Bản tin tuần Biển Đông (21/04-28/04/2025)

TIÊU DIỂM

  1. Hải cảnh trung quốc thông báo đã đổ bộ, giương quốc kỳ trung quốc, kiểm tra và dọn rác thải tại đá hoài ân, quần đảo trường sa.
  2. Philippines hoàn tất chiến dịch hàng hải liên ngành nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với một số đảo nhỏ gần đảo thị tứ.
  3. Trung quốc cam kết cùng asean đạt được bộ quy tắc ứng xử (coc) ở biển đông vào năm 2026.
  4. Tổng thống mỹ ký sắc lệnh khai thác khoáng sản biển sâu.

 

THỰC ĐỊA

Hải cảnh Trung Quốc thông báo đã đổ bộ, giương quốc kỳ Trung Quốc tại đá Hoài Ân

Ngày 24/4, Thời báo Hoàn Cầu cho biết, Hải cảnh Trung Quốc thông báo đã đổ bộ, giương quốc kỳ, thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền tại đá Hoài Ân, quần đảo Trường Sa vào giữa tháng 4/2025.

Thông tin cho biết Hải cảnh Trung Quốc cũng đã tiến hành kiểm tra, thu thập bằng chứng về các hoạt động bất hợp pháp có liên quan và dọn rác thải ở thực thể này.

Philippines hoàn tất chiến dịch hàng hải liên ngành nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với một số đảo nhỏ gần đảo Thị Tứ

Ngày 27/4, Người phát ngôn (NPN) Cảnh sát biển Philippines (PCG) Jay Tarriela đăng tải tuyên bố của Lực lượng Đặc nhiệm về Biển Đông của Philippines về chiến dịch hàng hải của các lực lượng an ninh Philippines nhằm khẳng định quyền kiểm soát của nước này đối với một số đảo nhỏ gần đảo Thị Tứ. Cụ thể:

  • Lực lượng tham gia gồm Hải quân Philippines, PCG và Nhóm Hàng hải thuộc Cảnh sát Philippines.
  • Nội dung nhiệm vụ: Triển khai bốn đội trên các xuồng cao su tới đá Tri Lễ, đá Hoài Ân và đá Cái Vung.
  • Trong quá trình thực hiện, Philippines phát hiện tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5102 cùng bảy tàu dân quân biển gần đá Hoài Ân và đá Cái Vung. Tuy nhiên, Philippines vẫn hoàn thành nhiệm vụ mà không bị cản trở.
  • Chiến dịch thể hiện cam kết không lay chuyển của Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình tại Biển Đông.

Nhóm Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) tập trận Bersama Shield 2025

Ngày 7-22/4, các quốc gia Nhóm Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) gồm Úc, Malaysia, New Zealand, Singapore và Anh tập trận Bersama Shield 2025 tại bán đảo Mã Lai, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Malaysia và Singapore. Tập trận diễn tập các tình huống chiến tranh giả định, kết hợp các hoạt động trên không-bộ-biển và không gian mạng, dưới sự điều phối của Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tích hợp (IADS).

Tàu sân bay Sơn Đông của Hải quân Trung Quốc xuất hiện tại phía bắc đảo Luzon thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines

Ngày 25/4, NPN Hải quân Philippines Roy Vincent Trinidad cho biết Philippines đã phát hiện chín tàu của Hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu sân bay Sơn Đông, xuất hiện tại phía bắc đảo Luzon thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines từ ngày 22/4. Các quan chức Hải quân Philippines cho biết các tàu Trung Quốc di chuyển rất nhanh và liên tục, đã thực hiện quyền qua lại vô hại theo UNCLOS.

Tàu chiến Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan; Trung Quốc cử lực lượng theo dõi

Ngày 23/4, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) cho biết tàu khu trục Mỹ USS William P. Lawrence đi qua Eo biển Đài Loan, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Eo biển.

Phản ứng trước động thái của Mỹ, NPN Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết Trung Quốc đã cử tàu theo dõi hành trình của tàu Mỹ, đồng thời yêu cầu Mỹ nên “ngừng các hành động cường điệu và hợp tác để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.”

Mỹ-Úc tập trận chung trên Biển Đông

Ngày 25/4, Chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ cho biết các tàu USS Omaha của Mỹ và tàu khu trục HMAS Sydney của Úc tập trận chung trên Biển Đông. Cuộc tập trận gồm hải hành chung, điều động phối hợp, diễn tập liên lạc và nhiều hoạt động xây dựng năng lực khác.

 

CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Trung Quốc-Indonesia thống nhất thúc đẩy hợp tác an ninh tại Biển Đông

Ngày 22/4, sau cuộc họp “2+2” lần đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Indonesia cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải nhằm thúc đẩy an ninh và an toàn ở Biển Đông.

  • Hai bên cũng nhất trí tổ chức các cuộc tập trận chống khủng bố chung trong năm nay.
  • Cảnh sát biển hai nước đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) về an ninh và an toàn hàng hải.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Philippines kéo tàu BRP Sierra Madre rời khỏi Bãi Cỏ Mây

Ngày 24/4, phản ứng trước khẳng định của Philippines về nhiệm vụ tiếp tế tại Bãi Cỏ Mây (ngày 4/3), NPN Bộ Ngoại giao (BNG) Trung Quốc Quách Gia Khôn tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền ở Bãi Cỏ Mây và vùng biển lân cận, cho rằng việc Philippines giữ tàu chiến của mình mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Ngoài ra, BNG Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẵn sàng cho phép Philippines gửi nhu yếu phẩm nếu Philippines thông báo trước cho Trung Quốc nhưng sẽ kiên quyết ngăn chặn nếu Philippines triển khai xây dựng tiền đồn quân sự ở Bãi Cỏ Mây.

Trung Quốc cam kết cùng ASEAN cố gắng đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông vào năm 2026

Ngày 24/4, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết Trung Quốc đã “cam kết chính trị” về việc hoàn tất COC trước năm 2026. Ông Manala nhấn mạnh, tất cả các bên, bao gồm Philippines và ASEAN, đều cam kết đạt được mục tiêu này; tuy nhiên kết quả còn tùy thuộc vào quá trình đàm phán.

Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố Báo cáo về hệ sinh thái tại đá Hoài Ân và đá Ba Đầu

Ngày 25/4, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố “Báo cáo điều tra hệ thống sinh thái rạn san hô tại đá Hoài Ân và đá Ba Đầu”. Báo cáo cho biết:

  • Phản bác nhận định của Philippines về việc Trung Quốc làm ô nhiễm đá Hoài Ân và việc các cồn cát xuất hiện tại đá Hoài Ân là không chính xác.
  • Khẳng định hoạt động cải tạo đảo Thị Tứ của Philippines có tác động đến hệ sinh thái tại đá Hoài Ân;
  • Trung Quốc sẽ tăng cường điều tra, nghiên cứu đánh giá và bảo vệ các rạn san hô tại đá Hoài Ân, đá Ba Đầu, các vùng biển xung quanh, nghiên cứu cơ chế cảnh báo sớm và giảm thiểu tác động tiêu cực của yếu tố bên ngoài.

 

AN NINH - QUỐC PHÒNG

Hàn Quốc quan ngại việc Trung Quốc xây dựng công trình trên vùng biển tranh chấp

Ngày 24/4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra thông báo bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc xây dựng một cấu trúc trong vùng chồng lấn EEZ giữa hai nước, lo ngại Trung Quốc đang củng cố yêu sách tại khu vực này, đồng thời cho biết Hàn Quốc đang cân nhắc các biện pháp đáp trả phù hợp.

Trước đó, tại Đối thoại biển giữa BNG hai nước (ngày 23/4), Trung Quốc giải thích cấu trúc đó chỉ nhằm nuôi trồng thủy sản và không liên quan đến yêu sách chủ quyền, đồng thời không vi phạm luật pháp quốc tế và thỏa thuận nghề cá song phương.

 

PHÁP LÝ

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh khai thác khoáng sản biển sâu

Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy ngành khai thác khoáng sản biển sâu, khẳng định Mỹ có lợi ích cốt lõi trong việc duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ biển sâu và khoáng sản dưới đáy biển.

Một số nội dung chính:

  • Chính phủ Mỹ có quyền cấp phép cho doanh nghiệp Mỹ thăm dò và khai thác khoáng sản dưới đáy biển trong thềm lục địa ngoài khơi của Mỹ và vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (không cần quyết định từ Cơ quan Quyền lực Đáy biển ISA).
  • Tăng cường quan hệ đối tác với các đồng minh để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực khoáng sản đáy biển sâu.

NPN BNG Trung Quốc Quách Gia Côn lên tiếng phản bác động thái trên của Mỹ, cho rằng:

  • Khoáng sản dưới đáy biển là di sản chung của nhân loại, các hoạt động thăm dò và khai thác tại đáy biển quốc tế phải được thực hiện theo UNCLOS và quản lý bởi ISA. Không quốc gia nào được phép đơn phương thăm dò và khai thác tại đáy biển quốc tế.
  • Mỹ đã phân định bất hợp pháp thềm lục địa mở rộng. Do đó, việc Mỹ cho phép thăm dò và khai thác khoáng sản ở thềm lục địa mở rộng là vi phạm luật pháp quốc tế và gây tổn hại đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
  • Động thái của Mỹ thể hiện hành vi đơn phương và bá quyền, cho thấy Mỹ gạt bỏ luật pháp và trật tự quốc tế để theo đuổi lợi ích riêng.

 

KINH TẾ - CÔNG NGHỆ

Trung Quốc phát triển công nghệ cảm biến dò tàu ngầm ở Biển Đông

Ngày 24/4, SCMP cho biết Trung Quốc đã công bố một đột phá mới về công nghệ cảm biến lượng tử dò từ trường dưới nước, giúp phát hiện bất thường và lập bản đồ đáy biển. Công nghệ mới dựa trên nguyên lý “bẫy quần thể cộng hưởng” (CPT) cho phép cảm biến hoạt động đa hướng, khắc phục nhược điểm “vùng mù” của các máy đo từ trường truyền thống ở vĩ độ thấp như Biển Đông.

Mỹ lên kế hoạch áp thuế lên đến 3.521% đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam

Ngày 22/4, BBC đăng tin cho biết Bộ Thương mại Mỹ công bố kế hoạch áp thuế lên đến 3.521% đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Cụ thể:

  • Mức thuế khác nhau tùy theo công ty và quốc gia: Campuchia (3.521%); Việt Nam (395,9%); Thái Lan (375,2%); Malaysia (34,4%).
  • Tổng giá trị nhập khẩu tấm pin mặt trời từ Campuchia, Thái Lan, Malaysia và VN vào Mỹ năm 2023: gần 12 tỷ USD.

 

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Andreas Kluth (Bloomberg): Các quốc gia nên học hỏi “ngoại giao cây tre” của Việt Nam

Ngày 24/4, Bloomberg đăng tải bài bình luận của Andreas Kluth về “ngoại giao cây tre” của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị phức tạp. Cụ thể:

  • “Ngoại giao cây tre” – uyển chuyển trước những cơn gió địa chính trị để không bị bẻ gãy – hướng tới: (i) Giữ khoảng cách hoặc cân bằng với các cường quốc; (ii) Mở rộng thương mại với tất cả các bên; (iii) Liên minh tự vệ một cách linh hoạt; (iv) Duy trì độc lập và chủ quyền. Việt Nam áp dụng nguyên tắc “bốn không”. Một số quốc gia cũng thực hiện chiến lược ngoại giao tương tự “ngoại giao cây tre”, như Ấn Độ (tham gia Quad nhưng vẫn mua dầu và vũ khí từ Nga), Singapore (duy trì cân bằng giữa Mỹ-Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ (vừa là thành viên NATO, vừa mua vũ khí từ Nga).
  • So với “Phần Lan hóa” – cách Phần Lan giữ độc lập sau Thế chiến II bằng cách chấp nhận chính sách đối ngoại do Liên Xô định hình, “ngoại giao cây tre” được đánh giá là chính sách tốt hơn, do “cây tre” có thể tự đứng vững.
  • Trong bối cảnh “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, “ngoại giao cây tre” là cách tốt nhất để các nước nhỏ giữ vững chủ quyền.

Đình Đôi: Chuyến công du Đông Nam Á của Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện chiến lược quản lý căng thẳng ở Biển Đông

Ngày 24/4, trong bài viết của mình trên tờ SCMP, học giả Đình Đôi cho rằng chuyến công du Đông Nam Á của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhằm quản lý căng thẳng trên Biển Đông trong khi giữ vững hợp tác và ổn định khu vực. Cụ thể:

  • Các tuyên bố chung với Việt Nam và Malaysia nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
  • Trung Quốc muốn “giữ tranh chấp ở đúng vị trí”, nhưng không phá vỡ quan hệ với các nước láng giềng. Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc mở rộng kết nối đường sắt; Malaysia là đối tác trọng yếu trong Sáng kiến Vành đai - Con đường.
  • Trung Quốc phản đối sự can thiệp từ các “thế lực bên ngoài”, trong khi Philippines đang tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ.