Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Trung Quốc phản đối cáo buộc đánh cắp UUV của Mỹ. Về cáo buộc của ông Donald Trump nói rằng nước này đã "đánh cắp" tàu lặn nghiên cứu của Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 19/12 tuyến bố điều này là không chính xác: "Một xuồng cứu hộ của hải quân đã phát hiện một vật thể không xác định. Để ngăn thiết bị này gây mất an toàn đối với hoạt động lưu thông trên biển và con người, hải quân Trung Quốc đã kiểm tra và xác minh vật thể này. Sau khi nhận thấy là thiết bị của Mỹ, Trung Quốc đã tiến hành trao trả. Hai nước đang liên lạc qua các kênh quân sự, và chúng tôi tin rằng vụ việc này sẽ được giải quyết thỏa đáng."
Trung Quốc triển khai trái phép chuyến bay dân dụng ra đảo Phú Lâm. Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai các chuyến bay dân dụng ra đảo Phú Lâm. Chuyến bay đầu tiên xuất phát ngày 21/12 từ Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, và sẽ hoạt động hàng ngày với giá vé 1.200 nhân dân tệ (172,77 USD)/1 chiều. Theo nguồn tin trên, sân bay trên đảo Phú Lâm được cấp phép để sử dụng vào tháng 12, phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự.
+ Việt Nam:
Việt Nam phản đối Trung Quốc mở đường bay dân sự đến Hoàng Sa. Liên quan đến việc từ ngày 22/12/2016, Trung Quốc mở đường bay dân sự thường kỳ đến sân bay ở Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 23/12 nêu rõ: “Việc Trung Quốc khai trương đường bay hàng không dân dụng ra Phú Lâm là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nói trên và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.”
+ Philippines:
Philippines tìm kiếm "sáng kiến ngoại giao" để đối phó với quân sự hóa Biển Đông. Về thông tin Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí tại các thực thể mà Bắc Kinh chiếm giữ ở Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết chính phủ nước này đang tiếp tục thu thập thông tin để xác minh, "Philippines rất lo ngại nếu các thông tin này là đúng sự thật. và những hành động kiểu này chỉ làm trầm trọng hơn những căng thẳng vốn có. Philippines đang cân nhắc về các sáng kiến ngoại giao và thủ tục pháp lý mà luật pháp quốc tế cho phép." Trước đó hôm 19/12, Ngoại trưởng Yasay cho biết, nước này sẽ “tôn trọng và kiên định đối với phán quyết Tòa, giải quyết vấn đề trên Biển Đông dựa trên phán quyết” tuy nhiên sẽ tập trung vào việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc, trước khi thảo luận các vấn đề "nhạy cảm". Tổng thống Rodrigo Duterte hiện coi cải thiện quan hệ với Trung Quốc là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Trung Quốc đề xuất tặng Philippines số khí tài trị giá hơn 14 triệu USD. Phát biểu với báo giới sau khi tặng quà Giáng Sinh cho các thương binh tại một bệnh viện quân y ở thủ đô Manila ngày 20/12, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Bắc Kinh đã đề xuất cung cấp miễn phí các vũ khí hạng nhẹ và tàu cao tốc trị giá khoảng 14 triệu USD cho Manila để hỗ trợ Tổng thống Rodrigo Duterte trong cuộc chiến chống ma túy và khủng bố. Đề xuất trên do Đại sứ Trung Quốc Triệu Kiến Hoa đưa ra trong một cuộc gặp Tổng thống Duterte vào tối 19/12 tại Phủ Tổng thống Philippines, và phía Bắc Kinh cũng công bố khoản vay lãi suất thấp dài hạn trị giá 500 triệu USD dành cho Philippines mua sắm các thiết bị khác.
Philippines phản đối Mỹ và Trung Quốc hoạt động trong EEZ của nước này. Sau khi Trung Quốc trả lại thiết bị lặn không người lái mà nước này bắt được của Hải quân Mỹ ở ngoài khơi bờ biển Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 20/12 cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc phải xin phép Manila khi tiến hành những hoạt động bên trong EEZ của Philippines, “chúng ta phải biết được những gì họ đang tiến hành trong khu vực của mình. Chúng ta có quyền như vậy.”
Philippines phiên chế chiếc tàu tuần tra do Nhật Bản cung cấp. Ngày 22/12, Philippines đã chính thức đưa vào hoạt động chiếc tàu tuần tra đa năng thứ 2 trong tổng số 10 chiếc do Nhật Bản cung cấp. Chiếc tàu dài 44m và được đặt tên là Malabrigo. Theo người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Armando Balilo, tàu tuần tra mới sẽ giúp Philippines thực thi chức năng tại vùng biển nước này, bao gồm tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ môi trường và hành pháp. Chiếc tàu trên được trang bị các đặc điểm kỹ thuật như hệ thống điều khiển hỏa lực, camera dùng ban đêm, buồng lái gắn kính chống đạn…
+ Malaysia:
Malaysia kêu gọi ASEAN đoàn kết trong vấn đề Biển Đông. Về căng thẳng ngoại giao liên quan việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nhấn mạnh ASEAN cần đoàn kết trong vấn đề Biển Đông để ngăn chặn các cường quốc điều khiển chính trị trong khu vực, “Một mình, chúng ta không thể đối mặt với họ, nhưng khi liên minh 10 quốc gia, tôi tin rằng dù có là Trung Quốc cũng không thể xem nhẹ hoặc làm ngơ trước lập trường của khối.” Bộ trưởng Hishammuddin khẳng định Malaysia kiên định chống lại việc leo thang triển khai khí tài quân sự tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
+ Mỹ:
Mỹ xác nhận Trung Quốc đã trả lại thiết bị lặn không người lái. Thư ký báo chí của Lầu Năm góc Peter Cook hôm 20/12 cho biết tàu chiến Mỹ USS Mustin đã tiếp nhận tàu lặn không người lái (UUV) mà tàu hải quân Trung Quốc “đã thu giữ bất hợp pháp” tại vùng biển quốc tế cách Vịnh Subic ở Philippines khoảng 50 hải lý về phía Tây Bắc. Theo ông Cook, “Mỹ cam kết bảo vệ các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế và tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép.” Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước đó cũng ra thông báo về việc trao trả này.
Quan hệ các nước
Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc giải thích về vụ thu giữ UUV của Mỹ. Phát biểu tại buổi họp báo hôm 19/12, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng rằng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết, và Trung Quốc cần giải thích rõ ràng về vấn đề này trước cộng đồng quốc tế, trong đó có giải thích về căn cứ (cho hành động của Bắc Kinh) theo luật pháp quốc tế.” Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cùng ngày tuyên bố việc tàu Trung Quốc thu giữ UUV của Hải quân Mỹ là chưa từng có tiền lệ, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ cứng rắn trước những hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam - Campuchia kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Nhận lời mời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen đã có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 20-21/12/2016. Về vấn đề biển, Tuyên bố chung trong chuyến thăm cho hay, “Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982. Hai bên cam kết phối hợp cùng nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC ở Biển Đông.”
Ngoại trưởng Trung Quốc hy vọng quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục tốt đẹp. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nhân dân Nhật báo hôm 22/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống đắc cử Donald Trump là dấu hiệu tích cực cho thấy sự chuyển giao suôn sẻ trong quan hệ Trung - Mỹ dưới thời ông Trump, “Đương nhiên, quan hệ Trung - Mỹ phát triển sẽ phải đối mặt với những phức tạp mới và cả những nhân tố bất ổn nhưng chỉ cần Trung Quốc và Mỹ tôn trọng lẫn nhau, cân nhắc đến lợi ích cốt lõi cũng như các mối quan tâm của bên còn lại thì giữa hai nước sẽ tồn tại mối quan hệ hợp tác ổn định, lâu dài.” Theo ông Vương, “Đây là xu hướng lịch sử và sẽ không bị thay đổi bởi ý chí của bất kỳ cá nhân nào.”
Phân tích và đánh giá
“Duterte, Trump và sự thay đổi chính sách đối ngoại của Manila” của Richard Javad Heydarian
Sáu tháng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã làm rung chuyển nền chính trị trong nước và khu vực. Chiến dịch bài trừ ma tuý của ông Duterte đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế cũng như những đồng minh thân cận nhất của Philippines như Mỹ.
Tổng thống Obama công khai phản đối cách tiếp cận “sốc và kinh hoàng” đối với cuộc chiến chống ma tuý. Các đồng minh phương Tây như Úc cũng dấy lên những mối lo ngại tương tự. Nhà lãnh đạo Philippines đáp trả bằng cách cáo buộc các nước này can thiệp quá mức vào công việc nội bộ và ngăn cản ông hoàn thành lời hứa tranh cử, đó là trấn áp tệ nạn ma tuý trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ.
Sự chuyển dịch trong chính sách đối ngoại của Philippines trong những tháng gần đây đã gây lo ngại cho các đồng minh của Philippines. Với Washington và những cường quốc có cùng suy nghĩ như Nhật Bản, Duterte lựa chọn cách tiếp cận song phương, thay vì đa phương, trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, chiến thắng bất ngờ của Trump nhen lên hy vọng về một mối quan hệ bớt căng thẳng giữa Washington và Manila trong tương lai gần.
Thiết lập lại chính sách đối ngoại
Những lời chỉ trích nặng nề của ông với Washington, bao gồm cả những lời thoá mạ nhắm thẳng vào Tổng thống Mỹ, phản ánh sự nhạy cảm của Duterte khi đối mặt với chỉ trích. Đây là biểu hiện rõ ràng của sự “cá nhân hoá” trong chính sách đối ngoại Philippines, một hiện tượng phổ biến ở những quốc gia có người lãnh đạo dân tuý.
Trong khi Mỹ không làm rõ được nội hàm trong cam kết an ninh của mình với Phillipines ở Biển Đông, Trung Quốc lại rõ ràng trong chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Nếu Philippines tiếp tục chiến lược cũ, Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Philippines phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là tại Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc cũng đề xuất phát triển chung, mở rộng các mối liên kết thương mại và đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhằm đổi lại sự xác định lại chính sách mang tính “thực dụng” từ phía Manila.
“Tình anh em” khó thành
Tuy vậy, việc Trump thắng cử đưa đến một bước ngoặt tiềm năng trong quan hệ song phương. Được mô tả như là “Donald Trump phương Đông”, Duterte không phung phí thời gian nhấn mạnh vào sự tương đồng, đặc biệt về tính khí và thiên hướng dân tuý trong chính trị.
Duterte mong đợi người kế nhiệm Obama sẽ bớt căng thẳng hơn với Manila trong vấn đề nhân quyền và dân chủ. Cùng với đó là sự tương hợp trong cách tiếp cận ngày càng cứng rắn và chủ nghĩa đơn phương của Trump với Trung Quốc và sự chấp nhận cách tiếp cận “hoà bình thông qua sức mạnh” theo kiểu Reagan đối với tranh chấp Biển Đông. Cuối cùng, Duterte hy vọng sẽ tăng cường quan hệ kinh doanh sâu đậm giữa đặc phái viên (thương mại) của ông với Washington (Jose Antonio, người xây dựng toà tháp Trump tại Manila) và gia đình Trump nhằm tạo điều kiện cho quan hệ song phương phát triển.
Dĩ nhiên, bất chấp những khó lường trong tính khí của cả Duterte và Trump, rõ ràng sự lạc quan rằng Trump sẽ phù hợp hơn với Duterte là hoàn toàn có cơ sở. Đến nay, điều đó đã phần nào làm dịu đi những lo lắng của Manila.
CSIS: Dự báo thế giới năm 2017
Bản “Dự báo Thế giới năm 2017” của CSIS đề cập đến những vấn đề quan trọng mà nước Mỹ và thế giới sẽ phải đối mặt trong năm tới. Bản Dự báo gồm 15 chương và dài hơn 100 trang bao gồm những nội dung chính như sau:
1. Các thách thức an ninh quốc gia chính mà Chính quyền Donald Trump phải đối mặt.
2. Phải chăng nền tảng trật tự do Mỹ đứng đầu đang sụp đổ?
3. Nước Mỹ phải đối mặt với những rủi ro kinh tế toàn cầu nào?
4. Nga có tiếp tục đóng vai trò “người quậy phá” nữa hay không?
5. Nước Mỹ nên nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc như thế nào?
6. Có thể Mỹ vẫn phải dựa vào các đồng minh?
7. Mỹ nên chi bao nhiêu cho quốc phòng?
8. Liệu Mỹ có cần một chiến lược mới nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ?
9. Mỹ phải đối mặt với những nguy cơ lớn nào ở Trung Đông?
10. Các lựa chọn của Mỹ ở Syria là gì?
11. Đâu là những quyết định then chốt của chính quyền mới về năng lượng?
12. Quan hệ đối tác Mỹ-Mexico sẽ như thế nào?
13. Các thực thể đa phương có thể hoạt động như thế nào trong mối ràng buộc với lợi ích của Mỹ?
14. Liệu chính quyền Donald Trump có duy trì được vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với sự thịnh vượng toàn cầu hay không?
15. Các giá trị nào đóng vai trò trong chiến lược của Mỹ?
Trong đó, chương 1 và chương 5 được cho là đáng quan tâm nhất. “Dự báo Thế giới năm 2017” nêu ra 4 thách thức an ninh quốc gia mà nước Mỹ thời Donald Trump phải đối mặt, đó là: tình hình trong nước, quan hệ với các đồng minh, những đối thủ cạnh tranh khu vực ngày càng quyết đoán (cụ thể là Nga, Trung Quốc và Iran), và các nội hàm an ninh của cuộc cách mạng viễn thông. Báo cáo nhận định: “Những thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt hiện nay có thể ít hơn thời Chiến tranh Lạnh, song phức tạp hơn nhiều”.
Còn về sự trỗi dậy của Trung Quốc, học giả Christopher Johnson cho rằng có một sự thật hiển nhiên là sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tiếp tục chi phối tình hình địa chính trị tại châu Á. Nếu ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế-chính trị và địa chính trị tiếp tục gia tăng với tốc độ như hiện nay trong vài thập niên tới, thế giới sẽ chứng kiến một lần nữa sự dịch chuyển lớn nhất về cán cân quyền lực.
Nếu Trung Quốc vượt Mỹ trong vòng 10-15 năm nữa thì thế giới sẽ lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ có “đầu tàu kinh tế” không phải một nước phương Tây. Việc Bắc Kinh ngày càng quyết đoán và có những hành động ngang ngược đang gây ra tâm lý lo ngại và đề phòng chiến tranh trong khu vực liên quan tới các tham vọng chiến lược của Trung Quốc.
Sự trỗi dậy mà Trung Quốc tự cho là “trỗi dậy hòa bình” đang đối mặt với cái nhìn không mấy thiện cảm của các nước láng giềng trong bối cảnh Trung Quốc “diễu võ giương oai” ở Biển Đông và tìm cách chia rẽ các nước ASEAN trong những vấn đề then chốt. “Dự báo Thế giới năm 2017” cũng cho rằng việc Mỹ tìm cách đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông thông qua một cuộc xung đột sẽ ngày càng khó khăn vì Trung Quốc ngày càng phát triển các năng lực quân sự.
“Vì sao Trung Quốc lại cứng rắn với Singapore” của Lieke Bos
Thời gian gần đây, Trung Quốc thể hiện rõ thái độ cứng rắn đối với Singapore, đặc biệt sự không hài lòng đối với lập trường của Singapore trong vấn đề Biển Đông và trong vấn đề Đài Loan. Ví dụ, gần đây nhất là vụ bắt giữ tàu chở khí tài của Singapore tại cảng Hồng Kông. Thực tế, Trung Quốc đã biết về sự hợp tác quốc phòng giữa Singapore và Đài Loan từ lâu nhưng vì sao gần đây lại thể hiện thái độ cứng rắn với Singapore, trong khi lại có thái độ mềm mỏng, dùng lợi ích kinh tế đối với Malaysia và Philippines.
Thứ nhất, nhìn lại quan hệ Trung Quốc - Singapore, có thể thấy mối quan hệ này tương đối ổn định sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Singapore luôn tuân theo chính sách “một Trung Quốc”, công khai rõ ràng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Trong dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Hiển Long đã ký thỏa thuận “đối tác hợp tác toàn diện tiến bộ cùng thời đại”. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Quốc, là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ sáng kiến Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) của Trung Quốc và ủng hộ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thứ hai, nhìn vào thực chất, có thể thấy quan hệ Trung Quốc - Singapore không hoàn toàn hữu hảo như bên ngoài. Mặc dù Singapore không phải là một bên tranh chấp tại Biển Đông nhưng quốc đảo này là hải cảng lớn nhất thế giới và bất kỳ xung đột nào tại Biển Đông ảnh hưởng tới tự do hàng hải sẽ tác động rất lớn tới Singapore. Do đó, Singapore đã thúc đẩy ASEAN đóng vai trò giải quyết tranh chấp thay vì ủng hộ cơ chế song phương như Trung Quốc đề xuất. Singapore cũng ủng hộ phán quyết của tòa án quốc tế, hơn nữa ký kết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng mở rộng với Mỹ, khiến Trung Quốc đặc biệt lo ngại.
Thứ ba, Trung Quốc ngày càng nhìn nhận Singapore như là một đồng minh của Mỹ thay vì là một quốc gia trung dung. Thực tế là thời gian gần đây, Singapore ngày càng tiến lại gần Mỹ. Ít có khả năng Singapore sẽ tuân theo Trung Quốc để ngừng hoàn toàn hợp tác với Đài Loan. Trên thực tế, các công cụ ngoại giao kinh tế của Trung Quốc ít có tác dụng với Singapore. Khác với các quốc gia láng giềng khác ở Đông Nam Á, Singapore có nền kinh tế phát triển và có mối quan hệ an ninh với nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc phụ thuộc lớn vào tuyến hàng nhập khẩu qua eo biển Malacca do đó ít có khả năng sẽ gây sức ép quá lớn lên Singapore. Nói cho cùng, nếu Trung Quốc chặn hàng của Singapore tại cảng Hồng Kông thì Singapore cũng dễ dàng trả đũa tương tự.
“‘Bài thử’ trên biển của Trung Quốc dành cho Donald Trump” của Andrew S. Erickson
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ nhanh chóng tiến hành thử nghiệm chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. “Lực lượng dân quân biển” có thể đóng một phần quan trọng trong nhiệm vụ này.
Một thử nghiệm có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, nhưng hai cuộc thử nghiệm dành cho ông Trump là xoay quanh hoạt động giám sát của Mỹ trên vùng trời, trong vùng biển quốc tế, điều mà Bắc Kinh vẫn liên tục phản đối. Với những vấn đề gây ra va chạm lớn trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay, một kịch bản thử nghiệm có thể liên quan đến Biển Đông, tàu hải quân Mỹ và dân quân biển của Trung Quốc. Để thử ông Trump, Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng này để quấy rối hoạt động của các tàu chiến Mỹ với hy vọng ông Trump có thể vì áp lực mà giảm các hoạt động tương tự, từ đó giúp Trung Quốc thực hiện nỗ lực giành chủ quyền. Cuộc thử nghiệm bao gồm những thách thức về quyết tâm của của Mỹ và đồng minh trong khu vực, cũng như cam kết của Mỹ đối với các quốc gia này, đặc biệt khi tình hình cho thấy sự bất định về cách Trump sẽ đối xử với các liên minh và quan hệ đối tác lâu đời như thế nào.
Chiến lược Biển Đông rộng hơn của Bắc Kinh bao gồm việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền gây nhiều tranh cãi, trì hoãn việc giải quyết các vấn đề chưa thể giải quyết để phục vụ lợi ích của mình, và chèn ép đối thủ tiềm năng trong khi vẫn cố gắng hạn chế căng thẳng leo thang. Để thực hiện chiến lược này và khống chế sự phản ứng của Mỹ càng nhiều càng tốt nhằm tiếp tục yêu sách chủ quyền mà không leo thang chiến tranh với các cường quốc, Trung Quốc đã sử dụng 3 lực lượng lớn trên biển. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc là một trong những yếu tố quan trọng nhất (nhưng lại ít được chú ý và đánh giá nhất) ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của Mỹ ở Biển Đông.
Trong rất nhiều kịch bản ở Biển Đông, kiểm soát quân sự bằng dân quân biển có thể sẽ đóng một vai trò tiền tuyến. Đây là một kịch bản mà Washington phải chuẩn bị chu đáo. Bắc Kinh có thể cũng tìm cách để gây nhầm lẫn, làm gián đoạn, hoặc cản trở một tàu khu trục của Mỹ, tàu biển làm nhiệm vụ đặc biệt. Điều này có thể diễn ra và đặc biệt nguy hiểm đối với sự ổn định khu vực và lợi ích của Mỹ. Mặc dù Chính quyền Obama có thể hoàn thành nhiệm kỳ của mình mà không gặp một sự cố lớn nào nhưng người kế nhiệm ông Trump có thể phải đối mặt với một thách thức mang tên “dân quân biển” ngay khi bước vào Nhà Trắng và phải xây dựng một đội an ninh quốc gia mới.
Điểm mạnh của dân quân biển Trung Quốc là có thể chối bỏ trách nhiệm. Bằng cách thông báo cho công chúng về những gì Trung Quốc đã làm (và có khả năng làm) và nói rõ rằng bất kỳ hành vi “hung hăng” nào cũng sẽ bị đáp trả bằng phản ứng mạnh mẽ, Washington có thể giúp chính mình thoát khỏi một cuộc khủng hoảng. Đặc biệt, các quan chức Mỹ cần sớm vạch mặt lực lượng biển thứ ba của Trung Quốc bằng cách đưa ra thông tin chính xác về lực lượng này. Lúc đó, các đồng minh của Mỹ có thể tin tưởng vào khả năng lãnh đạo chủ động của chính quyền mới.
“Bốn lý do Trung Quốc tự cho rằng họ sở hữu Biển Đông”” của Merriden Varrall
Tiến sĩ Varrall đã đưa ra bốn lý do quan trọng khiến Trung Quốc kiên trì theo đuổi sự mưu cầu quyền lực trong khu vực, và những lý do này còn sâu xa hơn nhiều so với các lợi ích tài chính hay các nguồn tài nguyên mà vùng biển này đem lại.
Trung Quốc tự cho mình quyền lịch sử
Trung Quốc đang theo đuổi một quan niệm riêng, tự coi mình là cường quốc cả trong lịch sử và hiện tại. Quan niệm này xuất hiện ở mọi tầng lớp ở Trung Quốc. Trung Quốc tin rằng việc họ quay trở lại nắm giữ vai trò chủ chốt chỉ là vấn đề thời gian.
Trung Quốc muốn phần còn lại của thế giới coi họ là thủ lĩnh toàn cầu mạnh đến mức Trung Quốc sẽ không bao giờ lùi bước, dù với bất cứ giá nào, cho đến khi đạt được mục tiêu đó. Họ cho rằng các hoạt động đó sẽ không làm thay đổi hoặc đe dọa trật tự thế giới, mà chỉ là khôi phục những gì nên có.
Trung Quốc tự coi mình là “thủ lĩnh tối cao” của châu Á
Trung Quốc tự coi mình là “thủ lĩnh tối cao” của khu vực đang tranh chấp này. Trong khi phương Tây coi khu vực này là một mô hình phẳng mà ở đó mỗi quốc gia đều có quyền ngang nhau, thì Trung Quốc lại tự coi mình là “người sáng lập”, có vai trò chủ đạo. Bà Varrall nói: “Nếu bạn là một thủ lĩnh tối cao, là ‘cái rốn của vũ trụ’, bạn sẽ có nghĩa vụ bảo vệ và chăm sóc những người khác, và ngược lại những người khác cũng phải thể hiện phần nào sự tôn kính đối với bạn”.
Trung Quốc tự coi mình là một nạn nhân
Trung Quốc tự nhận mình là một “nạn nhân toàn cầu”. Trung Quốc coi toàn bộ giai đoạn Chiến tranh Nha phiến là “Thế kỷ nhục nhã”, và chính phủ quyết tâm phải xóa bỏ điều đó. Nếu bạn nghĩ đến những năm 1800, thì đó là một cú sốc lớn đối với tâm lý người dân Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng nước họ phải mạnh mẽ và đoàn kết để chống lại tất cả mọi sự xâm lược từ bên ngoài, dù là lớn hay nhỏ.
Trung Quốc không nghĩ các hành động của mình là hung hăng
Trung Quốc không bao giờ nghĩ rằng họ đang hành động sai và gây phá hoại. Trung Quốc cho rằng họ vốn đã yên bình rồi, và trong cách diễn đạt của họ, Trung Quốc chưa bao giờ đi theo chủ nghĩa bành trướng”. Ngược lại, đó chính xác là những gì họ đang nhìn nhận về Mỹ và Nhật Bản.
Năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi đất nước của ông là “một quốc gia yêu chuộng hòa bình”. Quan điểm này được phổ biến đến tất cả mọi người, từ giới lãnh đạo chính phủ đến những người công nhân thuộc tầng lớp thấp nhất.
Tóm lại, do thế giới quan của Trung Quốc rất khác biệt so với phương Tây, nên chúng ta đang có nguy cơ thực thi những chính sách vô tác dụng hoặc có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh mà chúng ta cần tránh xa. Nói cách khác, những lời đe dọa bạo lực bình thường không phải là cách đáp trả duy nhất./.