vũ Quân cho hay, “Hai nước sẽ tiến hành cuộc tập trận “Phối hợp trên Biển 2016” ở Biển Đông vào tháng 9. Đây là hoạt động tập trận thường kỳ giữa hai lực lượng quân đội, nhằm củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước. Cuộc tập trận không nhằm chống vào bất kỳ bên thứ ba nào”.

Phân tích và đánh giá

Sau phán quyết: Cần củng cố luật pháp ở Đông Nam Á” của Amelia Long

Phán quyết rõ ràng là một thắng lợi giành cho Philippines nhưng khả năng là Trung Quốc sẽ không ngừng các hành vi quyết đoán của mình ở Biển Đông. Các lực lượng dân quân đánh cá của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đánh bắt ở những khu vực mà Trung Quốc cho là có chồng lấn yêu sách. Các quốc gia yêu sách ASEAN sẽ rất khó đối phó với điều đó bởi hạn chế về năng lực chấp pháp cũng như sự lưỡng lự trong việc thách thức Trung Quốc. Một viễn cảnh lý tưởng nhất để đối phó đó là các quốc gia ASEAN thể hiện được một mặt trận đoàn kết trong vấn đề Biển Đông cả về mặt luật pháp cũng như nhận thức rõ đâu là giới hạn đỏ.

Điều đó lại đặt ra một thách thức lớn cho tổng thống Philippines Duterte trong tình thế lưỡng nan: nối lại mối quan hệ với Trung Quốc hay tỏ ra cứng rắn với một đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của mình. Thực tế, đối với Trung Quốc, viễn cảnh tốt nhất để loại bỏ phán quyết là đạt được thỏa thuận song phương: Manila công nhận một số yêu sách của Trung Quốc để đổi lại những nhượng bộ khác.

Việc Philippines phản ứng như thế nào với phán quyết cũng sẽ đặt ra một tiền lệ phản ứng cho các quốc gia tranh chấp cũng như không có tranh chấp về những bất đồng trong tương lai với Trung Quốc.

Indinesia, quốc gia cũng được hưởng lợi từ phán quyết là một ví dụ. Quan điểm chính thức của Indonesia, đó là không có tranh chấp biên giới với Trung Quốc, giờ đây cũng phải đối mặt với việc tăng cường hoạt động chấp pháp bởi tác động mà phán quyết mang lại. Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn được ngư dân Trung Quốc xâm phạm vùng EEZ của Indonesia cũng như không ngăn được tàu hải quân Trung Quốc bảo vệ những tàu cá đó. Nếu như Duterte không khẳng định được chủ quyền của Philippines, điều đó không những cho thấy rằng các quốc gia yêu sách sẽ khuất phực trước áp lực của Trung Quốc, mà nó còn ảnh hưởng đến ý chí của ông Jokowi trong việc tiếp tục theo đuổi một lập trường quyết đoán hơn trước những vụ xâm phạm của Trung Quốc. Và với vai trò “anh cả” có tầm ảnh hưởng đến ASEAN, sự thách thức của Indonesia sẽ khuyến khích hành động phản ứng của khu vực, một điều sẽ tạo ra tiền lệ về cách thức đối phó với sự xâm lấn của Trung Quốc trong tương lai.

Một ASEAN đoàn kết có thể đạt được tiến trình ký kết COC giúp làm giảm căng thẳng sau phán quyết và tạo ra tiền lệ cho tương lai an ninh biển của khu vực. Nhưng thách thức là sự khác nhau về lợi ích, mức độ phụ thuộc kinh tế đối với Trung Quốc. Và với truyền thống chính sách đối ngoại không liên kế cũng như lập trường chính thức không phải là bên tranh chấp, Indonesia có rất ít lý do để gây ảnh hưởng lên ASEAN đạt được một lập trường chung thống nhất.

Dù kết quả có như nào, những tháng tới đây có thể sẽ là bước chuyển trong việc định hình tương lai Biển Đông. Các nhà hoạch định chính sách ASEAN cần tận dụng động lực từ phán quyết để khẳng định chủ quyền và cam kết về trật tự dựa trên luật pháp. Nếu không hành động, điều đó sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm khi Trung Quốc nỗ lực giữ thể diện và lại một lần nữa dẫn dắt cuộc chơi.

Tấn công mạng - Vũ khí bí mật của Trung Quốc ở Biển Đông” của Anni Piiparinen

Chỉ vài giờ sau phán quyết của Tòa Trọng tài, ít nhất 68 trang mạng của chính phủ và địa phương của Philippines đã đồng loạt bị tấn công. Đây không phải là lần đầu tiên các tranh chấp pháp lý mang tính bước ngoặt trên Biển Đông bùng nổ trong không gian mạng. Mùa Hè năm ngoái, tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc xâm nhập các máy chủ của Tòa Trọng tài trong phiên xét xử về vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc, khiến cho bất cứ ai quan tâm đến vụ kiện mang tính bước ngoặt này đều phải đối mặt với nguy cơ bị trộm cắp dữ liệu. Mặc dù Chính phủ Philippines vẫn chưa công khai bên nào phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công mạng gần đây, nhưng bối cảnh và thời gian của vụ tấn công rõ ràng là bằng chứng kết tội nghiêng về phía Trung Quốc. 

Sự vi phạm trên môi trường mạng này đã diễn ra sau một loạt vụ tấn công mạng của Trung Quốc nhắm vào các bên tranh chấp ở khu vực Đông Nam Á liên quan đến vùng Biển Đông, trùng với thời gian căng thẳng về địa chính trị ở mức cao. Chiến dịch tấn công mạng lớn đầu tiên nhằm phản đối việc Philippines tham gia các tranh chấp lãnh thổ đã diễn ra vào tháng 4/2012, sau một vụ việc căng thẳng giữa tàu Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough. Một đơn vị mạng Trung Quốc đã xâm nhập vào mạng của chính phủ và quân đội ở quốc đảo này, đánh cắp tài liệu quân sự và các thông tin liên lạc nhạy cảm khác liên quan đến cuộc xung đột. 

Ngoài Philippines, Việt Nam cũng từng là mục tiêu tấn công phổ biến của các tin tặc Trung Quốc. Năm 2014 Việt Nam là quốc gia bị nhắm mục tiêu tấn công nhiều nhất trong không gian mạng. Năm đó, hai vụ tấn công đáng chú ý đã diễn ra là tháng 5/2014, sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc di chuyển vào vùng biển Việt Nam. Vào tháng 10/2014, các cuộc tấn công tương tự lại diễn ra sau khi có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có khả năng sẽ mua vũ khí để tăng cường khả năng an ninh hàng hải của nước này. 

Các cuộc tấn công DDoS vào các trang mạng quan trọng của Philippines vừa qua cho thấy mặc dù Chính phủ Mỹ và các công ty nghiên cứu báo cáo rằng các cuộc tấn công mạng từ các nhóm liên kết với Trung Quốc đã hạ nhiệt nhưng các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc, nhất là Philippines và Việt Nam, cần đề cao cảnh giác và sớm có những biện pháp hiệu quả để đối phó với tệ nạn tin tặc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia tin học cho rằng các quốc gia, vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei hình như vẫn chưa chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng để đối phó với các đơn vị mạng Trung Quốc. Các nước này cần đầu tư nghiêm túc trong việc bảo vệ an ninh mạng một cách tinh vi thông qua việc tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại trong nước, các sáng kiến khu vực và tăng cường liên minh quốc tế về lĩnh vực quan trọng này. Sau khi Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa và Philippines từ chối đàm phán song phương, tình hình địa chính trị trong khu vực vẫn căng thẳng trong tương lai gần và các vụ tấn công mạng quy mô lớn xuất phát từ phán quyết của Tòa vẫn chưa dừng lại tại đây.

Canada cần làm gì trong vấn đề Biển Đông?” của Deanna Horton

Liệu phán quyết của Tòa Trọng tài đã đưa ra là điểm kết thúc hay sự khởi đầu?”. Trung Quốc có thể không có khả năng tiếp tục duy trì cách tiếp cận sử dụng “đường 9 đoạn” ở Biển Đông, nhưng về lâu dài đây sẽ là điểm kết thúc hay, như một học giả Trung Quốc nói, sẽ là “điểm khởi đầu cho bước đi thứ hai”? 

Giới chuyên gia nhìn chung đều cho rằng Trung Quốc phải thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài. Tuy nhiên, cần nhớ rằng Tòa Trọng tài không hề có cơ chế ép buộc các bên thực thi phán quyết và cũng không ra phán quyết về vấn đề chủ quyền. 

Trung Quốc, như thường thấy, sẽ lớn tiếng hùng biện cho tuyên bố chủ quyền của mình và việc nước này bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài là điều được nhiều người dự liệu. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia ASEAN có thể đi đến một hình thức thỏa thuận nào đó vừa đảm bảo tự do hàng hải, vừa cho phép các bên khai thác tài nguyên, hải sản. 

Trên thực tế, những hoạt động ngoại giao sau đó sẽ thử thách cam kết của tất cả các bên về một “giải pháp hòa bình” cho khu vực này. Chính quyền Trung Quốc đã ám chỉ rằng họ có thể ngừng phô trương sức mạnh quân sự và tiếp tục các quan hệ đầu tư, thương mại của mình. Việc Bắc Kinh là chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào đầu tháng 9 tới, cộng thêm việc có thể “nói chuyện” với chính quyền mới của Philippines dường như đang thôi thúc Trung Quốc thực thi một cách tiếp cận thận trọng (có cân nhắc) hơn. Tuy nhiên, những cái đầu nóng ở Bắc Kinh chắc chắn đang thúc giục Chính quyền nước này triển khai máy bay quân sự hoặc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không tương tự như đã từng làm ở biển Hoa Đông năm 2013. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục coi chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ là một mối đe dọa, bất chấp đã có hoạt động hợp tác quân sự song phương trong một số lĩnh vực. 

Canada nên làm gì trước những diễn biến này? 

Thứ nhất, bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào ở Biển Đông cũng sẽ gây tác động đối với đầu tư và thương mại của Canada ở châu Á, đó là chưa kể đến nguy cơ hủy hoại môi trường do xây dựng đảo. Là một quốc gia ven Thái Bình Dương, Canada nên sẵn sàng gánh vác thêm trọng trách nhằm ngăn chặn những toan tính sai lầm có thể dẫn tới gia tăng xung đột và hủy hoại môi trường.

Thứ hai, Canada được biết đến như một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và, không giống Mỹ, đã phê chuẩn UNCLOS. Đây là cơ hội để Canada ủng hộ các đối tác ở châu Á và đồng thời “nói chuyện” với Trung Quốc để thúc đẩy hội nhập kinh tế, xây dựng lòng tin trong vấn đề đảm bảo an ninh cho tất cả các bên và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đang là một vấn đề thực sự đối với các rạn san hô ở Biển Đông. 

Cuối cùng, Canada có thể đóng góp vào việc giúp các nước đối tác ở châu Á xây dựng năng lực hàng hải, thực thi pháp luật, phát triển nghề cá và bảo vệ môi trường.

Bài học và tác động trước mắt của Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 49” của   Tang Siew Mun

Thực tế hai ngày đàm phán và thảo luận căng thẳng nhằm đạt được một tài liệu đồng thuận đã dấy lên quan ngại về khó khăn mà ASEAN phải vật lộn trong xử lý tranh chấp Biển Đông. Chia rẽ sâu xa trong ASEAN về vấn đề Biển Đông vẫn tiếp tục không thể khắc phục. Campuchia giữ quan điểm cho rằng Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN. Không ngạc nhiên khi Campuchia bị cho là đã ngăn cản ASEAN như đã từng làm trong năm 2012. Trong tương lai, không loại trừ khả năng các cuộc họp của AMM sẽ chứng kiến một hình ảnh Campuchia luôn tìm cách ngăn cản, loại bỏ bất kỳ liên hệ nào giữa Trung Quốc và Biển Đông.

Dễ thấy việc không đề cập đến Toà và vụ kiện là thỏa hiệp để Campuchia đồng ý đưa vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung, đồng thời, các nước thành viên ASEAN khác cũng đã đưa được vấn đề “cải tạo đảo đá” vào trong văn kiện. Thông cáo chung cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong hành động của tất cả các bên, bao gồm cả việc cải tạo đảo đá, có thể làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông”. Lần đầu tiên, AMM có sự đột phá khi nhắc đến Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) và đây cũng được đề xuất là nội dung thảo luận của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc dự kiến vào tháng 9.

Có ba bài học và tác động trước mắt của Thông cáo chung có thể thấy rõ:

Thứ nhất, việc ra được thông cáo chung thể hiện vai trò của Chủ tịch ASEAN. Một chủ tịch công bằng, với quan điểm gắn chặt mục tiêu chung của ASEAN và giúp chống lại các thế lực chia rẽ khối. Về vấn đề này, mặc dù được bao bọc trong “phe Trung Quốc”, Lào vẫn hoàn thành trách nhiệm chủ trì hội nghị, với nỗ lực giữ vấn đề Biển Đông “sống” và tạo điều kiện đạt được quan điểm chung.

Thứ hai, thông cáo chung Viêng Chăn sẽ được sử dụng như một cơ sở mới cho các tài liệu của ASEAN trong tương lai. Tám đoạn dành riêng cho Biển Đông là các mẫu số thấp nhất có hiệu quả, thậm chí đã đi được một bước xa hơn so với tuyên bố của Hội nghị Sunnylands bằng cách ghi nhận quan ngại về các hoạt động cải tạo đảo đá ở Biển Đông. Thông cáo chung cũng đặt ra một tiền lệ mới trong việc nâng vấn đề Biển Đông lên đoạn thứ hai của văn kiện bằng cách nhắc đến việc “tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”. Liệu đây có phải là cử chỉ tượng trưng hay là một động thái tinh tế của ASEAN ủng hộ Tòa Trọng tài?

Thứ ba, Trung Quốc không được nhắc đến trong bất kỳ nội dung nào về Biển Đông. Những nỗ lực nhằm liên kết giữa Trung Quốc với Biển Đông sẽ đều nhanh chóng bị loại bỏ bởi các bên “thân thiện” với Bắc Kinh. Thật không may, đây là thực tế mới mà ASEAN sẽ phải chấp nhận. Viêng Chăn đã vạch ra được sự thật rằng các đồng minh của Trung Quốc trong ASEAN sẵn sàng hy sinh thông cáo chung để ngăn chặn việc hình ảnh Trung Quốc bị ảnh hưởng.

 Quan điểm của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông là đúng đắn” của Abhijit Singh

Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, một số nhà quan sát cho rằng phản ứng nhàm cháncủa Ấn Độ liên quan đến phán quyết của Tòa về vấn đề Biển Đông - nhấn mạnh tự do hàng hải, hàng không và các quy định của luật pháp quốc tế - đã phản ánh sự thiếu hiểu biết về vị trí của pháp lý trong tranh chấp. Một bài viết trên báo The Wire cho biết không chỉ mâu thuẫn trong tuyên bố về vấn đề Biển Đông, New Delhi còn mâu thuẫn trong quan điểm về tranh chấp ở Sir Creek - nơi Ấn Độ từ chối Tòa Trọng tài.

Những lập luận trên là không logic vì rõ ràng vấn đề phân định biên giới trên biển với Pakistan cũng như vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ với Trung Quốc không hề có bất kỳ mối liên hệ nào với quan điểm của New Delhi về vấn đề Biển Đông. Cụ thể, trong vấn đề Sir Creek, đánh giá của các nhà phê bình cho rằng việc Ấn Độ khăng khăng quan điểm tìm một giải pháp theo tinh thần của thỏa thuận Shimla là không phù hợp với tuyên bố của New Delhi về vấn đề Biển Đông. 

Lập luận cho rằng sự ủng hộ của Ấn Độ đối với phán quyết của Tòa về tranh chấp ở Biển Đông ảnh hưởng đến quan điểm của New Delhi về Đường McMahon có vẻ như quá xa vời. Không có gì liên quan giữa quan điểm của Ấn Độ về phán quyết của Tòa với yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Arunachal Pradesh. 

Những người chỉ trích tuyên bố mới đây về Biển Đông của Ấn Độ nhắc đến tuyên bố chung của cuộc họp ba bên giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Nga (RIC) vào ngày 18/4/2016 - nơi mà New Delhi được cho là đã ký thông cáo chung trong đó thể hiện sự ủng hộ lập trường của Trung Quốc giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán song phương. Thông cáo cũng không nói đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tại Tòa dù có đề cập đến UNCLOS. Một số nhà phê bình còn cho rằng sự công nhận DOC trong thông cáo của RIC đã làm mất đi quyền của các bên tham gia kiện tụng theo UNCLOS. 

Đây lại là một sự bóp méo sự thật. DOC là nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình và hòa giải các tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước thuộc ASEAN. Giống như bất kỳ thỏa thuận chính trị nào khác, DOC không đòi hỏi các quốc gia phải từ bỏ quyền tranh tụng hợp pháp. Trong khi thực sự phải chia sẻ trách nhiệm trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, New Delhi không sai khi thừa nhận DOC (trong tuyên bố chung RIC) và nhấn mạnh quan điểm giải quyết tranh chấp hòa bình theo UNCLOS.

Quan điểm của Ấn Độ về phán quyết của Tòa Trọng tài đáng được khen ngợi vì nó vừa nhấn mạnh mối quan tâm của Ấn Độ tới quyền tự do hàng hải ở Biển Đông vừa không mang tính thuyết giáo cũng như tỏ ra trịnh thượng đối với Trung Quốc./.