
Ngày 11 tháng 4 năm 2025, tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya (Antalya Diplomacy Forum, gọi tắt ADF 2025), diễn ra tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ,
[i] Tổng thống Prabowo Subianto có bài phát biểu về tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong đó có đề cập đến ý tưởng phát triển chung giữa Indonesia và Trung Quốc trên Biển Đông.
[ii] ADF là một diễn đàn chính sách quan trọng với sự tham gia của nhiều lãnh đạo chính phủ, chính khách và các học giả hàng đầu thế giới. Việc nguyên thủ của Indonesia đăng đàn đánh giá về tình hình quốc tế và khu vực, đồng thời chia sẻ quan điểm về cách thức xử lý, quản lý các tranh chấp trên Biển Đông là một động thái rất đáng chú ý.
Kể từ khi được nhắc đến trong Tuyên bố chung về Thúc đẩy đối tác chiến lược toàn diện và Cộng đồng Trung Quốc – Indonesia về chia sẻ tương lai tháng 11/2024, đây là lần thứ hai quan chức cấp cao của Indonesia giải thích thêm về ý tưởng này. Trước đó, Bộ Ngoại giao và đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Sugionođã khẳng định lập trường của Indonesia đối với vấn đề Biển Đông không thay đổi.
[iii] Tuy nhiên, những tuyên bố đó chưa đủ để giải tỏa thắc mắc của giới quan sát và dư luận liên quan đến những “ngôn ngữ mới” trong tuyên bố chung.
Trong bối cảnh đó, phát biểu của ông Prabowo tại ADF 2025 cung cấp thêm nhiều thông tin về lập trường của Indonesia liên quan đến vấn đề thỏa thuận “phát triển chung” (joint development) trên biển với Trung Quốc. Bài viết này sẽ nêu lại các nội dung về phát triển chung trong phát biểu của Prabowo, đánh giá lập trường này từ góc độ pháp lý và thực tiễn, qua đó nhận định về mục đích, tính toán của Prabowo về quan hệ Indonesia-Trung Quốc và vấn đề Biển Đông.
- Các nội hàm về “phát triển chung” trong phát biểu của Prabowo
Các nội dung cụ thể liên quan đến phát biển chung trên Biển Đông trong bài phát biểu công khai của Tổng thống Prabowo tại ADF 2025 như sau:
“Tôi đã đề xuất phát triển chung với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Tập. Chúng tôi tôn trọng lập trường pháp lý của nhau nhưng trong thời gian này chúng tôi không hợp tác với nhau […] Hãy đăng ký số lượng bao nhiêu tàu Trung Quốc và Indonesia trong khuôn khổ giới hạn quốc tế để chúng ta không đánh bắt quá mức. Hãy cấp giấy phép và mọi người đều được hưởng lợi. Chủ tịch Tập đã đồng ý với ý tưởng của tôi rất nhanh.”
“Tôi cũng đã đề xuất điều tương tự với Việt Nam và Malaysia. Vì vậy, đây chính là cách tiếp cận của tôi: Hãy cùng nhau làm việc và đạt được thịnh vượng chung.”
“Chúng tôi có các vùng biển chồng lấn. Ví dụ, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố trong lịch sử hàng ngàn năm rằng ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt cá ở vùng biển đó, và chúng ta cũng tuyên bố trong hàng ngàn năm ngư dân Indonesia đã đánh bắt cá ở vùng biển đó.”
“Đôi khi chúng ta có những yêu sách lãnh thổ xung đột. Điều này là tự nhiên vì chúng ta đã bị đô hộ trong nhiều thế kỷ thống trị của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc [...] Nhưng những gì còn sót lại của thế kỷ đó, những ranh giới không rõ ràng, giờ đây chúng là di sản được trao cho chúng ta mà chúng ta phải dọn dẹp tất cả mớ hỗn độn này.” [iv] Qua phát biểu, có thể thấy Tổng thống Prabowo chủ động cụ thể hóa 4 điểm liên quan đến “phát triển chung”, gồm có: (1) Ủng hộ ý tưởng phát triển chung với Trung Quốc trong lĩnh vực nghề cá; (2) Tái khẳng định Indonesia và Trung Quốc có “các yêu sách chồng lấn trên biển”; (3) Đề xuất hợp tác với Việt Nam và Malaysia như là ví dụ về khả năng hợp tác trên biển giữa các bên có tranh chấp; và (4) Nhắc đến chủ nghĩa thực dân và đế quốc như là một nguyên nhân của tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Tuy nhiên, những quan điểm này thay vì giải đáp các thắc mắc của giới chuyên gia, các thông tin này tiếp tục tạo ra những mập mờ mới.
Thứ nhất, Tổng thống Prabowo khẳng định đã chủ động đề xuất với Trung Quốc về hợp tác cùng phát triển trong lĩnh vực nghề cá, không nhắc đến phát triển chung về thăm dò và khai thác dầu khí. Cụ thể, ông đề xuất một cơ chế hợp tác nghề cá, bao gồm đăng ký số lượng tàu và cấp giấy phép để tránh đánh bắt quá mức. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn còn nhiều điểm mờ, liên quan chủ thể cấp phép. Nếu Indonesia là bên cấp giấy phép đánh bắt thủy sản cho tàu cá nước ngoài có nghĩa là nước này vẫn khẳng định quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nếu các bên đều cùng nhau cấp phép, điều đó hàm ý có sự thừa nhận đối với quyền kiểm soát của các quốc gia khác.
Thứ hai, Tổng thống Prabowo xác định “vùng biển chồng lấn” có thể là các khu vực mà người dân các quốc gia cùng có hoạt động trong quá khứ, cụ thể là đánh bắt cá. Việc khẳng định “tôn trọng lập trường pháp lý của nhau” có thể được hiểu là Indonesia thừa nhận lập trường pháp lý của Trung Quốc. Điểm thú vị là trong khi Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định không thừa nhận yêu sách đường lưỡi bò, ông Prabowo có vẻ thừa nhận các hoạt động đánh cá của ngư dân Trung Quốc và các quốc gia khác trong quá khứ trong vùng biển của Indonesia. Chưa rõ chính phủ Indonesia có chấp nhận yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc. Về mặt pháp lý, nếu tồn tại các vùng biển chồng lấn thì hợp tác phát triển chung có thể không dừng lại ở hợp tác nghề cá (các nguồn tài nguyên sinh vật), mà cả hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí (các nguồn tài nguyên phi sinh vật).
Prabowo nhấn mạnh “mọi người đều được hưởng lợi,” gợi ý một mô hình chia sẻ quyền tiếp cận nguồn lợi thủy sản mà không làm phương hại đến các quyền trên biển của các quốc gia tham gia. Việc ông Prabowo nói muốn mở rộng mô hình hợp tác đã đề xuất với Trung Quốc sang các nước có yêu sách trên Biển Đông như Việt Nam và Malaysia một mặt cho thấy Indonesia không công nhận Trung Quốc là quốc gia duy nhất có các quyền trong Biển Đông, mặt khác cũng thể hiện ý định của ông Prabowo muốn Indonesia tiếp tục muốn đóng vai trò trung gian trong việc thúc đẩy hợp tác ở khu vực, nhằm giảm căng thẳng và đạt “thịnh vượng chung” chung ở Biển Đông.
Thứ tư, trong bài phát biểu, Prabowo phê phán chủ nghĩa thực dân và đế quốc phương Tây trong quá khứ, coi đó là gốc rễ của những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Prabowo cũng phê phán các nước phương Tây theo đuổi tiêu chuẩn kép, góp phần làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ, cho rằng các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực là “bình thường”, là di sản của “chủ nghĩa thuộc địa” không nhắc đến UNCLOS và những chuẩn mực mới trong quan hệ quốc tế kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Với lập luận này, Prabowo có thể hàm ý phủ nhận cách nhìn nhận hiện nay cho rằng Trung Quốc là quốc gia gây ra tranh chấp và căng thẳng trên Biển Đông. Cũng có thể, Prabowo đã tìm cách “giữ thể diện” cho Trung Quốc, qua đó duy trì hòa khí với cường quốc thứ hai thế giới.
- Tính toán của Prabowo và rủi ro
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tháng 11 năm 2024, hai bên đã ký Tuyên bố chung về thúc đẩy đối tác chiến lược toạn diện và Cộng đồng Trung Quốc – Indonesia về chia sẻ tương lai. Tuyên bố chung khẳng định Trung Quốc và Indonesia đã đạt được thỏa thuận chung về hợp tác cùng phát triển trong các khu vực có yêu sách chồng lấn và thống nhất thiết lập một Ủy ban chỉ đạo liên chính phủ hỗn hợp nhằm thăm dò và thúc đẩy các hợp tác liên quan dựa trên các nguyên tắc “tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, linh hoạt, thực tế, và xây dựng đồng thuận”, dựa trên các quy định pháp lý liên quan của mỗi bên.
[v] Tuyên bố chung Indonesia và Trung Quốc đã gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận Indonesia. Aristyo Rizka Darmawan khẳng định tuyên bố chung Trung Quốc-Indonesia đi ngược với lợi ích quốc gia của Indonesia.
[vi] Alfin Febrian Basundoro cho rằng thỏa thuận với Trung Quốc về phát triển chung trên Biển Đông gây ra những quan ngại về cam kết của Indonesia với chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế.
[vii] Fitriani và Gatra Priyandita nói các nội dung liên quan đến hợp tác chung trên biển trong Tuyên bố chung, cùng với việc coi Tân Cương là công việc nội bộ của Trung Quốc và ủng hộ Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu, là ba nhượng bộ lớn của Indonesia cho Trung Quốc.
[viii] Bộ Ngoại giao Indonesia ngay sau đó đã phải ra tuyên bố khẳng định tuyên bố chung không có nghĩa là Indonesia công nhận yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Có thể thấy, phát biểu của Prabowo tại ADF 2025 tiếp tục thể hiện sự thiếu nhất quán trong quan điểm của Tổng thống với các lập trường của Bộ Ngoại giao Indonesia. Prabowo có thể có cách tiếp cận thực dụng hơn, ưu tiên hợp tác nghề cá để giảm căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định vai trò trung gian của quốc gia này trong thúc đẩy hợp tác khu vực. Tuy nhiên, việc ngầm thừa nhận yêu sách phi lý, không phù hợp với UNCLOS của Trung Quốc có thể làm suy yếu lập trường pháp lý của Indonesia trên Biển Đông. Bên cạnh đó, bằng cách quy trách nhiệm tranh chấp cho di sản thực dân, Prabowo tìm cách tránh phê phán, đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, song điều này có thể phản ánh sai những diễn biến trên thực địa và gây nghi ngại về cam kết của Indonesia với trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực. Rủi ro chính trị và chiến lược là rất lớn bởi thỏa hiệp thiếu nguyên tắc sẽ không những không chấm dứt được những hành vi xâm lấn mà còn khuyến khích vi phạm nghiêm trọng và nguy hiểm hơn trong tương lai. Thực tế cho thấy, tranh chấp trên Biển Đông không đơn thuần là những mâu thuẫn lợi ích về tôm cá, ngư nghiệp./.
[v] Tuyên bố chung giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Indonesia về việc thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và Cộng đồng Trung Quốc-Indonesia cùng chung tương lai, ngày 9 tháng 11 năm 2024, truy cập ngày 14/4/2025, tại: