Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Tờ “Liberty Times” ngày 7/10 đưa tin “Bộ Quốc phòng” Đài Loan đã giải ngân thêm 9,4 tỷ tân Đài tệ (335,87 triệu USD) để chế tạo các tên lửa đất đối không Sky Bow III. Một số tên lửa loại này sẽ được triển khai trên đảo Đông Dẫn (Dongyin) gần Trung Quốc Đại lục. Trong khi đó, Viện Lập pháp Đài Loan sẽ hoàn tất phiên họp thứ 3 vào tháng 11, thông qua ngân sách trị giá 240 tỷ tân Đài tệ (8,58 tỷ USD) để tăng cường năng lực trên không và trên biển.

Các chuyên gia tại Đại học Hải dương Trung Quốc ngày 9/10 cho biết đã thử thiết bị cảm biến nặng 1,4 tấn tại Biển Đông để phát hiện sóng nội. Sóng nội là các dòng chảy ngầm xuất hiện dưới lòng biển do chênh lệch khối lượng riêng giữa các vùng nước biển khác nhau, tùy thuộc vào nhiệt độ hay độ mặn, có thể cuốn tàu ngầm xuống phía dưới. Theo các chuyên gia Trung Quốc, những cơn sóng nội đe dọa trực tiếp tới hoạt động của hải quân nước này.

Ngày 11/10, “USNI” dẫn ảnh vệ tinh của công ty Maxar cho biết Trung Quốc đang thử nghiệm tàu mặt nước không người lái (USV) tại căn cứ hải quân bí mật gần thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ảnh vệ tinh của Maxar đã phát hiện hai tàu USV mới, chưa từng được công bố xuất hiện tại đây.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 13/10 dẫn nguồn tin của SCSPI hé lộ vị trí gặp nạn của tàu ngầm Mỹ. Khoảng 10h ngày 3/10, một tàu ngầm lớp Seawolf nổi lên cách quần đảo Hoàng Sa 48,7 hải lý về hướng Đông Nam, sau đó di chuyển về hướng đảo Guam. Ông Hồ Ba, SCSPI cho biết vị trí xảy ra vụ việc rất có thể ở phía Nam đảo Hải Nam và phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, khu vực có nhiều hoạt động của hải quân Mỹ.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc điện đàm ngày 8/10, Thủ tướng Nhật-Ấn khẳng định tăng cường hợp tác hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai nhà lãnh đạo phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và cưỡng ép kinh tế, khẳng định hợp tác chặt chẽ trong nhóm Quad.

Cao ủy EU phụ trách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ngày 10/10 cho biết EU dự kiến công bố Định hướng Chiến lược (Strategic Compass) về an ninh quốc phòng tới năm 2030, theo đó: (i) tăng cường năng lực và quyết tâm hành động của khối. Đây là ưu tiên cao nhất; (ii) củng cố hợp tác EU - NATO, quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ là không thể thay thế; (iii) tiếp cận với Trung Quốc trên cơ sở “đối tác, cạnh tranh và đối thủ”. EU duy trì hợp tác trong một số lĩnh vực như biến đối khí hậu nhưng sẽ cứng rắn nếu Trung Quốc phương hại tới các giá trị như nhân quyền; (iv) can dự mạnh mẽ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bởi EU có lợi ích và gắn kết với khu vực.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại Trung Quốc - ASEAN tại Điếu Ngư Đài ngày 8/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại năm 1991, Trung Quốc và ASEAN luôn đoàn kết và hợp tác cùng thắng. Hai bên là những đối tác thương mại lớn nhất, đối tác chiến lược sâu sắc nhất đem lại lợi ích cho 2 tỷ người dân của 11 quốc gia, đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 11/10 cho biết 5 ngày sau khi xảy ra sự cố tàu ngầm ở Biển Đông, Mỹ mới đưa ra tuyên bố. Mỹ nên hành xử trách nhiệm, nhanh chóng minh bạch vụ việc về ba câu hỏi: (i) vị trí cụ thể; (ii) sự cố có gây rò rỉ hạt nhân hay không; (iii) ảnh hưởng của vụ việc đến an ninh hàng hải và môi trường biển.

Ngày 12/10, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby bác bỏ quan điểm của Trung Quốc cho rằng Mỹ đang che đậy sự cố tàu ngầm tại Biển Đông. Ông Kirby cho biết Mỹ đã đưa ra thông cáo báo chí về vấn đề này nhưng không tiết lộ tàu Mỹ đâm vào vật thể gì. Về tình hình Đài Loan ngày 12/10, Người phát ngôn John F. Kirby nhấn mạnh, “Mỹ ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc" nhưng không ủng hộ "nguyên tắc một Trung Quốc" của Bắc Kinh. Trung Quốc tăng cường việc đe dọa và gây sức ép với Đài Loan thông qua các hoạt động quân sự gần Đài Loan, cũng như ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Các hành động này gây mất ổn định và làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm.

Phát biểu tại một sự kiện ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá, "Trung Quốc không cần sử dụng vũ lực nếu muốn thống nhất Đài Loan. Bằng cách  tăng tiềm lực kinh tế, Trung Quốc có khả năng thực hiện nhiều mục tiêu quốc gia”. Theo Tổng thống Putin, các bên tranh chấp Biển Đông chưa tận dụng đủ tiềm năng đối thoại. Cần tạo cơ hội đối thoại cho tất cả các nước trong khu vực, dựa trên luật quốc tế, không có sự can thiệp từ các cường quốc bên ngoài.

Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia Chad Roedemeier ngày 13/10 chỉ trích Campuchia thiếu minh bạch về hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream. CSIS gần đây công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng ở Ream từ tháng 8 - tháng 9 với 3 tòa nhà mới và một con đường. Theo ông Roedemeier, bất cứ sự hiện diện quân sự nước ngoài nào tại Ream đều vi phạm hiến pháp Campuchia và phá hoại an ninh khu vực. Sự không minh bạch của Campuchia gây lo ngại về mục đích sử dụng căn cứ hải quân này.

Tại Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Indonesia lần thứ 2 ngày 14/10, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh Việt Nam - Indonesia có số lượng lớn ngư dân, lực lượng trên biển hai nước cần hợp tác, giúp đỡ tàu cá và ngư dân của nhau gặp nạn, đối xử nhân đạo, phù hợp với quan hệ giữa hai nước và tinh thần đoàn kết ASEAN. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982.

Góc nhìn quốc tế

Cựu Đại sứ Đông Timor tại Cuba Loro Horta ngày 8/10 nhận định Trung Quốc đang tăng cường hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên xét về quy mô và mức độ hiện đại vẫn thua xa Mỹ và Nga. Việc Mỹ, Anh và Úc bất ngờ tuyên bố thành lập AUKUS có thể khiến Trung Quốc đẩy nhanh hơn việc mở rộng tàu ngầm tên lửa đạn đạo và phát triển tàu ngầm hạt nhân tấn công. Bên cạnh đó, quan hệ ngày càng căng thẳng với Mỹ thúc đẩy Bắc Kinh xây dựng sức mạnh răn đe hạt nhân đáng tin cậy.

Trên “China Observers” ngày 11/10, học giả Mateusz Chatys đánh giá AUKUS là thông điệp mạnh mẽ Mỹ gửi đến EU sau thời gian EU khá mơ hồ trước hành động của Trung Quốc. Ngoài ra, AUKUS cho thấy Mỹ ưu tiên các cơ chế nhỏ như QUAD hoặc AUKUS thay vì các cơ chế đa phương lớn hơn, do vận hành linh hoạt và phản ứng nhanh hơn. ASEAN và EU cần tăng cường hợp tác để tránh bị gạt ra bên lề trong cuộc cạnh tranh địa chính trị hiện nay.

Ngày 11/10, nhà phân tích Liu Zhen nhận định ngày càng nhiều nước chạy đua và phát triển lực lượng tàu ngầm tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung Quốc – mục tiêu của liên minh AUKUS – sẽ đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạm đội tàu ngầm. Trong khi các nước khác bắt đầu tăng cường năng lực tàu ngầm hoặc tìm kiếm các biện pháp chống ngầm với chi phí thấp hơn. Khi mật độ tàu ngầm tại Biển Đông tăng lên, khả năng va chạm giữa các tàu ngầm và giữa tàu hải quân với tàu dân sự cũng gia tăng.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn