Bản tin tuần Biển Đông (08/03-13/03/2025)

Tiêu điểm

  1. Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Indonesia và Singapore.
  2. Philippines tập trận đơn phương gần Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
  3. Anh, Pháp và Đức lưu hành Công hàm chung trong các hồ sơ Thềm lục Địa Mở rộng đệ trình bởi Philippines và Việt Nam, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
  4. Slovenia trở thành quốc gia thứ 28 công khai ủng hộ Phán quyết Trọng tài Vụ kiện Biển Đông năm 2016.
  5. Bộ Ngoại giao Philippines bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng các hành động của Philippines ở Biển Đông là do bên thứ ba thúc đẩy.

 

Thực địa

Philippines tập trận gần Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham

Ngày 10/3, Hải quân Philippines tập trận tại phía Đông Nam của Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, sử dụng tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường BRP Jose Rizal (FF150), tàu tuần tra xa bờ BRP Ramon Alcaraz (PS16) và bến đổ bộ (landing dock) BRP Tarlac (LD601). Các hoạt động gồm bắn đạn thật, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa.

 

Chính trị - Ngoại giao

Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Indonesia và Singapore

Từ 9 đến 13/3, trong hai chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Indonesia và Singapore, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với cả hai nước. Tuyên bố chung VN-IndonesiaTuyên bố chung VN-Singapore nhấn mạnh các nước đều mong muốn duy trì hòa bình, tự do hàng hải-hàng không ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên trong khu vực giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế (gồm UNCLOS), thực hiện đầy đủ DOC và thúc đẩy đàm phán COC thực chất, có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, Indonesia cho biết sẽ phê chuẩn Thỏa thuận phân định Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) với VN vào tháng 4/2025.

Đa số người dân Philippines ủng hộ ứng cử viên bảo vệ quyền lợi của Philippines trong tranh chấp Biển Đông

Ngày 7/3, GMA Network đưa tin kết quả khảo sát do một tổ chức nghiên cứu xã hội tại Philippines có tên “Social Weather Stations” tiến hành toàn quốc từ 15 đến 19/2/2025. Kết quả chỉ ra rằng 78% người dân bỏ phiếu cho những ứng cử viên bảo vệ quyền lợi quốc gia này trước Trung Quốc ở Biển Đông; 77% đồng ý Philippines nên tăng cường quan hệ với đồng minh.

Ngoại trưởng Anh tiếp Ngoại trưởng Philippines: Anh cam kết hỗ trợ Philippines chống lại các hành động cưỡng ép ở Biển Đông

Ngày 8/3, Ngoại trưởng Anh David Lammy gặp người đồng cấp Philippines Enrique Manalo. Hai bên thảo luận về hợp tác kinh tế, quốc phòng và biến đổi khí hậu. Anh cam kết hỗ trợ Philippines chống lại các hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do rộng mở.

Bên cạnh đó, trên X (Twitter), Ngoại trưởng Anh bày tỏ lo ngại về hành động “nguy hiểm” và “gây bất ổn” của TQ tại Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an toàn và ổn định tại Biển Đông; ủng hộ Philippines về các vấn đề liên quan đến tự do hàng hải và luật quốc tế.

Bộ Ngoại giao Philippines bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc về hành động của Philippines ở Biển Đông

Ngày 10/3, phản ứng trước cáo buộc của Trung Quốc rằng hành động của Philippines ở Biển Đông là một phần của “kịch bản do các thế lực bên ngoài viết ra” nhằm bôi nhọ TQ, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết:

  • TQ nên công nhận Philippines là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, mọi hành động và quyết định của Philippines hoàn toàn dựa trên lợi ích quốc gia và không phải theo chỉ đạo của các quốc gia khác;
  • Vấn đề thực sự là TQ từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế và hành vi bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hăng và lừa dối trên biển của TQ đã ảnh hưởng đến cộng đồng người Philippines.

Ngoại trưởng Ấn Độ: Ấn Độ không có ý định làm suy yếu đồng đô-la Mỹ

Ngày 11/3, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng quan hệ Ấn-Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất từ trước đến nay, vì vậy Ấn Độ không có ý định làm suy yếu đồng đô-la Mỹ. Mặt khác, các thành viên khác trong khối BRICS vẫn chưa đạt được lập trường thống nhất về một hệ thống thanh toán thay thế cho đồng đô-la Mỹ.

 

An ninh - Quốc phòng

Quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ thắt chặt “thòng lọng” quanh Đài Loan nếu chủ nghĩa ly khai leo thang

Ngày 9/3, trong cuộc họp chính trị thường niên “Lưỡng hội” của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Ngô Khiêm cho biết:

  • Những người ly khai độc lập cho Đài Loan càng hung hăng thì “thòng lọng quanh cổ họ càng chặt” và “thanh kiếm treo trên đầu họ càng sắc bén”;
  • Quân đội giải phóng Nhân dân TQ là lực lượng hành động chống lại chủ nghĩa ly khai và thúc đẩy thống nhất.

 

Pháp lý

Anh, Pháp Đức lưu hành Công hàm chung, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 10/3, Anh, Pháp, Đức lưu hành tại Liên hợp quốc Công hàm chung số 052/25 nhằm phản đối các yêu sách của Trung Quốc, trong các hồ sơ Thềm lục địa Mở rộng đệ trình bởi Philippines và Việt Nam. Công hàm 052/25 nhắc lại lập trường của ba nước trong Công hàm đối với hồ sơ đệ trình Thềm lục địa Mở rộng của Malaysia năm 2020 và bổ sung một số điểm:

  • Phán quyết Trọng tài Biển Đông 2016 có tính chung thẩm và ràng buộc đối với TQ và Philippines;
  • Nhấn mạnh luật pháp và quy định của quốc gia ven biển và quốc gia mà tàu mang cờ phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế theo UNCLOS.

Slovenia ủng hộ Phán quyết Trọng tài Vụ kiện Biển Đông năm 2016, trở thành quốc gia thứ 28 ủng hộ Phán quyết.

Ngày 10/3, trong chuyến thăm đầu tiên tới Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia Tanja Fajon khẳng định Slovenia ủng hộ Phán quyết Trọng tài Vụ kiện Biển Đông năm 2016, Phán quyết có tính chung thẩm và ràng buộc, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ Phán quyết. Bà Fajon nhận định, Phán quyết không chỉ liên quan tới Biển Đông mà còn cho thấy tính toàn vẹn của trật tự pháp lý quốc tế.

 

Kinh tế - Công nghệ

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng căn cứ nghiên cứu sâu 6.000 feet, kết hợp khoa học biển sâu với các kế hoạch quân sự và tài nguyên tiềm năng

Ngày 8/3, Trung Quốc đưa ra kế hoạch xây dựng một căn cứ nghiên cứu sâu 6.000 feet, kết hợp khoa học biển sâu với các kế hoạch quân sự và tài nguyên tiềm năng để khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với vùng đại dương sâu thẳm.

Mỹ lên kế hoạch áp phí cập cảng với các tàu do Trung Quốc chế tạo hoặc treo cờ Trung Quốc

Ngày 12/3, Mỹ công bố Dự thảo Sắc lệnh tính phí cập cảng đối với các tàu Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ:

  • Áp đặt phí đối với bất kỳ tàu nào cập cảng Mỹ nếu có tàu đóng tại Trung Quốc hoặc treo cờ TQ;
  • Áp thuế đối với thiết bị xếp dỡ hàng hóa do TQ sản xuất;
  • Kêu gọi các quan chức Mỹ vận động các đồng minh và đối tác áp dụng biện pháp tương tự, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ bị trả đũa.

 

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

George Ingram (CSD): Mỹ cắt viện trợ gây tổn thất toàn cầu, tạo cơ hội cho đối thủ gia tăng ảnh hưởng

Ngày 7/3, Brookings đăng bài phỏng vấn George Ingram, Nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Phát triển Bền vững (CSD). Trong đó, học giả nhận định về việc chính quyền Trump đóng băng hàng tỷ USD viện trợ phát triển quốc tế như sau:

  • Tác động với Mỹ: (1) Lao động mất việc, thị trường xuất khẩu doanh nghiệp Mỹ thu hẹp; (2) Nhà sản xuất thuốc Mỹ gặp khó do chuỗi cung ứng gián đoạn; (3) Uy tín Mỹ suy giảm, tạo khoảng trống quyền lực cho Trung Quốc, Nga; (4) Năng lực điều phối viện trợ Mỹ suy giảm.
  • Tác động với toàn cầu: (1) Ảnh hưởng tới viện trợ y tế, nhân đạo tại điểm nóng xung đột như Gaza, Syria; (2) Rủi ro các nhà tài trợ khác rút viện trợ; (3) Minh bạch viện trợ toàn cầu bị đe dọa.
  • Mỹ cần: (1) Không phá bỏ mà cải tiến hệ thống viện trợ dựa trên bằng chứng và hợp tác liên ngành; (2) Khôi phục minh bạch, duy trì cam kết với các sáng kiến toàn cầu; đẩy mạnh hạ tầng số để hỗ trợ phát triển bền vững.

Sushmita (NMF): COC không khả thi, Ấn Độ nên tập trung vào các cơ chế pháp lý hiện có để bảo vệ lợi ích của Ấn Độ trên Biển Đông

Ngày 10/3, Sushmita, Nghiên cứu viên Quỹ Hàng hải Ấn Độ (NMF) đăng bài bình luận đánh giá về COC và đề xuất các hướng đi cho Ấn Độ trên Biển Đông. Cụ thể:

  • COC không đàm phán thành công do có sự khác biệt về quan điểm trong đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc; khác biệt về quan điểm nội bộ ASEAN;
  • COC không khả thi do không thể ngăn ngừa hoặc quản lý tranh chấp;
  • COC so với các cơ chế pháp lý hiện có ít hiệu quả và ít ràng buộc hơn

Học giả đề xuất giải pháp cho Ấn Độ để bảo vệ lợi ích của Ấn trên Biển Đông:

  • Cẩn trọng trong ủng hộ COC, đảm bảo không vi phạm luật pháp quốc tế cũng như vô tình công nhận “chủ quyền” của TQ;
  • Ưu tiên ủng hộ các cơ chế pháp lý khác như UNCLOS.
  1. GS. Trịnh Vĩnh Niên: Đấu pháp “Thái cực quyền” của Trung Quốc ứng phó với Trump 2.0

Ngày 10/3, South China Morning Post đăng phân tích của GS. Trịnh Vĩnh Niên, chuyên gia kinh tế chính trị Trung Quốc, đề cập tình hình nội trị Trung Quốc, tác động của chính sách “Nước Mỹ trên hết” (MAGA) và chính sách kinh tế của Trump với Trung Quốc. Theo tác giả, Trung Quốc nên:

  • Đổi mới nhận thức: TQnên học hỏi Mỹ nới lỏng quy định kinh tế tư nhân, cung cấp cho doanh nghiệp tư nhân không gian để phát triển.
  • Đấu pháp mới: Cạnh tranh giữa Mỹ và TQ là cạnh tranh mô hình quản trị hiệu quả, Trung Quốc cần đạt thỏa thuận với Trump, mọi thứ đều là phương tiện, đều quy đổi được ra tiền đối với Trump
  • Tương lai TQ: Cốt lõi của phát triển là đổi mới công nghệ, TQ có tiềm năng, có nguồn lực, nhất là con người (Mô hình AI Deepseek), có cơ hội, có khả năng đóng vai trò dẫn dắt thế giới.

William Alan Reinsch (CSIS): Chính sách thuế quan của Trump cho thấy Mỹ áp dụng cưỡng ép kinh tế giống Trung Quốc

Ngày 10/3, CSIS đăng bình luận của William Alan Reinsch, cho rằng chính sách thuế quan của Trump đang khiến Mỹ áp dụng “cưỡng ép kinh tế” giống Trung Quốc và sẽ đem lại nhiều hệ quả:

  • Chính sách thuế quan của Trump mang tính tùy tiện, không phản ánh đúng nguyên tắc “có đi có lại”, giống các hành động “cưỡng ép kinh tế” của Trump giống TQ (điểm khác là TQ có nhiều công cụ hơn, Trump chủ yếu sử dụng thuế).
  • Tác động kinh tế và địa chính trị do chính sách này rất lớn: (1) Thị trường tài chính và các nhà sản xuất bất ổn, trì hoãn đầu tư và điều chỉnh chuỗi cung ứng; (2) Các công ty trong nước gặp khó khăn do phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu; (3) Khiến Châu Âu cảm thấy bị bỏ rơi và kết nối kinh tế TQ hơn; (4) Xu hướng "giảm rủi ro" (derisking) có thể chuyển hướng từ Trung Quốc sang Mỹ; (5) Nguy cơ châu Âu cân nhắc loại Mỹ khỏi G7, tạo ra một G6 mới.

Bản PDF tại đây