Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc xây nghĩa trang phi pháp ở Hoàng Sa. Trung Quốc bắt đầu xây nghĩa trang trên đảo Quang Hòa, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ hơn hai tháng trước. Nghĩa trang gồm một bia tưởng niệm bằng đá ngọc thạch cao 9,8 m. Sau bia tưởng niệm là hai bia đá giới thiệu cái gọi là “trận chiếm đóng” Hoàng Sa và quá trình “chiếm đóng”. Trung Quốc năm 1974 điều chiến hạm và dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Tàu cá Trung Quốc chuẩn bị đổ ra Biển Đông. Hàng chục nghìn tàu cá tại ba tỉnh Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây đã chuẩn bị nhiên liệu, lương thực và đang chờ lệnh cấm đánh bắt cá hết hiệu lực để tiến vào Biển Đông. Trung Quốc hồi tháng 5 đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ bão Nida đang tiến vào Biển Đông, chỉ những tàu đánh bắt gần bờ mới ra khơi trưa 1/8. Những tàu đánh bắt xa bờ sẽ khởi hành sau ngày 5/8.

Trung Quốc thiết lập cơ sở pháp lý cho hành động ở Biển Đông. Ngày 2/8, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã ban hành một quy định để làm rõ quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng biển của nước này, “Cách giải thích này tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho Trung Quốc bảo vệ trật tự biển và lợi ích biển, đồng thời thống nhất hoạt động quản lý đối với các vùng biển thuộc thẩm quyền của đất nước.” Theo quy định này, các vùng biển thuộc thẩm quyền không chỉ là vùng lãnh hải, nội thủy mà còn bao gồm vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Những người “xâm nhập trái phép” vào lãnh hải Trung Quốc để đánh bắt và từ chối rời đi khi bị xua đuổi hoặc tiếp tục xâm nhập sau khi bị xua đuổi bị coi là phạm tội hình sự “nghiêm trọng” và có thể chịu án phạt tối đa một năm tù.

Trung Quốc kêu gọi chuẩn bị 'chiến tranh nhân dân trên biển'. Phát biểu trong chuyến thăm tỉnh Chiết Giang, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn “kêu gọi nhìn nhận tính chất nghiêm trọng của tình hình an ninh quốc gia, đặc biệt là mối đe dọa bắt nguồn từ biển. Quân đội, cảnh sát và người dân cần chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.” Ông Thường cũng kêu gọi tăng cường giáo dục quốc phòng cho toàn dân. Phát biểu tại một sự kiện chào mừng 89 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc hôm 31/7, Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn tuyên bố Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ “chủ quyền đất nước, an ninh quốc gia và các lợi ích phát triển. Tính toàn vẹn lãnh thổ, các quyền lợi biển và các lợi ích quốc gia sẽ được bảo vệ. Quân đội Trung Quốc không sợ chiến tranh, nhưng chắc chắn sẽ nuôi dưỡng hòa bình”.

Trung Quốc phản ứng với bình luận của Thủ tướng Singapore về Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 5/8 tuyên bố: “Trung Quốc đã tuyên bố rõ cái gọi là phán quyết của Tòa trọng tài không có hiệu lực và bất hợp pháp, do vậy không hề mang tính ràng buộc. Trung Quốc hy vọng Singapore sẽ tôn trọng quan điểm của Trung Quốc và những đồng thuận giữa Trung Quốc và ASEAN, duy trì quan điểm khách quan và công bằng, đóng tích cực vai trò nước điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN và hợp tác vì sự phát triển bền vững của quan hệ hai nước.”

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố “tuần tra chiến đấu” ở Biển Đông. Phát ngôn viên Không quân Trung Quốc Đại tá Thân Tiến Khoa hôm 6/8 cho hay các máy bay,  gồm máy bay ném bom H-6K và các máy bay tiêm kích Su-30 đã hoàn thành việc “tuần tra chiến đấu” ở Trường Sa và Bãi cạn Scarborough, “Chuyến bay là một phần trong hoạt động huấn luyện thực chiến nhằm nâng cao khả năng phản ứng của Không quân đối với mọi mối đe dọa an ninh, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích biển.”

Tàu cá Trung Quốc đổ ra Biển Hoa Đông. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ngày 6/8, một đội tàu gồm khoảng 230 tàu cá và 6 tàu tuần duyên Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku mà Nhật Bản hiện đang kiểm soát. Đây là lần đầu tiên một đội tàu đông đảo như vậy của Trung Quốc đi vào khu vực này.  Sự việc trên xảy ra một ngày sau khi 8 tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc chớp nhoáng tiến vào vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku hôm 5/8 buộc Tokyo phải triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối. Trước đó hôm 1/8, ba hạm đội Nam Hải, Bắc Hải, Đông Hải của Hải quân Trung Quốc đã tập trận quy mô lớn, tiến hành bắn tên lửa, đạn thật ở Biển Hoa Đông với sự tham gia của hơn 300 tàu chiến cùng hàng chục chiến đấu cơ.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc xây dựng nghĩa trang tại Hoàng Sa. Tại cuộc họp báo thường kỳ lần thứ 9 ngày 4/8/, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: “Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa cho dù dưới bất kỳ mục đích gì đều là phi pháp và không làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.” Theo Người phát ngôn Lê Hải Bình, “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, bao gồm cả các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Một trong các biện pháp giải quyết hòa bình là đàm phán, thương lượng. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước thì tiến hành song phương. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác thì có sự tham gia của các bên liên quan.

+ Philippines:

Philippines khuyến cáo ngư dân tạm thời tránh bãi cạn Scarborough. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 3/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho hay Tòa rõ ràng tuyên bố bãi cạn Scarborough là ngư trường truyền thống tuy nhiên chính phủ Philippines cần thảo luận vấn đề này với Trung Quốc bởi Trung Quốc từ chối tuân thủ phán quyết, “Chúng ta biết rằng Trung Quốc đang chiếm bãi cạn Scarborough, vậy cần chờ đợi để làm rõ vấn đề để ngư dân có thể quay trở lại ngư trường này mà không bị quấy rối.  Đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho mọi người”.

Philippines quan tâm đến việc sớm thông qua COC ở Biển Đông. Trong một tuyên bố được đọc tại Hội nghị Manila lần thứ hai về Biển Đông ngày 3/8, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay Jr. nhấn mạnh, “Tất cả các bên cần nhanh chóng hợp tác hướng tới việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, có các hành động thiện chí và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhằm mục đích đạt được tiến bộ chứ không phải làm chậm tiến trình”. Theo DOC đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc, “MCOC sẽ tăng cường hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực và nhất trí phối hợp, trên cơ sở đồng thuận, hướng tới đạt được mục đích nói trên”.

Cổng thông tin các cơ quan Chính phủ Philippines bị tấn công sau phán quyết. Theo một thống kê của chính quyền Philippines công bố, có tới 68 trang web các cơ quan Chính phủ nước này đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Mục tiêu bị tấn công gồm các trang web của Bộ Quốc phòng Philippines, Bộ Ngoại giao, Lực lượng bảo vệ bờ biển, Bộ y tế… Trang web của các chính quyền địa phương, bao gồm các thị trấn, thành phố nhỏ cũng bị tấn công. Sự việc đã khiến các hoạt động của Chính phủ Philippines gặp nhiều khó khăn, đôi khi không thể thực hiện.

Đặc phái viên Tổng thống Philippines công du Trung Quốc. Cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos ngày 8/8 sẽ bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tới Hồng Kông để hâm nóng quan hệ giữa hai nước. Phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte ông Ernesto Abella, cho biết: “Chuyến thăm này có thể sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán ngoại giao trong tương lai”. Ông Abella cũng nói thêm rằng cựu tổng thống Ramos sẽ “gặp những người bạn cũ và chơi golf cùng họ”.  Về việc có bàn đến phán quyết vụ kiện trong chuyến đi lần này không, cựu tổng thống Ramos khẳng định: “Đó không phải là nhiệm vụ của tôi. Tôi không phải là người sẽ đưa vấn đề đó ra bàn. Nhiệm vụ của tôi là hàn gắn quan hệ với Trung Quốc”.

+ Singapore:

Thủ tướng Singapore khẳng định sự thượng tôn của luật pháp. Phát biểu tại buổi tiếp do Phòng Thương mại Mỹ và Hội Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN tổ chức ngày 2/8, Thủ tướng Lý Hiển Long cho hay, “phán quyết trọng tài là tuyên bố mạnh mẽ về luật pháp quốc tế. Lý tưởng nhất, phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đã thiết lập trật tự cho thế giới, bởi vì khi có tranh chấp giữa các quốc gia, sẽ tốt hơn nếu nhờ đến cơ quan trọng tài hoặc phân xử dựa trên các nguyên tắc pháp lý phổ quát, thay vì tranh chấp đến cùng và xem ai có sức mạnh hơn. Nói theo quan điểm của một quốc gia nhỏ, đây là nguyên tắc căn bản rất quan trọng.”

+ Indonesia:

Indonesia bắt giữ 29 tàu cá nước ngoài trong tháng Bảy. Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Susi Pudjiastuti ngày 3/8 cho biết các tàu nói trên chủ yếu là của Malaysia, Philippines và Việt Nam, bị bắt tại vùng biển Natuna ở quần đảo Riau. Ngoài việc câu cá trái phép, các tàu này bị cáo buộc sử dụng các thiết bị đánh cá bị cấm. Cũng theo Bộ trưởng Susi Pudjiastuti, nước này sẽ khánh thành trung tâm kiểm soát hải quân vào ngày 17/8 để theo dõi hoạt động đánh bắt cá trái phép. Trung tâm trên sẽ được trang bị vệ tinh và công nghệ radar.

+ Mỹ:

Tổng thống Mỹ kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của Tòa. Trả lời phỏng vấn tờ Strait Times hôm 1/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: “Philippines đã nỗ lực pháp lý, hòa bình để giải quyết  tranh chấp trên biển với Trung Quốc, bằng việc nhờ sự phân xử của tòa trọng tài. Phán quyết của tòa là một quyết định pháp lý rõ ràng và ràng buộc đối với tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, phán quyết này cần được tôn trọng. Tôi tin rằng quán quyết sẽ là một cơ hội để tiếp tục các nỗ lực giải quyết tranh chấp biển một cách hòa bình.” Tổng thống Obama khẳng định mọi quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, và đây không phải là một vấn đề có thể lựa chọn. Đây là lợi ích của tất cả các bên.

Quan hệ các nước

Indonesia, Malaysia, Philippines đạt thỏa thuận tuần tra ở Biển Đông. Ba nước hôm 1/8 đã ký một thỏa thuận về quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho hợp tác trên biển, chính thức khởi đầu hoạt động phối hợp tuần tra chung tại Biển Đông. Thỏa thuận này là kết quả của cuộc gặp hai ngày giữa bộ trưởng quốc phòng ba nước tại Bali. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu nhấn mạnh tầm quan trọng của việt triển khai sớm các hoạt động tuần tra chung, đặc biệt để đối phó với cướp biển và tội phạm xuyên quốc gia, trước các thách thức an ninh trên biển hiện nay.

Lãnh đạo Indonesia và Malaysia thảo luận về Biển Đông. Theo lời Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Najib Razak bên lề một hội nghị tại Jakarta ngày 2/8, Tổng thống Joko Widodonhấn mạnh mọi quốc gia đều phải tôn trọng quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và Indonesia không muốn thấy Biển Đông trở thành vũ đài tranh đấu của các siêu cường. Theo Ngoại trưởng Retno Marsudi, Thủ tướng Malaysia đã đồng ý với những nguyên tắc hiện Indonesia đang theo đuổi để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Mỹ - Singapore nhấn mạnh việc giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Trong chuyến thăm Mỹ hôm 2/8, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuyên bố chung sau cuộc gặp nhấn mạnh: “Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải, hàng không ở  Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp, bao gồm tôn trọng quá trình ngoại giao và pháp lý. Hai nhà lãnh đạo thúc giục các bên tránh các hành động làm leo thang căng thẳng, không tiến hành thêm hoạt động quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự ủng hộ việc thực thi toàn diện và hiệu quả DOC ở Biển Đông và sớm tiến tới hoàn tất COC.”

Trung Quốc và Mỹ lần đầu tiên tiến hành đối thoại về pháp lý. Từ ngày 3-4/8, Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành vòng đối thoại đầu tiên về pháp lý tại thủ đô Bắc Kinh, với sự tham gia của 30 quan chức, thẩm phán và chuyên gia luật đến từ hai nước. Phía Trung Quốc cho biết hai bên đã nhất trí cuộc đối thoại này là một phần quan trọng của sự đồng thuận đã đạt được giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Đối thoại tập trung vào cải cách và tăng trưởng kinh tế, các vụ án thương mại, thực tiễn và thách thức. Theo kế hoạch, vòng đối thoại thứ 2 sẽ được tổ chức vào năm 2017 tại Washington.

Phân tích và đánh giá

Trung Quốc nên đi theo ‘bá chủ’ kiểu Mỹcủa Steven Kopits

Trong tham vọng ở Biển Đông, ngay từ ban đầu Trung Quốc đã có nhận thực sai lầm. Trung Quốc có thặng dư thương mại với Nhật Bản, EU và Mỹ đạt gần 500 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, thặng dư thương mại với Mỹ là 360 tỷ USD/năm, chiếm hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh sẽ chắc chắn rơi vào suy thoái nếu gây chiến với Mỹ. Ngoài ra, dù muốn hay không, Hải quân Mỹ đang kiểm soát cả eo biển Hormuz ở vùng Vịnh Ba Tư và eo biển Malacca gần Singapore. Một nửa nhu cầu dầu khí hàng ngày của Trung Quốc đều được chuyển qua hai khu vực này. Nếu chiến tranh xảy ra, các tuyến đường này sẽ là mục tiêu để Mỹ phong tỏa.

Đối với Trung Quốc, việc lùi bước ở Biển Đông đồng nghĩa với việc quay trở về thời kỳ Thế kỷ Sỉ nhục. Nhưng Mỹ và các quốc khác lại không cho là như vậy. Cho dù hiện tại Trung Quốc gặp bất lợi, nước này vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu ở Biển Đông trong 10 hay 20 năm tới khi điều kiện thuận lợi và sẽ tiếp tục khiến cho Mỹ và các quốc gia khác tiếp tục quan ngại. Không một ai có lợi đối với viễn cảnh như vậy. Mặt khác, việc Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ và chiến tranh xảy ra, tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Mỹ, chính Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu sẽ bị phá hủy.

Trọng tâm trong cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là về khái niệm bá chủ. Đối với Trung Quốc, bá chủ được hiểu giống như một đưa trẻ lớn hơn những đứa trẻ khác trong khu phố và có thể chiếm mọi sân chơi. Về bản chất, Trung Quốc vẫn tự cho mình là quốc gia tầm trung, chẳng hạn như chỉ lớn hơn Việt nam. Với phiên bản suy nghĩ là kẻ lớn trong khu vực láng giềng, Trung Quốc có thể tận dụng điều đó để có được những gì mình muốn. Kiểu như, “Giờ tôi to lớn và tôi đáng được tôn trọng. Tôn trọng có nghĩa là các sân chơi đều là của tôi và bạn chỉ được chơi khi tôi cho phép. Hãy nhớ rằng, tôi có thể đánh bạn”.

Ngược lại, Mỹ nhìn nhận hiểu bá chủ là nhà điều hành một hệ thống. Theo quan điểm này, một đứa trẻ lớn nhất trong khu vực sẽ được coi là người lớn. Người lớn có cả cơ hội và nghĩa vụ nhưng không bao gồm đánh đập những đứa trẻ nhỏ đang trên sân chơi và lấy kẹo của chúng. Do đó, Mỹ xem hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông là hành động của một thiếu niên vô trách nhiệm, bắt nạt những nước yếu hơn, chứ không hề có trách nhiệm với hệ thống của mình.

Đối với Trung Quốc, vấn đề chỉ giới hạn ở Biển Đông. Nhưng đối với Mỹ thì đó là trật tự nằm trong bối cảnh toàn cầu rộng lớn hớn.

Trung Quốc coi bá chủ là “quốc gia hùng mình nhất và không bị gò bó,” còn Mỹ xem đó là người bảo đảm quyền đối với các tài sản quốc tế .

Nếu như Trung Quốc đóng vai trò cảnh sát khu vực khi cung cấp các sản phẩm công tốt hơn, Mỹ sẽ cảm thấy thoải mái khi rời khu vực. Thách thức của Trung Quốc không phải là đánh bại Mỹ mà là cho phép Mỹ rời khu vực. Đây là quá trình thay thế chứ không phải là đối đầu.

Rõ ràng, bắt nạt sẽ không khiến cho Bắc Kinh trở thành bá chủ. Hành động có trách nhiệm mới đem lại thành công.

Lập trường của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong vấn đề Biển Đông của Lila Ramos Shahani

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump đã trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Một trong hai người sẽ trở thành Tổng thống và Tổng Tư lệnh của Mỹ để đối mặt với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Vì vậy, lập trường của họ cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bà Hillary Clinton được coi là một người thuộc phe diều hâu trong vấn đề Biển Đông, luôn ủng hộ tự do hàng hải và các cam kết với các đồng minh khu vực (Nhật Bản và Hàn Quốc). Ngoài ra, nữ cựu Thượng nghị sĩ Mỹ cũng là người ủng hộ UNCLOS 1982 và cho rằng các đòi hỏi chủ quyền trên biển phải được quyết định dựa trên đường cơ sở. Trong giai đoạn làm Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton được coi là bộ mặt của chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Mỹ. Năm 2010, bà Hillary Clinton từng khiến người đồng cấp Trung Quốc lúc đó là ông Dương Khiết Trì bị nóng mặt khi tuyên bố rằng tự do hàng hải ở Biển Đông là vấn đề thuộc lợi ích quốc gia của Mỹ. Rất có thể nếu trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, bà Hillary Clinton sẽ thúc đẩy vấn đề này còn mạnh mẽ hơn Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama. 

Trong khi đó, lập trường của nhà tài phiệt Donald Trump trong vấn đề Biển Đông lại rất khó hiểu. Ông trùm bất động sản thường chỉ trích Trung Quốc ăn cắp việc làm của người Mỹ và đe dọa trả đũa việc Bắc Kinh thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, vấn đề tự do hàng hải thường chỉ được ông này nhắc đến thoáng qua. Cuối tuần trước, ông Donald Trump đã tuyên bố các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là điều thế giới chưa từng chứng kiến nhưng không cho biết dự kiến của mình về vấn đề này trong tương lai.

Thái độ của Trung Quốc đối với bà Hillary Clinton cũng rất rõ ràng. Truyền thông Trung Quốc thường xuyên cắt bỏ các phát biểu của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ về tình hình nữ quyền tại Trung Quốc và đặt cho bà biệt danh là bà già điên rồ. Trong khi đó, phản ứng của Trung Quốc đối với ông Donald Trump khá lẫn lộn. Ban đầu, truyền thông Trung Quốc coi ông Donald Trump là một gã hề to mồm, nhưng khi ông này trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng Cộng hòa, chính giới Trung Quốc lại cho rằng trong tương lai gần, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump với chủ nghĩa biệt lập mới sẽ có lợi cho Trung Quốc hơn bà Hillary Clinton. Quan điểm mọi chuyện có thể thương lượng của ông Donald Trump khiến Bắc Kinh tin tưởng sẽ có thể thoả thuận với Washington trong vấn đề thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng lo lắng trước ý tưởng của ông này trong việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho hai đồng minh khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Tóm lại, bà Hillary Clinton là một ứng cử viên tổng thống “diều hâu” hơn, có thể sẽ tiếp tục chính sách hiện tại của Mỹ ở Biển Đông. Ngược lại, với ông Donald Trump, chính sách đối với châu Á của Mỹ sẽ dễ thay đổi và khó đoán hơn và theo đó, Trung Quốc sẽ có lợi hơn.

ASEAN và Trung Quốc ở ngã ba đường sau phán quyết về Biển Đông của Sourabh Gupta

Trung Quốc khăng khăng nhấn mạnh các tranh cãi nên được giải quyết bằng con đường đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan, và ASEAN hoàn toàn có thể cùng đảm bảo sự ổn định tại Biển Đông. Sau phán quyết, Bắc Kinh cần phải thận trọng trong các hành động của mình, và giới quan sát cho rằng một trong những động thái thể hiện thiện chí của Trung Quốc, có thể là xóa bỏ sự hạn chế đối với các ngư dân Philippines trong việc tiếp cận vùng biển xung quanh Bãi cạn Scaborough và rút các lực lượng bán dân sự khỏi Bãi Cỏ mây. Trong khi đó, ASEAN cũng cần phải tận dụng lợi thế từ phán quyết, nhất là trên mặt trận an ninh. Phán quyết của PCA đã khiến Trung Quốc ngạc nhiên khi phủ nhận hoàn toàn tính chính đáng của cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà họ vạch ra. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ phán quyết này, cả ở trên bàn đàm phán và trên thực địa.

Các vấn đề liên quan đến chủ quyền trong phán quyết có sự liên quan mật thiết tới sự ổn định và quan hệ láng giềng. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ rõ sự cương quyết, song cũng rất linh hoạt trong cách hành xử của mình để thích ứng với sự xoay chuyển tình hình. Tuy nhiên, nếu lực lượng vũ trang Philippines hoặc các tàu dân sự được triển khai để hỗ trợ việc tái thực hiện các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt trong khu vực, Mỹ, một đồng minh của Philippines, có thể sẽ bị kéo vào xung đột, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Phán quyết của Tòa càng cho thấy tầm quan trọng của việc nhanh chóng hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử COC. Cả ASEAN và Trung Quốc sẽ đều có lợi nếu có thể đàm phán COC trong bầu không khí ít căng thẳng hơn, để từ đó tìm ra các biện pháp ngăn ngừa, xác định cụ thể các nguyên tắc phối hợp giữa lực lượng bán quân sự. Hơn thế nữa, một bộ quy tắc như vậy phải phù hợp với Bộ Quy tắc về các sự cố bất ngờ trên biển (CUES). Các bên có thể phối hợp hoạt động ở các vùng giáp ranh và khu vực xen kẽ, nhất là trong việc bảo vệ môi trường, tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, cũng như hợp tác chống cướp biển và vượt biên trái phép.

Phán quyết của Tòa đã đặt dấu chấm hết cho những sự mơ hồ bấy lâu này mà người ta vẫn vướng vào khi nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đôi bên cùng có lợi cho các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong khu vực. Cả Trung Quốc và ASEAN đều đang thận trọng với một “sự bình thường mới” tại Biển Đông. Rõ ràng họ đang đứng trước ngã ba đường quan trọng. ASEAN và Trung Quốc có thể lựa chọn cách thức riêng để vượt qua từng thách thức, song họ cũng có thể cùng phối hợp, dùng ảnh hưởng của mình để đảm bảo hòa bình và ổn định. Dù lựa chọn là gì thì cả Trung Quốc và ASEAN trước hết đều cần phải đạt được một sự đồng thuận nhất định. Mâu thuẫn hay né tránh đều không phải là giải pháp cuối cùng.

Trung Quốc tự bắn vào chân khi bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài?” của Udit Dobhal

Trung Quốc nổi lên là một cường quốc trong thế giới hiện đại với quân đội thường trực lớn nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu và trở thành vấn đề hóc búa đối với các nước láng giềng. Trung Quốc có quá khứ không tôn trọng biên giới của các nước láng giềng và Ấn Độ đã phải đối mặt với hành động xâm lược của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Trung Quốc có tranh chấp biên giới (đất liền và biển) với Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Brunei và Indonesia. Trung Quốc là nước duy nhất ở châu Á có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước. 

Việc Trung Quốc ngang nhiên phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông và thái độ này của Trung Quốc đã không chỉ chọc tức các quốc gia láng giềng ở Biển Đông mà còn đối với toàn thế giới. Các quốc gia bắt đầu coi sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc như mối đe dọa cho toàn thế giới.

Trung Quốc nên lưu ý về hậu quả của việc bỏ qua và xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng. Sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã thúc đẩy Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ tăng cường hiện đại hóa quốc phòng. Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đóng tại Yokosuka, Nhật Bản, đã thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc nhận thức được mối đe dọa bị cô lập trên trường quốc tế và đây cũng là lý do tại sao sau phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc bắt đầu tiến hành các cuộc vận động quốc tế nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho yêu sách của mình ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng biết rằng sẽ không thể tìm một giải pháp quân sự cho vấn đề Biển Đông vì nếu xảy ra chiến tranh Trung Quốc sẽ phải đối mặt với đội quân Mỹ, Nhật Bản và có thể là cả Ấn Độ, bên cạnh đó là các quốc gia khác như Malaysia, Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia. Trong cuộc chiến này, Trung Quốc có thể nhận được hỗ trợ từ Pakistan, một nền kinh tế què quặt, và Nga, nền kinh tế đang hồi phục sau trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, do ít có lợi ích liên quan ở Biển Đông nên Nga sẽ do dự để cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp cho Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh. 

Tóm lại, có thể nói rằng hành động bắt nạt các nước láng giềng đã làm hại chính Trung Quốc. Tranh chấp Biển Đông đã dẫn đến sự tăng cường hiện đại hóa quân sự ở khu vực và gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với Bắc Kinh. Cuối cùng, Trung Quốc nên nhớ rằng sức mạnh quân đội của họ có lớn đến đâu cũng không thể chống lại quân đội của 8 nước và trong khi không có sự hỗ trợ đáng kể từ các nước bạn bè khác. 

Hiển nhiên Trung Quốc đang lo sợ điều này và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 12/8 tới trong nỗ lực nhằm đảm bảo rằng Thủ tướng Narendra Modi sẽ không tham gia với các nước để nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông tại Hội nghị G-20 diễn ra vào đầu tháng 9 tới. Ấn Độ cần nhớ rằng Trung Quốc đã cản trở nước này tham gia Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) như thế nào và không nên bắt tay với một nước mà đã tự bắn vào chân mình trong tranh chấp ở Biển Đông.

Sự tàn khốc từ cuộc chiến Trung – Mỹcủa Dave Majumdar

Báo cáo công bố mới đây của Viện nghiên cứu RAND đưa ra dự đoán rằng nếu một cuộc chiến nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, đây sẽ là một cuộc xung đột không có hồi kết bởi không bên nào giành được phần thắng mang tính quyết định.Trong báo cáo có tựa đề “Góc nhìn đa chiều của cuộc chiến tranh Mỹ - Trung”, ba học giả David C. Gompert, Astrid Cevallos và Cristina L.Garafola nhận định rằng nếu vì lý do nào đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không thể hóa giải, cuộc chiến giữa hai cường quốc nhiều khả năng sẽ nổ ra trên biển và trên không, tuy nhiên năng lực chiến tranh mạng và không gian sẽ đóng vai trò quan trọng.

Những tiến bộ trong năng lực tác chiến của Bắc Kinh gần đây, đặc biệt là khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2AD), khiến Mỹ không thể kiểm soát hoàn toàn chiến trường, phá hủy các hệ thống phòng thủ của Trung Quốc và giành được chiến thắng mang tính áp đảo và quyết định. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn có thể hứng chịu nhiều thương vong hơn từ những loại vũ khí tấn công uy lực tầm xa của Mỹ, bất chấp năng lực A2/AD được cải thiện của quân đội nước này.

“Việc các bên tăng cường bố trí lực lượng ở các khu vực xa xôi, cũng như khả năng phát hiện và tấn công đối thủ được cải thiện có thể biến phần lớn Tây Thái Bình Dương thành vùng chiến sự và hậu quả kinh tế của nó sẽ rất thảm khốc. Tuy nhiên khó có khả năng vũ khí hạt nhân sẽ được triển khai bởi cả hai bên đều cân nhắc được mức độ hủy diệt của nó với các lợi ích quốc gia”, báo cáo viết.

Ngoài ra, báo cáo cũng dự đoán khả năng Mỹ tấn công dồn dập vào lãnh thổ Trung Quốc đại lục cao hơn so với việc Bắc Kinh chủ động tấn công vào nước Mỹ, ngoại trừ các cuộc tấn công mạng. “Có thể Trung Quốc sẽ không tấn công vào lãnh thổ Mỹ, bởi các vũ khí thông thường của họ chưa đạt được khả năng này. Ngược lại, Mỹ sẽ sử dụng vũ khí phi hạt nhân tấn công ồ ạt vào các mục tiêu quân sự ở Trung Quốc”.

Chiến tranh Mỹ - Trung có thể phát triển theo nhiều kịch bản, gồm một cuộc chiến đẫm máu trong thời gian ngắn hoặc một cuộc xung đột kéo dài mang tính hủy diệt. Ngoài ra, việc sử dụng các công nghệ hiện đại khiến hai bên đều muốn phát động đòn tấn công phủ đầu. Báo cáo cho rằng các thiết bị cảm biến, vũ khí dẫn đường, kết nối mạng kỹ thuật số và các công nghệ thông tin khác được sử dụng để tấn công lực lượng đối phương đã phát triển đến mức có thể là mối đe dọa cho cả hai bên. Đây là lý do khiến cả hai bên đều muốn ra tay trước nhằm tránh thiệt hại. Tuy nhiên không bên nào có thể giành quyền kiểm soát hoàn toàn bởi cả hai đều có nguồn lực dồi dào để tham chiến trong thời gian dài, ngay cả khi bị tổn thất về quân sự lẫn kinh tế.

Trong bất kỳ kịch bản nào, một cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ khiến hai bên chịu tổn thất nặng nề về quân sự và kinh tế. Trên thực tế, chiến tranh sẽ phá hủy năng lực quân đội hai

Suy cho cùng, Mỹ và Trung Quốc không được lợi gì khi phát động chiến tranh. Chiến tranh Mỹ - Trung do đó, không hẳn là không thể tránh được./.