Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc ngang nhiên triển khai hệ thống tên lửa tới quần đảo Hoàng Sa. Kênh truyền hình Fox News (Mỹ) ngày 16/2 dẫn hình ảnh vệ tinh “ImageSat International” cho thấy hình ảnh hai khẩu đội gồm 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng với một hệ thống radar trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Fox News cho rằng hệ thống tên lửa này được đưa tới đảo Phú Lâm tuần trước. Một quan chức Mỹ cho biết dường như đó là hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 200 km và có thể đe dọa bất cứ máy bay nào, dù dân sự hay quân sự khi bay trong phạm vi này.

Trung Quốc chỉ trích bình luận của Ngoại trưởng Úc về Biển Đông. Về việc Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hôm 14/2 tuyên bố sẽ chất vấn Trung Quốc về mục đích sử dụng các đảo nhân tạo, đồng thời bày tỏ ủng hộ Philippines đưa tranh chấp biển ra Tòa Trọng tài, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 16/2 tuyên bố: “Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp thuận việc Philippines đơn phương đưa tranh chấp ra tòa, không phù hợp với luật pháp quốc tế và đi ngược lại sự đồng thuận giữa hai nước cũng như các điều khoản liên quan trong DOC. Úc không nên phớt lờ thực tế khách quan này. Việc Trung Quốc triển khai các cơ sở phòng thủ cần thiết trên lãnh thổ của mình là một quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền. Úc cần có một quan điểm khách quan và tránh các hành động ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.” Trong cuộc họp báo hôm 17/2 cùng với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh việc Trung Quốc bác bỏ hành động đơn phương khởi kiện của Philippines là phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Vương tuyên bố những nỗ lực của Philippines sẽ không thành công. Hôm 18/2, Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Julie Bishop. Ông Dương khẳng định các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ xưa. Trung Quốc xây dựng các cơ sở trên các đảo, đá ở Biển Đông chủ yếu phục vụ mục đích dân sự, giúp cung cấp các dịch vụ công. Việc Trung Quốc triển khai hạn chế các hệ thống phòng thủ không liên quan đến hoạt động quân sự hóa. Ông Dương nhấn mạnh Úc không phải một bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, vậy nên cần giữ đúng cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, không nên có hành động làm tổn hại tới hòa bình, ổn định khu vực cũng như mối quan hệ giữa Trung Quốc - Úc.

+ Việt Nam:

Việt Nam kêu gọi chấm dứt hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông. Ngày 15/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề: “Tôn trọng các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc - Yếu tố then chốt nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.” Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng Liên Hợp Quốc cần phát huy vai trò hỗ trợ giải quyết hòa bình tranh chấp và ngăn ngừa xung đột. Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh vai trò đoàn kết của ASEAN trong việc bảo đảm cấu trúc an ninh và ổn định tại khu vực, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông với những hành động đơn phương xây dựng, mở rộng đảo, đá bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến môi trường và gây phương hại nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Đại sứ đề nghị các bên liên quan chấm dứt những hành động làm thay đổi hiện trạng, quân sự hóa hoặc làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Thủ tướng tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ. Chiều 14/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ được tổ chức tại Sunnylands, bang California, Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần này có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là Hội nghị quốc tế quan trọng đầu tiên trong năm 2016 của ASEAN và là Hội nghị Cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác ngay sau khi ASEAN hình thành Cộng đồng. Bên lề Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Sunnylands ngày 16/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến Tổng thống Barack Obama để trao đổi về quan hệ song phương Việt - Mỹ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam rất quan ngại trước tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa thực sự hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không do những hành động đơn phương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Tổng thống Obama khẳng định Mỹ ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực ngoại giao và tiến trình pháp lý nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cở sở luật pháp quốc tế.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc đưa tên lửa đến Hoàng Sa. Về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 19/2 nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó.” Ngày 19/02/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

+ Philippines:

Philippines kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết về Biển Đông. Trong ngày cuối cùng của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Mỹ-ASEAN tại Sunnylands (California) hôm 16/2, Tổng thống Philippines Benigno Aquino một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc, tuân thủ các phán quyết của tòa trọng tài về tranh chấp trên Biển Đông. Theo ông Aquino, ASEAN cần thúc phải đẩy cơ chế dựa trên luật lệ để giải quyết tranh chấp và kiểm soát căng thẳng trên Biển Đông.

Philippines sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất trong tranh chấp với Trung Quốc. Phát biểu tại Học viện Quân sự Philippines hôm 19/2, Người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Tây (WesCom), Phó đô đốc Alexander Lopez cho biết mức độ cảnh báo của quân đội Philippines chưa được nâng lên nhưng vẫn “đang liên tục theo dõi các diễn biến. Quân đội Philippines đã lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất trong các tình huống cụ thể và các binh sĩ thuộc WesCom đã sẵn sàng”. Ông Lopez nhắc lại lo ngại của Philippines trước việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không và radar đến đảo Phú Lâm, “Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và Trung Quốc đang quân sự hóa khu vực”.

+ Malaysia:

Malaysia sẽ tiếp tục giải pháp ngoại giao với tàu Trung Quốc. Phát biểu với báo giới ngày 13/2 tại Kuching, thủ phủ bang Sarawak, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia ông Hishammuddin Hussein cho biết các tàu hải cảnh của Trung Quốc  không còn hiện diện ở gần Beting Patinggi Ali, ngoài khơi bờ biển Sarawak. Ông Hishammuddin cho biết Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có cuộc gặp để nghe phía Trung Quốc giải thích về các kế hoạch và ý định của họ. Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Malaysia, các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phải được giải quyết hòa bình, Không dễ dàng khi giải quyết một vấn đề với các cường quốc, nhưng chúng ta cần sử dụng kênh ngoại giao mà chúng ta có để không có tai nạn và sự cố ngoài ý muốn xảy ra vượt khỏi tầm kiểm soát, và mọi người sẽ không phải hối tiếc sau này.

ASEAN tái khẳng định giải pháp hòa bình đối với vấn đề Biển Đông. Phát biểu với báo giới Malaysia ngày 16/2, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định lập trường mong muốn một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông và vấn đề này phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Theo ông Najib, các bên tranh chấp phải kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng, đồng thời phải tôn trọng DOC, mở đường cho ASEAN và Trung Quốc xây dựng một Bộ Quy tắc giúp ngăn ngừa xung đột. Điều quan trọng là duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

+ Thái Lan:

Thủ tướng Thái Lan kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Phát biểu tại cuộc gặp với chủ đề “Viễn cảnh Chiến lược khu vực”, do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha ngày 16/2 nêu rõ tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề cực kỳ nhạy cảm với những tác động nghiêm trọng về địa chính trị, kinh tế và hợp tác quốc tế. Vấn đề này phải được giải quyết một cách thận trọng thông qua các cách tiếp cận đúng đắn để đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Nhà lãnh đạo Thái Lan kêu gọi các bên kiềm chế, không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ vai trò hỗ trợ của Mỹ đối với các nước ASEAN trong việc tìm kiếm các phương cách để giải quyết tranh chấp biển.

+ Mỹ:

Mỹ tiếp tục cảnh báo hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu trước báo giới ở Singapore hôm 15/2, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin tuyên bố việc Trung Quốc triển khai bất kỳ chiến đấu cơ nào từ các đường băng trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông đều có thể gây mất ổn định. Ông Aucoin hối thúc Bắc Kinh công khai hơn nữa về những ý định ở Biển Đông và khẳng định: “Máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ hoạt động trên khắp vùng biển này…như đã từng làm trong suốt những năm qua.” Phó Đô đốc Joseph Aucoin cũng cho biết Mỹ sẽ bổ sung thêm 21 tàu chiến cho các đơn vị Hải quân đang hoạt động tại vùng bờ biển phía Tây của Mỹ và tại Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông. Ngày 16/2, phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, Tổng thống Barack Obama cho biết: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình đối một trật tự khu vực, nơi mà các luật lệ và quy tắc quốc tế được bảo vệ. Chúng tôi đã thảo luận những bước đi thực chất nhằm giảm căng thẳng ở khu vực Biển Đông, bao gồm việc ngừng tiến hành các hoạt động tôn tạo, xây dựng các công trình mới và các hoạt động quân sự hóa tại những khu vực có tranh chấp. Tôi nhắc lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục triển khai máy bay, tàu thuyền tại những nơi pháp luật quốc tế cho phép và Mỹ sẽ ủng hộ tất cả các quốc gia thực thi quyền này. Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng minh và đối tác thông qua việc tăng cường năng lực trên biển cho các nước này.” Trả lời phỏng vấn của Đài Channel News Asia hôm 16/2, Tổng thống Obama chỉ trích Bắc Kinh sử dụng sức mạnh ở Biển Đông, “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc vẫn đang sử dụng chiêu thức cũ của lẽ phải thuộc về kẻ mạnh; không dựa vào các quy tắc luật pháp quốc tế khi đưa ra các yêu sách chủ quyền cũng như giải quyết các tranh chấp”. Ông Obama nhấn mạnh rằng trong cuộc gặp tại Nhà Trắng vào tháng 9 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã nói rằng không muốn quân sự hóa các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, “ASEAN đã nhấn mạnh điều đó cần phải là sự thật. Vì vậy, Mỹ sẽ tiếp tục thử thách xem Trung Quốc liệu có thật sự làm theo những gì mình tuyên bố.”

Tư lệnh Mỹ: ‘Trung Quốc đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông’. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Tokyo hôm 17/2, sau cuộc gặp với các quan chức quốc phòng Nhật Bản, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris tuyên bố việc Trung Quốc triển khai trái phép các tên lửa trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa là đi ngược lại với cam kết của Bắc Kinh không quân sự hóa khu vực này, “Hành động trên khiến người ta không khỏi nghi ngờ về tính nghiêm túc trong tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối năm ngoái. Điều này khiến tôi rất quan ngại bởi đây là một dấu hiệu rõ ràng của việc quân sự hóa.”

Mỹ muốn nói chuyện “nghiêm túc” với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Sau những thông tin cho rằng Bắc Kinh đã triển khai trái phép tên lửa đất đối không tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 17/2 nêu rõ: “Có rất nhiều bằng chứng, diễn ra hầu như hàng ngày về việc gia tăng quân sự hóa dưới hình thức này hay hình thức khác. Chúng tôi đặc biệt quan ngại điều này. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận với Trung Quốc và tôi tin rằng trong những ngày tới, chúng tôi sẽ có cuộc thảo luận rất nghiêm túc về vấn đề này.”

Đô đốc Mỹ cảnh báo hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại cuộc hội thảo của Hiệp hội Điện tử và Thông tin quân đội ở San Diego hôm 18/2, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Đô đốc Scott Swift khẳng định cần thu thập thêm thông tin để xác định chương trình hành động sắp tới của Trung Quốc khi nước này triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm. Ông Scott Swift  lưu ý đây là lần thứ ba Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm trong hai lần trước, hoạt động triển khai này nhằm mục đích tập trận. Theo Đô đốc Swift, Câu hỏi ở đây là ý đồ của Trung Quốc là gì, hệ thống tên lửa được bố trí ở đó trong bao lâu và được triển khai lâu dài hay không?”.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản quan ngại về tin Trung Quốc triển khai tên lửa ở Hoàng Sa. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản ông Yoshihide Suga hôm 17/2 từ chối xác nhận cũng như bình luận về thông tin trên, song cho biết Nhật Bản “hết sức quan ngại” về mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng, đồng thời khẳng định Tokyo “chưa bao giờ chấp nhận những hành động kiểu sự đã rồi.” Bình luận này ám chỉ việc Bắc Kinh cải tạo đảo quy mô lớn trên Biển Đông và xây dựng những tiền đồn có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự trong tương lai.

+ Úc:

Ngoại trưởng Úc chất vấn Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Phát biểu ở Tokyo hôm 14/2 trước thềm chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, bà sẽ hỏi rõ về ý định sử dụng các đảo nhân tạo của Bắc Kinh, “Trước đây Ngoại trưởng Vương Nghị từng nói, các đảo mà Trung Quốc đã cải tạo sẽ là những tài sản chung. Vì vậy tôi muốn tìm hiểu rõ hơn về việc các quốc gia khác có thể tiếp cận các tài sản chung này như thế nào. Phụ thuộc vào câu trả lời của ông Vương Nghị, chúng tôi sẽ đánh giá tình hình”. Theo Ngoại trưởng Julie Bishop, “Úc công nhận quyền của Philippines trong việc nhờ tào trọng tài để giải quyết tranh chấp Úc kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình mà không thông qua ép buộc và đe dọa.” Trả lời phỏng vấn Đài ABC của Úc hôm 20/2, Ngoại trưởng Julie Bishop cho biết đã nêu vấn đề Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần qua, nhưng phía Trung Quốc giữ thái độ mập mờ, không xác nhận cũng không phủ nhận có đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm hay không. Ngoại trưởng Úc cho biết Biển Đông là tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch không chỉ đối với riêng thương mại Úc mà cũng là quyền lợi của nhiều nước khác. Do vậy, nếu Trung Quốc bố trí tên lửa tại đây thì sẽ có nguy cơ bắn nhầm vào máy bay dân sự. Tuy nhiên, theo bà Bishop, không phải vì thế mà tránh Biển Đông, các máy bay dân sự và tàu buôn nên tiếp tục​ hoạt động như bình thường vì Bắc Kinh tuyên bố “không quân sự hóa khu vực

Úc cảnh báo Trung Quốc về nguy cơ xung đột trên Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp New Zealand John Key tại Sydney hôm 19/2, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy rằng sự thịnh vượng của Úc và New Zealand phụ thuộc vào môi trường hòa bình. Điều này bắt nguồn từ sự hòa thuận, và đây là lý do chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tranh chấp Biển Đông hãy kiềm chế mọi hoạt động xây dựng, quân sự hóa các đảo cũng như cải tạo đất.” Theo Thủ tướng Turnbull, “Nếu Trung Quốc muốn tránh rơi vào bẫy Thucydides thì tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, thông qua các cơ chế quốc tế hiện có.”

Quan hệ các nước

Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần đầu tiên tại Mỹ. Chiều 15/2 theo giờ địa phương tại Sunnylands, bang California, Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước ASEAN bắt đầu chương trình nghị sự kéo dài hai ngày, từ ngày 15-16/2. Chủ đề thảo luận của Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần này sẽ tập trung vào các vấn đề TPP và Biển Đông. Tuyên bố chung sau hội nghị gồm 17 nội dung, trong đó khẳng định: “Hai bên đề cao một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ, trong đó duy trì và bảo vệ các quyền của tất cả các quốc gia; cùng cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; Cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không và các mục đích sử dụng biển hợp pháp khác, và thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở; cũng như phi quân sự hoá và tự kiềm chế trong các hoạt động”.

Đối thoại Delhi thúc đẩy quan hệ ASEAN-Ấn Độ. Ngày 17/2, Đối thoại Delhi lần thứ 8 với chủ đề “Mối quan hệ ASEAN-Ấn Độ: Một mô hình mới” đã khai mạc tại khách sạn Oberoi thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Phát biểu tại sự kiện này, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj kêu gọi Bắc Kinh tránh các hành động đơn phương có thể gây căng thẳng trong khu vực. Bà Swaraj cho rằng đại dương và biển, bao gồm cả Biển Đông là con đường dẫn tới sự thịnh vượng và an ninh, và Ấn Độ sẽ hỗ trợ sự phát triển của cấu trúc khu vực, bao gồm sự cân bằng, minh bạch và cởi mở đối với an ninh và hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cũng trong ngày 17/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup khẳng định điều quan trọng là phải đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông và sớm tiến tới thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở đồng thuận.

Mỹ, EU cảnh báo Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết của Tòa về Biển Đông. Phát biểu hôm 17/2 tại một hội nghị ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nam Á và Đông Nam Á, bà Amy Searight cho rằng Mỹ, EU và các đồng minh như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc cần phải sẵn sàng làm rõ rằng phán quyết của PCA mang tính ràng buộc và Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu không tôn trọng phán quyết trong trường hợp Bắc Kinh thua kiện, “Chúng ta cần phải sẵn sàng phối hợp lên tiếng ủng hộ Philippines và các bên tuyên bố chủ quyền trong ASEAN khẳng định rằng đây là luật pháp quốc tế, có vai trò rất quan trọng và ràng buộc tất cả các bên.” Trong khi đó, quan chức phụ trách chính trị trong phái bộ EU ở Washington ông Klaus Botzet nêu rõ khó có thể phản đối ý kiến của thế giới, “Nếu chúng ta nhất trí ủng hộ luật pháp quốc tế do tòa án quốc tế ở La Haye đưa ra cần phải được bảo vệ thì đó là một thông điệp mạnh mẽ và sẽ khó có thể phớt lờ.”

Tàu chiến của Hải quân Nhật Bản thăm Campuchia. Sáng 17/2 ba tàu chiến hiện đại của Nhật Bản, gồm tàu Yamayuki, Hatakaze và Akebono với 637 thành viên thủy thủ đoàn, đã tới thăm cảng Sihanuok của Campuchia. Chuyến thăm Campuchia của đội tàu chiến Nhật Bản sẽ diễn ra trong 4 ngày từ ngày 17-20/2. Thông cáo của Đại sứ quán Nhật Bản tại Campuchia nêu rõ mục đích của chuyến thăm này là củng cố tình hữu nghị giữa hai nước, tạo điều kiện cho thủy thủ đoàn trao đổi, tìm hiểu về văn hóa, cũng như quốc phòng của Campuchia.

 Phân tích và đánh giá

Chiến lược lớn đằng sau việc Trung Quốc triển khai tên lửa (SAM) trên đảo Phú Lâm” của Michael Green, Bonnie Glaser, Zack Cooper

Việc Trung Quốc triển khai SAM trên đảo Phú Lâm là bước phát triển chiến thuật đáng chú ý, nhưng ẩn sau đó là bước đi chiến lược lớn hơn nhiều.

Về mặt chiến thuật, tên lửa HQ-9 triển khai ở Phú Lâm có thể nhắm bắn tàu chiến với khoảng cách trên 200km, bao phủ một vùng rộng lớn quần đảo Hoàng Sa. Hệ thống phòng không như vậy là nhân tố cốt lõi đối với chiếc ô chống xâm nhập (A2/AD) của PLA. Việc triển khai SAM trên Phú Lâm là bước đi đáng chú trong việc quân sự hóa Hoàng Sa bởi cho thấy việc mở rộng A2/AD từ phía nam lục địa xuống tới khu vực Biển Đông. Trung Quốc từ lâu đã chuẩn bị cho hệ thống phòng không trên đảo Phú Lâm thông qua việc xây dựng dường băng (2.700m), rada, chỗ trú máy bay. Hệ thống SAM di động rõ ràng ít bị tổn thương hơn đường băng nhưng việc triển khai chúng tại đây về cơ bản không làm thay đổi cán cân quân sự khu vực. Tuy nhiên, việc triển khai chúng lại thể hiện bước phát triển chiến lược rất đáng chú ý với 2 lý do: (i) lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiếp tục quân sự hóa Biển Đông; (ii) diễn biến gần đây cho thấy việc Trung Quốc triển khai thiết bị ở Trường Sa thường mô phỏng lại từ đảo Phú Lâm. Điều đó cho thấy những bước đi tương tự có thể diễn ra ở Trường Sa.

Trong những tháng tới, Trung Quốc sẽ có những bước đi nào?

Lấy Phú Lâm làm hình mẫu cho việc triển khai ở Trường Sa, do đó có thể Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống SAM trên các thực thể ở Trường Sa, cụ thể là Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Các bước đi khác có thể sẽ là việc Trung Quốc gia cố chỗ trú ẩn máy bay, tăng cường hệ thống rada tầm xa và năng lực rada vượt đường chân trời. Ngoài ra, có thể Trung Quốc sẽ luân chuyển máy bay, tên lửa hành trình chống tàu, tàu chiến trên biển và tàu ngầm giữa các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông. Để củng cố yêu sách của mình, Bắc Kinh cũng có thể thiết lập đường cơ sở quanh Trường Sa giống như đã thực hiện ở Hoàng Sa năm 1996.

Hành động của Trung Quốc cho thấy ý định của lãnh đạo nước này là trang bị cho các thực thể ở Biển Đông vừa có chiếc ô chống xâm nhập vừa có năng lực phát huy sức mạnh. Các thực thể tuy dễ bị tổn thương nhưng chúng lại tạo cho Trung Quốc lợi thế lớn trước các quốc gia yêu sách trong một cuộc xung đột và có thể thách thức các lực lượng của Mỹ. Những nỗ lực như vậy cũng có thể giúp Trung Quốc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông trong những tháng hoặc những năm tới. Như vậy, tầm quan trọng chiến thuật của việc triển khai SAM trên Phú Lâm chỉ là “điểm mờ” khi so với bước phát triển chiến lược dài hạn về Biển Đông của Trung Quốc.

Tàu ngầm sẽ có tác động như thế nào đối với chiến lược Biển Đông của Việt Nam?” của Nam Nguyễn

Chiếc tàu ngầm thứ 5 Việt Nam đặt mua của Nga đã cập cảng Cam Ranh vào hồi đầu tháng 2. Hiện tại có 4 thủy thủ Việt Nam được sự huấn luyện của chuyên gia Nga đang thuộc biên chế trong các đội tàu ngầm Loại 636 lớp Kilo thuộc biên chế Hải quân Việt Nam (VPN). Mục tiêu hỗ trợ của Nga cho Việt Nam là một phần trong hợp đồng mua 6 chiếc tàu ngầm của Nga.

Mặc dù lộ trình chuyển giao vẫn đang được thực hiện, nhưng Hà Nội mới chỉ triển khai hoạt động đầy đủ cho chiếc tàu ngầm đầu tiên của mình. Trong khi đó vẫn chưa thể chắc chắn về những tác động mà chiếc tàu ngầm Kilo mới này đem lại cho hoạt động của lực lượng chấp pháp và hải quân Việt Nam ở Biển Đông. Hiện vẫn tồn tại một khoảng cách về năng lực đáng kể mà các nhà hoạch định chính sách quân sự Việt Nam cần phải tính đến. Ngoài ra, lịch sử cũng đã chứng minh rằng, trong hoạt động đổ bộ, khả năng theo đuổi kế hoạch quân sự ban đầu cùng với các lực lượng bổ trợ để giành chiến thắng là điều thiết yếu.

Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc Hà Nội sẽ cần phải theo đuổi một chiến lược tương tự như của Trung Quốc. Thay vào đó điều quan trọng cần tính đến là đòi hỏi về năng lực tối thiểu để giành được quyền kiểm soát phần nào lãnh thổ trên biển. Như các nhà phân tích đã đề xuất, loại vũ khí như tàu ngầm không đủ khả năng giành được quyền kiểm soát trên biển trong một cuộc xung đột. Về vấn đề này, tàu chiến trên biển sẽ là nhân tố quan thiết yếu cho các nhà hoạch định kế hoạch quân sự mặc dù chúng có những điểm yếu trước tàu ngầm và tên lửa tầm xa.

Bên cạnh đó, khả năng vận hành một cách toàn diện đối với những chiếc tàu ngầm phải cần đến vài năm. Sự bổ trợ nhỏ nhoi cho VPN lúc này chính là các trang thiết bị của Nga mà Việt Nam đang sử dụng, bao gồm máy bay Su-30MK2V Flander và pháo di động Bastion K-300P được trang bị tên lửa Orynx. Các thiết bị vũ khí mới sẽ hoạt động hiệu quả nếu như Việt Nam có thể mở rộng năng lực ISR (tình báo, trinh sát và giám sát) để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động và do tìm mục tiêu trước các cuộc tấn công thông thường. Việc đầu tư vào các hệ thống không người lái, như  thiết bị bay không người lái tầm xa HS-6L, có thể hỗ trợ tốt hơn về hoạt động chiến thuật hoặc việc đầu tư nâng cấp hơn nữa tầm phủ sóng vệ tinh cũng có thể tăng cường cho hoạt động ở Biển Đông.

Nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Việt Nam cho đến nay chủ yếu vẫn là nhằm thay thế các trang thiết bị lỗi thời. Nếu như mục đích của Hà Nội là củng cố năng lực ở Biển Đông, Việt Nam cần tính toán vượt ra ngoài những gì mà tàu ngầm Kilo có thể mang lại và cần phải tính đến đâu là những trang thiết bị phục vụ tốt nhất cho mục tiêu của mình.

 Ngân hàng cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) - Nạn nhân đầu tiên của tranh chấp Biển Đông?” của Stewart Taggart

AIIB đã đặt ra tham vọng là sẽ đưa ra khoản vay đầu tiên vào giữa năm nay. Cũng trong thời điểm đó, Tòa Trọng tài Quốc tế cũng có thể đưa ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Hai sự kiện này đều có mối liên kết với nhau.

Trung Quốc từ chối cơ chế hòa giải mà cộng đồng quốc tế công nhận trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, tuyên bố sẽ chỉ đi theo các cơ chế có lợi cho mình. Điều này sẽ gây ra rủi ro cho chính Trung Quốc. Trước tiền lệ trên, các quốc gia vay tiền AIIB có thể sau đó sẽ không trả nợ. Bắc Kinh lúc đó sẽ khó có thể cầu viện nơi các cơ chế trọng tài quốc tế để nhờ giải quyết hay áp đặt các biện pháp trừng phạt vì chính Trung Quốc đã tự mình bác bỏ những phán quyết từ những định chế có uy tín trong việc giải quyết các tranh chấp đa phương.

Tuy nhiên, điều này không chỉ nằm ở vấn đề Biển Đông. Trung Quốc là bên nhận các khoản đầu tư và trong thời gian này Trung Quốc đã có thể tùy tiện thay đổi luật lệ. Nhưng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ dần trở thành bên đầu tư. Khoản dự trữ ngoại hối 3 nghìn tỷ USD đang trở thành mối bất ổn về kinh tế. Và AIIB được lập ra để huy động khoản dự trữ này. Mục tiêu là duy trì lượng nhân công cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong thời đại cạnh tranh ngày nay. Các công ty như Lưới điện Quốc gia Trung Quốc (SGCC) và tổng công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) hiện có lượng nhân công lớn nhất.

Hiện tại Trung Quốc cho rằng các quốc gia láng giềng là phần mở rộng của Trung Quốc, là nơi mà luật lệ là những gì mà Trung Quốc đặt ra. Yêu sách đường 9 đoạn chính là biểu hiện cho điều đó với tuyên bố dựa trên “chủ quyền không thể tranh cãi có từ thời cổ đại”. Như vậy, khi các công trình do Trung Quốc xây dựng từ khoản vay của AIIB ở một quốc gia khác, lúc này Trung Quốc có thể lại tuyên bố đó là “chủ quyền không thể tranh cãi từ thời cổ đại”? Như vậy, các quốc gia đi vay sẽ phải cân nhắc đến rủi ro đó và các công ty Trung Quốc như SGCC và CNOOC sẽ là nạn nhân. Lấy ví dụ hai quốc gia là Việt Nam và Philippines.

Việt Nam hiện đang  cân nhắc đến dự án của Trung Quốc về tuyến đường sắt Côn Minh – Singapore trị giá 40 tỷ USD. Hai bên cũng có những thỏa thuận về hợp tác quản lý đánh bắt và khai thác năng lượng ở Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên song song với đó CNOOC lại hạ đặt giản khoan trong vùng biển của Việt Nam gây ra phản ứng dữ dội từ Việt Nam. Năm 2014 CNOOC đã phải rút bỏ hoạt động đấu thầu các mỏ dầu, khí trong vùng biển yêu sách của Việt Nam. Lý do là các công ty quốc tế lưỡng lự do vấn đề tranh chấp.

SGCC cũng chịu hoàn cảnh tương tự ở Philippines. Năm 2008, SGCC đạt được hợp đồng lớn trong việc nâng cấp và vận hành lưới điện Philippines trong vòng 25 năm. Nhưng vào năm ngoái, Philippines đã trục xuất các kỹ thuật viên Trung Quốc đang làm việc cho dự án và thay thế bằng người Philippines. Lý do bắt nguồn từ những cáo buộc không mấy thuyết phục về vấn đề cài virus máy tính vào lưới điện.

Thời gian tới, Trung Quốc bắt buộc phải đầu tư ra nước ngoài đề giữ cân bằng tăng trưởng kinh tế. Tình thế này có thể điều hòa được hành vi của Trung Quốc và có thể dẫn đến những thỏa hiệp. Ở Biển Đông, khai thác chung sẽ là một ý tưởng giải quyết vấn đề. Hãy cùng chờ đợi kết quả trong năm 2016.

Synnylands và tranh chấp Biển Đông” – bài xã luận trên The Economist

Trung Quốc đã nhanh chóng đưa rất nhiều người thoát nghèo khó và trở nên hùng mạnh là câu chuyện thần kỳ. Cũng không kém thần kỳ là cách thức Mỹ, một cường quốc đương thời, chủ yếu xem sự trỗi dậy của Trung Quốc là cơ hội hơn là mối đe dọa. Tuy nhiên, ở Biển Đông, Trung Quốc lại phiêu lưu gây nguy hiểm cho sự sắp xếp tốt đẹp này.

Lần khiêu khích mới nhất là việc lắp đặt hai bệ phóng tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, trong quần đảo Hoàng Sa. Rõ ràng là Trung Quốc đã không phủ nhận sự leo thang quân sự nguy hiểm này, mà thay vào đó nói về quyền của họ đối với “các cơ sở tự vệ cần thiết và hạn chế”. Họ đã xây dựng và cải tạo đảo nhân tạo một cách điên cuồng trong quần đảo Trường Sa. Việc xây dựng, giống như vụ tên lửa, coi thường tinh thần COC mà Trung Quốc và ASEAN ký năm 2002. Trung Quốc cũng từ chối chấp nhận quyền tài phán của tòa án quốc tế về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Nếu như, có vẻ có khả năng, vào cuối năm nay tòa án sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines trên một số điểm, Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyế này. Đây không phải là “thành viên có trách nhiệm” của thế giới mà Mỹ hy vọng ở Trung Quốc.

Có hai yếu tố có thể khiến Trung Quốc triển khai tên lửa.

Thứ nhất, sự kiện ông Barack Obama chủ trì hội nghị thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ và ASEAN, bốn trong số đó có tranh chấp về các thực thể đất trên biển với Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh một phần được dự tính thể hiện tình đoàn kết giữa Mỹ và ASEAN. Trung Quốc xem đây là một mưu kế giúp các nước láng giềng mạnh dạn đối phó với Trung Quốc, và vì thế, như là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.

Thứ hai, vào cuối năm ngoái, Mỹ đã khởi động lại hoạt động “tự do hàng hải” ở Biển Đông, với hai lần gửi tàu chiến đi qua vùng biển do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Điều này dường như là một nỗ lực muộn màng để chứng tỏ rằng, dù bên nào sở hữu các thực thể ở đây, thì hầu hết vùng biển này theo luật pháp quốc tế đều không thuộc về bất cứ quốc gia nào và mọi hoạt động hàng hải đều được hưởng quyền tự do ở đây. Đáng tiếc là Mỹ đã nhập nhằng tín hiệu này, bằng cách xác nhận rằng cả hai là hoạt động “qua lại vô hại”, tức là, luật biển cho phép, ngay cả với tàu chiến đi ngang qua không đe dọa vùng lãnh hải của nước khác.

Mùa tranh cử

Trung Quốc có thể tính toán rằng bây giờ là thời điểm vào những tháng cuối cùng của một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ mà họ cho là yếu và không thích đối đầu, để tạo ra sự đã rồi, mà điều này sẽ cho họ sự lấn chiếm không thể đảo ngược. Vì vậy, thay vì nhường bước trước sự đe dọa của Trung Quốc, Mỹ nên tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không, và cần làm một cách rõ ràng hơn. Các nước bạn bè của Mỹ trong khu vực có thói quen sợ làm mất lòng Trung Quốc, cũng nên để cho Mỹ sự hỗ trợ hết lòng hơn. Chắc chắn họ không muốn nhìn thấy Biển Đông trở thành cái hồ của Trung Quốc.

Cần một hội nghị quốc tế theo mô hình Geneva để giải quyết xung đột Biển Đông” của Subhash Kapila

Viễn cảnh về giải pháp giải quyết xung đột tại Biển Đông chưa có bất kỳ tín hiệu lạc quan nào. Ngược lại, điều thấy ngay trước mắt là Trung Quốc ngày càng ngang ngược. Năm 2016 còn có thể chứng kiến điều này rõ ràng hơn khi Mỹ bận rộn với cuộc bầu cử Tổng thống, thậm chí hai năm sau nữa để Tổng thống mới ổn định.

Câu hỏi lớn trước việc Trung Quốc thách thức cộng đồng quốc tế với những kế hoạch chiến lược biến Biển Đông thành vùng nội thuỷ là: Liệu Mỹ, trong cố gắng dù muộn màng để chặn đứng tham vọng chiến lược của Trung Quốc, có khả năng hoặc sẵn sàng một mình đương đầu hay không? Liệu các quốc gia ngay trong khu vực như Nhật bản và Ấn Độ có khả năng thách thức và ngăn cản Trung Quốc leo thang xung đột tại Biển Đông hay không? Liệu Trung Quốc có bị ngăn cản bởi các tập hợp lực lượng 3 bên giữa Mỹ - Nhật - Ấn hay bốn bên giữa Mỹ - Nhật - Úc - Ấn hay không?

Câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên đều là không.

Mỹ và cộng đồng quốc tế cần lưu ý bài học về sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ hai và đưa ra phản ứng thích hợp với chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc. Sẽ không xảy ra một cuộc chiến tranh nhằm thiết lập lại trật tự thế giới và cũng không thể xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân, nên câu trả lời nằm ở việc tổ chức một Hội nghị quốc tế theo “mô hình Geneva” nhằm thúc ép cộng đồng quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông.

Trung Quốc có thể sẽ phản đối gay gắt đề xuất này căn cứ theo lập trường lâu nay của họ và sử dụng quyền phủ quyết nếu Hội nghị quốc tế này được tổ chức dưới cái ô của Liên Hợp Quốc (LHQ). Tuy nhiên, câu hỏi là LHQ sẽ làm gì khi một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an là kẻ xâm lược và làm phương hại đến hòa bình và an ninh? Cộng đồng ASEAN - khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất - cần thể hiện sự thống nhất và đưa ra đề nghị về một Hội nghị quốc tế, coi đây là một phần của tiến trình giải quyết xung đột tại Biển Đông.

Một Hội nghị Quốc tế về Biển Đông theo hình mẫu Geneve như vậy có thể xem xét nhiều vấn đề, bao gồm việc phối hợp với tuần tra chung của hải quân quốc tế trên Biển Đông, tiếp đó phi quân sự hóa các đảo/đảo nhân tạo của Trung Quốc. Trung Quốc cần phải bị cấm không được thiết lập vùng cấm bay ADIZ tại Biển Đông. Với việc Trung Quốc không tuân thủ các giải pháp giải quyết xung đột trên biển Đông, cộng đồng quốc tế có thể phải sử dụng các văn bản pháp lý như quyết định của một bên.

Cần phải nhấn mạnh rằng không dễ đưa Trung Quốc ra bất kỳ Hội nghị quốc tế nào nhằm tìm giải pháp cho những xung đột ở Biển Đông. Và thay vì một trật tự quốc tế theo luật pháp, sẽ xuất hiện một sự hỗn loạn quân sự như Hitler đã gây ra. Do vậy, đã đến lúc Mỹ cần đi đầu để giải quyết vấn đề với sự ủng hộ của EU, ASEAN và các quốc gia lớn khác như Nhật Bản và Ấn Độ./.