Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Từ ngày 20 - 27/9, Singapore và Malaysia tập trận chung ở phía Bắc Eo biển Malacca. Hải quân Singapore triển khai một khinh hạm RSS Stalwart, một máy bay trực thăng hải quân S-70B Seahawk và hai tàu hộ tống tên lửa trong khi Malaysia triển khai khinh hạm KD Lekiu, hai tàu hộ tống và một máy bay trực thăng Super Lynx. Hoạt động này nhằm tăng cường hợp tác hai nước, đảm bảo an ninh hàng hải Eo biển Malacca.

Ngày 24/9, Hải quân Mỹ thông báo nhóm tàu sân bay Ronald Reagan đã đi vào Biển Đông sau khi hoàn thành chiến dịch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Trong thời gian ở Biển Đông, nhóm tàu sẽ tiến hành các hoạt động diễn tập cất cánh/hạ cánh máy bay, tấn công mục tiêu trên biển, chống ngầm và huấn luyện chiến thuật. Đây là lần thứ hai tàu Ronald Reagan hiện diện ở Biển Đông trong năm 2021.

Tàu hộ vệ HMS Richmond của Anh ngày 27/9 di chuyển qua Eo biển Đài Loan. Bộ Quốc phòng Anh cho biết tàu HMS Richmond được triển khai trước đó đến Biển Hoa Đông để tham gia hoạt động thực thi lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Trước thông tin này, người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan Chiu Kuo-cheng cho biết nắm rõ tình hình, nhưng không can thiệp.

Sáng kiến minh bạch Biển Đông (SCSPI) của Đại học Bắc Kinh ngày 30/9 cho biết trong tháng 9/2021, Mỹ triển khai 62 chuyến bay trinh sát, 2 tàu sân bay đi qua Biển Đông. Theo SCSPI, một số máy bay Mỹ khi thực hiện nhiệm vụ trinh thám sử dụng số hiệu giả hoặc không bật tín hiệu nên con số thực tế còn nhiều hơn.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh nhóm Quad ngày 24/9 khẳng định, “Lãnh đạo bốn nước cam kết bảo vệ luật pháp quốc tế, như phản ánh trong UNCLOS năm 1982, đối phó với các thách thức trật tự biển, bao gồm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, mở và tự do, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và toàn cầu”.

Trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 24/9, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước cần tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, phản đối việc chính trị hóa việc truy xuất nguồn gốc virus, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh.

Ngày 24/9, Văn phòng Bộ trưởng Thương mại Pháp thông báo từ chối đề nghị gặp mặt của Bộ trưởng Thương mại Úc bởi Pháp không thể "mọi chuyện vẫn bình thường" sau thỏa thuận AUKUS. Bộ trưởng Thương mại Úc Tehan ngày 20/9 cho biết muốn gặp người đồng cấp Pháp tại Paris khi tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào tháng 10.

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 27/9, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho biết Trung Quốc muốn cùng Malaysia phản đối chính trị cường quyền, tăng cường trao đổi, giải quyết thỏa đáng các bất đồng trong vấn đề biển Đông, cùng bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu trước cơ quan lập pháp Đài Loan ngày 27/9, người đứng đầu cơ quan phòng vệ Chiu Kuo-cheng khẳng định Đài Loan cần thêm vũ khí tầm xa để có thể răn đe Trung Quốc. Quân đội Đài Loan đã sử dụng tên lửa tầm trung và tầm xa trong các cuộc tập trận gần đây. Trước đó ngày 26/9, ông Tập Cận Bình gửi thư chúc mừng Tân Chủ tịch Quốc dân Đảng thắng cử ngày 25/9, kêu gọi Quốc dân Đảng hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc vì "thống nhất và chấn hưng đất nước".

Trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore  Vivian Balakrishnan ngày 27/9, hai bên “khẳng định cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các nguyên tắc nền tảng của khu vực; thảo luận tăng cường hợp tác nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, lĩnh vực không gian và biến đổi khí hậu; ký kết Bản ghi nhớ về việc gia hạn chương trình huấn luyện quân sự Mỹ - Singapore”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 28/9 cho biết năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 25 năm ký kết “Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện”. Hợp tác tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh và Úc có nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, vi phạm tinh thần của Hiệp ước và tạo ra tiền lệ xấu cho các quốc gia tăng cường chạy đua vũ trang. Cộng đồng quốc tế nên đoàn kết cùng phản đối việc hợp tác tàu ngầm hạt nhân của ba nước này.

Bài viết chung của Đại sứ Mỹ tại Malaysia Justin Lee, Cao ủy Úc tại Malaysia Brian D. McFeeters và Cao ủy Anh tại Malaysia Charles Hay ngày 29/9 đánh giá “Malaysia là ‘trái tim’ của ASEAN và là đối tác chính của Úc, Anh và Mỹ. AUKUS không thay đổi mục tiêu của ba nước đối với hòa bình và thịnh vượng khu vực, không ảnh hưởng việc ủng hộ cấu trúc an ninh do ASEAN dẫn dắt. Các tàu ngầm hạt nhân của Úc theo kế hoạch chỉ chạy bằng hạt nhân, không mang vũ khí hạt nhân.

Phát biểu tại diễn đàn trực tuyến ngày 29/9, Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim nhấn mạnh AUKUS sẽ củng cố hợp tác với các nước chủ chốt khu vực như Indonesia để đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thượng tôn luật pháp. AUKUS không thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang hay phổ biến hạt nhân, thay vào đó là một sáng kiến tích cực, có lợi cho Indonesia. Các nước tham gia AUKUS tôn trọng sự trung lập của ASEAN, không yêu cầu các nước, bao gồm Indonesia, phải chọn bên.

Trong điện đàm với Ngoại trưởng Malaysia và Brunei ngày 29/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ quan ngại về quan hệ an ninh Mỹ, Anh, Úc. Theo đó, hợp tác tàu ngầm hạt nhân của AUKUS gây 5 tác động xấu tới khu vực gồm: (i) tạo nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân; (ii) gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới; (ii) phương hại thịnh vượng và ổn định của khu vực; (iv) phá vỡ việc xây dựng khu vực Đông Nam Á không hạt nhân; (v) làm hồi sinh tâm lý Chiến tranh Lạnh.

Góc nhìn quốc tế

Trên tờ “Nikkei” ngày 25/9, nhà phân tích Ian Lloyd Neubauer bình luận hợp đồng tàu ngầm Úc-Pháp trước đó gặp nhiều vấn đề. Ngoài việc đội giá, chậm tiến độ...nhân sự triển khai hợp đồng tại Adelaide thường bất đồng do phía Pháp hay nghỉ phép, trễ họp. Theo ông Ian Lloyd Neubauer, sự phẫn nộ của Pháp về việc Úc hủy hợp đồng tàu ngầm là vô lý. Trong quá khứ, Pháp đứng sau thúc đẩy EU áp dụng chính sách trợ giá nông nghiệp để cạnh tranh với Úc, khiến nông dân Úc mất hàng tỷ USD.

Trên tờ “Guardian” ngày 28/9, TS. Bryce Edwards (Đại học Wellington, New Zealand) nhận định, “Phản ứng của Thủ tướng New Zealand về AUKUS là dè dặt, không giống với người tiền nhiệm. Phản ứng cho thấy New Zealand  "ngầm" ủng hộ Mỹ và đối tác thúc đẩy hiện diện quân sự tại khu vực. Trước đó, New Zealand thường tránh ngả về Mỹ bởi kinh tế nước này vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Trả lời phỏng vấn “Mạng Tin tức” ngày 29/9, Ngô Sĩ Tồn (Viện nghiên cứu Nam Hải) đánh giá với thách thức hiện nay, hợp tác là lựa chọn duy nhất duy trì ổn định tại Biển Đông. Tình hình Biển Đông có một số đặc điểm:(i) Mỹ và các nước đồng minh tiếp tục là nhân tố gây bất ổn; (ii) một số nước tranh chấp tranh thủ cơ hội hành động đơn phương nhằm củng cố lợi ích; (iii) tranh luận giữa Trung Quốc với các nước tranh chấp, với ASEAN tiếp tục xoay quanh tiến trình đàm phán COC; (iv) cuộc đấu tranh pháp lý giữa Trung Quốc với các nước tranh chấp còn tiếp tục.

Học giả Hoàng Hà và Hồng Hiệp (Viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore) ngày 29/9 đánh giá tranh chấp Biển Đông từ lâu phủ bóng đen lên quan hệ Việt -Trung. Hai bên gần như không có không gian tiết chế lập trường và yêu sách nhằm đạt được một giải pháp. Đó là vấn đề quan trọng nhất gây khó khăn cho quan hệ. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng gay gắt là một thách thức khác đối với Việt Nam. Đến nay, Việt Nam luôn kiên định duy trì sự cân bằng giữa hai cường quốc nhưng có thể không dễ duy trì thế cân bằng này trong tương lai.

Bình luận của Viện Biển Đông

Ngày 24/9, Nhóm Bộ tứ (Quad) tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên, với một số điểm đáng chú ý sau: (i) Hội nghị cho thấy Chính quyền Biden đang tiến nhanh trong việc thể chế hoá Quad. Đây là lần họp thượng đỉnh thứ 2 của nhóm trong năm 2021 và tới đây, Nhóm sẽ có cuộc họp thường niên giữa Lãnh đạo Cấp cao và cấp Ngoại trưởng. Nếu coi Quad là một công cụ sức mạnh mềm của Mỹ trong việc thể chế hoá các liên kết đa phương, việc thành lập liên minh AUKUS gần đây là một công cụ sức mạnh cứng; (ii) Tuyên bố hướng nhiều đến các lĩnh vực an ninh phi truyền thống hơn truyền thống. Đẩy hợp tác thực chất trong các vấn đề mang tính toàn cầu: an ninh y tế (COVAX, Nhóm chuyên gia Vắc-xin), xây dựng cơ sở hạ tầng (tuyên bố thành lập quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng Quad mới)...Vấn đề Biển Đông không đề cập quá mạnh và trực diện, chỉ hướng đến đề cao an ninh biển, tinh thần thượng tôn pháp luật và nỗ lực duy trì trật tự biển dựa trên luật lệ; (iii) Tuy không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nội dung Tuyên bố ngầm hướng đến đối trọng với Trung Quốc ở khía cạnh: ngoại giao vắc-xin, giá trị, tiêu chuẩn đầu tư cơ sở vật chất, chuỗi cung ứng bền bỉ...

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn