Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc muốn thúc đẩy hợp tác thực chất với Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 16/5 cho biết mục đích của cuộc gặp lần thứ nhất của cơ chế tham vấn song phương Biển Đông giữa Trung Quốc - Philippines tại thành phố Quý Dương nhằm thực hiện tinh thần của nhận thức chung lãnh đạo hai nước đạt được vào tháng 10 năm 2016, theo đó là xây dựng một diễn đàn để trao đổi về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc mong đợi và tin rằng, hai bên sẽ đạt được đồng thuận, tăng cường tin cậy, kiểm soát bất đồng, thúc đẩy hợp tác thực chất trên biển thông qua đối thoại song phương tạo đà thuận lợi để giải quyết các tranh chấp liên quan. Về việc Philippines cho biết, Trung Quốc trong 1 năm tới sẽ không tiến hành cải tạo đất ở Bãi cạn Scarborough, Người Phát ngôn Hoa Xuân Oánh ngày 17/5 cho biết: “Về vấn đề liên quan đến Bãi cạn Scarborough, Trung Quốc làm gì và không làm gì đều thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Hiện nay, quan hệ Trung Quốc - Philippines có đà phát triển tốt đẹp, hợp tác thực chất trong các lĩnh vực được thúc đẩy toàn diện và nhanh chóng. Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương phát triển lành mạnh ổn định.” Về việc Thủ tướng Nhật Bản Abe cùng với Thủ tướng New Zealand ra tuyên bố chung đề cập đến vấn đề Biển Đông, Bà Hoa hôm 18/5 khẳng định, “Cục diện căng thẳng ở Biển Đông phía Nhật Bản  tuyên truyền thực chất không tồn tại. Trung Quốc buộc phải tự hỏi hỏi: Nhật Bản thực chất quan tâm việc gì? Có phải mong muốn thấy khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định? Chúng tôi hối thúc Nhật Bản có suy nghĩ đũng đắn, thúc đẩy sự tin cậy giữa các quốc gia trong khu vực, làm nhiều việc có lợi cho hòa bình, ổn định của khu vực.” Về việc Ấn Đ và Singapore tập trận Biển Đông, Bà Hoa hôm 19/5 cho hay, “Trung Quốc thấy không có vấn đ gì với hoạt động trao đổi hợp tác thông thường. Tuy nhiên, khi tiến hành các hoạt động như trên, các bên liên quan không nên phương hại tới an ninh và lợi ích của bên khác, hay ảnh hưởng xấu đến hòa bình và ổn định khu vực.

Trung Quốc tuyên bố khai thác thành công băng cháy ở Biển Đông. Bộ trưởng Tài nguyên và Đất đai của Trung Quốc Khương Đại Minh ngày 18/5 cho hay Trung Quốc đã thành công trong việc thu thập các mẫu băng cháy ở Biển Đông. Phát biểu tại một địa điểm khai thác thử nghiệm ở khu vực Shenhu của Biển Đông, ông Khương nói rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc thành công trong việc khai thác băng cháy trên biển, sau gần 20 năm nghiên cứu và thăm dò. Giới khoa học quốc tế đánh giá đây là nguồn năng lượng thay thế tốt nhất cho dầu và khí đốt tự nhiên.

+ Philippines:

Trung Quốc đ xuất cho Philippines vay tiền đ mua sắm vũ khí. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 14/5 cho hay Trung Quốc đề nghị cho Philippines vay khoảng 500 triệu USD Mỹ để mua sắm trang trang bị quốc. Đề xuất này đưa ra khi đại diện công ty sản xuất vũ khí Poly Technologies Incorporated của Trung Quốc tới chào xã giao Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đườngở Bắc Kinh. Ông Lorenzana cho biết chính phủ Philippines sẽ ưu tiên sử dụng các khoản đầu tư dành cho việc hiện đại hóa Quân đội Philippines đã được phê duyệt, sau đó mới tính đến khoản vay của Trung Quốc. Cũng về thông tin liên quan hôm 17/5, Cảnh sát trưởng quốc gia Philippines Ronald dela Rosa cho biết Bắc Kinh dự kiến trao 23.000 khẩu súng trường M4 cho lực lượng cảnh sát Philippines: “Chúng tôi sẽ không mua những khẩu súng này. Họ (Trung Quốc) sẽ trao chúng cho chúng tôi”. Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có ra điều kiện gì đ đổi lấy việc trao súng hay không, ông Rosa khẳng địnhhoàn toàn không”.

Philippines sẵn sàng khai thác chung Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo Davao hôm 16/5 sau khi trở về từ Bắc Kinh, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố Philippines sẵn sàng cùng Trung Quốc và Việt Nam thăm dò tài nguyên Biển Đông,  Nếu có thể có được một cái gì đó mà không bị chút phiền hà nào thì tại sao không?. Nhưng một thỏa thuận như vậy phải công bằng và cân đối”. Ông Duterte xác nhận không có ý định gây sức ép lên Trung Quốc về phán quyết của Tòa vào lúc này. Ông Duterte cho biết trong cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, hai bên bày tỏ quyết tâm tăng cường quan hệ hữu nghị, với việc Bắc Kinh cam kết đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng mà nước này đang tài trợ tại Philippines. Hai nước đã ký 4 thỏa trong chuyến thăm nêu trên, trong đó có thỏa thuận Trung Quốc tài trợ 500 triệu nhân dân tệ (72,5 triệu USD) cho việc nghiên cứu khả thi các dự án cơ sở hạ tầng tại Philippines và xây dựng một trung tâm cai nghiện. Ông Duterte cũng cho hay trong các cuộc gặp bên lề hội nghị "Vành đai và Con đường" tại Bắc Kinh, lãnh đạo hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập ASEAN, "Họ muốn gia nhập ASEAN và vì Philippines đang là chủ tịch. Họ muốn tôi ủng hộ việc kết nạp họ. Tôi nói: 'Vâng, tại sao không chứ'". Phát biểu tại một Hội nghị của Cảnh sát biển Philippines hôm 19/5, Tổng thống Duterte kể lại Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo về chiến tranh nếu Manila thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông, “Tôi nói rằng đây là vùng biển của chúng tôi. Tôi có thể khoan dầu ở đó vì khu vực này thuộc về Philippines. Ông ấy (Chủ tịch Tập Cận Bình) trả lời rằng, “chúng ta là bạn bè, chúng tôi không muốn tranh cãi với các ông, vì chúng tôi muốn duy trì quan hệ nồng ấm. Nhưng nếu các ông vẫn gây sức ép trong vấn đề này, chúng ta sẽ bước vào một cuộc chiến”.

Philippines chính thức đổi tên khu vực Benham Rise. Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 16/5 đã ký sắc lệnh hành pháp 25 (EO 25) chính thức đổi tên khu vực Benham Rise thành Philippines Rise. Sắc lệnh yêu cầu Cơ quan thông tin tài nguyên và bản đồ quốc gia đánh tên Philippine Rise thay vì Benham Rise trong các bản đồ và biểu đồ chính thức của Philippines có thể hiện khu vực này. Benham là khu vực rộng khoảng 24 triệu ha, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Philippines từ chối viện trợ của EU. Đại sứ EU tại Philippines Franz Jessen ngày 17/5 cho hay, "Chính phủ Philppines thông báo với chúng tôi rằng họ sẽ không nhận viện trợ từ EU nữa". Quyết định của Chính phủ Philippines sẽ khiến nước này  mất khoảng 278,73 triệu USD tiền viện trợ phát triển từ EU. Tờ Philstar dẫn lờ Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Ernesto Abella rằng: "Tổng thống đồng ý đề nghị của Bộ Tài chính không chấp nhận khoản tài trợ từ EU vì lo ngại can thiệp vào các công việc nội bộ của Philippines". Động thái này của Philippines đưa ra sau khi Trung Quốc hứa sẽ hỗ trợ hàng tỉ USD cho các dự án ở quốc gia Đông Nam Á trong khuôn khổ sáng kiến "Một vành đai - Một con đường". Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez cho hay nước này đã được hưởng lợi từ viện trợ của Bắc Kinh lên tới 24 tỷ USD.

Quan điểm trái chiều ở Philippines về khai thác chung ở Biển Đông. Phát biểu trước báo giới hôm 18/5, trưởng cố vấn pháp lý của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho hay việc Philippines khai thác chung với Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông không thể coi là nhượng bộ chủ quyền. “Theo Điều 12, Mục 2 của Hiến pháp, Tổng thống có thể khởi động các thỏa thuận quốc tế với các công ty nước ngoài về thăm dò và khai thác các tài nguyên theo quy định của luật pháp.” Bình luận của ông Panelo được đưa ra sau khi tại Diễn đàn “Con đường Tơ lụa” ở Bắc Kinh hôm 14/5, Đặc phái viên Philippines phụ trách đối thoại liên văn hóa Jose de Venecia đề xuất ba nước Philippines, Trung Quốc và Việt Nam cùng khai thác chung tài nguyên ở Trường Sa. Trong cuộc họp báo đêm hôm 14/5, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho hay đ xuất của ông Venecia chỉ mang tính cá nhân và không phải chính sách của chính phủ. Trong khi đó, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio hôm 16/5 cảnh báo nguy cơ nhượng bộ chủ quyền khi khai thác với Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Phán quyết của Tòa ngăn Trung Quốc tiếp tục cải tạo đất ở Biển Đông. Trước thềm cuộc gặp song phương giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông hôm 19/5,  Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago Santa Romana ngày 17/5 cho biết  phán quyết của Tòa không thể buộc Bắc Kinh từ bỏ yêu sách ở Biển Đông. Tuy nhiên, phán quyết ít nhất cũng giúp ngăn Trung Quốc tiến hành thêm hoạt động bồi đắp. Theo đó, Philippines “có thể ngăn Trung Quốc bồi đắp bãi cạn Scarborough trong vòng một năm qua, đồng thời thuyết phục Bắc Kinh cho phép ngư dân Philippines đánh bắt ở gần Scarborough.” Đại sứ Romana cho biết Tổng thống Duterte đã chỉ đạo tập trung “tìm kiếm một giải pháp hòa bình và trên cơ sở ngoại giao” để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh, tránh mọi nguy cơ xung đột hay đối đầu.

Thẩm phán Philippines kêu gọi kiện Trung Quốc vì đe dọa chiến tranh. Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio hôm 20/5 kêu gọi Manila nộp đơn kiện việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đe dọa Tổng thống Philippines Duterte về chiến tranh ở Biển Đông nếu Manila thúc ép việc tuân thủ Phán quyết và khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp. Thẩm phán Carpio cho biết việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp giữa các nước là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, "Tổng thống không thể không làm gì, hoặc tệ hơn là chấp nhận hành động của Trung Quốc, vì không hành động đồng nghĩa với không bảo vệ Vùng EEZ của Philippines".

+ Malaysia:

Malaysia bắt 70 ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trái phép. Theo thông báo ngày 14/5 của Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA), 30 ngư dân và 4 tàu đánh cá Việt Nam bị MMEA bang Sarawak bắt giữ khi đang đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Malaysia. Các ngư dân này trong đ tuổi từ 17 đến 50, đã mạo nhận là ngư dân địa phương khi MMEA kiểm tra giấy tờ. Tiếp đó chưa đầy 36 tiếng sau, MMEA bang Sarawak lại tiếp tục bắt thêm 40 ngư dân Việt Nam cùng với 3 tàu đánh cá tại vùng biển cách Tanjung Po khoảng 90 hải lý về phía Bắc. Vụ việc đang được điều tra theo Đạo Luật Thủy sản 1985 của Malaysia.

+ Indonesia:

Indonesia tập trận lớn Biển Đông. Ngày 19/5, Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo thị sát cuộc tập trận của quân đội Indonesia xung quanh quần đảo Natuna với sự tham gia của khoảng 5.900 binh sĩ thuộc Đơn vị phản ứng nhanh (QRT) của TNI. Cuộc tập trận được đánh giá có quy mô lớn hơn cuộc tập trận Angkasa Yudha của không quân Indonesia, tổ chức tại quần đảo Natuna hồi tháng 10 năm ngoái với 2.000 quân tham gia. Dự lễ diễu hành của lục quân, hải quân và không quân trên đảo chính Bunguran của quần đảo Natuna, ông Widodo nói: "Dù trên đất liền, trên không hay trên biển, quân đội của chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng khi đất nước cần".

+ Mỹ:

Tàu USS Ronald Reagan tuần tra ở Châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 16/5, tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã rời căn cứ hải quân Yokosuka, Nhật Bản trễ hơn một ngày dự tính vì trục trặc kỹ thuật, để thực hiện cuộc tuần tra trên các vùng biển của Châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến, tàu Reagan sẽ thực hiện “các cuộc tuần tra thường kỳ” ở Biển Đông. Hiện tại, tàu sân bay USS Carl Vinson cũng đang hoạt động ở các vùng biển này. Gần đây, xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng tàu sân bay Reagan có thể thay thế tàu Carl Vinson ở Nhật Bản.

Mỹ bước vào thời kỳ cạnh tranh sức mạnh hải quân. Phát biểu với báo giới tại căn cứ hải quân Changi, Singapore hôm 16/5, Tư lệnh Hải quân Mỹ Đô đốc John Richardson cho hay Mỹ cần mở rộng hạm đội và tăng cường năng lực trên biển nhằm duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đang không ngừng nâng cao sức mạnh hải quân. Theo Đô đốc Richardson, Trung Quốc đang trưởng thành về mọi mặt. Tổng thống Donald Trump khi còn tranh cử từng tuyên bố ông muốn tăng số tàu chiến của Mỹ từ 290 chiếc lên 350 chiếc.

Quan hệ các nước

Campuchia - Trung Quốc thống nhất quan điểm về Biển Đông. Nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen từ ngày 13-17/5, hai bên đã ra Thông cáo báo chí. Theo đó, “Hai bên nhất trí vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, nên do các nước liên quan trực tiếp thông qua đối thoại, hiệp thương để giải quyết. Trung Quốc và các nước ASEAN có đủ khả năng thông qua hợp tác để bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông. Các nước ngoài khu vực nên phát huy vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này. Trung Quốc mong muốn cùng các nước ASEAN trong đó bao gồm Campuchia, thực hiện hiệu quả toàn diện DOC và sớm tiến tới COC ở Biển Đông”.

Hải Quân Mỹ - Singapore - Thái Lan diễn tập chung. Ngày 15/5, Hải quân ba nước kết thúc cuộc tập chung CARAT kéo dài 3 ngày. Phía Hải Quân Mỹ có hai chiến hạm tham gia: Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Sterett (DDG-104) và tàu chiến đấu ven biển USS Coronado (LCS 4). Singapore cử chiến hạm RSS Intrepid (FFS 69) và Thái Lan cử chiến hạm HTMS Naresuan (FFG 421). Trong khuôn khổ cuộc diễn tập, bốn tầu tiến hành hoạt động giám sát, bắn đạn thật, khám xét và bắt giữ (VBSS), kèm theo diễn tập không quân và thông tin liên lạc.

Nhật Bản - New Zealand kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Ngày 17/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp New Zealand Bill English đã hội đàm tại Thủ đô Tokyo. Tuyên bố báo chí sau cuộc gặp cho hay, “hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với UNCLOS và trong bối cảnh Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết ngày 12/7/2016. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các bên duy trì tự do hàng hải, hàng không, tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin khu vực, bao gồm hoạt động cải tạo đất, xây dựng các tiền đồn và quân sự hóa”.

Singapore - Ấn Độ tập trận chung ở Biển Đông. Hai nước hôm 18/5 khởi động cuộc tập trận "SIMBEX" kéo dài 1 tuần ở Biển Đông. Lực lượng Ấn Độ tham gia gồm 4 tàu chiến cùng máy bay săn ngầm tầm xa P-8I, trong khi Singapore triển khai một số tàu chiến cùng máy bay tuần tra Fokker F50, máy bay F-16 tham gia. Phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ D K Sharma cho biết, "SIMBEX năm nay là cuộc tập trận song phương lần thứ 24 nhằm tăng cường sự tương tác giữa hải quân hai nước cũng như nâng cao hiểu biết chung". Cuộc tập trận diễn ra theo hai đợt: giai đoạn 1 tại bến cảng từ 18 đến 20/5 và giai đoạn 2 trên biển từ 21 đến 24/5.

ASEAN - Trung Quốc nhất trí dự thảo khung COC.Ngày 18/5, ASEAN và Trung Quốc tổ chức Cuộc họp các Quan chức Cao cấp (SOM) liên quan đến việc triển khai DOC lần thứ 14 tại thành phố Quý Dương, Trung Quốc. Cuộc họp do Bí thư trường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong​ và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đồng chủ trì. Tại cuộc họp, hai bên trao đổi về tình hình Biển Đông, việc triển khai DOC và tiến trình xây dựng COC ở Biển Đông. Về xây dựng COC, các bên ghi nhận kết quả của Nhóm Công tác DOC/COC về dự thảo khung COC, đồng thời nhất trí sẽ trình dự thảo này để Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc (PMC+) vào tháng 8 tới xem xét, thông qua. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, “Hai bên đã có cuộc thảo luận về việc thực thi DOC, hợp tác thực tế trên biển và tham vấn COC với kết quả tích cực. Hội nghị thông qua “Tài liệu không chính thức về các biện pháp thành lập ủy ban phụ trách vấn đề kỹ thuật” và đánh giá kết quả vận hành Đường dây nóng giữa các Bộ Ngoại giao hai bên, cập nhật chương trình hành động 2016-2018. Cũng tại Quý Dương hôm 19/5, ASEAN-Trung Quốc tổ chức cuộc họp tham vấn SOM lần thứ 23 nhằm đánh giá hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời đề ra một số định hướng hợp tác cụ thể giữa hai bên trong giai đoạn tới. Về Biển Đông, cuộc họp ghi nhận kết quả Cuộc họp SOM ASEAN - Trung Quốc về DOC hôm 18/5, khẳng định đây là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán tiếp theo về xây dựng văn kiện COC thực chất, có tính ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực. 

Trung Quốc - Philippines tham vấn song phương về Biển Đông. Ngày 19/5, Trung Quốc và Philippines tiến hành phiên họp đầu tiên trong khuôn khổ cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông tại thành phố Quý Dương, Trung Quốc. Phiên họp do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago Santa Romana đồng chủ trì. Thông cáo sau cuộc gặp cho hay, “Hai bên trao đổi về các vấn đề Biển Đông một cách chân thành, cặn kẽ và thân thiện. Hai bên tái khẳng định cam kết hợp tác và tăng cường lòng tin. Hai bên thảo luận kỹ lưỡng về việc thúc đẩy hợp tác thực tiễn trên biển và khả năng thành lập các nhóm hỗ trợ kỹ thuật liên quan.” Trung Quốc - Philippines nhất trí tổ chức cuộc họp thứ 2 tại Philippines vào nửa cuối năm nay.

Tàu hải quân Trung Quốc diễn tập cùng hải quân Myanmar. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 19/5 cho biết một biên đội tàu hải quân nước này, gồm tàu khu trục tên lửa Trường Xuân, tàu hộ vệ tên lửa Kinh Châu và tàu tiếp tế Sào Hồ hôm 18/5 đã cập cảng quốc tế Thilawa, Myanmar bắt đầu chuyến thăm 4 ngày. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hải quân hai bên diễn tập trao đổi thông tin, tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Trước khi tới Myanmar, đội tàu này đã cập cảng thuộc bang Penang của Malaysia.

Tàu chấp pháp biển Việt Nam - Indonesia va chạm trên Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 23/5, Tổng thư ký Bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp Indonesia ông Rifky Effendi Hardijanto cho hay vụ việc xảy ra hôm 21/5, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở phía bắc quần đảo Natuna. Khi năm tàu đánh cá Việt Nam bị một tàu tuần duyên Indonesia chặn lại kiểm tra, tàu cảnh sát biển Việt Nam 8005 xuất hiện tìm cách ngăn cản vụ bắt giữ. Tàu cảnh sát biển Việt Nam sau đó đã đâm chìm một chiếc tàu cá, trên boong có một nhân viên chấp pháp Indonesia đứng gác. Tuy nhiên, ông Hardijanto phủ nhận thông tin nhân viên Indonesia bị lực lượng của Việt Nam bắt giữ làm con tin. Đại sứ Việt Nam ở Jakarta Hoàng Anh Tuấn hôm 23/3 đã có cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Thủy Hải sản của Indonesia và “Hai bên nhất trí giải quyết vấn đề này bằng phương thức ngoại giao." Về việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho hay ngày 21/5, năm tàu cá Việt Nam bị tàu Kiểm ngư Indonesia bắt khi đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực biển cách đường phân định thềm lục địa Việt Nam-Indonesia 18 hải lý về phía Bắc. Theo yêu cầu của lực lượng chức năng Việt Nam, phần lớn ngư dân và 4 tàu cá của Việt Nam đã được thả. Cũng trong quá trình đó, một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị chìm, lực lượng chức năng Việt Nam đã cứu hộ 1 nhân viên công vụ Indonesia.

Phân tích và đánh giá

Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc - Vươn tới hải quân biển xanh” của Eli Huang

Ngày 25/12/2016, lần đầu tiên, Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) triển khai nhóm tàu sân bay Liêu Ninh ra ngoài Chuỗi đảo thứ nhất để cảnh cáo Đài Bắc sau khi Tổng thống Thái Anh Văn điện đàm với Donald Trump. Hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương tiếp diễn sau khi Trump thông báo với Tập rằng Mỹ sẽ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”.

Vào 2/3, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay cảnh báo sớm của Không quân Trung Quốc vượt eo biển Miyako tiến vào tây Thái Bình Dương để hỗ trợ lực lượng huấn luyện viễn dương của hải quân. Một lực lượng đặc biệt của hải quân rời Tam Á ngày 10/2 để hỗ trợ không quân tại Biển Đông và nam Ấn Độ Dương, đi qua phía Nam Đài Loan để quay lại tây Thái Bình Dương.

Các cuộc tập trận của PLAN không chỉ là hoạt động chính trị và cảnh báo Mỹ, mà còn là cơ sở cho hoạt động thường lệ của PLAN trong tương lai. Chiến lược biển của Trung Quốc rõ ràng vượt xa khỏi ranh giới "chuỗi đảo" truyền thống điều vốn làm hạn chế hoạt động và phát triển của Hải quân Trung Quốc trong quá khứ.

Nhưng trong khi truyền thông phương Tây và các nghiên cứu tập trung vào sự phát triển của Liêu Ninh vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, truyền thông quân đội Trung Quốc lại hạn chế nhấn mạnh về chuỗi đảo. Rõ ràng biên giới quan trọng nhất cho sự phát triển sức mạnh trên biển của Trung Quốc không phải là môi trường địa lý hay thiếu khả năng mà là định hình tâm lý về chuỗi đảo. Các cuộc tranh luận nội bộ trong hải quân về tầm quan trọng của Chuỗi đảo thứ nhất gần đây đã sôi nổi hơn. Tháng 1/2013, chính ủy tàu Liêu Ninh cho rằng “thứ gọi là Chuỗi đảo thứ nhất, chuỗi đảo thứ hai không nên là dây xích để trói buộc sự phát triển của Hải quân Trung Quốc, mà nên là dấu hiệu để Hải quân Trung Quốc vươn ra đại dương rộng lớn.”

Điều này khuyến khích Hải quân thay đổi cái nhìn về chuỗi đảo và hướng sự chú ý của Trung Quốc từ giới hạn của chuỗi đảo sang việc phát triển hạm đội biển xanh.

Trung Quốc đang phá vỡ những giới hạn mà Trung Quốc tự áp đặt, kỳ vọng về việc triển khai quân viễn chinh trở thành hoạt động thường nhật của hải quân Trung Quốc trong tương lai gần. Cuộc tập trận chung Viễn dương của hải-không quân ngày 2/3 cho thấy rằng Chỉ huy Chiến khu miền Đông nhắm mục đích mở rộng ảnh hưởng sức mạnh và đạt được ưu thế trên không từ đại lục để hỗ trợ hoạt động của hải quân.

Từ góc nhìn của Đài Loan, tất cả điều này đều gia tăng rủi ro. Hoạt động phối hợp tác chiến hải quân-không quân, cùng với hoạt động của Lượng lượng Tên lửa và Lực lượng hỗ trợ chiến lược chống lại hệ thống C4ISR của Đài Loan càng củng cố thêm nhận thức về viễn cảnh an ninh eo biển Đài Loan bị đe dọa. Bộ Quốc phòng Đài Loan đã xác nhận các tên lửa đạn đạo độ chính xác cao DF-16 của Trung Quốc nhắm tới hòn đảo này.

Với quá nhiều chú ý tập trung vào hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng cần nhớ rằng hoạt động trên biển của Trung Quốc đang đe dọa đến an ninh của Đài Loan.

Diễn đàn hàng hải quốc tế 2017: Cần những nghiên cứu toàn diện hơn về ngoại giao trên biển Châu Á – Thái Bình Dương” của Jane Chan Git Yin và Collin Koh Swee Lean

Sau năm 2016 căng thẳng vì tranh chấp Biển Đông, năm 2017, an ninh biển Đông Nam Á được đặc trưng bởi tinh thần hòa hợp.

Triển lãm hàng hải và hàng không quốc tế Langkawi (LIMA) được Malaysia tổ chức vào tháng 3, trong đó có cuộc tập trận biển LIMA với sự tham gia tàu chiến của 17 nước. Tháng 5, Singapore tổ chức Diễn đàn đánh giá hàng hải quốc tế (IMR) để kỉ niệm 50 năm thành lập Hải quân Singapore, kết hợp với Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế (IMDEX) và Hội nghị An ninh Hàng hải Quốc tế (IMSC). Diễn đàn phản ánh sự phát triển của chính sách ngoại giao biển trưởng thành ở Đông Nam Á, là nỗ lực của cả chính quyền  trong và ngoài khu vực.

Tăng tính phức tạp đòi hỏi nâng cao hợp tác

Dù Biển Đông bớt căng thẳng, an ninh biển của Châu Á – Thái Bình Dương vẫn mong manh, các thách thức an ninh biển xuyên quốc gia ngày càng phức tạp.

Những thách thức an ninh biển phức tạp càng làm tăng bất ổn vì cuộc cạnh tranh địa chính trị kéo dài của các cường quốc ở Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, việc giải thích và vận dụng UNCLOS giữa các quốc gia ven biển còn có sự khác biệt. Do đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các lực lượng biển của Đông Nam Á và các cường quốc ngoài khu vực để duy trì trật tự biển dựa trên luật pháp.

Duy trì cam kết an ninh biển của Mỹ

Để đạt được các mục tiêu trên, cần duy trì và phát triển các mạng lưới hợp tác biển khu vực. Ví dụ, Mỹ kết hợp với Đông Nam Á trong các hoạt động lâu dài như CARAT và SEACAT.

Gần đây, các cam kết Mỹ-Đông Nam Á có một bước ngoặt mới. Một vài thỏa thuận song phương đã diễn ra với những đối tác khác có kỹ năng độc đáo nhất định, việc Úc tham gia vào tập trận thường niên song phương Balikatan Mỹ-Philippines là một ví dụ.

Bên cạnh những bất ổn về cam kết an ninh của Donald Trump ở khu vực, những tuyên bố gần đây của các chỉ huy cấp cao hải quân Mỹ có tính trấn an.

Hướng đến một chính sách ngoại giao trên biển toàn diện hơn

An ninh biển khu vực ngày càng phức tạp, Đông Nam Á dường như sẽ chứng kiến sự can dự lớn hơn nữa của các nước lớn bên ngoài đối với khu vực trong tiến trình xây dựng năng lực đảm bảo vấn đề này. Điều này là đáng hoan nghênh bởi các lợi ích của nó. Ví dụ, Nhật Bản cung cấp các tàu tuần tra cho Malaysia, Philippines và Việt Nam. Bắc Kinh cũng đang tiếp cận các đối tác Đông Nam Á. Ví dụ cảnh sát biển Philippines tham gia vào chương trình huấn luyện hợp tác cùng Trung Quốc

Cần thiết tăng cường hơn nữa ngoại giao biển

Sự xuất hiện và mở rộng của các lực lượng có chức năng tương tự lực lượng bảo vệ bờ biển cũng như sự tăng cường hoạt động của tàu tuần tra là lý do thúc đẩy các nước ngoài khu vực cần tập trung vào lĩnh vực này. Ấn Độ và Nhật đang thường xuyên viếng thăm tàu tuần tra đến Đông Nam Á. Sự hiện diện nhiều hơn của Tuần duyên Mỹ cũng là một động thái tích cực.

Một trật tự biển trên cơ sở các quy tắc toàn diện hơn sẽ duy trì hòa bình và ổn định trong các thông lệ biển toàn cầu. Mặc dù các cuộc đối thoại trong khuôn khổ các cơ chế khu vực vẫn là quan trọng, các quốc gia khu vực cần tăng cường các biện pháp thực tiễn.

Thách thức đối với Chiến lược Chống tiếp cận của Trung Quốc: Bảo đảm phòng không từ mặt đất” của Ngo Minh Tri

Phòng không và hệ thống đất đối không đang ngày càng được chú trọng trong Lực lượng quân đội Trung Quốc. 

Tuần trước, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai các bệ phóng đa tên lửa tại căn cứ hải quân Ngọc Lâm ở đảo Hải Nam. Có lẽ đây là động thái đáp trả quyết định tấn công Syria của Mỹ tháng trước.

Hơn hai thế kỷ qua, với những nỗ lực phát triển, kể cả các hoạt động gián điệp công nghệ và hỗ trợ công nghệ của Nga, Trung Quốc đã dần dần nâng cao khả năng của PLA, thách thức Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược chính mà Trung Quốc thực hiện là chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực (A2/AD), với mục tiêu ngăn cản sự can thiệp quân sự của Mỹ trong các khu vực mà Trung Quốc quan tâm, bao gồm cả vùng biển tranh chấp trong khu vực.

Để thực hiện chiến lược A2/AD này, quân đội Trung Quốc cần triển khai được hệ thống phòng không tầm xa. Bên cạnh hệ thống S-300 được hỗ trợ từ phía Nga và hệ thống HQ-9 do chính Trung Quốc thiết kế, Trung Quốc còn muốn phát triển hơn nữa khả năng của tên lửa SAM tầm xa để phát huy chiến lược A2/AD.

Vào năm 2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra thách thức đối với PLA trong việc thực thi, đặc biệt là chi phí lớn cho việc vận hành thường xuyên các máy bay phản lực và duy trì tuần tra không quân thường xuyên. Do vậy, Trung Quốc buộc phải sử dụng những tên lửa phòng không như S-300 và HQ-9 trong hoạt động tuần tra không quân.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các cơ sở quân sự tại các vị trí trong khu vực xảy ra tranh chấp. Báo cáo gần đây của CSIS cho rằng cơ sở hạ tầng quân sự ở ba khu vực quan trọng gồm Đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập và các thiết bị phòng thủ, hải quân, không quân và ra-đa đều đã gần hoàn thiện. Bắc Kinh giờ đây có thể triển khai các thiết bị quân sự như máy bay chiến đấu hay bệ phóng tên lửa tự động tới Quần đảo Trường Sa bất cứ lúc nào.

Có thể Trung Quốc cũng có lợi ích trong cuộc tấn công tên lửa mà Mỹ thực hiện ở Syria. Nếu Mỹ có thể tránh được hệ thống S-300 của Nga và thực hiện tấn công mục tiêu thì liệu đây có phải mối đe dọa đối với những sắp xếp quân sự của Quân đội Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông?  Mối lo ngại của Trung Quốc là liệu hệ thống HQ-9 của mình có đủ khả năng chống lại các hoạt động can thiệp quân sự nước ngoài ở các vùng biển tranh chấp hay không.

Trung Quốc đưa ra phản ứng mạnh mẽ về Hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) của Mỹ ở Biển Đông là do lo ngại tên lửa sử dụng trong cuộc tấn công Syria gần đây có thể đe dọa chiến lược A2/AD của Trung Quốc ở những vùng biển tranh chấp. Câu chuyện ở Syria có thể buộc Quân đội Trung Quốc phải xem xét lại và áp dụng những chiến thuật phòng không mới. Có thể, bệ phóng tên lửa chống tàu ở Căn cứ hải quân Ngọc Lâm là một trong những lời đáp trả của Trung Quốc.

Êm ả trước cơn bão: Tương lai của tranh chấp Biển Đông” của Tetsuo Kotani

Nếu như trong vài năm gần đây, Biển Đông được xem như một điểm nóng tranh chấp, thì gần đây, sự chú ý được chuyển dần sang khu vực Trung Đông và hai miền Triều Tiên. Tình hình Biển Đông khá yên ổn trong chín tháng trở lại đây, kể từ khi Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết năm 2016. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường các hoạt động quân sự hóa Biển Đông.

Theo một báo cáo gần đây, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống ra-đa trên một đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa có khả năng giám sát một vùng biển và hàng không tương đối rộng. Các thiết bị để triển khai tên lửa đất đối không cũng đã hoàn tất. Thêm nữa, Trung Quốc có thể tấn công lãnh thổ Philippines từ Biển Đông một khi tên lửa và máy bay chiến đấu của nước này được triển khai ở Quần đảo Trường Sa; và Trung Quốc cũng đã mở rộng các căn cứ của mình ở Quần đảo Hoàng Sa.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc hy vọng có thể chiếm bãi cạn Scarborough và thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, tham vọng này buộc phải tạm gác lại khi Tổng thống Philippines là ông Duterte thể hiện mong muốn hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Động thái này khiến Trung Quốc nhận ra chưa đến lúc bắt đầu những nỗ lực thay đổi hiện trạng tại khu vực.

Trung Quốc hy vọng tránh làm xấu đi quan hệ với Mỹ về vấn đề Biển Đông cho đến trước khi Đại hội Đảng Trung Quốc diễn ra, dự kiến là vào mùa thu năm 2017.

Cho đến hiện tại, Trung Quốc sẽ tập trung vào các cuộc đàm phán với các nước ASEAN để thiết lập bộ quy tắc COC. Hai bên dự kiến sẽ đưa ra khuôn khổ của COC sớm nhất là vào tháng 6-2017, tập trung thảo luận về các điểm như vùng biển mà bộ quy tắc này sẽ áp dụng, ưu tiên giải quyết tranh chấp hay xử lý khủng hoảng, và chế tài đối với các vi phạm. Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN sẽ khó có thể đạt được thỏa thuận về các vấn đề này.

Có thể Mỹ sẽ không can thiệp sâu vào vấn đề Biển Đông bởi Mỹ đang cần sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Mặt khác, chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể gây áp lực với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để đổi lấy việc Trung Quốc gia tăng sức ép trong vấn đề Triều Tiên. Một khi hoạt động Tự do hàng hải được  Quốc hội Mỹ thông qua, Mỹ sẽ can dự nhiều hơn đối với các tranh chấp biển so với thời của Tổng thống Obama.

Tóm lại, tình hình hiện tại chỉ là sự êm ả trước khi cơn sóng ập đến. Thời gian tới, khu vực Đông Nam Á diễn ra một loạt các sự kiện ngoại giao quan trọng như Diễn đàn ARF, Hội nghị Thượng đỉnh APEC và Diễn đàn thượng đỉnh khu vực Đông Á, và tổng thống Trump cũng có kế hoạch ghé thăm khu vực. Cùng với Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông sẽ vẫn là một điểm nóng ở khu vực Châu Á.

Tính cấp thiết của một COC để ngăn chặn xung đột ở Biển Đông” của Bonnie Glaser và Matthew Funaiole

Trong một sự việc mà cộng đồng quốc tế có thể sớm quên đi, lực lượng bán quân sự của Trung Quốc lại một lần nữa thể hiện hành động sẵn sàng sử dụng vũ lực nhằm đe dọa các nước khác và có thể khiến căng thẳng leo thang. Mặc dù những chi tiết cụ thể về vụ việc vẫn chưa được làm rõ nhưng các báo cáo cho thấy ngày 27/3, một tàu Hải cảnh Trung Quốc đã khai hỏa 7 lần nhằm vào tàu một tàu cá không trang bị vũ khí của ngư dân Philippines khi tàu này đang hoạt động gần khu vực đảo Sinh Tồn tại quần đảo Trường Sa, gần với đá Gaven. Vẫn chưa rõ vụ việc này xảy ra trong Vùng EEZ của Philippines, vùng biển tranh chấp hay vùng biển quốc tế, song chắc chắn vụ việc này có thể ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ nồng ấm mới đây giữa Trung Quốc và Philippines, đồng thời cho thấy nhu cầu cần phải có một Bộ quy tắc COC.

Chính phủ hai bên đều rất thận trọng khi đề cập tới vụ đụng độ này. Sự kiềm chế như thế là đúng như dự đoán bởi cả hai bên đã công khai cam kết giải quyết xung đột hàng hải một cách hòa bình. Việc báo chí Philippines đưa tin về vụ va chạm này cũng như những vụ đụng độ khác có thể là tín hiệu cho những tranh chấp trong tương lai. Sự táo bạo của Duterte khiến người dân Philippines yêu mến ông nhưng những sự việc như ở đảo Sinh Tồn có thể khiến ông phải lựa chọn giữa việc làm hài lòng người dân trong nước hay theo đuổi quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc. Những nỗ lực “không bé xé ra to” hoàn toàn có thể hiểu được đối với một quốc gia đang tìm cách có mối quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh như Philippines, nhưng tính toán kiểu này có thể không khả thi trong tương lai. Những vụ va chạm giữa tàu Hải cảnh Trung Quốc và tàu cá Philippines có thể trở nên phổ biến trên các phương tiện truyền thông tại Philippines và buộc ông Duterte phải có các biện pháp bảo vệ lợi ích quốc gia cứng rắn hơn.

Hoạt động khiêu khích cố ý của Trung Quốc ít có khả năng xảy ra trong những tháng tới. Hiện tại, Trung Quốc dường như muốn củng cố vị trí của mình tại Biển Đông hơn là cố gắng khẳng định các tuyên bố của mình. Ít khả năng Bắc Kinh sẽ chủ đích làm tình hình tồi tệ hơn trước thời điểm tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 19 vào mùa Thu năm nay.

Tuy vậy, những vụ việc mới vẫn có thể xảy ra. Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng triển khai các phương tiện bán quân sự để thực thi kiểm soát nhiều hơn đối với vùng biển tranh chấp. Vấn đề phức tạp hơn chính là lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm mà Trung Quốc thực thi từ những năm 1990 và mở rộng xuống phía Nam của Biển Đông.

Những cơ chế được công nhận chính thức là rất cần thiết để giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột trong tương lai. COC tại Biển Đông sẽ giúp điều chỉnh hành vi của các tàu và giảm khả năng dẫn tới những vụ việc tương tự. Điều này còn có thể mang lại sự đồng lòng nhất trí trong khu vực hơn so với Tuyên bố DOC. Thêm vào đó, Trung Quốc và ASEAN cần phải phối hợp để mở rộng CUES năm 2014. Những giải pháp này có thể ngăn chặn trước những cuộc đối đầu bất ngờ giữa Trung Quốc và Philippines trong tương lai./.