Tóm tắt

Thường xuyên có những tranh luận công khai về yêu sách xung đột chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán biển ở Biển Đông. Điều này làm cho vấn đề vốn đã phức tạp lại càng trở nên phức tạp hơn. Giới truyền thông và các nhà bình luận học thuật, những người hiểu biết vấn đề cặn kẽ hơn, đã thúc đẩy xu hướng này cùng với việc duy trì những câu chuyện thực sự hoang đường liên quan đến tranh chấp, bất chấp thực tế và hiện thực của vấn đề. Một số câu chuyện hoang đường phản ánh tình cảm chủ nghĩa dân tộc tại các quốc gia riêng biệt là nơi hình thành ra chúng, được thể hiện ở các cuộc biểu tình công khai và các kênh truyền thông truyền thống và phi truyền thống. Thực chất, một số có nguồn gốc từ sự thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc.

Tham luận

Những tranh luận công khai về yêu sách xung đột chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán biển ở Biển Đông thường làm cho vấn đề vốn đã phức tạp lại càng trở nên phức tạp hơn. Giới truyền thông và học giả, cũng là những người cần hiểu biết vấn đề cặn kẽ hơn, lại thúc đẩy xu hướng này bằng việc nuôi dưỡng những điều lầm tưởng liên quan đến tranh chấp bất chấp sự thật và các khía cạnh thực tiễn của vấn đề. Một số câu chuyện hoang đường phản ánh tình cảm chủ nghĩa dân tộc tại các quốc gia khác nhau nơi chúng hình thành, thể hiện dưới dạng các cuộc biểu tình công khai và thông qua các kênh truyền thông truyền thống và phi truyền thống. Thực chất, một số có nguồn gốc từ sự thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc.

Sau đây là phần thảo luận về những câu chuyện lầm tưởng và những sự thật trái ngược đó.

Ảo tưởng thứ nhất: Tranh chấp Biển Đông về chủ quyền lãnh thổ hay quyền tài phán biển có thể sớm được “giải quyết”.

Ngoài vấn đề mang tính pháp lý, tồn tại ba yếu tố gây cản trở tiến trình thỏa hiệp và nhượng bộ lẫn nhau - điều cần thiết cho việc giải quyết thông qua đàm phán phần lớn các tranh chấp quốc tế. Một trong số các yếu tố đó là sự tăng cường sức mạnh và đa dạng hóa của các lực lượng chính trị nội bộ, cùng với quá trình mở rộng và làm sâu sắc thêm ảnh hưởng của họ trong tiến trình ra quyết sách của quốc gia. Kết quả là xã hội bị chi phối ngày càng nhiều bởi các phản ứng cảm tính công khai và việc phát triển và sử dụng công nghệ thông tin để biểu đạt các tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Yếu tố thứ hai là thời gian nhiệm kỳ của các nhà ra quyết sách quốc gia bị rút ngắn, và do đó họ đối diện càng nhiều bất an. Yếu tố thứ ba, được thúc đẩy bởi hai yếu tố đầu, là sự cứng nhắc trong quan điểm của các nhà hoạch định chính sách quốc gia và những người có ảnh hưởng về lợi ích sống còn đối với dân tộc – hay ít nhất là những gì họ đã nói công khai. Ba rào cản này đang ngày càng khó vượt qua. Hai yếu tố đầu là rất dễ nhận ra nhưng yếu tố thứ ba lại thường bị bỏ qua.

Trong trường hợp Biển Đông, các bên yêu sách riêng lẻ, cũng như Mỹ với tư cách là siêu cường toàn cầu, đều có lợi ích quốc gia xung đột và không tương thích với nhau. Chẳng hạn, Mỹ không hề mong muốn nhìn thấy bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào chi phối Đông Á. Mỹ nhấn mạnh đến việc tự do sử dụng biển, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế, đặc biệt là các vùng biển gần bờ của Trung Quốc, nhằm thu thập thông tin nhạy cảm và bí mật. Khía cạnh liên quan khác là vấn đề tự do hàng hải và quyền bay qua nhằm bảo vệ thương mại quốc tế và triển khai quân đội, đặc biệt là của Mỹ.

Mặt khác, Trung Quốc khăng khăng tìm cách kiểm soát Biển Đông vì e sợ rằng các quốc gia khác sẽ lại tiếp tục sử dụng nó, không phải là để áp đặt một thế kỷ sỉ nhục đối với nước này như đã từng xảy ra trong quá khứ và điều đó sẽ không thể xảy ra vào thời điểm hiện nay, mà là để bao vây và kiềm chế Trung Quốc, gây thêm khó khăn cho sự trỗi dậy của quốc gia này. Trung Quốc xem sự trỗi dậy đó như là một thực tế không thể tránh khỏi của một quốc gia hùng mạnh với một nền văn minh vĩ đại và có sức ảnh hưởng lớn. Trung Quốc sẽ có quyền gì khi các quốc gia láng giềng xem nước này là Quốc gia Trung tâm (Trung Quốc) nếu như Trung Quốc không hoàn toàn kiểm soát được phần biển phía nam của mình hoặc nếu cho phép cường quốc khác làm những gì họ muốn trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc? Điều này có lẽ là câu hỏi nằm trong suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc. Mối quan ngại khác có lẽ là khả năng Trung Quốc có thể bị tước đoạt các nguồn của cải và mối liên kết ở Biển Đông rất cần thiết cho nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc.

Đồng thời, về mặt chính trị, nhà cầm quyền Đài Loan không cho phép bị xem là kém chủ động và quyết đoán hơn Bắc Kinh trong việc khẳng định quyền của Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ.

Nếu như Việt Nam từ bỏ các quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và các thực thể khác ở Biển Đông, thì nước này sẽ bị Trung Quốc bao bọc hoàn toàn từ hướng biển. Nhiều người Philippines vẫn còn nhớ việc quân đội Nhật Bản đã xâm lược nước này từ các “bàn đạp” của quần đảo Trường Sa; nước này cũng lo ngại Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự. Vì vậy, Philippines có lợi ích trong việc thúc đẩy biên giới biển phía tây càng xa càng tốt.

Một phần lớn của Biển Đông nằm giữa hai cánh của Malaysia, nó không chỉ phân chia hai phần này mà còn nối liền chúng với nhau. Như đã đề cập tại trang 80 trong cuốn sách của tôi “Philippines đang ở đâu trong thế giới này?” (Singapore: Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, 2011) rằng “Malaysia đưa ra yêu sách (đối với các thực thể và vùng biển tại Biển Đông) trên cơ sở vị trí của chúng trên thềm lục địa của nước này và viện dẫn các lập luận về an ninh quốc gia và sự gần gụi với lãnh thổ lục địa của Malaysia để đưa ra yêu sách”. Vẫn tại trang 80 của cuốn sách: “Từ năm 1984, Brunei Darussalam đã yêu sách một ‘vùng đánh cá riêng’ và thềm lục địa” tính từ bờ biển của nước này. Vào năm 2009, có thông tin cho rằng Malaysia và Brunei Darussalam đã đạt được một thỏa thuận dàn xếp những yêu sách xung đột của hai quốc gia này.

Và tiếp đến là nguồn tài nguyên dầu, khí. Nguồn tài nguyên này có thể (hoặc không) đang nằm sâu dưới đáy Biển Đông và đang chờ các quốc gia khát tài nguyên khai thác chúng. Đây cũng là khu vực có nguồn cá dồi dào mà ngư dân các nước có thể đánh bắt.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây

Rodolfo C. Severino nguyên là Tổng thư ký ASEAN, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore. Những quan điểm thể hiện trong bài là quan điểm riêng của tác giả và không nhất thiết là quan điểm của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, ISEAS.

Nghiên cứu Biển Đông