Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Một hạm đội gồm ba khu trục hạm Quảng Châu, Vũ Hán và Châu Hải, thuộc hạm đội Nam hải, đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Theo truyền thông Trung Quốc, cuộc diễn tập với nội dung là thực chiến, chống tàu ngầm, bắn phòng không, diễn ra vào giữ tháng 1 năm 2016 ở một địa điểm không xác định.

Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản không can dự vào vấn đề Biển Đông. Về việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và những diễn biến gần đây trên biển Hoa Đông, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 19/1 đã tuyên bố: Nhật Bản cần thận trọng trong lời nói và hành động liên quan đến vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nhật cần cố gắng nhiều hơn để tăng cường sự tin cậy giữa các nước láng giềng và thúc đẩy ổn định khu vực, thay vì gieo hạt giống bất đồng. Trung Quốc cảnh giác cao độ trước hành động can dự của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông.” Về việc Trung Quốc ngày 7/1 đã phát tín hiệu cảnh cáo một phi cơ chở các quan chức Philippines bay gần một đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp, ông Hồng tuyên bố: “Những bình luận của phía Philippines mang động cơ ngầm làm gia tăng căng thẳng sẽ hoàn toàn thất bại.” Về việc giàn khoan Hải Dương 981 đang được triển khai ở Biển Đông, ông Hồng hôm 20/1 ngang nhiên tuyên bố: “Giàn khoan đang hoạt động ở vùng biển hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Trung Quốc; hy vọng Việt Nam nhìn nhận việc này một cách bình tĩnh và cùng Trung Quốc nỗ lực xử lý các vấn đề liên quan đến hàng hải một cách phù hợp.” Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm 20/1 cho hay giàn khoan Hải Dương 981  981 đang hoạt động ở khu vực cách phía nam của thành phố Tam Á ở đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 140 km và cách phía tây của quần đảo Hoàng Sa 150 km. Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết giàn khoan sẽ được hoạt động ở đó cho đến ngày 10/3.

Trung Quốc tiếp tục bao biện hoạt động cải tạo đất trên Biển Đông. Trong bài phát biểu tại Tokyo hôm 19/1, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa cho rằng việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa là vì mục đích dân sự, có thể làm lợi cho cộng đồng quốc tế. Theo ông Trình, “Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, sử dụng máy bay dân dụng để tiến hành bay thử ra sân bay trên Đá Chữ Thập. Sân bay sẽ được sử dụng vào mục đích cứu hộ”. Về các công trình xây dựng trên các đảo nhân tạo, ông Trình bao biện rằng “sẽ đóng góp to lớn cho an toàn hàng hải và tạo thuận lợi cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn thảm họa, quan trắc khí tượng, cũng như nỗ lực bảo vệ sinh thái học.”

Trung Quốc điều thêm tàu hộ vệ tên lửa xuống Biển Đông. Theo truyền thông Trung Quốc, tàu hộ vệ Type 056A mang tên Kinh Môn 506 được bàn giao tại một quân cảng của Hạm đội Nam Hải hôm 24/1. Tàu chiến kiểu mới này do Trung Quốc tự nghiên cứu và chế tạo, chủ yếu sử dụng trong tác chiến, tuần tra, cảnh giới, hộ tống ngư dân, hoạt động độc lập hoặc hiệp đồng với lực lượng khác thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến chống tàu ngầm. Gần đây, hải quân Trung Quốc đã tăng cường đầu tư cho hạm đội Nam Hải, liên tục bổ sung các tàu chiến, tàu hộ vệ tên lửa mới để hoạt động ở Biển Đông.

+ Việt Nam:

 

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm 19/1, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết tối ngày 16/01/2016, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển đến vị trí cách đường trung tuyến giả định (giữa hai đường cơ sở Việt Nam - Trung Quốc) khoảng 21,4 hải lý về phía Đông. Đây là khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền Trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam Trung Quốc, là khu vực chưa được hai bên phân định. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này; đồng thời Việt Nam bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan”.

+ Philippines:

Philippines dự tính giám sát các chuyến bay thương mại trên Biển Đông. Philippines có kế hoạch lắp đặt một hệ thống giám sát trị giá 1 triệu USD trên đảo Thị Từ để theo dõi các chuyến bay thương mại trên khu vực Biển Đông. Có khoảng 200 chuyến bay thương mại qua khu vực này mỗi ngày. Phó Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Philippines Rodante Joya cho hay: “Do không có radar trong khu vực này, hệ thống trên sẽ giúp theo dõi các hoạt động bay, tăng cường an toàn và an ninh.” Tuy nhiên, ông Joya cũng cho hay cơ quan này đang chờ sự cho phép từ giới chức ngoại giao và an ninh bởi hệ thống theo dõi mới sẽ đặt tại một căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp.

Philippines chỉ trích Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh quốc gia Philippines hôm 17/1, Thư ký báo chí của phủ tổng thống Philippines ông Herminio Coloma Jr. cho hay, “Việc xây dựng thêm các đường băng sẽ góp phần làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi tái khẳng định những hành động này của Trung Quốc đã vi phạm không chỉ luật pháp quốc tế mà còn vi phạm DOC ở Biển Đông, mà Trung Quốc là một bên ký kết cùng các quốc gia thành viên ASEAN”. Theo ông Coloma, “Chính phủ Philippines quyết tâm khẳng định tầm quan trọng của hoạt động tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.”

Philippines tăng cường củng cố căn cứ quân sự ở Biển Đông. Báo Inquirer của Philippines hôm 18/1 cho hay quân đội nước này đang tiến hành nâng cấp  một căn cứ hải quân nằm ở vịnh Oyster, được cho là căn cứ thích hợp nhất cho quân đội Mỹ thuê. Vịnh Oyster có vị trí chiến lược, nhìn trực tiếp ra Biển Đông. Chính phủ Philippines cũng đang xây dựng đường cao tốc dài 12 km để nối vịnh này với khu vực trung tâm. Theo tờ Inquirer, căn cứ này đã bắt đầu được sửa chữa và nâng cấp từ năm 2014 để trở thành căn cứ quân sự hiện đại với hệ thống radar có công suất lớn và khi hoàn tất, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 4 tàu chiến lớn.

+ Mỹ:

Mỹ lo ngại về hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bài phát biểu tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu hôm 22/1, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho hay: “Chúng ta đã chứng kiến hoạt động cải tạo đất quy mô và xây dựng các đường băng quân sự cỡ lớn cùng các công trình ở Trường Sa. Bạn không thể tuyên bố về tự do hàng hải và sau đó phong tỏa việc tiếp cận các vùng biển quốc tế với cách giải thích là “vùng an ninh”. Đó là khái niệm không tồn tại trong luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên, không chỉ Trung Quốc, cần giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông, sử dụng ngoại giao, các cơ chế pháp lý, chứ không phải cưỡng ép, để giải quyết tranh chấp. Nhưng tốc độ của các hành động đơn phương đang thực sự ngày càng tăng, và điều đó gây mất ổn định của khu vực.”

Mỹ cảnh báo hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hôm 22/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố: Tôi không nằm trong số những người tin rằng cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi, đây chắc chắn không phải là điều chúng tôi mong muốn.” Ông Ashton Carter nhấn mạnh: “Chúng tôi không tìm cách yêu cầu người khác phải lựa chọn theo bên nào. Chúng tôi biết rằng số người đến với chúng tôi đang ngày càng tăng. Lý do tại sao? Bởi vì Trung Quốc đang có những bước đi mà tôi e rằng họ đang tự cô lập mình, thúc đẩy tình hình đi theo hướng mà không ai trong chúng ta mong muốn.

Tổng thống Mỹ khẳng định các nước cần tuân thủ “luật chơi chung”. Bình luận trong cuộc phỏng vấn với hãng tin PTI của Ấn Độ hôm 24/1, Tổng thống Mỹ Barack Obamacho biết trong chuyến thăm Ấn Độ hồi năm ngoái, Thủ tướng Narendra Modi và ông đã nhất trí một tầm nhìn chung cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, “Điều đó bắt nguồn từ lợi ích chung của chúng ta trong khu vực hòa bình và thịnh vượng, nơi tất cả các nước tuân thủ các quy định chung, phù hợp với luật pháp và các nguyên tắc quốc tế, trong đó có tự do hàng hải. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các cuộc tập trận quân sự và hợp tác biển để các lực lượng của hai nước có thể tương tác với nhau.” Ông Obama cho hay trên cương vị tổng thống ông đã nỗ lực để gia tăng vai trò của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương vì an ninh và sự thịnh vượng của khu vực là điều cốt lõi không chỉ với với khu vực mà còn cả thế giới, “Tôi tự hào rằng dù chúng tôi tiếp tục đối mặt với các thách thức gay go ở những nơi khác trên thế giới, chúng tôi đã tái cân bằng chính sách ngoại giao và giờ đây đang đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực”.

+ Nhật Bản:

 

Thủ tướng Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hai tờ Financial Times và Nikkei hôm 16/1, bình luận về việc Trung Quốc cải tạo đải và xây dựng đường băng trái phép trên Biển Đông, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cho hay, “Nhật Bản hết sức quan ngại đối với việc Trung Quốc đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, cũng như đơn phương khai thác các tài nguyên ở Biển Hoa Đông. Không thể dung thư những hành động đơn phương thách thức luật pháp quốc tế như vậy và cộng đồng quốc tế cần lên tiếng về vấn đề này. ASEAN cũng như các nước khác ở Châu Á cũng rất quan ngại về hành động này của Trung Quốc.

+ Úc:

Úc hối thúc Trung Quốc giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông. Ngày 18/1, trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã cảnh báo Bắc Kinh không nên theo đuổi các yêu sách chủ quyền theo cách có thể dẫn đến xung đột với Mỹ, Nếu việc tránh bẫy Thucydides là mục tiêu cốt lõi trong chiến lược của Trung Quốc như những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói, chúng tôi hy vọng Trung Quốc tính toán kỹ các hành động của mình để giảm bớt nguy cơ xung đột. Cần tránh những hành động làm phức tạp hoặc gia tăng căng thẳng và xung đột, đặc biệt khi có một giải pháp để giải quyết vấn đề. Về tranh chấp Biển Đông, có cả một hệ thống pháp lý quốc tế có thể giúp giải quyết vấn đề.” Bên cạnh đó, Thủ tướng Úc cũng khẳng định Trung Quốc cần tăng  cường xây dựng lòng tin với những nước láng giềng.

+ Anh:

Anh tuyên bố sẽ phớt lờ nếu bị Trung Quốc cảnh báo trên Biển Đông. Về  việc các phi công Philippines nhận được tín hiệu cảnh báo của Hải quân Trung Quốc khi bay gần các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông, Đại sứ Anh tại Philippines Asif Ahmad khẳng định, Nếu một máy bay dân sự hay quân sự Anh bị ngăn chặn hoặc không được bay qua không phận mà chúng tôi coi là quốc tế, chúng tôi chỉ đơn giản là phớt lờ nó.

Quan hệ các nước

Hải quân Mỹ - Trung đối thoại tránh va chạm trên biển. Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson hôm 19/1 đã có cuộc đối thoại trực tuyến kéo dài hai giờ đồng hồ. Hai bên ca ngợi những tiến bộ trong quan hệ song phương và khuyến khích gia tăng sử dụng các quy chế ứng xử giữa chiến hạm hai nước trong trường hợp chạm trán bất ngờ trên biển. Cũng trong cuộc đối thoại này, Đô đốc Ngô Thắng Lợi khẳng định hoạt động bay thử nghiệm tới đá Chữ Thập nhằm kiểm tra sân bay có đạt tiêu chuẩn hàng không dân sự hay không. Điều này sẽ giúp Trung Quốc thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế, đồng thời cung cấp dịch vụ cho các nước trên thế giới. Theo ông Ngô, Chúng tôi chắc chắn không quân sự hóa các đảo và đá nhưng không loại bỏ thiết lập khả năng phòng thủ. Hoạt động phòng thủ hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt.”

Mỹ - Úc ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã có cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 19/1. Thông cáo sau cuộc họp cho hay, “Hai bên khẳng định lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải và hàng không cũng như việc sử dụng hợp pháp biển cả, bao gồm Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo thúc giục các bên ở Biển Đông kiềm chế, ngừng hoạt động cải tạo đất, xây dựng và quân sự hóa tiền đồn; đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp, bao gồm sử dụng cơ chế trọng tài phù hợp với UNCLOS.”

Singapore - Mỹ tái tái khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược. Đối thoại Chiến lược Mỹ-Singapore lần thứ tư đã diễn ra hôm 22/1 tại Singapore với sự chủ trì của Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel. Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc, hai bên khẳng định mối quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng song phương chặt chẽ. Về vấn đề Biển Đông, Tuyên bố chung cho hay, “Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách bình tĩnh và hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS; thúc giục các bên kiềm chế và tránh các hành động làm leo thang căng thẳng, bao gồm quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông. Hai bên cũng nhấn mạnh tới cam kết của ASEAN và Trung Quốc trong việc thực thi toàn diện DOC và sớm tiến tới hình thành một COC ở Biển Đông.”

Phân tích và đánh giá

Ngăn chặn hành vi cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông” của Phạm Duy Thực

Nhận thức được tầm quan trọng của Biển Đông trong chính sách “tái cân bằng”, năm 2015, Mỹ đã thực hiện những bước đi cụ thể nhằm thách thức yêu sách của Trung Quốc. Về mặt học thuyết, Mỹ đưa ra chiến lược an ninh biển Châu Á – Thái Bình Dương; về thực tế hoạt động, Mỹ đã triển khai tàu USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo, điều máy bay ném bom B52 bay qua gần nhóm đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Trên phương diện nào đó, những bước đi này cho thấy Mỹ đã nỗ lực chủ động hơn ở Biển Đông, tuy nhiên điều đó vẫn sẽ chưa đủ để ngăn chặn hành vi cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông. Như vậy, Mỹ cần phải hành động nhiều hơn nữa.

Về mặt ngoại giao, Mỹ cần nâng cấp các mối quan hệ với các quốc gia đối tác Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, thành đối tác chiến lược. Thứ nhất, đối tác chiến lược giúp giảm những vấn đề vướng mắc như dân chủ và nhân quyền. Đây là những vấn đề mà theo quan điểm của một số nước trong khu vực thì chúng có thể làm xói mòn hệ thống chính trị và chủ quyền.  Thứ hai, khi thiết lập đối tác chiến lược thì “niềm tin chiến lược” cũng sẽ được củng cố, mở ra khả năng hợp tác quốc phòng và chiến lược sâu hơn nữa. Thứ ba và quan trọng hơn, nếu Mỹ không đủ quyết đoán để tìm kiếm bạn bè gần gũi hơn nữa trong khu vực, điều đó có nghĩa là nhường lại “sân chơi” cho Trung Quốc.

Về mặt kinh tế, Mỹ cần cân nhắc ít nhất hai bước đi sau. Thứ nhất, trong khi TPP có thể mở ra chương mới cho sự can dự về kinh tế của Mỹ ở Châu Á, Mỹ cần cân nhắc đến việc xây dựng con đường thương mại trên biển của Mỹ.  Việc tàu buôn Mỹ thường xuyên qua lại ở Biển Đông sẽ tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở đây. Điều đó sẽ dễ dàng được chấp nhận bởi thương mại đều có lợi ích cho tất cả. Thứ hai, Mỹ cần hỗ trợ các công ty dầu mỏ của mình thiết lập công ty liên doanh để khai thác dầu, khí trong vùng EEZ và thềm lục địa của các quốc gia yêu sách nhỏ hơn, đặc biệt là trong đường 9 đoạn. Điều đó không chỉ thúc đẩy sự liên kết với các quốc gia yêu sách nhỏ mà còn làm suy yếu yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông vì các dự án này đều phù hợp với luật quốc tế.

Về mặt quân sự, nếu như Bắc Kinh sử dụng các lực lượng bán quân sự và dân quân để quấy nhiễu hoạt động của các công ty dầu khí Mỹ, Mỹ cùng với các quốc gia có thể điều lực lượng bảo vệ bờ biển cùng với sự hỗ trợ của hải quân phía sau để bảo vệ lợi ích của mình. Điều này một mặt cho phép Mỹ có những bước đệm cho sự hiện hải quân ở khu vực, tránh bùng phát đối đầu khi sử dụng tàu chiến. Mặt khác nó cũng sẽ củng cố duy trì luật pháp quốc tế, cho thấy đường 9 đoạn không phù hợp với UNCLOS. Nhưng để thực hiện được điều này, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ (USCG) cần mở rộng sứ mệnh hoạt động ở Biển Đông bởi nhiệm vụ hiện tại của USCG chủ yếu hoạt động trong vùng EEZ của Mỹ và ở Bắc Cực. Để ngăn chặn hành vi cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ cần mạnh mẽ và hành động toàn diện hơn nữa.

Cuộc khủng hoảng ở Biển Đông và cuộc chiến dầu mỏ” của Brian Kalman

Việc phát hiện ra các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên có trữ lượng khổng lồ và quyết tâm của một Trung Quốc đang trỗi dậy đã khiến cuộc tranh chấp dai dẳng đó quay trở lại và có ảnh hưởng mang tầm quốc tế. Cuộc tranh chấp có thể được chia thành 3 vấn đề chính:

Thứ nhất là vấn đề khoanh vùng lãnh hải và Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) cho mỗi quốc gia giáp Biển Đông như thế nào. Thứ hai là quyền thăm dò và khai thác dầu khí, khoáng sản và các nguồn tài nguyên tái tạo ở các khu vực đang tranh chấp cũng như các vùng biển quốc tế nằm ngoài vùng lãnh hải và EEZ. Thứ ba là tự do đi lại của các phương tiện giao thông quốc tế và các tàu chiến qua các vùng biển mà Liên Hợp Quốc (LHQ) đã phân định là vùng biển quốc tế.

Thoạt nhìn có vẻ dễ dàng giải quyết các vấn đề này dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm cho việc thực thi UNCLOS trở nên khó khăn. UNCLOS nhằm xác lập tình trạng pháp lý của các vùng biển và đặt ra một khuôn khổ để xác định ai có quyền khai thác tài nguyên. Công ước này cũng thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp. Khuôn khổ pháp lý giải quyết tranh chấp này chỉ có khả năng thực thi một phần nào đó do thực tế là phương pháp được áp dụng để xác định phạm vi các EEZ thường dẫn đến tranh chấp giữa một hoặc nhiều quốc gia. Và trường hợp điển hình là ở Biển Đông.

Trung Quốc sử dụng cả hai yếu tố lịch sử và diễn giải của mình về UNCLOS để giải thích cho yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông. Các quốc gia có tranh chấp cũng như một số quốc gia không có yêu sách liên quan tại đây cũng lên tiếng bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc bằng nhiều lập luận chính đáng. Một thực tế rõ ràng là Trung Quốc đã quyết định mở rộng yêu sách chủ quyền của mình ra phần lớn Biển Đông bằng cách xây dựng các khu dân cư và cơ sở hạ tầng qui mô lớn cho cả thương mại và quân sự trên một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trung Quốc rõ ràng đang chứng tỏ chủ quyền của mình theo câu thành ngữ cổ Ai đang giữ thì là của người đó. Nếu xem xét chiến lược này cùng với công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc, các yêu sách mở rộng quyền kiểm soát biển và khả năng chống can thiệp vào khu vực trong hai thập kỷ qua cho thấy quốc gia châu Á này đang muốn thay đổi hiện trạng.

Trước tình hình phức tạp này, Việt Nam đã chọn một phương pháp khôn khéo hơn và đã quyết định tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế bằng phương pháp ngoại giao. Đồng thời, Việt Nam đã từng bước thực hiện chiến lược hiện đại hóa Hải quân của mình. Mặc dù Việt Nam đã phụ thuộc vào các vũ khí và lực lượng Hải quân Nga trong suốt 40 năm qua, nhưng hiện nay điều này đã thay đổi khi nước này có thể tăng cường năng lực cho lực lượng Hải quân của mình với vũ khí và tàu tuần tra của phương Tây. Việt Nam đã lựa chọn chiến lược đúng là xây dựng một lực lượng Hải quân dọc theo bờ biển ngày càng vững.

 Cán cân sức mạnh quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương bất lợi cho Mỹ?Báo cáo của CSIS

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ công bố nghiên cứu mới nhất cho rằng cán cân sức mạnh quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nghiêng về phía bất lợi cho Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc và Triều Tiên thách thức các cam kết an ninh của Washington, còn Lầu Năm Góc phải đối mặt với những hạn chế về chi tiêu.

Trong một nghiên cứu được tiến hành riêng cho Bộ Quốc phòng Mỹ, các chuyên gia tại CSIS bày tỏ quan ngại rằng chiến lược “xoay trục” các mối quan tâm của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama có thể không đủ để đảm bảo các lợi ích của Washington ở khu vực này. Nghiên cứu có đoạn viết: “Các hành động của Trung Quốc và Triều Tiên như thường lệ đang thách thức uy tín của các cam kết an ninh mà Mỹ đưa ra, và với nhịp độ Washington triển khai năng lực hiện nay, cán cân sức mạnh quân sự tại khu vực này đang biến chuyển theo hướng chống lại Mỹ. Chi tiêu mạnh là cần thiết để thực thi chiến lược ‘xoay trục’ của Mỹ”.

Các nhà lãnh đạo của Lầu Năm Góc và những người ủng hộ tại Quốc hội Mỹ cũng nói rằng các nỗ lực nhằm theo kịp tiềm lực quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc và các mối đe dọa an ninh quốc tế khác đã bị kìm hãm bởi các khoản cắt giảm ngân sách mang tính bắt buộc, vốn được Chính phủ Mỹ áp dụng từ năm 2011 như là một nỗ lực nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng của nước này. Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật chi tiêu vào cuối năm 2015 nhằm giải quyết một số mối quan ngại đó, song chưa có một giải pháp dài hạn.

Nghiên cứu cũng đưa ra bốn đề xuất:

Thứ nhất, Washington nên phát triển một chiến lược châu Á-Thái Bình Dương thống nhất giữa Chính phủ Mỹ với các đồng minh và đối tác của nước này. Ngoài ra, Chính quyền Tổng thống Obama nên tăng cường phối hợp với Quốc hội và hợp tác tốt hơn với các đồng minh.

Thứ hai, Washington nên đẩy nhanh các nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh cho các đồng minh và đối tác của Mỹ, trong đó bao hàm cả lĩnh vực an ninh biển. Nghiên cứu viết: “Nhiều nhà nước đang chật vật để làm dịu bớt các mối đe dọa an ninh khu vực, từ các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn cho tới các vụ tranh chấp trên biển và các mối đe dọa tên lửa”.

Thứ ba, Mỹ nên duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các chuyên gia kêu gọi Mỹ thể hiện sức mạnh quân sự tại khu vực này bằng cách triển khai thêm các tàu ngầm tấn công hạt nhân và phát triển các tên lửa tầm xa, trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động mang tính cưỡng ép khi gia tăng tốc độ xây dựng trên các đảo đó ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong khi Triều Tiên tiếp tục phát triển các năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Cuối cùng, Mỹ nên đẩy nhanh quá trình phát triển các năng lực mới cho các lực lượng của nước này, ví dụ như khả năng chống trả mối đe dọa tên lửa đạn đạo ngày càng gia tăng nhằm vào các tàu và căn cứ tiền phương của Mỹ.

Bắc Kinh và hoạt đông khuấy đảo Biển Đông” của Brahma Chellaney

Việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của mình tại quốc gia vành đài Ấn Độ Dương Djibouti, khu vực Sừng Châu Phi, cho thấy tham vọng bá chủ trên biển của Trung Quốc. Lợi ích ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương  -  cầu nối giữa Châu Á và Châu Âu - đã thôi thúc Trung Quốc quyết đoán hơn nhằm thiết lập sự kiểm soát ở Biển Đông.

Thực tế, Trung Quốc dường như đang sử dụng Biển Đông làm phép thử trong việc thay đổi địa chính trị ở Châu Á. Nhằm thúc đẩy lợi ích, Trung Quốc đã sử dụng các công cụ địa kinh tế như Con đường Tơ lụa trên Biển và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á. Nếu như không gặp phải những tổn thất về mặt quốc tế, Trung Quốc sẽ tiếp tục bành trướng biên giới ở Biển Đông. Chúng ta cần phải rõ ràng rằng: Biển Đông là địa bàn cực kỳ quan trọng cho cuộc cạnh tranh tranh giành ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương và xa hơn nữa là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trược hoạt động bành trướng lãnh thổ, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc, phản ứng của các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế chưa thực sự có hiệu quả. Mỹ chủ yếu tập trung vào mối quan ngại về quân sự nhằm bảo vệ tự do hàng hải mà không tạo ra được áp lực buộc Trung Quốc chấm dứt hành vi thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Các quốc gia ASEAN thì không đạt được sự thống nhất trong lập trường để ngăn chặn Trung Quốc - vốn là đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Trong khi đó, thiếu vắng những hành động phản ứng của cộng đồng quốc tế và bị phân tâm bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng khác, điều này đã thôi thúc Bắc Kinh vỗi vã thực hiện hoạt động xây dựng đảo nhân tạo nhằm tạo ra “thực trạng mới” tiến tới thiết lập vùng nhận dạng phòng không mà không cần phải đưa ra thông báo nào.

Nếu các quốc gia ASEAN và các quốc gia khác ở Châu Á không có cùng chung chiến lược về vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ của Châu Á, vấn đề sẽ thuộc về Mỹ và Trung Quốc thông qua “luật chơi” của các cường quốc trong đó sẽ loại bỏ những lợi ích của các quốc gia tranh chấp nhỏ.

Từ vấn đề trung tâm ở Biển Đông cho đến các vấn đề địa chính trị rộng lớn hơn, cán cân quyền lực, trật tự trên biển, cần thiết phải hình thành tư duy thống nhất giữa các quốc gia nhằm đẩy mạnh hợp tác hơn nữa để hình thành một môi trường tích cực để đảm bảo rằng, chủ nghĩa đơn phương sẽ phải trả giá. Chỉ khi các quốc gia duy trì áp lực lên Trung Quốc mới có thể khẳng định với Trung Quốc là tương lai phụ thuộc vào sự hợp tác chứ không phải đối đầu. Nếu không gây được áp lực như vậy, điều này có thể tạo ra những rủi ro mang tính hệ thống cho sự thịnh vượng và ổn định của Châu Á.

Suy nghĩ về tranh chấp  Biển Đông” của Ron Huisken

Các đảo nhân tạo mới rõ ràng thể hiện yêu sách của Trung Quốc đối với các đặc quyền trong khu vực, nhưng chúng cũng làm dấy lên câu hỏi: từ khi nào Bộ Chính trị (BCT) Trung Quốc được thuyết phục rằng họ cần một sự kiện “sốc và gây sợ hãi” ở Biển Đông nhằm đảm bảo một kết quả tích cực, đó là, ngăn chặn sự chống đối đối với các “yêu sách lịch sử” của Trung Quốc để giành phần lớn vùng biển này?

Trung Quốc đã đẩy mạnh các chiến dịch để các yêu sách của mình được chấp nhận, bằng cách xen kẽ các hành động từ dụ dỗ, ép buộc đến phát tín hiệu rằng một khi Trung Quốc đã trở nên giàu có hơn thì khả năng gây áp lực của Trung Quốc vì các mục đích là không có giới hạn. Với việc thường xuyên xem xét chính sách và đánh giá các công cụ thiết lập để triển khai chính sách, kể cả cà rốt và cây gậy, Trung Quốc đã kỳ vọng sẽ đàn áp được sự chống đối đối với các mục tiêu của Trung Quốc với chi phí chấp nhận được và trong khoảng thời gian chấp nhận được.

Tuy nhiên, hình như đã xảy ra điều gì đó làm tiêu tan lòng tin chính trị về việc có thể đạt được một kết quả kịp thời và hiệu quả về chi phí như thế. Có cái gì đó đã thuyết phục BCT Trung Quốc rằng phạm vi của vấn đề này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để nhanh chóng đạt được kết quả mong muốn. BCT Trung Quốc đã bị hút vào một cơn bão xây dựng và cải tạo các đảo. Kế hoạch này được tiến hành trong vòng bí mật. Người ta có thể cho rằng BCT Trung Quốc đã phải quyết định chương trình đảo xây dựng sẽ không quá nhỏ cũng không quá lớn để đạt được mục tiêu tâm lý, chính trị và an ninh của mình, phải tính toán để chương trình này nhanh chóng được tiến hành nhằm ngăn cản hành động đối kháng. Trung Quốc cũng sẽ phải lựa chọn cấu trúc phù hợp để chuyển đổi thành đảo.

Không lâu trước động thái này, và thậm chí có thể cùng thời điểm này, những người có đầu óc chiến lược trong giới lãnh đạo Đảng Trung Quốc có thể đã than phiền rằng Trung Quốc quá gắn bó với yêu sách này, dành quá nhiều cam kết chính trị cho nó, và rằng thất bại là lựa chọn không xa. Chương trình xây dựng đảo được đẩy mạnh một cách nhanh chóng từ tháng 8/2014 và được xem là hoàn thành tháng 6/2015. Mục tiêu của một cuộc phục kích chính trị đã đạt được. Các quyết định của Bộ Chính trị Trung Quốc, sự chuẩn bị cho việc thực hiện quyết định đó là bí mật tuyệt đối.

Tuy nhiên, vấn đề này đang làm hỏng viễn cảnh chính trị và an ninh của khu vực. Cách đây không lâu, đa số các nhà phân tích cho rằng Biển Đông về cơ bản là vấn đề ngoại vi và rằng, vì vấn đề này bị chìm trong các chính phủ khu vực, nên các tranh chấp sẽ nguội dần. Bây giờ con lắc lại di chuyển theo hướng khác. Các nhà phân tích đang tìm cách hình dung Biển Đông như là một cái gì đó gần gũi hơn với các điểm tựa của thế giới trong thế kỷ 21. Chưa rõ cách nhìn nhận nào là hữu ích, tuy nhiên, điều cấp bách là các nhà lãnh đạo của khu vực cần xác định đường hướng cho một giải pháp và điều chỉnh chính trị phù hợp cho vấn đề này./.