Tiêu điểm
- Trung Quốc lưu hành Công hàm phản bác Công hàm chung của Anh, Pháp và Đức trong Hồ sơ Thềm Lục địa Mở rộng của Philippines và Việt Nam.
- Hải cảnh Trung Quốc đối đầu Cảnh sát biển Philippines tại Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
- Thủ tướng Malaysia: ASEAN cần đoàn kết để đạt thỏa thuận chung về các mức thuế do Mỹ áp đặt.
- ASEAN và Trung Quốc họp Nhóm Làm việc COC tại Philippines.
- Philippines tiếp nhận tàu chiến mới từ Hàn Quốc và máy bay không người lái từ Úc.
Pháp lý
Trung Quốc lưu hành Công hàm phản bác Công hàm chung của Anh, Pháp và Đức trong Hồ sơ Thềm Lục địa Mở rộng của Philippines và Việt Nam
Ngày 8/4, Trung Quốc lưu hành Công hàm số D061/2025 nhằm phản bác Công hàm 052/25 của Anh, Pháp, Đức trong Hồ sơ Thềm Lục địa Mở rộng của Philippines và Việt Nam đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa mở rộng (CLCS).
Nội dung chính của Công hàm:
- Luật biển quốc tế đang phát triển, UNCLOS không điều chỉnh mọi vấn đề. Các quốc gia phải giải thích và áp dụng UNCLOS toàn diện, khách quan, công bằng. Mọi cách diễn giải phiến diện là không hợp pháp và có động cơ chính trị;
- Quần đảo xa bờ cấu thành một chỉnh thể pháp lý, dù UNCLOS không quy định rõ về quần đảo xa bờ của quốc gia lục địa, luật quốc tế chung vẫn tiếp tục điều chỉnh, cần được tôn trọng;
- UNCLOS không phủ nhận các quyền lịch sử đã hình thành trước đó. Việc UNCLOS đề cập đến “vịnh lịch sử” và “quyền lịch sử” cho thấy sự thừa nhận gián tiếp đối với các quyền này;
- Tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông chưa bao giờ bị đe dọa. Một số nước lợi dụng danh nghĩa này để khiêu khích và vi phạm quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc mới là nguyên nhân chính gây bất ổn;
- Hoạt động xây dựng đảo là hợp pháp, phù hợp với luật quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc;
- Phán quyết Trọng tài Biển Đông năm 2016 là vô hiệu, trái luật, vi phạm nguyên tắc đồng thuận quốc gia;
- Trung Quốc kiên định giải quyết tranh chấp qua đàm phán với các bên liên quan và thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) cùng ASEAN.
Trung Quốc và các quốc gia ASEAN họp Nhóm Làm việc về COC tại Manila
Ngày 11/4, GMA News đưa tin Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đàm phán về Bản đề xuất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) tại Manila, Philippines. Buổi đàm phán được thực hiện ở cấp nhóm kỹ thuật, do Trung Quốc và Malaysia đồng chủ trì. Bản đề xuất COC hướng đến thiết lập các quy tắc nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang và tránh nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trên Biển Đông.
Theo các nguồn tin ngoại giao, hiện tại, quá trình đàm phán đã đi đến vấn đề gây tranh cãi nhất, bao gồm phạm vi vùng biển tranh chấp và tính ràng buộc của COC.
Thực địa
Hải cảnh Trung Quốc và Cảnh sát biển Philippines đối đầu tại Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham
Ngày 8/4, Quân đội Trung Quốc (PLA) đăng thông tin về sự cố đối đầu giữa tàu Hải cảnh Trung Quốc (CCG) và tàu Cảnh sát biển Philippines (PCG). Thông tin từ phía Trung Quốc cho biết, tàu PCG (MRRV-4409) đã có những hành động nguy hiểm ở khoảng cách gần với tàu Thuyền Sơn của CCG. Từ phía Philippines, tàu tuần tra PCG (MRRV-4409), khi đang trên đường đến khu vực phía Tây Nam Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, bị tàu CCG 3302 bám theo và thực hiện những hành động nguy hiểm gần mũi tàu.
Hải quân Philippines hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế đến Bãi Cỏ Mây mà không gặp phải bất kỳ can thiệp nào
Ngày 11/4, Lực lượng Vũ trang Philippines cho biết Hải quân Philippines phối hợp với PCG hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế đến tiền đồn quân sự tại Bãi Cỏ Mây mà không bị can thiệp. Hai lực lượng đã cung cấp lương thực và trao đổi quân nhân cho tàu BRP Sierra Madre.
Chuyên mục về phản ứng của các quốc gia trước chính sách thuế quan mới của Mỹ
Thủ tướng Malaysia: ASEAN cần đoàn kết để đạt được thỏa thuận chung về các mức thuế do Mỹ áp đặt
Ngày 7/4, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim kêu gọi các thành viên ASEAN không nên xem nhẹ vấn đề chính quyền Trump áp đặt thuế đối ứng lên các nước thành viên, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu hiện nay đang có nhiều bất ổn. Cụ thể:
- Thủ tướng cho rằng phương pháp xác định thuế của Mỹ còn thiếu sót và dựa trên cơ sở không vững chắc. Tuy nhiên, Malaysia chọn cách tiếp cận ôn hòa để mở cơ hội thảo luận và xem xét ngoại lệ;
- Thủ tướng nhấn mạnh sức mạnh của khối ASEAN với dân số 640 triệu người và nền kinh tế thuộc hàng đầu thế giới với mức tăng trưởng ổn định trong khu vực.
Thủ tướng Singapore: Mỹ không nên đối xử với đối tác lâu năm như vậy
Ngày 8/4, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong phát biểu liên quan đến chính sách thuế quan mới của Mỹ, cho biết:
- Đây không phải là cách Mỹ nên đối xử với một “người bạn lâu năm” như Singapore.
- Singapore sẽ không trả đũa bằng các biện pháp thuế quan nhưng cũng Singapore không có khả năng đàm phán lại mức thuế phổ quát 10% do Mỹ áp đặt;
Chính phủ Singapore sẽ làm tất cả để “vượt qua sóng gió” và không để ai bị bỏ lại phía sau. – gộp hết vào 1 ý SGP làm gì đi
Trung Quốc công bố Sách Trắng kêu gọi Mỹ giải quyết bất đồng qua đối thoại
Ngày 9/4, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách Trắng “Lập trường của Trung Quốc về một số vấn đề liên quan đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ”. Cụ thể:
- Trung Quốc đã nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận Giai đoạn Một (2020), bao gồm bảo vệ sở hữu trí tuệ, cấm ép buộc chuyển giao công nghệ, mở rộng tiếp cận thị trường, ổn định tỷ giá, tăng nhập khẩu từ Mỹ. Trong khi đó, Mỹ không thực hiện đầy đủ cam kết trong Thỏa thuận, bao gồm hạn chế xuất khẩu công nghệ, áp đặt thuế quan mới và các biện pháp trừng phạt không công bằng, cản trở nhập khẩu từ Trung Quốc;
- Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt WTO và bảo vệ thương mại tự do. Trong khi đó, Mỹ hành động theo chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ;
- Trung Quốc kêu gọi đối thoại bình đẳng và hợp tác cùng có lợi, kêu gọi Mỹ tôn trọng nguyên tắc thị trường, luật pháp quốc tế, và hành động phù hợp với lợi ích hai nước và thế giới.
An ninh-Quốc phòng
Philippines tiếp nhận tàu chiến mới từ Hàn Quốc và 20 máy bay không người lái từ Úc
Ngày 9/4, Inquirer cho biết Quân đội Philippines tiếp nhận tàu hộ vệ tên lửa BRP Miguel Malvar (FFG-06) cập cảng Subic và sẽ được biên chế để tuần tra Biển Đông và phía Bắc Luzon. Đây là một trong hai tàu theo đơn đặt hàng của Philippines với Tập đoàn Hyundai Heavy Industries (HHI) của Hàn Quốc vào năm 2021. Trước đó, ngày 8/4, PCG đã nhận 20 máy bay không người lái trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực biển do Chính phủ Úc hỗ trợ.
Thủ tướng Nhật Bản gặp Tổng Thư ký NATO: Cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng
Ngày 9/4, Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba gặp Tổng Thư ký NATO Mark Rutte, cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nga. Theo đó, hai bên:
- Ưu tiên phát triển công nghệ lưỡng dụng, công nghệ tiên tiến, chuẩn hóa hệ thống, và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực không gian, phòng thủ mạng, AI và máy bay không người lái;
- Chỉ trích quan hệ quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Triều Tiên và Nga, bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, kêu gọi Trung Quốc minh bạch quân sự và hợp tác kiểm soát vũ khí;
- Phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông; kêu gọi duy trì hòa bình tại Eo biển Đài Loan.
Tập đoàn quốc phòng Norinco (Trung Quốc) phát triển hệ thống phòng thủ có thể đánh chặn máy bay không người lái, tên lửa hành trình, đạn cối, máy bay và trực thăng
Ngày 11/4, South China Morning Post đăng tin cho biết Tập đoàn quốc phòng Norinco (Trung Quốc) phát triển hệ thống phòng thủ có thể đánh chặn máy bay không người lái, tên lửa hành tình, đạn cối, máy bay và trực thăng, cụ thể gồm:
- Hệ thống phòng thủ tích hợp ra-đa, phát hiện quang học, kiểm soát hỏa lực và quản lý tích hợp;
- Hệ thống được lắp trên xe tải, xe bọc thép, tàu hải quân và các cơ sở cố định, được xác định như một lớp bảo vệ phòng không cơ động trên đường bộ được tích hợp trong các đơn vị cơ giới.
GÓC NHÌN QUỐC TẾ
Châu Ba: Trung Quốc có lợi thế ở Eo biển Đài Loan; Sự trỗi dậy của Trung Quốc là “không thể ngăn cản”
Ngày 8/4, South China Morning Post đăng tải bình luận của học giả Châu Ba (Zhou Bo), Đại học Thanh Hoa về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cụ thể:
- Trung Quốc có lợi thế thời gian trong vấn đề Đài Loan, do yếu tố địa lý không thể thay đổi và quân đội Trung Quốc đang dần phát triển thành một “hải quân toàn cầu”. Ngoài Đài Loan, hai mục tiêu thúc đẩy Trung Quốc phát triển năng lực quân sự gồm (i) bảo vệ lợi ích ở nước ngoài, và (ii) gánh vác trách nhiệm quốc tế;
- Quan hệ tam giác Mỹ-Trung-Đài Loan: (i) Mỹ, đặc biệt dưới thời Trump 2.0, gây áp lực buộc Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng, đề xuất mức 10% GDP; (ii) Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời và sẽ thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết; (iii) Việc Đài Loan mua thêm vũ khí từ Mỹ chủ yếu mang tính tượng trưng, khó thay đổi thực tế địa lý và tương quan lực lượng. Tuy nhiên, do tầm quan trọng địa chính trị đối với cả hai cường quốc, nguy cơ xảy ra một sự kiện châm ngòi dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ tại eo biển Đài Loan trên thực tế lại ít khả năng xảy ra hơn;
- Biển Đông được nhận định là khu vực nguy hiểm hơn nhiều so với Đài Loan vì rủi ro xảy ra va chạm ngoài ý muốn có thể leo thang thành chiến tranh;
- Trung Quốc đang giảm phụ thuộc vào Mỹ về kinh tế và công nghệ, đồng thời thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân và công nghệ cao. Trung Quốc trỗi dậy không phải vì Mỹ thất bại, mà vì Mỹ không còn đủ tập trung do đang “mệt mỏi địa chính trị” và bị các đồng minh kìm hãm trong quá trình tái cơ cấu chiến lược.
Đĩnh Đạc: Vụ kiện của Philippines cho thấy Mỹ thao túng nước nhỏ, dùng pháp lý chiến
Ngày 10/4, ChinaDaily đăng bình luận của học giả Đĩnh Đạc (Ding Duo, Viện Nam Hải), cho rằng bình luận gần đây của CSIS về vụ kiện môi trường Biển Đông của Philippines cho thấy Mỹ đang thao túng nước nhỏ và dùng pháp lý chiến vì mục đích riêng.
- Một học giả CSIS gần đây bình luận:
- Philippiknes nên cân nhắc đệ đơn kiện rộng hơn, tập trung vào nhiều vấn đề hơn là môi trường, hướng về yếu sách biển của Trung Quốc, vừa tránh tiêu chuẩn kép, vừa dễ được ủng hộ quốc tế.
- Đây là một trong những biểu hiện cho thấy Mỹ vẫn đứng đằng sau, thao túng nước nhỏ vì lợi ích của mình:
- Luật pháp quốc tế trong tay Mỹ là công cụ đánh bại đối thủ, Vụ kiện BĐ 2016 được Mỹ chỉ đạo chặt chẽ;
- Những thách thức pháp lý của Philippines đối với Trung Quốc do Mỹ đẩy ít liên quan đến luật mà thiên về địa chính trị. Ví dụ, Mỹ cũng gây ô nhiễm biển, không phê chuẩn UNCLOS...
Marcus Loh: Chuyến thăm khu vực của BTQP Mỹ chưa hóa giải được lo ngại của ASEAN về can dự của Mỹ tại khu vực
Ngày 9/4, AsiaTimes đăng bình luận của học giả Singapore Marcus Loh, cho rằng chuyến thăm khu vực của BTQP Mỹ chưa hóa giải được lo ngại của ASEAN về can dự của Mỹ.
- Lo ngại 1: Mỹ quan tâm nhiều hơn đến kinh tế, sẵn sàng đánh đổi lợi ích chính trị.
- Lo ngại 2: Mỹ tập trung quá nhiều vào can dự quân sự, biến khu vực ngày càng giống vòng cung ngăn chặn thời Chiến tranh Lạnh.
- Lo ngại 3: Mỹ thiếu trụ cột về ngoại giao toàn diện, chưa đưa ra chính sách kinh tế đáng tin cậy cho ASEAN, có khả năng khiến các nước trung cường xa lánh.
Học giả nhận định ASEAN muốn: (i) Mỹ có thể ngăn chặn Trung Quốc đồng thời trấn an khu vực; (ii) Mỹ duy trì các quy tắc quốc tế mà không gây ra chiến tranh; (iii) Mỹ đầu tư vào sự thịnh vượng chung, dựa trên kiến trúc an ninh vững chắc.