28/09/2021
Để phục vụ công tác nghiên cứu và tra tìm tư liệu, website Nghiên cứu Biển Đông trân trọng giới thiệu bạn đọc toàn văn bài nghiên cứu có tựa đề “Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman và việc bổ nhiệm đại sứ mới Tần Cương liệu có mở ra bước ngoặt cho quan hệ Trung – Mỹ?” của tác giả Zhou Yuan, Trưởng nhóm Nghiên cứu về chiến lược quốc tế, Đại học Đông Nam Trung Quốc.
Tác giả cũng cáo buộc Mỹ đã cố tình tạo ra một làn sóng phản đối Trung Quốc và chỉ trích Mỹ rằng không chỉ những nhà cầm quyền Mỹ có tâm lý và thái độ như vậy, mà còn có nhiều thế lực chống Trung Quốc trong giới chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, công nghệ và truyền thông Mỹ. “Họ không ngừng tạo ra mâu thuẫn, căng thẳng, xung đột và bão dư luận giữa Trung Quốc và Mỹ. Chống Trung Quốc đã trở thành sự đồng thuận duy nhất giữa hai đảng của Mỹ và cái gọi là “sự đúng đắn về chính trị”.
Dự báo về quan hệ Mỹ - Trung, tác giả cho rằng, sự cạnh tranh đối đầu của chính quyền Biden với Trung Quốc thậm chí còn tồi tệ hơn chính quyền Trump, chỉ có điều với quan điểm và biện pháp khác nhau. Ông cho rằng, kể từ khi Biden nhậm chức đến nay, ông từng nhiều lần tuyên bố muốn xóa bỏ chính sách của Trump, nhưng sau khi tiến hành “đánh giá toàn diện” các chính sách cực đoan chống Trung Quốc của Trump, Chính quyền Biden không những không xóa bỏ chính sách của Trump, mà ngược lại còn tăng cường kiềm chế và chống Trung Quốc nhiều hơn, thậm chí liên tục xây dựng và củng cố các liên minh chiến lược quốc tế và khu vực chống Trung Quốc, đồng thời bắt đầu chỉ trích, công kích Trung Quốc từ cái gọi là các giá trị quan và lý tưởng dân chủ, làm căng thẳng hơn nữa quan hệ Trung-Mỹ. “Chính quyền Washington thậm chí còn công khai cho rằng muốn toàn bộ chính phủ, toàn bộ hệ thống, mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực đối phó với Trung Quốc.” Chính vì vậy, ông cho rằng, quan hệ Trung-Mỹ sau chuyến thăm Trung Quốc của Sherman không thể có khả năng hòa dịu và cải thiện, hoặc ít nhất là tạm thời không có khả năng.
Dưới đây là toàn văn bài nghiên cứu của Zhou Yuan, xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:
Có thể nói xung quanh quan hệ Trung-Mỹ gần đây đã xảy ra một số sự kiện quan trọng, khó có thể đơn giản dùng từ “tốt” hay “xấu” để đánh giá, nhưng những sự kiện này chắc chắn là một động thái quan trọng thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận quốc tế. Quan hệ Trung-Mỹ không chỉ rất phức tạp và nhạy cảm, mà thường hay biến động, có nhiều yếu tố liên quan trong đó, đặc biệt là bởi những hành động mang xu hướng “khó đoán định” của Mỹ.
Ngày 25/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đến Trung Quốc sau khi kết thúc các chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ, tiếp đó tiến hành hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong tại Thiên Tân vào ngày 26/7, và hội kiến với Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Chính phủ hai nước Trung Quốc và Mỹ đã công bố nhiều thông tin về chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Sherman, các phương tiện truyền thông hai nước cũng đã đưa nhiều tin tức và phân tích về sự kiện này.
Mặc dù không phải là một quan chức hàng đầu của Chính phủ Mỹ, nhưng xét cho cùng Sherman vẫn là nhân vật số 2 của Bộ Ngoại giao Mỹ và là một quan chức ngoại giao có kinh nghiệm, đồng thời được coi là một nhà ngoại giao “cứng rắn và có năng lực” dưới thời Chính quyền Obama vì đã chủ trì các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran, cuối cùng đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran. Sherman trước đây không tham gia công tác liên quan đến quan hệ Trung-Mỹ, nhưng sau khi được Tổng thống Biden bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 4 năm nay, bà đã nhanh chóng bắt tay vào công việc.
Biden đã giao cho Sherman một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ bởi bà là người sắc sảo và có năng lực, mà còn vì quan hệ Trung-Mỹ là mối quan hệ ngoại giao quan trọng hàng đầu đối với Mỹ và Chính quyền Biden. Sau khi Trung Quốc và Mỹ bước vào thời kỳ cạnh tranh gay gắt, Tổng thống Biden cần những người như Sherman để hỗ trợ Blinken giải quyết mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, bởi đối với Mỹ, hai vấn đề này liên quan mật thiết với nhau.
Xét từ một số tin tức và đánh giá, Sherman có cá tính mạnh mẽ và táo bạo hơn Blinken. Bà luôn là người tự cao, cho rằng mình đã học hỏi được nhiều điều từ cuộc đàm phán Mỹ-Iran và giành được một vài chiến thắng nhất định, vì vậy bà cũng muốn thử khả năng của mình trong quan hệ Trung-Mỹ. Xét về tuổi tác, Sherman lớn hơn Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan; về thâm niên, Sherman không thua kém nhiều so với Blinken thuộc “phe trẻ tuổi” trong ngành ngoại giao Mỹ, chỉ có điều cấp bậc không bằng Blinken, nhưng có kinh nghiệm hơn nhiều so với Sullivan.
Với tư cách là đại diện của Mỹ, tháng 3/2021 , Blinken và Sullivan đã có cuộc đối thoại tại Anchorage, Alaska với Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Công tác Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Đây là cuộc đối đầu trực diện đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Mỹ kể từ khi Biden lên nắm quyền. Giới truyền thông quốc tế ồ ạt đưa tin về sự kiện này. Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc khẩu chiến dữ dội tại Alaska, và cuộc đàm phán dường như đã khiến quan hệ hai bên thậm chí càng trở nên xấu đi. Trung Quốc đã chứng tỏ cho Mỹ thấy rằng nước này không quen với kiểu làm “thầy nhân quyền” và phô trương thanh thế của Mỹ.
Nhưng Mỹ sẽ không cam tâm và cam chịu. Blinken không phải là một người dễ đối phó, tuy ông có vẻ bề ngoài khá yếu đuối. Blinken sinh ra ở Yonkers, New York, cha mẹ ông là người Mỹ gốc Do Thái. Cha ông là Donald M. Blinken từng là Đại sứ Mỹ tại Hungary khi Clinton nắm quyền. Chú của Blinken là Alan Blinken từng là Đại sứ Mỹ tại Bỉ thời kỳ Clinton, vì vậy Blinken có thể nói là được xuất thân từ dòng dõi ngoại giao Mỹ. Cùng với gen Do Thái của mình, Blinken là người khá khôn ngoan. Nhưng cuộc đọ sức tại Alaska cho thấy Blinken còn khá non nớt khi đối diện trực tiếp với Trung Quốc. Vì vậy, Biden nghĩ đến Sherman.
Sau khi nhậm chức, Sherman đã nhanh chóng có các chuyên thăm đến một số quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tổ chức một “cuộc diễn tập chỉ trích và công kích” nhằm vào Trung Quốc cũng như lôi kéo các nước bạn bè và đồng minh. Lần này, bà đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ trước tiên. Sherman đã có hành động thực tế ở những nước này và nhiều lần đề cập đến Trung Quốc một cách công khai. Sherman cũng triệu tập Hội nghị cấp Thứ trưởng ngoại giao 3 nước đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn vốn đã không được tổ chức trong nhiều năm tại Tokyo. Mặc dù cũng đề cập đến việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và quan hệ đối với Triều Tiên, nhưng nội dung chính của hội nghị này xoay quanh việc phối hợp các biện pháp nhằm đối phó với Trung Quốc.
Sherman tự cho rằng mình đã chuẩn bị đầy đủ cho chuyến thăm Trung Quốc. Trước chuyến thăm của Sherman, Mỹ đã thực hiện các biện pháp ứng phó chặt chẽ trên nhiều phương diện, bao gồm cả việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, các vấn đề liên quan đến Hong Kong và Đài Loan, đưa ra cảnh báo đối với doanh nghiệp Mỹ ở Hong Kong, áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với 7 quan chức của các cơ quan chính quyền trung ương Trung Quốc ở Hong Kong. Mỹ rõ ràng muốn đe dọa, gây sức ép lên Trung Quốc trước chuyến thăm của Sherman. Tuy nhiên, Trung Quốc kiên quyết phản đối, lên án mạnh mẽ và ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả mạnh mẽ.
Nhiều báo cáo và phân tích cho rằng bầu không khí trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Sherman không tốt, hai bên đã có những cuộc nói chuyện không thoải mái, thậm chí là tranh cãi. Nguyên nhân cơ bản chủ yếu là do Mỹ có ý đồ xấu, thiếu thành ý, mục đích là muốn một lần nữa thương lượng trực tiếp với Trung Quốc, xuất phát từ lập trường của Mỹ để chất vấn trực tiếp Trung Quốc, đồng thời thăm dò phản ứng của Trung Quốc và điểm giới hạn trong quan hệ với Mỹ. Trong bối cảnh này, nhiều người dự đoán rằng hội đàm Trung-Mỹ tại Thiên Tân khó có thể thành công.
Tuy nhiên, điều rõ ràng là sau khi trải qua cuộc đọ sức gay gắt lần thứ hai, các thông cáo chính thức của cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều cho rằng cuộc hội đàm Thiên Tân đã diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, mang tính xây dựng và có lợi cho mối quan hệ song phương. Điều đó cho thấy cuộc hội đàm lần này tuy không thành công nhưng cũng không hề thất bại. Đấu tranh nhưng không đổ vỡ, đó có lẽ là một cách hòa hợp hoặc thậm chí là một trạng thái bình thường mới trong quan hệ Trung-Mỹ.
Trong cuộc hội kiến ở Thiên Tân, Vương Nghị đã đưa ra 3 điểm giới hạn của Trung Quốc trong quan hệ Trung-Mỹ, từ đó giúp kiểm soát bất đồng có hiệu quả, ngăn chặn quan hệ Trung-Mỹ vượt khỏi tầm kiểm soát: Thứ nhất, Mỹ không được thách thức, vu cáo, thậm chí tìm cách lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc; thứ hai, Mỹ không được có ý đồ cản trở, thậm chí làm gián đoạn tiến trình phát triển của Trung Quốc; thứ ba, Mỹ không được xâm phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, cũng không được phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Trong cuộc hội đàm với Sherman, Tạ Phong đã đề xuất hai danh sách với Mỹ, một là danh sách yêu cầu Mỹ chỉnh sửa các chính sách, lời nói và hành động sai trái của mình đối với Trung Quốc, còn lại là danh sách các vấn đề chính mà Trung Quốc quan tâm.
Yêu cầu của Trung Quốc là rõ ràng, chính đáng, hợp tình hợp lý. Giờ đây, “quả bóng” đã được đá sang cho Mỹ, Washington phải nghiêm túc nhìn nhận và đối phó một cách hợp lý, không được đánh giá sai lầm và bỏ lỡ cơ hội cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, khiến mâu thuẫn bất đồng Trung-Mỹ ngày càng mở rộng hơn nữa, thậm chí là mất kiểm soát và xấu đi. Sau khi Sherman hoàn thành chuyến thăm Trung Quốc và trở về Washington, Mỹ đã có một số phản ứng nhưng đều không mang tính thiện chí.
Ngày 28/7, trang mạng chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ công bố tin tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Tần Cương đã đến Mỹ để đảm nhận chức vụ mới của mình. Cùng ngày, trong “Diễn văn chào mừng đại sứ” của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, Tần Cương nói: “Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cam kết tăng cường kết nối, trao đổi và hợp tác với mọi tầng lớp xã hội tại Mỹ để thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ phát triển lành mạnh và ổn định. Trung Quốc và Mỹ đều là những nước lớn có tầm ảnh hưởng quan trọng trên thế giới. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao trong suốt hơn 40 năm qua, quan hệ Trung-Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm. Đứng ở thời điểm lịch sử mới, hai nước cần thuận theo trào lưu phát triển của thời đại và kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế, tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng chung sống hòa bình, hợp tác cùng có lợi. Đây sẽ là một vận may lớn cho nhân dân hai nước và thế giới. Người dân Trung Quốc sẽ không ngừng theo đuổi cuộc sống tốt đẹp hơn. Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc sẽ không ngừng phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Trung Quốc sẽ kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình, sẽ tiếp tục là người xây dựng hòa bình thế giới, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu, bảo vệ trật tự quốc tế và chung tay với các nước trên thế giới để xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Hòa hợp thì cần phải hiểu nhau, hiểu nhau thì cần phải kết nối để tìm hiểu”. Cùng ngày, Đại sứ Tần Cương cũng đã đăng bài viết trên tài khoản Twitter của mình.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải đã giữ chức Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ trong 8 năm kể từ năm 2013, là Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ có nhiệm kỳ lâu nhất tính đến thời điểm hiện nay. Thôi Thiên Khải là quan chức ngoại giao cấp cao nhiều kinh nghiệm của Trung Quốc. Trong thời gian ở Mỹ, ông đã trải qua một thời kỳ quan hệ Trung-Mỹ đặc biệt. Thôi Thiên Khải đã làm được nhiều việc có hiệu quả, giai đoạn đầu là thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ phát triển lành mạnh và đi vào chiều sâu, giai đoạn sau là thúc đẩy cải thiện quan hệ Trung-Mỹ. Vì vậy, ông đã nhận được sự đánh giá cao và được công nhận rộng rãi.
Tần Cương cũng là một quan chức ngoại giao cấp cao nhiều kinh nghiệm của Trung Quốc, là người thông minh, có năng lực, phong độ và có kinh nghiệm lâu năm làm Vụ trưởng báo chí và người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Tần Cương từng bày tỏ rằng giống như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, trách nhiệm hàng đầu của ngoại giao Trung Quốc là bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của đất nước mình, bảo vệ sự tôn nghiêm của quốc gia.
Việc bổ nhiệm Tần Cương đồng nghĩa với việc mở ra một trang mới trong quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ. Mặc dù bài phát biểu hết nhiệm kỳ của Thôi Thiên Khải và bài phát biểu nhậm chức của Tần Cương đều không dài, nhưng nếu đọc kỹ sẽ nhận thấy những thông tin quan trọng, và Mỹ chắc hẳn cũng đã chú ý đến điều này.
Quan hệ Trung-Mỹ sẽ ra sao sau chuyến thăm Trung Quốc của Sherman và việc bổ nhiệm Tần Cương? Đây là vấn đề được cả Trung Quốc lẫn Mỹ cũng như dư luận quốc tế hết sức quan tâm. Quan hệ Trung-Mỹ rất khó lường, vì có quá nhiều yếu tố phức tạp liên quan, cả nhân tố song phương lẫn bên thứ 3. Vì vậy, bất kỳ lời nói tùy tiện nào đều không nên, bất kỳ hành động ngạo mạn nào cũng không có cơ sở. Hiện còn quá sớm để đưa ra dự đoán chính xác về tương lai của quan hệ Trung-Mỹ. Tuy nhiên, một số động thái trực tiếp và gián tiếp quan trọng ít nhiều có thể vạch ra đường lối và hướng diễn biến cơ bản trong quan hệ Trung-Mỹ.
Trước tiên, diễn biến quan hệ Trung-Mỹ hoặc sẽ được cải thiện hoặc trở nên xấu đi, và điều đó phụ thuộc phần lớn vào khả năng phán đoán chiến lược và quyết sách chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc.
Kể từ khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ hai nước luôn ở trạng thái biến động, nhưng cho tới trước khi Trump phát động cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc hồi tháng 3/2018, quan hệ Trung-Mỹ về tổng thể vẫn tương đối ổn định, quan hệ Trung-Mỹ đã đi sâu vào các lĩnh vực, hợp tác Trung-Mỹ đã mang lại lợi ích chung cho cả hai bên, mang lại lợi ích và hạnh phúc cho nhân dân hai nước. Tuy nhiên, Trump đã chống lại Trung Quốc một cách “điên cuồng” sau khi lên nắm quyền, đẩy quan hệ Trung-Mỹ vào trạng thái khủng hoảng chưa từng có.
Lập trường và thái độ của Trung Quốc đối với quan hệ Trung-Mỹ là nhất quán, ổn định và hợp lý, nước dễ thay đổi và làm xấu đi mối quan hệ chính là Mỹ. Thứ nhất, Mỹ luôn sai lầm về Trung Quốc và không giữ vững tâm lý, suy cho cùng Mỹ có ý định thống trị thế giới lâu dài và vĩnh viễn, lo ngại Trung Quốc sẽ trỗi dậy nhanh chóng, một ngày nào đó sẽ thay thế Mỹ và Mỹ sẽ mất vai trò lãnh đạo toàn cầu. Vì vậy, Mỹ đã đưa ra nhiều lời bịa đặt và cố gắng tìm mọi cách để bôi nhọ Trung Quốc, kiềm chế và đàn áp Trung Quốc bằng nhiều lý do khác nhau, không chỉ có ý đồ làm đảo lộn sự phát triển chính đáng của Trung Quốc, mà còn can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ nhằm gây chia rẽ Trung Quốc.
Thứ hai, Mỹ đã tạo ra một làn sóng phản đối Trung Quốc khó có thể thay đổi trong ngắn hạn. Các thế lực chống Trung Quốc ở Mỹ đã ăn sâu bén rễ, gắn kết chặt chẽ với nhau, không ngừng thao túng chính trị trong nước và thao túng ngoại giao quốc tế tại Mỹ. Không chỉ những nhà cầm quyền Mỹ có tâm lý và thái độ xấu như vậy, mà còn có nhiều thế lực chống Trung Quốc trong giới chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, công nghệ và truyền thông Mỹ. Họ không ngừng tạo ra mâu thuẫn, căng thẳng, xung đột và bão dư luận giữa Trung Quốc và Mỹ. Chống Trung Quốc đã trở thành sự đồng thuận duy nhất giữa hai đảng của Mỹ và cái gọi là “sự đúng đắn về chính trị”. Môi trường trong nước Mỹ thù địch như vậy không có lợi cho việc cải thiện và phát triển lành mạnh quan hệ Trung-Mỹ.
Thứ ba, sự cạnh tranh đối đầu của Biden với Trung Quốc thậm chí còn tồi tệ hơn Trump, chỉ có điều với quan điểm và biện pháp khác nhau. Kể từ khi Biden nhậm chức đến nay, ông từng nhiều lần tuyên bố muốn xóa bỏ chính sách của Trump, nhưng sau khi tiến hành “đánh giá toàn diện” các chính sách cực đoan chống Trung Quốc của Trump, Chính quyền Biden không những không xóa bỏ chính sách của Trump, mà ngược lại còn tăng cường kiềm chế và chống Trung Quốc nhiều hơn, thậm chí liên tục xây dựng và củng cố các liên minh chiến lược quốc tế và khu vực chống Trung Quốc, đồng thời bắt đầu chỉ trích, công kích Trung Quốc từ cái gọi là các giá trị quan và lý tưởng dân chủ, làm căng thẳng hơn nữa quan hệ Trung-Mỹ. Chính quyền Washington thậm chí còn công khai cho rằng muốn toàn bộ chính phủ, toàn bộ hệ thống, mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực đối phó với Trung Quốc. Mỹ không chỉ nói, mà họ còn có nhiều hành động hơn. Trong bối cảnh chính trị trong nước Mỹ khốc liệt như hiện nay, quan hệ Trung-Mỹ không thể hòa dịu và được cải thiện.
Một trong những phương pháp chính được Mỹ sử dụng trong quan hệ quốc tế và ngoại giao là hời hợt và thực dụng. Nhìn bề ngoài, Chính quyền Biden dường như đã vạch ra một chiến lược đối với Trung Quốc khác với chiến lược cực đoan chèn ép Trung Quốc của Trump, gọi là “cạnh tranh, hợp tác, đối kháng” chứ không phải là công kích, xung đột đơn thuần, nhưng về bản chất thì giống nhau, thậm chí còn tinh vi hơn nhằm đánh lừa dư luận Mỹ và thế giới.
Cái gọi là đối thoại mà Mỹ nhiều lần tuyên bố và thúc đẩy thực chất đều là cách tung hỏa mù và che mắt, mục đích là nhằm buộc Trung Quốc nhượng bộ theo suy nghĩ, yêu cầu và lợi ích của Mỹ thông qua cái gọi là đối thoại và đàm phán. Nếu không, Mỹ sẽ chèn ép, thậm chí sẵn sàng phô trương vũ lực và đe dọa vũ lực.
Trước tình hình tồi tệ này, không thể bàn cãi về kết quả của Đối thoại Alaska hay cuộc hội đàm Thiên Tân. Sau khi Sherman rời Thiên Tân, Chính quyền Washington không những không có lập trường hòa dịu và tỏ ra thiện chí, ngược lại, ngày thứ hai sau khi Sherman rời Thiên Tân, Tổng thống Biden đã đến Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) và có bài phát biểu, trong đó ông đe dọa: “Tôi cho rằng nếu cuối cùng chúng ta khai chiến - một cuộc chiến tranh thực sự với một cường quốc chủ chốt - đây sẽ là kết quả của một cuộc tấn công mạng nghiêm trọng”. Biden dường như đang nói về các cuộc tấn công mạng, nhưng thực tế ông đang gửi đi một thông điệp đe dọa về một cuộc chiến tranh sử dụng vũ lực thực sự đối với các nước lớn khác trên thế giới.
Trước tình hình tồi tệ này, có thể coi quan hệ Trung-Mỹ sau chuyến thăm Trung Quốc của Sherman không thể có khả năng hòa dịu và cải thiện, ít nhất là tạm thời không có khả năng. Tuy nhiên, Mỹ cũng sẽ đề xuất các cuộc hội đàm, thậm chí mong muốn các cuộc gặp cấp cao hơn, bởi vì Mỹ có nhu cầu và có ý đồ.
Điều đáng chú ý là trong thời gian Sherman thăm Trung Quốc và sau khi rời khỏi Thiên Tân, Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã lần lượt đến thăm Ấn Độ, Singapore, Việt Nam và Philippines. Nhìn từ tin tức và bài phát biểu của Blinken trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Modi và Ngoại trưởng Jaishankar trong chuyến thăm Ấn Độ được đăng tải trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ, có thể thấy Blinken đang lôi kéo Ấn Độ đối phó với Trung Quốc, ca ngợi Ấn Độ là “đồng minh mạnh nhất” của Mỹ. Bài phát biểu của Austin tại Singapore và những nơi khác cũng cho thấy tính hai mặt của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời nêu bật ý đồ của Mỹ: lôi kéo bạn bè và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm cô lập và bao vây Trung Quốc.
Quan hệ Trung-Mỹ vẫn rất mịt mờ, bất kỳ phân tích và dự đoán lạc quan nào cũng đều không phù hợp với thực tế. Mỹ chẳng hề “vĩ đại” . Chính sách chống Trung Quốc một cách cực đoan của Trump đã kết thúc trong thất bại. Nếu Biden không thể thay đổi hướng đi và tiếp tục con đường riêng của mình, thậm chí tăng cường chống lại Trung Quốc nhiều hơn, thì ông cuối cùng cũng sẽ không có kết quả tốt đẹp. Đây là điều không có gì phải nghi ngờ.
Linh Lan dịch và giới thiệu
Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo mọi thứ và có mặt ở khắp mọi nơi. Một trong những phi hành gia của Trung Quốc đã kêu gọi thành lập một nhánh của ĐCSTQ ngoài không gian - sẽ là “một bước tiến nhỏ của con người, một bước tiến vĩ đại cho nhân loại”.
Liệu họ có thể tin tưởng vào một quốc gia ban đầu đã tìm cách che giấu dịch COVID-19 để rồi khiến nó lan ra toàn cầu hay không?
Bài viết này xem xét chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc trong khuôn khổ lý thuyết địa tâm lý học, một loại lý thuyết có thể được định nghĩa là lăng kính địa lý về mô hình hành vi và thái độ của một dân tộc đối với các dân tộc khác, bắt nguồn từ những kinh nghiệm trong quá khứ, quá trình...
Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống COVID-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước: từ thận trọng và phòng vệ sang bất mãn với những nhận định về nguồn gốc của virus.
Tham vọng của Bắc Kinh xây dựng PLA thành một lực lượng quân đội hàng đầu thế giới sẽ đặt ra những thách thức đối với các lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Không phải cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay các cuộc biểu tình ở Hong Kong, mà chính sự bùng phát dịch Covid-19 mới là thử thách thực sự về khả năng lãnh đạo của Chính quyền Tập Cận Bình.