Bản tin tuần Biển Đông (ngày 15 -21/10/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Từ tối ngày 14 - 15/10, PLA tiến hành một cuộc diễn tập liên hợp, trong đó sử dụng phà dân sự 45.000 tấn để đưa 1.000 quân và một số lượng lớn các phương tiện chiến đấu, gồm xe tăng, xe bộ binh và các phương tiện hỗ trợ…vượt 1.000 km đường biển.

Ngày 16/10, công ty Austal USA tổ chức lễ hạ thủy Chiến hạm Littoral (LCS 32) mang tên USS Santa Barbara. Đây là chiếc LCS thứ 16 do Austal USA thiết kế và thi công. Hiện Mỹ có 3 chiếc LCS lớp Độc lập (Independence) thuộc biên chế Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngày 17/10, Mỹ xác nhận tàu khu trục USS Dewey lớp Arleigh Burke và tàu hộ vệ HMCS Winnipeg lớp Halifax của Canada đã đi qua Eo biển Đài Loan trong hai ngày 14 và 15/10. Đáp lại, Bộ Chỉ huy chiến khu Đông của Trung Quốc cho biết lực lượng này đã giám sát 2 chiếc tàu chiến trong suốt hành trình qua Eo biển Đài Loan, "Mỹ và Canada phối hợp để khiêu khích… tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan". 

Ngày 18/10, Hải quân Mỹ, Úc Nhật Bản và Anh hoàn thành cuộc Tập trận Đa phương (MPX) 2021. Chuẩn Đô đốc Dan Martin cho biết MPX là chương trình huấn luyện diễn tập đa lĩnh vực. Bốn quốc gia tham gia có lợi ích lâu dài trong việc duy trì an ninh, ổn định, tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ nâng cao mức độ phối hợp tác chiến.

Ngày 21/10, Singapore kết thúc tập trận Wallaby với Úc tại Khu vực Huấn luyện Vịnh Shoalwater (Úc). Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 13/9 đến ngày 21/10 với sự tham gia của khoảng 580 quân nhân Singapore. Úc và Singapore đã đạt được những tiến bộ trong việc phát triển các cơ sở đào tạo ở miền Trung và miền Bắc Queensland trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện Singapore-Úc.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phản ứng với việc hình thành AUKUS, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 18/10 cho rằng thỏa thuận này có tác động tiêu cực: Thứ nhất, ba nước xây dựng một liên minh quân sự mới làm gia tăng căng thẳng địa chính trị. Thứ hai, việc này khiến các nước khu vực đẩy nhanh việc phát triển năng lực quân sự, thậm chí tìm cách phá ngưỡng hạt nhân dẫn đến chạy đua vũ trang. Thứ ba, hợp tác tàu ngầm hạt nhân sẽ tạo những rủi ro phổ biến vũ khí hạt nhân, vi phạm tinh thần Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Trung Quốc yêu cầu ba nước này từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Phát biểu tại một sự kiện ngày 18/10, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan (đồng thời là điều phối viên quan hệ Indonesia-Trung Quốc) cho hay “căng thẳng ở Biển Đông không tệ như những gì người ta nghĩ ở Mỹ. Các vụ việc tàu tuần duyên Trung Quốc quấy rối ngư dân Indonesia trong vùng biển tranh chấp cũng giống như vấn đề giữa anh chị em trong nhà. Đôi khi bạn gặp vấn đề nhưng đừng biến nó thành vấn đề lớn". 

Sau cuộc hội đàm ở Jakarta ngày 18/10, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi bày tỏ lo ngại về AUKUS và kế hoạch mua tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân của Úc. Điều này có thể lôi kéo các cường quốc khác vào tranh chấp trên Biển Đông và kích động một cuộc chạy đua vũ trang, điều "không có lợi cho bất kỳ bên nào".

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei ngày 19/10 tuyên bố Trung Quốc "hết sức lo ngại về vụ va chạm của tàu USS Connecticut với một vật thể không xác định ở Biển Đông. Mỹ có nghĩa vụ phải giải thích chi tiết về vụ việc này”.  ÔngTan cũng chỉ trích thỏa thuận AUKUS làm gia tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, vi phạm nghiêm trọng tinh thần của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hoan nghênh và ủng hộ Trung Quốc gia nhập CPTPP bởi điều này mang lợi ích cho sự thịnh vượng của khu vực. Tuy nhiên, nội dung về CPTPP không được đưa vào thông cáo báo chí sau cuộc điện đàm. 

Ngày 15/10, Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Philippines Tướng Jose Faustino Jr. cho biết Philippines và Mỹ sẽ khôi phục quy mô cuộc tập trận Balikatan từ năm 2022 và có thể mời Anh, Úc tham gia với tư cách quan sát viên. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc hội đàm của Tướng Jose Faustino Jr. và Chỉ huy INDOPACOM Đô đốc John Aquilino tại Manila.

Ngày 19/10, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự luật S.1657 “Đạo luật trừng phạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông 2021” do 2 thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hòa) và Ben Cardin (đảng Dân chủ) bảo trợ. Theo dự luật, Tổng thống Mỹ sẽ phong tỏa tài sản, từ chối hoặc tước thị thực đối với cá nhân và chủ thể Trung Quốc liên quan tới các dự án trong vùng tranh chấp Biển Đông; các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, ổn định ở Biển Đông hoặc ở khu vực do Nhật Bản quản lý tại Biển Hoa Đông.

Tại sự kiện kỷ niệm 50 năm thỏa thuận Ngũ Cường của Anh, Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh cho biết các tranh cãi về AUKUS đang đi "quá mức". AUKUS không có ý định thách thức nước khác, đơn thuần là mối quan hệ chia sẻ công nghệ quốc phòng giữa các đối tác truyền thống. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton khẳng định AUKUS sẽ không làm thay đổi chiến lược an ninh của nước này trong tương lai và AUKUS sẽ đảm bảo Úc vẫn là một đối tác đáng tin cậy trong khu vực.

Trong thông báo trên Twitter ngày 21/10, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã gửi Công hàm phản đối tàu Trung Quốc thách thức các tàu tuần tra Philippines ở Biển Đông bằng còi và liên lạc vô tuyến. Thông báo nêu rõ những hành động khiêu khích này (ghi nhận hơn 200 lần) đe dọa hòa bình, an ninh và đi ngược lại các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế.

Trước việc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam của Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 21/10 nhấn mạnh: “Việt Nam nhất quán chủ trương, mong muốn Biển Đông là khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế.” Về việc Mỹ thông qua dự luật S.1657 trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan đến hoạt động ở Biển Đông và biển Hoa Đông, bà Hằng nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển”.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro ngày 22/10 bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới một số nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương, ông Del Toro sẽ đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Papua New Guinea để thảo luận việc hợp tác phòng thủ cũng như củng cố cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Góc nhìn Quốc tế

Trên “Friedrich Ebert Stiftung” ngày 15/10, học giả Yeo Lay Hwee đề xuất  cách tiếp cận cho ASEAN và EU trước việc AUKUS thành lập: (i) ASEAN cần phối hợp với các đối tác khu vực thúc đẩy cơ chế do ASEAN dẫn dắt; (ii) EU cần nghiêm túc thực hiện các cam kết đối với Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương; (iii) Đức nhiều khả năng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nước châu Âu khác để củng cố vị thế châu Âu tại khu vực.

Trên “Tribune content agency” ngày 16/10, học giả Đức Hanns W. Maull đánh giá AUKUS và QUAD có 3 điểm khác biệt so với NATO thời kỳ đầu chiến tranh Lạnh ở châu Âu: (i) các cam kết giữa các thành viên trong AUKUS và QUAD rời rạc và thiếu tính đồng nhất; (ii) AUKUS và Bộ Tứ đều không phải khuôn khổ phù hợp khi tiềm lực của Anh không đủ đáp ứng cho việc duy trì an ninh và ổn định tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, AUKUS và QUAD đang bỏ lỡ nhiều đối tác quan trọng, tiềm năng như Canada, New Zealand, Pháp và một số nước Đông Nam Á; (iii) so với một NATO vững chắc, nội bộ Mỹ hiện lỏng lẻo và chính sách đối ngoại, an ninh của các quốc gia trong liên minh tồn tại nhiều điểm khác biệt.

Trên “East asia forum” ngày 16/10, học giả Evan A Laksmana đánh giá dù Úc miêu tả AUKUS là mối quan hệ hợp tác về công nghệ giữa các đồng minh truyền thống, nhưng một số chuyên gia của Úc thừa nhận mục tiêu của AUKUS chính là răn đe Trung Quốc. Sự không thống nhất của Úc cho thấy tham vọng muốn duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, vừa muốn duy trì liên minh an ninh với Mỹ, đồng thời vẫn thể hiện vai trò tại khu vực. Việc vừa “tung hô” vai trò trung tâm của ASEAN, vừa lôi kéo các nước bên ngoài can thiệp vào Đông Nam Á khiến các nước ASEAN nghi ngại và lo sợ một cuộc chạy đua vũ trang sẽ xảy ra. Ngay cả Indonesia - một nước có quan hệ tốt đẹp với Úc cũng bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về AUKUS.

Theo “Straits Times” ngày 17/10, AUKUS nêu bật xu hướng ở châu Á muốn phát triển tàu ngầm bất kể loại thông thường hay hạt nhân. Điều này bắt nguồn từ: (i) môi trường an ninh khu vực phức tạp, bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc; (ii) Mỹ có những động thái giúp đồng minh tăng cường năng lực quân sự; (iii) các nước Trung Quốc, Nga, Pháp có thể tận dụng cơ hội để cung cấp tàu ngầm cho đối tác; (iv) vũ khí phi đối xứng như tàu ngầm sẽ có lợi cho các nước yếu. Đối với Mỹ, việc cung cấp các công nghệ tinh vi cho các đồng minh giúp xây dựng năng lực răn đe và giảm động lực thúc đẩy các nước này phát triển kho vũ khí hạt nhân độc lập.

Trên “SCMP” ngày 18/10, nhà phân tích Kristin Huang và Rachel Zhang cho rằng Mỹ vẫn thực hiện FONOP ở Eo biển Đài Loan nhưng lần đầu tiên Mỹ và đồng minh thực hiện tuần tra ở khu vực này. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ép với Đài Loan, động thái này cho thấy Mỹ đã thuyết phục được thêm nhiều nước đối phó với Trung Quốc. Mỹ có nhiều hành động “khiêu khích” Trung Quốc như tăng cường hoạt động QUAD, hình thành AUKUS...Tình hình Eo biển sẽ xấu đi nếu Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ.

Trên “Foreign policy” ngày 19/10, học giả William Choong và Sharon Seah đánh giá thời hoàng kim của ASEAN đã qua khi khối đang phải vật lộn với một số vấn đề: (i) Rạn nứt trong nội bộ khi các thành viên tìm kiếm thỏa thuận chung, ảnh hưởng tới hành động chung của khối; (ii) Vai trò trung tâm bị ảnh hưởng do các nước lớn tăng cường cạnh tranh; (iii) Rủi ro địa chính trị gia tăng do sự xuất hiện liên kết an ninh như AUKUS. Do đó, ASEAN cần một lãnh đạo để dẫn dắt chiến lược, quản lý khác biệt trong nội bộ và can dự với nước lớn.

Trên “East asia forum” ngày 19/10, Học giả Indonesia Arrizal Jaknanihan cho rằng Indonesia nên công nhận AUKUS, QUAD và các thể chế đa phương khác. Thứ nhất, trước hoạt động xâm lấn của Trung Quốc ở EEZ, Indonesia cần các cam kết bên ngoài để bảo vệ lãnh thổ. AUKUS cung cấp đòn bẩy, kiềm chế Trung Quốc từ cam kết của các cường quốc bên ngoài đối với an ninh khu vực. Thứ hai, với chính sách đối ngoại “tự do và tích cực”, việc công nhận AUKUS sẽ giúp Indonesia duy trì tình hữu nghị giữa nhiều đối tác. Qua đó, Indonesia có thể tranh thủ hỗ trợ để cải tiến công nghệ quân sự đang lạc hậu của mình. Thứ ba, AUKUS được coi như công cụ bổ sung cho các thể chế và vai trò trung tâm của ASEAN. Qua đó, bù đắp phản ứng đối với vấn đề an ninh trong môi trường địa chính trị ngày càng phức tạp.

Trên “East asia forum” ngày 21/10, học giả Kazuhiko Togo, Đại học Shizuoka nhận xét chính sách của Thủ tướng Kishida cơ bản tiếp nối của chính sách của cựu Thủ tướng Abe, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật và Bộ Tứ (Quad). Tuy nhiên, chính sách theo hướng ôn hòa hay cứng rắn sẽ phụ thuộc bốn yếu tố: (i) đánh giá khả năng quân sự của Nhật Bản trong việc tấn công các căn cứ đối phương trong tương lai; (ii) cách ứng xử thực tế với Trung Quốc; (iii) chính sách với Nga và (iv) quan hệ với Hàn Quốc. Trong đó, điểm chung của ông Kishida và Abe là muốn củng cố và tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên điểm khác biệt nằm ở nhìn nhận khả năng quân sự của Nhật Bản trong việc tấn công các căn cứ đối phương. Thủ tướng Kishida cho rằng Nhật Bản nên trang bị khả năng tấn công các căn cứ kẻ thù trong tương lai.

Trên “The Diplomat” ngày 21/10, học giả Derek Grossman bình luận Chính quyền Tổng thống Joe Biden thường đưa ra tín hiệu tiếp tục ủng hộ Đài Loan, thậm chí cam kết này được tăng cường hơn so với Tổng thống Trump: (i) điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell mời đại diện của Đài Loan tại Mỹ Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) đến dự lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden. Đây là lần đầu tiên một đại diện của Đài Loan được mời đến dự kể từ khi Mỹ công nhận nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1979); (ii) Bộ ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng gây áp lực đối với Đài Loan khi Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan; (iii) Lãnh đạo Mỹ liên tục cam kết bảo vệ Đài Loan trước các cuộc tấn công của Trung Quốc, ủng hộ Đài Loan tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới và bắt đầu các đàm phán thương mại và đầu tư với Đài Loan; (iv) chính quyền Biden đã thông qua việc bán vũ khí đầu tiên cho Đài Loan, thường tiến hành FONOP ở Eo biển Đài Loan. 

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn