Bản tin tuần Biển Đông (ngày 26.8-1.9.2023)
Tin tức nổi bật

  • Trung Quốc công bố “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023 thể hiện đường lưỡi bò
  • Việt Nam, Philippines, Malaysia, Ấn Độ phản đối “bản đồ tiêu chuẩn” có đường lưỡi bò Trung Quốc
  • Nhật Bản lần đầu triển khai máy bay F-35 ra nước ngoài, diễn tập ở Úc
  • Tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ khẳng định cần thách thức hành động vùng xám của Trung Quốc
  • Philippines - Úc bàn thảo về kế hoạch tuần tra chung ở Biển Đông sau khi lần đầu diễn tập
  • Canada triển hai tàu khu trục tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong 04 tháng

+ Thực địa:

Trung Quốc tuyên bố hoàn thành tập trận chống ngầm ở Biển Đông. Chiến khu Nam, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vừa hoàn thành cuộc diễn tập chống ngầm trong vòng 40 giờ liên tục, mô phỏng hơn chục máy bay tuần tra chống ngầm dòng Y-8 thực hiện tìm kiếm và tấn công tàu ngầm ở Biển Đông. Theo PLA, cuộc diễn tập được tiến hành vào đêm khuya và sáng sớm để tích lũy kinh nghiệm triển khai vào các khung giờ khác nhau.

Ngày 28/8, hai tàu khu trục của Canada là Ottawa và Vancouver ghé thăm căn cứ Yokosuka của Nhật Bản. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Đường chân trời, theo đó Canada sẽ triển khai tàu tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ tháng 8-12/2023. Hai tàu chiến trên sẽ diễn tập với lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và hiện diện ở Biển Đông. Trong một cuộc họp báo ngày 8/8 tại Tokyo, tùy viên quốc phòng Canada tại Nhật Bản ông Robert Watt cho biết mục đích của hoạt động này nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ, thúc đẩy hợp tác với các nước khu vực.

Ngày 28/8, Bộ Tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc công bố “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” nhân Ngày công khai khảo sát và lập bản đồ và Tuần lễ nâng cao nhận thức về bản đồ ở tỉnh Chiết Giang. Trưởng ban kế hoạch Wu Wenzhong cho biết việc khảo sát, lập bản đồ và thông tin địa lý đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội, hỗ trợ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giúp xây dựng hệ sinh thái. Cái gọi là bản đồ tiêu chuẩn này thể hiện yêu sách đường đứt đoạn và ngang nhiên gộp cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Từ ngày 31/8 - 13/9, Indonesia - Mỹ và 5 quốc gia gồm Nhật Bản, Úc, Singapore, Anh và Pháp tiến hành cuộc diễn tập quân sự Siêu Lá chắn Garuda (Super Garuda Shield) 2023. Các khoa mục bao gồm diễn tập đổ bộ, không vận, diễn tập chiếm sân bay, trong đó có diễn tập bắn đạn thật nhằm nâng cao năng lực tác chiến tổng hợp. Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương của Mỹ Tướng John C. Charles Flynn cho hay “Cuộc tập trận đa quốc gia này thể hiện cam kết tập thể và sự đoàn kết của các nước cùng chí hướng, giúp hình thành một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định, an ninh, hòa bình, tự do”. Siêu Lá chắn Garuda là cuộc diễn tập quân sự thường niên lớn nhất giữa Mỹ và Indonesia năm nay đã mở rộng cho nhiều quốc gia tham gia.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trả lời “Reuter” ngày 26/8, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ Phó Đô Đốc Karl Thomas bình luận “hành động quyết đoán” của Trung Quốc ở Biển Đông phải bị thách thức và kiểm soát. Theo ông Thomas, “cần phải thách thức lại các hoạt động vùng xám. Khi họ ngày càng tiến xa và ép bạn, bạn phải đẩy lại. Hành động quyết đoán của Trung Quốc thể hiện rõ ràng trong sự kiện ngày 5/8 ở Bãi Cỏ Mây”. Hạm đội 7 là hạm đội tiền phương của Hải quân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, vận hành 70 tàu, 150 máy bay và hơn 27.000 thủy thủ.

Về phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 28/8 nêu rõ: “Việc tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này; đe doạ hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tái diễn vi phạm tương tự".

Về bình luận của Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ Phó Đô Đốc Karl Thomas rằng hành vi khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông cần phải bị thách thức và kiềm chế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 28/8 tuyên bố, “Chúng tôi cảm thấy khó hiểu đối với những ngôn từ không đúng sự thật, gây mâu thuẫn. Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích biển của Trung Quốc ở Biển Đông, tôn trọng nỗ lực của các nước khu vực trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở vùng biển này”. Về việc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Indonesia đề cập hai bên cho rằng các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp luật phát quốc tế, ông Uông khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy không có nội dung liên quan trong thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Indonesia. Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia, Indonesia cho biết thông tin do Mỹ công bố không đúng sự thật”.

Trước việc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 31/8 khẳng định: “Yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982. Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn.”

Philippines phản đối “bản đồ tiêu chuẩn” của Trung Quốc. Ngày 31/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Ma. Teresita Daza cho biết: “Nỗ lực mới nhất này nhằm hợp pháp hóa chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các thực thể và vùng biển của Philippines dù không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Phán quyết Trọng tài năm 2016 tuyên bố 'các vùng biển trong 'đường chín đoạn' trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý. Philippines kêu gọi Trung Quốc hành động trách nhiệm và tuân thủ các nghĩa vụ theo UNCLOS cũng như Phán quyết mang tính ràng buộc năm 2016”. Trong khi đó ngày 29/8, Người phát ngôn Ấn Độ Shri Arindam Bagchi cho biết, “Ấn Độ phản đối mạnh mẽ thông qua các kênh ngoại giao với Trung Quốc về cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023 bởi Trung Quốc yêu sách gộp cả lãnh thổ của Ấn Độ. Động thái của Trung Quốc chỉ làm phức tạp thêm việc giải quyết vấn đề biên giới”. Malaysia cũng khẳng định bản đồ mới của Trung Quốc không có giá trị ràng buộc pháp lý và nước này phản đối việc yêu sách các thực thể nằm bên trong lãnh hải và vùng EEZ của Malaysia ở Biển Đông. Vấn đề Biển Đông phức tạp và nhạy cảm, cần được giải quyết một cách hòa bình và hợp lý thông qua đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Phát biểu ngày 31/8, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh, “Bất kỳ đường ranh giới nào hay bất kỳ yêu sách được đưa ra đều phải phù hợp với UNCLOS 1982. Lập trường của Indonesia không phải mới và thường xuyên truyền đạt một cách nhất quán”.

+ Quốc phòng - An ninh:

Nhật Bản lần đầu triển khai máy bay F-35 ra nước ngoài. Ngày 28/8, Bộ Quốc phòng Úc thông báo hai máy bay chiến đấu F-35A cùng 55 nhân sự của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) đã tới một căn cứ không quân Hoàng gia Úc Tindal để tham gia huấn luyện. Cuộc tập trận bắt đầu ngày 21/8 và dự kiến kết thúc vào ngày 2/9. Thư ký Bộ Quốc phòng Úc Greg Moriarty đánh giá động thái này là một “cột mốc quan trọng” trong quan hệ song phương, diễn ra sau khi Thỏa thuận Tiếp cận Tương ứng Úc - Nhật có hiệu lực.

Theo Liên hợp Tảo báo ngày 28/8, Hải quân Trung Quốc đã hạ thủy thành công khinh hạm Type 054B đầu tiên tại nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua ở Thượng Hải. Khinh hạm Type 054B được cải tiến và nâng cấp toàn diện so với khinh hạm Type 054A dài khoảng 147 mét, có thể đạt tới 30 hải lý/giờ. PLAN có kế hoạch đóng ít nhất 4 nhóm tàu ​​sân bay tấn công vào năm 2030. Khinh hạm Type 054B, tàu khu trục Type 052D và tàu tuần dương Type 055 là những tàu hộ tống chính cho các tàu sân bay này.  

Philippines - Úc bàn thảo về kế hoạch tuần tra chung ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh DzRH ngày 28/8, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Romeo Brawner Jr. cho hay: “Chúng tôi vẫn đang lên kế hoạch chi tiết, nhưng thực tế (hoạt động tuần tra chung) đã được Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và chính quyền Úc phê duyệt. Bước đi này nhằm đảm bảo duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Trước đó ngày 25/8, Philippines - Úc tiến hành cuộc tập trận đổ bộ lần đầu tiên mang tên “Alon 2023” với sự hỗ trợ của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Philippines - Anh tăng cường hợp tác an ninh biển. Ngoại trưởng Anh James Cleverly ngày 29/8 sẽ thăm Philippines và có cuộc gặp với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr và Ngoại trưởng Enrique Manalo. Hai bên sẽ thảo luận về việc thúc đẩy Quan hệ đối tác tăng cường, theo đó đẩy mạnh hợp tác song phương trong các lĩnh vực gồm khí hậu và môi trường, thương mại, an ninh biển và chính sách đối ngoại. Ngoại trưởng Cleverly dự kiến thăm Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines để thảo luận về hợp tác an ninh biển, chống khủng bố và bảo vệ môi trường; đồng thời tái khẳng định sự cần thiết của việc duy trì UNCLOS 1982 vì lợi ích ổn định toàn cầu và bảo vệ các tuyến đường thương mại biển.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Fulcrum” ngày 28/8, học giả Lê Hồng Hiệp cho rằng có khả năng Việt Nam sẽ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vào ngày 10/9, bởi: (i) hai nước có những lợi ích chiến lược tương đồng (trong phát triển năng lực biển và kinh tế); (ii) nâng cấp quan hệ với Mỹ giúp Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại đa dạng hóa và đa phương hóa; (iii) Năm 2023 là năm cơ hội để Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ vì kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện. CSP trong chuyến thăm Hà Nội sắp tới của Tổng thống Biden sẽ là một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương, nhưng sẽ không thể hiện sự thay đổi lớn trong định hướng chiến lược của Việt Nam. Lợi ích tốt nhất của Hà Nội là theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng đối với các cường quốc.

Về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam vào tháng 9/2023, Học giả Carl Thayer (Đại học New South Wales, Úc) cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép để Việt Nam không có các động thái gây ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc nhưng cũng không muốn đẩy Việt Nam tiến gần đến Mỹ hơn. Về mặt nội bộ, Trung Quốc sẽ phải đánh giá lại việc gia tăng căng thẳng với Việt Nam và Philippines gần đây có phản tác dụng không; học giả Zhang Mingliang (Đại học Tế Nam, Trung Quốc) cho rằng các quốc gia Đông Nam Á phản đối Trung Quốc có thể thấy ý tưởng một mini-NATO ở Châu Á rất thu hút. Việt Nam sẽ không lên tiếng ủng hộ vì ngại Trung Quốc sẽ phản ứng qua các hành động cụ thể; học giả Chen Xiangmiao (Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc) bình luận cuộc gặp Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ở Trại David khiến các quốc gia Đông Nam Á có thể thấy mình được ủng hộ trong các yêu sách trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ lùi bước trước những áp lực này.  

Trên tờ “Teneo”, học giả Gabriel Wildau bình luận Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) của Trung Quốc nhằm xây dựng một cấu trúc ngoại giao và an ninh toàn cầu, cạnh tranh với hệ thống các liên minh và thể chế đa phương do Mỹ lãnh đạo. Cho đến thời điểm tháng 5/2023, khái niệm của Sáng kiến GSI vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng Bắc Kinh sẽ dần thực hiện sáng kiến ​​này. Giống như BRI, trọng tâm can dự của GSI là các nước đang phát triển. GSI sẽ đóng vai trò như một chiếc ô để Bắc Kinh có thể thúc đẩy một loạt sáng kiến ​​ngoại giao liên quan đến các liên minh đa phương hoặc đa phương khác nhau. Về các chuẩn mực và nguyên tắc, GSI nhấn mạnh các khái niệm đối ngoại quen thuộc của Trung Quốc như “không can thiệp vào công việc nội bộ”, “bình đẳng về chủ quyền”. Bằng cách ngụ ý phản đối bá quyền phương Tây và ảnh hưởng quá lớn của các nước giàu, GSI hướng tới thu hút các nước đang phát triển. Quá trình có thể quan trọng như kết quả. Ngay cả khi không có những kết quả chính sách rõ ràng, việc thu hút các quốc gia vào những sáng kiến ​​ngoại giao mơ hồ vẫn có thể góp phần hình thành một mạng lưới các mối quan hệ quốc tế thân thiện./.

Bản PDF tại đây