Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản can dự ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19/9, về bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản gần đây rằng nước này sẽ tăng cường hợp tác với các nước xung quanh Biển Đông, Người phát ngôn Lục Khảng tuyên bố, “Chúng ta hãy nhìn xem những việc Nhật Bản làm đang gây bất ổn khu vực. Nhật Bản đã tiến hành một chiến dịch công khai khuấy động vấn đề Biển Đông dưới danh nghĩa ‘cộng đồng quốc tế’. Nhật Bản cần hiểu rõ hai điều sau. Thứ nhất, Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển. Thứ hai, Trung Quốc và ASEAN cam kết giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua cách tiếp cận hai kênh.”

Đài Loan tiến hành xây dựng phi pháp ở đảo Ba Bình. Theo hình ảnh trên “Google Earth Map”, Đài Loan dường như đang xây dựng các công trình bê tông trên Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những công trình này, cao khoảng 3 hoặc 4 tầng xuất hiện ở phía tây của Ba bình, bao quanh một cấu trúc hình tròn vẫn đang trong quá trình xây dựng. Người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan ông Feng Shih-kuan hôm 20/9 tuyên bố: “Chúng tôi không thể tiết lộ về cơ sở quân sự đang được xây trên Ba Bình cũng như mục đích sử dụng vì đây đều là công trình bí mật”. Giới chuyên gia quân sự cho rằng những công trình này là bệ phóng tên lửa đất đối không hoặc phục vụ mục đích phát hiệu và giám sát mục tiêu.

Trung Quốc tuần tra phi pháp tại Hoàng Sa. Trung Quốc đã điều tàu Hải Tuần 21 cùng hơn 20 nhân viên chấp pháp thuộc Cục Hải sự Trung Quốc đến khu vực đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa để tuần tra môi trường biển và các tuyến hàng hải. Đợt tuần tra dài 5 ngày, dự kiến kéo dài trên 720 hải lý. Trung Quốc sẽ tiến hành thị sát tuyến du lịch phi pháp ra Hoàng Sa, kiểm tra tình hình trật tự trên biển, thử nghiệm phủ sóng không dây, kiểm tra các trạm tự động (AIS) và phao tiêu ở Biển Đông.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối hoạt động xây dựng của Đài Loan ở Ba Bình. Về việc Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết nước này sẽ tăng cường tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 22/9 cho hay, “Khu vực Biển Đông là tuyến đường biển huyết mạch của khu vực cũng như thế giới. Vì vậy, tất cả các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích và trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực này.” Về việc Đài Loan xây dựng một số cơ sở trên Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, ông Bình khẳng định, “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và vì vậy, việc phía Đài Loan chiếm đóng và tiến hành các hoạt động tại khu vực này là hoàn toàn phi pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và Việt Nam kiên quyết phản đối.”  Về phát biểu của Tổng thống Nga Putin tại Trung Quốc về việc Nga không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông, Người phát ngôn Hải Bình nhấn mạnh, “Việt Nam mong rằng tất cả các nước đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.”

Phó Thủ tướng kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Trong bài phát biểu tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 71 ngày 24/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên bố: “Chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác và phát triển là những nhân tố cốt yếu để xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Tuy nhiên, khu vực này lại đang tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, nhất là tại bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực. Về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ DOC, sớm tiến tới COC ở Biển Đông. Trước đó ngày 23/9, Mỹ Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị không chính thức giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Mỹ. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN và các đối tác tiếp tục đóng góp vào nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế.

+ Philippines:

Tổng thống Philippines tuyên bố Philippines cần Mỹ ở Biển Đông. Phát biểu trước binh đoàn bộ binh số 10 ở Mawab, thung lũng Compostela hôm 20/9, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố: “Tôi từng nói rằng một lúc nào đó trong tương lai tôi sẽ đề nghị đặc nhiệm Mỹ rời khỏi Mindanao, khoảng 117 người, tốt hơn nên rút đi để tôi có thể đàm phán hòa bình…Tôi chưa bao giờ nói hãy rời khỏi Philippines. Sau cùng thì chúng ta vẫn cần Mỹ ở Biển Đông.” Trước đó hôm 12/9, Tổng thống Duterte cho hay lính Mỹ ở Mindanao nên rời đi bởi họ có thể bị nhóm Hồi giáo nổi dậy bắt cóc. Tổng thống Duterte cũng khẳng định Philippines không có đủ nguồn lực để tiến hành một cuộc chiến với Trung Quốc, “Chúng ta không có đủ khí tài. Chúng ta cũng không sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Tôi phản đối điều đó. Bởi nó sẽ là một cuộc tàn sát”.

+ Indonesia:

Indonesia tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ. Theo trang IHS Jane’s ngày 21/9, một phái đoàn quân sự cấp cao của Indonesia đã tới Mỹ, nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ nâng cấp một căn cứ hải quân trên Biển Đông. Trong chuyến đi lần này, phái đoàn Indonesia cũng tới thăm một vài thành phố của Mỹ để tìm hiểu về trại huấn luyện và một số cơ sở của Hải quân. Indonesia đang trong quá trình nâng cấp các cơ sở hải quân tại thành phố Ranai, thuộc đảo Pulau Natuna Besar, nhằm hỗ trợ cho việc triển khai các tàu trên Biển Đông. Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti ngày 21/9 cho biết Indonesia và Mỹ đã lên kế hoạch tuần tra chung ở khu vực ngoài lãnh hải của Indonesia nhằm chống lại nạn đánh bắt trái phép và buôn người. Kế hoạch này đã được thảo luận trong cuộc họp song phương giữa bà Susi và Thứ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách Đại dương và Khí quyển Kathryn Sullivan.

+ Mỹ:

Mỹ chỉ trích hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao khóa họp 71 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 20/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cập đến một số vấn đề nóng trên thế giới, bao gồm vấn đề Biển Đông, “Giải quyết tranh chấp bằng cách biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế là điều quan trọng, góp phần làm ổn định an ninh khu vực. Điều này bền vững hơn nhiều so với hoạt động quân sự hóa vài đá hay rạn san hô”. 

Quan hệ các nước

Các Ngoại trưởng G-7 bày tỏ quan ngại về tranh chấp biển. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp G-7 hôm 20/9, bên lề phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York - Mỹ, các Ngoại trưởng G-7 “phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, như cải tạo đất và xây dựng tiền đồn cho các mục đích quân sự; thúc giục các bên kiềm chế và hành động tuân thủ luật pháp. Chúng tôi hoan nghênh Tuyên bố Chủ tịch của Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 11, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa. Chúng tôi kêu gọi các bên không cản trở tự do hàng hải, hàng không và theo đuổi các biện pháp quản lý và giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm các cơ chế giải quyết tranh chấp được quốc tế công nhận, như phân xử trọng tài.”

Mỹ - Nhật Bản nhất trí tăng cường hợp tác trên biển. Thông cáo báo chí của Nhà Trắng ngày 21/9 cho biết: “Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 21/9 tại New York và tái khẳng định mối quan hệ đồng minh bền chặt của hai nước. Lãnh đạo hai nước chia sẻ lập trường chung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một trật tự mở, dựa trên các quy tắc pháp luật ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hai nước nhất trí tăng cường hợp tác tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông.”

Indonesia bắt giữ hai tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép. Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia bà Susi Pudjiastuti ngày 22/9 đã thông báo về vụ bắt giữ trên, song không cung cấp thêm chi tiết. Bà Pudjiastuti cho biết có rất nhiều tàu nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp, không thông báo ở quanh quần đảo Natuna. Trong 6 tháng qua, Indonesia đã bắt giữ 30 tàu cá đi vào lãnh hải của Indonesia. Theo Bộ trưởng Pudjiastuti, để chống lại hoạt động đánh bắt trái phép, Indonesia có kế hoạch tiến hành tuần tra chung với Nhật Bản và Mỹ.

Phân tích và đánh giá

 Điểm mạnh-yếu trong tranh luận của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, xã luận của AFP

Nếu bà Clinton, ứng cử viên đảng Dân chủ, có thâm niên kinh nghiệm và hiểu biết sâu về các vấn đề thì bà lại không có được điều mà những người ủng hộ ông Trump - đối thủ đảng Cộng hòa của bà – coi là sự thẳng thắn.

Bà Clinton: Quá chi tiết? 

Là một chuyên gia về tranh biện chính trị, ông Mitchell McKinney, cho rằng các khán giả truyền hình thích các ứng cử viên có khả năng chuyển tải quan điểm của mình chỉ bằng một vài câu đơn giản, hấp dẫn và đáng nhớ. Bà Clinton, với ưu thế cẩn trọng và chi tiết trong các vấn đề, sẽ phải tránh đưa ra những câu trả lời quá chuyên môn và cặn kẽ cho những câu hỏi của người dẫn chương trình.

Theo các cuộc điều tra, đây là một thách thức thường xuyên đối với bà Clinton, ứng cử viên ít được ưa thích nhất trong số các ứng cử viên đảng Dân chủ trong nhiều năm qua. Bản thân bà Clinton thừa nhận bà không có được sức thu hút như chồng bà, ông Bill Clinton, hay của ông Obama. Hơn một nửa người Mỹ không chắc họ có thể tin tưởng bà được không. 

Trong cuộc đua tranh chức Tổng thống lần đầu tiên của mình vào năm 2008, bà Clinton đã thể hiện mình là một “người đàn bà thép” cứng rắn theo kiểu cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Lần này, bà nhấn mạnh vai trò của mình là người tiên phong đấu tranh vì quyền phụ nữ và đánh bóng hình ảnh của mình là một bà ngoại, một nỗ lực xem ra được ưa thích và dễ gần hơn. 

Ông Trump: Quá bản năng? 

Cố vấn truyền thông Gallo nhận xét: “Ông Trump kết nối với cử tri của mình khá sâu sắc về mặt tình cảm, và điều đó khiến cho ứng cử viên đối thủ khó mà sánh được, bởi tình cảm thường là yếu tố át chủ bài”. Về mặt này, không một ứng cử viên nào trong chiến dịch tranh cử, kể cả Thượng nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders, có thể địch nổi khả năng khuấy động đám đông hàng nghìn người của ông Trump. 

Song ông Trump đã không chiếm thế thượng phong trong cả 12 cuộc tranh biện ở trong đảng Cộng hòa. Ông thường đứng sang bên để cho các ứng cử viên khác lao vào công kích nhau. Trong các cuộc tranh biện về sau, khi chỉ còn lại một ít đối thủ, ông thường dùng những câu nói cay độc hoặc đặt những biệt danh chế giễu để công kích đối thủ. McKinney nhận xét: “Không như các cuộc tranh biện trước có nhiều ứng cử viên đăng đàn và do đó chúng ta chỉ thỉnh thoảng mới nghe ông Trump phát biểu, trong một cuộc tranh biện 90 phút, ông ấy phải phát biểu một nửa thời lượng, nên ông ấy không thể lấp kín thời gian chỉ bằng những lời nhận xét bông đùa, những câu tự khen mình, và những câu chỉ trích láu lỉnh – những cái đó sẽ nhàm. Ông ấy sẽ có nhiều cơ hội thể hiện thực chất. Tới lúc đó, liệu ông sẽ có thực chất không? Chúng ta sẽ chờ xem”. 

Quan ngại của phía bà Clinton là rất có thể nhân vật dẫn chương trình, Lester Holt của NBC, sẽ tung ra những câu hỏi “mềm” dễ trả lời về phía ông Trump trong khi lại gây áp lực cho bà Clinton bằng những câu chất vấn “xoáy” hơn nhiều. Dù thế nào, những câu hỏi đáp này chắc chắn sẽ được phân tích rất kỹ về sau trong các cuộc tranh luận kéo dài về các cuộc tranh luận.

Cần làm gì khi Trung Quốc thách thức Mỹ?của James A.Lyon

Thang xuống máy bay tại sân bay quốc tế Hàng Châu, Trung Quốc của tất cả các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 hôm 4-5/9 vừa qua đều được trải thảm đỏ, ngoại trừ Tổng Thống Mỹ Barack Obama. Đoàn tùy tùng của Nhà Trắng, kể cả các phóng viên đi theo, đều đã bị gây khó dễ. Sự sỉ nhục này rõ ràng đã được lên kế hoạch từ trước. Thông điệp ở đây chính là Trung Quốc không còn cho rằng họ cần phải phục tùng, hay thậm chí là tôn trọng Mỹ nữa, và Trung Quốc rõ ràng đã vượt trội hơn hẳn nước Mỹ.

Việc Mỹ không hành xử như một cường quốc thực sự càng khiến Trung Quốc mạnh dạn hơn. Không chỉ bác bỏ hoàn toàn phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông, Bắc Kinh còn thông báo kế hoạch tiếp tục quân sự hóa các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Hơn thế nữa, nước này còn tiến hành cuộc tập trận chung với Nga trên Biển Đông. Mục đích thật sự của cuộc tập trận này là để gửi tới Mỹ một thông điệp rằng Biển Đông là của Trung Quốc và Nga sẽ giúp Trung Quốc bảo vệ các khu vực đang bị tranh chấp nếu cần thiết.

Để ngăn chặn hành vi thù địch này, Mỹ cùng các nước đồng minh cần thực hiện cả những hành động công khai và không công khai để tăng mức độ “răn đe”, không chỉ ở khu vực Đông Á mà còn ở vùng Trung Đông. Chính quyền Mỹ cần có những hành động cụ thể và triển khai lực lượng trên thực tế để Iran và Trung Quốc hiểu được rằng nếu cố tình gây hấn, họ sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Mỹ nên triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật tại tất cả căn cứ hải quân đủ điều kiện đáp ứng. Mỹ cũng nên triển khai tàu sân bay ở cả khu vực Địa Trung Hải và biển Arập. Tên lửa chiến thuật ATACM cũng nên được triển khai ở Oman. Trong trường hợp việc triển khai ATACM ở Oman gặp phải các trở ngại về mặt chính trị, Mỹ có thể triển khai loại vũ khí này trên các tàu đổ bộ ở vùng biển nước ngoài. Các cuộc thử nghiệm cho thấy đây là lựa chọn hoàn toàn khả thi. 

Tại khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông, tình hình còn phức tạp hơn với những tuyên bố và hành động gần đây của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Không kể đến những lời lẽ xúc phạm của ông với Tổng thống Mỹ, nhân vật này rõ ràng không phải là người ủng hộ Mỹ. Rõ ràng rằng ông Duterte đã tin vào lời tuyên truyền của Trung Quốc và bị lôi kéo bởi những lợi ích chính trị và kinh tế từ quốc gia này. Tuy vậy, ông Duterte khẳng định ông vẫn sẽ tôn trọng Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) được người tiền nhiệm Bengino Aquino III ký với Mỹ.

Đồng minh thật sự của Mỹ ở Philippines là những người dân hoàn toàn ủng hộ Mỹ. Bất chấp những lời lẽ thiếu kiểm soát của ông Duterte, Mỹ cần bình tĩnh nhưng cũng cần cứng rắn với nhà lãnh đạo này. Mỹ không nên có bất kì động thái vội vàng nào có nguy cơ phá hỏng những tiến triển vượt bậc nhờ EDCA. Tham vọng bá quyền thế giới của Trung Quốc bắt đầu từ việc kiểm soát Biển Đông. Vị trí chiến lược của Mỹ trong khu vực phải được bảo vệ và tăng cường qua việc hợp tác với các nước đồng minh, kể cả Philippines. 

Indonesia sẽ tăng cương vài trò trong ASEAN về vấn đề Biển Đông?của Johannes Nugroho

Indonesia có dân số đông, truyền thống đi đầu trong khối và là nước ASEAN duy nhất khiến Trung Quốc phải kiềm chế, tránh leo thang tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi Trung Quốc sẵn sàng thể hiện sự hiếu chiến, nổi bật là vụ đâm chìm tàu Việt Nam năm 2014 và gây hấn với Philippines ở Trường Sa thì Trung Quốc lại không có bất cứ hành động trả đũa nào đối với việc Hải quân Indonesia đã bắn và bắt giữ tàu Trung Quốc hồi tháng 6 vì xâm nhập trái phép vào vùng biển Natuna. Tuy vậy, để bảo vệ chủ quyền của vùng biển Natuna trước một cường quốc như Trung Quốc, Indonesia cần phải tập hợp được sức mạnh của ASEAN, nhất là trong số các nước có quan điểm, lập trường chính trị tương đồng. 

Một số người cho rằng để Indonesia đóng vai trò lớn hơn trong ASEAN khi giải quyết vấn đề Biển Đông là không dễ dàng. Chính sách can dự của Indonesia với ASEAN ngày càng suy yếu từ sau khi Tổng thống Suharto bị lật đổ năm 1998. Sự phức tạp của nền chính trị dân túy và hạn chế về ngân sách đối ngoại đã khiến Indonesia đang trở thành một quốc gia hướng nội và kém tự tin trong các vấn đề địa chính trị khu vực. Indonesia cũng không có chính sách cụ thể cho vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, xu hướng này cũng ít thay đổi từ khi ông Joko Widodo đắc cử Tổng thống do ông ít quan tâm đến khu vực ASEAN về mặt ngoại giao. 

Indonesia nhấn mạnh một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay của nước này là tình trạng đánh bắt cá trái phép tràn lan của các tàu cá nước ngoài và gây ra hàng loạt vụ đụng độ trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, đặc biệt liên quan đến các tàu cá và tàu tuần duyên của Trung Quốc trong những tháng gần đây do Trung Quốc kiên trì tuyên bố đây là ngư trường truyền thống của nước này. Sau ba vụ xâm nhập của các tàu cá Trung Quốc với sự hỗ trợ và hộ tống bởi các lực lượng bảo vệ bờ biển vào vùng biển Natuna năm nay, Indonesia nhận ra rằng việc giữ lập trường “trung lập” và là “bên hòa giải tranh chấp ở Biển Đông" không còn phù hợp. Do đó, Indonesia đã thay thế các tàu tuần duyên đang triển khai tại quần đảo Natuna bằng các tàu chiến Hải quân và công bố kế hoạch tăng cường năng lực quân sự và phát triển kinh tế trong khu vực này trong Sách trắng Quốc phòng năm 2016 và chính sách biển của nước này. Tổng thống Widodo cũng nhận thức rõ hơn vai trò trung tâm của ASEAN đối với các nỗ lực ngoại giao của Indonesia. Ông đã tham gia tích cực vào Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mới đây và kêu gọi ASEAN thống nhất, đồng thời thảo luận về vấn đề Biển Đông với Thủ tướng Malaysia và Tổng thống Philippines trong chuyến thăm Jakarta gần đây của các nhà lãnh đạo này. 

Đối mặt với thách thức chưa từng có của Trung Quốc tại vùng biển Natuna, Tổng thống Widodo sẽ cần đến mọi sự giúp đỡ, trong đó có sự hiểu biết sâu sắc của các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Philippines và Việt Nam, hay là với Singapore - nước có quan hệ kinh tế, văn hóa gần gũi với Bắc Kinh và cũng là nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Đặc biệt, Philippines - nước Chủ tịch ASEAN 2017, cũng nên ủng hộ Indonesia tăng cường vai trò trong khối thời gian tới.

Doanh nghiệp Trung Quốc đang làm phức tạp tình hình Biển Đông? của Xue Gong

Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc được hưởng lợi đáng kể từ các tranh chấp ở Biển Đông. Trong vài tuần trước phán quyết của Tòa, một vài cổ phiếu đáng chú ý của Trung Quốc đã đạt được mức tăng giá đáng kể và khối lượng giao dịch cũng tăng lên. Ngoài ngành công nghiệp quốc phòng, có những doanh nghiệp nhà nước khác đang hoạt động ít được biết đến nhưng gặt hái nhiều lợi ích từ việc tranh chấp Biển Đông. 

“Quân bài” du lịch

Ngay sau ngày Tòa trọng tài tuyên bố phán quyết, hai máy bay của hãng Hàng không Phương Nam  và Hàng không Hải Nam, cả hai đều là doanh nghiệp nhà nước, đã khởi hành từ Hải Khẩu và lần lượt hạ cánh ở Đá Vành Khăn và Đá Subi. Không chỉ vậy, các công ty du lịch Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh tại quần đảo Hoàng Sa, và được chính quyền hỗ trợ đáng kể. Các hoạt động kiểu này được cho là có liên quan đến chủ nghĩa dân tộc, nhất là khi các tour du lịch bao gồm cả lễ chào cờ và tuyên thệ. Hơn 10.000 khách du lịch Trung Quốc, được vinh danh là người yêu nước, đã đến thăm quần đảo Hoàng Sa. Các tour du lịch như vậy tiếp tục được hỗ trợ và hoan nghênh bởi công chúng Trung Quốc nói chung, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa Trọng tài. 

Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đang phát triển những lợi ích thậm chí lớn hơn nữa trong các nguồn lực du lịch ở Biển Đông. Tháng 4/2016, Tập đoàn Vận tải Hàng hải COSCO đã khai trương một công ty du lịch hợp tác với hai doanh nghiệp nhà nước khác, cụ thể là China Travel Service Group, và China Communications and Constructions Corp. COSCO tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động từ Hoàng Sa đến Đài Loan và các đảo khác ở các nước láng giềng, một phần của chương trình du lịch văn hóa trong khuôn khổ tham vọng “Con đường Tơ lụa trên Biển” của Trung Quốc.

Chính sách phát triển phức tạp 

Việc mở rộng những lợi ích của các doanh nghiệp nhà nước ở Biển Đông đang đẩy Trung Quốc vào thế khó xử. Ngoài những tác động tiêu cực đến mối quan hệ của Trung Quốc với một số nước trong khu vực và ảnh hưởng chiến lược khu vực của Bắc Kinh, các tranh chấp ở Biển Đông đang phủ bóng đen trên một số kế hoạch hội nhập kinh tế khu vực tham vọng hơn của Bắc Kinh như sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, đòi hỏi sự tham gia và hợp tác của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, việc củng cố các lợi ích cho doanh nghiệp quốc doanh tại Biển Đông khiến Trung Quốc “đâm lao phải theo lao”, khó có thể rút lại các yêu sách ở Biển Đông hay khó có thể trở nên mềm dẻo hơn trước sức ép của quốc tế. 

Những căng thẳng và tranh chấp ở Biển Đông khiến Trung Quốc chỉ có thể thúc đẩy “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” một cách rời rạc. Rõ ràng cách tiếp cận đa phương cho “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” sẽ tối đa hóa lợi ích của sáng kiến này cho tất cả các nước liên quan, song điều này rất khó xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần, trừ khi Biển Đông trở nên ổn định hơn so với bối cảnh hiện tại.

Nhật Bản can dự Biển Đông - Một mũi tên trúng ba đích, xã luận trên Liên hợp Buổi sáng (Singapore)

Người Nhật làm việc luôn rất cẩn thận, tính toán kỹ lưỡng, hoàn toàn không có chuyện đưa ra các quyết sách một cách tùy tiện. Việc lựa chọn thời điểm này để tăng cường can dự trực tiếp vào vấn đề Biển Đông, thậm chí không ngại chọc giận và làm mất lòng Trung Quốc, Nhật Bản đã có sự cân nhắc chiến lược toàn diện, cũng có thể xem là một mũi tên trúng ba đích. 

Trước tiên, để đảm bảo cho sự phát triển của một quốc đảo có nguồn tài nguyên nghèo nàn, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã không ngừng nâng cao tiềm lực quân sự, tiến hành sửa đổi Hiến pháp hòa bình, tham gia và tăng cường ảnh hưởng của mình tại các khu vực trọng yếu cũng như các tuyến đường thương mại quốc tế quan trọng. 

Mục tiên chiến lược của Nhật Bản là bảo vệ lợi ích ở bên ngoài một cách tích cực và chủ động hơn. Trong bối cảnh như vậy, khả năng đối đầu quân sự của Nhật Bản ở trong lãnh thổ đất liền là không cao, song khả năng xảy ra đối đầu quân sự thậm chí là xung đột ở các khu vực tranh chấp trên biển và các điểm nóng trên thế giới ngày càng lớn. 

Thứ hai, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là diễn ra, dù bất cứ ai được lựa chọn, thì Nhật Bản cũng phải cố gắng bảo đảm những thay đổi của chính quyền mới đối với chính sách xoay trục sang châu Á ở mức thấp nhất. Mà biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả nhất chính là Nhật Bản trực tiếp tham gia, có sự gắn kết chung về lợi ích, để ràng buộc Mỹ cũng như đồng minh của Mỹ là Úc cam kết tiếp tục can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai nhằm đối phó với những thách thức mà Trung Quốc, Nga và Triều Tiên có thể tạo ra cho khu vực. 

Thứ ba, thông qua việc can dự vào vấn đề Biển Đông, Nhật Bản muốn tranh thủ xây dựng lại hình ảnh cũng như tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời kiềm chế và làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Về tương quan lực lượng quân sự, cũng giống như Mỹ, Nhật Bản tin rằng lực lượng hải quân và không quân của họ, bất luận là về phương diện thiết bị công nghệ, chất lượng quân nhân, kinh nghiệm tác chiến thực tế đều hơn nhiều so với Trung Quốc. Một khi xảy ra xung đột với Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ có cơ hội chiến thắng lớn hơn. 

Hiện nay, Nhật Bản bất chấp một số lần cảnh cảnh báo của Trung Quốc, vẫn khẳng định sẽ tiếp tục can dự trực tiếp vào vấn đề Biển Đông. Tất nhiên, Nhật Bản đã khai thác được điểm yếu của Trung Quốc (Trung Quốc luôn tuyên bố rằng sẽ bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, do vậy Trung Quốc dường như không có cơ sở để phản đối mạnh mẽ khi Nhật Bản tuần tra ở vùng biển này)

Có người cho rằng Trung Quốc cần tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông. Nhưng thách thức của việc làm này lại liên quan tới phạm vi và năng lực kiểm soát ADIZ của Trung Quốc. Nếu việc thiết lập ADIZ không khớp với khu vực trong đường 9 đoạn ở vùng biển này thì đồng nghĩa với việc gián tiếp tuyên bố Trung Quốc đã từ bỏ một phần tuyên bố chủ quyền của mình./.