Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản đối hoạt động tuần tra của Mỹ ở Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1/1, Người phát ngôn Lục Khảng tuyên bố: “Việc tàu khu trục USS Curtis Wibur của Hải quân Mỹ tự ý đi vào lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa ngày 30/1 là vi phạm luật pháp Trung Quốc. “Kế hoạch tự do hàng hải” mà Mỹ chủ trương nhiều năm nay không phù hợp với luật pháp quốc tế, bất chấp an ninh, chủ quyền và quyền, lợi ích biển của nhiều quốc gia ven biển, làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực. Bản chất của “Kế hoạch tự do hàng hải” này là lấy danh nghĩa “tự do hàng hải” thúc đẩy sự bá quyền trên biển của Mỹ. Cách làm này của phía Mỹ là vô cùng nguy hiểm và vô trách nhiệm. Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ quốc gia nào lấy cái gọi là “tự do hàng hải” làm cớ để phương hại chủ quyền, an ninh và quyền, lợi ích biển của Trung Quốc, gây ra căng thẳng, thúc đẩy quân sự hóa tại Biển Đông.” Về việc Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, theo yêu cầu của Việt Nam, đã sửa bản đồ về vùng thông tin bay của Tam Á trên trang web của tổ chức này, ông Lục hôm 2/2 cho biết: “Qua tìm hiểu, được biết thông tin này không chính xác. Tôi muốn nói rằng, mục đích chính của những điểm nhận dạng trong bản đồ là để cung cấp dịch vụ kiểm soát và điều hướng hàng không thuận tiện, hiệu quả, bảo vệ an toàn và trật tự cho vận tải hàng không dân dụng quốc tế. Hy vọng bên liên quan không chính trị hóa vấn đề này.” Về việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bình luận rằng Trung Quốc xây dựng đảo khiến các nước trong khu vực phản ứng, ông Lục hôm 3/3 khẳng định: “Việc Trung Quốc xây dựng một số ít cơ sở quân sự trên các đảo chỉ phục vụ mục đích phòng thủ. Điều này không đe dọa đến nước nào. Trung Quốc thúc giục Mỹ khách quan và không thiên vị, ngừng đưa ra các bình luận đánh lạc hướng, không có lợi cho ổn định khu vực.” Về cuộc gặp Thượng định Mỹ-ASEAN được tổ chức tại California, ông Lục cho hay: “Trung Quốc hy vọng cuộc gặp này sẽ đóng góp thực sự vào hòa bình, ổn định và phá triển trong khu vực. Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ hôm 3/2 đã công khai tuyên bố rằng cuộc gặp này không nhằm mục đích chống Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng rằng khi cuộc gặp kết thúc, những thông điệp từ giới truyền thông có thể cho chúng ta biết cuộc gặp thực sự không nhằm vào Trung Quốc.”

+ Việt Nam:

Tàu ngầm lớp Kilo thứ 5 đã về Việt Nam. Tối 2/2, tàu vận tải hạng nặng Rolldock Star (Hà Lan) chở chiếc tàu ngầm lớp Kilo thứ 5, dự kiến được đặt tên HQ - 186 Đà Nẵng, đã về đến vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) an toàn sau chặng hải trình từ Nga về Việt Nam. Đây là một trong serie 6 tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua của Nga, nhằm từng bước xây dựng lực lượng hải quân chính quy, hiện đại, nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Tàu có tầm hoạt động 6.000 - 7.500 hải lý, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn gồm 52 người.

+ Campuchia:

Campuchia bác bỏ chỉ trích gây cản trở trong vấn đề Biển Đông. Trong bài phát biểu tại một buổi lễ tốt nghiệp đại học ở Phnom Penh hôm 5/2, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng, trong cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào tháng trước, ông đã bày tỏ sự thất vọng trước những cáo buộc về ông và Campuchia liên quan đến việc ASEAN không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, Có lẽ đã đến lúc tìm công bằng cho tôi. Tôi đã nói với Ngoại trưởng John Kerry rằng tôi khá thất vọng khi có chỉ trích rằng quan hệ gần gũi giữa Campuchia và Trung Quốc đã gây trở ngại cho việc đưa ra Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.” Thủ tướng Hun Sen cũng bày tỏ quan điểm không đồng ý giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng một hiệp định khu vực, và cho rằng từng nước nên giải quyết song phương vấn đề.

+ Mỹ:

Mỹ sẽ phản ứng trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có buổi nói chuyện tại Câu Lạc bộ Kinh tế ở thủ đô Washington hôm 2/2. Về việc Trung Quốc đang xây dựng đảo ở Biển Đông và có thể sử dụng cho mục đích quân sự, Bộ trưởng Carter tuyên bố: “Họ đang làm như vậy và chúng ta đang phản ứng. Chúng ta phải phản ứng. Điều Mỹ mong muốn là tất cả các bên phải dừng hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa. Phản ứng của Mỹ trước hết là chúng ta sẽ tiến hành hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Thứ hai, chúng ta tăng cường các đầu tư mà các bạn có thể nhận thấy trong ngân sách quốc phòng, đặc biệt theo hướng giám sát sự phát triển của quân đội Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc khiến các nước phản ứng và tìm cách cân bằng. Và quan trọng hơn nữa, đây là một kiểu hành xử tự cô lập mình.”

Mỹ mạnh tay chi tiền xây dựng cơ sở quân sự tại Philippines. Phát biểu tại Diễn đàn Pandesal tổ chức tại thành phố Querzon hôm 5/2, Đại sứ Mỹ tại Philippines ông Philip Goldberg khẳng định Mỹ sẽ dành khoảng 66 triệu USD trong ngân sách quân sự nước ngoài cho Philippines và Mỹ hy vọng sẽ có thêm các nguồn tài chính để cả hai nước triển khai Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) cho các quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và tăng cường sáng kiến an ninh biển. Đại sứ Goldberg  cho biết EDCA ra đời nhằm hỗ trợ Philippines xây dựng năng lực phòng thủ đáng tin cậy tối thiểu, xét về góc độ hiện đại hóa và trang bị cho lực lượng vũ trang nước này. Trước đó hôm 3/2, Đại sứ Goldberg cho biết Mỹ để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông với lực lượng vũ trang Philippines,“Chúng tôi đã thảo luận về triển vọng tuần tra chung giữa hai nước và tôi không loại trừ khả năng nó có thể diễn ra. Quan điểm của chúng tôi là Mỹ có quyền, theo luật pháp quốc tế, tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản ủng hộ tàu Mỹ tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông. Về việc tàu khu trục tên lửa USS Curtis Wilbur đi vào vùng biển gần Đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 1/2 khẳng định: Hành động của Mỹ là hết sức quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, nhằm bảo vệ các vùng biển mở cửa, tự do và hòa bình. Theo ông Yoshihide Suga, những hành động đơn phương của Trung Quốc, như xây dựng đảo nhân tạo và căn cứ ở Biển Đông, là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

+ Úc:

Máy bay tuần tra của Úc thường bị Trung Quốc thách thức trên Biển Đông. Theo Bộ Quốc phòng Úc, so với những năm gần đây, hoạt động tuần tra ở Biển Đông của không quân nước này trong năm 2015 đã tăng lên đôi chút. Tư lệnh Không quân Úc tướng Leo Davies bình luận, “Do đã bồi đắp thêm các đảo trên Biển Đông, nên sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng lớn. Những gì chúng tôi phát hiện dĩ nhiên là rất nhiều điểm tiền tiêu, giờ đây có người ở. Theo tướng Davies, không giống trong quá khứ, gần như tất cả chuyến bay tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch Operation Gateway đều gặp tín hiệu cảnh báo. Dù vậy Úc vẫn tiếp tục những chuyến bay tuần tra Biển Đông theo đúng luật quốc tế.

Quan hệ các nước

Ấn Độ và Brunei thảo luận về tranh chấp Biển Đông. Trong khuôn khổ chuyến thăm Brunei của đoàn đại biểu Ấn Độ do Phó Tổng thống Hamid Ansari dẫn đầu, hai bên đã thảo luận về tranh chấp lãnh thổ Biển Đông ngày 2/2. Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Anil Wadhwa phụ trách về phương Đông cho biết: “Phía Brunei đã thông báo cho chúng tôi về quá trình đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông. Ông Wadhwa cho biết thêm Ấn Độ ủng hộ cách giải quyết thông qua đàm phán của Brunei để giải các tranh chấp biển với Trung Quốc. Nhân dịp này, Ấn Độ và Brunei cũng hoàn tất đàm phán cho một hiệp định quốc phòng song phương nhằm đảm bảo các tuyến vận tải năng lượng không bị gián đoạn giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á.

Trung Quốc khẳng định mối quan hệ tốt đẹp Trung - Phi. Phát biểu tại buổi chiêu đãi do Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tổ chức hôm 2/2, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa cho biết, bất chấp những thách thức và khó khăn mà Trung Quốc và Philippines đang đối mặt, quan hệ giữa hai nước vẫn ổn định và có bước phát triển trong năm 2015. Số liệu kinh tế 2015 cho thấy, Trung Quốc hiện vẫn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Philippines với tổng khối lượng giao dịch trong 11 tháng đầu năm 2015 đạt 41,46 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2014. Năm 2015, có khoảng 400.000 khách du lịch Trung Quốc thăm Philippines. Ông Triệu nhấn mạnh, Trung Quốc và Philippines là “láng giềng gần gũi” và hai nước “không thể tách rời nhau” tuy “có những bất đồng và tranh chấp” nhưng “Trung Quốc cam kết theo đuổi phương thức giải quyết hòa bình thông qua đối thoại và thương lượng với Philippines”.  

Trung Quốc và Campuchia đồng quan điểm về vấn đề Biển Đông. Kỳ họp thứ 3 của Ủy ban điều phối liên chính phủ Trung Quốc - Campuchia đã diễn ra hôm 4/2 ở Bắc Kinh, dưới sự chủ trì của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho hay, cả hai bên nhất trí vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua cách tiếp cận 2 kênh. Theo Thứ trưởng Lưu, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Campuchia và các nước Đông Nam Á khác để bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực. Về phần mình, Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong khẳng định hai bên đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi trong cuộc họp nói trên và Campuchia sẽ tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ truyền thống với Trung Quốc.

Phân tích và đánh giá

Tại sao Biển Đông cần đến hải quân Nhật” của Takuya Shimodaira

Sau 25 năm kết thúc Chiến tranh Lạnh, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) vẫn duy trì là lực lượng hải quân thời Chiến tranh. Ngày nay, với vai trò mới về an ninh trong khu vực và trên thế giới, JMSDF cần phải thay đổi.

Biển Đông - Vũ đài mới

Trung Quốc hiện đang tăng cường chi tiêu quân sự, phát triển năng lực chống xâm nhập/ tiếp cận nhằm ngăn chặn Mỹ tiếp cận các vùng biển gần của nước này. Điều đó đặt ra những mối đe dọa đối với các quốc gia khu vực Hoa Đông và Biển Đông.

JMSDF cần sẵn sàng để đảm nhận vai trò lớn hơn cùng với các đồng minh của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhật cần tìm kiếm những giải pháp sáng tạo đối với vấn đề Biển Đông và JMSDF phải xem xét đâu là trách nhiệm mà Nhật có thể đảm đương, cần nghiêm túc xem xét phát biểu của Mỹ rằng Mỹ không thể đảm nhận vai trò cảnh sát thế giới.

Tầm quan trọng mới của sức mạnh biển

Khi trỗi dậy và ngày càng trở nên hùng mạnh, Trung Quốc sẽ mong muốn kiểm soát khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ và Nhật phải chú trọng đến thách thức mà Trung Quốc đặt ra. Nhật đã thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia ASEAN và Mỹ. Nhật cần thực hiện sự thay đổi căn bản đối với JMSDF khi giới hạn chỉ bảo vệ lãnh thổ và đảo của mình để tiến tới thực hiện đầy đủ vai trò mới trong việc hỗ trợ các quốc gia khác. Hiện Nhật đã thực hiện những bước đi chuyển đổi này, chẳng hạn như JMSDF đã tiến hành hoạt động sứ mệnh chống cướp biển ở Somali từ 2009; cùng với Mỹ và đồng minh, đối tác bảo vệ một số tuyến đường biển trên thế giới. Ở Biển Đông, việc bảo vệ tự do hàng hải là điều thiết yếu đối với kinh tế thế giới. Mỹ không thể tự mình bảo vệ và các quốc gia ASEAN cũng không thể chia sẻ gánh nặng trên. Nhật phải hỗ trợ nhiệm vụ này.

Năm lợi ích từ Hoạt động Phi Chiến đấu trên Biển (NCMO) ở Biển Đông

Hoạt động NCMO có thể bao gồm hoạt động trinh sát, tình báo và giám sát nhằm hỗ trợ Philippines và các quốc gia ASEAN. Năm lợi ích mà hoạt động này mang lại cho Nhật:

Thứ nhất: Nhật có thể thực hiện đầy đủ vai trò an ninh mới với tư cách là đồng minh chủ chốt của Mỹ theo chính sách “Đóng góp tích cực cho hòa bình”.

Thứ hai: thể hiện được thái độ về an ninh một cách tích cực tại khu vực.

Thứ ba: mang lại lợi ích cho cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Thứ tư: mang lại lợi ích cho chính Trung Quốc. Cả Trung Quốc và Nhật đều có cơ hội tuyệt vời để duy trì hòa bình và ổn định khu vực thông qua hợp tác quốc phòng.

Thứ năm: NCMO rõ ràng mang lại lợi ích cho Nhật. JMSDF có thể thể hiện được hình mẫu an ninh mới về năng lực hải quân hiện đại khi tập trung vào việc thực hiện sứ mệnh NCMO bằng những nguồn lực hạn chế.

Một Nhật Bản thay đổi vai trò sẽ đảm bảo được hòa bình và ổn định khu vực hiện đang bị đe dọa bởi một quốc gia đang trỗi dậy.

 Sử dụng biện pháp trọng tài là đúng, hành xử hiếu chiến là sai” của Đại sứ Philippines tại ASEAN

Khi Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN ngày 26/12 có bài viết biện bạch về lập trường của Trung Quốc liên quan tới vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài Quốc tế, trong đó chỉ nêu lại những luận điệu cũ rích về cái gọi là quyền lịch sử hay bác bỏ thẩm quyền của Toà Trọng tài, chúng tôi đã không bận tâm trả lời. Thực tế, không lập luận nào có thể rõ ràng hơn phán quyết của Toà Trọng tài, trong đó khẳng định Tòa có đầy đủ thẩm quyền xử lý vụ kiện này.

Theo quy định tại Điều 33 (1) Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng như trong Tuyên bố Manila năm 1982 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia, được thông qua tại Đại Hội đồng LHQ, sử dụng các biện pháp trọng tài và pháp lý là một trong những công cụ để giải quyết tranh chấp và “không nên được coi là một hành động không thiện chí giữa các quốc gia”.

Tuy nhiên, trong bài viết thứ 2 ngày 14/1, Đại sứ Trung Quốc đã cố tình nêu lên rất nhiều điểm không chính xác và gây hiểu nhầm, thực chất nhằm che mắt người đọc và biện minh cho những hành động cưỡng ép và khiêu khích của Trung Quốc, từ việc đối xử thô bạo với ngư dân, phá hoại các cấu trúc địa lý, tới phô trương sức mạnh hải quân một cách ngạo mạn ở Biển Đông nay lại được định nghĩa lại như là “các hoạt động phát triển” vì lợi ích công và dưới danh nghĩa theo đuổi hoà bình và ổn định ở Biển Đông. Dù ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhóm G7, Nghị viện châu Âu và các đối tác của ASEAN đã liên tục kêu gọi Trung Quốc ngừng các hành vi hung hăng phá vỡ nguyên trạng của Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc vẫn liên tục có những hành vi gây lo ngại cho các nước láng giềng và gia tăng quan ngại của cộng đồng quốc tế.

Trong bài báo, Đại sứ Trung Quốc có kể về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm lôi kéo ASEAN và các nước khác cùng tham gia chuyến đi về miền tươi sáng - mà theo lời NT Trung Quốc Vương Nghị là Thế kỷ châu Á - với các đề xuất “Con đường tơ lụa trên biển” và “Một con đường, Một vành đai”. Nhưng khoảng cách giữa những gì Trung Quốc nói tại các diễn đàn ngoại giao và những gì đang thực sự diễn ra ở Biển Đông đang ngày càng lớn.

Do đó, chúng ta không nên lơ là và phải luôn luôn cảnh giác trong việc giữ gìn các quy tắc của luật pháp ở khu vực. Khi Tòa án trọng tài đưa ra quyết định về vụ Philippines kiện Trung Quốc vào đầu năm 2016, chúng tôi sẽ tuân theo quyết định này. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc thực hiện điều tương tự.

 Đổi tên Biển Nam Trung Hoa: ‘Biển Đông Nam Á’ hay ‘Biển Nam’” của Ellen Frost

Trước đây đã có ý tưởng về việc đổi tên Biển Nam Trung Hoa thành “Biển Đông Nam Á” của Yang Razali Kassim. Ý tưởng này cũng trùng với sáng kiến của Quỹ Nguyễn Thái Học của Việt Nam . Đây là một ý tưởng mới nhưng cũng ẩn chứa vấn đề.

Đổi tên tiếng Anh

Việc đổi tên địa lý đòi hỏi sự đồng thuận và phổ quát quốc tế. Các nhân viên gìn giữ hòa bình, cứu trợ thảm họa và cứu hộ trên biển đều đến từ nhiều quốc gia và họ cần phải biết họ sẽ đến thực hiện nhiệm vụ ở đâu. Một ủy ban được gọi là Hội nghị Liên Hợp Quốc về Tiêu chuẩn Hóa Tên Địa lý (UNCSGN) đã nỗ lực xác định và áp dụng các tên địa lý phù hợp. UNCSGN đã tuyên bố rõ ràng rằng mục đích của họ không phải là giải quyết tranh chấp chính trị giữa các quốc gia về việc sử dụng hay không các tên địa lý cụ thể.

Có lẽ đổi tên “Biển Nam” thay vì “Biển Đông Nam Á”

Sự thịnh vượng của Đông Á có được là nhờ đại dương và sự phát triển thương mại biển cũng như đầu tư xuyên quốc gia. Rõ ràng là Biển Nam Trung Hoa tiếp giáp với các quốc gia Đông Nam Á, nhưng mục đích thực chất của ý tưởng đổi tên không thực sự nhằm phản ánh khía cạnh về bản đồ địa lý mà là nhằm bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. UNCSGN có lẽ sẽ bác bỏ ý tưởng này (giống như đã từng làm khi Hàn Quốc đề nghị đổi tên Biển Nhật Bản).

Việc đổi tên Biển Nam Trung Hoa thành “Biển Đông Nam Á” sẽ gặp phản ứng dữ dội từ Trung Quốc và có thể sẽ làm leo thang căng thẳng. ASEAN đều cho rằng yêu sách biển của Trung Quốc là quá lớn, như vậy ý tưởng này sẽ làm xói mòn quan điểm mang tính lợi thế này.

Một sự lựa chọn tốt hơn là một cái tên biểu tượng hóa cho sức mạnh thống nhất từ biển và nhấn mạnh đến mạng lưới biển rộng lớn của Châu Á. Đơn giản và có lẽ dễ được chấp nhận nhất là đổi tên Biển Nam Trung Hoa thành “Biển Nam”. Tuy nhiên sáng kiến đổi tên phải xuất phát từ ASEAN hoặc một thành việc của ASEAN vì như vậy Trung Quốc sẽ không thể khẳng định được việc đổi tên này là do âm mưu của Mỹ.

Tại sao nên chọn tên “Biển Nam”

Lập luận mạnh mẽ nhất đối với việc đổi tên có lẽ là cần phải tránh được việc tập trung quá nhiều vào vấn đề nhân nhượng trong quá trình đàm phán. Giải pháp giải quyết toàn diện cho vấn đề yêu sách đòi hỏi Trung Quốc phải ngầm hoặc chấp nhận một cách rõ ràng là đường 9 đoạn không hề có ý nghĩa gì ngoài một dấu tích lịch sử.

Mặt khác, lãnh đạo Trung Quốc có thể đã lặng lẽ cho rằng cái mất trong việc khẳng định yêu sách đường 9 đoạn và việc cải tạo đảo lớn hơn những lợi ích mang lại, đó chính là việc các quốc gia láng giềng thắt chặt mối quan hệ an ninh với Mỹ cũng như phản ứng của ASEAN đối với Trung Quốc.

Việc đổi tên cần phải đúng thời điểm, nhưng một cái tên mới và được chấp nhận, có thể là “Biển Nam”, dù chỉ là một tín hiệu nhỏ và có thể chỉ thể hiện về mặt kỹ thuật nhưng là hàm chứa ý nghĩa đóng góp cho hòa bình.

Mỹ hiện diện trên biển ở châu Á-Thái Bình Dương nhưng Úc có thể dẫn đường” của  Bruce Grant, trợ lý cựu Bộ trưởng ngoại giao Gareth Evans 1988-1991

Úc có thể tiến xa hơn vai trò “đồng minh trung thành” với Mỹ và đóng vai trò lãnh đạo ngoại giao trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh khái niệm đồng minh trung thành của Washington, có thể thấy sự độc lập của chính sách của Úc. Trước chuyến thăm, một công ty Trung Quốc đã giành được hợp đồng thuê cảng Darwin, Canberra đã lịch sự từ chối lời đề nghị của Washington tăng thêm quân tại tại Iraq và Syria.

Tổng thống Obama đã kiên trì trong chính sách ngoại giao với Cuba, Iran, và ở Trung Đông. Nhưng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có cảm giác rằng chính quyền Obama chưa đề ra một chiến lược cụ thể. Washington không muốn từ bỏ vị trí siêu cường trong khu vực, mà bây giờ đang bị thách thức bởi sự nổi lên của Trung Quốc và sự độc lập ngày càng tăng của Đài Loan, một Hàn Quốc chia rẽ và một tương lai bất ổn của Hồng Kông.

Đây là cơ hội cho Úc đảm nhận vai trò lãnh đạo, thay vì chờ đợi Mỹ. Ví dụ, như một bên liên quan không có yêu sách lãnh thổ, Úc đang ở vị thế tốt để nêu sáng kiến ngoại giao về quản lý việc tiếp cận tuyến đường  qua Biển Đông.

Úc có các nguồn lực ngoại giao, tài năng trí tuệ và tính chuyên nghiệp để thành lập nhóm công tác hướng dẫn Chính phủ thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin thực tế để làm giảm các căng thẳng đối với nỗ lực của Trung Quốc thiết lập một sự hiện diện độc quyền tại Biển Đông.

Một tình huống lý tưởng sẽ là sáng kiến của Úc được chấp nhận tại Washington, và thậm chí còn hy vọng được chấp nhận ở Bắc Kinh, vào thời điểm Tổng thống Obama vẫn còn đang tại nhiệm. Thậm chí cơ hội cho Úc vẫn sẽ có sau khi ông Obama hết nhiệm kỳ, tuy nhiên người Mỹ đang bắt đầu chấp nhận rằng thế kỷ 21 sẽ không được giống như thế kỷ 20, thế kỷ của Mỹ.

Trong một bài phát biểu của Bill Clinton tại trường đại học Yale năm 2003, cựu Tổng thống đề nghị Mỹ nên tìm “quy tắc và quan hệ đối tác, thói quen mới mà chúng ta muốn” khi Mỹ không còn nắm được vai trò siêu cường về quân sự và  kinh tế trên thế giới. Mỹ phát triển từ một đất nước muốn đứng ngoài để giữ các giá trị riêng của nó đến một mô hình mong muốn thế giới chấp nhận giá trị của mình, và đã trở nên mạnh để áp đặt các giá trị đó.

Một sự kết hợp của sức mạnh quân sự, tính ưu việt của thương mại và niềm tin tôn giáo đã làm cho Mỹ có vai trò hàng đầu về phương tiện truyền thông và lãnh đạo chính trị, do vậy Mỹ thường mất kiên nhẫn với sự chậm chạp của ngoại giao đa phương. Úc có thể có vai trò quan trọng bằng việc trở nên  sáng tạo, đưa ra biện pháp khuyến khích Mỹ chấp nhận vai trò không phải là độc tôn tại khu vực.

Tàu chiến Mỹ thách thức Trung Quốc ở Biển Đông - chiến lược đằng sau là gì?” của Jason Thomson

Hải quân Mỹ thông báo tàu USS Curtis Wilbur đã tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban đã xác nhận điều này.

Căng thẳng ở Biển Đông gần đây liên tục leo thang khi Trung Quốc ngày càng cương quyết trong việc củng cố chủ quyền của mình. Tạp chí The Economist bình luận: “Lo ngại việc Trung Quốc không ngừng tăng cường sự hiện diện của nước này với tham vọng chiếm hữu toàn bộ vùng biển này là điều không phải bàn cãi”. 

Một phân tích của CSIS có đoạn: “Chính quyền Mỹ không đứng về phía bất kỳ bên nào trong các tranh cãi chủ quyền tại khu vực Quần đảo Trường Sa song mạnh mẽ phản đối tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh những thực thể này”. Mỹ có nhiều đồng minh trong khu vực, và một số nước này cũng đã có các hiệp định quốc phòng với Mỹ, bởi vậy căng thẳng leo thang trong khu vực có thể sẽ buộc Mỹ phải cân nhắc can thiệp. Trong khi hy vọng về một sự dàn xếp hòa bình ngày càng lụi tàn, thì có lẽ điều cuối cùng mà Tổng thống Obama muốn trong nhiệm kỳ cuối cùng là kích động một cuộc đối đầu với Trung Quốc. 

Trong bài phân tích nói trên, viết cho CSIS, Michael J. Green, Bonnie S. Glaser và Gregory B. Poling cho rằng mục đích của việc triển khai các cuộc tuần tra trên biển, là vừa để khẳng định “quyền tự do hàng hải”, vừa “để đảm bảo rằng các tàu hải quân, tàu tuần tra và tàu dân sự của Mỹ cũng như của các quốc gia khác, có quyền đi lại hợp pháp trên biển”, vừa làm thế nào để tránh xung đột quân sự với Trung Quốc. 

Trên tạp chí The Age, John Garnaut viết: “Giới tướng lĩnh quân đội Trung Quốc muốn chúng ta tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng thách thức một cường quốc hạt nhân để bảo vệ tự tôn dân tộc tại Biển Đông. Họ sẵn sàng đánh phủ đầu các tàu nước ngoài dám đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc khi tiến sát 5 hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở ngoài khơi Philippines”. 

Tuy nhiên, khi Mỹ đưa tàu vào vùng biển tranh chấp xung quanh đảo Tri Tôn, Trung Quốc chỉ có những phản ứng hết sức giới hạn. Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng nói: “Hành động của Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc, hủy hoại hòa bình, an ninh và trật tự vùng biển này cũng như toàn bộ khu vực”. Quan chức này nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Trung Quốc “mạnh mẽ phản đối” hành động của Mỹ. Những phản ứng này của Trung Quốc được coi là cách hành xử khá thận trọng, với quan điểm cho rằng Mỹ chắc chắn sẽ phản đối song chỉ ở mức độ giới hạn nhằm tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp.

Japan Times dẫn lời ông Euan Graham – Giám đốc Chương trình An ninh Quốc gia tại Viện Lowy Sydney – nói: “Việc Mỹ lựa chọn đảo Triton để tiến hành tuần tra có thể là bởi khu vực này ít nhạy cảm hơn Đá Vành khăn (ở khu vực quần đảo Trường Sa), vốn là nơi mọi người dự đoán sẽ là địa điểm diễn ra cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không thứ hai”.