Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc bác bỏ tàu cá nước này xâm phạm vùng biển của Indonesia. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/3, Người Phát ngôn Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Vụ việc hôm 19/3 diễn ra ở ngư trường truyền thống của Trung Quốc. Sau khi tàu cá trung Quốc bị tàu Indonesia tấn cống và quấy rối, một tàu cảnh sát biển đã tới trợ giúp và đã không tiến vào vùng lãnh hải của Indonesia. Trung Quốc yêu cầu Indonesia phóng thích thủy thủ đoàn và đảm bảo an toàn cho họ. Quần đảo Natuna thuộc về Indonesia và Trung Quốc không phản đối điều đó. Nhưng tranh chấp biển giữa hai nước cần giải quyết thỏa đáng thông qua đàm phán song phương.” Về việc Philippines cáo buộc tàu cảnh sát biển Trung Quốc xua đuổi ngư dân nước này khỏi bãi cạn Scarborough hồi đầu tháng 3, bà Hoa hôm 22/3 cho hay: “Một số tàu cá Philippines gần đây đã đánh bắt trái phép ở các vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough. Tàu Trung Quốc đã thuyết phục những ngư dân này rời khỏi khu vực nhưng những người này đã không tuân thủ, đồng thời có hành động khiêu khích, tấn công nhân viên và tàu chấp pháp của Trung Quốc bằng bom xăng hay vung dao hăm dọa.” Về thông tin Trung Quốc đã đề nghị Indonesia không để lộ vụ va chạm hôm 19/3 với báo giới, bà Hoa hôm 23/3 cho hay: “Trung Quốc tin rằng giải quyết phù hợp và kịp thời vấn đề trên tinh thần tham vấn và đối thoại chân thành là lợi ích chung của hai bên. Trung Quốc và Indonesia sẽ tiếp tục duy trì đối thoại về các vấn đề liên quan.” Về việc Đài Loan gần đây đưa ra tuyên bố lập trường và một báo cáo về Biển Đông, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh hôm 24/3 cho hay: “Quần đảo Trường Sa, bao gồm Đảo Ba Bình là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa. Người dân Trung Quốc hai bờ Eo biển có trách nhiệm bảo vệ những tài sản do tổ tiên để lại.” Về bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong một buổi điều trần rằng Trung Quốc đã tự cô lập mình khi khiến các nước tăng cường hợp tác với Mỹ, bà Hoa tuyên bố: “Nói về sự cô lập, không phải điều đó cho thấy mục đích chia bè phái và cô lập Trung Quốc của  một số người ở Mỹ. Nếu họ có ý định làm vậy, tôi khuyên rằng họ cần sớm từ bỏ, vì điều này không mang tính xây dựng và sẽ không thành công.”

Tàu Indonesia bắn tàu cá Đài Loan. Một chủ tàu Đài Loan cho biết ông nhận được cuộc gọi từ thuyền trưởng Lin Nan-yang vào khoảng 5 giờ (giờ địa phương) hôm 21/3 báo rằng chiếc tàu Sheng Te Tsai của ông này và một con tàu khác là Lien I Hsing 116 đã bị bắn. Các thuyền viên cho biết con tàu mang số hiệu 2804 tấn công họ thuộc hải quân Indonesia. Hai con tàu Đài Loan này đang trên đường đến Singapore để giao hàng và bảo dưỡng tàu thì bị tấn công. Ông Lin cho biết 20 thuyền viên trên cả hai tàu đều không hề hấn gì nhưng tàu Sheng Te Tsai bị bắn thủng hơn 10 lỗ và những phát đạn đều nhằm vào buồng lái. Theo Bộ trưởng Ngư nghiệp và Vấn đề Biển của Indonesia bà Susi Pudjiastuti, “Lực lượng tuần duyên Indonesia đã cố gắng liên lạc với tàu Đài Loan nhưng không nhận được hồi âm. Tàu cá Đài Loan thậm chí còn định đâm vào tàu tuần duyên. Chúng tôi buộc phải nổ súng, yêu cầu họ rời khỏi vùng biển Indonesi, Bà Pudjiastuti còn cung cấp một video dài hơn một phút rưỡi, cho thấy cảnh tàu Indonesia bám sát tàu Đài Loan, nháy đèn yêu cầu tàu Đài Loan dừng lại nhưng không được đáp ứng.  

Đài Loan ngang nhiên đưa báo chí quốc tế ra thăm đảo Ba Bình. Máy bay C-130 hôm 23/3 đã đưa hơn 20 nhà báo địa phương và quốc tế tới thăm đảo Ba Bình. Đoàn khách này sau đó đã được tham quan bưu điện và giếng nước ngọt, cùng một số cơ sở và công trình trên đảo. Thứ trưởng Ngoại giao Lệnh Hồ Vinh Đạt (Bruce Linghu), người dẫn đầu đoàn cho biết chuyến thăm này nhằm chứng mình Ba Bình là một đảo có thể duy trì đời sống con người, chứ không phải là đá như Philippines tuyên bố.

Trung Quốc thành lập trung tâm nghiên cứu chung về Biển Đông. Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc - Đông Nam Á về Biển Đông (CSARC) được ra mắt hôm 25/3 bên lề Diễn đàn châu Á Bác Ngao tại tỉnh Hải Nam. Đây là kết quả hợp tác bước đầu giữa Viện Nghiên cứu Hải Nam Trung Quốc (NISCSS) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Indonesia. Bà Yan Yan, Phó giám đốc NISCSS cho rằng: “Hiện chúng tôi chỉ có hai tổ chức sáng lập, nhưng dự tính mời các tổ chức và chuyên gia của Singapore tham gia trong thời gian tới bởi Singapore có rất nhiều chuyên gia về Biển Đông”. Trong khi đó Ngô Sĩ Tồn, người đứng đầu NISCSS, khẳng định trung tâm này sẽ là nền tảng cho các thảo luận liên quan đến Biển Đông, một mô hình hợp tác nghiên cứu biển giữa các nước trong khu vực.

Trung Quốc cam kết giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Phát biểu tại một hội nghị về Biển Đông trong khuôn khổ diễn đàn Bác Ngao hôm 25/3, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố: “Tranh chấp Biển Đông là vấn đề nan giải nhưng không phải không thể giải quyết. Tranh chấp cần giải quyết bằng đàm phán và tham vấn giữa các bên trực tiếp liên quan. Một số quốc gia đã đưa vấn đề Biển Đông ra diễn đàn đa phương. Mục đích thực sự không phải là tìm cách giải quyết, mà là khuấy động vấn đề. Trung Quốc cực lực phản đối vụ kiện trọng tài mà Philippines khởi xướng.” Theo ông Lưu, “Quan điểm của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán. Trung Quốc tiếp tục nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình đối với tranh chấp Biển Đông, hợp tác cùng ASEAN thúc đẩy tham vấn COC bên trong khuôn khổ thực thi toàn diện và hiệu quả DOC, giúp bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Trung Quốc cam kết về quyền tự do hàng hải và hàng không của các nước ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Trung Quốc triển khai giàn khoan ra Biển Đông. Cục Hải sự Trung Quốc hôm 25/3 thông báo triển khai giàn khoan Hải Dương 943 tại vị trí 17-47.5 độ vĩ bắc, 108-46.0 độ kinh đông, từ ngày 25/3 đến 31/7. Cục Hải sự Trung Quốc cảnh báo tàu thuyền không đi lại trong phạm vi bán kính 1 hải lý. Hải Dương Thạch Du 943 là giàn khoan tự nâng, có thể làm việc ở độ sâu 122 m và khoan sâu đến 10.000 m, do Tập đoàn đóng tàu công nghiệp nặng Đại Liên đóng và vừa được bàn giao từ tháng 1 năm nay.

Tàu Trung Quốc đến Indonesia tham gia tập trận chung. Ngày 26/3, hai tàu chiến của Trung Quốc đã rời cảng Thanh Đảo để tới Indonesia tham gia cuộc tập trận chung hải quân đa phương Komodo (Multilateral Naval Exercice Komodo - MNEK), được tổ chức 2 năm một lần. Đợt tập trận lần này được dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 15/4 với chủ đề năm nay là “sẵn sàng và hợp tác vì hòa bình”. Ngoài Trung Quốc và Indonesia, còn có Mỹ, Nga, Úc, Pháp cùng tham gia năm nay.

Đài Loan bắt giữ ngư dân Trung Quốc trên Biển Đông. Tuần duyên Đài Loan hôm 26/3 đã phát hiện tàu đánh cá Trung Quốc cách Đông Sa khoảng 13,89km về phía nam. Sau khi bắt giữ con tàu, hải cảnh Đài Loan phát hiện trên tàu có 15 tấn san hô quý các loại, 400 kg động vật giáp xác và 3 cá thể rùa quý hiếm trên tàu. Nguy hiểm hơn, hải cảnh Đài Loan còn phát hiện 40 kg chất độc chuyên dùng để giết cá. Đài Loan đã bắt giữ và đưa 41 ngư dân Trung Quốc về thành phố Cao Hùng để thẩm vấn.

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Đài Loan tôn trọng chủ quyền. Về việc ngày 23/3 Đài Loan đưa một nhóm phóng viên ra đảo Ba Bình, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ ngày 24/3: “Việc Đài Loan bất chấp những quan ngại và phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, đưa phóng viên ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm leo thang căng thẳng, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như quan hệ hai bên. Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng, phức tạp thêm tình hình”.

+ Philippines:

Philippines thành lập đơn vị đặc biệt phụ trách về Biển Đông. Theo văn bản Văn phòng Tổng thống Philippines đưa ra hôm 17/3, đơn vị đặc biệt này do Cố vấn An ninh Quốc gia Cesar Garcia điều hành với các thành viên đến từ Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Năng lượng, Tài nguyên-Môi trường...Đơn vị đặc biệt trên cũng bao gồm các thành phần từ quân đội, lực lượng bảo vệ bờ biển, cảnh sát biển, Cục Ngư nghiệp và Tài nguyên Nước. Lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm “quản lý và đồng bộ hóa việc sử dụng năng lực của nhiều cơ quan chính phủ khác nhau ở Biển Đông.” Văn bản này nêu rõ, “Vì lợi ích, chính sách quốc gia và trong bối cảnh chiến lược hiện nay, một cách tiếp cận thận trọng và chặt chẽ hơn trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông là rất cần thiết vì mục đích điều phối nỗ lực quốc gia và thống nhất hành động ở Biển Đông”.

Philippines hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được với Mỹ. Thỏa thuận mới đạt được, trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược thường niên Mỹ-Philippines hôm 18/3, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận năm căn cứ quân sự của Philippines. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose hôm 20/3 nhận định: “Năm căn cứ này tái khẳng định cam kết của hai nước củng cố quan hệ đồng minh vì mục tiêu phòng thủ và bảo vệ an ninh của hai bên”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Peter Galvez nhấn mạnh, sự hiện diện của Mỹ sẽ giúp quân đội Philippines nâng cao năng lực bảo vệ an ninh trên biển và cứu trợ thiên tai. Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường giữa hai nước có hiệu lực kể từ tháng 1 năm 2016.

Ngoại trưởng Philippines quan ngại về hành động quyết đoán của Trung Quốc. Quyền Ngoại trưởng của Philippines Jose Almendras hôm 21/3 cho hay Philippines sẽ có hành đồng thích hợp trước báo cáo về việc Trung Quốc quấy rối ngư dân nước này, “Sau khi  lực lượng Vũ trang xác định vụ việc, chúng ta sẽ có hành động chính thức, bày tỏ quan điểm bằng con đường ngoại giao.” Theo báo cáo, tàu chính phủ Trung Quốc đã phong tỏa Bãi cạn Scarborough và xua đuổi ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn vào ngày 5-6/3.

+ Indonesia:

Indonesia phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 21/3, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho hay Indonesia đã gửi công hàm phản đối chính phủ Trung Quốc về hành động của tàu cảnh sát biển Trung quốc “đã vi phạm chủ quyền và quyền tài phán đối với lãnh thổ Indonesia bên trong vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Ngoại trưởng Retno Marsudi cũng đã triệu tập tham tán công sứ của sứ quán Trung Quốc tại Indonesia, do Đại sứ Trung Quốc vắng mặt, để yêu cầu giải thích về vụ việc. Trong khi đó, Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc, Bộ trưởng Biển và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti cho hay “Chúng tôi cảm thấy những nỗ lực của chúng tôi bị cản trở và phá hoại. Có khả năng Indonesia sẽ đưa vụ này ra tòa án quốc tế về luật biển.” Phó Chủ tịch Hạ viện Indonesia Fahri Hamzah thì nhận định Tổng thống Joko Widodo nên thể hiện vai trò chỉ đạo trong tranh chấp quyền đánh bắt cá giữa Indonesia và Trung Quốc, “Tổng thống Joko Widodo không nên đánh giá thấp mức độ phức tạp của các tranh chấp và để cho Bộ trưởng Thủy sản Susi Pudjiastuti giải quyết, bởi vì bà ấy chỉ chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề kỹ thuật liên quan đến vấn đề về biển”. Tiếp đó ngày 24/3, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Đối ngoại của Hạ viện Indonesia Mahfud Siddiq khẳng định: “Việc tăng cường một căn cứ quân sự trên đảo Natuna là một yếu tố quan trọng đối với hệ thống phòng thủ khu vực miền trung Indonesia, nơi có đường biên giới tiếp giáp với nhiều quốc gia ở Biển Đông”.

Indonesia tuyên bố không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố trên được Người phát ngôn Phủ Tổng thống Malaysia Johan Budi đưa ra hôm 23/3 sau khi Indonesia bắt giữ 8 ngư dân của Trung Quốc với các buộc đánh bắt trái phép ở vùng biển Natuna, “Đây đơn thuần là hoạt động chấp pháp của Indonesia và chúng tôi đã gửi công hàm phản đối phía Trung Quốc.” Trong khi đó Bộ trưởng An ninh, Chính trị và Pháp lý Indonesia ông Luhut Pandjaitan ngày 23/3 cho hay 8 thuyền viên trên sẽ bị truy tố, “Indonesia và Trung Quốc là những người bạn tốt nhưng toàn vẹn chủ quyền của Indonesia phải được bảo vệ.” Tờ Bloomberg tiết lộ, vài giờ sau khi có thông tin về cuộc đối đầu lực lượng chấp pháp hai bên, một nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã gọi cho một quan chức chính phủ Indonesia với đề nghị: “Đừng cho giới truyền thông biết, điều quan trọng chúng ta là bạn”. Tuy nhiên đề nghị đó đã bị từ chối khi giới chức Indonesia tổ chức một cuộc họp báo để bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc.

Indonesia kêu gọi duy trì an ninh ở Biển Đông. Phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao ở Hải Nam-Trung Quốc hôm 24/3, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nêu rõ: “Indonesia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên chúng tôi ý thức những rủi ro thực sự của vấn đề, trong đó tranh chấp lãnh thổ có thể biến thành một cuộc xung đột mở. Nếu để tranh chấp tiếp diễn, xung đột do tranh chấp tạo ra sẽ tác động nặng nề đến kinh tế và các bên trong khu vực đều sẽ phải chịu thiệt hại. Theo ông Kalla, “Indonesia thực sự tin tưởng rằng tôn trọng lẫn nhau và kiềm chế sẽ giữ vai trò then chốt trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông.”

+ Malaysia:

Malaysia phát hiện nhiều tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm vùng biển. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia ông Shahidan Kassim hôm 25/3 cho biết khoảng 100 tàu thuyền Trung Quốc ngày 24/3 đã bị phát hiện xâm phạm vùng biển gần Bãi cạn Luconia của nước này trên Biển Đông. Theo Bộ trưởng Shahidan, Cơ quan chấp pháp biển Malaysia (MMEA) và Hải quân đã triển khai các tàu tới khu vực này để giám sát tình hình. Bộ trưởng Shahidan tuyên bố Kuala Lumpur sẽ có hành động pháp lý nếu các tàu này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Đến hôm 26/3, người đứng đầu Cơ quan chấp pháp biển Malaysia (MMEA) ông Ahmad Puzi Ab Kahar cho biết, tính đến hôm 25/3 chỉ có 82 tàu cá nước ngoài hiện diện trong khu vực. Tuy nhiên, MMEA không xác định được những tàu này thuộc nước nào bởi thiếu các dấu hiệu nhận diện như cờ, số hiệu của tàu.

+ Mỹ:

Tàu chiến Mỹ thăm cảng Philippines. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Mỹ USS Ohio (SSGN-726) hôm 22/3 vừa cập cảng vịnh Subic. Chỉ huy tàu USS Ohio, Thuyền trưởng Michael Lewis cho hay, “Thông qua hoạt động hợp tác cùng các đối tác, như chuyến thăm Vịnh Subic, chúng tôi giúp duy trì sự ổn định trong khu vực. Nhiệm vụ của tàu ngầm USS Ohio là hỗ trợ Hạm đội 7 trong nhiều hoạt động và 165 thành viên thủy thủ đoàn luôn sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ.” USS Ohio là một trong những tàu ngầm lớn nhất thế giới, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, gồm cả tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến chống hạm, tác chiến hải quân liên quan tới lực lượng đặc nhiệm, tình báo và giám sát.

+ Úc:

Thủ tướng Úc chỉ trích hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại Sydney hôm 23/3, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho hay: “Không thể phủ nhận hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra lo lắng và làm gia tăng mối quan ngại trong các nước láng giềng. Những hành động đó là phản tác dụng. Tranh chấp Biển Đông cần giải quyết theo luật pháp quốc tế, chứ không phải thay đổi thực địa, trong trường hợp này là các đảo nhân tạo. Sự phát triển kinh tế thần kỳ của khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, phụ thuộc vào môi trường tương đối hòa bình. Rủi ro sẽ là rất lớn nếu phá vỡ môi trường đó.”

Quan hệ các nước

Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Việt-Nga lần thứ hai. Đối thoại diễn ra chiều 21/3 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Anatoly Antonov Bộ Quốc phòng Liên bang Nga và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam. Hai bên đã nhất trí đánh giá những nguy cơ đối với hai nước, tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương; cho rằng để duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, cần tăng cường các cơ chế hợp tác song phương và khu vực, nhất là các cơ chế đối thoại, xây dựng lòng tin chiến lược và đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao phòng ngừa, cũng như các biện pháp ngăn ngừa, quản lý xung đột tại khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc – Malaysia thảo luận về vấn đề Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Malaysia hôm 21/3 trong chuyến thăm nước này, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne tuyên bố: “Điều quan trọng là đảm bảo tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông cho tất cả các nước trong khu vực. Úc, trong Sách trắng mới được công bố, không nhất thiết là phải làm hài lòng Trung Quốc với những đánh giá của mình. Chúng tôi hết sức nhất quán khi nói rằng Úc sẽ tiếp tục các hoạt động triển khai tàu và máy bay tới khu vực này khi chúng tôi thấy cần thiết, phù hợp với luật pháp.” Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho hay, “Malaysia sẽ không thể đối mặt với các vấn đề phức tạp trên Biển Đông một mình. Theo tôi, các cơ chế hiện nay như FPDA, ADMM-Plus, hợp tác song phương Úc và mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo là rất quan trọng. Với cá nhân tôi, điều quan trọng là kết nối những bạn bè trong ASEAN. Tới đây tôi sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp ở Philippines và Việt Nam.”

Đàm phán cấp chuyên viên Việt Nam - Indonesia về vùng biển. Đàm phán vòng thứ tám cấp chuyên viên về phân định Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa Việt Nam và Indonesia đã được tổ chức tại Bali, Indonesia, từ ngày 22-24/3/2016. Tại vòng đàm phán này, hai bên tiếp tục thảo luận các phương pháp phân định EEZ trên cơ sở các quy định của UNCLOS năm 1982 và trao đổi quan điểm về nguyên tắc còn tồn tại của dự thảo Các nguyên tắc và hướng dẫn đàm phán.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hội kiến Thủ tướng Trung Quốc. Chiều 23/3, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương tại Hải Nam, Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường. Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ lo ngại về những diễn biến mới gần đây ở Biển Đông; đề nghị Trung Quốc cùng thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và giải quyết bất đồng, tranh chấp trên cơ sở Luật pháp quốc tế, không để ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Trung; triển khai tốt các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển giữa hai nước; cùng các nước ASEAN thực hiện hiệu quả DOC và sớm xây dựng COC, không có các hành động mới gây phức tạp thêm tình hình; xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá.

Trung - Nga cần hợp tác để giải quyết các vấn đề nóng. Phát biểu trong cuộc gặp Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov hôm 25/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay Trung Quốc và Nga cần tăng cường liên lạc và phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế để giải quyết về mặt chính trị các vấn đề điểm nóng hiện nay, “Hợp tác chiến lược Trung Quốc và Nga đóng vai trò chiến lược trong quá trình gìn giữ hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới nói chung.” Về phần mình, Chánh văn phòng Ivanov cho biết, các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên sẽ dẫn lối cho quá trình phát triển quan hệ song phương và hai nước cần tiếp tục giữ vững quá trình hợp tác trong các lĩnh vực và tăng cường liên lạc, cũng như phối hợp trong các vấn đề quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt-Trung trao đổi vấn đề Biển Đông. Sáng 27/3, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì Lễ đón chính thức Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đã thẳng thắn trao đổi về vấn đề tranh chấp trên biển ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước và nhấn mạnh, hai bên tiếp tục xử lý thỏa đáng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị; căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Hai bên nhất trí Quân đội hai nước phải bình tĩnh, kiềm chế, kiểm soát tốt tình hình, không đe dọa sử dụng vũ lực, không để xảy ra xung đột.

Phân tích và đánh giá

Tại sao Trung Quốc không nên rút khỏi UNCLOScủa Tara Davenport

Khi phán quyết về vụ kiện sắp được đưa ra, một số người nói rằng Trung Quốc nên rút lui khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Đó không phải là một lựa chọn khả thi.

Thứ nhất, việc rút lui khỏi UNCLOS cũng không rũ bỏ được trách nhiệm đối với phán quyết từ vụ kiện của Philippines. Điều 317 của UNCLOS quy định rõ ràng rằng việc rút lui khỏi UNCLOS sẽ không hề ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ và địa vị pháp lý của quốc gia này bắt nguồn từ việc áp dụng Công ước, trước khi Công ước không còn hiệu lực đối với quốc gia đó.

Thứ hai, việc từ bỏ UNCLOS cũng không hoàn toàn ngăn cản được các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Malaysia hay Nhật Bản thực hiện hành động tương tự như Philippines. Theo điều 371, việc rút khỏi UNCLOS chỉ có hiệu lực sau đó một năm sau khi được phê chuẩn. Không có gì có thể ngăn cảnh các quốc gia này thực hiện điều đó trong thời gian một năm việc từ bỏ có hiệu lực. Như vậy, thay vì loại bỏ các hoạt động bất lợi cho mình, có thể việc Trung Quốc rút lui càng làm tăng thêm các vụ kiện chống Trung Quốc trược khi một năm phê chuẩn có hiệu lực.

Thứ ba, hiện Trung Quốc đã gắn chặt vào hệ thống của UNCLOS. Chẳng hạn như việc Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào cơ chế về hoạt động khai thác vùng biển sâu, mà theo Phần XI của UNCLOS lại cho phép các quốc gia thành viên khai thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên nước sâu ở những khu vực nằm ngoài thẩm quyền của quốc gia đó. Đối với Trung Quốc, động lực cho hoạt động khai thác ở các vùng biển sâu không chỉ nằm ở nguồn lợi kinh tế mà nó còn xuất phát từ lý do chiến lược. Như vậy, nếu như rút lui khỏi UNCLOS, Trung Quốc sẽ phải từ bỏ các hoạt động hiện tại của mình. Cách duy nhất để thực hiện nếu không phải là một thành viên là Trung Quốc phải thực hiện khai thác chung với một quốc gia thành viên. Đây là một hoạt động phực tạp, tiêu tốn thời gian và không có gì đảm bảo sự thành công. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có được quyền lợi theo điều 76, Phần VI của UNCLOS về vấn đề yêu sách vùng thềm lục địa ngoài 200 hải lý trong việc khai thác nguồn tài nguyên ở đây.

Thứ tư, khi là một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc được quyền sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Phần XV cũng như tham gia vào các cơ chế khác của UNCLOS. Dù vẫn chưa sử dụng đến Phần XV, Trung Quốc cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt các phiên điều trần đối với hai quan điểm tư vấn của ITLOS. Trung Quốc cũng là thành viên của ISA (Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế) và cũng có đại diện trong Ủy ban Kỹ thuật và Pháp lý ISA, nơi phê chuẩn việc thăm dò và khai thác vùng biển sâu.

Cuối cùng và có lẽ là là lý do thuyết phục nhất, việc Trung Quốc rút lui khỏi UNCLOS sẽ làm xói mòn niềm tiên vốn đang mong manh về cam kết “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Khi những căng thẳng ở Biển Đông không ngừng gia tăng, việc từ bỏ UNCLOS có thể sẽ phả hủy niềm tin của quốc gia khu vực. Điều này sẽ làm chệch hướng đối với những nỗ lực của Trung Quốc về một giải pháp đàm phán đối với tranh chấp.

Liệu Indonesia sẽ lựa chọn đi đầu trong vấn đề Biển Đôngcủa Aaron L. Connelly

Va chạm giữa các tàu chấp pháp Trung Quốc và Indonesia ở Biển Đông tuần trước có thể sẽ đánh dấu bước chuyển trong chính sách của Indonesia của Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo, buộc ông phải chọn lựa giữa hai ưu tiên hàng đầu của mình: thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc và quyết đoán hơn trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên.

Indonesia từ lâu vốn tìm cách né tránh tham gia vào những cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Trong trường hợp về yêu sách mập mờ và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, một yêu sách mà Mỹ đã phản đối vì thiếu cơ sở theo luật quốc tế, Indonesia có truyền thống duy trì việc đóng vai trò là “trung gian chân thành” giữa các bên yêu sách. Nhưng những hành vi gần đây của tàu Hải cảnh Trung Quốc lại cho thấy cách tiếp cận đó không thể bền vững. Vào ngày 20/3, tàu chấp pháp ngư nghiệp Indonesia đã nỗ lực bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt trong vùng EEZ của Indonesia, gần quần đảo Natuna, điểm cực nam của Biển Đông. Quan chức Trung Quốc không chối bỏ điều đó nhưng họ lại coi khu vực này là “vùng đánh cá truyền thống của Trung Quốc”. Trung Quốc không yêu sách quần đảo Natuna nhưng yêu sách đường 9 đoạn lại chồng lấn lên vùng biển khu vực này. Vụ việc xảy ra vào đúng thời điểm khi Bộ Điều phối Chính trị, Luật pháp, An ninh Indonesia tiến hành đánh giá liên ngành về chính sách Biển Đông của Indonesia. Trừ khi hai bên đạt được một thỏa thuận nhằm giữ thể diện, nếu không vụ việc sẽ buộc hoạt động đánh giá trên phải đưa ra một đường lối cứng rắn hơn, bất chấp rủi ro về đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia, và điều đó sẽ khiến cho Indonesia gần gũi hơn với Mỹ.

Nếu như vụ việc dẫn đến sự thay đổi lập trường của Indonesia ở Biển Đông, các quốc gia láng giềng nhỏ hơn, vốn vẫn trông chờ vào vai trò lãnh đạo cũng như sự ủng hộ của Indonesia ở Biển Đông, sẽ chú ý đến điều này.

Nhưng nếu Indonesia thực sự thực thi một đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc, thì điều quan trọng không kém là liệu chính sách đó chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích hạn hẹp của Indonesia hay là nhằm bảo về những quy tắc và chuẩn mực quốc tế, là những điều bảo vệ quyền lợi biển cho tất cả các quốc gia.

Một đánh đánh giá về đặc điểm chính sách của ông Jokowi cho thấy rằng, ông sẽ tiếp tục kiểu hành động cũ như trước đây vì nó cho phép Indonesia tiếp tục duy trì khoảng cách với hai cường quốc và tiếp tục thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc. Nhưng điều gì đảm bảo Trung Quốc sẽ tiếp tục tôn trọng cam kết của mình?

Một Indonesia với vai trò lãnh đạo lớn hơn ở khu vực là xây dựng một tương lai mà ở đó tham vọng của Trung Quốc bị kiềm chế bởi chính sự tuân thủ của Bắc Kinh đối với các quy tắc, thể chế quốc tế. Như vậy sẽ bảo đảm tốt hơn cho lợi ích của Indonesia trong dài hạn.

Biển Đông: Trung Quốc và phần còn lại- xã luận trên tờ The Economist

Khi Biển Đông ngày càng trở nên quân sự hóa, rủi ro xung đột càng cao.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tìm cách “chia để trị” ở Biển Đông. Họ tích cực theo đuổi việc ngăn các quốc gia cùng tập hợp đứng lên thách thức yêu sách của mình. Vì vậy khi căng thẳng với một quốc gia tăng lên thì Trung Quốc có xu hướng không khiêu khích với các quốc gia khác. Nhưng điều đó giờ không còn. Giờ đây có vẻ như Trung Quốc đối đầu với tất cả trong cùng một thời điểm.

Vụ việc gần đây nhất mà Trung Quốc gây ra là với một quốc gia không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc: Indonesia. Trong vụ việc này, dường như khá rõ là tàu Trung Quốc đã nằm trong vùng biển của Indonesia. Indonesia cho rằng tàu của Trung Quốc chỉ cách quần đảo Natuna 4km, nằm trong lãnh hải 12 hải lý chứ chưa nói đến vùng EEZ 200 hải lý. Trung Quốc nhận thức rõ về chủ quyền của Indonesia ở Natuna. Nhưng thay vì đưa ra lời xin lỗi, bộ ngoại giao Trung Quốc lại yêu cầu thả ngư dân và tuyên bố họ đang thực hiện “hoạt động bình thường” trong “vùng đánh cá truyền thống của Trung Quốc”. Là thành viên của UNCLOS, theo đó các quốc gia được hưởng quyền về lãnh hải và EEZ của mình. Nhưng luận điệu của chính phủ Trung Quốc lại ám chỉ một điều: yêu sách “truyền thống” của nước này có sức nặng hơn cả luật quốc tế.

Đảo nhân tạo và những yêu sách không có luận cứ

Trung Quốc vẫn không giải thích yêu sách của mình theo đúng quy định của UNCLOS. Thực tế, nước này vốn vẫn thường chà đạp lên những thỏa thuận và luật quốc tế khi hành động trên biển. Những cam kết của nước này (như khi ký DOC) hoàn toàn trái ngược với những hành vi gần đây, như việc cải và xây dựng đảo trên quy mô lớn ở Trường Sa, hay như việc chiếm bãi Scarborough từ Philippines bốn năm trước đây.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài. Phán quyết có thế sẽ sớm được đưa ra và nếu có lợi cho Philippines, điều đó sẽ có tác dụng chứng minh yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc là vô giá trị. Trung Quốc tuyên bố tẩy chay vụ kiện và không chấp thuận phán quyết. Phán quyết có thể gây khó khăn cho Trung Quốc nhưng nước này sẽ không ngừng hoạt động cải tạo hay dỡ bỏ các công trình đã xây dựng. Nhiều khả năng là các đảo nhân tạo sẽ được phục vụ cho mục đích quân sự cho dù Trung Quốc vẫn phủ nhận. Cùng với các cơ sở đang xây dựng, nhiều khả năng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng ADIZ ở Biển Đông, giống như đã làm ở Hoa Đông.

Những kẻ xâm lược thường không tự nhận mình là kẻ xâm lược. Và thực tế Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ là kẻ đứng sau “quân sự hóa” khu vực, là kẻ “khuấy đục Biển Đông” và “biến Châu Á - Thái Bình Dương trở thành Trung Đông thứ hai”. Trung Quốc sẽ không lùi bước và tự tin cho rằng Mỹ sẽ không mạo hiểm dính vào một cuộc khủng hoảng lớn chứ chưa nói đến xung đột. Việc Mỹ tăng cường vai trò quân sự lại là cái cớ để Trung Quốc quân sự hóa. Xung đột vũ trang ở Biển Đông khó xảy ra nhưng đây là điều các bên cần tính đến.

Tình bạn, gia đình và tiền bạc nhưng còn vấn đề Biển Đông thì sao?của Munir Majid

Tại Hội nghị Hợp tác Mê Công - Lan Thương tại Hải Nam vừa qua, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất với năm quốc gia thành viên khoản vay và tín dụng 11,5 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và các dự án khác. Ông Lý Khắc Cường còn cho rằng các quốc gia mà con sông chảy đều đã là “gia đình”.

Những hứa hẹn về nguồn tài chính còn lớn hơn xuất phát từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) và Quỹ Con đường Tơ lụa, tất cả đều sẽ dẫn đến việc sử dụng đồng Nhân dân tệ nhiều hơn và gia tăng phạm vi Khối Thịnh vượng Chung với Trung Quốc là trung tâm. Và như vậy, một ASEAN sẽ tự chia rẽ mà không cần Trung Quốc phải tác động.

Là một “gia đình”, lời hứa về tiền bạc là điều gì đó gắn với hành vi và sự quy phục đối với kẻ bề trên. Quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và các quốc gia khu vực như vậy là mối quan hệ mập mờ với nhiều mối hoài nghi. Và Trung Quốc hiện đang tự hủy hoại sự hấp dẫn về mặt kinh tế bằng những hành vi và tuyên bố yêu sách ở Biển Đông.

Những tính toán sai lầm

Hiện các quốc gia ASEAN vẫn bị “quy phục” và “nhút nhát” bởi những lời hứa về tài chính của Trung Quốc cho dù có những cân nhắc trong nước về hành vi thô bạo và hay thay đổi của nước này.

So với năm 2002, Trung Quốc hiện đã thay đổi khi mà nước này trở nên hùng mạnh hơn. Thời điểm đó Trung Quốc ký DOC với ASEAN với tư cách là một khối thì hiện Trung Quốc đột nhiên thay đổi và chỉ đàm phán song phương với từng nước. Đàm phán về COC cũng bị đình trệ. Singapore đại diện cho ASEAN, đàm phán về Quy tắc Chống va chạm Bất ngờ trên Biển (CUES) đến nay vẫn chưa đạt được bất kỳ kết quả nào.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã cải tạo và biến các bãi đá trong khu vực tranh chấp thành các đảo nhân tạo và tuyên bố quyền lãnh hải 12 hải lý cho các thực thể này. Biển Đông đang bị quân sự hóa khi Trung Quốc xây dựng các đường băng máy bay và lắp đặt tên lửa tại khu vực.

ASEAN không thể làm ngơ trước những thực tế và không thể thờ ơ vô cảm bởi những lời nói dối cứ lặp đi lặp lại. ASEAN phải cho thấy mình không thể bị mua chuộc. Vụ va chạm với Indosia mới đây được cho là nằm trong lãnh hải Natuna, cho thấy yêu sách của Trung Quốc là tham vọng bành trướng và là mối đe dọa, và cũng không loại trừ khả năng va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều đó có những tác động rất lớn đối với các quốc gia ASEAN, kể cả bên không có tranh chấp.

Những gì ASEAN cần phải làm là cùng đứng lên đối phó với yêu sách của Trung Quốc, và không nên có hành vi “đi đêm” trong vấn đề đàm phán chủ quyền với Trung Quốc. Các quốc gia không nên mù quáng trước những lời hứa về vấn đề tài chính của Trung Quốc bởi chúng kèm theo cái giá phải trả. ASEAN cũng không nên để vấn đề Biển Đông là vấn đề riêng của từng quốc gia và tất nhiên cũng không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc chiến tàu ‘thân trắng’ ở Biển Đôngcủa Koh Swee Lean Collin

Lực lượng cảnh sát biển, thường được gọi là tàu “thân trắng”, phải thiết lập sự hiện diện ổn định hơn so với lực lượng hải quân (tàu “thân xám”) thông thường. Đây là lý thuyết về sức mạnh trên biển mà Harold Kearsly đưa ra vào năm 1992. Tàu “thân trắng” không trang bị vũ khí quân sự hay cảm giác về chiến tranh như lực lượng hải quân thông thường. Nhưng lý thuyết có thể chỉ tương đối khi mà các bên liên quan có những cách diễn giải khác nhau và thậm chí là chủ nghĩa xét lại. Và Trung Quốc đã chấm dứt ý tưởng này của Kearsly. Những va chạm liên tiếp tái diễn ở Biển Đông cho thấy: tàu “thân trắng” không còn ôn hòa so với tàu hải quân. Trong một số trường hợp, chúng còn cho thấy mức độ hung hăng trong khi tàu hải quân lại tương đối hòa dịu.

Tàu thân trắng ở Đông Nam Á

Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) có lẽ còn có hành vi hung hăng hơn lực lượng bảo vệ bờ biển trong của thời kỳ cuộc chiến về cá tuyết (thập niên 40-70 thế kỷ 20 giữa Iceland và Anh tranh giành quyền đánh bắt cá tuyết). Một điểm khác biệt quan trọng là CCG đang lấn át các lực lượng cảnh sát biển của các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông. So với con số 326 tàu của CCG thì số lượng tàu của các quốc gia khu vực Đông Nam Á là nhỏ hơn rất nhiều về kích cỡ.

Những thiếu sót năng lực cố hữu

Lực lượng BAKAMLA của Indonesia được kết hợp từ các cơ quan khác nhau với hơn 100 tàu, nhưng chủ yếu thích hợp cho hoạt động ven biển và gần bờ, chỉ có chưa đến 10 chiếc tàu tuần tra xa bờ (OPV).

Chấp pháp biển Malaysia có 190 tàu thì chỉ có 2 tàu OPV. Các tàu này có tuổi đời trên 30 năm và số lượng lại quá ít ỏi.

Cảnh sát biển Philippines chỉ có 5 tàu có khả năng tuần tra xa bờ và hải quân phải gánh vác trách nhiệm chấp pháp ở Biển Đông.

Lực lượng của Việt Nam ở vị thế tốt hơn với gần 50 tàu trong đó gần 10 chiếc OPV. Nhưng sự kiện Hải Dương 981 đã cho thấy thiếu sót về năng lực: thiếu tàu có khả năng hiện diện liên tục và bền bỉ, do đó Việt Nam liên tục phải luân phiên tàu để đảm bảo có mặt tại hiện trường. Về cơ bản, lực lượng này của Việt Nam đã tới điểm “giới hạn” trong hoạt động ở cường độ cao như vậy, ảnh hưởng đến chu kỳ bảo trì.

Trung Quốc vượt trội về mọi mặt?

Nhận thức được điểm này, Trung Quốc có vẻ rất tự tin vào sự thành công của họ ở Biển Đông.

Trung Quốc hiểu rất rõ một điều: Các đối thủ ở Đông Nam Á không chỉ không thể sở hữu lực lượng bảo vệ bờ biển có thể sánh ngang với Trung Quốc về chất và lượng, đồng thời họ cũng phải tránh triển khai hải quân. Cho dù các nước có điều hải quân thì cũng phải thể hiện rất thận trọng. Trong bất cứ tình huống nào, họ đều biết rõ Hải quân Trung Quốc mạnh hơn họ. Đây là hiện thực rõ ràng của tình hình Biển Đông: Lực lượng cảnh sát biển có quy mô lớn hơn đã bảo đảm khả năng hiện diện ổn định và khả năng “phòng thủ” cho Bắc Kinh, che đậy cho chiến lược “nạn nhân” trong tranh chấp./.