Bản tin tuần Biển Đông (28/04-06/05/2025)

TIÊU ĐIỂM

  1. Việt Nam phản đối các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam với đá Hoài Ân và các thực thể khác ở Trường Sa.
  2. Philippines kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và bác bỏ tuyên bố về đá Hoài Ân.
  3. Cảnh sát biển Philippines giăng cờ ở khu vực đảo Thị Tứ.
  4. Philippines cảnh báo Trung Quốc về “lằn ranh đỏ” ở Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

 

THỰC ĐỊA

Philippines giăng cờ ở khu vực đảo Thị Tứ

Ngày 27/4, Người phát ngôn (NPN) Cảnh sát biển (CSB) Philippines Jay Terriela đăng trên mạng xã hội X cho biết Hải quân, CSB và lực lượng hàng hải của Cảnh sát Quốc gia Philippines đã triển khai hoạt động hàng hải liên cơ quan ở các đá Tri Lễ, Hoài Ân và Cái Vung. Bốn nhóm tham gia hoạt động hàng hải đã giương cờ trên các bãi đá và cho biết các tàu Trung Quốc gồm tàu hải cảnh và bảy tàu dân binh biển xuất hiện quanh các bãi đá này.

Cùng ngày, NPN Cục Hải cảnh Trung Quốc cho biết Philippines phớt lờ cảnh cáo và ngăn chặn của Trung Quốc, đổ bộ “trái phép” lên đá Hoài Ân. Ông cũng khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền” và cho rằng hành động của Philippines vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc, vi phạm DOC, phá hoại hòa bình ổn định tại Biển Đông.

Philippines cảnh báo Trung Quốc về “lằn ranh đỏ” ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham

Ngày 6/5, tại sự kiện trực tuyến về Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, NPN Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines cho biết bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm tiến hành xây dựng để biến Bãi cạn thành một hòn đảo sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” của Philippines và gây ra bất ổn trong khu vực. Ông bày tỏ mong muốn Trung Quốc sẽ duy trì việc thực hiện và tuân thủ DOC.

Tàu Trung Quốc tiến hành nghiên cứu trong vùng Philippines yêu sách EEZ

Ngày 5/5, CSB Philippines cho biết phát hiện tàu nghiên cứu Trung Quốc Tan Suo 3 đi vào vùng Philippines yêu sách EEZ vào ngày 1/5, cách bờ biển Burgos, Ilocos Norte 92 hải lý. CSB nhận định hoạt động của tàu không phải tự do hàng hải và đang thực hiện nghiên cứu biển trái phép.

CSB Philippines sau đó triển khai hoạt động thực thi luật biển và phát hiện phía Trung Quốc có tàu lặn biển sâu cùng một thiết bị được cho là liên quan đến hoạt động nghiên cứu biển.

Trung Quốc điều máy bay trực thăng để xua đuổi máy bay dân sự Nhật tại Senkaku/Điếu Ngư

Ngày 4/5, trang tin chính thức của quân đội Trung Quốc (China Military) đưa tin về việc CSB Trung Quốc điều động máy bay trực thăng để xua đuổi máy bay dân sự Nhật Bản tại Senkaku/Điếu Ngư.

Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Ngô Giang Hạo đã đưa ra phản đối chính thức với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takehiro Funakoshi liên quan đến việc máy bay dân sự Nhật Bản “xâm nhập” không phận Senkaku/Điếu Ngư.

 

CHÍNH TRỊ-NGOẠI GIAO

Việt Nam phản đối hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam với đá Hoài Ân và các thực thể khác ở Trường Sa

Ngày 3/5, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước hoạt động của Trung Quốc và Philippines tại khu vực đá Hoài Ân, đá Tri Lễ và đá Cái Vung thuộc quần đảo Trường Sa, NPN Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:

  • Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế;
  • Việc các bên liên quan cho người lên thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam là hành vi xâm phạm chủ quyền, đi ngược lại DOC và nỗ lực đàm phán COC;
  • Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, cam kết sẵn sàng cùng các bên liên quan giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình;
  • Việt Nam đã giao thiệp và trao Công hàm phản đối các quốc gia liên quan về các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với đá Hoài Ân và các thực thể liên quan khác của Trường Sa.

Philippines kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và bác bỏ tuyên bố về đá Hoài Ân

Ngày 3/5, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines (NMC) kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời bác bỏ thông tin sai lệch về việc Trung Quốc “chiếm giữ” đá Hoài Ân.

NMC khẳng định kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại Biển Đông; nhấn mạnh Trung Quốc sử dụng truyền thông nhà nước để tung tin sai lệch nhằm “đánh lừa cộng đồng quốc tế”.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-Philippines: tiếp tục hợp tác về an ninh, tăng cường hợp tác về kinh tế, phản đối các hành động thay đổi nguyên trạng Biển Đông

Ngày 29/4, Nhật Bản và Philippines tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản sang Philippines. Hai lãnh đạo khẳng định:

  • Nhất trí thúc đẩy thảo luận phục vụ việc hoàn thiện Hiệp định An ninh Thông tin;
  • Tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ chương trình Viện trợ An ninh Chính thức và trên nhiều phương diện như trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, an toàn hàng hải (trong đó có huấn luyện chung ba bên Nhật-Philippines-Mỹ);
  • Tiếp tục tăng hợp tác kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, năng lượng, khoáng sản, quản trị thiên tai, nông sản và phát triển hạ tầng; Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ quan tâm tới tiếng nói của các quốc gia Đông Nam Á trong các vấn đề kinh tế;
  • Phản đối các nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng Biển Đông và Biển Hoa Đông, tiếp tục trao đổi để tăng hợp tác hiện thực hoá Ấn-Thái rộng mở và hợp tác ba bên Nhật-Philippines-Mỹ.

Trung Quốc triệu Đại sứ Philippines yêu cầu giải trình về vấn đề Đài Loan

Ngày 29/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu Đại sứ Philippines để trình bày chính thức về các động thái tiêu cực gần đây của Philippines về vấn đề Đài Loan.

Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines phản đối nội dung phát ngôn của Đô đốc Hải quân Philippines Roy Vincent Trinidad trước đó (cho biết Philippines đang đàm phán về “hợp tác quốc tế” với Đài Loan) và đưa ra cảnh báo sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu tiếp tục có những động thái này.

 

KINH TẾ-CÔNG NGHỆ

Phái đoàn kinh tế cấp cao Philippines đàm phán thuế quan với Mỹ

Ngày 3/5, Đại sứ quán Philippines tại Mỹ đưa tin Phái đoàn kinh tế cấp cao của Philippines gặp và đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Đại sứ quán Philippines cho biết hai bên đồng ý thực hiện các bước cụ thể nhằm công nhận tính bổ sung của nền kinh tế hai nước và giá trị chiến lược liên minh Mỹ-Philippines.

 

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Cynthia Mehboob (ASPI): Khai thác biển sâu là mặt trận cạnh tranh mới; thách thức của Úc không phải Trung Quốc mà là chủ nghĩa đơn phương

  • Ngày 28/4, ASPI đăng bài của Cynthia Mehboob, cho rằng khai thác biển sâu là mặt trận cạnh tranh chiến lược mới tại Thái Bình Dương, không phải cáp ngầm đáy biển.
  • Một số diễn biến gần đây của Mỹ và TQ cho thấy các nước đang cạnh tranh về khai thác khoáng sản tại đáy biển, không chỉ về cáp ngầm.
  • Các diễn biến đe doạ quy chuẩn, luật pháp quốc tế; có thể gây hư hỏng vật lý cho cáp biển và hủy hoại môi trường biển; Tiền lệ đơn phương của Mỹ sẽ khuyến khích các nước khác hành xử tương tự, bỏ qua ISA; các nước đảo quốc Thái Bình Dương thêm chia rẽ, chịu áp lực lớn hơn từ nước lớn về khai thác;
  • Úc không nên quan ngại về việc tàu Trung Quốc lập bản đồ cáp biển vì hầu hết các tuyến đều công khai mà nên quan ngại về chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa khai thác thương mại làm sói mòn luật lệ; phải hợp tác với Thái Bình Dương để xây dựng bộ tiêu chuẩn cho khu vực, chủ động triệu tập đối thoại về vấn đề này.

Tống Hải Ninh: Trung Quốc và Hàn Quốc có yêu sách chồng lấn nhưng có năng lực xử lý thỏa đáng

Ngày 29/4, thời báo Hoàn Cầu đăng bài bình luận của Tống Hải Ninh, cụ thể:

  • Trung Quốc và Hàn Quốc đều có năng lực về kinh tế biển, công nghiệp biển và khoa học biển; lợi ích chung của hai bên trong việc phát triển, khai thác và bảo vệ biển sẽ trở nên nổi bật hơn trong tương lai;
  • Trung Quốc và Hàn Quốc có chồng lấn về yêu sách quyền lợi biển, hoạt động trên không và trên biển của hai nước cũng có bất đồng. Hai nước luôn cam kết thông qua đàm phán hiệp thương xử lý thỏa đáng vấn đề, cùng duy trì tình hình ổn định trên biển;
  • Từ 2015, hai bên đã khởi động đàm phán phân định vùng biển; năm 2021, hai bên tổ chức hội nghị đầu tiên của cơ chế đối thoại hợp tác các vấn đề trên biển; năm 2023 hai bên tổ chức vòng tham vấn các vấn đề trên biển lần đầu tiên… cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc có năng lực, mong muốn và biện pháp để xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.