Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra thông cáo cho biết, từ ngày 1/5, lệnh cấm đánh bắt cá sẽ có hiệu lực ở một số vùng biển, gồm biển Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Lệnh cấm này áp dụng đối với hoạt động đánh bắt ở phía Bắc của 12 độ vĩ Bắc, ngoại trừ hoạt động đi câu truyền thống hoặc các phương pháp đánh bắt được chấp thuận khác. Tại khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông, các lệnh cấm trái phép này sẽ lần lượt kết thúc vào ngày 1/8 và 16/8. Lệnh cấm đánh bắt năm nay bắt đầu sớm hơn khoảng một tháng so với các lệnh cấm trước.

Trung Quốc ‘hoan nghênh’ tuyên bố ASEAN về Biển Đông. Về thông tin Trung Quốc gây sức ép với ASEAN để tuyên bố chủ tịch ASEAN lần thứ 30 không đề cập đến việc cải tạo đất và quân sự hóa ở, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 2/5 cho biết, “Kể từ năm ngoái, với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, trong đó có Philippines, tình hình Biển Đông đã hạ nhiệt và đã lắng dịu. Điều này phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực. Điều chúng ta thấy là hội nghị ASEAN tái khẳng định những thay đổi tích cực ở Biển Đông và khát vọng chung của các nước khu vực về ổn định, hợp tác và phát triển. Trung Quốc sẽ tiếp tục giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông với Philippines thông qua đối thoại, tham vấn.” Theo ông Cảnh, Trung Quốc sẽ hợp tác với ASEAN trong việc thực thi toàn diện DOC, tăng cường hợp tác biển. Theo kế hoạch, hai bên sẽ kết thúc tham vấn hoàn tất bộ khung dự thảo COC trong nửa đầu năm 2017. Về việc Ngoại trưởng Mỹ Tillerson ngày 4/5 có cuộc gặp không chính thức với Ngoại trưởng ASEAN tại Washington, ông Cảnh hôm 3/5 cho biết: “Vấn đề Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Đây cũng không phải là vấn đề giữa Trung - Mỹ. Thời gian gần đây, với sự nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, cục diện Biển Đông đã không ngừng ổn định, tốt lên. Chúng tôi hy vọng các nước ngoài khu vực tôn trọng nỗ lực của các quốc gia duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Về việc Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5 đến 16/8/2017, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc vì đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình; vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của DOC, không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.”

+ Philippines:

Tổng thống Philippines để ngỏ khả năng tập trận với Trung Quốc. Phát biểu trước báo giới hôm 1/5 sau khi thăm tàu chiến Trung Quốc cập cảng thành phố Davao, Tổng thống Duterte nói: "Tôi nhất trí với ý tưởng tập trận chung với Trung Quốc. Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tập trận chung tại Mindanao, có thể ở biển Sulu." Theo ông Duterte, chuyến thăm tàu chiến này là một phần trong hoạt động xây dựng lòng tin, thiện chí giữa Manila và Bắc Kinh.

Thẩm phán Philippines ra sách điện tử về Biển Đông. Thẩm phán Antonio Carpio của Tòa án Tối cao Philippines ngày 4/5 ra mắt một cuốn sách nhan đề "Tranh chấp Biển Đông: Các Quyền chủ quyền và Quyền tài phán của Philippines ở Biển Tây Philippines". Thẩm phán Carpio cho biết, phiên bản tiếng Anh sách điện tử này có thể tải về miễn phí và được đăng tải trực tuyến bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Việt, tiếng Bahasa, tiếng Nhật Bản và tiếng Tây Ban Nha. Phát biểu tại buổi ra mắt sách ở Manila, ông Carpio nêu rõ: "Sách này sẽ không bao giờ được phân phối ở Trung Quốc dưới dạng ấn bản. Điều này sẽ bị cấm. Cách duy nhất đ sách có thể đến với độc giả Trung Quốc là ở định dạng điện tử thông qua mạng internet." Trong cuốn sách này, ông Carpio sử dụng các bản đồ cổ, hình ảnh, đoạn trích từ phán quyết của PCA, những tuyên bố của Trung Quốc và các tài liệu phản bác những yêu sách của Trung Quốc.

Cảnh sát biển Philippines tham gia chương trình đào tạo tại Trung Quốc. 20 sỹ quan trẻ thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines hôm 5/5 tham gia các khóa đào tạo tại Học viện Cảnh sát biển Trung Quốc (CMPA). Chương trình đào tạo sẽ kéo dài 10 ngày với nhiều khoa mục trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có thông tin liên lạc và báo hiệu hàng hải, vận hành tàu thuyền và cập cảng, cũng như các kỹ năng lặn và cứu hộ. Tháng 2/2017, Trung Quốc và Philippines đã thiết lập Ủy ban chung về hợp tác trên biển giữa lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước.

+ Singapore:

Ngoại trưởng Singapore: ‘ASEAN hiện tập trung hoàn tất khung COC’. Trả lời phỏng vấn National Public Radio hôm 5/5, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết, “Điều chúng tôi muốn là một trật tự dựa trên luật pháp và một cách tiếp cận hòa bình để giải quyết các tranh chấp. Tranh chấp lãnh thổ luôn khó giải quyết. ASEAN lúc này tập trung thiết lập khung cho Bộ Quy tắc ứng xử. Đây là bước đi quan trọng để xây dựng lòng tin.” Về khả năng Trung Quốc lấp đầy khoảng trống bỏ lại sau khi Mỹ rút khỏi TPP, ông Balakrishnan cho hay, “Chúng tôi hy vọng người Mỹ sẽ tiếp tục cuộc hành trình xây dựng kinh tế với chúng tôi. Chúng tôi muốn xây dựng một cấu trúc khu vực rộng mở và Mỹ luôn là đối tác được trông đợi nhất. Đây là khu vực có nhiều cơ hội lớn về kinh tế đến mức không thể bỏ lỡ.”

+ Mỹ:

Ứng cử viên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc cứng rắn về Biển Đông. Phát biểu tại phiên điều trần ở Thượng viện ngày 2/5, Thống đốc bang Iowa Terry Branstad, người Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn cho vị trí đại sứ tại Trung Quốc, nêu rõ: "Không thể cho phép Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo để ép buộc các nước láng giềng hay hạn chế tự do hàng hải và tự do hàng không trên Biển Đông." Cũng theo ông Branstad, Bắc Kinh cần nỗ lực hơn khiến Triều Tiên kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này.

Đô đốc Mỹ: ‘Mỹ không thay đổi lập trường về Biển Đông.’ Phát biểu trong cuộc hội đàm với Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ Sunil Lanba và Bộ trưởng Quốc phòng nước này G.Mohan Kumar hôm 5/5, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Đô đốc Scott Swift nhận định dự án “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc gây tâm lý "lo lắng" trong khu vực. Đô đốc Scott Swift nêu rõ Washington sẽ không thay đổi lập trường về vấn đề Biển Đông đổi lại sự ủng hộ của Trung Quốc để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Swift  cũng khẳng định việc Bắc Kinh có hành động cưỡng ép và sử dụng vũ lực trong khu vực là không thể chấp nhận.

Đại sứ Mỹ khẳng định cam kết ở Biển Đông. Phát biểu tại một sự kiện hôm 7/5, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim tái khẳng định cam kết của chính quyền Mỹ trong việc tiếp tục duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông Kim khẳng định tự do hàng hải và hàng không là mối quan tâm của Mỹ và cộng đồng quốc tế, “Đây là những quyền rất cơ bản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại quốc tế. Lập trường của Mỹ về vấn đề này không có gì thay đổi.”

+ Nhật Bản:

Nhật Bản có thể tặng máy bay tuần tra P-3C cho Malaysia. Nikkei dẫn lời một quan chức giấu tên trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, trước đề nghị của Kuala Lumpur, Tokyo có kế hoạch chuyển giao máy bay tuần tra P-3C cũ cho nước này. Quốc hội Nhật Bản đang thảo luận một dự luật, theo đó sẽ cho phép nước này cung cấp các thiết bị quân sự miễn phí cho các quốc gia khác. Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản hiện có khoảng 60 máy bay P-3C đang hoạt động và có kế hoạch cho ngừng hoạt động những máy bay đã bay được khoảng 15.000 giờ.

Nhật Bản điều thêm tàu khu trục hộ tống tàu hải quân Mỹ. Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) đã điều thêm tàu khu trục Sazanami tham gia cùng tàu sân bay trực thăng Izumo hộ tống một tàu tiếp tế của hải quân Mỹ. Tàu khu trục Sazanami ngày 2/5 đã rời căn cứ của MSDF tại Kure tỉnh Hiroshima. Dự kiến, sứ mệnh kết thúc vào ngày 3/5. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 2 tàu của MSDF sẽ tham gia một sự kiện tại Singapore vào ngày 15/5 tới. Đây là hoạt động triển khai lần đầu tiên của Nhật Bản, ngoài việc tiến hành các cuộc diễn tập chung, đ bảo vệ hạm đội tàu Mỹ.

Quan hệ các nước

Mỹ hướng tới cải thiện quan hệ với Thái Lan. Ngày 2/5, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định rằng quan hệ giữa hai nước sẽ “thân thiết nhất từ trước đến nay,” và hai nước là "đồng minh tốt." Tuyên bố này đánh dấu một sự thay đổi bất ngờ về lập trường của Washington kể từ cuộc đảo chính năm 2014 tại Thái Lan. Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Prayuth hôm 30/4 và mời ông Prayuth đến thăm Nhà Trắng. Ông Prayuth cũng cho biết thêm ông Trump hứa hẹn tăng cường "hợp tác thương mại" với Thái Lan và sẽ cử một phái đoàn thương mại đến nước này trong thời gian tới. Trước đó, Thông cáo chung của Nhà trắng về cuộc điện đàm này cho hay, “Hai nhà lãnh đạo chia s quan tâm chung trong việc tăng cường quan tâm kinh tế và thương mại giữa hai nước. Tổng thống Trump tái khẳng định cam kết Mỹ đóng vai trò đi đầu và tích cực ở Châu Á, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đối tác và đồng mình, như Thái Lan.”

Lãnh đạo Trung Quốc - Philippines tiến hành điện đàm. Ngày 3/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte điện đàm thảo luận về hợp tác song phương và các vấn đề khu vực. Cuộc điện đàm diễn ra khoảng 26 phút. Chủ tịch Tập Cận Bình được Xinhua dẫn lời cho biết ông gặp Tổng thống Duterte hai lần trong năm 2016 và hai bên đạt được các thỏa thuận quan trọng, giúp cải thiện quan hệ song phương. Hiện Trung Quốc và Philippines đang tiếp tục tăng cường tin tưởng chính trị và hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Ông Tập nhấn mạnh, "Các kênh đối thoại và đàm phán về vấn đề Biển Đông được thiết lập và sẽ mang lại lợi ích cơ bản cho hai nước.” Về phần mình, Tổng thống Duterte bày tỏ vui mừng khi nhận thấy quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết giữa Philippines - Trung Quốc được tăng cường.

Các Ngoại trưởng ASEAN - Mỹ bàn về Biển Đông tại Mỹ. Thông cáo chung của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay trong cuộc gặp tại Washington hôm 4/5, Ngoại trưởng Tillerson và các Ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh cam kết đối với trật tự dựa trên luật pháp ở Thái Bình Dương và các nguyên tắc nêu trong Tuyên bố Chung của Hội nghị đặc biệt của Lãnh đạo Mỹ - ASEAN năm 2016, bao gồm giải quyết hòa bình tranh chấp, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Tillerson ghi nhận quan ngại của nhiều nước trong khu vực về hoạt động quân sự hóa và cải tạo đất ở Biển Đông. Theo thông báo báo chí của ASEAN, “Các Ngoại trưởng đã thảo luận về tình hình Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp với luật pháp, bao gồm UNCLOS. Hai bên kêu gọi sớm hoàn tất khung COC và tiến tới bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.”

Phân tích và đánh giá

Sự thật đằng sau động thái của Duterte về Biển Đôngcủa Prashanth Parameswaran

Ngày 29/4 vừa qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 diễn ra tại Manila, Tổng thống Philippines Duterte đã tạo ra một cú sốc đối với các nước ASEAN, mặc dù đây là sự việc đã có thể dự đoán trước đó. Có thể thấy, dù động thái này đáng chú ý, nhưng nó vốn là một thách thức đã có từ trước khi Ông Duterte lên cầm quyền, và có lẽ sẽ vẫn tiếp diễn trong những năm tới.

Một “cú đánh” rõ ràng

Từ những động thái của ông Duterte từ trước khi ông lên nắm quyền, vấn đề đặt ra lúc này là các quan sát viên dày dạn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh lần này không có ý định được chứng kiến một tuyên bố của nước chủ nhà có mạnh mẽ hay không, thay vào đó họ quan tâm đến mức độ hời hợt của Tuyên bố này.

Điểm đáng chú ý là Tuyên bố của nước chủ nhà hoàn toàn không nhắc đến các ứng xử và hành động của Trung Quốc tại khu vực, bao gồm các động thái ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Philippines như tiến hành quân sự hóa, cải tạo các thực thể và leo thang căng thẳng.

Hành động đáng lo ngại này của Philippines đã gửi tới Trung Quốc thông điệp rằng Trung Quốc sẽ không phải “trả giá” cho những hành động của mình ở biển Đông. Thêm vào đó, nó cũng nhất thời làm chậm lại những nỗ lực ngoại giao bên trong khối ASEAN đối với vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, vai trò tích cực đối với khu vực của những nhân tố bên ngoài như Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn hơn sau sự “hờ hững” này của Philippines.

Một bức tranh tổng thể

Về phía Philippines, Tổng thống Dutertes đã phải đối diện với tình thế lưỡng nan, khi vừa phải duy trì quan hệ với Trung Quốc trong khi những căng thẳng giữa hai nước liên tục gia tăng. Và như vậy, ông Duterte cũng không tránh khỏi những hạn chế trong nước ảnh hưởng đến quyết định đối với các tổng thống Philippines trong vấn đề cân bằng các mối quan hệ quốc tế của nước này, đó là mối nghi ngờ đối với Trung Quốc và mối liên hệ quân sự lâu đời với những đối tác an ninh như Mỹ, Nhật Bản thay vì những đối tượng mới như Trung Quốc hay Nga. Ngoài ra, việc đưa ra một kết luận khi mới ở trong năm đầu tiên của nhiệm kì sáu năm của Tổng thống Duterte là quá sớm, khi mà quỹ đạo quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines và chính sách đối ngoại mở rộng của Philippines vẫn còn chưa chắc chắn.

Đối với ASEAN, không nên phóng đại vai trò của tổ chức này, hoặc những tác động đến tổ chức bởi lẽ ASEAN chỉ là một trong những con đường mà các quốc gia thành viên sử dụng để theo đuổi lợi ích. Ngoài ra, vai trò của ASEAN tương đối giới hạn và chủ yếu chỉ là công cụ ngoại giao để giải quyết vấn đề Biển Đông. Những hạn chế của ASEAN có thể kể đến như việc luân phiên vai trò Chủ tịch, quốc gia điều phối, thay đổi lãnh đạo quốc gia, sự vận động quốc tế ... Chính những yếu tố này tạo ra những thay đổi trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông chứ không phải sự mất kiểm soát hoàn toàn hay sự sụp đổ theo tuyến tính như nhiều người nghĩ.

Động thái này của Philippines có thể tạo ra nhiều phức tạp hơn, nhưng cũng là một cơ hội để các nước xác định lại việc đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông

Đánh giá 100 ngày cầm quyền của Donald Trump đối với Châu Ácủa Benjamin Lee

Sau 100 ngày tại vị Tổng thống, chính sách Châu Á của Chính quyền Trump chưa thực sự rõ ràng, có một số nét kế tục nhưng cũng có nhiều nét khác biệt so với Chính quyền tiền nhiệm, thể hiện ở một số điểm sau:

Không còn sử dụng cụm từ “Tái cân bằng Châu Á” nhưng tiếp tục tập trung chiến lược vào Châu Á

Ngày 17/3, cụm từ “xoay trục sang Châu Á” mà người tiền nhiệm Obama sử dụng đã bị khai tử. Tuy nhiên, Washington sẽ tiếp tục tập trung sự chú ý cho khu vực này, thể hiện qua việc giữ mối liên lạc cấp cao với Đông Á, Nhật Bản, Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên.

Tiếp tục củng cố các mối quan hệ Đồng minh

Chính quyền Trump dường như sẵn sàng củng cố cam kết với các đồng minh hơn là đòi hỏi những chia sẻ về gánh nặng kinh tế đối với việc duy trì quân đội Mỹ trong khu vực, cụ thể là với một số đồng minh Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Chuyển từ “Kiên nhẫn chiến lược” đến “Mất kiên nhẫn chiến lược”?

“Kiên nhẫn chiến lược” là những tính toán dưới thời Chính quyền Obama, cho rằng có thể chờ đợi Triều Tiên quay trở lại tiến trình phi hạt nhân hóa khi Mỹ và các đồng minh thúc đẩy tiến trình này.

Chính quyền Trump vẫn chưa xác định được rõ ràng có tiếp tục hay từ bỏ chính sách Triều Tiên của Chính quyền cũ hay không. Dường như các biện pháp hiện tại chỉ là sự mở rộng chính sách thời Obama, một mặt tăng cường trừng phạt Triều Tiên, mặt khác thúc đẩy đối thoại cấp cao để giải quyết vấn đề.

Tiếp tục thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung: cơ chế đối thoại và các nguyên tắc lâu dài

Nếu Trung Quốc phát huy vai trò tích cực, Trump sẵn sàng tạo điều kiện thương mại thuận lợi cho Trung Quốc. Nếu không, Mỹ sẽ hành động cùng với các đồng minh Châu Á.

Rút khỏi TPP

Việc Mỹ rời bỏ TPP sẽ làm giảm lòng tin của các nước trong khu vực. Các bên sẽ ngờ vực cam kết của Mỹ sau các điều chỉnh chính sách lớn. thể hiểu rằng, trong ngắn hạn đây là tín hiệu Mỹ chuyển dần sang chính sách bảo hộ và trong dài hạn đây trở thành trở ngại lớn để đạt được tầm nhìn chung cho Khu vực

Lo lắng về thâm hụt thương mại

Chính quyền Trump coi thâm hụt thương mại với khu vực Châu Á (nhất là với Hàn Quốc và Trung Quốc) là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ.

Việc Mỹ quá chú trọng đến thâm hụt thương mại sẽ không giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Châu Á, không giúp nền kinh tế cạnh tranh hơn, ngoài ra còn khiến các đồng minh trong khu vực lo lắng liệu Mỹ có còn tiếp tục theo đuổi các cam kết về quản trị kinh tế toàn cầu và tự do thương mại.

Chính sách về chống Biến đổi khí hậu

Nếu Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris thì sẽ tác động đến hợp tác quốc tế về chống biến đổi khí hậu, khi nhiều quốc gia có thể sử dụng đây làm cái cớ để rút khỏi các cam kết. Đặc biệt nếu Mỹ rút khỏi Hiệp định mà Trung Quốc vẫn tuân thủ Hiệp định và các thỏa thuận về môi trường khác, thì Mỹ sẽ mất dần vai trò lãnh đạo thế giới vào tay Trung Quốc, trước mắt là trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và dần dần là các lĩnh vực khác.

Vấn đề năng lượng trong tranh chấp Biển Đôngcủa Frank Umbach

Trữ lượng dầu khí trên Biển Đông đã giảm đi tầm quan trọng hơn cả về địa lý và kinh tế vì thị trường dầu khí đang thừa cung, đa dạng và giá rẻ. Nhưng các dự án nước sâu của Bắc Kinh ở Biển Đông không phải chỉ vì mục tiêu thương mại.

Theo Cơ quan năng lượng Hoa Kỳ ước tính năm 2013, so với lượng dầu ở Mexico và khí đốt ở Châu Âu trừ Nga, trữ lượng ở Biển Đông là không đáng kể. Nhưng Trung Quốc ước tính trữ lượng này lớn hơn nhiều, bằng khoảng 1/3 tổng trữ lượng của Trung Quốc.

Những yếu tố khác trong cuộc chơi

Thứ nhất, Biển Đông có thể chứa nhiều dầu hơn ở những khu vực chưa được khám phá.

Thứ hai, chỉ có các dự án khoan thăm dò mới có thể trả lời chính xác trữ lượng tài nguyên có thể khai thác một cách hiệu quả về thương mại.

Thứ ba, câu hỏi trên còn phụ thuộc vào các công nghệ hiện có, mối quan tâm chính trị và lợi công nghiệp của các dự án khoan thăm dò cũng như giá dầu thế giới.

Các dự án phát triển chung?

Quyết định của PCA ngày 12/7/2016 bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, đặt ra hy vọng mới về phát triển chung đối với trữ lượng dầu khí ở Biển Đông. Điều này có thể lấy ví dụ về trường hợp thỏa thuận giữa Malaysia và Philippines được ký năm 1979 trong vùng biển tranh chấp làm  Khu vực Phát triển chung (JDA). Bắc Kinh bày tỏ mong muốn hỗ trợ các dự án dầu khí chung với các nước láng giềng nhưng yêu cầu nước đó phải thừa nhận chủ quyền và tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp.

Nhưng nếu Bắc Kinh không công nhận luật quốc tế ở Biển Đông và thực dụng hơn với tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, triển vọng cho các dự án phát triển chung sẽ vẫn mờ mịt.

Bỏ qua các nguyên tắc kinh tế cho các dự án thương mại

Trong thập kỷ qua, các bên yêu sách ở Biển Đông ngày càng quan tâm hơn đến việc mở rộng dự án dầu khí ở cả vùng nước nông và nước sâu. Tuy nhiên, các dự án khoan dầu khí “rất sâu” hiện nay không mang lại lợi nhuận thương mại do giá dầu thế giới thấp. Kết quả là, các công ty năng lượng quốc tế đã giảm các dự án thăm dò trên biển trên toàn thế giới. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn chưa bỏ các dự án năng lượng nước sâu ở Biển Đông.

Chiếm hữu dần dần

Nhiều nhà quan sát chính sách về Biển Đông của Trung Quốc cho rằng, chiến lược theo đuổi độc lập về năng lượng của Trung Quốc đã làm leo thang tranh chấp. Tuy nhiên họ lại thường bỏ qua một điều rằng, các dự án của Trung Quốc cũng là một công cụ nhằm “từng bước xâm lấn” các rạn san hô ở Biển Đông để củng cố các yêu sách trên biển.

Vào 8/8/2012, Chủ tịch CNOOC đã tuyên bố rằng, “sứ mệnh” của dàn khoan nước sâu 981 là một “lãnh thổ quốc gia di động” giúp đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền trên biển của Trung Quốc.

ASEAN mềm mỏng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông phân tích của The American Interest

Các nước ASEAN vẫn chỉ “đi lòng vòng” xung quanh những xung đột chủ quyền ở Biển Đông, trong bối cảnh chưa rõ mức độ can thiệp của Chính quyền Mỹ và thái độ ngày càng kiên quyết của Trung Quốc trong khẳng định chủ quyền ở khu vực này. 

Vài giờ sau khi kết thúc cuộc họp, Philippines đã ra Tuyên bố Chủ tịch (ngày 30/4), trong đó xác định tránh đối đầu với Trung Quốc trong khu vực. Tuyên bố Chủ tịch đã loại bỏ những ngôn từ gay gắt và những chi tiết nhạy cảm mà hoan nghênh sự phối hợp giữa Bắc Kinh với ASEAN trong việc đề ra khuôn khổ cho COC, đồng thời nhấn mạnh ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc theo đuổi giải pháp hòa bình để giải quyết các xung đột. Trước đó, bản dự thảo tuyên bố chung kêu gọi các bên tránh khai phá đất đai và quân sự hóa Biển Đông, song nội dung này đã không xuất hiện trong tuyên bố cuối cùng. 

Thậm chí ngay trước cuộc họp, Tổng thống Philippines đã bỏ qua phần thảo luận về phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông vì cho rằng điều đó hoàn toàn vô nghĩa. Ông Evan Laksmana, chuyên gia thuộc Trung tâm CSIS, nhận định rằng sự trì hoãn bất thường trong việc công bố Tuyên bố chung cho thấy sự bất đồng giữa các nước ASEAN về nội dung của tuyên bố, có thể về vấn đề Biển Đông.

Rõ ràng, cuối tuần qua, Trung Quốc đã vận động hành lang mạnh mẽ để Philippines nêu quan điểm trung lập trong Tuyên bố chung. Trước thực tế Campuchia, Lào và giờ là Philippines không muốn gây thù địch với Trung Quốc, có thể thấy chính sách “chia để trị” của Trung Quốc (đối với ASEAN) có vẻ đã thành công.

Các nhà phân tích cho rằng Đông Nam Á ngày càng do dự trong việc thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bởi họ không biết chắc chắn lập trường của Donald Trump đối với vấn đề Biển Đông và Đông Nam Á, đặc biệt là khi Chính quyền Trump đang tập trung cho cuộc khủng hoảng tại Triều Tiên và những mục tiêu chính sách đối nội. 

Chính quyền Obama đã cố gắng ủng hộ các quốc gia ASEAN xây dựng một khối đa phương chống lại các hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã từ bỏ mục tiêu kinh tế cốt lõi của chính sách xoay trục này là TPP trong bối cảnh Trung Quốc đang lấy lòng các nước Đông Nam Á bằng những cam kết đầu tư và những đề nghị về thương mại. 

Sự hiện diện của quân đội Mỹ cũng ít hơn. Hải quân Mỹ đã thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông một vài lần trong năm 2016 thông qua tuần tra tự do hàng hải bằng cách di chuyển vào những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, những hoạt động như thế không còn được thực hiện từ khi ông Trump nhậm chức. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói tại Indonesia rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện những hoạt động này, nhưng ông không hề nêu chi tiết.

Những tuyên bố của Donald Trump chỉ là lời nói suông? của Zeeshan Aleem

Cho đến nay, Tổng thống Donald Trump có cách tiếp cận ít đối đầu hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama trong vấn đề Biển Đông.

Trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump đã cam kết sẽ kiềm chế những hành vi bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng giờ đây, sau hơn 100 ngày làm tổng thống, có bằng chứng rõ ràng cho thấy chính quyền Trump chưa nhúc nhích một bước nào để thực hiện cam kết đó. 

Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện trên biển và xây dựng các đảo nhân đạo để khẳng định chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Chính quyền Obama thi thoảng cử tàu của Hải quân Mỹ tới vùng biển mà Bắc Kinh tự tuyên bố chủ quyền để bảo vệ “tự do hàng hải”, nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Obama đã bị chỉ trích gay gắt là hành động không đủ thường xuyên, và do đó không đủ sức răn đe đối với Trung Quốc. Ông Trump đã hứa sẽ thay đổi điều đó.

Nhưng cho tới nay, chính quyền Trump thậm chí còn tỏ ra dè dặt hơn cả chính quyền Obama. Theo tờ The New York Times, gần đây các quan chức chóp bu của Lầu Năm Góc đã bác bỏ 3 đề nghị của Hải quân muốn vào bên trong phạm vi 12 hải lý cách một bãi đá trên Biển Đông, nơi cả Trung Quốc lẫn Philippines đều tuyên bố chủ quyền. Các quan chức Bộ Ngoại giao nói với tờ The New York Times rằng không có tàu Hải quân nào được phép vào phạm vi 12 hải lý cách bất kỳ một hòn đảo nào tại khu vực. 

Mặc dù chưa rõ lời từ chối này đến từ Bộ trưởng Quốc phòng hay Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân hay từ một trong những cấp phó của họ, song quyết định không thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông phù hợp với xu hướng hành động của ông Trump, đó là tự đảo lộn một loạt ý tưởng chính sách hiếu chiến của chính mình đối với Trung Quốc. 

Ông Trump từng đe dọa không tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”, tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, áp thuế 45% đối với hàng hóa của Trung Quốc. Cho đến nay, ông vẫn chưa làm tất cả những việc trên. 

Lý do khả dĩ nhất cho tất cả những sự “nuốt lời” này là Triều Tiên. Việc ngăn chặn những tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là ưu tiên lớn nhất trong chương trình nghị sự quốc gia của ông Trump. Trump cần sự hợp tác của Trung Quốc để tìm giải pháp. Ông cho rằng tỏ ra thiện chí với Trung Quốc là cách tốt nhất để thuyết phục nước này hành xử cứng rắn hơn với Triều Tiên. Trung Quốc là “phao cứu sinh” kinh tế cho Triều Tiên. Nếu Bắc Kinh cắt đứt nguồn cung cấp dầu hoặc giảm mạnh giao dịch thương mại với Triều Tiên, nền kinh tế Triều Tiên sẽ sụp đổ. 

Tất cả những điều kể trên không có nghĩa là ông Trump sẽ luôn rụt rè tại Biển Đông. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc do ông Trump bổ nhiệm đã tỏ thái độ cứng rắn trong vấn đề này tại cuộc điều trần nhậm chức hôm 2/5.

Thế nhưng, trong vấn đề này - giống như nhiều vấn đề khác nữa - điều quan trọng là phải chú ý xem chính quyền Trump có thực sự hành động hay không, hay chỉ nói suông./.