Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc lên kế hoạch lập "căn cứ hậu cần chiến lược" ở Hoàng Sa. Chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” hôm 15/3 tổ chức một cuộc họp bàn về xây dựng “thành phố đảo” trên đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng trở thành "căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược then chốt". Cả 3 hòn đảo đều thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Chủ trì cuộc họp, bí thư thành ủy Tam Sa Trương Quân (Zhang Jun) nhấn mạnh kế hoạch xây dựng trên theo đúng tinh thần bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018, cũng như chỉ thị của chính quyền trung ương tại Bắc Kinh vào tháng 4/2018. Ông Trương không tiết lộ chi tiết kế hoạch, nhưng kêu gọi các quan chức địa phương "có những bước đi chủ động và trình bày sáng kiến" để có báo cáo tốt nhất cho lãnh đạo trung ương.

Trung Quốc bao biện việc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa. Tại họp báo thường kỳ ngày 22/3, trả lời câu hỏi về việc Việt Nam cho rằng một tàu cá Việt Nam đã chìm do bị tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công và truy đuổi, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảng Sảng nói: “Quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc, không tồn tại bất kỳ tranh chấp nào, chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam ngay lập tức dừng lại hoạt động đánh bắt cá trái phép trong nội thủy và lãnh hải Hoàng Sa. Về sự kiện ngày 6/3 mà phía Việt Nam đề cập, phía Trung Quốc đã công bố thông tin rồi. Trước khi tàu công vụ Trung Quốc đến, tàu cá của Việt Nam đã bị chìm do đâm vào đá, chúng tôi hy vọng phía Việt Nam không nên nói sai sự thật”.

Trung Quốc phớt lờ việc cựu quan chức Philippines kiện Chủ tịch Trung Quốc ra ICC. Ngày 22/3, Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ông Tan Qinsheng cho biết Trung Quốc không có kế hoạch trả lời việc này. Ông Tan tuyên bố: “Tôi chắc chắn việc họ đã hoặc sẽ làm, không thể đại diện cho quan điểm của chính phủ và nhân dân Philippines. Những hành động này chắc chắn sẽ không ngăn chặn được sự phát triển của quan hệ song phương”. Ông Tan Qinsheng cho biết thêm, Trung Quốc không phải là thành viên của ICC và về Biển Đông, Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình, ổn định khu vực, đồng thời giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và đàm phán song phương.

Trung Quốc dự kiến xây dựng hệ thống định vị biển sâu tại Biển Đông. Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống định vị có độ chính xác cao, hay còn gọi là hệ thống Bắc Đẩu dưới nước, trong một chương trình thí điểm tại Biển Đông nhằm cung cấp thông tin về vị trí, định vị và liên lạc dành cho người dùng toàn cầu. Theo Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, hệ thống định vị trên biển, còn được gọi là UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho mạng lưới dưới biển của Trung Quốc, đặc biệt cho các tàu lặn. Theo ông Hoàng Sở Đan, chánh văn phòng tổng hợp thuộc Phóng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải, “Những tín hiệu định vị vô tuyến khó có thể xâm nhập vùng nước sâu vì thế tàu ngầm và thiết bị lặn tự hành không thể dùng những hệ thống vệ tinh định vị hiện có. UGPS sẽ dùng tín hiệu sóng âm thanh thay vì sóng vô tuyến cho việc định vị dưới nước”. Tuy vậy, cơ quan này không tiết lộ UGPS sẽ hoạt động hiệu quả ở độ sâu bao nhiêu dưới đáy biển, cũng như mức độ chính xác của hệ thống này.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Đài Loan tập trận bắn đạn thật ở quần đảo Trường Sa. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 21/3 nêu rõ: “Việc Đài Loan bất chấp phản đối của Việt Nam, nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tiến hành các hành động tương tự”. Ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo chính thức về vụ tàu cá Quảng Ngãi QNg 90819 bị chìm hồi đầu tháng tại Hoàng Sa: Vào lúc 9 giờ sáng ngày 6/3 khi tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90819 TS cùng 5 ngư dân đang neo đậu tại khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 44101 dùng vòi rồng xua đuổi. Trong quá trình di chuyển, tàu Việt Nam bị đâm vào rạn đá ngầm và bị chìm lúc 10 giờ sáng cùng ngày. Tới 13 giờ chiều, 5 ngư dân bám vào mũi tàu trôi dạt trên biển được một tàu cá khác của Việt Nam số hiệu QNg 90620 TS cứu vớt. Cục Lãnh sự đã làm việc với Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, trao Công hàm phản đối việc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe doạ tính mạng, gây thiệt hại về tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

+ Philippines:

Hai cựu quan chức Philippines kiện Chủ tịch Trung Quốc ra Tòa ICC. Ông Albert del Rosario, cựu Ngoại trưởng và bà Conchita Carpio Morales, nguyên Lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của Philippines hôm 15/3 đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về tội ác chống nhân loại do những hành động “xấu” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales viết: “Với kế hoạch kiểm soát Biển Đông một cách có hệ thống, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm tội nằm trong thẩm quyền xét xử của Tòa, đó là tàn phá nặng nề và gần như vĩnh viễn môi trường của các quốc gia trong khu vực, không chỉ gây ảnh hướng các ngư dân, mà còn cả thế hệ hiện nay và thế hệ tương lai của các nước”. Đơn kiện đã được gửi cho Tòa án Hình sự Quốc tế vào ngày 15/3, trước khi Manila chính thức rút khỏi Hiệp ước thành lập Tòa án ICC 17/3. Tính đến chiều ngày 24/3, có đến 9.200 người ký đơn trên trang web Change.org ủng hộ vụ kiện các quan chức Trung Quốc lên ICC.

Thẩm phán Philippines cảnh báo khả năng Trung Quốc khai thác ở Bãi Cỏ Rong. Thẩm phán cấp cao Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio hôm 22/3 cảnh báo Philippines nên chú ý tới Thỏa thuận Vay vốn cho dự án “Tưới tiêu sông Chico” bởi vì thỏa thuận này có thể cho phép Trung Quốc khai thác Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông nếu Philippines không thể trả được khoản vay 62 triệu USD. Theo khoản 8.1 của Thỏa thuận vay vốn, Philippines nhanh chóng từ bỏ sự miễn trừ đối với tất cả tài sản của mình, ngoại trừ những tài sản sử dụng bất động sản của các Đại sứ quán và phái đoàn của Philippines; những tài sản dưới quyền kiểm soát của Quân đội Philippines; và những tài sản cho mục đích sử dụng công cộng hoặc chính phủ như được chia thành tải sản thuộc về di sản và tài sản dành cho mục đích thương mại. Khu vực dầu khí ở Bãi Cỏ Rong thuộc hạng mục “tài sản thuộc về di sản và tài sản dành cho mục đích thương mại”. Ông Antonio Carpio cho biết thỏa thuận này chịu sự điều chỉnh của luật Trung Quốc: “Trong trường hợp tranh chấp, thủ tục trọng tài sẽ được thực hiện bởi Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Trung Quốc (CIETAC) trên cơ sở luật trọng tài CIETAC. Phán quyết của CIETAC là cuối cùng và có tính pháp lý. Thủ tục trọng tài có thể được tổ chức ở Bắc Kinh. Theo luật của CIETAC, Trung Quốc luôn có đa số ở hội đồng trọng tài và Philippines không có cơ hội chiến thắng.

+ Indonesia:

Indonesia đề xuất các dự án trị giá hàng tỷ USD với Trung Quốc. Phát biểu với báo chí sau Diễn đàn kết nối CEO Standard Chartered về “Vành đai và Con đường” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Tenggara Strategics tổ chức ngày 19/3, Bộ trưởng Điều phối Các Vấn đề Biển của Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết Indonesia ​​sẽ đề xuất với các nhà đầu tư Trung Quốc 28 dự án trị giá 91,1 tỷ USD tại Cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất tổ chức tại Bali ngày 20/3, trong đó bao gồm các dự án xây dựng cảng biển và khu công nghiệp, nhà máy điện, nhà máy luyện kim và khu du lịch. Tuy nhiên, ông Luhut nhấn mạnh, trước khi đạt được thỏa thuận để tiến tới triển khai dự án, các nhà đầu tư Trung Quốc phải tuân thủ 4 điều kiện của Chính phủ Indonesia: (i) sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường; (ii) sử dụng tối đa lao động địa phương trong các dự án; (iii) chuyển giao kiến ​​thức về công nghệ cho các đối tác địa phương thông qua các chương trình đào tạo; (iv) tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp phụ trợ của Indonesia để giảm sự phụ thuộc vào các ngành khai thác và mang lại lợi ích cho nền kinh tế Indonesia trong dài hạn. Chủ tịch Ủy ban Điều phối Đầu tư Indonesia Thomas Tom Lembong cho biết những dự án này sẽ nằm trong 4 vị trí thuộc Hành lang kinh tế khu vực, đó là Bắc Sumatra, Bắc Kalimantan, Bắc Sulawesi và Bali.

+ Malaysia:

Thủ tướng Malaysia không ủng hộ tàu chiến lưu lại Biển Đông. Phát biểu tại sự kiện Đầu tư Malaysia 2019 ngày 19/3, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho hay, “Tàu chiến có thể đi qua nhưng không nên lưu lại Biển Đông để đảm bảo hoạt động tự do lưu thông và vùng biển rộng mở. Hành động như vậy khá khiêu khích và đây không phải điều chúng ta muốn thấy ở Biển Đông”. Về quan hệ với Trung Quốc, ông Mahathir Mohamad khẳng định, “Malaysia có quan hệ tốt nhất với Trung Quốc trong số các quốc gia Đông Nam Á. Dĩ nhiên, là quốc gia thương mại, chúng ta coi Trung Quốc là thị trường lớn. Bạn buộc phải thân thiện với các thị trường lớn”.

+ Mỹ:

Quân đội Mỹ diễn tập chiếm đảo ở Nhật Bản. Một lực lượng hỗn hợp gồm thủy quân lục chiến, không quân và bộ binh Mỹ hôm 11-14/3 tiến hành diễn tập giả định chiếm đảo tại Ie Shima, một đảo nhỏ thuộc quần đảo Okinawa, Nhật Bản. Theo thông cáo của Thủy quân Lục chiến Mỹ, toàn bộ nhiệm vụ mô phỏng quá trình chiếm giữ các điểm chốt tiền phương để lực lượng phía sau tiến hành các hoạt động tác chiến kế tiếp. Đại tá Robert Brodie, Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 31, cho hay: “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hết sức sôi động, vì vậy chúng tôi cần chuẩn bị và huấn luyện để sẵn sàng ứng phó với cuộc khủng hoảng trong thực tế”.

Hải quân Mỹ tuyên bố sẽ duy trì hoạt động tự do hàng hải. Phát biểu trong một cuộc họp báo trên tàu USS Blue Ridge neo đậu ở Manila hôm 18/3, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ Phó Đô đốc Phillip Sawyer khẳng định, "Mỹ sẽ không thay đổi các chiến dịch tuần tra duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông, bất chấp hành động gây hấn nguy hiểm của một chiến hạm Trung Quốc nhằm vào tàu khu trục Mỹ". Phó đô đốc Sawyer khẳng định Mỹ phản đối "cách hành xử thiếu chuyên nghiệp" của Trung Quốc khi điều tàu chiến cắt mặt tàu khu trục USS Decatur hồi tháng 9/2018 ở Trường Sa. Quan chức Mỹ khẳng định hoạt động tuần tra tự do hàng hải sẽ được duy trì ở Biển Đông và những vùng biển khác cho đến khi "không còn những yêu sách chủ quyền quá mức trên toàn thế giới".

Quan hệ các nước

Tàu chống mìn của Hải quân Mỹ thăm Philippines. Tàu chống mìn lớp Avenger USS Chief (MCM 14) ngày 17/3 đã có chuyến thăm cảng Manila. Tàu USS Chief hoạt động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tăng cường khả năng phối hợp với các nước đối tác và thiết lập nền tảng để sẵn sàng đối phó với tình huống khẩn cấp. Thiếu tá Fred Crayton, Sĩ quan chỉ huy tàu USS Chief cho biết chuyến thăm này “nhằm củng cố an ninh và ổn định khu vực và tăng cường khả năng phối hợp tác chiến. Mối quan hệ với Philippines là một trong những mối quan hệ lâu dài nhất của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.” Thủy thủ tàu USS Chief sẽ thăm thành phố và có hoạt động giao lưu với cộng đồng Philippines và hải quân nước sở tại.

Trung Quốc – Philippines khẳng định tăng cường quan hệ, thúc đẩy hợp tác. Ngày 20/3 tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ Viện, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đang ở thăm Trung Quốc. Ông Vương Nghị khẳng định quan hệ song phương có bước chuyển lớn, không ngừng củng cố và phát triển trong ba năm qua. Hai bên tăng cường tin cậy chính trị và đạt nhiều kết quả trong hợp tác thực chất, và cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác của Philippines và các quốc gia ASEAN khác hoàn tất việc tham vấn COC trong 3 năm, thảo luận và ký kết các văn kiện hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến BRI. Về phần mình, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Lopez Locsin khẳng định, hai bên luôn là bạn bè tốt và không bao giờ là kẻ thù. Không quốc gia nào mang lại nhiều hy vọng như Trung Quốc. Philippines sẽ mở rộng hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy hợp tác biển, cùng duy trì môi trường biển hòa bình, ổn định. Philippinse sẽ đóng vai trò điều phối tích cực quan hệ Trung Quốc – ASEAN, đồng thời thúc đẩy đàm phán COC, hướng tới quan hệ hợp tác thân thiện giữa ASEAN và Trung Quốc.

Philippines - Nga dự kiến ký thỏa thuận hợp tác hải quân. Sau cuộc gặp với Tư lệnh hải quân Nga Đô đốc Vladimir Korolyov, lãnh đạo hải quân Philippines Phó Đô Đốc Robert Empedrad hôm 21/3 cho hay Philippines và Nga đã hoàn tất thỏa thuận hợp tác, trong đó tăng cường các hoạt động diễn tập chung và thăm cảng. Dự kiến thỏa thuận sẽ chính thức ký nhân chuyến Nga của ông Empedrad vào tháng 7 năm nay. Theo ông Empedrad, việc ký kết thỏa thuận sẽ trùng với ngày lễ kỷ niệm thành lập Hải quân Nga. Tàu chiến thuộc lực lượng Hải quân Philippines sẽ tham gia ngày hôm đó như một phần của lễ kỷ niệm.

Phân tích và đánh giá

Cạnh tranh Mỹ - Trung tại Biển Đông: Góc nhìn các chuyên gia”. Một quan chức cấp cao của Trung Quốc gần đây cho rằng vấn đề Biển Đông ngày càng bị tách biệt thành 2 vấn đề: một mâu thuẫn hoàn toàn có thể giải quyết được giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, với một bên là những mâu thuẫn phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc do Washington triển khai tàu chiến để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ “đáp trả” các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ tại Biển Đông.

Những bình luận trên được Trung Quốc đưa ra tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019, một cuộc thảo luận về an ninh biển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, diễn ra hôm 29/3 tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam. Tổng Giám đốc Cơ quan các Vấn đề Biên giới và Biển thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Yi Xianliang cho rằng trong khi Trung Quốc và các nước ASEAN đang đàm phán về cơ sở kỹ thuật, pháp lý và những căn cứ lịch sử thì Mỹ lại thích nói chuyện bằng những hành động trên biển: “Mỹ đã tiến hành tới 15 cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, vì vậy chúng tôi cho rằng người Mỹ ngày càng muốn dùng tàu chiến để thể hiện quan điểm của mình”.

Cũng tại sự kiện này, Đại tá Zhou Bo cho rằng dù hải quân Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về Bộ Quy tắc ứng xử về các Va chạm Bất ngờ trên Biển (CUES) từ năm 2014 song vấn đề nằm ở chỗ tàu chiến Mỹ hiện được triển khai ở Biển Đông “một cách rất bài bản”. Ông Zhou Bo, hiện là Giám đốc Viện Hợp tác An ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc: “Những năng lực đã được cải thiện của Trung Quốc đồng nghĩa với việc chúng tôi không còn có thể dung thứ cho những hành vi khiêu khích ngay trước mắt… và sẽ có nhiều hơn những phương án đáp trả”.

Các chuyên gia tại cuộc thảo luận đều cho rằng cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác như thương mại và công nghệ đã khiến vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp hơn. Giáo sư Gordon Houlden, Giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học Alberta ở Canada, nói: “Những vấn đề thương mại chưa ngã ngũ diễn ra cùng lúc với cuộc cạnh tranh chiến lược sâu sắc tại nhiều khu vực, kể cả Biển Đông, trong khi đó, các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ lại không phù hợp với góc nhìn của Trung Quốc về luật quốc tế”.

Giám đốc viện Đông Á Zheng Yongnian cho rằng đối đầu Mỹ-Trung dù là điều khó tránh song hoàn toàn có thể giải quyết bằng những cách tích cực hơn, chẳng hạn như thông qua các cạnh tranh công bằng trong kinh tế. Ông lưu ý rằng việc Trung Quốc thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do với ASEAN có thể là yếu tố khích lệ các nước khu vực khác cũng sẽ muốn củng cố quan hệ kinh tế với khối này.

Giáo sư Houlden đồng tình với nhận định của ông Yongbian và cho rằng sẽ tốt hơn nếu Mỹ và Trung Quốc cùng nhượng bộ, thay vì cạnh tranh trong vấn đề Biển Đông, với những nguy cơ tiêu cực ảnh hưởng tới tổng thể mối quan hệ song phương. Ông nhấn mạnh: “Cả hai bên cần sáng tạo và can đảm; phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh”.

Cũng tại Diễn đàn Bác Ngao châu Á, các chuyên gia đã đánh giá cao các tiến bộ trong tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông ASEAN và Trung Quốc đang xúc tiến. Nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Indonesia, Jusuf Wanandi cho rằng sự hiện diện của COC sẽ củng cố trật tự khu vực và giảm thiểu những cuộc cạnh tranh mượn tay người khác giữa các cường quốc, đồng thời cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trong cách nhìn của cộng đồng quốc tế và góp phần thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 là sự kiện có sự tham gia của 2.000 đại biểu, gồm các quan chức chính phủ, doanh nghiệp và chuyên gia, học giả tới từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, không có bất kỳ đại diện nào tới từ Mỹ.

Thời đại mới của quan hệ Indonesia - Nam Thái Bình Dương” của Ngoại trưởng Indonesia Retno L.P Marsudi. Indonesia và các nước Nam Thái Bình Dương đều đang phải đối mặt với các thách thức chung ngày một lớn, có ảnh hưởng trực tiếp như vấn đề mực nước biển dâng và phát triển kinh tế. Đều là quốc gia biển, Indonesia và các nước sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nhất của việc mực nước biển dâng và điều kiện thời tiết cực đoan. Cách thức hiệu quả nhất cho hợp tác hai bên là quan hệ đối tác bao trùm, toàn diện, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau. Nhiều năm qua, hai bên đã phát triển quan hệ vững chắc ở nhiều cấp độ - song phương, khu vực và toàn cầu; hợp tác tại các diễn đàn như Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Chương trình vì Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP). Indonesia và các nước Nam Thái Bình Dương cùng nhau thúc đẩy cam kết toàn cầu để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Ở cấp độ song phương, Indonesia tiếp tục tăng cường hợp tác với các nền kinh tế Nam Thái Bình Dương. Tổng thống Indonesia Jokowi đã nhấn mạnh cần đầu tư vào các chương trình phát triển quốc tế, trong đó có Nam Thái Bình Dương. Các lĩnh vực nổi bật là hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực. Về kinh tế, vẫn còn nhiều tiềm năng hai bên chưa khai thác hết. Thương mại ở mức thấp với 450 triệu USD và còn nhiều khó khăn về hợp tác đầu tư. Vì vậy, Indonesia và Nam Thái Bình Dương cần tháo gỡ khó khăn, nhất là về khoảng cách và tăng cường kết nối. Với Sáng kiến “Trục hàng hải”, Indonesia đã mở rộng và nâng cấp các cảng chiến lược ở khu vực phía Đông, hướng tới thiết lập kết nối biển nhiều hơn, đưa Indonesia đến gần hơn với Nam Thái Bình Dương.

Giao lưu nhân dân và doanh nghiệp hai bên sẽ tiếp tục được tăng cường. Indonesia sẽ là cánh cửa chiến lược cho Nam Thái Bình Dương để tiếp cận với Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là cơ hội cho doanh nghiệp Indonesia tham gia vào phát triển kinh tế của Nam Thái Bình Dương. Xu hướng địa chính trị, trong đó có hợp tác Ấn Độ - Thái Bình Dương đang nổi lên, đây cũng sẽ là cơ hội cho Indonesia và Nam Thái Bình Dương. Vì vậy, hai bên cần tạo ra mô hình quan hệ đối tác kiểu mới.

Một là, mở rộng và làm sâu sắc các tầng nấc kết nối và đối thoại. Cần tạo ra nhiều hơn các đối thoại giữa hai bên. Gần đây, có một số diễn đàn ngoài khuôn khổ của Liên Hợp Quốc như Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF), Diễn đàn Phát triển các Đảo Thái Bình Dương (PIDF) và Nhóm Dẫn đầu Melanesia (MSG). Diễn đàn Indonesia - Thái Bình Dương (ISPF) tổ chức tại Jakarta (21/3) là sáng kiến đúng lúc được thu xếp một cách không chính thức để giúp Indonesia và các nước Nam Thái Bình Dương có cơ hội đối thoại. Ngoài, ISPF, Indonesia cũng tổ chức Giao lưu doanh nghiệp, khai thác tiềm năng thông qua Hiệp định Ưu đãi Thương mại (PTAs) với Fiji và Papua New Guinea để biến sự tương đồng về văn hóa xã hội, lịch sự, quan hệ chính trị thành các lợi ích kinh tế cụ thế cho nhân dân Indonesia và Nam Thái Bình Dương.

Hai là, làm phong phú hơn quan hệ hiện nay ngoài kênh chính phủ - chính phủ, tiến tới mở rộng hợp tác giữa doanh nghiệp, học giả và xã hội dân sự. Trên tất cả, ISPF sẽ tạo ra một diễn đàn đối thoại cho Indonesia và Nam Thái Bình Dương từ chính phủ đến nhân dân. Đây sẽ là sự khởi đầu mở ra thời kỳ mới cho mô hình Indonesia - Nam Thái Bình Dương đã lỗi thời.

Biển Đông đang tăng nhiệt?”. Một số diễn biến đáng chú ý ở Biển Đông thời gian gần đây:

Chính quyền Đài Loan phản đối máy bay quân sự Trung Quốc vượt qua ranh giới trên Eo biển Đài Loan

Đài Loan cho biết các máy bay chiến đấu của nước này đã cảnh báo máy bay quân sự Trung Quốc vượt qua ranh giới ở Eo biển Đài Loan, đồng thời gọi động thái này của Trung Quốc là “khiêu khích”. Theo Bộ quốc phòng Đài Loan, hai chiếc chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc đã vượt qua ranh giới vào khoảng 11 giờ sáng 31/3 và tiến vào không phận tây nam của hòn đảo này. Trước tình hình đó, Đài Loan đã nhanh chóng điều các chiến đấu cơ cảnh báo máy bay Trung Quốc.” Tổng thống Thái Anh Văn đã nói với các phóng viên: “Máy bay quân sự Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận ngầm khi vượt qua đường trung tuyến tại Eo biển Đài Loan. Họ đã quay trở lại phía tây đường trung tuyến sau những lời cảnh báo của Lực lượng không quân Đài Loan. Bộ trưởng Ngoại giao Joseph Wu cho rằng việc máy bay tiêm kích của Trung Quốc vượt qua ranh giới ở Eo biển Đài Loan là có chủ ý, đồng thời gọi đó là hành động khiêu khích đầy nguy hiểm. Đài Loan đã thông báo vụ việc này cho “các đối tác khu vực”.

Tàu chiến, lính thủy đánh bộ Mỹ đến Philippines để tập trận

Tàu tấn công đổ bộ USS Wasp của Hải quân Mỹ cùng với lính thủy đánh bộ và các máy bay tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II đã đến Vịnh Subic hôm 30/03 để chuẩn bị tham gia các cuộc tập trận với Philippines. Cuộc tập trận Balikatan, có nghĩa "Vai kề Vai", sẽ có sự tham gia của các lực lượng Úc. Sỹ quan chỉ huy tàu USS Wasp ông Colby Howard cho hay, "Balikatan là một cơ hội lớn cho Hải quân, Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ và các lực lượng của Philippines có thể học hỏi lẫn nhau và tăng cường khả năng phối hợp hoạt động". Theo thông cáo của Hạm đội 7, các bài diễn tập năm nay sẽ tập trung vào các hoạt động đổ bộ, huấn luyện bắn đạn thật, phối hợp tác chiến trong môi trường đô thị, tác chiến trên không và chống khủng bố. Tất cả các sự kiện này sẽ diễn ra ở đảo Luzon và Palawan. Thông cáo nêu rõ: "Việc tham gia cuộc tập trận Balikatan sẽ chứng minh khả năng của chúng ta triển khai nhanh chóng để hỗ trợ cho đồng minh trong

Trung Quốc tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm ngày thành lập Hải quân

Trung Quốc có kế hoạch tổ chức một lễ duyệt binh quốc tế trong tháng này ở Thanh Đảo để đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian nói với các phóng viên hôm 28/3 rằng hơn 60 nước sẽ cử đại diện tới sự kiện này và một số nước cũng sẽ gửi tàu chiến tham gia lễ duyệt binh hải quân. Trung Quốc đã và đang chế tạo các tàu hải quân và tàu ngầm mới, hiện đại nhất thế giới nhằm thách thức các lực lượng Mỹ và các đối thủ khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ. Trong buổi lễ duyệt binh năm ngoái ở Biển Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Nhiệm vụ xây dựng năng lực của Hải quân Trung Quốc chưa bao giờ cấp thiết như lúc này”.

Hợp tác biển Ấn Độ - Indonesia không ngừng gia tăng”. Hải quân Ấn Độ và Indonesia vừa bắt đầu cuộc tập trận tuần tra phối hợp lần thứ 33 tại quần đảo Andaman và Nicobar, dự kiến kết thúc vào ngày 4/4. Tham gia tập trận có tàu hải quân Indonesia KRI Sultan Thaha Syaifuddin và máy bay tuần tra CN-235 cùng với các tàu và máy bay của Ấn Độ. Đồng thời, tàu Cảnh sát biển Ấn Độ INS Vijit đang thực hiện chuyến thăm 4 ngày tới cảng Sabang của Indonesia. Năm qua chứng kiến sự tham gia ngày càng tăng của Ấn Độ tại cảng Sabang, trong đó có chuyến thăm của tàu hải quân Ấn Độ INS Sumitra tới Sabang vào tháng 7.

Những tiến triển này nhấn mạnh sự hợp tác biển giữa hai nước trong vài năm qua và rộng hơn là quan hệ quốc phòng ngày càng mở rộng. Mặc dù quan hệ mật thiết giữa hai nước không phải mới - cả hai đều là thành viên sáng lập Phong trào Không liên kết (NAM) trong những năm 1950, sự liên kết chiến lược rõ ràng và hợp tác quốc phòng mới bắt đầu cất cánh thời gian gần đây.

Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã bắt đầu chú ý chiến lược hơn đối với Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng mà Indonesia là một phần quan trọng. Tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng Modi đã tới Indonesia trong chuyến công du 3 quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy chính sách Hành động Hướng Đông.

Trong tiến trình này, rõ ràng là cả hai nước đều có lợi ích liên kết trong việc đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc và đạt được tiến bộ trong lĩnh vực biển. Điều này diễn ra trong bối cảnh các bên đang thảo luận về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chính Indonesia đăng cai một Hội nghị về chủ đề này trong tuần này.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta tiếp tục thấy sự phát triển liên quan đến quốc phòng và lĩnh vực biển tiếp tục hình thành giữa Ấn Độ và Indonesia. Hai bên đã ký thỏa thuận nhằm thúc đẩy các cam kết kinh tế giữa quần đảo Andaman và Nicobar và tỉnh Aceh và Bắc Sumatra. Thỏa thuận này hướng đến sự phát triển chung của khu vực nhằm thúc đẩy du lịch sinh thái, khởi động các kết nối vận tải hàng không bằng cách đưa các chuyến bay thương mại giữa Indonesia và cảng Blair và kết nối vận tải biển dưới hình thức vận chuyển tàu RoRo nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa hai khu vực.

Một dẫn chứng khác, Indonesia gần đây tổ chức Diễn đàn Cơ sở hạ tầng Ấn Độ - Indonesia (IIIF) lần thứ 2 nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai bên. Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức vào năm ngoái với các kế hoạch lớn về kết nối khu vực về mặt kinh tế, cơ sở hạ tầng và năng lượng. Ấn Độ cũng đã nhất trí hợp tác với Indonesia trong việc phát triển cảng nước sâu ở Sabang, tạo cho Ấn Độ một vị trí lớn hơn trong khu vực, đồng thời tăng cường các liên kết hàng hải giữa Ấn Độ và Đông Nam Á.

Các yêu cầu chiến lược cũng như những phát triển mới trong quan hệ Ấn Độ - Indonesia cho thấy hai bên sẽ tiếp tục gần gũi hơn trong những năm tới. Nhưng đồng thời, kỳ vọng về mối quan hệ đối tác mới này cũng cần phải tôi luyện thực tế. Hai bên còn nhiều thách thức, chẳng hạn như New Delhi vẫn còn thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Indonesia hay sự thay đổi của Ấn Độ trong chính sách Trung Quốc khi đối mặt với những rắc rối. Điều này cho thấy mặc dù có những lợi ích chiến lược lớn hơn gắn bó hai nước song vẫn còn những hạn chế trong quan hệ.

Cách để Mỹ giành lại Philippines từ tay Trung Quốc” của Phó Giáo sư Simon Tay. Khi nhắc tới Philippines, người ta thường chỉ tập trung vào vấn đề Biển Đông và các tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc. Tiếp theo sẽ là tính cách, một số phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Hầu như ít ai quan tâm tới nền kinh tế của quốc gia này - mặc dù không phải là không có vấn đề, song là nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực. Tuy nhiên, ba vấn đề kể trên có tác động qua lại lẫn nhau và có tầm quan trọng rất lớn, vượt ra khỏi biên giới của quần đảo này. Chuyến thăm Manila gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thu hút sự chú ý của dư luận. Ngoại trưởng Pompeo một lần nữa khẳng định với Philippines về phạm vi của Hiệp ước An ninh chung giữa hai nước, trong đó xác định rõ rằng Mỹ sẽ phản ứng đối với bất kể cuộc tấn công nào nhằm vào máy bay hay tàu thuyền của Philippines ở Biển Đông. Những phát biểu như vậy nhằm tìm cách làm yên lòng Philippines trong bối cảnh Trung Quốc đang xây dựng các tiền đồn quân sự ở trên biển.

Đối lập với sự giải thích mơ hồ của các chính quyền Mỹ trước đây, tuyên bố nói trên của Ngoại trưởng Pompeo rất rõ ràng - một điều hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, phản ứng của chủ nhà Philippines lại khá bất ngờ. Người đồng cấp của ông Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin ủng hộ quan điểm cho rằng "sự răn đe tốt nhất nằm ở sự mập mờ". Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, nói rằng ông ít lo ngại về việc Mỹ thiếu sự đảm bảo đối với Philippines mà lo ngại nhiều hơn về việc hiệp ước an ninh chung với Mỹ có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh. Ông khẳng định: "Chúng tôi không tìm kiếm và mong muốn điều đó".

Giới truyền thông Manila đang khai thác sự khác biệt giữa hai quan điểm tại Philippines. Chính quyền của cựu Thủ tướng Aquino từng tích cực tìm kiếm sự ủng hộ nhiều hơn và rõ ràng hơn từ phía Mỹ. Tuy nhiên hiện nay, Manila lại không hoan nghênh cam kết của Mỹ tại Biển Đông, và thay vào đó là lo ngại sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột.

Phần lớn sự thay đổi này xuất phát từ các chính sách dưới thời Tổng thống Duterte. Trong khi các chính quyền tiền nhiệm tích cực theo đuổi các vụ kiện Biển Đông chống lại Trung Quốc, thì ông Duterte lại quan tâm hơn tới việc đàm phán. Tính cách cũng đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này. Mặc dù cả hai đều là những tính cách rất đặc biệt, song Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Duterte không có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhau. Người Mỹ chỉ trích ông Duterte đối với một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề nhân quyền khi ông Duterte thực hiện cuộc chiến chống lại những kẻ buôn ma túy và cho phép xử bắn mà không cần qua xét xử. Ngoại trưởng Pompeo trong chuyến thăm Manila mới đây đã một lần nữa nhắc lại những vấn đề này. Cũng trong chuyến thăm này, ông Pompeo nhắc lại lời mời Tổng thống Philippines tới thăm Nhà Trắng. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra.

Đầu tư của Mỹ vào Philippines đang gặp nhiều vấn đề. Tổng số đầu tư của Mỹ vào Philippines vẫn ở mức khá lớn, song những khoản đầu tư mới đang chậm lại. Việc chính quyền Trump nâng thuế nhập khẩu là một trong những lý do dẫn tới tình trạng này, và nguyên nhân khác là tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 9 năm qua tại Philippines hồi năm ngoái.

Ngược lại, đầu tư của Trung Quốc và những lợi ích thương mại mà quốc gia này đem lại đang ngày càng tăng lên. Chính quyền Duterte đang nhấn mạnh chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng "Xây dựng, xây dựng và xây dựng", vốn cần tới 120 tỷ USD. Trung Quốc đã cam kết thực hiện một thỏa thuận đầu tư trị giá 24 tỷ USD, và mặc dù mọi việc đang diễn ra chậm hơn mong đợi, song hai cây cầu do Trung Quốc hỗ trợ ngân sách bắc qua sông Pasig ở Manila là minh chứng cho những gì Trung Quốc có thể làm cho Philippines.

Đầu tư của Trung Quốc cũng đang tăng lên trong những lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và cá cược. Những thay đổi này thể hiện rõ trong những dự án khai khẩn mới dọc theo Vịnh Manila, chỉ ngay bên ngoài sân bay. Người ta có thể cảm nhận rõ ràng sự hiện diện của Trung Quốc trong sự phát triển của những sòng bạc, trung tâm thương mại, khách sạn đồ sộ. Giá cho thuê văn phòng ở những khu vực này tăng vọt, cao hơn nhiều so với những khu vực khác của thành phố.

Trung Quốc không chỉ chi rất nhiều tiền và cát để cải tạo các khu vực tranh chấp trên biển. Nước này đang thực hiện động thái mới không chỉ ở trên biển, mà cả trên bờ, và ngay trong lòng thủ đô Manila. Nếu Mỹ muốn khôi phục lại ảnh hưởng của mình, chính quyền của Tổng thống Trump phải làm nhiều hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở việc nói về một thỏa thuận phòng thủ xưa cũ và mời ông Duterte tới thăm./.

Thực hiện: Đinh Anh