Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Hải quân Mỹ ngày 11/6 thông báo tàu USS Curtis Wilbur và HMAS Ballarat của Úc kết thúc đợt diễn tập ở Biển Đông từ ngày 6-11/6. Chỉ huy trưởng tàu USS Curtis Wilbur Anthony Massey cho biết “sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên thể hiện quyết tâm và cam kết không ngừng nhằm duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng trong khu vực”.

Khinh hạm HMAS Ballarat và HMAS Parramatta của Úc tham gia cùng nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trong các hoạt động tại Biển Đông. Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy các lãnh đạo G7 ra tuyên bố mạnh mẽ về tình trạng cưỡng ép kinh tế, đồng thời chia sẻ những quan ngại của Thủ tướng Úc Morrison về trừng phạt kinh tế Bắc Kinh áp đặt với Canberra.

Ngày 14/6, Philippines tiếp nhận 5 trực thăng chiến đấu S-70i Black Hawk trong số 16 chiếc Philippines đặt hàng Ba Lan. 6 chiếc đầu tiên được giao từ tháng 11/2020 và lô thứ ba được giao trước cuối năm 2021. Phi đội Black Hawk mới của Philippines sẽ thực hiện các nhiệm vụ như vận tải, chiến đấu chống khủng bố và tuần tra biển.

Hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã đi vào Biển Đông ngày 14/6. Trong thời gian ở khu vực, nhóm tàu tiến hành hoạt động bay, diễn tập tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị mặt nước và trên không. Hoạt động trên nhằm duy trì hiện diện thường xuyên của Hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tờ “Politico” - Mỹ ngày 15/6 dẫn nguồn tin giấu tên cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ đang thảo luận kế hoạch thành lập lực lượng hải quân đặc biệt ở Thái Bình Dương và triển khai chương trình quân sự mới cho phép Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phân bổ thêm ngân sách và nguồn lực để đối phó với Trung Quốc. Đây là kết quả thảo luận của Nhóm đánh giá Trung Quốc của Lầu Năm góc.

Tờ “USNI”, Mỹ ngày 16/6 cho hay tàu USS Tulsa và USS Charleston đang triển khai nhiệm vụ đầu tiên tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tàu Charleston cập cảng Changi, Singapore gần đây trong khi tàu Tulsa đang hoạt động tại Biển Philippines sau khi ghé Okinawa.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Về việc Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở gần Ba Bình, Trường Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 11/6 nêu rõ “Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở Ba Bình là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam với quần đảo, đe dọa an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy bỏ hoạt động diễn tập trái phép, không tái diễn trong tương lai.”

Ngày 11/6, Sứ quán Mỹ tại Campuchia cho biết tuỳ viên quân sự Mỹ bị từ chối tham quan toàn bộ căn cứ hải quân Ream. Mỹ đã dừng chuyến thăm và đề nghị Campuchia tổ chức lại một chuyến thăm khác. Sứ quán cho biết các chuyến thăm định kỳ của Mỹ đến căn cứ Ream là một bước quan trọng nhằm tăng cường sự minh bạch và tin cậy hai bên.

Trong điện đàm với Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 11/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Trung Quốc giảm hành động gây áp lực với Đài Loan và giải quyết hòa bình các vấn đề ở eo biển. Ông Blinken thực hiện cuộc gọi từ Anh khi tháp tùng Tổng thống Joe Biden tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Đáp lại, ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh vấn đề Đài Loan "liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc," và Mỹ "cần xử lý thận trọng và đúng đắn các vấn đề liên quan đến Đài Loan."     

Phản ứng trước cuộc tập trận chung của Mỹ-Úc trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân ngày 11/6 khẳng định: “Trung Quốc hy vọng các nước liên quan hành động nhiều hơn đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực, thay vì phô trương sức mạnh quân sự”.

Tờ “Manila Standard” ngày 11/6 đăng lại phát biểu năm 2009 của nguyên Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Miriam Defensor Santiago. Ông Santiago thúc giục Philippines thông qua Luật Đường Cơ sở năm 2009 với các lý do: (i) Là quốc gia thành viên của UNCLOS, Philippines có nghĩa vụ tuân thủ UNCLOS năm 1982, (ii) Luật Đường cơ sở mới phù hợp UNCLOS sẽ đảm bảo các quốc gia khác công nhận các vùng biển của Philippines.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Suga bên lề G7 ngày 11/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định chuyến thăm Nhật Bản của nhóm tàu Anh là "bước ngoặt quan trọng" trong hợp tác quốc phòng song phương. Ông Johnson cảm ơn Nhật Bản đã ủng hộ việc Anh gia nhập CP-TPP.

Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 12/6 ra thông cáo xác nhận từ chối cho phái đoàn Mỹ tiếp cận toàn bộ cơ sở bên trong căn cứ hải quân Ream trong chuyến thăm ngày 11/6. Campuchia cho biết phía Mỹ đột ngột yêu cầu thăm một địa điểm khác không có trong yêu cầu ban đầu.

Phát biểu trước Hội nghị G7 ngày 12/6, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho hay Úc muốn đối thoại với Trung Quốc nhằm giải quyết bất đồng trong quan hệ hai nước. Trước đó ngày 2/6, Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cho biết đang xem xét đưa tranh chấp với Trung Quốc về thuế rượu vang lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tuyên bố Thượng đỉnh G7 ngày 13/6 nhấn mạnh tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thượng tôn luật lệ; kêu gọi thiết lập hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan, giải quyết các vấn đề trên cơ sở biện pháp hòa bình. Các nhà Lãnh đạo G7 đặc biệt quan ngại về tình hình tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng.

Trả lời báo chí ngày 13/6 sau Hội nghị G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Tuyên bố Thượng đỉnh G7 năm nay đã thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc, không như tuyên bố các năm trước dù Mỹ mong muốn tuyên bố mạnh mẽ hơn nữa. Mỹ cũng đã đề xuất sáng kiến mới “Build Back Better”, nhằm đối trọng với Sáng kiến BRI của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 14/6 cho biết Philippines đã lần thứ 3 hoãn quyết định hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ. Tổng thống Rodrigo Duterte đang nghiên cứu, và hai bên phải xử lý những mối lo ngại ông nêu ra, đặc biệt đối với các khía cạnh trong thỏa thuận VFA". Sau đó ngày 15/6,  Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana hoan nghênh quyết định của Tổng thống Rodrigo Duterte. Theo ông Lorenzana, việc gia hạn 6 tháng sẽ giúp Bộ quốc phòng có thêm thời gian để nghiên cứu về tương lai của VFA.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby ngày 14/6 hoan nghênh Philippines tạm ngừng việc chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA). Mỹ đánh giá Philippines là một đối tác bình đẳng, có chủ quyền trong liên minh song phương. Đây là lần thứ 3 Philippines ngừng việc chấm dứt VFA sau khi Tổng thống Philippines Duterte đơn phương hủy bỏ thỏa thuận vào tháng 2/2020.

Trước thềm thượng đỉnh NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 14/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, “NATO nhận thấy các hành động cưỡng ép của Trung Quốc tại Biển Đông. Sự trỗi dậy của Trung Quốc được xem là vấn đề toàn cầu, tất cả các nước cần phải quan tâm đến điều này. Trung Quốc không chia sẻ giá trị chung với NATO và NATO cần phải triển khai một chính sách mới cứng rắn hơn.”

Thông cáo chung của NATO ngày 14/6 cảnh báo Trung Quốc đại diện cho “những thách thức mang tính hệ thống” đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. NATO quan ngại về các chính sách cưỡng ép và đi ngược lại giá trị trong Hiệp ước Washington, tuy nhiên sẽ đối thoại xây dựng với Trung Quốc khi có thể và hoan nghênh hợp tác trong các vấn đề như biến đổi khí hậu.    

Trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 15/6, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh: (i) tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình tại Biển Đông; (ii) UNCLOS là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương.

Ngày 15/6, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 15 khẳng định cam kết với hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực thông qua thúc đẩy thực thi DOC, sớm hoàn tất COC hiệu quả, trên cơ sở luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982. Ngày 16/6, Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN mở rộng (ADMM +) lần thứ 8 nhấn mạnh: (i) cam kết thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định khu vực; (ii) kiềm chế hành động, tránh làm phức tạp tình hình; (iii) giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982. ADMM+ cho hay sẽ xúc tiến việc mở rộng đường dây nóng giữa quan chức quốc phòng ASEAN và các đối tác đối thoại, giúp tăng cường hợp tác chiến lược và xây dựng lòng tin.

Phát biểu tại Hội Nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ngày 16/6, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh các bên cần giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; sớm hoàn tất COC hiệu quả và thực chất; lực lượng hoạt động trên biển của các nước cần kiềm chế, tránh làm phức tạp tình hình.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 16/6, ứng viên trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ely Ratner khẳng định việc đối phó với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu. Ông Ratner cảnh báo nguy cơ Trung Quốc gia tăng cưỡng ép Đài Loan; kiến nghị Mỹ tăng cường các biện pháp răn đe, áp đặt giá phải trả đủ mạnh lên Trung Quốc.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Lật Chiến Thư ngày 17/6, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ nhấn mạnh hai bên cần: (i) phối hợp quản lý biên giới đất liền; (ii) nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, xử lý các vấn đề trên biển thỏa đáng và tôn trọng lợi ích hợp pháp của nhau theo nhận thức chung cấp cao, phù hợp luật pháp quốc tế; (iii) thực hiện tốt DOC và sớm đạt được COC.

Góc nhìn quốc tế

Ngày 11/6, Học giả Susannah Patton và Ashley Townshend, Úc nhận định nỗ lực tập hợp các nền dân chủ trên thế giới để kiềm chế Trung Quốc chỉ tạo ra một liên minh hẹp trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thay vào đó, Úc và Mỹ nên thúc đẩy một chiến lược đa cực có thể thu hút các quốc gia vừa và nhỏ. Để thành công trong một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đa cực, Mỹ phải chuyển tư duy từ cạnh tranh giữa các hệ thống sang cạnh tranh giành ảnh hưởng; thuyết phục khu vực rằng Mỹ hiểu và chia sẻ lợi ích của các nước để mở rộng hợp tác.

Trang “Nikkei” ngày 12/6 đưa tin Việt Nam vừa thành lập đơn vị dân quân biển gồm 9 tàu trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang. Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Viện ISEAS-Yusof Ishak, Việt Nam quyết định xây dựng lực lượng dân quân biển để đối phó việc Bắc Kinh thông qua Luật hải cảnh, cho phép lực lượng này sử dụng vũ lực. Giáo sư Alexander L. Vuving, Trung tâm Daniel K. Inouye bình luận động thái này cho thấy Việt Nam muốn tăng cường khả năng hoạt động trong vùng xám.

Ngày 12/6, nghiên cứu viên J. Michael Cole, Đại học Nottingham cho rằng việc Mỹ và Nhật Bản tăng cường can dự với Đài Loan khiến Trung Quốc chịu nhiều sức ép. Sai lầm chiến lược của Trung Quốc là không giảm các hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan trong giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Washington. Điều này thúc đẩy Mỹ tiếp tục ủng hộ Đài Loan và duy trì hoạt động quân sự trong khu vực. Ngoài ra, cam kết đa phương của Chính quyền Biden ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phát huy tác dụng. Đài Loan là một phần quan trọng trong đó, nếu không muốn nói có vị trí trung tâm.

Ngày 12/6 trên tờ “The Diplomat”, học giả Jacob Benjamin nhận định nhiều nhân tố thúc đẩy Canada tăng cường hiện diện tại Biển Đông. Chính phủ Trudeau hiện có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc: (i) không chỉ đề nghị các bên tuân thủ luật pháp mà sẵn sàng chỉ trích Trung Quốc; (ii) triển khai hải quân tại Biển Đông, đi gần với khu vực tranh chấp. Mặc dù khó tham gia Hoạt động FONOP của Mỹ nhưng Canada tiếp tục hiện diện ở khu vực bởi quan hệ Trung Quốc - Canada đang suy giảm, có bất đồng hai bên liên quan tới lợi ích cốt lõi của Canada.

Bình luận trên “National Interests” ngày 13/6, học giả Robert Farley cho rằng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông mang ý nghĩa về chính trị thay vì quân sự. Các đảo này chỉ là phòng tuyến mỏng trong hệ thống A2/AD của Trung Quốc. Trong điều kiện nhất định, phòng tuyến này có thể ngăn Mỹ tự do hành động nhưng không quá khó để không quân và hải quân Mỹ chọc thủng.

Ngày 14/6, học giả Hứa Lợi Bình, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đánh giá hợp tác 30 năm giữa Trung Quốc và ASEAN đã trở thành hình mẫu, với 3 nội dung cốt lõi: (i) ý thức về cộng đồng chung vận mệnh trở thành động lực hợp tác; (ii) tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc hợp tác; (iii) Giao lưu thương mại, đầu tư, văn hóa là điểm nhấn hợp tác. 

Ngày 15/6, nhà phân tích Stan Grant, Úc cho rằng trật tự được thiết lập bởi bá quyền Mỹ cuối Thế chiến hai và hiện tại không thể hiện được trật tự dựa trên luật lệ, và không bao hàm đầy đủ sức mạnh toàn cầu nếu bỏ qua Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ không còn là nhân tố chi phối. Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, thể hiện khả năng lãnh đạo và tham vọng điều chỉnh trật tự. Theo ông Grant, cần xây dựng liên minh mạnh mẽ với các quốc gia chia sẻ giá trị tự do, chứng tỏ nền dân chủ hiệu quả ra sao và các bên cần có cam kết mạnh mẽ, lâu dài.

Bình luận trên “Global Times” ngày 16/6, Cựu Ngoại trưởng Singapore George Yeo đánh giá (i) Trung Quốc nên chọn cách phản ứng mềm mại thay vì Ngoại giao chiến lang; (ii) Quan hệ Mỹ Trung không phải trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mà là Hòa bình Lạnh. Dù cạnh tranh quyết liệt, nghi ngại nhau nhưng vẫn gắn kết ở nhiều cấp độ; (iii) xung đột nóng Mỹ-Trung khiến các nước khu vực ở thế tiến thoái lưỡng nan bởi không muốn chọn bên; (iv) Trung Quốc không tìm cách xuất khẩu hệ thống quản trị của mình như Mỹ lầm tưởng.

Bình luận của Viện Biển Đông

Ngày 05/6/2021, Cựu thẩm phán Toà án tối cao Francis Jardeleza cùng hai chuyên gia khác đã gửi thư cho Tổng thống Duterte kèm bản dự luật đề xuất dài 13 trang mang tên “Luật về các thực thể trên biển của Philippines trên biển Tây Philippines”, trong đó xác định quy chế của ít nhất 128 thực thể trong vùng biển này mà theo họ Philippines có “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán”. Luật Đường cơ sở của Philippines năm 2009 mặc dù đã sửa đổi so với luật trước đây và xác định phạm vi các vùng biển Philippines yêu sách phù hợp quy định của UNCLOS, song lại tuyên bố rằng Philippines có chủ quyền đối với Nhóm đảo Kalayaan, đồng nghĩa với việc Philippines coi Trường Sa một cụm thực thể riêng biệt, điều này không phù hợp với UNCLOS và Phán quyết Trọng tài năm 2016. Mặc dù nội dung của dự luật này chưa rõ ràng, song nếu Philippines ban hành Luật Đường cơ sở mới xác định cụ thể bản chất của các thực thể yêu sách, hoặc ít nhất là khẳng định Nhóm đảo Kalayaan không phải một quần đảo, sẽ giúp thúc đẩy quá trình phân định biển giữa Philippines và các quốc gia láng giềng có yêu sách chồng lấn. Hiện nay, dự luật 13 trang còn chưa được công khai nhưng việc Tổng thống Duterte yêu cầu xem xét dự luật này cũng cho thấy chính quyền của ông mong muốn nâng cao và tận dụng Phán quyết 2016 trong việc khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, có thể làm căng thẳng mối quan hệ với Trung Quốc.

Ngày 07/6/2021 diễn ra Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Kết thúc hội nghị, hai bên ra Tuyên bố đồng Chủ toạ, trong đó khẳng định sẽ xúc tiến đàm phán văn bản COC bằng hình thức trực tuyến, song hình thức trực tiếp vẫn là phương thức đàm phán chính để ký kết COC hiệu quả, thực chất theo luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982. Điều này cho thấy ASEAN và Trung Quốc tích cực tìm kiếm biện pháp linh hoạt và phù hợp để thúc đẩy tiến trình COC bị trì hoãn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Nhưng có một câu hỏi đặt ra là: Tiến trình COC có hiệu quả không khi Trung Quốc vẫn liên tục điều động lực lượng tiến hành các hành động khiêu khích, gây bất an ở khu vực tranh chấp và xâm phạm vùng biển hợp pháp của nước khác có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông trong lúc các nước đang rất bận rộn chống dịch bệnh Covid-19?

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn