I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản đối nhà sư Việt Nam ra trụ trì tại các chùa thuộc quần đảo Trường Sa. Chiều 13/3, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Người phát ngôn Lưu Vi Dân nói “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận. Hy vọng phía Việt Nam tuần thủ nghiêm túc tinh thần DOC và “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Trung - Việt”, làm nhiều việc có lợi cho thúc đẩy hợp tác và ổn định tại Biển Đông, không có những hành động làm phức tạp hóa tình hình”.

Trung Quốc không có ý định dùng vũ lực ở Trường Sa. Trong cuộc họp báo tại Manila hôm thứ năm, Tân đại sứ Trung Quốc ở Philippines Mã Khắc Khanh phát biểu rằng Trung Quốc không có ý định dùng sức mạnh quân đội để đe dọa các nước có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, chính sách quốc phòng của nước này chỉ để "tự vệ". "Chúng tôi không có tham vọng hay khả năng để đe dọa các nước...Những gì chúng tôi muốn làm là bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc, bảo vệ biên giới và chủ quyền." Đồng thời nhắc lại lập trường là Trung Quốc muốn "cùng khai thác" trước khi giải quyết được tranh chấp. Khi được hỏi về kế hoạch gia tăng quân đội của Mỹ trong khu vực, bà Mã nói “Trung Quốc đã phản ứng rất bình tĩnh, Châu Á Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc."

Trung tâm thông tin “Nam Hải”- Cục Hải dương Trung Quốc tổ chức hội nghị triển khai công tác chỉnh lý, khai thác tư liệu số khu vực Biển Đông. Dự án này được xây dựng trên cơ sở công trình “hải dương số”, kết hợp với yêu cầu của công tác tin học hóa khu vực Biển Đông, nhằm phục vụ cho nghiên cứu và quản lý biển khu vực Biển Đông. Lần chỉnh lý, khai thác này chủ yếu là ở 2 lĩnh vực: tư liệu quản lý hành chính biển và tư liệu số về điều tra khoa học kỹ thuật biển[1].

Tàu sân bay Trung Quốc 10 năm nữa mới dùng được. Đây là nhận định của thiếu tướng hải quân Trung Quốc Doãn Trác bởi con tàu này cần một khoảng thời gian nữa để hoàn tất khả năng tác chiến. Đồng thời, ông này cũng khẳng định Bắc Kinh không có ý định dùng tàu sân bay Varyag vào mục đích chiến đấu. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin tàu sân bay Varyag nhiều khả năng sẽ được phiên chế vào ngày 1-8 và hoạt động tại biển Đông, nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Trung Quốc.

Trung Quốc công bố "Điều lệ Quản lý quan trắc dự báo hải dương”. Mới đây, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ký Nghị định Chính phủ số 615, công bố “Điều lệ Quản lý quan trắc dự báo hải dương”. Điều lệ chỉ rõ, cơ quan chủ quan về hải dương của Quốc vụ viện phụ trách soạn thảo quy hoạch mạng lưới quan trắc hải dương toàn quốc. Tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân nước ngoài tiến hành quan trắc hải dương trên vùng biển thuộc lãnh thổ hoặc quyền quản lý của nước CHND Trung Hoa, cần phải tuân thủ pháp luật, pháp quy của nước CHND Trung Hoa, không được gây nguy hại đến an ninh quốc gia của nước CHND Trung Hoa[2].

Đài Loan phản đối kế hoạch thăm dò dầu khí ở Biển Đông của Philippines. Thông cáo báo chí ngày 13/3 của Bộ Ngoại Giao Đài Loan đã phản đối việc Philippines tuyên bố cho phép thăm dò dầu khí ngoài khơi khu vực Bãi Cỏ Rong và đảo Palawan phía tây bắc Philippines.  Đài Loan nhắc lại chủ quyền của mình đối với bốn nhóm quần đảo trong vùng Biển Đông “Các quần đảo Ðông Sa (Pratas), Trường Sa, Hoàng Sa và Trung Sa (Maccelsfield Bank), cùng với vùng biển tiếp giáp và đáy biển… là thành tố vốn có của lãnh thổ Trung Hoa Dân Quốc, chiếu theo lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế”. Do đó, chính quyền Đài Loan không chấp nhận bất kỳ đòi hỏi chủ quyền, hoặc hành động chiếm cứ các khu vực đó.

Vấn đề Biển Đông: Từ 3 nguyên tắc đến 3 sách lược” của Lỗ Thao. Về tổng thể, sách lược của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông có thể khái quát trên 3 phương diện: Đầu tiên là “nắm chắc chủ quyền”. Trên vấn đề Biển Đông, Đặng Tiểu Bình từng đề ra nguyên tắc “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”. Thứ hai là “không ngừng nỗ lực giảm nhiệt tranh chấp”. Giảm nhiệt vẫn là tư tưởng và cách làm chính của Trung Quốc trong việc xử lý vấn đề Biển Đông hiện nay. Thứ ba là “không loại trừ khả năng đấu tranh quân sự”. Chính quyền Trung Quốc luôn nhấn mạnh thông qua phương thức hòa bình giải quyết vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, chuẩn bị đấu tranh quân sự vẫn cần được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng của sách lược cơ bản của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã công khai tuyên bố chiến lược quốc phòng hiện nay chỉ mang tính phòng vệ, việc hiện đại hóa quân đội chủ yếu để giải quyết vấn đề Đài Loan. Nhưng tác dụng đạt được của việc chuẩn bị đấu tranh quân sự đối phó với vấn đề Đài Loan rất đáng vận dụng vào tính toán đối phó với vấn đề Biển Đông[3].

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở Hoàng Sa. Thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động ở Hoàng Sa, bao gồm việc đấu thầu dầu khí 19 lô ở phía Bắc Biển Đông, diễn tập bắn đạn thật ở Hoàng Sa hôm 2/3, tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao vào cuối tháng này…Trước những hoạt động trên của phía Trung Quốc, ngày 15/3/2012,  Người phát ngôn, Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Những hoạt động nêu trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; vi phạm luật pháp quốc tế; trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Sáu nhà sư Việt Nam tình nguyện ra trụ trì ở Trường Sa. UBND Khánh Hòa vừa có công văn thống nhất và đánh giá cao đề nghị của ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa về việc chấp thuận và đề đạt nguyện vọng của sáu chư tăng tình nguyện ra làm trụ trì các chùa tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Đại đức Thích Giác Nghĩa, một trong sáu vị sẽ ra đảo, cho biết ông sẽ tiếp quản Chùa Trường Sa Lớn nằm trên hòn đảo cùng tên và là “thủ đô của các đảo” ở quần đảo Trường Sa. “Tôi thấy mình cần có đóng góp cho quê hương và có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.”

+ Mỹ:

Bà Clinton: Hoa Kỳ sẽ vẫn là một cường quốc ở Thái Bình Dương.Phát biểu tại một cuộc họp các nhà ngoại giao ở Washington hôm 13/3, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng chiến lược hướng tới Châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ sẽ là ưu tiên hàng đầu khi Washington chuyển tiếp ra khỏi một thập niên thực hiện các nỗ lực quân sự ở Iraq và Afghanistan, tương lai của châu Á sẽ vẫn vô cùng quan trọng đối với lợi ích của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đang tăng cường các mối liên minh ở châu Á, phát động các cuộc đối thoại chiến lược và các sáng kiến kinh tế mới, tạo lập và tham gia các định chế đa phương quan trọng để nhấn mạnh rằng Mỹ hiện là và sẽ vẫn là một cường quốc ở Thái Bình Dương.

II. Quan hệ các nước

Việt - Nga hợp tác phát triển máy bay không người lái. Ông Yury Malo, Tổng giám đốc Irkut Engineering, cho biết hôm thứ Tư ngày 14/3, bản hợp đồng trị giá 10 triệu đôla về việc sản xuất máy bay không người lái cỡ nhỏ (UAV) đã được ký với Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam (VASA). Trong thành phần tổ hợp, ngoài chính vật thể  bay còn có trạm ăngten mặt đất truyền dữ liệu, hệ thống điều khiển và máy phóng để đưa vật thể bay lên trời. Khối lượng máy bay không người lái có trang bị hệ thống dù hạ cánh gần 100 kg. Ông Malov cho biết thêm, những chiếc UAV này sẽ được sử dụng vào mục đích dân sự, nhưng trong tương lai có thể sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.

Việt Nam - Philippines tăng cường hợp tác hải quân. Chiều ngày 13/3 tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp đón Phó Đô đốc Alexander P Pama, Tư lệnh Hải quân Philippines sang thăm, làm việc tại Việt Nam. Đánh giá cao kết quả làm việc giữa hai bên, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định chuyến thăm này không chỉ nhằm thực hiện Thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương; thực hiện Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa hải quân hai nước mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ quốc phòng và quan hệ giữa hải quân hai nước ngày càng phát triển.

Mỹ-Trung bắt đầu vòng tham vấn thứ 3 về châu Á-Thái Bình Dương. Vòng tham vấn do Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách về Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải đồng chủ trì diễn ra hôm 12/3 tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, bang Maryland. Theo thông cáo. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai bên đã tiến hành các cuộc thảo luận "mang tính xây dựng" về những diễn biến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đã tái khẳng định cam kết sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác với Trung Quốc đồng thời hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò năng động và tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế. Washington cũng nhấn mạnh ủng hộ việc củng cố và tăng cường vai trò của các thể chế tại khu vực châu Á đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác với Bắc Kinh để thúc đẩy mục tiêu đó.

“Trung Quốc, Đức tăng cường hợp tác quân sự”. Ngày 14/3, tại cuộc gặp với Trung tướng Werner Freers, Chỉ huy lực lượng quân đội Đức, Tổng Tham mưu trưởng quân giải phóng Nhân dân TQ (PLA) Trung Quốc Trần Bỉnh Đức đã cho biết:(1) Quân đội Trung Quốc cam kết tiếp tục tăng cường quan hệ quân sự với Đức. (2) Quan hệ giữa quân đội hai nước đã có nhiều tiến triển tốt trong những năm gần đây và cơ cấu hợp tác đang không ngừng được cải thiện (3) Quan hệ Trung Quốc - Đức trong thời gian qua đã phát triển toàn diện và ổn định. (4) Về các vấn đề toàn cầu hai nước đã có hợp tác tốt và đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong tất cả các lĩnh vực. Năm 2012 đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Đức và Trung Quốc hy vọng đây sẽ là cơ hội để hợp tác với Đức nhằm củng cố thêm quan hệ song phương.

III. Phân tích và đánh giá

Lặng lẽ hành động: Trung Quốc hoàn thành bố trí quân sự tại Biển Đông. Theo Đài Truyền Hình vệ tinh “Phượng Hoàng” Hồng Kông ngày 18/1, đối mặt với vấn đề Biển Đông, tuy Trung Quốc tỏ ra hạ giọng, nhưng bố trí lực lượng quân sự thì ngược lại. Lực lượng Pháo binh II (Bộ đội Tên lửa), tầu ngầm hạt nhân, lực lượng hải quân, máy bay ném bom của Quân Giải Phóng Nhân Dân TQ (QGPND/TQ) đều trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đồng thời tổ chức tiến hành diễn tập binh chủng khoa học kỹ thuật cao tại Biển Đông. Theo tạp chí “Phòng vệ Toàn cầu” của Đài Loan kỳ 2/2012, QGPND/TQ đã tiến hành xây dựng căn cứ quân sự ngầm dưới lòng đất tại vịnh Tam Á từ hơn 10 năm nay. Về tầm quan trọng của vịnh Tam Á đối với chiến lược Biển Đông của Trung Quốc, ngoài tầu ngầm hạt nhân, số lượng lớn tầu ngầm thông thường, nhất là tầu ngầm tĩnh thanh cũng được bố trí tại đây. Lực lượng hải quân, không quân, lính thủy đánh bộ cũng đồn trú tại Tam Á với số lượng rất lớn. Bố trí lực lượng quân sự tại Biển Đông, ngoài tầu ngầm hạt nhân, QGPND/TQ còn bố trí tầu khu trục và Chi đội 9 tầu hộ vệ. Đây đều là trang bị tiên tiến nhất của quân đội Trung Quốc.

Đánh giá về chiến lược của Trung Quốccủa George Friedman. Sự sống còn của Trung Quốc phụ thuộc vào các vùng biển. Địa hình của Biển Đông và biển Hoa Đông làm cho Trung Quốc dễ bị phong tỏa. Việc Trung Quốc không có hải quân đủ khả năng thách thức Hoa Kỳ làm phức tạp thêm vấn đề. Trung Quốc hiểu được vấn đề và đã lựa chọn một chiến lược khác để răn đe hải quân Hoa Kỳ phong tỏa : Đó là dùng tên lửa chống tàu chiến có khả năng tấn công thậm chí chọc thủng các hệ thống phòng thủ của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, kết hợp với sự hiện diện của tàu ngầm. Hoa Kỳ không muốn đối đầu với Trung Quốc chút nào, nhưng nếu họ thay đổi ý định thì Trung Quốc có thể gặp rất nhiều khó khăn để đáp trả. Hiện có người cho rằng Trung Quốc là một cường quốc khu vực, thậm chí thế giới, đang trỗi dậy. Trung Quốc có thể đang trỗi dậy, nhưng còn lâu mới giải quyết được những vấn đề chiến lược cơ bản của mình và hơn nữa là thách thức được Hoa Kỳ. Chiến lược thực sự của Trung Quốc là phải tránh những lựa chọn chiến lược rủi ro. Trung Quốc có may mắn là trong 30 năm qua đã tránh được việc đưa ra những quyết định như vậy, nhưng Bắc Kinh lại không hẳn có những công cụ cần thiết để kiến tạo lại môi truờng này. Nếu tính tới quy mô các thách thức đối với ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay, có thể nói, về cơ bản, chính sách của Trung Quốc chỉ là một sự hy vọng mù quáng.

Nhật Bản trên tuyến đầu trực diện với Trung Quốc. Dưới góc nhìn của Tokyo, việc Lầu Năm Góc có chính sách chuyển trọng tâm về Thái Bình Dương là một tin tốt, bởi  nó sẽ giúp tăng cường hơn nữa liên minh Nhật-Mỹ. Cốt lõi của mối lo ngại Mỹ-Nhật chính là việc Bắc Kinh sẵn sàng tự cho mình có khả năng cấm đoán các lực lượng nước ngoài tiến vào khu vực Biển Đông. Theo nhận định của Yoshiji Nogami, giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, để nhắm vào Trung Quốc, học thuyết quân sự mới của Mỹ đã « đặt Nhật Bản trên vị trí tiền tuyến ». Vào cuối tháng 12 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã cho phép ngành công nghiệp vũ khí được tự do tham gia vào các chương trình quốc tế. Bởi vì, cho đến giờ, quân đội Nhật Bản chỉ được tham gia vào các chương trình dưới sự chỉ huy của Mỹ.

Hải giám, ngư chính dưới 'ô' dân sự.Ẩn dưới cái tên thoạt nghe rất dân sự, đa số các tàu hải giám, ngư chính của Trung Quốc trên thực tế được cải tiến từ tàu chiến của hải quân. Trang bị hiện đại, có cả vũ khí, lực lượng hải giám và ngư chính được coi là công cụ đắc lực để Trung Quốc mở rộng ngư trường thông qua việc tăng cường ảnh hưởng ra biển cả. Là hai trong những tổ chức bán quân sự của Trung Quốc, lực lượng hải giám và ngư chính nước này xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn tại các khu vực biển tranh chấp, chỉ chịu trách nhiệm như một tàu dân sự đối với hành động của mình. Thực tế đó khiến dư luận tỏ ra quan ngại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng lên mức 106,4 tỷ USD năm 2012.

"Trọng tâm châu Á": Có thực sự là chiến lược mới của Mỹ?Chính quyền Obama đã viết một chương mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nói rằng Mỹ giờ đây sẽ chuyển hướng từ hai cuộc chiến tại Tây Nam Á sang tập trung vào sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. "Trọng tâm châu Á" được đề cập lần đầu tiên trong một bài viết của Ngoại trưởng Hillary Clinton hồi tháng 10/2011. Chuyến công du tháng 11 của Tổng thống Obama đã được khéo léo tổ chức và hình ảnh Mỹ chủ trì Hội nghị APEC tại Haoai, công bố căn cứ mới tại Bắc Ôxtrâylia, và sau đó tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á, đã giúp mang lại một động lực làm dịu đi những câu hỏi về chất đối với cam kết thực sự của Mỹ. Tuy nhiên, trong 1 hoặc 2 năm tới, thực tế sẽ bắt kịp với những màn trình diễn biểu tượng đó. Nếu ông Obama hoặc người kế nhiệm thực hiện việc cấp nguồn lực cho cam kết của mình tại châu Á, khi đó "trọng tâm châu Á" sẽ được lịch sử coi là một bước đi mạnh trong việc tái cân bằng chiến lược toàn cầu của Mỹ một cách vững chắc thời hậu Chiến tranh Lạnh. Nếu không, "trọng tâm châu Á" sẽ chấm dứt và nó giống như câu chuyện chính trị trong năm bầu cử. 

“Chiến lược gây sức ép gián tiếp” của Philíppin. Thiếu tướng Francisco Cruz - Phó Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang phụ trách Tình báo của Quân đội Philíppin (J-2) - cho rằng trước bất đồng giữa 5 nước tuyên bố chủ quyền và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Hội đồng An ninh Quốc gia Philíppin không hề đưa ra một chiến lược an ninh quốc gia nhằm trực tiếp giải quyết vấn đề Trường Sa. Ông này đã kiến nghị bốn hành động chiến lược với chính phủ nhằm chống lại sự quyết đoán và "nền ngoại giao pháo hạm" của Trung Quốc, đồng thời tăng cường vị thế của Philíppin trên Biển Đông, gồm: các thủ đoạn tâm lý, các hành động ngoại giao, hỗ trợ tình báo, và phối hợp hành động giữa các cơ quan thông qua việc thiết lập một Cơ quan Tăng cường Luật pháp Biển Quốc gia (dưới sự lãnh đạo của một sĩ quan cao cấp thuộc Lực lượng Hải quân Philíppin và quan chức này được toàn quyền sử dụng các tài sản quân sự). 

Bản PDF tại đây



[1] Theo Báo Hải dương Trung Quốc ngày 12/3

[2] Theo Tân Hoa Xã ngày 9/3

[3] Theo Tạp chí Quảng Giác Kính (Hồng Kông) số 473 tháng 2/2012