Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Tân Hoa Xã ngày 17/7 cho biết Trung Quốc đã đưa tên lửa đẩy Trường Chinh-5 Y4 vào vị trí phóng ở Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương trên Đảo Hải Nam để phục vụ thám hiểm Sao Hỏa lần đầu tiên của Trung Quốc (dự kiến phóng cuối tháng 7 hoặc đầu 8/2020). Thám hiểm Sao Hỏa là một trong những tham vọng lớn nhất trong chương trình nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc.

Hai máy bay B-1B của Mỹ ngày 17/7 được triển khai tới Guam. Trước đó, 2 máy bay này diễn tập với các máy bay F-15J của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Trung tá Shirota Takamichi thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi duy trì cam kết thực hiện huấn luyện chung nhằm tăng cường năng lực đồng minh, cũng như tăng khả năng tương tác để ngăn chặn và chống lại các mối đe dọa".

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ ngày 17/7 cho biết 2 nhóm tàu sân bay Mỹ tiến hành tập trận chung lần thứ hai ở Biển Đông trong cùng một tháng. Chuẩn đô đốc Jim Kirk, chỉ huy nhóm tàu Nimitz, cho biết các tàu sân bay Mỹ duy trì hoạt động ở bất kỳ khu vực nào trên Biển Đông luật pháp quốc tế cho phép nhằm bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Cục Hải sự Bắc Hải (Quảng Tây) ngày 17/7 ra Cảnh báo Hàng hải 0037 cho biết tại Vịnh Bắc Bộ từ ngày 18-20/7, tàu kéo “Hải Dương Thạch Du 672” kéo giàn khoan “Nam Hải 04” từ tọa độ 20-48.23 N/108-52.35E đến tọa độ 20-50.45N/108-47.68E, tổng chiều dài 400m, tốc độ 5knot (xem hình dưới).

Báo Hoàn Cầu ngày 20/7 cho biết 1 lữ đoàn không quân của Chiến khu miền Nam Trung Quốc đóng ở Hải Nam đã tiến hành tập trận tấn công mục tiêu biển bằng đạn thật trong hai ngày 15-16/7 với sự tham gia của máy bay ném bom JH-7 (một trong những máy bay chiến đấu xuất hiện tại Phú Lâm thời gian gần đây).

Cục Hải sự Quảng Đông Trung Quốc ngày 20/7 ra Cảnh báo Hàng hải số 0144 và 0145 cho biết từ ngày 20/7 - 30/10 tại Biển Đông, tàu “Dầu khí Hải dương 721” tiến hành tác nghiệp điều tra địa chất tại lô “Phiên Ngung 01”, trong vùng biển nối liền bởi các điểm có tọa độ lần lượt là: 21-12-18.0N/113-35-45.0E, 21-26-28.0N/114-01-36.6E, 20-43-12.0N/114-27-46.5E, 20-27-23.0N/114-03-15.0E. Trong thời gian tác nghiệp, tàu “Dầu khí Hải dương 721” kéo theo 10 sợi cáp dài khoảng 6.000mm, tốc độ 4,5 knot. Cảnh báo Hàng hải số 0145 cho biết từ ngày 20/7 - 20/9 tại Biển Đông, giàn khoan “Nam Hải 02” tiến hành tác nghiệp khoan giếng tại giếng EP21-5-1, trong vùng biển bán kính 1 hải lý với tâm là điểm có tọa độ 20-28-54.58N/113-25-55.23E (xem hình dưới).

 

Nguồn ảnh: Nghiên cứu Biển Đông

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) ngày 20/7 cho hay máy bay Beechcraft C-90 của Hải quân Philippines đã diễn tập với tàu khu trục JS Teruzuki (DD-116) của Nhật Bản.  

Tờ The Hindu ngày 20/7 đưa tin cuộc tập trận thường kỳ PASSEX thực hiện trong hai ngày 20 và 21/7 diễn ra gần quần đảo Andaman và Nicobar giữa Ấn Độ và Mỹ (Ấn Độ đã diễn tập với Nhật Bản, Pháp trong khuôn khổ này). Nhóm tàu sân bay USS Nimitz tham gia tập trận trước đó đã tham gia FONOP với nhóm tàu USS Ronald Reagan tại Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Úc ngày 21/7 đưa tin Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, Hải quân Úc và nhóm tàu tấn công Ronald Reagan Mỹ đã tập trận tại Biển Philippines. Chuẩn Đô đốc Michael Harris, chỉ huy nhóm tác chiến của Úc, nhận định hải quân phải hợp tác chặt chẽ để duy trì an ninh và an toàn hàng hải. Thuyền trưởng Sakano Yusuke, đội tàu hộ tống số 4 của Nhật Bản, cho biết hợp tác với hải quân Mỹ và Úc rất quan trọng với Nhật Bản để đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Mạng tin tức Trung Quốc 22/7 cho biết Cục Hải sự Quảng Đông bàn giao tàu “Hải Tuần 173” cho Trung tâm Bảo đảm hàng hải “Nam Hải” thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc. Tàu có chiều dài 73,3 mét, chiều rộng 14 mét, chiều cao 6,2 mét, chiều cao mớn nước 4m, lượng giãn nước 2.228 tấn, có thể duy trì hoạt động liên tục trong 40 ngày, là tàu tác nghiệp có hệ thống trang thiết bị tiên tiến nhất, tính năng ưu việt nhất trong hệ thống hải sự của Trung Quốc. “Hải Tuần 173” sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, bảo vệ, lắp đặt, tháo dỡ các trang thiết bị hỗ trợ hàng hải trên các tuyến hàng hải và các cảng ở “Nam Hải” (Biển Đông), bao gồm khu vực vùng vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Công - Ma Cao và các quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Nam Sa” (Trường Sa).

Taipei Times, ngày 22/7, dẫn lời “Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan” Joseph Wu cho biết Trung Quốc đang triển khai các máy bay quân sự gần Đài Loan với tần suất ngày càng tăng, gây nguy cơ sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo. Tấn công Đài Loan có thể là cách tốt để Chính phủ Trung Quốc chuyển hướng áp lực trong nước. Trung Quốc đang vật lộn với nền kinh tế phát triển chậm lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và thiên tai lũ lụt.

BenarNews, ngày 22/7, cho biết Hải quân Indonesia đã tiến hành tập trận lớn tại Biển Java và Biển Đông (từ 18-26/7) với sự tham gia của 2.000 binh sĩ, 26 tàu chiến, 19 máy bay và 18 phương tiện chiến đấu trên biển. Theo Beni Sukadis (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Indonesia),  cuộc tập trận này nhằm khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên biển của Indonesia. Cùng ngày 22/7, Lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia (Bakamla) ra mắt Trung tâm Thông tin Hàng hải Indonesia (IMIC), có nhiệm vụ công bố các báo cáo định kỳ về an ninh hàng hải quốc gia.

Cục Hải sự Tam Á ngày 14/7 và 22/7 ra cảnh báo hàng hải số 0022 0023 thông báo hoạt động của giàn khoan “Lam Kinh 01” và “Thăm Dò 03” hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông. Cảnh báo hàng hải số 0023 của Cục Hải sự Tam Á (tỉnh Hải Nam), từ 20h ngày 22/7 đến 24h ngày 5/9 tại Biển Đông, giàn khoan “Lam Kình 01” tác nghiệp tại giếng LS17-2-A1H có tọa độ 17-23.82N/110-31.04E. Cảnh báo hàng hải số 0022 cho biết từ 15/7 đến 30/8, tàu “Thăm Dò 03” tiến hành tác nghiệp khoan giếng trong bán kính 2000m từ tọa độ 18°39′09.482″N, 107°40′09.423″E (xem hình dưới).

 

Nguồn ảnh: Nghiên cứu Biển Đông

Tờ ABC, Úc, ngày 23/7 đưa tin tàu chiến Úc đã chạm mặt với tàu hải quân Trung Quốc ở Biển Đông khi đến nơi tập trận cùng Mỹ và Nhật Bản. Các tàu chiến Úc đã đi qua vùng biển tranh chấp (Trường Sa), nhưng không đi vào trong 12 hải lý của các thực thể tranh chấp. Theo Bộ Quốc phòng Úc, cuộc "gặp gỡ" bất ngờ giữa hải quân hai nước đã được xử lý một cách chuyên nghiệp và an toàn.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung ngày 16/7 hội nghị trực tuyến với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy. Hai bên trao đổi về việc chuẩn bị Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, hợp tác phòng chống Covid-19, tình hình quốc tế, khu vực và vấn đề Biển Đông.

Theo Inquirer, Thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros, ngày 16/7, nói rằng Chính phủ không nên để Philippines trở thành “một con tốt” trong chiến lược của các siêu cường, kêu gọi chính sách đối ngoại độc lập và tái khẳng định quyền sở hữu đối với các phần lãnh thổ của Philippines. Trong khi hoan nghênh việc Mỹ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp, Thượng nghị sĩ Hontiveros cảnh báo Philippines có thể bị cuốn vào một cuộc giằng co chiến lược giữa BRI của Trung Quốc và Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Philippines nên hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng, đặc biệt là các đồng minh ở Đông Nam Á, để bảo vệ quyền chủ quyền.

Ngoại trưởng Indonesisa Retno Marsudi ngày 16/7 kêu gọi các bên liên quan trên Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Nhấn mạnh tầm quan trọng của đóng góp từ tất cả các quốc gia để duy trì hoà bình và ổn định tại khu vực và kêu gọi các quốc gia kiềm chế những hành động có thể làm leo thăng căng thẳng.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh ngày 19/7 bình luận về việc Anh dự định điều tàu sân bay đến Biển Đông và Thái Bình Dương: (1) Anh là quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng lại có một hành động “nguy hiểm”; (2) Trung Quốc và các nước ASEAN đã nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; (3) Mỹ muốn thách thức, vi phạm và tổn hại chủ quyền của Trung Quốc và Trung Quốc hy vọng Anh sẽ không đi theo Mỹ để khiêu khích chủ quyền Trung Quốc, ảnh hưởng hòa bình, ổn định của khu vực.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên ngày 20/7 kêu gọi các nước ASEAN “đề cao cảnh giác” trước việc Mỹ “cố ý can thiệp” vào tranh chấp ở Biển Đông: “Trong khi Trung Quốc và các nước ASEAN đang rất nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông, chúng ta cần đề cao cảnh giác trước việc Mỹ, là một nhân tố bên ngoài, đang cố ý can thiệp vào Biển Đông”.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia ngày 20/7 phản ứng trước các động thái của Mỹ gần đây tại Biển Đông, cho rằng: (i) Trung Quốc không mưu cầu xây dựng “đế quốc trên biển”, ưu tiên duy trì bình đẳng giữa tất cả các nước, duy trì cách tiếp cận “2 kênh” để xử lý vấn đề Biển Đông; (ii) Phán quyết của Tòa Trọng tài “không đúng thẩm quyền, phi pháp và không có hiệu lực”, Trung Quốc không chấp nhận và không công nhận Phán quyết; (iii) Trung Quốc mong muốn tiếp tục thông qua đàm phán giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông với các nước tranh chấp (có Malaysia) và duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông.

BTQP Nhật Bản và BTQP Malaysia ngày 20/7 điện đàm về nhiều vấn đề bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông. BTQP Nhật Bản phản đối mạnh mẽ nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng cưỡng ép, các hành vi gia tăng căng thẳng và nhận định trật tự trên biển tự do và rộng mở dựa trên thượng tôn pháp luật là rất quan trọng. BTQP Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định tại Biển Đông và các vấn đề ở Biển Đông phải được giải quyết hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 21/7 cho biết có kế hoạch tới thăm Trung Quốc trước cuối năm nay, khi căng thẳng song phương đang leo thang, nhằm thúc đẩy quan hệ mang tính xây dựng và cùng có lợi, mở ra các kênh đối thoại và giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, BTQP Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc không có quyền biến vùng biển quốc tế thành khu vực biển của riêng mình.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 21/7 nêu quan ngại về tình hình Biển Đông với Ngoại trưởng Trung Quốc, đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển trong Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (trực tuyến).

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 21/7 phát biểu tại phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung, cho rằng Biển Đông là ngôi nhà chung, Trung Quốc và ASEAN là láng giềng vĩnh cửu, hòa bình và phát triển là tâm nguyện chung của tất cả các nước. Lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông không hề thay đổi, luôn duy trì tính ổn định và liên tục. Các nước trong khu vực cần cảnh giác cao đối với chiến lược và mục đích của Mỹ tại Biển Đông. Trung Quốc và Việt Nam cần hành động dựa theo nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo hai nước, kiên trì quản lý bất đồng thông qua đối thoại phù hợp với các hiệp định hai bên đã ký kết, tìm kiếm biện pháp giải quyết công bằng hợp lí vấn đề Biển Đông, tuân thủ DOC và đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC, không để các thế lực bên ngoài có cơ hội can dự và phá hoại.

Thứ trưởng Trung Quốc La Chiếu Huy ngày 21/7 phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối Tuyên bố về Biển Đông của Mỹ: (i) Những hành động “kiềm chế toàn diện” Trung Quốc của Mỹ đã làm “phức tạp hóa” quan hệ hai nước và “làm căng thẳng” tình hình Biển Đông; (ii) Mỹ không xem xét cục diện tổng thể của Biển Đông, kích động các nước ASEAN và các nước trong tranh chấp đối đầu với Trung Quốc, “mưu đồ xây dựng liên minh chống Trung Quốc”, bắt ép các quốc gia phải chọn bên; (iii) Lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông luôn nhất quán và rõ ràng, coi trọng hợp tác trong khuôn khổ 10+3 để củng cố thành tựu chống dịch, hồi phục kinh tế, phát triển bền vững và hợp tác tài chính.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 21/7 trả lời phóng viên đề nghị xác nhận thông tin Trung Quốc đã bố trí ít nhất 8 máy bay chiến đấu trên “Đảo Vĩnh Hưng, Quần đảo Tây Sa” (Phú Lâm, Quần đảo Hoàng Sa): Quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) là “lãnh thổ” của Trung Quốc; Trung Quốc triển khai xây dựng quốc phòng tại đây là việc làm trong phạm vi “chủ quyền”.

Ngày 22/7, Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa sau khi Mỹ lệnh đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, cho rằng đây là hành động “leo thang căng thẳng chưa từng có” của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng điều này tác động xấu và gây tổn thất lâu dài đến quan hệ hai nước. Về phía Mỹ, hành động này là nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin bí mật, cho biết sẽ “không dung thứ” cho hành vi vi phạm chủ quyền và đe doạ người dân cũng như thương mại không công bằng, ăn cắp việc làm và các hành vi nghiêm trọng khác của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Đài Loan” Josseph Wu ngày 22/7 cảnh báo viễn cảnh đụng độ quân sự ở Eo biển Đài Loan khi tiến độ và phạm vi diễn tập của Trung Quốc cũng như các lực lượng hải quân và không quân Mỹ được triển khai đến khu vực ngày càng tăng. Ông Wu cho rằng Trung Quốc muốn hướng dư luận ra khủng hoảng bên ngoài thông qua tăng cường tập trận khi đang phải vật lộn với suy thoái kinh tế, dịch bệnh và lũ lụt. Điều này khiến căng thẳng tại eo biển leo thang. Đài Loan nên thận trọng trong việc ủng hộ Hồng Kong để tránh tạo cớ cho Trung Quốc tuyên chiến.

Tổng lãnh sự Thái Vĩ tại Houston ngày 22/7 trả lời ABC và International Focus, cho biết ngày 21/7 Mỹ đột nhiên yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Houston, vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, những chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế và những quy định liên quan của hiệp ước lãnh sự Trung Mỹ, phá hoại quan hệ hai nước và hết sức vô lý. Cho biết qua 40 năm quan hệ Trung Mỹ đã chững minh hợp tác sẽ có lợi cho cả hai trong khi đối đầu thì không. TLS Thái Vỹ phản đối các cáo buộc của Mỹ với Tổng lãnh sự quán của Trung Quốc, cho rằng các chính khách của Mỹ với mục đích chính trị của mình đã nói những lời đầy dối trá cho dù người dân không được hưởng nhiều phúc lợi, cuối cùng sẽ dẫn đến hại mình và hại người.

Theo Inquirer ngày 22/7, Ngoại trưởng Philipines Locsin bày tỏ không hưởng ứng lời kêu gọi của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario về việc nêu Phán quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc với lập luận rằng việc này là không cần thiết vì Philippines đã giành chiến thắng trong vụ kiện.

Ngày 23/7, Việt Nam và Mỹ ký kết biên bản ghi nhớ về tăng cường năng lực thực thi pháp luật thủy sản và quản lý nghề cá. Theo đó, BNG Mỹ sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho Tổng cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư Việt Nam thông qua trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, thực hiện các dự án và chương trình hỗ trợ phù hợp. Đại sứ Mỹ Kritenbrink bày tỏ mong muốn hợp tác cùng Việt Nam phát triển nghề cá bền vững, “hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước những mối đe dọa bất hợp pháp trên biển”.

+ Pháp lý:

Vụ trưởng LPQT BNG Indonesia Damos Agusman ngày 19/7 cho rằng tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể do các bên yêu sách tự giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp hoặc sử dụng biện pháp pháp lý thông qua Trọng tài/Toà án quốc tế. Do đó, việc chọn bên là vô ích. Trong khi đó, tranh chấp về các vùng biển được tạo thành từ các thực thể là mối quan tâm chung của các quốc gia và tất cả đều sẽ đứng về phía các quy định rõ ràng của UNCLOS. Nếu một quốc gia yêu sách vùng biển vượt quá những quy định trong UNCLOS sẽ không chỉ ảnh hưởng đến vùng biển của các nước láng giềng mà còn đến quyền tự do hàng hải của các nước khác.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Tảo Báo Thượng Hải ngày 20/7 cho biết khi Biển Đông nóng lên, Trung Quốc đang đẩy nhanh phát triển tàu sân bay. Trong năm nay, Trung Quốc sẽ cho ra mắt tàu sân bay thứ 3 thế hệ 002, đồng thời đẩy nhanh việc đóng tàu sân bay thứ 4 từng bị tạm hoãn do lỗi kỹ thuật. Đến cuối năm 2035, Trung Quốc sẽ đóng ít nhất 6 tàu sân bay để đuổi kịp Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương. Hiện Mỹ có 11 tàu sân bay và đang đóng 2 chiếc khác. Chuyên gia Chu Chấn Minh cho rằng Trung Quốc không có chiến lược toàn cầu như Mỹ và tàu sân bay chỉ cần bảo vệ biển gần với 3 biên đội tàu sân bay (mỗi biên đội 2 chiếc) tại Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ngô Sĩ Tồn, Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc ngày 21/7 cho rằng thời kỳ nhẫn nhịn của Trung Quốc đã kết thúc. Mỹ không ngừng tăng các hoạt động quân sự và ngoại giao tại Biển Đông để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Vụ kiện Biển Đông của Philippines là do Mỹ chỉ đạo và Philippines chỉ là “con rối”. Kiến nghị Trung Quốc: (i) Kiên định không được loạn, không để Mỹ lôi kéo vào căng thằng; (ii) Tăng cường xây dựng năng lực quốc gia (Mỹ gia tăng hoạt động ở Biển Đông là do năng lực răn đe của quân đội Trung Quốc chưa cao); (iii) Kiên trì đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC với các nước ASEAN; (iv) Ổn định quan hệ với các nước ASEAN.

Nhà bình luận quân sự Song Zhongping ngày 21/7 cho rằng cuộc tập trận của không quân Trung Quốc tại Biển Đông gần đây gửi tín hiệu cảnh báo tới Mỹ về khả năng máy bay ném bom của Trung Quốc tấn công tàu chiến trên biển. Trung Quốc có thể sẽ cử nhiều máy bay diễn tập ở khu vực này và tăng tập trận hải quân lớn ở Biển Đông khi căng thẳng Mỹ Trung leo thang. Zhou Chenming, nghiên cứu viên tại Viện Khoa học Quân sự và Công nghệ Yuan Wang, cho rằng tập trận hải quân tại Biển Đông và tác chiến từ trên cao là phần chính trong các cuộc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của PLA.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt ngày 21/7 cho biết Trung Quốc chưa hề ngăn cản hoạt động tự do hàng hải của nước khác tại Biển Đông đồng thời phản đối các biện pháp nhằm khuấy động tình hình Biển Đông. Vấn đề Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan; các nước ngoài khu vực (bao gồm Mỹ) không có quyền can thiệp; không nên kêu gọi các nước ngoài khu vực khác tham gia vì chỉ làm tình hình Biển Đông thêm phức tạp và khó lường.

Học giả Sư Tiểu Cần, ngày 23/7, cho rằng Trung Quốc cần làm tốt cơ chế quản lý khủng hoảng để ứng phó với Mỹ tại Biển Đông. Trong vài năm qua, việc xây dựng đảo và triển khai quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Mỹ bất an. Cùng với tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ có thể thực hiện nhiều hoạt động quân sự đa dạng và mạnh mẽ hơn ở Biển Đông. Trung Quốc cần: (i) Duy trì quyết tâm chiến lược; (ii) Thúc giục Mỹ kiềm chế hành động; (iii) Cảnh báo cộng đồng quốc tế về hậu quả tiêu cực từ các hành động của Mỹ; (iv) Xây dựng các cơ chế quản lý khủng hoảng; (v) Trao đổi cơ chế quản lý khủng hoảng với Mỹ.

Nhà báo David Spencer, ngày 18/7 trên Taiwan News, cho rằng Đài Loan đã tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo ở Biển Đông nhưng không thúc đẩy những yêu sách này quá mạnh vào lúc này là khôn ngoan vì cơ sở pháp lý có phần lung lay. Đài Loan nên ưu tiên chống Trung Quốc và gác tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông.

+ Đông Nam Á:

Hoàng Thị Hà và Ian Storey (ISEAS) ngày 15/7 bình luận việc ASEAN không có tuyên bố ủng hộ Phán quyết khiến: (i) ASEAN bỏ lỡ cơ hội lịch sử để đưa ra lập trường ủng hộ trật tự trên biển dựa trên luật lệ ở Đông Nam Á; (ii) Tạo điều kiện để Trung Quốc chuyển sự chú ý từ Phán quyết sang đàm phán COC, chủ động hơn trong đàm phán, lấy cớ tình hình trên Biển Đông hòa dịu và loại sự can dự của Mỹ cùng các cường quốc khác khỏi khu vực; (iii) Đàm phán COC phức tạp hơn do không thể giới hạn các thảo luận về hành vi cụ thể tại và xung quanh các thực thể tranh chấp; (v) Thảo luận “đúng, sai” về các vụ việc trên biển gần đây cũng không cần thiết nếu dựa trên Phán quyết.

Julio Amador III, chuyên gia Asia Pacific Pathways to Progress, Philippines, ngày 15/7 cho rằng lập trường của Mỹ về các yêu sách biển trên Biển Đông cho thấy: (i) Phán quyết sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi Chính quyền Philippines hiện tại hoặc tương lai sẽ không chủ động thi hành; (ii) Philippines có thể tận dụng sự ủng hộ ngoại giao của các nước láng giềng ASEAN, Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

PGS.TS. Vũ Thanh Ca ngày 15/7 bình luận về tuyên bố 13/7 của Mỹ: (i) Tuyên bố rất mạnh mẽ, phù hợp với lập trường của Việt Nam; (ii) Tuyên bố vì lợi ích của Mỹ trùng với lợi ích của Việt Nam và các nước Đông Nam Á; (iii) Dưới các áp lực từ Mỹ, Philippines, Indonesia, Malaysia...Trung Quốc phải cân nhắc kỹ hơn có hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông; (iv) Việt Nam ủng hộ tất cả hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế; phê phán và bác bỏ các hoạt động không phù hợp.

Cựu Ngoại trưởng Malaysia Anifah ngày 16/7 cho rằng Ngoại trưởng Hishammuddin phủ nhận và phớt lờ sự thật rằng tàu Trung Quốc vẫn hiện diện trong EEZ của Malaysia, sử dụng lợi ích biển và chiến lược của Malaysia làm con bài chính trị. Trên thực tế (sau vụ HD-08) tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn hiện diện trong EEZ của Malaysia trong các tháng 5, 6, 7/2020.

Lê Hồng Hiệp (ISEAS) ngày 17/7 nói Tuyên bố của Mỹ là sự tấn công trực tiếp và mạnh mẽ nhất đối với yêu sách Trung Quốc tại Biển Đông, qua đó thể hiện mong muốn bảo vệ luật pháp và trật tự trên biển. Tuyên bố giúp củng cố lập trường pháp lý và chính trị của ASEAN so với Trung Quốc, đồng thời làm suy yếu lập trường và tính hợp pháp của Trung Quốc. Tuy vậy, các nước ASEAN vẫn sẽ cảnh giác, không triển khai các bước đi để bị coi là theo Mỹ chống lại Trung Quốc sẽ giúp khối củng cố cam kết với UNCLOS, giúp COC đáng tin hơn đối cả các bên và cộng đồng quốc tế; (v) Thảo luận “đúng, sai” về các vụ việc trên biển gần đây cũng không cần thiết nếu dựa trên Phán quyết.

Báo Quốc tế ngày 20/7 trích dẫn ý kiến các học giả cho rằng nguy cơ xảy ra đối đầu trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng khi hai nước liên tục thử thách giới hạn của nhau. Hiện Trung Quốc đang yếu thế về luật pháp quốc tế nhưng có thể nước này vẫn tiếp tục xu hướng phản ứng với sức ép bằng việc leo thang căng thẳng hơn nữa. Tuyên bố và động thái của Mỹ cho thấy Mỹ có thể sẽ tiến hành nhiều chiến dịch quân sự đa dạng và mạnh mẽ ở Biển Đông trong thời gian tới.

+ Châu Âu - Mỹ:

Tờ Aljazeera ngày 18/7 cho rằng Mỹ và Trung Quốc bắt đầu bước vào cuộc Chiến tranh lạnh mới. Stephen Walt, GS. Đại học Harvard, Mỹ, nhận định hai nước đang cạnh tranh dài hạn về tầm nhìn chiến lược nhưng quan hệ Mỹ - Trung chưa tới mức thù địch như Chiến tranh lạnh trước đây.

Báo Thanh niên ngày 19/7 dẫn lời học giả Mỹ nhận định việc Mỹ triển khai 2 đơn vị đặc nhiệm đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đ chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Carl O. Schuster, Đại học Hawaii (Mỹ) cho rằng: “Từ việc Mỹ triển khai lực lượng tác chiến điện tử như thông tin được công bố có thể thấy quân đội nước này hoặc một số đối tác đã gặp phải sự cố gây nhiễu, hoặc xâm nhập radar, liên lạc, mạng lưới dữ liệu. Tác chiến điện tử ngày nay cũng bao gồm các hệ thống xác định tấn công laser”. TS. Satoru Nagao, Viện Hudson (Mỹ), nhận định để hoá giải những nguy cơ đe dọa từ Trung Quốc, "đơn vị tác chiến điện tử có vai trò rất quan trọng” nhằm xác định vị trí để phản kích, tấn công đáp trả hoặc phủ đầu.

Brian P. Klein, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, ngày 20/7 nhận định Chính quyền Trump cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông để phục vụ mục tiêu bầu cử. Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo ngày 13/7 bác bỏ yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông được đưa ra chỉ 6 tháng trước bầu cử tháng 11 giúp ghi điểm thêm cho Tổng thống Trump. Mỹ tuyên bố vào thời điểm này cũng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước khu vực vốn đang mất dần lòng tin vào Trung Quốc. Nếu không hiểu các động cơ chính trị và gây xung đột với Mỹ, Trung Quốc sẽ gặp phải các phản ứng dữ dội vốn vẫn đang âm ỉ tại khu vực.

Joseph Bosco, cựu Giám đốc phụ trách Trung Quốc, Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 20/7 đề xuất Chính quyền Mỹ tiếp theo nên tiến hành chiến lược “phi pháp hóa” chế độ Trung Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính, khiến nước này mất dần năng lực đàn áp trong nước và gây hấn ở nước ngoài, qua đó Mỹ giành được chiến thắng mà không cần chiến đấu.

Học giả Patrick Buchannan ngày 20/7 nhận định Mỹ cần cân nhắc trước khi hải chiến với Trung Quốc. Hiện có một số dấu hiệu của Chiến tranh lạnh Mỹ - Trung. Tuyên bố của Pompeo là bước chuyển chính sách nhưng đ sẵn sàng xung đột quân sự với Trung Quốc, Mỹ cần biết: (1) Tuyên bố có đồng nghĩa với thông điệp về lằn ranh đỏ chiến tranh tới Trung Quốc?: (2) Mỹ không công nhận yêu sách biển của Trung Quốc nhưng có sử dụng sức mạnh hải quân để bảo vệ yêu sách của các nước Đông Nam Á?; (3) Mỹ có thể tập hợp được hệ thống đồng minh như thời Chiến tranh Lạnh?; (4) Mỹ có thể ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc như thời Chiến tranh Lạnh?; (5) Nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra, mọi việc sẽ thế nào?

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink ngày 20/7 cho biết Mỹ điều chỉnh chính sách sau khi gửi công thư tới Liên hợp quốc ngày 1/6 nhằm phản đối các yêu sách Biển Đông của Trung Quốc. Tuyên bố về chính sách của Mỹ vừa qua thể hiện rõ hơn cam kết của Mỹ về duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông qua việc ủng hộ luật pháp quốc tế được phản ánh trong UNCLOS.

Nhà bình luận chính trị David Hutt ngày 20/7 nhận định tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo có thể được coi là thắng lợi cho Việt Nam vì Mỹ đã chính thức coi các yêu sách biển của Trung Quốc là bất hợp pháp. Mặt khác, tuyên bố của Mỹ cũng làm gia tăng khả năng đụng độ Mỹ - Trung, trong đó các vùng lãnh thổ yêu sách của Việt Nam trở thành địa bàn chính cho cạnh tranh nước lớn. Về các lựa chọn chính sách cho Việt Nam, dẫn lời các học giả cho rằng biện pháp quân sự là không khả thi do tương quan của Việt Nam với Trung Quốc quá chênh lệnh. Hà Nội cũng cần cân nhắc liệu Mỹ có hỗ trợ Việt Nam khi xung đột xảy ra. Mỹ và Việt Nam không phải là đối tác an ninh và không có đảm bảo gì Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự cho Việt Nam, đặc biệt là dưới nhiệm kỳ của một Tổng thống khó đoán như Trump. Bản thân Việt Nam cũng chưa chắc đã tiếp nhận các hỗ trợ về an ninh của Mỹ. Dẫn lời học giả Derek Grossman (RAND) cho rằng Hà Nội chỉ muốn Mỹ hỗ trợ về tuyên bố và vật chất.

Zack Cooper và Bonnier Glasser, ngày 22/7, bình luận trên War on the rocks rằng với Tuyên bố ngày 13/7, Mỹ đứng trước áp lực phải chứng minh Mỹ sẵn sàng trừng phạt các hành động của Trung Quốc được coi là bất hợp pháp. Bốn biện pháp mà Mỹ đang cân nhắc thực hiện bao gồm: trừng phạt kinh tế, hỗ trợ quân sự trực tiếp hơn, xây dựng năng lực và ngoại giao đa phương mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các hành động này đều đồng nghĩa với việc Mỹ phải chấp nhận rủi ro cao hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đã củng cố luật pháp quốc tế và điều chỉnh chính sách của Mỹ gần hơn với lợi ích của các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á. Tuyên bố giúp chính sách của Mỹ vượt lên trên việc chỉ đơn thuần hướng đến bảo vệ tự do hàng hải, mà thay vào đó bảo vệ tự do biển cả và quyền lợi biển của tất cả các nước ở Biển Đông.

Mark J Valencia, ngày 23/7 cho rằng Tuyên bố về Biển Đông mới của Mỹ chứa đầy những tính toán giả tạo, xuất phát từ động cơ chính trị của nước này. Điều đó làm loãng trọng lượng của Tuyên bố và khẩu hiệu “tuân thủ luật pháp quốc tế”. Mỹ đả kích Trung Quốc không tôn trọng trật tự quốc tế nhưng không hề nhắc tới những hành động “vi phạm pháp luật” của Mỹ và các đồng minh thân cận.

Bill Hayton, Viện Chatham House, Anh, ngày 22/7 cho biết Việt Nam phải chi khoảng 1 tỷ USD bồi thường sau khi hủy các hoạt động dầu khí trên Biển Đông trước những áp lực từ Trung Quốc. Số tiền này được cho là để bồi thường cho hai công ty dầu khí Repsol (Tây Ban Nha) và Mubadala (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất)

+ Các nước khác:

Sau việc Việt Nam hủy hợp đồng dầu khí với Tập đoàn dầu khí Noble, Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Úc ngày 17/7 lo ngại ngành dầu khí Việt Nam không có đủ nguồn lực tài chính để tự phát triển tại vùng biển quanh Bãi Tư Chính. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng có thể quan ngại về việc đảm bảo đầu tư dài hạn ở Việt Nam. Việt Nam cần thảo luận với các quốc gia có quyền lợi ở Biển Đông về một quan điểm chung trước Trung Quốc và cần thảo luận với Nga để xem Rosneft có sẵn sàng tiếp tục hoạt động ở Việt Nam cũng như Nga có thể làm gì để chống lại các sức ép của Trung Quốc liên quan Lô 06-01.

Giám đốc Viện nghiên cứu Takshashila (Ấn Độ) Nitin Pai ngày 19/7 nhận định hiện là thời điểm để Ấn Độ hành động vì tự do hàng hải và bảo vệ luật pháp quốc tế. Ấn Độ cần tăng tần suất và thời gian triển khai ở Biển Đông, mở rộng hơn nữa các hình thái lực lượng hải quân, tăng cường những cuộc viếng thăm hải quân tới các quốc gia bè bạn ở khu vực như Việt Nam, Singapore và Indonesia. Ấn Độ có thể tham gia hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông để duy trì luật pháp quốc tế và bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Để làm điều này, Ấn Độ phải hợp tác chặt chẽ về chính trị và quân sự với Mỹ, Nhật Bản, Úc và tăng cường ngân sách quốc phòng.

Abhijit Singh, Giám đốc Sáng kiến chính sách biển, ORF (Ấn Độ), ngày 20/7 cho rằng giới học giả Ấn Độ ủng hộ mời Úc tham gia tập trận Malabar, tuy nhiên giới hoạnh định chính sách lại thận trọng vì: (1) Trung Quốc có thể sẽ đáp trả mạnh mẽ ở Đông Ấn Độ Dương; (2) Lợi ích của việc bổ sung yếu tố quân sự vào Quad qua mời Úc tham dự Malabr tương đối khiêm tốn; (3) Cạnh tranh Mỹ - Trung tại Đông Á, Đông Nam Á và Biển Đông ngày càng căng thẳng khiến Ấn Độ có thể liên quan nhiều. Úc tham gia Malabar có thể tác động tiêu cực trong dài hạn.

Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc ngày 21/7 đăng bài của học giả Jagannath Panda cho rằng Úc nên tăng hợp tác với Ấn Độ trong bối cảnh an ninh và chiến lược khu vực đang xấu đi. Dựa trên Bản cập nhật về chiến lược quốc phòng của Úc gần đây, học giả cho rằng Úc ngày càng xem trọng vai trò của Ấn Độ như một đối tác quốc phòng và kinh tế.

Học giả Euan Graham, Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc ngày 21/7 cho biết Malaysia không bị động trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Kuala Lumpur đã cố gắng bảo vệ quyền chủ quyền của mình dù có thể dễ dàng bị “bắt nạt” nhưng không đi kèm những hậu quả nghiêm trọng.

Premesha Saha, chuyên viên nghiên cứu ORF, ngày 22/7, cho rằng lập trường mới của Mỹ về Biển Đông khiến các quốc gia ASEAN có những lo ngại nhất định: (i) ASEAN vốn thường bị chia rẽ trong vấn đề Biển Đông, tuyên bố của Mỹ có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình đàm phán COC; (ii) Các quốc gia ASEAN không hoàn toàn tin tưởng vào chính sách Châu Á của Chính quyền Trump. Tuyên bố của Mỹ có thể chỉ là động thái ngoại giao chính trị đánh lạc hướng những yếu kém của Trump ở trong nước, ẩn chứa rủi ro xung đột Trung-Mỹ ở Biển Đông; (iii) Các quốc gia ASEAN khó có khả năng hoàn toàn ủng hộ chính sách mới của Mỹ ở Biển Đông do nhiều quốc gia yêu sách phụ thuộc rất lớn vào thương mại và đầu tư của Trung Quốc.

 

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn