trung quoc hieu chien.jpg

 

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) từ lâu đã cần tới một cuộc đại tu toàn diện. Người ta đã nhận định như vậy trong nhiều năm qua, và cả PLA cũng nghĩ như vậy. Các học giả hàng đầu hiện nay về quân đội Trung Quốc cũng đồng tình với quan điểm này. PLA là một lực lượng lạc hậu, cồng kềnh ngược lại với một năng lực công nghệ ngày càng phát triển. Tác giả không phải là người đầu tiên nhận thấy những vấn đề hiển nhiên của PLA về chiến đấu và giành thắng lợi trong các cuộc chiến; học giả Dennis Blasko đã đưa ra nhiều luận điểm tuyệt vời trong bài viết của ông vào đầu năm 2015.

Những vấn đề chính có thể được tóm tắt lại như sau: Nếu PLA muốn chiến đấu và hoạt động có hiệu quả, lực lượng này cần tạo điều kiện cho một môi trường chỉ huy tác chiến chung, cải cách hoạt động mua sắm quốc phòng, cắt giảm vai trò của lực lượng bộ binh và kiểm soát chủ nghĩa địa phương. Đương nhiên, giả thuyết này không dựa trên các mục tiêu được đưa ra mà thường là mơ hồ và nhạt nhẽo – “bảo vệ các lợi ích tối cao của Trung Quốc”. Thay vào đó, chúng ta nên nhìn sâu hơn vào dấu hiệu chiến lược thể hiện ý đồ quân sự của nước này trong 10 năm qua, như sự triển khai sức mạnh toàn cầu lớn hơn, cứu trợ nhân đạo, tham gia chống cướp biển, trong số các mục tiêu khác (không kể đến việc đóng tàu sân bay). Nếu PLA muốn làm những điều mà lực lượng này dường như muốn làm, họ cần phải thay đổi.

Bên cạnh vấn đề về lực lượng trên bộ, Mỹ đã phải đối mặt với các vấn đề tương tự (cho dù ở một mức độ và quy mô khác) trước khi Đạo luật Goldwater-Nichols (hay Đạo luật Cải tổ Bộ Quốc phòng Goldwater-Nichols năm 1986, “GNA”) được thông qua.

Cho tới năm 1986, mỗi quân chủng duy trì bộ máy hậu cần, học thuyết và lập kế hoạch độc lập với các quân chủng khác, tạo ra tình trạng dư thừa tốn kém và chồng chéo nỗ lực. Thẩm quyền tác chiến do tổng thống đưa ra, thông qua bộ trưởng quốc phòng, tiếp tục thông qua các quân chủng tới các đơn vị tác chiến, mắc kẹt trong trò chơi truyền lệnh mang tính quan liêu và dẫn tới kết quả là một quân đội hết sức cồng kềnh. GNA loại bỏ những khác biệt về tác chiến giữa các quân chủng khác nhau và cho phép các nhà chức trách có quyền chỉ huy quốc gia – tổng thống và bộ trưởng quốc phòng – có sự kiểm soát trực tiếp về mặt tác chiến đối với các bộ chỉ huy chiến đấu, các lĩnh vực trách nhiệm theo khu vực hoặc được xác định bởi nhiệm vụ. Nói ngắn gọn, GNA loại bỏ bên trung gian tác chiến, đơn giản hóa chuỗi chỉ huy, và cho phép bộ máy quốc phòng hưởng lợi từ một cấu trúc mua sắm và hậu cần được tập trung hóa hơn.

Các nhà quan sát Trung Quốc từ lâu đã trông đợi một cải cách cơ cấu trong quân đội Trung Quốc tương tự như GNA kể từ cuộc cách mạng trong các vấn đề quân đội (RMA). Các học giả PLA đã kêu gọi thực hiện một cải cách như vậy, và công khai tranh luận về giá trị của việc xây dựng một bộ chỉ huy tác chiến chung thực sự dựa trên mô hình của Mỹ và GNA. Không có gì ngạc nhiên khi các học giả PLA coi mô hình này như là mục tiêu cuối cùng, nó đã chứng tỏ tính hiệu quả của mình suốt 3 cuộc chiến, vô số hoạt động cứu trợ nhân đạo và trong triển khai sức mạnh và răn đe. Truyền thông Trung Quốc đôi khi bóng gió nhắc tới nó, và mỗi năm sẽ có một nhà phân tích Trung Quốc khẳng định rằng cải cách sẽ diễn ra “trong một vài năm tới”. Luận điệu này đã được nhắc đi nhắc lại trong 10 năm qua. Chỉ cần một lời nói bóng gió về cải cách quân đội là tạo ra một loạt các bài viết và đồn đoán lan rộng, và hầu như không có ngoại lệ mọi bài viết sẽ nhắc tới một chương trình cải cách PLA giống với GNA sắp diễn ra, tuyên bố rằng “lần này sẽ khác!” Và theo sau đó thường là sự thất vọng.

Lần này mọi việc có thể khác

Theo nhiều cách, quá trình “Goldwater-Nichols hóa” quân đội Trung Quốc đã thực sự bắt đầu cách đây 2 thập kỷ, nhiều khả năng là một tác dụng phụ được trông đợi của “thông tin hóa”. Là một thuật ngữ quân sự Trung Quốc được định nghĩa một cách mơ hồ mà một phần giống với “chiến tranh lấy mạng lưới làm trung tâm” và “C4ISR hợp nhất”, “thông tin hóa” đã là lời hô hào tập hợp cho PLA kể từ giữa những năm 1990. Được thực hiện như là một loạt chương trình hiện đại hóa về kỹ thuật và sáng kiến chính sách, thông tin hóa chịu trách nhiệm ở mức độ lớn cho sự dồi dào về nghiên cứu quản lý toàn diện, thông tin liên lạc, mạng lưới, viễn thông và thông tin liên lạc trên không gian, những nghiên cứu có lẽ được thực hiện nhằm có được các hoạt động tác chiến chung được hợp nhất tốt hơn. Dưới sự hỗ trợ của hợp nhất, chỉ huy và kiểm soát tốt hơn giữa các khu vực và quân chủng, PLA đã đặt nền tảng cần thiết nhằm tạo điều kiện cho chỉ huy chung, ngay cả khi lực lượng này chưa có ý chí chính trị để biến nó thành sự thật.

Ý chí chính trị

Trung Quốc đã dần dần cố gắng có được ý chí chính trị để thực hiện những thay đổi này. Một trong số những trở ngại chính cho bất cứ hình thức cải cách sâu rộng nào là sự kháng cự từ những “cổ đông” chính. Có được sự ủng hộ từ các tướng lĩnh, đô đốc hàng đầu và từ các quân khu bán độc lập là một yếu tố then chốt trong bất kỳ nỗ lực cải cách quân đội Trung Quốc nào, và tầm quan trọng của nó còn cao hơn thế khi chúng ta nói tới kiểu tái cơ cấu sâu rộng hơn mà một nỗ lực giống với GNA sẽ đòi hỏi. Như nhiều chương trình cải cách tiềm tàng chủ yếu nhằm giảm bớt quy mô và ảnh hưởng của quân đội, và hệ quả là giảm số lượng tướng lĩnh, bất cứ cải cách sâu rộng nào chắc chắn sẽ vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ PLA.

PLA không tuân theo những khái niệm của Mỹ về một quân đội do một nhân vật dân sự lãnh đạo. Các nhà phân tích về Trung Quốc sẽ cố gắng để nhắc nhở mọi người rằng quân đội Trung Quốc là một bộ phận trong cấu trúc lãnh đạo quốc gia của nước này, tồn tại bên cạnh nhưng không nhất thiết ngang hàng với hai bộ phận khác là Chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản.
Về mặt này, đối với nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc Tập Cận Bình, sự ủng hộ của quân đội là điều cần thiết, và để mất sự ủng hộ đó sẽ là một hạn chế nghiêm trọng, nếu không muốn nói là một sự cản trở hoàn toàn đối với quyền lực. Mao Trạch Đông từng nói: “Sức mạnh chính trị phát triển từ nòng súng”. Điều này vẫn đúng ở nước Trung Quốc hiện đại như vào năm 1949.

Người ta có thể lập luận rằng tính hợp pháp đầy đủ của chủ tịch Trung Quốc sẽ không trọn vẹn cho tới khi ông chính thức làm chủ tịch Quân ủy trung ương. Giang Trạch Dân vẫn nắm giữ chức vụ này sau khi chuyển giao quyền lực cho Hồ Cẩm Đào năm 2002, và Đặng Tiểu Bình vẫn duy trì vị thế nhà lãnh đạo tối cao một phần nhờ vào việc tiếp tục nắm chức vụ này. Để đạt được mục tiêu này, làm mất lòng các sĩ quan cấp trung và cấp cao, nhiều người trong số này quen biết rất rõ các thượng cấp trong quân khu, dân quân địa phương và các quan chức đảng tại địa phương, là một bước đi nguy hiểm. Về mặt này, chủ nghĩa địa phương là một rào cản nghiêm trọng đối với cải cách. Nó cũng là một mối đe dọa tiềm tàng. Shantouzhuyi, hay “chủ nghĩa bè phái”, hiện tượng sĩ quan và binh lính Trung Quốc trung thành với các cá nhân hơn là với nhà lãnh đạo tối cao, nhà nước, hay đảng, vẫn phổ biến bên trong PLA. Hệ thống quân khu riêng rẽ, nơi các sĩ quan và binh lính có thể giành cả sự nghiệp của họ bên trong một khu vực địa lý nhỏ, mở rộng xu hướng này. Tập Cận Bình chắc chắn biết phải hành động thận trọng trong những vấn đề có liên quan tới PLA và tỏ ra thận trọng trước việc thay đổi quá nhiều và quá nhanh là đường lối hành động khôn ngoan nhất. Việc này đòi hỏi một sự kết hợp độc đáo giữa những thay đổi theo kiểu “cắt lát salami” trong năng lực và tổ chức với những thời kỳ thay đổi lớn hơn không liên tục.

Trong chiến lược “từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới” cổ điển của Trung Quốc, PLA đã theo đuổi một số năng lực ranh giới trên một mặt trận rộng lớn (từ dưới lên trên) trong khi đôi lúc thực hiện những thay đổi mang tính cơ cấu, tập trung hóa đối với chính sách, ban lãnh đạo và chỉ huy (từ trên xuống dưới). Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có tầm nhìn dài hạn về phát triển năng lực ranh giới, trong khi lại có tầm nhìn ngắn hạn về cơ cấu tổ chức. Cách tiếp cận “từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới” kết hợp một quá trình chậm rãi có ý nghĩa với một loạt hành động bề nổi phô trương.

Những nỗ lực “từ dưới lên trên”, có liên quan tới cải cách quân đội, đã được xác định bởi một loạt sáng kiến kỹ thuật như thông tin hóa và C4ISR hợp nhất, thường được thúc đẩy thông qua một số hội đồng có chọn lọc trong quân ủy trung ương, các chương trình tài trợ như chương trình 863 và 973, và các viện nghiên cứu chủ chốt. Nền tảng kỹ thuật này về bản chất có tính bao trùm và hợp nhất, hoạt động như là những yếu tố tạo điều kiện cho phép chính quyền tự do hơn trong việc thực hiện các cải cách sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, những nỗ lực “từ trên xuống dưới” là những thay đổi rõ ràng hơn được thực hiện trong một khung thời gian ngắn hơn. Những nỗ lực này thường có vai trò báo hiệu chiến lược nhiều hơn là nỗ lực thực sự để thực hiện cải cách có ý nghĩa. Giảm bớt số lượng binh lính, thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, chiến dịch thanh lọc chống tham nhũng, thành lập hội đồng an ninh quốc gia, và thiết lập các đơn vị mạng mới là những ví dụ đã diễn ra chỉ trong vài năm qua. Đây không phải để nói rằng những hành động này không có bất cứ lợi ích thực tiễn nào hay đem lại thay đổi, chúng rõ ràng là có, nhưng chúng chủ yếu đóng vai trò như là một công cụ để tái nhấn mạnh sự kiểm soát của Đảng. Tất cả những điều này minh họa một thực tế không thể tranh cãi: Đảng kiểm soát súng. Câu hỏi then chốt vẫn để ngỏ là ban lãnh đạo dự định để ai làm khán giả.

Sức mạnh viễn chinh

Nhiều nỗ lực rõ ràng là nhắm tới các cường quốc nước ngoài: Nhật Bản với ADIZ, Mỹ với các đơn vị mạng. Tuy nhiên, chiến dịch thanh lọc chống tham nhũng, Hội đồng an ninh quốc gia và việc thiết lập hội đồng cải cách dường như là nhắm tới PLA. Giống như Đặng Tiểu Bình trước đây, Tập Cận Bình đang khẳng định quyền hành của mình đối với quân đội, qua đó khuyến khích sự phục tùng và cam kết thỏa hiệp. Tập Cận Bình đã thể hiện rất rõ trong các hành động quân sự của mình rằng ông có ý định phát triển Trung Quốc thành một cường quốc viễn chinh, một cường quốc có thể triển khai lực lượng quân đội khắp toàn cầu và giữ vững vị thế của mình. Thứ hai, Tập Cận Bình có ý định nhắc nhở thế giới rằng Trung Quốc kiểm soát vùng lãnh hải xung quanh. Để đạt được mục tiêu này, cải cách PLA giống với Đạo luật Goldwater-Nichols là vấn đề cốt yếu, và các nỗ lực “từ trên xuống dưới” trong những năm qua rất có thể là một số biện pháp đau đớn để đạt được mục tiêu này.

Quá trình biến đổi PLA thành mô hình GNA thực chất đã bắt đầu nhiều thập kỷ trước. Quá trình thông tin hóa chậm rãi, bị ngắt quãng bởi những thay đổi nhỏ đôi khi diễn ra trong cơ cấu, đã xây dựng một lộ trình vô cùng chậm chạp tới ngày nay. Người ta có thể lập luận rằng PLA trên thực tế đã là một lực lượng liên quân, cho dù là trên danh nghĩa. Bộ Tổng tham mưu (tương đương với Lầu năm góc của Mỹ) duy trì một “trung tâm chỉ huy chung/thống nhất” với các cục được thiết kế cho mỗi nhánh quân chủng, hoạt động tác chiến thông tin và hoạt động tác chiến đặc biệt. Bản thân các quân khu, tuy được lãnh đạo bởi một tướng lĩnh quân đội, có nhân sự ở cấp lãnh đạo là các chỉ huy hạm đội thuộc Hải quân PLA (PLAN) và các sĩ quan thuộc Không quân PLA (PLAAF). Trên toàn quân chủng, PLA thường thực hiện các cuộc tập trận liên quân chủng và quân nhân từ mọi quân chủng theo học tại nhiều học viện kỹ thuật và trường đào tạo quân nhân.

Trong PLA, không có một “sở chỉ huy chung” được thiết kế riêng, thay vào đó, sở chỉ huy quân đội ở cấp quốc gia và khu vực đóng vai trò như là sở chỉ huy chung trên thực tế cho các đội hình có liên quan. Tuy nhiên, giống như nhiều thứ tại Trung Quốc, có luật pháp, thông lệ và cả thực tế, và chúng hiếm khi tương đồng với nhau. PLA có vai trò như là một lực lượng chung, theo các thông lệ của Trung Quốc, với một cấu trúc kiểu Xôviết, sử dụng học thuyết bắt nguồn từ Mỹ. Cái trông như là 4 binh chủng trên thực tế lại là một quân đội cồng kềnh, với 7 vị vua nhỏ trong 7 vương quốc nhỏ, một lực lượng Hải quân kém phát triển, một lực lượng Không quân không có mục tiêu và đường lối rõ ràng và một nhánh quân đội độc lập với sự độc quyền về tên lửa hạt nhân. Con quái vật Frankenstein đã phát triển không đồng đều, với chính sách không phù hợp với năng lực kỹ thuật, các mục tiêu toàn diện và sự thành thạo của nhân lực. Cải cách sắp tới nhiều khả năng được sử dụng như là một loạt sáng kiến mà khi tập hợp lại sẽ hình thành một “sự tái khởi động” mạnh mẽ, nơi chính sách, học thuyết, nhân lực, cơ cấu và năng lực kỹ thuật có thể được điều chỉnh cho phù hợp và được quản lý một cách dễ dàng hơn nhiều như là một tổng thể cố kết.

Bất cứ thay đổi nào trong PLA tương đương với cường độ cải cách theo kiểu Goldwater-Nichols sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và khó kiểm soát. Trái với hình dung phổ biến, Tập Cận Bình không một mình lãnh đạo Trung Quốc – theo cách nhìn lạc quan nhất đây là một tập đoàn đầu sỏ sùng bái cá nhân, theo cách nhìn tệ nhất đây là một loạt băng nhóm thù địch. Cho dù việc này diễn ra đằng sau cánh gà, nhiều khả năng sẽ xảy ra tranh luận lớn, nhiều lo âu và đe dọa liên quan tới cải cách quân đội trên quy mô lớn bất chấp vẻ bề ngoài là sự đồng thuận thống nhất. Tập Cận Bình rất có thể sẽ kiên nhẫn và chờ đợi đến khi lớp cán bộ hiện nay đang nắm giữ các vị trí cấp cao nghỉ hưu, và tập trung nỗ lực của mình vào thế hệ tiếp theo. Điều này dĩ nhiên có thể xảy ra. Khi xét tới sự hung hăng gần đây ở nước ngoài và một sự quyết đoán mới thấy trên chính trường quốc tế, Chủ tịch Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo với chương trình nghị sự quốc tế - và một số sẽ nói là mang tính bành trướng. Nghị trình này cần tới một quân đội mạnh mẽ dựa trên học thuyết đã được chứng minh và có khả năng hoàn thành các mục tiêu then chốt. Ít có khả năng ông sẽ chờ đợi. Tuy nhiên, như nhiều sự thay đổi khác tại Trung Quốc, nó sẽ diễn ra với tốc độ hầu như vô cùng chậm chạp, nhiều khả năng diễn ra theo giai đoạn, áp dụng chiến lược rất quen thuộc “cắt lát salami” vào quản lý thay đổi tổ chức.

Nếu những sự kiện gần đây là một dấu hiệu, Tập Cận Bình đang dọn đường cho cải cách sâu rộng đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ. Đây không còn là kịch bản “đưa ra cảnh báo sai”, lần này khả năng Trung Quốc hiện đại hóa quân đội nước này theo kiểu Goldwater-Nichols là có thực và sắp diễn ra. Sự biến đổi quân đội đã được bàn tán trong nhiều thập kỷ, sự tự do hóa quân đội được dự đoán từ lâu có thể đang ở rất gần.

Theo “The Diplomat

Nhật Linh (gt)