Bản tin tuần Biển Đông (31/03-07/04/2025)

Tiêu điểm

  1. Tổng thống Trump tuyên bố áp dụng mức thuế quan 10% và thuế quan có đi có lại lên các đối tác thương mại. Các quốc gia ASEAN nhanh chóng phản ứng, hướng tới đối thoại và ổn định tình hình.
  2. Trung Quốc họp thỏa thuận Tham vấn Hàng hải Quân sự (MMCA) với Mỹ, khẳng định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải.
  3. Campuchia – Ấn Độ thảo luận mở rộng hợp tác quốc phòng; Ấn Độ nhấn mạnh Campuchia là đối tác trọng yếu trong chính sách “Hành động Hướng Đông”.
  4. Tàu nghiên cứu đa nhiệm Trung Quốc đi vòng quanh bờ biển phía Nam của Úc.

TIÊU ĐIỂM ĐẶC BIỆT VỀ SỰ KIỆN THUẾ QUAN ĐỐI ỨNG CỦA MỸ

Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, áp dụng mức thuế quan 10% và thuế quan có đi có lại lên các đối tác thương mại. Các quốc gia ASEAN nhanh chóng phản ứng hướng tới đối thoại và ổn định tình hình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng: Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp trên tinh thần xây dựng và hợp tác

Ngày 4/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao (NPN BNG) Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết:

  • Quyết định Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không phản ánh đúng thực tế hợp tác kinh tế – thương mại song phương và không phù hợp với tinh thần Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước;
  • Nếu biện pháp thuế quan này được thực thi sẽ gây tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế song phương cũng như lợi ích của doanh nghiệp và người dân hai bên;
  • Việt Nam đã và đang tích cực trao đổi với Mỹ nhằm xử lý các vấn đề tồn tại, thúc đẩy thương mại công bằng, bền vững và cùng có lợi, tìm ra giải pháp thực tế góp phần ổn định quan hệ kinh tế song phương.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim: ASEAN sẽ bàn bạc về Tuyên bố chung về thuế đối ứng của Mỹ

Ngày 5/4, lãnh đạo các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Brunei Darussalam điện đàm về chính sách thuế đối ứng và các biện pháp ứng phó tập thể.  

Trên trang X cá nhân, Thủ tướng Malaysia cho biết:   

  • Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Malaysia cam kết thúc đẩy đồng thuận giữa các quốc gia thành viên và duy trì các nguyên tắc công bằng và bình đẳng trong mọi cuộc đàm phán thương mại, bao gồm cả trong khuôn khổ đối thoại ASEAN – Mỹ;
  • Cuộc họp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN sắp tới sẽ thảo luận về vấn đề này và tìm kiếm giải pháp tốt nhất có thể cho tất cả các quốc gia thành viên.

Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia: Malaysia sẽ không thực hiện các biện pháp trả đũa thuế quan của Mỹ, nhấn mạnh đối thoại và công bằng

Ngày 3/4, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) khẳng định Malaysia sẽ không thực hiện các biện pháp trả đũa sau khi bị Mỹ áp thuế và chọn cách tiếp cận đối thoại, nhấn mạnh cam kết với thương mại tự do và công bằng.  

Chính phủ Malaysia sẽ tận dụng các cơ chế sẵn có như TIFA (Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư) và xúc tiến Thỏa thuận Bảo vệ Công nghệ (TSA) để tăng hợp tác kỹ thuật cao với Mỹ.

Malaysia đã kích hoạt Trung tâm Chỉ huy Địa kinh tế Quốc gia (NGCC) để đánh giá tác động và xây dựng chiến lược ứng phó toàn diện, kết hợp với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do và tăng phối hợp trong ASEAN

Phó Thủ tướng Singapore Gan Kim Yong: Singapore sẽ đối thoại và đàm phán để tìm hiểu các vấn đề cụ thể của Mỹ

Ngày 3/4, Phó Thủ tướng Singapore Gan Kim Yong bày tỏ sự thất vọng trước việc Mỹ áp thuế 10% lên hàng hóa Singapore. Ông nhấn mạnh Singapore sẽ:   

  • Chủ động không thực hiện các biện pháp đối ứng theo FTA tránh tăng chi phí nhập khẩu và gây thêm bất ổn;
  • Ưu tiên đối thoại, tìm hiểu cụ thể các mối quan ngại của Mỹ để giải quyết thông qua thương lượng;
  • Xem xét điều chỉnh lại các dự báo kinh tế do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại này.

Indonesia đã có chiến lược đàm phán, sẽ cử phái đoàn cấp cao đến Washington DC

Ngày 3/4, Chính phủ Indonesia ra Tuyên bố về việc Mỹ áp thuế, cho biết:   

  • Đã có chiến lược từ đầu năm để đối phó với thuế quan của Mỹ;
  • Sẽ cử một phái đoàn cấp cao đến Washington DC để đàm phán trực tiếp với chính phủ Mỹ;
  • Đang tích cực phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước để chuẩn bị ứng phó;
  • Đã liên lạc với Malaysia để xem xét các bước đi chung trong ASEAN;
  • Đã chỉ đạo nội các đơn giản hóa hoặc loại bỏ các rào cản phi thuế quan, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư.

Quốc vụ khanh Campuchia Penn Sovicheat: Campuchia sẵn sàng phản đối thuế quan của Mỹ

Ngày 3/4, Quốc vụ khanh kiêm NPN Bộ Thương mại (BTM) Campuchia Penn Sovicheat cho biết Campuchia sẵn sàng phản đối quyết định của Mỹ áp thuế nhập khẩu lên tới 49% đối với hàng hóa từ Campuchia. Ông cho biết:   

  • Mức thuế mà Mỹ nói rằng “Campuchia đang áp lên hàng Mỹ là 97%” thực chất không đúng; mức thuế trung bình mà Campuchia áp lên hàng Mỹ chỉ là 29,4%;
  • Yêu cầu cân bằng thương mại là không thực tế;
  • Là thành viên của WTO, Campuchia có quyền sử dụng các cơ chế thương mại như các nước khác, bao gồm cả đàm phán song phương với Mỹ.
  • BTM đang tiến hành nghiên cứu chi tiết về tác động của mức thuế mới đối với từng ngành hàng để có dữ liệu phục vụ đàm phán song phương và đa phương.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra: Thái Lan sẽ thương lượng với Mỹ

Ngày 3/4, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra khẳng định sẽ đàm phán với Mỹ, nhấn mạnh chính phủ có kế hoạch ứng phó cụ thể nhằm bảo vệ tăng trưởng GDP và đã chuẩn bị các bước để thương lượng với phía Mỹ. 

Thứ trưởng Tài chính Thái Lan cho biết nước này không bất ngờ trước việc Mỹ áp thuế dù mức thuế cao hơn kỳ vọng; nhấn mạnh Thái Lan sẽ đàm phán với tinh thần hiểu biết lẫn nhau, tránh đối đầu và sẽ trao đổi cụ thể về các mặt hàng Mỹ coi là “không công bằng” để tìm hướng điều chỉnh phù hợp.

 

CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Trung Quốc họp thỏa thuận Tham vấn Hàng hải Quân sự (MMCA) với Mỹ, khẳng định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải 

Ngày 3/4, Nhóm Công tác thuộc Thỏa thuận Tham vấn Hàng hải Quân sự Trung – Mỹ (MMCA) họp thường niên 2025 về phối hợp an ninh hàng hải và hàng không giữa Trung Quốc và Mỹ. Hai bên rà soát việc thực hiện Biên bản Ghi nhớ (MOU) Trung – Mỹ về Quy tắc Ứng xử nhằm đảm bảo an toàn va chạm  trên không và trên biển, đồng thời thảo luận biện pháp cải thiện an ninh quân sự hàng hải giữa hai nước. 

Trung Quốc nhấn mạnh việc tàu và máy bay quân sự của Mỹ trinh sát và huấn luyện trên không và trên biển gần bờ biển Trung Quốc có thể gây hiểu lầm và nguy hại đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khẳng định tiếp tục phản ứng với tất cả các hành động khiêu khích dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và các quyền lợi hàng hải của Trung Quốc.

Campuchia-Ấn Độ thảo luận mở rộng hợp tác quốc phòng; Ấn Độ nhấn mạnh Campuchia là đối tác trọng yếu trong chính sách “Hành động Hướng Đông”

Ngày 1/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia và Đại sứ Ấn Độ tại Campuchia thảo luận việc tăng hợp tác quân sự. Cụ thể:  

  • Campuchia:
    • Đánh giá cao hợp tác quốc phòng, ghi nhận hỗ trợ của Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực quân đội Campuchia (RCAF).
    • Đồng ý với đề xuất của Ấn Độ về việc thiết lập văn phòng quốc phòng trong Đại sứ quán Ấn Độ tại Campuchia.
  • Ấn Độ:
    • Khẳng định Campuchia là đối tác trọng yếu trong chính sách “Hành động Hướng Đông” (Act East Policy);
    • Nhấn mạnh nhu cầu trao đổi thường xuyên các đoàn sĩ quan cấp cao quốc phòng giữa hai nước.

 

THỰC ĐỊA

Trung Quốc tập trận nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông quanh Đài Loan  

Ngày 2/4, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của PLA hoàn thành tập trận kiểm tra năng lực tác chiến chung gồm kiểm soát, phong tỏa liên hợp và tấn công chính xác của Lục quân, Hải quân, Không quân và tên lửa để áp sát xung quanh đảo Đài Loan.

Phía Đài Bắc lên án Trung Quốc và cho biết chưa thấy dấu hiệu của các cuộc tập trận bắn đạn thật.

Tàu nghiên cứu đa nhiệm Trung Quốc đi vòng quanh bờ biển phía nam Úc

Ngày 31/3, Thủ tướng Úc Anthony Albanese xác nhận thông tin tàu nghiên cứu đa nhiệm Trung Quốc đang di chuyển vòng quanh vùng đặc quyền kinh tế của Úc.

  • Ông cho biết các cơ quan quốc phòng Úc đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của tàu này;
  • Ông cũng cho rằng “đây không phải là lần đầu tiên một tàu nghiên cứu Trung Quốc đi quanh bờ biển Úc”.

Sky News cho biết tàu có một tàu ngầm công nghệ cao có thể được đưa xuống đáy biển để tìm kiếm cáp ngầm và đi theo đường cáp ngầm nối Sydney với Perth và tuyến cáp đang được xây dựng giữa Sydney, Melbourne, Adelaide và Perth.

 

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Micah McCartney: Philippines tăng hợp tác quân sự để đối phó với các hành động của Trung Quốc

Ngày 3/4, Newsweek đăng bình luận của Micah McCartney cho biết Philippines đang mở rộng mạng lưới hợp tác quân sự ở khu vực Đông Nam Á nhằm đối phó với các hành động quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Cụ thể: 

  • Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra, hệ thống ra-đa và thiết bị giám sát bờ biển thông qua chương trình Hỗ trợ An ninh Chính thức; Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược, Philippines đặt hai tàu khu trục tên lửa từ Hyundai Heavy Industries, dự kiến bàn giao lần lượt vào năm 2025 và 2026.
  • Ấn Độ cung cấp tên lửa hành trình BrahMos cho Philippines; Úc mở rộng quan hệ với Philippines, chuyển từ hợp tác chống khủng bố sang tập trung vào phòng thủ lãnh thổ và răn đe hàng hải, gồm các thỏa thuận hỗ trợ lực lượng và hậu cần, cùng các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ và Nhật Bản.

Lucio Pitlo: Ngoại giao yếu kém có thể dẫn đến khủng hoảng Biển Đông

Ngày 1/4, SCMP đăng tải bình luận của học giả Lucio Pitlo (Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines) về tình hình Biển Đông trong khuôn khổ Diễn đàn Bác Ngao 2025. Cụ thể:

  • Về tình hình khu vực:

+ Ngoại giao yếu kém và mức độ thiếu tin tưởng cao có thể dẫn đến việc các bên liên quan tại Biển Đông xử lý sai lầm các sự cố, dẫn đến khủng hoảng, nhất là khi khi các bên đối đầu cố gắng thử giới hạn và phản ứng của nhau;

+ Cách xây dựng lòng tin giữa các bên tranh chấp: lôi kéo sự tham gia của nhóm dân sự như chuyên gia thủy sản, nhà khoa học biển và cả các doanh nghiệp năng lượng tư nhân.

  • Về quan hệ Mỹ – Philippines – Trung Quốc:

+ Các cơ chế đối thoại giữa Trung Quốc và Philippines chủ yếu mang tính bị động.

+ Philippines không nên xem nhẹ lo ngại của Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng không nên đánh giá quá cao các hợp tác đồng minh thường xuyên mà Philippines đã tiến hành từ lâu.

+ Quan điểm “Philippines là con tốt hay quân cờ trên bàn cờ quốc tế” bị thổi phồng quá mức vàkhông giúp cải thiện quan hệ song phương.

  • Vai trò của Mỹ và Châu Âu:
  • Sự trỗi dậy của Trung Quốc với lực lượng Hải quân và Hải cảnh lớn nhất thế giới gây lo ngại trong số các cường quốc biển truyền thống như Mỹ.
  • Nếu thất bại trong việc xử lý vấn đề Biển Đông, các cường quốc biển không liên quan có thể can thiệp vào tranh chấp.

Phillips O’Brien: Kết quả mọi cuộc chiến ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phụ thuộc vào liên minh

Ngày 1/4, CSIS đăng bình luận của Phillips O’Brien, cho rằng kết quả của bất kỳ cuộc chiến nào ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ không do một cường quốc đơn lẻ quyết định mà phụ thuộc vào khả năng duy trì liên minh. Trong đó, Mỹ có lợi thế về số lượng đồng minh nhưng hạn chế do thiếu cam kết chiến đấu từ các đồng minh; Trung Quốc dù có ít đồng minh hơn nhưng có thể khai thác chia rẽ trong liên minh Mỹ.

Bản PDF tại đây