Bản tin tuần Biển Đông (ngày 8.7-14.7.2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Từ ngày 9 - 14/7, Thủy quân lục chiến Indonesia và Mỹ tổ chức Hội nghị các chỉ huy lực lượng đổ bộ Thái Bình Dương (PALS) lần thứ 9 tại Bali, Indonesia. Đây là lần đầu tiên thuỷ quân lục chiến hai nước đồng tổ chức và cũng là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay. Đại biểu từ 25 quốc gia đã chia sẻ ý kiến, thực tiễn và kinh nghiệm về năng lực đổ bộ, hoạt động phối hợp, quá trình hiện đại lực lượng, và tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và đối phó thiên tai. 

Ngày 13/7, một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ P-8A Poseidon đã bay qua không phận quốc tế trên Eo biển Đài Loan. Hạm đội 7 của Mỹ khẳng định hoạt động của máy bay Mỹ phù hợp với luật pháp quốc tế, thúc đẩy quyền tự do lưu thông của các quốc gia và thể hiện cam kết của Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.  

Đức lần đầu tiên gửi quân tới Úc tham gia cuộc tập trận đa phương “Talisman Sabre”. Theo Tư lệnh lục quân Alfons Mais, 240 binh sĩ Đức, gồm 170 lính dù và 40 lính thủy đánh bộ sẽ tham gia cuộc tập trận do Mỹ - Úc đăng cai từ ngày 22/7 - 4/8. Đây là cuộc tập trận chung lớn nhất giữa được tổ chức hai năm một lần. Ông Mais cho hay hành động này nhằm chứng minh Đức là đối tác đáng tin cậy và có khả năng đóng góp vào duy trì trật tự luật lệ trong khu vực. Ngày 13/7, Đức công bố chiến lược gồm 64 trang đối với Trung Quốc. Đức xác định Trung Quốc là đối tác không thể thiếu để ứng phó các thách thức toàn cầu tuy nhiên cũng cảnh báo Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn khi muốn thay đổi trật tự thế giới, từ đó kéo theo những hệ lụy đối với an ninh toàn cầu.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Theo tờ “Manila Bulletin” ngày 9/7, TNS Philippines Bong Go đã đệ trình dự luật Thượng viện số No. 2112 về nâng cấp tàu thuyên, máy bay và thiết bị của cảnh sát biển Philippines để cải thiện khả năng đối phó với các sự cố và tình huống khẩn cấp trên Biển Đông. Bộ Giao thông Philippines là cơ quan chủ trì triển khai, ký kết các hợp đồng lâu dài (sau khi Quốc hội và Tổng thống thông qua). Theo ông Bong Go, cảnh sát biển đóng vai trò quan trò quan trọng đối an ninh, an toàn và sinh kế của cộng đồng người dân gần biển. Philippines cần đảm bảo lực lượng này được trang bị tốt và sẵn sàng bảo vệ vùng biển và người dân.

Trả lời báo chí về vụ việc hải cảnh Trung Quốc ngăn cản tàu dân sự và cảnh sát biển Philippines ở Bãi Cỏ Mây ngày 30/6, Đại sứ quán Pháp tại Philippines ngày 10/7 cho hay, “Pháp kiên quyết phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Về vấn đề này, chúng tôi xin nhắc lại Phán quyết của Tòa vào năm 2016”. Lực lượng Vũ trang Philippines cho biết gần đây hơn 50 tàu Trung Quốc đã hiện diện ở khu vực lân cận Đá Khúc giác và Bãi cạn Sa bin. Không quân Philippines tuần tra hôm 30/6 và ghi nhận các tàu cá Trung Quốc neo đậu theo nhóm ở khu vực.

Ngày 11/7, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Kỷ niệm 7 năm Tòa Trọng tài bác bỏ các yêu sách biển quá mức của Trung Quốc đối với khu vực được Tòa xác định là một phần vùng EEZ và thềm lục địa của Philippines, cũng như nguồn tài nguyên trong đó. Phán quyết này là chung thẩm và ràng buộc pháp lý đối với Philippines và Trung Quốc. Mỹ hối thúc Bắc Kinh chấm dứt hành vi quấy rối đối với tàu của các nước hoạt động hợp pháp trong vùng biển của họ; chấm dứt sự can thiệp vào quyền tự do hàng hải và hàng không của các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực”.

Ngày 11/7, Phái đoàn EU và 16 Đại sứ quán châu Âu tại Philippines (gồm Áo, Ba Lan, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Ireland, Pháp, Phần Lan, Rumani, CH Séc, Slovakia - không thường trú, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển và Ý) ra Tuyên bố kỷ niệm 7 năm Phán quyết, khẳng định, “các cơ chế giải quyết tranh chấp được UNCLOS quy định góp phần duy trì và thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền và rất cần thiết để giải quyết tranh chấp. Phán quyết của Tòa án Trọng tài là một cột mốc quan trọng, ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tham và là cơ sở hữu ích để giải quyết tranh chấp giữa các bên một cách hòa bình. EU nhắc lại tầm quan trọng cơ bản của việc duy trì các quyền tự do, quyền và nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS, đặc biệt là các quyền tự do hàng hải và hàng không”.

Trong Tuyên bố kỷ niệm Phán quyết của Tòa Trọng tài, Canada ngày 11/7 khẳng định Phán quyết là chung thẩm, ràng buộc tất cả các bên và là nền tảng quan trọng cho việc giải quyết hòa bình các yêu sách, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tiếp tục bác bỏ Phán quyết và có nhiều hành động cưỡng ép ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, bao gồm việc chiếm đóng các thực thể và sử dụng các tàu hải quân, hải cảnh và dân binh biển để quấy rối và cản trở các hoạt động hợp pháp các quốc gia khác là nguy hiểm và không phù hợp với các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Canada phản đối hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, sát cánh với Philippines và các quốc gia ASEAN trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế.

Trả lời báo chí sau cuộc họp AMM-56 ngày 12/7, Ngoại trưởng Malaysia Zambry Abdul Kadir nhấn mạnh ASEAN cần đoàn kết duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông. The ông Kadir, vấn đề Biển Đông cũng được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng của Phong trào Không liên kết (NAM) ở Baku, Azerbaijan vào ngày 5/7/2023. Tuy nhiên, đề mục về Biển Đông không được đưa vào văn kiện cuối cùng của hội nghị vì một số nước không liên quan đến Biển Đông phản đối việc này. Ngoại trưởng Malaysia cho rằng ảnh hưởng ASEAN đối với NAM đang bị giảm.

Tuyên bố kỷ niệm 7 năm Phán quyết của Anh ngày 12/7 khẳng định, “Phán quyết của Tòa Trọng tài là chung thẩm và ràng buộc. Anh kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân thủ các điều khoản của Phán quyết. Anh không đưa ra quan điểm về yêu sách chủ quyền, nhưng phản đối mạnh mẽ yêu sách không phù hợp với UNCLOS. Tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, là nền tảng để đảm bảo một Biển Đông an toàn, thịnh vượng và ổn định”. 

Ngày 12/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa ra Tuyên bố kỷ niệm 7 năm Phán quyết, theo đó khẳng định, “Vì phán quyết của Tòa là chung thẩm và ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp theo quy định của UNCLOS, các bên trong vụ kiện cần tuân thủ Phán quyết. Việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận Phán quyết là đi ngược lại nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, và tổn hại nguyên tắc thượng tôn pháp luật như giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế. Thông cáo chung của G7 tại Hiroshima và Thông cáo các Ngoại trưởng G7 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền. Nhật Bản phản đối mạnh mẽ những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép”.

Về việc Ngoại trưởng Philippines ra tuyên bố kỷ niệm 07 năm Phán quyết Tòa trọng tài về Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 12/7 tuyên bố, “Tòa trọng tài vi phạm nguyên tắc đồng thuận quốc gia, vượt thẩm quyền, đưa ra Phán quyết bất chấp luật pháp, vi phạm UNCLOS và luật quốc tế liên quan. Phán quyết là vô hiệu và Trung Quốc không chấp nhận hoặc công nhận. Lập trường này của Trung Quốc được hơn 100 quốc gia ủng hộ và cảm thông. Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để xử lý và quản lý tốt các bất đồng trên biển thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời hợp tác với các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Tuyên bố kỷ niệm 7 năm Phán quyết của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo ngày 12/7 khẳng định: (i) Phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế, đã xác định rõ yêu sách ở Biển Đông không được vượt quá quy định của UNCLOS; (ii) Philippines đã đúng khi lựa chọn con đường tuân thủ luật pháp và giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua vụ kiện; (iii) hoan nghênh các đối tác ủng hộ Phán quyết vì Phán quyết không chỉ của Philippines mà của thế giới, đóng góp vào sự phát triển của luật pháp quốc tế; (iv) Philippines tiếp tục hiện thực hóa kết quả của Phán quyết, đem lại lợi ích cho người dân và thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực”. Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao Philipipines lần đầu tiên khai trương chuyên trang về Phán quyết với tựa đề “Không lùi một tấc” (Not One Inch). Cụm từ này trích từ Thông điệp quốc gia đầu tiên của Tổng thống Marcos Jr khẳng định Philippines kiên quyết không từ bỏ một tấc lãnh thổ. Chuyên trang về Phán quyết tập hợp các tư liệu về vụ kiện, các tuyên bố, phát biểu của Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines về Biển Đông và Phán quyết. 

Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) ngày 13/7 cho hay, “Các Bộ trưởng thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó một số Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đất, các vụ việc nghiêm trọng trên biển, bao gồm các hành động gây nguy hiểm cho sự an toàn của mọi người, tổn hại môi trường biển, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; hoan nghênh tiến bộ đạt được trong đàm phán về COC ở Biển Đông, bao gồm việc hoàn thành lần đọc lần thứ hai của Bản Dự thảo đàm phán COC duy nhất; tái khẳng định việc ủng hộ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”.

Trả lời phỏng vấn báo “The Hindu” ngày 13/7 tại Chennai (Ấn Độ), Chuẩn Đô đốc Úc Justina Jones cho rằng, “Các cường quốc nổi lên đang triển khai sức mạnh rộng khắp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng ta đang ở trong thời kỳ “đa cực phức tạp” . Úc không phải là một bên yêu sách ở Biển Đông nhưng thúc giục các bên yêu sách sử dụng UNCLOS và các quy tắc và chuẩn mực quốc tế để giải quyết những bất đồng. Úc có lợi ích đối với các hoạt động giao thương ở Biển Đông”. Theo ông Jones, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, ô nhiễm biển, nguy cơ khủng bố trên biển.

Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN ở Indonesia ngày 13/7, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo cho biết Philippines rất mong cuộc đàm phán COC sẽ tiếp tục tại Manilla vào tháng 8/2023 tới. Ông Manalo cũng kêu gọi thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực; cần đảm bảo những gì đạt được không bị các mối đe dọa tới hòa bình, ổn định và cạnh tranh nước lớn tác động. Ông Manalo nhấn mạnh các bên cần quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Tuyên bố chung của Thủ tướng Pháp - Ấn ngày 14/7 khẳng định, “Quan hệ hai nước dựa trên nền tảng các giá trị chung, niềm tin vào chủ quyền và quyền tự chủ chiến lược, cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa đa phương và mong muốn chung về một thế giới đa cực. Trong thời đại đối mặt nhiều hỗn loạn và thách thức, mối quan hệ hai bên có ý nghĩa hơn bao giờ hết - tôn trọng luật pháp quốc tế; thúc đẩy sự gắn kết trong một thế giới đang phân mảnh; cải cách và tăng cường hệ thống đa phương; cam kết xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh và hòa bình”.

Ngày 14/7, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản bên lề Hội nghị ASEAN +3 tại Indonesia đã đề nghị tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng Trung - Nhật - Hàn. Thông thường các hội nghị cấp Ngoại trưởng sẽ diễn ra trước hội nghị Thượng đỉnh. Do quan hệ Nhật - Hàn cũng như đại dịch Covid-19, Lãnh đạo 03 nước chưa gặp mặt kể từ 2019. Tại diễn đàn hợp tác ba bên ngày 3/7 tại Trung Quốc, ông Vương cũng tuyên bố cần thúc đẩy bầu không khí thuận lợi để sớm khôi phục cuộc gặp lãnh đạo 3 bên.

Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham dự Cấp cao Đông Á lần thứ 13 tại Indonesia ngày 14/7 khẳng định, “sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, bao gồm UNCLOS năm 1982; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế trong ứng xử, tránh làm phức tạp tình hình hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông; nhu cầu về các biện pháp thực tế giúp giảm căng thẳng và nguy cơ va chạm, hiểu lầm và tính toán sai. Các Bộ trưởng Ngoại giaomong muốn sớm đạt được một COC hiệu quả, thực chất phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.