I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc bắt 2 tàu cá Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa. Hai tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 66074 TS với 11 lao động và QNg 66101 TS với 10 lao động bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh bắt tại đảo Phú Lâm, trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ngày 21/3, trả lời hãng thông tấn Pháp AFP, bà Phạm Thị Hương, thuộc Ủy ban Nhân dân huyện đảo Lý Sơn, cho biết là các ngư dân đã bị bắt ngày 3/3 và bị giam giữ từ lúc đó đến nay để chờ gia đình nộp tiền chuộc. “Thuyền trưởng chiếc tàu đã liên lạc với gia đình và cho biết phía Trung Quốc đang đòi 70.000 nhân dân tệ (tương đương 11.000 USD) nếu muốn được thả ra”. Tuy nhiên, không rõ số tiền đó là để chuộc một hay hai chiếc tàu.

Trung Quốc biện hộ việc bắt ngư dân Việt Nam. Người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chính thức xác nhận có việc 21 ngư dân và hai tàu cá đang bị giam giữ. Nhưng ông này cáo buộc: “Gần đây, có một số tàu đánh cá Việt Nam đi vào vùng biển xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa đánh bắt cá trái phép. Do không thể ngăn chặn được, các cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành điều tra và giải quyết trường hợp hai tàu cá và 21 ngư dân theo luật định.” Theo Ông Hồng Lỗi “Các hành động liên quan từ phía các ngành chức năng của Trung Quốc là hoàn toàn đúng đắn trong khuôn khổ thực thi luật pháp.”

Trung Quốc lên án Việt Nam gửi các nhà sư ra đảo. Việt Nam tuyên bố sở hữu 3 chùa phật giáo tại ba đảo ở Trường Sa và đang lên kế hoạch cử 6 nhà sư tới để tu hành và tân trang lại những chùa này trong vòng 6 tháng bắt đầu từ tháng 4/2012. Chính phủ Việt Nam cũng sẽ cho phép các nhà sư này được ở lại lâu hơn chừng nào mà họ còn muốn để tiếp tục tĩnh tu. Việc cử các nhà sư đến ba đảo nơi có các chùa được xây thực tế là một phần trong kế hoạch của Việt Nam nhằm tuyên bố chủ quyền vĩnh viễn đối với đảo Trường Sa. Luật rừng vẫn tiếp tục thống trị. Nếu các tuyên bố ngoại giao của Trung Quốc tiếp tục không thể ngăn được việc chủ quyền bị xâm phạm thì Trung Quốc phải xem xét các biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

Mỹ “đừng khuấy động Biển Đông”. Bài xã luận trên tờ China Daily hôm 19/3 đã gọi phát biểu của Trung tướng Burton Field tại họp báo ở Tokyo 15/3, yêu cầu Trung Quốc "tôn trọng tự do hàng hải và có hành động mang tính trách nhiệm ở Biển Đông", là "chính sách nước đôi". Đồng thời, cho rằng chính Mỹ đang "hưởng đầy đủ quyền tự do hàng hải" ở Biển Đông và nước này đang "cố ý gây chuyện bằng cách thổi lên từ chỗ không có gì những cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông" và nắm lấy nguyên tắc an toàn hàng hải để mở đường cho việc "thực hiện chiến lược ngăn ngừa Trung Quốc".

Trung Quốc tổ chức đua thuyền ở khu vực Hoàng Sa. Từ ngày 28/3 đến ngày 2/4 sẽ diễn ra cuộc đua thuyền buồm “Cúp Ty Nam”, xuất phát từ vịnh Á Long, Tam Á và đến điểm cuối đảo Đá Bắc thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tổng thư ký Ban tổ chức cuộc đua, Phó Chủ tịch Hiệp hội thuyền buồm tỉnh Hải Nam Tăng Khánh Chúc cho biết, Tây Sa (Hoàng Sa) từ xưa đến nay là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, chặng cuối của cuộc đua này là đảo Đá Bắc hoàn toàn nằm trong phạm vi lãnh hải của Trung Quốc, hơn nữa cuộc đua này là do dân gian tổ chức, không thể phủ nhận tính hợp pháp và chính đáng của nó.

Tổng đội Hải giám Nam Hải hoàn thành tuần tra định kỳ tại khu vực Biển Đông. Mấy ngày gần đây, tàu hải giám Trung Quốc tuần tra tại khu vực Biển Đông đã liên tiếp phát hiện ra một số giàn khoan, bao gồm cả khoan dầu và khí ga. Một số giàn khoan đang hoạt động, có những giàn khoan đang trong quá trình xây dựng, ban đêm thấy vẫn bật điện làm việc. Đây là chuyến tuần tra thứ 3 trong năm 2012 tại khu vực Biển Đông của tàu hải giám Trung Quốc. Biên đội tuần tra lần này gồm 02 tàu là Hải giám 83 (loại 3000 tấn, với khoảng 60 nhân viên tàu và phóng viên) và Hải giám 75 (loại 1500 tấn)[1].

Bắc Kinh hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ tránh được vấn đề Biển Đông. Hội nghị Thượng đỉnh các nước Đông Nam Á lần thứ 20 do Campuchia làm Chủ tịch sẽ diễn ra vào đầu tháng 4/2012. Tại cuộc tiếp Đoàn nhà báo Campuchia thăm Bắc Kinh hôm 19/3, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân đã lưu ý đoàn: “Campuchia hiện đang đóng vai trò chủ chốt trong việc điều phối định vị vấn đề Biển Đông” và “Campuchia cũng đã phản đối đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN”. Ông Lưu cũng nói rằng Trung Quốc sẽ ký các thỏa thuận hợp tác về kinh tế và thương mại với Campuchia trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào tuần tới.

Tàu chiến lớn nhất của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông. Gần đây, trên nhiều mạng quân sự của Trung Quốc có đăng hình ảnh về cuộc tập trận của tàu đổ bộ lớn nhất lịch sử Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông. Tàu Cảnh Cương Sơn mang số hiệu 999, hạ thủy cách đây hơn 1 năm ở thành phố Thượng Hải, là tàu tác chiến đổ bộ tổng hợp: dài 210 mét, rộng 28 mét, độ giãn nước 19.000 tấn, có thể chở 800 binh sỹ, và từ 24 đến 32 chiếc xe chiến đấu lưỡng thể loại ZBD-05. Hiện nay, con tàu này được biên chế cho Hạm đội Nam Hải nhằm tăng cường sức mạnh tại vùng Biển Đông và Ấn Độ Dương[2].

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân Việt Nam. Ngày 21/03/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc phía Trung Quốc đã bắt và hiện đang giam giữ 21 ngư dân và 02 tàu cá của Việt Nam mang số hiệu QNg66101TS và QNg 66074TS, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam”.

Kiểm ngư sẽ tham gia giải quyết tranh chấp trên biển. Tại buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 22/3, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ đang soạn thảo và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án thành lập lực lượng kiểm ngư. Hiện, Việt Nam có vùng biển rộng tới một triệu km2. Vì vậy, cần có lực lượng đảm bảo thực thi các quy định luật pháp đối với nguồn lợi hải sản. Việc thành lập kiểm ngư cũng nhằm phối hợp với các lực lượng khác trên biển khi hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân trong các hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong điều kiện thiên tai. "Việc giải quyết các tình huống tranh chấp giữa các nước, lực lượng kiểm ngư cũng có trách nhiệm tham gia", Bộ trưởng Phát khẳng định.

Đề xuất về an ninh biển của Việt Nam được đánh giá cao. Diễn đàn Đối thoại Quốc phòng Quốc tế Jakarta lần thứ hai (JIDD II) diễn ra từ ngày 21-23/3 tại Indonesia. Các đại biểu tham dự Diễn đàn đánh giá cao các giải pháp cơ bản cho vấn đề Biển Đông của đoàn Việt Nam, trên cơ sở coi tranh chấp tại đây là thách thức song cũng là cơ hội cho hợp tác, nhất là cần tuân thủ nghiêm chỉnh và thực hiện đầy đủ UNCLOS 1982; tăng cường đối thoại và xây dựng lòng tin trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước, củng cố các cơ chế đối thoại như Diễn đàn ASEAN (ARF), Diễn đàn Đông Á (EAS), Đối thoại Shangrila…

+ Phi-líp-pin:

Phi-líp-pin sẵn sàng đàm phán về việc khai thác chung với Trung Quốc ở Trường Sa. Hôm 17/3, Bộ trưởng quốc phòng Phi-líp-pin Voltaire Gazmin cho biết nước này tiếp tục khẳng định yêu sách đối với khu vực Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông nhưng sẵn sàng cho các thương lượng về khai thác chung do phía Trung Quốc đề xuất. “Như [Tổng thống Aquino] nói, cái gì thuộc về chúng tôi là của chúng tôi. Trung Quốc có thể được phép có một dự án chung, nhưng phải tuân theo luật pháp của chúng tôi.”

Philippines tăng cường lực lượng phản ứng nhanh. Bộ Quốc phòng Philippine quyết định tăng cường năng lực và mở rộng qui mô của lực lượng phản ứng nhanh để hiện đại hóa các lực lượng chiến đấu đã quá già nua trong Không, Hải quân quốc gia Đông Nam Á này. Theo kế hoạch, các lực lượng phản ứng nhanh sẽ được Bộ Quốc phòng sử dụng, có nhiệm vụ vận chuyển binh lính khẩn cấp trong thời gian ngắn, đáp trả kịp thời các cuộc tấn công của đối phương. Lực lượng phản ứng ứng nhanh sẽ được tổ chức thành hai tập đoàn quân, bố trí ở đảo Luzon và Mindanao.

Philippines hoan nghênh sự hiện diện của quân Mỹ. Tổng thống Benigno Aquino tuyên bố Manila hoan nghênh có thêm nhiều binh sĩ Mỹ được triển khai luân phiên tới Philippines song bác bỏ khả năng có các căn cứ quân sự Mỹ lâu dài ở đây. Hai bên đang tiến hành các cuộc thảo luận để tiến hành thêm các cuộc diễn tập quân sự tại Philippines, cũng như tăng cường các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ. Ông Aquino nói: "Các tàu của họ (Mỹ) có thể đến và ghé thăm chúng tôi, có thể để tiếp liệu, song hiến pháp của chúng tôi không cho phép việc neo đậu lâu dài tại đây dưới bất cứ hình thức nào. Ngoài ra, cũng có thể tăng cường về mặt nhân sự tại đây, song phải rõ về thời điểm đến và đi của họ. Họ không thể ở đây lâu dài."

Philippines mua thêm 2 tàu đổ bộ cho hải quân. Tư lệnh Hải quân Philippines Alexander Pama cho hay, trong tháng 7 năm nay Bộ Quốc phòng Philippines sẽ ký một hợp đồng mua thêm hai tàu đổ bộ đa năng (MRV) với giá 205 triệu USD. Theo ông Pama, hai tàu đổ bộ này có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu nhất trên biển và được phối hợp với trực thăng chiến đấu. Bởi vậy, ngoài khả năng tác chiến tốt, hai chiếc tàu này còn có thể thực hiện các công tác tuần tra biển và cứu trợ thiên tai. Ngoài ra, trong năm nay, Hải quân Philippines còn có kế hoạch mua thêm ba chiếc trực thăng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình.

+ Mỹ:

Mỹ hối thúc giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông. Phát biểu với báo giới tại Hà Nội, bên lề một hội nghị cấp cao về năng lượng vùng Thái Bình Dương, ông Robert Hormats, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng, và môi trường cho rằng các tranh chấp Biển Đông đòi hỏi một giải pháp hoà bình và nhanh chóng để thúc đẩy sản lượng, đáp ứng nhu cầu đang gia tăng trong khu vực. “Chúng ta có một câu hỏi hóc búa tại khu vực đang cần năng lượng nhưng lại tồn đọng rất nhiều tranh chấp, gây trở ngại cho năng lực sản xuất”. Theo ông Hormats, đầu tư trong lãnh vực khai thác dầu khí đòi hỏi một thời gian rất dài mới mang lại thành quả, do đó, nếu muốn có được dầu khí lấy từ Biển Đông trong vòng 5 hay 10 năm sắp tới, thì các nước phải cho khởi động công việc khai thác ngay từ bây giờ.

Thủy quân lục chiến Mỹ sắp tới Australia. Khoảng 250 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ được triển khai tại Darwin, thành phố thủ phủ của Lãnh thổ Bắc Australia, từ đầu tháng 4. Đây là một phần của quá trình điều chuyển 2.500 binh sĩ Mỹ tới Australia từ nay tới năm 2016. "Đây là năm đầu tiên, vì thế tất nhiên chúng ta bắt đầu với một số lượng binh sĩ khá ít", chỉ huy Lữ đoàn 1 quân đội Australia, chuẩn tướng Gus McLachlan nói “Trong những năm tiếp theo, số lượng lính Mỹ tới Australia sẽ lớn dần". Tuy nhiên, Mỹ hiện chưa có một căn cứ quân sự nào trên đất Australia, vì thế lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ đóng tại những căn cứ hiện có của quốc gia châu Đại Dương khi họ tiến hành các cuộc diễn tập và huấn luyện luân phiên sáu tháng một lần.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc hành động có trách nhiệm ở  Biển Đông. Trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm 15/3, Burton Field, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, đã kêu gọi Trung Quốc hãy tôn trọng tự do hàng hải. Theo ông Field, việc Trung Quốc thực hiện phần trách nhiệm của mình trong duy trì tự do lưu thông hàng hải và hàng không là điều rất quan trọng, Trung Quốc được hưởng lợi hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong 20 năm qua thông qua những nguyên tắc đó đối với việc tiếp cận nền thương mại toàn cầu. “Tôi hy vọng Trung Quốc cảm thấy có trách nhiệm khi các quốc gia có trách nhiệm khác đang duy trì quyền tiếp cận chung đó cho tất cả.”

+ Nhật Bản:

Nhật Bản xem xét đưa tàu tuần tra đến Philippines. Nhật Bản đang cân nhắc việc triển khai tàu tuần tra đến Philippines và đề cập đến vấn đề này trong cuộc đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng giữa hai nước tổ chức vào ngày 23/3. Sau khi nhận được yêu cầu chính thức từ phía Philippines, Nhật Bản sẽ cử một nhóm các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tới Philippines và đẩy nhanh các cuộc đàm phán song phương nhằm đạt được thỏa thuận mở rộng trợ giúp ODA vào cuối năm nay. Theo truyền thông Nhật Bản, kế hoạch triển khai tàu tuần tra đến Philippines phù hợp với các quy định sửa đổi về xuất khẩu vũ khí.

+ Ấn Độ:

Ấn Độ sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 42 tỷ USD. Nước này dự kiến tăng 17% dự toán ngân sách quốc phòng trong tài khóa 2012-2013, đạt mức 1.934,07 tỷ rupee (42 tỷ USD). Phát biểu trước kỳ họp quốc hội (ngày 19/3), Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee cho biết dự toán ngân sách quốc phòng được bổ sung dựa trên yêu cầu của Bộ Quốc phòng nhằm đảm bảo khả năng phát triển và duy trì sức mạnh của quân đội Ấn Độ. Ngay trong năm 2012, Ấn Độ sẽ phải thực hiện một loạt hợp đồng vũ khí lớn mà nước này vừa ký kết với các đối tác như Nga, Pháp, Mỹ…, trong đó có hợp đồng mua 126 máy bay (Rafale Medium Multirole Combat Aircraft-MMRCA) của Pháp với tổng trị giá khoảng 20 tỷ USD.  

+ Campuchia:

Biển Đông không nằm trong nghị trình của thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh. Hôm 22/3, Nhà lập pháp Cheam Yeap thuộc đảng Nhân dân Campuchia nhấn mạnh là một quốc gia trung lập, dựa trên lập trường phát huy hòa bình-phát triển kinh tế khu vực, Campuchia sẽ không đặt vấn đề Biển Đông vào nghị trình làm việc tại thượng đỉnh. Phát biểu của ông Cheam Yeap được đưa ra tại hội nghị bàn về các biện pháp ngăn ngừa xung đột trong tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước thành viên ASEAN được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, kỷ niệm 10 năm ngày ký kết Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc với ASEAN.

+ In-đô-nê-xi-a:

Tổng thống Yudhoyono: đừng xem Biển Đông là khu vực xung đột. Tổng thống In-đô-nê-xi-a Susilo Bambang Yudhoyono đã có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 22/3 đến 24/3. Trong buổi lễ nhận bằng tiến sĩ danh dự tại đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh hôm 23/3, ông Yudhoyono kêu gọi tất cả các quốc gia yêu sách không nên coi Biển Đông là một khu vực xung đột mà đúng hơn là một trong những sự hợp tác với khả năng làm lợi cho tất cả các bên.

+ Pháp:

Tuần dương hạm Pháp ghé thăm Việt Nam. Ngày 23/3, tuần dương hạm Vendémiaire của Hải quân Pháp cùng 93 thủy thủ đã cập cảng Sài Gòn, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam 5 ngày. Thuyền trưởng Jean-Christophe Oliéric cho biết: Đây là lần thứ 5 tàu tuần dương này ghé thăm Việt Nam. Chuyến đi nằm trong kế hoạch thăm một số nước châu Á của tàu Vendémiaire và biểu tượng cho sự có mặt của Pháp trong khu vực.

II. Quan hệ các nước

Hội thảo quốc tế "ASEAN và kỷ niệm 10 năm ký kết DOC" tại Campuchia. Ngày 22/3, tại Phnom Penh, Campuchia, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Độ và Viện Hợp tác hòa bình Campuchia (CICP) đã tổ chức hội thảo quốc tế nhân dịp kỷ niệm 10 năm ASEAN ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) với chủ đề "ASEAN và kỷ niệm 10 năm ký kết DOC." Hội thảo khẳng định, qua 10 năm ký kết DOC, Tuyên bố này có vai trò nhất định trong việc góp phần duy trì, hòa bình và ổn định tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ASEAN và Trung Quốc cần nhanh chóng tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực.

Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam-Hàn Quốc. Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng lần thứ nhất, dưới sự đồng chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và ngài Lee Young Geol, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc diễn ra sáng 19/3 tại Hà Nội. Cùng với việc trao đổi tình hình thế giới, an ninh khu vực, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ngài Lee Young Geol đều nhất trí cho rằng, thời gian qua mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực; trong đó hợp tác quốc phòng tiếp tục phát triển tích cực, hiệu quả và phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.

Tổng thống Myanmar thăm Việt Nam. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 20/3/2012, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Thein Sein đã thăm chính thức Việt Nam. Theo thông cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, các vị lãnh đạo hai nước “chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”. Hai nước ủng hộ việc “thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng và sớm hoàn thành Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC)”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Brunei thăm Trung Quốc. Ngày 21/3, Thứ trưởng Quốc phòng Brunei Dato Paduka Hj Mustappa thăm làm việc Trung Quốc trong 3 ngày, bắt đầu từ 20/3. Mục đích chủ yếu của chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước và thảo luận các vấn đề liên quan đến việc Brunei đăng cai cuộc họp ADMM plus vào năm 2013 khi Brunei đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN.

Trung Quốc, Philippines cam kết cải thiện quan hệ tuy có tranh chấp lãnh thổ. Tại buổi lễ hồi đầu tuần này ở Manila mở màn cho một loạt những hoạt động giao lưu văn hóa với Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng lịch sử và địa lý của hai nước sẽ chỉ xác định một phần mối quan hệ song phương. Tuy nhiên những phát biểu của ông Rosario tại một sự kiện có mục đích cải thiện quan hệ cũng đề cập tới nhu cầu tôn trọng lẫn nhau và thượng tôn luật pháp – là những từ ngữ mà Philippines lâu nay vẫn thường dùng để khẳng định lập trường trong vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Qua lời một thông dịch viên, đặc phái viên Trung Quốc Ngưu Thuẩn nói "Hai nước chúng ta nên tiếp tục tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm những điểm tương đồng trong lúc tạm gác qua một bên những mối bất đồng, tăng cường nhận thức chung và xử lý thỏa đáng những mối bất đồng thông qua đối thoại và gìn giữ mối quan hệ hữu nghị tổng thể giữa Trung Quốc và Philippines."

Phái đoàn quân sự lớn của Philippines tới Trung Quốc. Ngày 18/3, một đoàn quan chức quân sự cấp trung gồm 148 người của Philippines đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tại Trung Quốc. Phái đoàn trên gồm các sĩ quan của Trường Sĩ quan chỉ huy (CGSC) thuộc các lực lượng vũ trang Philippines, chủ yếu là các thiếu tá đến từ lực lượng Bộ binh, Hải quân và Không quân Philippines do Đại tá-Giáo sư Ramon Loria, Giám đốc Trung tâm Hàn lâm CGSC, dẫn đầu.

Thái Lan, Mỹ và Singapore tập trận. Không lực của ba nước đang thử nghiệm tình trạng sẵn sàng và khả năng hợp tác hành động trong một cuộc diễn tập quân sự quy mô diễn ra tại Căn cứ Không quân Korat Hoàng gia Thái Lan. Cuộc diễn tập hàng năm này sẽ kết thúc vào ngày 23/3. Chỉ huy cuộc tập trận, Đại tá Marc Caudill thuộc quân đội Mỹ giải thích rằng trong cuộc tập trận kéo dài hai tuần lễ, với tên gọi Cope Tiger 12, một lực lượng hỗn hợp gồm hơn 1.600 quân nhân và nhân viên dân sự sẽ học cách đáp ứng trước một loạt cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng có tính cách nhân đạo, thiên tai cho tới các mối đe dọa an ninh có thể xảy ra trong khu vực.

Philippines - Mỹ sẽ họp bàn cấp cao về quốc phòng. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin sẽ họp với bà Hillary Clinton và ông Leon Panetta vào ngày 30/4 tại Washington. Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử cả ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước cùng gặp nhau. Mặc dù nghị trình của cuộc gặp cấp cao vẫn đang được thảo luận nhưng ông del Rosario nói rằng Philippines muốn “củng cố” Hiệp định Tương trợ Quốc phòng ký năm 1951. Hiệp định này nói rằng hai nước phải giúp nhau trong trường hợp có tấn công bên ngoài.

III. Phân tích và đánh giá

“Biển Đông: Dầu, Yêu sách hàng hải và cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung” của Leszek Buszynski. Trong hai năm trở lại đây, nguy cơ xung đột leo thang từ những vụ việc tương đối nhỏ đã gia tăng ở Biển với những tranh chấp ít có khả năng đi đến đàm phán hay có giải pháp. Tuy nhiên, hiện tại, vấn đề đã vượt xa khỏi các yêu sách lãnh thổ và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên năng lượng, khi Biển Đông đã trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ, Trung ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Kể từ năm 2010, biển cả đã được kết nối với các vấn đề chiến lược rộng hơn liên quan đến chiến lược hải quân của Trung Quốc và sự hiện diện trong tương lai của Mỹ ở khu vực. Điều này đã khiến tranh chấp trở nên nguy hiểm và có lý do để quan ngại, nhất là khi Mỹ đã tái khẳng định lợi ích của nước này ở Châu Á Thái Bình Dương đồng thời tăng cường mối quan hệ an ninh với những nước yêu sách ASEAN trong tranh chấp Biển Đông. 

Trung Quốc tăng tốc quân sự, nhiều nước lo 'rào giậu.' Cách hành xử quyết đoán của Bắc Kinh ở các khu vực hàng hải rộng lớn mà họ tuyên bố chủ quyền (chồng lấn với các nước châu Á khác) khiến rất nhiều nước láng giềng (trong số đó có các đồng minh của Mỹ) phải lo lắng "rào giậu" chống lại khả năng đe dọa từ Trung Quốc. Họ tự củng cố lực lượng quốc phòng và phát triển quan hệ an ninh gần gũi hơn với Mỹ cũng như các nước khác. Mặc dù đã và đang trở thành đối tác thương mại hàng đầu với gần như mọi quốc gia chính ở châu Á, cũng là nhà đầu tư ngày càng quan trọng, Trung Quốc vẫn tạo ra sự quan ngại hơn là tin tưởng ở nhiều nơi trong khu vực. "Điểm dừng" có thể xuất hiện nếu Bắc Kinh nghĩ rằng, họ có ưu thế quân sự lấn át đối phương và rằng đàm phán cũng như áp lực không thành công để khiến đối phương chấp thuận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc sau đó có thể dùng vũ lực để đánh bật các đối phương có cạnh tranh chủ quyền ra khỏi khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

“Mỹ trở lại châu Á, đặt ra thách thức với ASEAN” của Simon Tay. Các nước ASEAN không thụ động trong mối quan hệ với Mỹ. Vậy liệu các hành động của Mỹ sẽ góp phần duy trì hòa bình trong khu vực hay gây ra hiệu ứng ngược? Liệu mỗi nước sẽ đi theo con đường riêng hay ASEAN có thể tìm sự cân bằng và gắn kết? Tổ chức này đa dạng và không thiết lập một chính sách an ninh hay đối ngoại chung kiểu như Liên minh châu Âu. Nhưng ASEAN từng gắn kết với nhau khi phải đối phó với các cuộc xung đột trong quá khứ. Rất có thể đây là lúc để các thành viên ASEAN cân đối chính sách trong mối quan hệ với Mỹ cũng như Trung Quốc. Việc Mỹ trở lại châu Á không nhất thiết dẫn tới xung đột với vị trí của Trung Quốc hôm nay cũng như trong tương lai. Nhưng nhiều điều phụ thuộc không chỉ ở việc hai nhà khổng lồ sẽ làm gì mà còn ở phản ứng thế nào tại châu Á. Ít nhất, ASEAN có thể cố gắng nhất trí tránh cái gọi là khiêu khích. Tiếp cận một cách cân bằng hơn và tránh nhận thức đứng về một bên nào. Đây là điều không hề dễ dàng nhưng là chìa khóa để đảm bảo sự thống nhất của Hiệp hội khi cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung ngày một nóng lên.

“Lợi ích thiết yếu của Mỹ trong việc phê chuẩn UNCLOS” của Gail Harris. Để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Bắc Kinh, Mỹ đã áp dụng hàng loạt các biện pháp như tăng cường sức mạnh ngoài không gian cũng như an ninh mạng, hoàn thiện tàu ngầm tấn công của Hải quân… Tuy nhiên vẫn còn một biện pháp hiệu quả hơn mà Mỹ vẫn chưa áp dụng đó là việc phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo tác giả, việc phê chuẩn Công ước này sẽ đem lại những thuận lợi nhất định cho Mỹ trong những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, pháp lý cũng như an ninh. Về lĩnh vực an ninh, việc phê chuẩn Công ước sẽ giúp Mỹ phối hợp tốt hơn với cộng đồng quốc tế trong việc phòng ngừa cướp biển cũng như khủng bố trên biển. Ngoài ra, việc thông qua UNCLOS sẽ giúp Mỹ tiết kiệm được các chi phí quốc phòng cũng như tăng thu cho ngân sách nhờ vào khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ). Cuối cùng, UNCLOS sẽ làm tăng thêm tính pháp lý của Mỹ, từ đó sẽ giúp họ ngăn chặn tốt hơn các chính sách hiếu chiến của Trung Quốc (nước cũng đã phê chuẩn UNCLOS) tại các vùng biển. Trong bối cảnh có những va chạm giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, UNCLOS sẽ giúp củng cố quyền của Mỹ trong việc thực hiện các hoạt động quân sự trên vùng biển quốc tế, đồng thời là công cụ hữu hiệu để giảm thiểu khả năng xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng tại khu vực này.

“Các xu hướng chuyển giao vũ khí trên thế giới – 2011”. Theo Báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Thụy Điển (SIPRI) công bố ngày 19/3, châu Á đã vượt các khu vực khác trong lĩnh vực nhập khẩu vũ khí. Trong giai đoạn 5 năm qua (2007 - 2011), châu Á-Thái Bình Dương chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu vũ khí thông thường của thế giới, trong khi châu Âu chiếm 19%, Trung Đông (17%), Bắc và Nam Mỹ (11%) và châu Phi (9%). Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong thời gian đó với 10% tổng lượng vũ khí, tiếp theo là Hàn Quốc (6%), Trung Quốc và Pakistan (đều 5%), Singapore (4%). Đông Nam Á đóng một vai trò quan trọng. Tính gộp cả hai giai đoạn, 2002 - 2006 và 2007 - 2011, nhập khẩu của khu vực này tăng tới 185%, mức cao nhất kể từ sau chiến tranh Việt Nam 1975. Trong cùng thập niên này, khối lượng vũ khí mà Malaysia và Singapore mua tăng gần 300%, Indonesia 144% và Việt Nam 80%. Theo các tác giả của báo cáo, do các căng thẳng nghiêm trọng trong khu vực, liên quan đến các tranh chấp biên giới trên biển, chủ yếu tại Biển Đông, các loại thiết bị quân sự như tàu chiến, máy bay, vũ khí chống tàu chiến… chiếm tỷ lệ lớn trong nhập khẩu vũ khí của các nước Đông Nam Á.

Sáu nhà sư và một tàu chiến. Quyền lực cứng là một khái niệm khá đơn giản – theo cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Michael Chertoff  là “sử dụng lực lượng để cưỡng chế nhằm đi đến sự thay đổi.” Trong phương trình củ cà rốt và cây gậy, sức mạnh cứng là cây gậy. Một số ví dụ về quyền lực cứng đã diễn ra gần đây: quân đội Mỹ ở Afghanistan, các biện pháp trừng phạt Iran và Bắc Triều Tiên, Không quân NATO tấn công chế độ Libya. Các nhà khoa học chính trị cũng xem việc đe dọa (hoặc thậm chí các hành động phô trương sức mạnh) của lực lượng quân sự là quyền lực cứng. Trung Quốc gần đây cho chạy thử tàu sân bay đầu tiên, cũng là thể hiện quyền lực cứng. Sự hiện diện của tàu sân bay trên biển gửi đi một thông điệp rõ ràng về quyền lực cứng của Trung Quốc, nhằm nhắc nhở các nước trong khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông – đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng với cách sử dụng quyền lực mềm mới, Việt Nam cho biết hồi đầu tuần rằng sáu nhà sư sẽ sớm ra cư trú trên một trong những quần đảo ở Trường Sa. Các nhà sư này thuộc Giáo hội Phật giáo của nhà nước và sẽ ở lại đây một năm. Điều này đã tạo ra một trường hợp điển hình về cuộc chiến giữa quyền lực cứng với phần mềm: Liệu sáu nhà sư có đánh bại được một tàu chiến?

“Chính sách Biển Đông của Trung Quốc đang thay đổi?” của M. Taylor Fravel. Đối lập với chính sách cứng rắn trong những năm qua tại Biển Đông, gần đây Trung Quốc đã có cách tiếp cận mới mềm mỏng hơn nhằm khôi phục hình ảnh bị tổn hại của mình ở Đông Á cũng như giảm thiểu các cơ hội khiến Mỹ có thể đóng vai trò tích cực hơn tại đây. Vậy đâu là nguyên nhân của việc thay đổi này? Bởi sự cứng rắn của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến những lợi ích lớn hơn trong chính sách đối ngoại của nước này. Ngoài ra, nó cũng hình thành một liên minh các nước cùng chung lợi ích chống lại Trung Quốc và tạo điều kiện cho Mỹ có cơ hội để thể hiện vai trò lớn hơn trong các tranh chấp tại khu vực. Cho đến nay, dường như những chính sách mềm mỏng hơn của Trung Quốc đã đem lại hiệu quả, đặc biệt là với Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những thách thức khi các hoạt động đánh bắt cá và thăm dò dầu khí được nối lại mùa xuân này có thể làm gia tăng các vụ va chạm. Không biết cách tiếp cận mới có được duy trì lâu dài hay không nhưng ít nhất, nó cũng chứng minh được rằng Trung Quốc, nếu muốn, có thể tái điều chỉnh chính sách ngoại giao của mình. Đây hẳn là một tin vui đối với sự ổn định của khu vực.

Bản PDF tại đây



[1] Theo Mạng Phượng Hoàng ngày 17/03/2012

[2] Theo Mạng Hoàn cầu 18/3