Bản tin tuần Biển Đông (ngày 5.8- 11.8.2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 05/8/2023, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đã xua đuổi và bắn vòi rồng vào hai tàu tiếp tế và hai tàu hải cảnh của Philippines khi các tàu này đang làm nhiệm vụ tiếp tế thực phẩm, nước, nhiên liệu cho binh sĩ nước này trên chiến hạm BRP Sierra Madre ở khu vực bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn cảnh sát biển Tây Philippines Jay Tarriela cho biết các hành động này của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc kiềm chế vũ lực, chấm dứt các hành vi phạm pháp làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải, và tôn trọng quyền tài phán của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Ngày 11/8/2023, nhóm “Bộ tứ” gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Úc đã tiến hành cuộc tập trận hải quân Malabar ngoài khơi bờ biển Sydney. Cuộc tập trận bao gồm nhiều hạng mục tác chiến trên biển, chống ngầm, đối không,… với sự tham gia của nhiều tàu chiến, máy bay, và lực lượng đặc biệt từ các nước. Phó Đô đốc Karl Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7, cho biết trong buổi họp báo hôm 10/8 rằng tập trận "không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào" và sẽ cải thiện khả năng phối hợp của lực lượng hải quân của bốn nước. "Sự răn đe, ngăn ngừa mà 4 quốc gia chúng tôi tạo ra khi hoạt động cùng nhau trong Bộ Tứ là nền tảng cho tất cả các nước khác trong khu vực này".

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 5/8/2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã khẳng định Mỹ sát cánh cùng Philippines, sau khi Philippines cáo buộc Hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu tiếp tế nước này ở Biển Đông. Theo đó, Mỹ lên án những “hành động nguy hiểm” của lực lượng Hải cảnh và lực lượng dân binh biển của Trung Quốc nhằm cản trở hoạt động tiếp tế của Philippines tới Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông, cho rằng chúng đã vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa đến nền hòa bình, ổn định của khu vực.

Ngày 6/8/2023, người phát ngôn báo chí Cục Hải cảnh Trung Quốc Cam Vũ cho biết: Ngày 5/8, hai tàu tiếp tế và hai tàu hải cảnh Philippines chưa được sự cho phép từ phía Trung Quốc đã di chuyển phi pháp vào vùng biển lân cận của bãi Nhân Ái (bãi Cỏ Mây). Hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện những hành động cần thiết theo pháp luật, ngăn cản tàu chở vật liệu xây dựng phi pháp của Philippines. Trung Quốc kêu gọi Philippines lập tức chấm dứt hoạt động xâm phạm vùng biển này, và tuyên bố nước này có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Trường Sa và vùng biển lân cận, bao gồm bãi Nhân Ái (bãi Cỏ Mây).

Ngày 6/8/2023, các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố chỉ trích các hành động “gây mất ổn định” và “không thể chấp nhận” của Trung Quốc trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Trước đó, Lực lượng Vũ trang Philippines (PCG) cho biết tàu cảnh sát biển (CSB) Trung Quốc đã chặn và bắn vòi rồng vào tàu PCG đang thực hiện nhiệm vụ luân chuyển quân và tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây.  

Ngày 7/8/2023, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) và trao công hàm phản đối vụ việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng gần tàu Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở Bãi Cỏ Mây. Phía Philippines yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động phi pháp đối với tàu Philippines trên Biển Đông, và đề nghị nước này tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ngày 7/8/2023, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro đã triệu Đại sứ Trung Quốc và trao công hàm phản đối việc tàu Hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines tiếp tế bãi Cỏ Mây. Công hàm có nội dung yêu cầu Trung Quốc dừng các hành vi phi pháp chống lại tàu Philippines ở trên Biển Đông, dừng cản trở các hoạt động hợp pháp của Philippines, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Ngày 7/8/2023, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng chỉ trích “Mỹ đã ủng hộ Philippines khi nước này xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc”, cụ thể là khi Philippines có hoạt động tiếp tế cho tàu chiến mắc cạn tại khu vực bãi Cỏ Mây. Ông này cho rằng hành động tiếp tế của Philippines đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, và lực lượng Cảnh sát Biển Trung Quốc đã hành động một cách “chuyên nghiệp, hạn chế và không thể chê trách”. Ngoài ra, Trung Quốc còn tuyên bố rằng phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 là “một vở kịch chính trị nhân danh luật pháp do Mỹ giật dây”, và kêu gọi Mỹ ngừng gây xáo trộn và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc cũng như trật tự trong khu vực.

Ngày 8/8/2023, người phát ngôn Lực lượng Đặc trách quốc gia về Biển Tây Philippines (NTF-WPS) Jonathan Malaya cho biết, Philippines thờ ơ với đề xuất tập trận chung trên Biển Đông của Trung Quốc sau vụ việc xảy ra cuối tuần trước. Ông cũng cho biết rằng cần có một cơ sở pháp lý để tổ chức một cuộc tập trận chung, và do hai nước chưa có thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) nào làm cơ sở pháp lý, một cuộc tập trận chung không thể diễn ra vào lúc này.

Ngày 8/8/2023, Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya cho rằng cáo buộc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc Philippines đã nhiều lần hứa sẽ di dời tàu BRP Sierra Madre cố tính đánh chìm ở bãi Cỏ Mây năm 1999 ra khỏi khu vực này mà không chịu thực hiện hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng Trung Quốc. Ông cũng tuyên bố Philippines chưa bao giờ và sẽ không bao giờ từ bỏ các quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình tại đây. 

Ngày 08/8/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. đã có cuộc điện đàm để thảo luận về hợp tác liên minh Mỹ - Philippines. Hai Bộ trưởng đã thảo luận về các sự kiện gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc ngăn chặn Philippines tiếp tế tại Bãi Cỏ Mây ngày 05/8/2023. Đồng thời hai bên cam kết nỗ lực gấp đôi trong việc tăng cường đào tạo, khả năng tương tác và hỗ trợ hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang Philippines. 

Ngày 8/8/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin III đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. sau sự kiện tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu của Philippines. Bộ trưởng Austin đã tái khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) giữa Mỹ và Philippines áp dụng cả cho các tàu công vụ, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines, bao gồm cả lực lượng Hải cảnh của nước này ở vùng biển ở Thái Bình Dương, kể cả Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cam kết nỗ lực gấp đôi để tăng  cường đào tạo song phương, khả năng tương tác và hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng vũ trang Philippines.  

Ngày 8/8/2023, phát ngôn viên của Lực lượng Vũ trang Philippines, Đại tá Medel Aguilar, cho biết vụ Trung Quốc phun vòi rồng hôm 5/8 đã khiến Philippines chỉ cung cấp được một nửa số vật tư tiếp tế cho quân đội Philippines trên tàu BRP Sierra Madre. Ông cho rằng cần phải tiếp tục tiếp tế cho những quân nhân trên tàu BRP Sierra Madre trong vòng hai tuần tới, và sẽ cân nhắc phương thức tiếp tế phù hợp sau vụ việc tuần trước.

Ngày 09/8/2023, Cảnh sát biển Philippines (PCG) cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ theo hình thức ODA cho Cảnh sát biển Philippines một hệ thống liên lạc dữ liệu vệ tinh tiên tiến trị giá 1,1 tỷ yên (432 triệu peso). Thỏa thuận được ký kết trước đó, vào ngày 8/8/2023, giữa Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo và Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Kazuhiko Koshikawa. Phía Nhật Bản cho biết hệ thống này sẽ giúp cho PCG “cải thiện năng lực cảnh báo và thực thi pháp luật trên biển”, đồng thời giúp hai bên tăng cường hợp tác nhằm hiện thực hóa tầm nhìn “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Ngày 09/8/2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos trong một tuyên bố đã khẳng định ông không biết việc Philippines có hiệp định hoặc đã bố trí đưa một chiếc tàu rời khỏi lãnh thổ của mình. Ông Marcos cũng khẳng định, “nếu thực sự có một hiệp định như vậy tồn tại, bây giờ tôi sẽ hủy bỏ nó”. Tuyên bố này được Tổng thống Philippines đưa ra sau khi Trung Quốc đã cáo buộc Philippines chối bỏ cam kết “rõ ràng” về việc tháo dỡ con tàu trên bãi Cỏ Mây.

Ngày 10/8/2023, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. mong muốn ký kết thỏa thuận với Việt Nam và các nước ASEAN trong việc tăng cường hợp tác ở Biển Đông. Tổng thống cho rằng việc này sẽ giúp giải quyết các vấn đề trong khu vực cũng như sự căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc. Ngài Marcos tin rằng thỏa thuận giữa Philippines và Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình ở Biển Đông. Cuối cùng, cả hai nước đều đồng tình với mục tiêu này và đã có các cuộc thảo luận ban đầu. Ngoài ra, Philippines cũng đang tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh khác như Australia.

Ngày 10/8/2023, Đô đốc Alberto Carlos cho biết Bộ Tư lệnh phía Tây (Wescom) của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) sẽ tiến hành tu sửa tàu BRP Sierra Madre và các cơ sở đồn trú khác của Philippines trên Biển Đông. Ông tuyên bố “các hành động nhằm kéo dài sự hiện diện của chúng ta trên Biển Đông, kể cả việc tu sửa, đều đang được xem xét,” và đề xuất ngân sách cho việc tu sửa tàu và các cơ sở đồn trú của Philippines đã được trình lên Quốc hội và nhận được ủng hộ từ một số nghị sĩ của nước này. Tham mưu trưởng AFP, ông Romeo Brawner Jr cũng cho biết việc tu sửa không chỉ tập trung vào Bãi Cỏ Mây mà còn tại các cơ sở đồn trú khác, và sẽ cần thêm ngân sách cho việc này.

Ngày 10/8/2023, tại một diễn đàn do Viện Stratbase ADR tổ chức, Cựu Thẩm phán Antonio Carpio cho biết Philippines có thể tuần tra chung với Mỹ trong lúc làm nhiệm vụ tiếp tế tiếp ở Bãi Cỏ Mây. Ông cho biết Malaysia và Indonesia đã hợp tác với quân đội Mỹ và Úc để khảo sát và tiến hành các cuộc tập trận hải quân trong vùng đặc quyền kinh tế của họ ở Biển Đông bất chấp cảnh báo từ Cảnh sát biển Trung Quốc, và Philippines cũng có thể làm như vậy. Cựu Thẩm phán Antonio Carpio cho biết Mỹ mong muốn duy trì tự do hàng hải, và Philippines hoàn toàn có thể tận dụng điều đó để hợp tác với Mỹ như Malaysia và Indonesia đã làm.

Ngày 10/8/2023, trợ lý Tổng giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Philippines Jonathan Malaya cho biết Mỹ và Philippines dự kiến sẽ tiến hành việc tuần tra chung vào cuối năm nay, trong bối cảnh việc đàm phán với Washington đã đi đến những giai đoạn quan trọng. Các cuộc tuần tra chung đã được thảo luận kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền vào năm 2022. Một số nguồn tin cho biết Nhật Bản và Úc có thể tham gia vào cuộc tuần tra chung này, với mục đích đẩy lùi các vụ xâm phạm vùng biển Philippines của Trung Quốc.

Ngày 11/8/2023, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines Romeo Brawner Jr. cho biết chính phủ Philippines đang lên kế hoạch phát triển lực lượng hải quân dự bị ở Biển Đông để chống lại lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong khu vực. Ông Brawner cho biết kế hoạch này hiện đang ở giai đoạn ban đầu, và cần có thêm ngân sách để mua thêm tàu nhằm hiện thực hóa kế hoạch này. Động thái này diễn ra trong bối cảnh có hơn 400 tàu cá nước ngoài, trong đó khoảng 85% là tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Philppines.

Ngày 10-11/8/2023, trong chuyến công du ba ngày tới Singapore và Malaysia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố lập trường của Trung Quốc khi gặp các quan chức cấp cao. Ông cho biết Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng giải quyết những khác biệt với Philippines thông qua đối thoại song phương và hy vọng rằng phía Philippines sẽ tuân thủ sự đồng thuận đã đạt được trong quá khứ cũng như trân trọng sự tin tưởng lẫn nhau được tích lũy thông qua việc cải thiện quan hệ song phương. Ngoài ra, ông còn cáo buộc Mỹ và một số thế lực khác liên tục gây hỗn loạn trên Biển Đông và cố gắng phá hoại sự ổn định trong khu vực.