Bản tin tuần Biển Đông (14/03-24/03/2025)

TIÊU ĐIỂM:

  1. Trung Quốc tập trận quân sự gần Đài Loan, có 43 máy bay vượt qua “đường trung tuyến” trên eo biển Đài Loan.
  2. Philippines lên kế hoạch chuyển đổi hai đảo Grande và Chiquita thành căn cứ quân sự nhằm tăng hiện diện ở vùng biển hướng ra Biển Đông.
  3. Tuyên bố chung và Tuyên bố về An ninh biển của Ngoại trưởng các nước G7 nhấn mạnh Trung Quốc cần dừng các hoạt động nguy hiểm gây ảnh hưởng đến an toàn và an ninh biển.
  4. Mỹ chuẩn bị tăng hiện diện tàu ngầm ngoài bờ biển Úc theo thỏa thuận AUKUS.
  5. Philippines lưu hành Công hàm tại Liên hợp quốc nhằm phản hồi Công hàm của Malaysia trong Hồ sơ Thềm Lục địa Mở rộng Philippines.

 

Thực địa

Trung Quốc tập trận gần Đài Loan, có 43 máy bay vượt qua “đường trung tuyến” trên eo biển Đài Loan 

Ngày 17/3, Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc tập trận quân sự gần Đài Loan với 28 máy bay các loại thực hiện các hoạt động trên biển. Ngày 18/3, Cơ quan này công bố bản đồ đường bay phát hiện 59 máy bay chiến đấu và máy bay không người lái trong tập trận ngày 17/3. Trong đó, 43 máy bay vượt qua “đường trung tuyến” trên eo biển Đài Loan và một vài máy bay đi vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) Đài Loan.

Trước đó, Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức gọi Trung Quốc là “lực lượng thù địch nước ngoài” trong bài phát biểu ngày 13/3.

Đài Loan tập trận sẵn sàng chiến đấu đối phó với áp lực từ Trung Quốc và chiến thuật chiến tranh vùng xám

Ngày 18/3, Đài Loan tập trận sẵn sàng chiến đấu kéo dài năm ngày. Bộ trưởng BQP Đài Loan Wellington Koo Li-hsiung cho biết tập trận đã được lên kế hoạch trước, nhằm cải thiện khả năng ứng phó của Đài Loan trước các hành động khiêu khích từ quân đội Trung Quốc (PLA). Tập trận bao gồm “các điều chỉnh theo thời gian thực” (real-time adaptations) để quân đội tinh chỉnh chiến lược khi ứng phó với PLA.

Philippines lên kế hoạch chuyển đổi hai đảo Grande và Chiquita thành căn cứ quân sự nhằm tăng hiện diện ở vùng biển hướng ra Biển Đông

Ngày 20/3, BQP Philippines xem xét chuyển đổi hai đảo Grande và Chiquita ở Vịnh Subic (căn cứ hải quân Mỹ dừng hoạt động từ 1991) thành căn cứ quân sự hướng ra Biển Đông. Theo BQP Philippines, đảo Grande có vị trí chiến lược với tầm nhìn hướng ra các tuyến hàng hải trọng yếu trên Biển Đông, gồm khu vực Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.


Chính trị - Ngoại giao:

Tuyên bố chung và Tuyên bố về An ninh biển của Ngoại trưởng các nước G7 nhấn mạnh Trung Quốc cần dừng các hoạt động nguy hiểm gây ảnh hưởng đến an toàn và an ninh biển

Ngày 14/3, Ngoại trưởng các nước G7 ra Tuyên bố chungTuyên bố về An ninh biển, trong đó:

  • Lo ngại về Biển Đông và Biển Hoa Đông, phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi thực trạng khu vực, gồm sử dụng vũ lực và cưỡng ép;
  • Lo ngại về các động thái nguy hiểm và sử dụng vòi rồng với tàu thuyền Philippines và Việt Nam;
  • Lo ngại việc Trung Quốc tăng quân sự và vũ khí hạt nhân; Lên án các hành động trái phép, gây hấn, cưỡng ép và nguy hiểm gây bất ổn khu vực;
  • Nhắc lại phán quyết Tòa Trọng tài 2016 và nhấn mạnh các nước trong khu vực đang phân định biển cần hạn chế các hành động đơn phương gây ảnh hưởng đến môi trường biển;
  • Nhấn mạnh Trung Quốc không nên tiến hành hoặc dung túng cho các hoạt động nhằm phá hoại an ninh và an toàn của cộng đồng và tính toàn vẹn của các thể chế dân chủ.

Ngày 17/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Tuyên bố chung Ngoại trưởng các nước G7 “xuyên tạc sự thật và can dự vào nội bộ Trung Quốc”.

Philippines kêu gọi Ấn Độ và Hàn Quốc gia nhập Squad, khẳng định Philippines và Ấn Độ có kẻ thù chung là Trung Quốc

Ngày 19/3, tại Đối thoại Raisina, Tướng Romeo S. Brawner, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines  cho biết Squad (Mỹ, Nhật, Úc, Philippines) đang nỗ lực mở rộng phạm vi nhóm với Ấn Độ và Hàn Quốc. Ông cũng cho biết Philippines và Ấn Độ có “kẻ thù chung” (common enemy) là Trung Quốc. Ấn Độ và Hàn Quốc chưa đưa ra phản hồi về các bình luận từ phía Philippines.

EU và Nhật Bản đồng tổ chức Hội thảo về “hoạt động vùng xám” ở Đông Nam Á

Ngày 17/3, NHK đưa tin Liên minh Châu Âu và Nhật Bản dự kiến đồng tổ chức Hội thảo “Quản lý hoạt động vùng xám” dành cho cảnh sát biển các quốc gia Đông Nam Á trong hai ngày 25, 26/3 tại Bangkok, Thái Lan. Chủ đề Hội thảo gồm (i) tầm quan trọng của cảnh sát biển, (ii) tuân thủ luật pháp trong nước khi xử lý các tàu thuyền đi vào lãnh hải; (iii) áp dụng luật pháp quốc tế khi xử lý thiệt hại đối với các tuyến cáp ngầm.

Hội nghị Ngoại trưởng Trung-Nhật Hàn: Tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy AOIP vào hoạt động hợp tác với Trung Quốc và Hàn Quốc

Ngày 22/3, trong Tuyên bố chung Hội nghị Ngoại trưởng ba bên Trung-Nhật-Hàn lần thứ mười một tại Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhật Bản Iwaya bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời tiếp tục tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Ông cũng muốn hỗ trợ thúc đẩy và đưa Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) vào hoạt động hợp tác với Trung Quốc và Hàn Quốc.

 

An ninh – Quốc phòng

Mỹ chuẩn bị tăng hiện diện tàu ngầm ngoài bờ biển Úc theo thỏa thuận AUKUS

Ngày 16/3, Reuters cho biết tàu ngầm Mỹ USS Minnesota - một trong bốn tàu ngầm Virginia đến căn cứ hải quân ở Tây Úc theo thỏa thuận AUKUS. Khoảng 50-80 quân nhân Hải quân Mỹ sẽ đến căn cứ HMAS Stirling ở Tây Úc vào giữa năm nay và sẽ tăng lên trong hai năm tới. Căn cứ quân sự của Úc cũng sẽ được nâng cấp lên 5 tỷ USD để chuẩn bị cho “lực lượng luân chuyển tàu ngầm phương Tây”.

 

Pháp lý

Philippines lưu hành công hàm tại Liên hợp Quốc nhằm phản hồi công hàm của Malaysia trong Hồ sơ Thềm Lục địa Mở rộng Philippines

Ngày 19/3, Philippines lưu hành công hàm số 244-2025 tại Liên hợp quốc nhằm phản hồi công hàm của Malaysia ngày 27/6/2024 trong Hồ sơ Thềm Lục địa Mở rộng của Philippines năm 2024. Philippines khẳng định nước này có quyền thiết lập ranh giới ngoài của thềm lục địa tại khu vực Tây Palawan theo UNCLOS 1982 và chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền với khu vực Bắc Borneo (phần lãnh thổ mà Malaysia tuyên bố quyền sở hữu trong công hàm).

 

Kinh tế - Công nghệ:

Trung Quốc xây dựng các trang trại trên biển củng cố an ninh lương thực

Ngày 16/3, Thời báo Hoàn cầu đăng tin về việc Trung Quốc xây dựng các trang trại chăn nuôi công nghệ cao trên biển. Đây là nỗ lực của Trung Quốc trong việc đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm. Tính đến nay, Trung Quốc đã xây dựng hơn 180 trang trại biển cấp quốc gia.

 

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Curie Maharani & Wendy A. Prajuli (ORF): Trump sẽ theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang tính hiếu chiến; ASEAN nên hợp tác với Ấn Độ

Ngày 17/3, Curie Maharani & Wendy A. Prajuli đăng bài trên ORF, nhận định nhiệm kỳ mới của Trump có thể làm tăng căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đẩy ASEAN ra ngoài lề, gây gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư của ASEAN. Cụ thể:

  • Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước thuế quan của Mỹ, trong khi những quốc gia có cách tiếp cận thận trọng như Indonesia và Malaysia có thể gặp khó khăn trong việc duy trì vai trò của mình. Philippines là nước duy nhất có thể hưởng lợi từ mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ;
  • ASEAN cần tăng đoàn kết, củng cố vai trò trung tâm và thúc đẩy hợp tác khu vực. Việc hợp tác với Ấn Độ, quốc gia có chính sách “Hành động hướng Đông” phù hợp với lợi ích của ASEAN, có thể giúp khu vực duy trì ổn định;
  • Quan hệ Ấn Độ-ASEAN cần phát triển hơn nữa, đặc biệt trong hợp tác biển gồm cải thiện hạ tầng biển, liên kết vận tải biển và hợp tác quân sự. Tuy nhiên, một số thách thức như việc Ấn Độ do dự tham gia RCEP và quan điểm thận trọng của ASEAN với nhóm Quad có thể cản trở hợp tác sâu rộng hơn.

Benjamin E.Goldsmith: Chính quyền Trump 2.0 có thể làm suy yếu dân chủ Mỹ và trật tự quốc tế từ sau Thế chiến II

Ngày 17/3, GS. Benjamin E. Goldsmith (ĐH Quốc gia Úc) đăng trên E-IR bài bình luận về việc Trump tái đắc cử đánh dấu bước ngoặt có thể chấm dứt mô hình dân chủ tự do truyền thống của Mỹ. Bài viết dự đoán rằng:

  • Mỹ có thể chuyển hướng sang một mô hình “dân chủ phi tự do”;
  • Nếu Mỹ phi dân chủ cùng với Trung Quốc và Nga, trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc tự do sau Thế chiến II sẽ sụp đổ.

Ding Duo (Viện Nam Hải): Mỹ có thể bỏ rơi liên minh quân sự Mỹ-Philippines, Hiệp ước Phòng thủ chung còn mơ hồ

Ngày 18/3, China Daily đăng tải bình luận của học giả Trung Quốc Ding Duo (Viện Nam Hải) về những điểm yếu trong liên minh quân sự Mỹ-Philippines và sự mơ hồ của Hiệp ước Phòng thủ Chung (MDT):

  • Gói tài trợ quân sự Mỹ chỉ 300 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với 12 tỷ USD hỗ trợ Israel, cho thấy Philippines không phải ưu tiên chiến lược của Mỹ;
  • Việc mở rộng căn cứ quân sự theo Thỏa thuận EDCA gây bất ổn nội bộ, dẫn đến biểu tình phản đối tại Cagayan năm 2023;
  • Mỹ duy trì “mơ hồ có chủ đích” về cam kết bảo vệ Philippines, như đã từng từ chối hỗ trợ Nam Việt Nam trong trận Hoàng Sa 1974.

Thẩm phán ITLOS Horinouchi Hidehisa: UNCLOS đóng vai trò quan trọng nhằm củng cố các quyền và chủ quyền trên biển của Campuchia

Ngày 18/3, Khmer Times đăng ý kiến của Thẩm phán ITLOS Horinouchi Hidehisa trong bài giảng công khai về “Củng cố UNCLOS hướng tới hợp tác hàng hải”. Thẩm phán cho rằng:

  • Để hợp tác biển hiệu quả, Campuchia nên gia nhập UNCLOS để có các quyền cụ thể cùng với các nước xung quanh;
  • Tham gia UNCLOS sẽ mang lại các quyền và nghĩa vụ rõ ràng và nhất quán hơn, đặc biệt liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Campuchia và các thỏa thuận hợp tác nghề cá và dầu khí trong tương lai;
  • UNCLOS sẽ củng cố vị thế pháp lý của Campuchia trong các cuộc đàm phán với Việt Nam và Thái Lan, do Campuchia có thể khẳng định các quyền của nước này theo UNCLOS.

Trạch Côn (Đại học Bắc Kinh): Mỹ sẽ áp dụng đối sách riêng biệt với từng quốc gia với các nước ASEAN, làm tăng căng thẳng chiến lược giữa Mỹ và ASEAN; Các quốc gia ASEAN tiếp tục thực hiện chiến lược cân bằng giữa các cường quốc

Ngày 19/3, Đại học Thanh Hoa đăng bình luận của học giả Trạch Côn (Đại học Bắc Kinh) về chính sách của Mỹ với các nước ASEAN và các biện pháp đối phó của ASEAN với chính quyền Trump 2.0. Cụ thể:

  • Mỹ sẽ thực hiện “đối sách riêng biệt với từng quốc gia” với các nước ASEAN, tùy theo lập trường của các nước này trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc;
  • Mỹ chắc chắn sẽ từ bỏ khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) của Biden, chuyển sang các hiệp định song phương với từng thành viên ASEAN;
  • Mỹ sẽ tăng căng thẳng chiến lược với Đông Nam Á gồm: (i) căng thẳng mang tính tổng thể (chủ nghĩa giao dịch, chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bá quyền); (ii) căng thẳng mang tính đặc thù (không tôn trọng “vai trò trung tâm” của ASEAN, bỏ qua chủ nghĩa đa phương mà ASEAN theo đuổi, trả đũa các nước duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc);
  • Các nước ASEAN nói chung bình tĩnh ứng phó với các thách thức của “Trump 2.0”, tiếp tục “cân bằng nước lớn” và “kết nối có chọn lọc” với Mỹ và Trung Quốc.

Bản PDF tại đây