TIÊU ĐIỂM
- Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc: Nhất trí quản lý và giải quyết những khác biệt, bảo vệ mối quan hệ hai nước, đặc biệt trong vấn đề liên quan đến biển.
- Philippines phát hiện tàu nghiên cứu Trung Quốc trong vùng EEZ và cáo buộc Trung Quốc chặn tàu trên Biển Đông.
- Mỹ và Philippines khởi động tập trận Balikatan.
- Chính phủ Campuchia ký kết hợp đồng Đối tác Công-Tư (PPP) trị giá 1,156 tỷ USD để xây dựng kênh đào Phù Nam-Techo.
CHÍNH TRỊ-NGOẠI GIAO
Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc: Nhất trí quản lý và giải quyết những khác biệt, bảo vệ mối quan hệ hai nước, đặc biệt trong vấn đề liên quan đến biển
Ngày 15/4, Việt Nam và Trung Quốc ra Tuyên bố chung (TBC) nhân chuyến thăm của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam, thảo luận về các vấn đề liên quan đến biển, đặc biệt là Biển Đông:
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị hiệu quả và giải quyết chủ động các khác biệt về biển;
- Cam kết tuân thủ những nhận thức chung quan trọng mà các lãnh đạo cấp cao của hai Đảng và hai quốc gia đã đạt được, cam kết không thực hiện các hành động có thể làm phức tạp tình hình hoặc mở rộng tranh chấp, đồng thời sẽ hợp tác để duy trì ổn định trên biển;
- Tăng cường đàm phán phân định biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và thúc đẩy hợp tác phát triển biển vì lợi ích chung của cả hai bên, tiến tới đạt được tiến triển thực chất;
- Tích cực thực hiện hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, đồng thời tăng cường hợp tác tìm kiếm và cứu nạn trên biển.
Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình: Trung Quốc và Việt Nam cần tiếp tục mở rộng hợp tác trên biển để tích lũy điều kiện thuận lợi cho giải quyết dứt điểm tranh chấp
Ngày 14/4, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đăng bài viết trên báo Nhân dân, nhấn mạnh Trung Quốc luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng và đưa ra một số định hướng cho quan hệ hai nước. Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc cần:
- Tăng cường tin cậy chiến lược, thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ;
- Kiên trì hợp tác cùng có lợi cho hai nước;
- Tăng cường giao lưu nhân văn, thắt chặt kết nối lòng dân;
- Hợp tác đa phương chặt chẽ, thúc đẩy chấn hưng châu Á phồn vinh;
- Kiểm soát thỏa đáng bất đồng, giữ gìn hòa bình ổn định khu vực.
Thông cáo báo chí về chuyến thăm Trung Quốc-Campuchia: Thắt chặt hợp tác quốc phòng; tăng cường các hoạt động huấn luyện và diễn tập chung
Ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Campuchia ra Thông cáo về kết quả chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17-18/4. Cụ thể, hai nước:
- Cam kết không cho phép các hoạt động thù địch trên lãnh thổ nước này chống lại nước kia;
- Tiếp tục hỗ trợ phát triển Khu kinh tế đặc biệt Sihanoukville, khuyến khích đầu tư vào Campuchia và hỗ trợ các dự án lớn;
- Hợp tác ký kết Nâng cấp Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc 3.0;
- Tăng cường cơ chế hợp tác giữa quân đội hai nước, tổ chức tập trận chung về cứu hộ, cứu nạn, hậu cần, y tế. Đẩy mạnh phối hợp chống tội phạm xuyên biên giới;
- Tăng hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng sạch;
- Đẩy mạnh hợp tác y tế, đào tạo nhân lực;
- Ủng hộ các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương, đóng góp vào hoà bình và phát triển khu vực;
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm phản đối việc Google Maps cập nhật khu vực “Biển Tây Philippines” trên Biển Đông
Ngày 16/4, sau khi Google Maps đánh dấu một phần Biển Đông là “Biển Tây Philippines”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao (NPN BNG) Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh “Biển Nam Trung Hoa” (South China Sea) là tên gọi chuẩn được quốc tế công nhận.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Philippines Martin Romualdez hoan nghênh động thái của Google, coi đây là sự công nhận quyền chủ quyền của Philippines.
THỰC ĐỊA
Philippines phát hiện tàu nghiên cứu Trung Quốc trong vùng EEZ và cáo buộc Trung Quốc chặn tàu trên Biển Đông
Ngày 14/4, phía Philippines cáo buộc tàu Cảnh sát biển Trung Quốc bám đuôi, chặn đường tàu tuần tra Philippines. Ngày 15/4, Trung Quốc phản bác phía Philippines “tiếp cận nguy hiểm” và cố gắng dàn dựng va chạm giả.
Ngày 15/4, Philippines phát hiện một tàu nghiên cứu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Philippines. Tàu nghiên cứu Trung Quốc cách tỉnh đảo Batanes khoảng 78 hải lý về phía Bắc và không trả lời các nỗ lực liên lạc của Philippines.
Hải quân Philippines cho biết thiết bị không người lái dưới nước được trục vớt có liên quan đến Trung Quốc và “chiến tranh dưới nước”
Ngày 15/4, theo thông tin từ Hải quân Philippines, ba trong số năm thiết bị lặn được trục vớt trong vùng biển nước này trong hai năm qua có khả năng từ 50% đến 80% là do Trung Quốc triển khai và có thể phục vụ cho các hoạt động chuẩn bị chiến tranh dưới nước.
Các thiết bị lặn nghi của Trung Quốc được trang bị công nghệ tiên tiến, có khả năng đo độ sâu, nhiệt độ, độ mặn của nước, phát hiện âm thanh dưới biển và truyền dữ liệu qua vệ tinh. Các thiết bị này được phát hiện tại những địa điểm “quan trọng về mặt chiến lược trong quốc phòng và an ninh với Philippines và hàng hải quốc tế”.
Mỹ và Philippines khởi động tập trận Balikatan
Ngày 21/4, Mỹ và Philippines khai mạc tập trận Balikatan kéo dài tới 9/5 với khoảng 9.000 lính Mỹ và 5.000 lính Philippines tham gia. Nội dung tập trận gồm kịch bản chiến đấu quy mô toàn diện nhằm mô phỏng phòng thủ quần đảo và lãnh hải Philippines trước một cuộc tấn công giả định. Tập trận có 19 quốc gia khác tham gia với tư cách quan sát viên, trong đó Úc cử 260 quân tham gia.
Tàu hộ vệ Philippines bị Hải quân Trung Quốc theo dõi, giám sát và buộc rời khỏi Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham
Ngày 21/4, Triệu Chí Vĩ (NPN Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) cho biết Tàu hộ vệ BRP Apolinario Mabini (PS-36) của Philippines đã xâm nhập trái phép vào Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Hải quân Trung Quốc khẳng định đã theo dõi, giám sát và buộc tàu của Philippines rời khỏi Bãi cạn.
KINH TẾ-CÔNG NGHỆ
Chính phủ Campuchia ký kết hợp đồng Đối tác Công – Tư (PPP) trị giá 1,156 tỷ USD để xây dựng kênh đào Phù Nam-Techo
Ngày 18/4, Bộ Thông tin Campuchia đăng thông tin về việc Chính phủ Campuchia ký kết hợp đồng trị giá 1,156 tỷ USD với Trung Quốc để xây dựng kênh đào Phù Nam-Techo trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Campuchia. Cụ thể:
- Kênh đào sẽ kéo dài 151,6 km từ sông Bassac gần Phnom Penh đến tỉnh ven biển Kep, tạo ra một hành lang giao thông thủy – hàng hải nội địa mới, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 3.000 tấn. Dự án sẽ bao gồm việc đào kênh, xây dựng các khóa tàu cùng hệ thống hạ tầng hỗ trợ điều hướng và hậu cần.
- Hai nước ký kết một loạt văn kiện pháp lý quan trọng khác như Thỏa thuận Cổ đông, Thỏa thuận Đầu tư, Hợp đồng EPC (Thiết kế – Mua sắm – Thi công), và Thỏa thuận Vận hành & Bảo trì (O&M), hoàn thiện khung pháp lý toàn diện cho việc triển khai dự án và hợp tác dài hạn.
- Dự án được phát triển theo mô hình Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao (BOT). Các nhà đầu tư Campuchia nắm giữ 51% cổ phần, nhà đầu tư Trung Quốc nắm 49%. Công ty tham gia bao gồm: Tập đoàn Đầu tư Campuchia hải ngoại (OCIC), Cảng tự trị Phnom Penh, Cảng tự trị Sihanoukville cùng với Công ty TNHH Cầu đường Trung Quốc (CRBC).
- Dự án là một phần trong khuôn khổ hợp tác “Lục giác Kim cương” giữa Campuchia–Trung Quốc.
- Thỏa thuận được ký kết dưới sự chứng kiến của Sun Chanthol, Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) và Vương Thông Châu, Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC).
- Hợp đồng PPP được ký thay mặt Chính phủ Campuchia bởi Phó Thủ tướng Sun Chanthol và thay mặt công ty dự án bởi đại diện Ieng Sunly.
Indonesia kêu gọi ASEAN áp dụng hệ thống quản lý nghề cá bền vững từ Chính sách Nghề cá Chung của Liên minh châu Âu
Ngày 15/4, Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia Rachmat Pambudy gặp với Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier và Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van den Bossche tại Hà Nội. Ông Pambudy kêu gọi ASEAN áp dụng hệ thống quản lý nghề cá bền vững dựa trên dữ liệu, lấy cảm hứng từ Chính sách Nghề cá Chung (CFP) của EU. Ông cũng khuyến nghị ASEAN áp dụng hệ thống hạn ngạch và quy định kích thước cá tương tự EU để kiểm soát đánh bắt, đảm bảo tính bền vững của nguồn cá.
GÓC NHÌN QUỐC TẾ
Domingo I-Kwei Yang: Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng quân sự tại Thái Bình Dương thông qua các dự án hạ tầng “lưỡng dụng”
Ngày 14/4, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan đăng bình luận của học giả Domingo I-Kwei Yang về việc mở rộng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc tại Thái Bình Dương thông qua các dự án BRI. Cụ thể:
- Đầu tư của Trung Quốc chủ yếu là các khoản vay và hợp tác mang tính thương mại và chiến lược; Trung Quốc sử dụng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) như công cụ gián tiếp để mở rộng ảnh hưởng nhưng hạn chế rủi ro tài chính trực tiếp;
- Trung Quốc hướng đến đầu tư bốn loại hạ tầng chiến lược chính gồm cảng và bến tàu, cơ sở thuỷ sản, trung tâm hàng không và hạ tầng kỹ thuật số;
- Các cơ sở này tăng cường khả năng chống tiếp cận - phong tỏa (A2/AD), hạn chế tự do hành động của các nước trong khu vực, có thể chuyển đổi nhanh sang mục tiêu quân sự khi cần và tạo ra mạng lưới giám sát toàn diện.
- Mục tiêu của Trung Quốc gồm (i) Vươn tới “chuỗi đảo thứ ba” và mở rộng ảnh hưởng sang Nam Thái Bình Dương; (ii) Bảo vệ tuyến hàng hải năng lượng và khoáng sản, đồng thời tạo “Liên kết Phía Nam” giữa châu Á và Nam Mỹ; (iii) Tạo thế bao vây các đồng minh của Mỹ (Úc, New Zealand và Nhật) và đe dọa tuyến tiếp vận đến đảo Guam và Hawaii.
Vincent Kyle Parada: Philippines cần trao đổi lợi ích thực sự với Mỹ để Mỹ ủng hộ Philippines trong tranh chấp Biển Đông
Ngày 14/4, Viện Lowy đăng bài của học giả Vincent Kyle Parada về những lợi ích Philippines cần “đổi” với Mỹ thời Trump 2.0, ngoài việc cung cấp căn cứ quân sự. Cụ thể:
- Cách tiếp cận “Nước Mỹ trước hết” nhấn mạnh rằng các đồng minh của Mỹ, bao gồm cả Philippines, phải chia sẻ tài chính với Mỹ.
- Khai thác chung quan trọng với Mỹ, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa củng cố lợi ích chiến lược.