26/04/2022
Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo mọi thứ và có mặt ở khắp mọi nơi. Một trong những phi hành gia của Trung Quốc đã kêu gọi thành lập một nhánh của ĐCSTQ ngoài không gian - sẽ là “một bước tiến nhỏ của con người, một bước tiến vĩ đại cho nhân loại”.
Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), nhìn nhận Trung Quốc đang bước vào “Kỷ nguyên mới”.[2] Một đặc điểm của “Kỷ nguyên mới” là hạn chế một cách gắt gao các thông tin công khai. Mượn lời Winston Churchill mô tả về chính sách của Nga, Trung Quốc có nguy cơ trở thành “một bí ẩn khó giải mã”.[3] Bởi lẽ hiện không có quá nhiều người ngoại quốc thông thạo tiếng Trung hay ngôn ngữ chính trị của riêng ĐCSTQ. Các chính phủ, các tổ chức nghiên cứu, học thuật và những cơ quan khác sẽ cần hiện đại hóa bằng cách sử dụng các công cụ mới để sàng lọc dữ liệu thành các nguồn thông tin có thể tiếp cập được. Nhưng các tổ chức này cũng sẽ phải tìm về những kỹ năng quen thuộc mà có lẽ đã không được đầu tư đầy đủ trong những năm gần đây: sự siêng năng và khả năng đọc hiểu các tài liệu, báo cáo và hoạt động của ĐCSTQ.
Ưu tiên đảm bảo an ninh quốc gia và thắt chặt kiểm soát đối với các quan chức, các cơ quan nghiên cứu học thuật, truyền thông, internet và xã hội nói chung của ĐCSTQ đang đưa Trung Quốc trở lại giai đoạn 1938-1962. Bầu không khí nặng nề sự kiểm soát, nỗi sợ các biện pháp trừng phạt, chủ nghĩa dân tộc, Covid-19 và những cuộc tranh cãi về nguồn gốc của Covid khiến các quan chức và một bộ phận Trung Quốc ngày càng mất lòng tin vào người ngoại quốc, và ngại nói chuyện cởi mở. Tình hình hiện nay không nghiêm trọng như Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, nhưng trong mọi lĩnh vực, thông tin cứng (thông tin có thể lượng hoá chính xác và truyền đi hiệu quả) đang dần bị đánh bật bởi các hoạt động tuyên truyền, hoặc bị thay thế bằng sự im lặng. Các nhà ngoại giao ít có khả năng tiếp cận hơn, giới học giả chứng kiến các kho lưu trữ bị đóng cửa, các phương tiện truyền thông nước ngoài bị cản trở, và trong kinh doanh, các hoạt động thẩm định của các đối tác nước ngoài đang gặp khó khăn do không thể truy cập sổ đăng ký công ty. Ngay cả ở Hồng Kông, vào năm 2023, công chúng sẽ mất quyền tiếp cận phần lớn thông tin về các công ty.
Điều này khác xa so với hồi tháng 7 năm 2013, khi Quốc Vụ viện, cơ quan giám sát các Bộ ngành của chính phủ, đưa ra thông báo về “Các thỏa thuận làm việc quan trọng hiện nay về công khai thông tin của chính phủ”.[4] “Tính minh bạch” là một từ khoá được nhắc đến nhiều trong những năm đầu lãnh đạo của Tập Cận Bình. Nhưng thời kỳ đẩy mạnh công khai này đã qua. ĐCSTQ hiện tích trữ thông tin như một con rồng đang trông giữ kho báu của nó.Nhu cầu hiểu biết và dự đoán về Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên dù là Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy hay gặp biến động. Hầu hết các bộ ngành phải tính đến Trung Quốc. Nhưng không phải ai cũng hiểu về Trung Quốc. Như Tập Cận Bình từng phát biểu, để hiểu Trung Quốc, phải hiểu ĐCSTQ và chính sách đối nội của Trung Quốc. Chính sách đối ngoại là chính sách đối nội kéo dài, được triển khai ở nước ngoài.Cẩm nang này tập hợp các quan điểm và kinh nghiệm của tác giả về “quan sát Trung Quốc” trong suốt bốn thập kỷ.[5] Cẩm nang này có thể được xem như hướng dẫn thực tiễn, chủ yếu dành riêng cho các quan chức chính phủ. Cuốn cẩm nang phân tích khung kiến thức cơ bản; những tài liệu cần đọc; lời khuyên về cách đọc tài liệu và cách thức tránh một số cạm bẫy. Trong phần cuối, tác giả đưa ra một số nhận định về bản chất cầm quyền của ĐCSTQ cần được tính đến.
“Trí thông minh mã nguồn mở” (open-source intelligence) - mở ra một thế giới mới
ĐCSTQ đã tìm cách che giấu việc xây dựng các trại tập trung và tiêu diệt sắc tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.[6] Tuy nhiên, quá trình phân tích dữ liệu từ một loạt các nguồn thông tin mở và mới đã chỉ ra một bức tranh rõ ràng về mức độ và bản chất của các hành động này của Trung Quốc. Các nguồn thông tin đó bao gồm: hình ảnh vệ tinh, trang web của chính quyền địa phương, gọi thầu xây dựng, quảng cáo tuyển dụng, cũng như các tài liệu bị rò rỉ.[7] Tương tự, các chuyến tàu chở dầu của Trung Quốc đến Triều Tiên bất chấp các lệnh trừng phạt đã được phác họa chi tiết bằng cách sử dụng thông tin từ hình ảnh vệ tinh, dữ liệu về vị trí vận chuyển, đăng ký công ty và đất đai, phương tiện truyền thông xã hội và các nguồn dựa khác trên internet.[8]
Trong một số lĩnh vực, trí thông minh mã nguồn mở có thể làm sáng tỏ những vấn đề mà công việc tình báo truyền thống rất khó làm được, chẳng hạn như vũ khí của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) hoặc các tổ hợp silo hạt nhân.[9] Trí thông minh mã nguồn mở cũng cung cấp cho các nhà phân tích những hiểu biết sâu sắc về cách thức hoạt động của chính phủ và hệ thống Trung Quốc, để có thể hiểu và xây dựng nền tảng cho hoạch định chính sách. Đối với các chính phủ, quá trình phân tích không dựa vào tài liệu hoặc các hình thức thu thập thông tin mật là một lợi thế bởi các thông tin này có thể được chia sẻ và lan tỏa. Điều này rất hữu ích trong ngoại giao công chúng và trong ứng phó với các chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ.
Phát triển các kỹ năng cần thiết để sử dụng trí thông minh mã nguồn mở là điều không dễ dàng mặc dù các nhà phân tích trẻ ngày càng quen thuộc với Internet của Trung Quốc. Và tiếng Trung vẫn là một hạn chế. Một số cơ quan nghiên cứu và tổ chức do tư nhân tài trợ, đặc biệt là Bellingcat, đã và đang thực hiện các công việc này một cách xuất sắc, và có vẻ như các chính phủ dân chủ đang bị tụt lại phía sau. Đã bao nhiêu tổ chức được thành lập để thu thập, phân loại và phân tích các bộ dữ liệu mã nguồn mở lớn? Nhưng trong ‘Kỷ nguyên mới’ của Tập Cận Bình, loại hình đầu tư này là rất cần thiết.Nếu không có đủ năng lực nội bộ, các chính phủ nên thuê các viện nghiên cứu và các công ty triển khai công việc này.
Lục lại các kỹ năng nghiên cứu Trung Quốc “quen thuộc”
Cùng thời điểm đó, thông tin là rất cần thiết để vận hành hiệu quả chính phủ và các hoạt động kinh doanh khác. ĐCSTQ nói chuyện với các đảng viên và người dân Trung Quốc. Đảng tư vấn, hướng dẫn, giải thích. ĐCSTQ không phải là một hộp đen. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ những gì Đảng nói về chính nó, tốt nhất là bằng tiếng Trung. Chu Ân Lai, người từng có kinh nghiệm trong công tác tình báo, đã từng chính xác mô tả rằng tiếng Trung chính là cấp độ mã hóa đầu tiên của Trung Quốc.Một ví dụ minh họa là Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa 17 được tổ chức vào tháng 11 năm 2011.[10] Việc Trung Quốc, đặc biệt dưới thời Tập Cận Bình, thắt chặt kiểm soát văn hóa, giáo dục, truyền thông, internet, tôn giáo không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi ĐCSTQ đã công bố chính xác ý định của mình. Văn kiện nhấn mạnh đến công tác hợp nhất “hệ thống giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi... vào quá trình giáo dục công dân bài bản”. Văn kiện còn nhấn mạnh về hiện đại hóa và phổ biến chủ nghĩa Mác và về hệ tư tưởng. Thế giới đã được cảnh báo về đường hướng chính sách này.[11]
Nhưng chúng ta cũng nên thận trọng. Các cải cách kinh tế và xã hội được công bố tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba năm 2013, đặc biệt là tuyên bố “thị trường sẽ đóng vai trò chi phối trong phân bổ nguồn lực” cần được hiểu theo hướng: ĐCSTQ, với tư cách là những người theo chủ nghĩa Lenin, sẽ không bao giờ để tuột mất quyền lực kinh tế.[12] Bởi lẽ việc đánh mất quyền lực kinh tế có nguy cơ tạo ra một nhóm có ảnh hưởng kinh tế, từ đó thâu tóm quyền lực chính trị.
Chúng ta nên tìm kiếm sự sáng tỏ ở đâu?
Thứ nhất, đời sống chính trị có những mảnh ghép. Đối với ĐCSTQ, Đại hội Đảng được tổ chức 5 năm một lần là sự kiện quan trọng nhất. Trong thời gian đó, Trung Quốc thường tổ chức bảy phiên họp toàn thể, theo đó cần nghiên cứu các “nghị quyết” và “giải thích” chính sách. Hàng tháng, Bộ Chính trị tổ chức các cuộc họp, các phiên học tập, các báo cáo. Những thông tin này cho thấy các mối quan tâm hiện tại của tầng lớp lãnh đạo (các cuộc họp hàng tuần của Thường vụ Bộ Chính trị đôi khi cũng được báo cáo, theo đó các báo cáo này có tầm quan trọng đặc biệt). Cũng cần lưu ý các cuộc họp của các ủy ban đảng và nhóm nhỏ các lãnh đạo, đặc biệt nếu ĐCSTQ ám chỉ tầm quan trọng của các cuộc họp này bằng cách tô đậm chúng trên phương tiện truyền thông của Đảng.
Đối với Quốc vụ viện hoặc chính phủ, mảnh ghép quan trọng là Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) hàng năm. Năm báo cáo chính của Thủ tướng Chính phủ về công việc của chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đáng được nghiên cứu chi tiết. Các cuộc họp báo của các Bộ trưởng xoay quanh Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc cũng có thể cung cấp những thông tin chi tiết quan trọng. Kế hoạch 5 Năm đề ra các mục tiêu chính về kinh tế và xã hội rõ ràng là tài liệu đọc cần thiết.Thứ hai, cả ĐCSTQ và Quốc vụ viện đều đưa ra nhiều “kế hoạch”, “hướng dẫn” và “quan điểm”. Các văn bản dài này vạch ra chính sách trong các lĩnh vực cụ thể, như các tư tưởng chỉ đạo, các nguyên tắc cần đạt được, các mục tiêu hoặc chỉ tiêu và phương thức đạt được các mục tiêu đó. Các quy định và quy tắc của Đảng, luật pháp và quy định của quốc gia và địa phương cũng cung cấp nhiều thông tin hữu ích.
Thứ ba, cần nghiên cứu kỹ lưỡng các bài phát biểu và những tuyên bố của các ủy viên Bộ Chính trị. Đi kèm các bài phát biểu và tài liệu này là các bình luận và trình bày của các quan chức cấp cao trên các trang báo của ĐCSTQ, chúng ta nên tham khảo các nội dung này. Tương tự, các bài bình luận quan trọng trên tờ Nhân dân Nhật báo, ấn phẩm hàng đầu của ĐCSTQ cũng cần được quan tâm xứng đáng. Các bài bình luận này thường sử dụng các bút danh, ví dụ Zhong Sheng (中 声/tiếng nói của trung tâm, tức là của Ủy ban Trung ương).[13]
Thứ tư, từ năm 1991, Quốc vụ viện đã đưa ra “Sách trắng”. Ban Tuyên giáo của ĐCSTQ giám sát công việc này. Đây không phải là các tài liệu tham vấn vấn đề lập pháp trong tương lai, mà trình bày và giải thích một cách toàn diện về chính sách của Trung Quốc trong các lĩnh vực liên quan. Đây là các tài liệu đã được chắt lọc, là những hướng dẫn hữu ích về tư duy của ĐCSTQ, hoặc ít nhất là về những gì ĐCS mong muốn các nước khác nhìn nhận về Trung Quốc.
Đối với các sự kiện, cần tìm kiếm các tài liệu được phát sau các cuộc họp quan trọng hàng năm bên cạnh những cuộc họp đã được đề cập ở trên. Vào tháng 1, ĐCSTQ tổ chức cuộc họp toàn thể của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Cũng trong tháng Một “Tài liệu số 1” được xuất bản. Trong gần hai thập kỷ, các tài liệu này liên quan tới phát triển nông nghiệp và nông thôn, cung cấp những thông tin có giá trị về một cuộc họp quan trọng được tổ chức vào cuối năm trước là Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của tháng 12. ĐCSTQ cũng triệu tập các hội nghị công tác trung ương về các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như vấn đề dân tộc, Tân Cương, Mặt trận thống nhất, tôn giáo. Các hội nghị này được tổ chức vài năm một lần tùy thuộc vào mức độ quan tâm của ĐSC đối với các vấn đề nêu trên. Cuối cùng, chúng ta không thể đọc tất cả mọi thứ, nhưng điều quan trọng nhất để hiểu được tư duy và chính sách của ĐCSTQ là các ấn phẩm của đảng: Nhật báo Nhân dân và Tạp chí Lý luận (“Qiushi”, bao quát các vấn đề về lý thuyết và học thuyết); Tân Hoa Xã; và Thời báo Hoàn cầu (theo cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc, “thù địch với người nước ngoài”, và một phần là để giải trí). Do tầm quan trọng của PLA trong chính trị Trung Quốc, Nhật báo Giải phóng của quân đội cũng có thể là tài liệu cần tham khảo.Các phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung thường khác nhau, do đó việc so sánh các phiên bản này cho thấy nhiều thông tin thú vị. Cuối cùng, hãy tìm hiểu những nguồn tin từ tỉnh và thành phố. Đôi khi tỉnh và thành phố nói nhiều về chính sách hơn là trung tâm; thi thoảng tỉnh và thành phố nói khác nhau, điều này phản ánh khoảng cách giữa chỉ đạo của trung ương và thực hiện ở địa phương.
Cách đọc các tài liệu: lời khuyên của một tu sĩ Dòng Tên
Nếu nói về việc thổi hồn vào các kỹ năng vốn rất quen thuộc, chúng ta nên bắt đầu tìm hiểu về trí tuệ của linh mục Dòng Tên người Hungary, Lazlo Ladany. Cha Ladany, bị trục xuất khỏi Trung Quốc năm 1949, đã biên tập tài liệu “Phân tích Tin tức Trung Quốc” cho đến năm 1982. Ông chủ yếu dựa vào báo chí, tài liệu và chương trình phát thanh của Trung Quốc để đưa ra bình luận chính xác và đầy đủ thông tin về các sự kiện ở Trung Quốc, trong những người khác đang tung hô về những thành tựu của Mao Trạch Đông. Trong ấn bản cuối cùng, ông đã in một danh sách “mười điều răn” hướng dẫn chúng ta nhìn xuyên qua màn sương mù của chính trị Trung Quốc đương đại. Những điều răn này vẫn có giá trị cho tới ngày nay:
1. Hãy nhớ rằng không ai sống trong một xã hội tự do có thể hiểu đầy đủ về cuộc sống trong một xã hội tập trung.
2. Hãy nhìn vào Trung Quốc qua lăng kính của Trung Quốc; nếu ta nhìn Trung Quốc qua lăng kính của một người ngoại quốc thì ta đang cố gắng hiểu các sự kiện của Trung Quốc dưới góc độ các vấn đề của chính chúng ta.
3. Hãy nghiên cứu một điều gì đó về các quốc gia Cộng sản khác (dù chỉ còn lại năm quốc gia, nhưng có thể bổ sung danh sách này bằng cách nghiên cứu lịch sử vì “quá khứ là một quốc gia khác”).
4. Nghiên cứu những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác.
5. Hãy nhớ rằng các ngôn từ và thuật ngữ trong một xã hội theo chủ nghĩa Mác khác với ngôn từ của chủ nghĩa Mác ở các xã hội khác.
6. Hãy giữ thường thức của bạn: người Trung Quốc có thể có những đặc điểm riêng của Trung Quốc, nhưng họ là con người, và do đó có những phản ứng bình thường của con người.
7. Con người quan trọng chẳng kém gì các vấn đề, thậm chí còn hơn thế. Một nhóm người có thể triển khai một chương trình mà những người khác phản đối để duy trì quyền lực.
8. Đừng tin rằng bạn biết tất cả các câu trả lời. Trung Quốc đặt ra nhiều câu hỏi hơn là đưa ra câu trả lời.
9. Đừng đánh mất óc hài hước của bạn, và đừng nghiêm trọng hoá một tờ báo bị kiểm duyệt nghiêm ngặt.[14]
10. Trên hết, hãy đọc và quan tâm tới những dòng chữ được in nhỏ hơn (small print) trong các văn bản
Hãy đọc kỹ các tài liệu và báo cáo của Trung Quốc
Chúng ta phải lưu ý đến khoảng cách giữa luận điệu và thực tế, đặc biệt là về các chủ đề nhạy cảm. Theo cách nói của Tập Cận Bình, báo chí lấy tên là “Đảng”.[15] Nhiệm vụ của báo chí là tích cực tuyên truyền và thuyết phục. Những thông báo mạnh bạo về chính sách có thể không dẫn đến việc triển khai, hoặc không giống như cách các chính sách này được trình bày trên tờ Nhân dân Nhật Báo. Ví dụ, việc áp dụng thuế tài sản đã được công bố gần đây và một số lần khác trong thập kỷ qua. Nhưng chúng ta chưa thấy chính sách này được triển khai trên thực tế.[16]Việc so sánh một bài phát biểu hoặc báo cáo quan trọng với các phát biểu trong những dịp tương tự trong quá khứ là một hướng đi khôn ngoan. Liệu ý tưởng hay ngôn ngữ thực sự mới? Có thể là vậy, nhưng những từ tương tự có thể xuất hiện trong báo cáo của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm trước hoặc trong trong những bài phát biểu của Hồ Cẩm Đào từ một thập kỷ trước. Đâu là những khác biệt so với các chủ đề đã được đề cập trong quá khứ, những khác biệt này ám chỉ điều gì. Ví dụ, tất cả những phát ngôn của Tập Cận Bình về “kỷ nguyên mới” hoặc “mô hình phát triển mới” cho thấy sự nhất quán quan trọng với quá khứ.Trong một bài phát biểu hoặc báo cáo, hãy xem phần “có một số vấn đề”: phần này thường cho ta nhiều thông tin hơn hơn phần “chúng tôi làm chưa tốt”.Cả nền chính trị của ĐCSTQ và tiếng Trung đều mượn các khẩu hiệu và biệt ngữ.[17] Ngũ cứ có ý nghĩa quan trọng. Khẩu hiệu là sự cô đọng của hệ tư tưởng, chính sách hoặc tuyên truyền. Ví dụ, kể từ Hội nghị toàn thể lần thứ sáu vào tháng 11 năm 2021, cụm từ “Hai xác lập” thường xuyên được đề cập. Việc xác lập Tập Cận Bình là hạt nhân của ĐCSTQ, và “Tư tưởng Tập Cận Bình” cho “Kỷ nguyên mới” là chỉ dẫn và cốt lõi của hệ tư tưởng là một phần trong quá trình tập trung quyền lực mạnh mẽ hơn của Tập Cận Bình, điều sẽ được khẳng định tại Đại hội Đảng năm nay. Cách dễ nhất để hiểu ý nghĩa của các khẩu hiệu và biệt ngữ là nhập từ khóa vào “Baidu”, công cụ tìm kiếm chính của Trung Quốc.[18]Sự vắng mặt của ngôn ngữ và con người có thể quan trọng. Nuri Bekri, ứng cử viên hàng đầu cho một số chức vụ chủ chốt, đã vắng mặt trong danh sách đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ 19. Đó rõ ràng là một tín hiệu cho thấy ông ta đang gặp rắc rối về chính trị. Nhưng chúng ta cũng cần thận trọng. Những đồn đoán gần đây rằng Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị (PBSC), có thể gặp rắc rối chính trị vì ông không có mặt tại các cuộc họp quan trọng trong hai tuần là quá lời (vì không thể lập luận rằng bảy thành viên ở độ tuổi 70 của Thường vụ Bộ Chính trị luôn phải có sức khỏe tốt để có mặt trong mỗi Ủy ban Trung ương trong liên tục năm năm).
Một số chuẩn bị cần thiết
Chúng ta khó có thể sánh được với trí tuệ của Cha Ladany hay văn xuôi Spartan của ông. Do đó, dưới đây là một số lời khuyên mang tính chọn lọc để hiểu đất nước rất hấp dẫn này.
Hiểu những điều cơ bản
Để hiểu hệ thống chính trị rất khác biệt của Trung Quốc, nghiên cứu sơ bộ là rất cần thiết. Cũng giống như các điểm 2-4 của Cha Ladany, ở mức tối thiểu, ta cần hiểu bộ xương quản trị và cách thức ĐCSTQ hoạt động.
Đặc biệt:
- “Nhà nước theo chủ nghĩa Lenin” là gì?[19] ĐCSTQ là nhà nước theo chủ nghĩa Lenin. Chúng ta cần hiểu mối quan hệ của đảng với chính phủ và các tổ chức khác, như cách nói của Tập Cận Bình là “đảng lãnh đạo mọi khía cạnh”. Đảng cũng tham khảo ý kiến rộng rãi. Điều này đòi hỏi chúng ta cần hiểu về Mặt trận Thống nhất và hệ thống Hội nghị Hiệp thương Chính trị của Nhân dân Trung Quốc.[20]
- Năm cấp (tỉnh, thành phố, quận, thị trấn và làng xã) của đảng và chính quyền, và quyền hạn của họ.
- ĐCSTQ hoạt động như thế nào và làm thế nào để trở thành thành viên của Đảng.
- Hệ tư tưởng thực sự quan trọng, đặc biệt là dưới thời Tập Cân Bình. Tập Cân Bình rất quan tâm về “chủ nghĩa Mác thế kỷ 21” và về việc khắc sâu hệ tư tưởng vào đời sống chính trị, văn hóa và thậm chí cả đời sống cá nhân.
Tuyên bố về chính sách hoặc hành động là một chuyện, thực thi là chuyện khác. Người Trung Quốc nhắc đi nhắc lại rằng Trung Quốc là một nước lớn; và trên thực tế năm tỉnh của Trung Quốc có dân số lớn hơn nước Đức.[21] Do đó, một hệ thống tập trung, từ trên xuống, không liên bang không thể giám sát 1,4 tỷ người. Vì vậy, những gì Bắc Kinh nói và những gì các tỉnh làm đôi khi có thể rất khác nhau.
ĐCSTQ theo chủ nghĩa duy ngã. Đảng nhìn mọi thứ dưới lăng kính duy trì quyền lực. Do đó, trong một chế độ chuyên quyền, việc một cá nhân đánh mất quyền lực có thể tạo ra những mối nguy hiểm đối với cá nhân đó. ĐCSTQ hợp pháp hóa sự chuyên quyền thông qua sáu câu chuyện xoay quanh nội dung là chỉ có đảng mới có thể đảm bảo:
- Thịnh vượng;
- Chỗ đứng của Trung Quốc ở trung tâm thế giới;
- Toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc;
- Tôn trọng văn hóa của Trung Quốc;
- Hình thức quản trị tốt nhất;
- Giải pháp cho các vấn đề mới: bất bình đẳng và vấn đề môi trường.Chính sách đối ngoại được xây dựng dựa trên các câu chuyện này. Hơn bất kỳ quốc gia nào khác, chính sách đối ngoại của Trung Quốc được xây dựng trên cơ sở các ưu tiên trong nước. Chính sách đối ngoại cũng để xử lý các sự kiện, vụ việc từ bên ngoài để duy trì quyền lực hợp pháp của ĐCSTQ.
Nắm vững kiến thức về lịch sử và văn hóa Trung Quốc trước khi ĐCSTQ được thành lập cũng rất quan trọng. ĐCSTQ đã nhiều lần chỉ trích đồng thời thao túng lịch sử và văn hóa của Trung Quốc. Tương tự, “những người theo dõi Trung Quốc” cần hiểu bản chất và vai trò của tham nhũng, điều mà hầu hết người ngoại quốc khó có thể hiểu nếu họ chưa tận mắt chứng kiến. Quy mô tham nhũng vẫn ở mức báo động mặc dù Trung Quốc đã triển khai cuộc chiến chống tham nhũng kéo dài gần một thập kỷ.[22] Theo đó, để hiểu hệ thống chính trị, cần hiểu vai trò của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương trong hệ thống chính trị.
Tiếp cận Trung Quốc đúng cách
Chúng ta nên tránh cách tiếp cận “lẽ phải thông thường”. Nếu tất cả mọi người cùng nói những điều giống nhau và báo cáo cùng một khía cạnh, ta lên lùi một bước và đặt câu hỏi rằng liệu các sự kiện đó có thể được giải thích từ một góc độ khác; hơn là chấp nhận những quan điểm được cho là “lẽ phải”. Chúng ta nên lật lại các giả thuyết bằng cách truy lại các nguồn. Tương tự, những tin đồn thường quá dễ trở thành “sự thật”. Chỉ bởi vì một người Trung Quốc nói với bạn điều gì, điều đó không tự nhiên trở thành sự thật. Họ có ở cương vị để biết về điều đó không? Họ có thể và sẽ lấy thông tin từ đâu? Liệu họ có lý do nào để bảo vệ một quan điểm nhất định?[23] Những người ở vị trí tương tự sẽ nói gì? Liệu họ có lặp lại câu chuyện đó và sử dụng cùng một nguồn?Đối với ĐCSTQ, mâu thuẫn không phải là vấn đề đáng quan tâm như đối với người Anh vốn được nuôi dưỡng theo truyền thống Aristotle (trong tiếng quan thoại, mâu thuẫn là “maodun” (矛盾 nghĩa đen là “giáo/khiên”). Từ này bắt nguồn từ câu chuyện của hai người đàn ông, một trong số họ đã khoác lác rằng không gì có thể cản được ngọn giáo của anh ta, người còn lại nói rằng lá chắn của anh ta là không thể xuyên thủng. Trong thế giới nói tiếng Anh, nói một đằng và làm một nẻo thường bị coi là hành vi đạo đức giả, và chúng tôi coi trọng việc phơi bày hành vi này. Nhưng ĐCSTQ không quá để tâm tới điều này.[24] Thậm chí ở Anh và những nước có cùng hệ tư tưởng đã nhìn nhận “mâu thuẫn và đạo đức giả” khác nhau về định nghĩa, mức độ và ý nghĩa chính trị thực tế. Theo đó, chúng ta cần hiểu sự khác biệt này khi đánh giá về cách thức ĐCSTQ phản ứng với các mối quan tâm trong nước và quốc tế.
Những điều cần lưu ý khi giải thích về Trung Quốc
Ở Trung Quốc, ảnh hưởng của các chuẩn tắc hay thể chế hoá tương đối hạn chế. Thay vào đó, người ta đề cao quyền lực hơn rất nhiều.Không quá lời khi nói rằng nhóm người quan trọng nhất ở Trung Quốc là 2.851 bí thư đảng uỷ của ĐCSTQ (có thể không tính Thường vụ Bộ Chính trị). Họ là những người triển khai hoặc không triển khai chính sách. Quan sát cách những người này phản ứng hoặc cách các lãnh đạo trung tâm làm việc với họ gợi mở những gì đang diễn ra. Bắc Kinh không kiểm soát mọi thứ; trên thực tế, Bắc Kinh kiểm soát ít hơn rất nhiều so với mong muốn. Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, Thủ tướng của Quốc vụ viện Trung Quốc, trong thập kỷ qua đã dành phần lớn thời gian thuyết phục hoặc phê bình các bí thư cấp địa phương để yêu cầu họ thực hiện các chỉ thị của trung ương.[25]Chúng ta nên cố gắng nhìn các sự kiện qua con mắt của một cán bộ hoặc quan chức ĐCSTQ. Họ đang phải chịu những áp lực gì, và điều đó có thể ảnh hưởng đến những gì họ làm hoặc nói như thế nào? Những luồng gió chính trị đang thổi như thế nào, và điều đó ảnh hưởng đến hành vi ra sao? Trong khi họ sống ở một thế giới rất khác với các quan chức phương Tây, chúng ta không nên quên lời khuyên của Cha Ladany rằng họ cũng có những phản ứng tự nhiên của con người.Chúng ta không nên cố gắng tách bạch các phe phái chính trị. Các lãnh đạo khen thưởng những cá nhân mà họ biết và tin tưởng. Không có gì ngạc nhiên khi Tập Cận Bình đã thăng chức cho một số lượng lớn những người mà ông đã từng làm việc cùng trước đó ở Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải. Trong khi đó, Tập thẳng tay trừng phạt hoặc loại bỏ các đối thủ, hoặc các quan chức trung thành với các lãnh đạo khác ra khỏi cuộc chơi. Điều quan trọng là phải hiểu guanxi (关系), mạng lưới kết nối, được hình thành như thế nào ở tất cả các cấp của ĐCSTQ. Điều gắn kết họ với nhau có thể là chia sẻ kinh nghiệm bản thân, công việc trong cùng lĩnh vực như thủy điện, dầu khí hoặc tuyên truyền sau khi cùng làm việc ở một tỉnh. Quan hệ cá nhân ở Trung Quốc quan trọng hơn trong hệ thống của chúng ta.
Ở Trung Quốc, không khó để chứng kiến các hoạt động kiểm soát tội phạm. Tội phạm có tổ chức hoạt động ở các nước khác. Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Thượng tôn pháp luật không đầy đủ, thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình, và quyền lực của các quan chức địa phương khiến cho các hành vi giống như mafia dễ dàng phát triển mạnh mẽ - thường nhân danh ĐCSTQ. Mức độ nghiêm trọng của vấn đề được phản ánh trong một chiến dịch chống mafia kéo dài liên tục trong ba năm. PLA đảm bảo tối đa quyền lực của ĐCSTQ. Như Mao Trạch Đông đã nói: “Quyền lực chính trị nảy sinh từ nòng súng”.[26] Ông cũng mô tả PLA là một trong “ba vũ khí ma thuật”, cùng với ĐCSTQ và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Phát ngôn và hành động của PLA có sức nặng. PLA là quân đội của đảng. Điều đó làm khiến PLA có tính chính trị. Trên thực tế, PLA có nhiều đại diện trong Ủy ban Trung ương, và các lãnh đạo cấp cao của PLA chiếm một tỷ lệ đáng kể đại biểu tham dự các cuộc họp quan trọng như Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc hàng năm. Bất kỳ nghiên cứu nghiêm túc nào về Trung Quốc đều phải tính đến PLA.
Kết luận
Cha Ladany nhắn nhủ chúng ta không được đánh mất óc hài hước để nhìn vấn đề ở một góc độ thú vị hơn. Có rất nhiều điều để giải trí, cũng như việc một số hành vi chính trị hoặc xã hội của chúng ta khiến người Trung Quốc thích thú. Ví dụ, thật thú vị khi một ngày đọc một báo cáo của Tân Hoa Xã về Hội nghị Xây dựng Nhà vệ sinh Quốc gia, đặt mục tiêu năm 2020 hoàn thành 85% mục tiêu; về một quan chức Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương định nghĩa lối sống suy thoái đạo đức (corrupt life) là có ba nhân tình, trong khi định nghĩa một đời sống đồi truỵ (dissolute lifestyle) là có ba nhân tình hoặc nhiều hơn; hoặc gắn mác phản ứng của người Anh với các sự kiện ở Hồng Công là “theo chủ nghĩa thực dân” khi Chính phủ Hồng Công, với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, sử dụng luật thuộc địa (colonial legislation) để kiểm duyệt tự do báo chí, luật mà người Anh đã không sử dụng trong nhiều thập kỷ và đã muốn bãi bỏ, nhưng đã bị người Trung Quốc ngăn cản trước năm 1997.Tuy nhiên, những điều này dù có thể khiến người đọc ngạc nhiên và hoài nghi, đang giúp làm sáng tỏ về Trung Quốc. Bệnh tật ở nông thôn, đặc biệt là ở trẻ em, là một vấn đề nghiêm trọng. Lạm dụng quyền lực và quyền của phụ nữ cũng vậy; tuy nhiên, các vấn đề này giúp chúng ta nhận thức hoặc hiểu được điều gì đó, như những sự kiện gần đây xung quanh Bàng Soái (Peng Shuai), một vận động viên quần vợt của Trung Quốc và Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), một thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ngay cả sự đạo đức giả hay chủ nghĩa thực dân cũng gợi mở điều gì đó về chế độ ĐCSTQ.Và một lời nhắc nhở cuối cùng: ĐCSTQ lãnh đạo mọi thứ và có mặt ở khắp mọi nơi. Một trong những phi hành gia của Trung Quốc đã kêu gọi thành lập một nhánh của ĐCSTQ ngoài không gian (một nhánh yêu cầu tối thiểu ba thành viên) - sẽ là “một bước tiến nhỏ của con người, một bước tiến vĩ đại cho nhân loại”.
Khuyến nghị cho Chính phủ Anh
- Cần xem xét thành lập một trung tâm nghiên cứu và phân tích quy mô cấp chính phủ về Trung Quốc (có thể ở Văn phòng Nội các thay vì ở Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển). Các sản phẩm của trung tâm này nên phản ánh sự quan tâm của tất cả các đơn vị khác;
- Các tổ chức theo dõi Trung Quốc nên tìm cách khuyến khích và khen thưởng nhân viên của họ một cách thích đáng để họ tiếp tục cam kết theo dõi Trung Quốc trong thời gian dài, trong một số trường hợp là toàn bộ sự nghiệp của họ;
- Chính phủ nên đầu tư năng lực để sử dụng nguồn thông tin mở. Bất kỳ trung tâm nào được thành lập đều phải phục vụ và nhận nhiệm vụ từ tất cả các cơ quan chính phủ;
- Cho đến khi xây dựng thành công năng lực sử dụng nguồn thông tin mở, hoặc để bổ sung cho các công việc của chính phủ, một số tổ chức và công ty nghiên cứu cần tiếp tục trau dồi và vận dụng các kỹ năng nghiên cứu căn bản, truyền thống;
- Những cá nhân làm việc trong trung tâm phân tích nên được đào tạo chuyên sâu hơn về nghiên cứu và phân tích Trung Quốc;
- Nhiều giấy tờ và dự án nên được ủy quyền cho các cơ quan tổ chức tư nhân, đặc biệt khi cần có góc nhìn chuyên sâu về một vấn đề.
Charles Parton OBE là chuyên gia về Địa chính trị ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Council on Geostrategy, Vương quốc Anh. Ông đã dành 22 trong 37 năm sự nghiệp ngoại giao để làm việc tại Trung Quốc, Hồng Công và Đài Loan. Trong nhiệm kỳ cuối của mình, Charles Parton biệt phái tại Phái đoàn của Liên minh châu Âu tại Bắc Kinh với cương vị là Tham tán thứ nhất cho đến cuối năm 2016. Tại đây, ông tập trung vào chính trị và diễn biến nội bộ của Trung Quốc, đồng thời tư vấn cho Liên minh châu Âu và các nước thành viên về cách thức chính trị của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến những quan tâm và lợi ích của Trung Quốc. Năm 2017, Charles Parton được chọn làm Cố vấn Đặc biệt của Ủy ban Tuyển chọn Đối ngoại về Trung Quốc; ông trở lại Bắc Kinh trong bốn tháng với tư cách là Cố vấn cho Đại sứ quán Anh về Đại hội 19 của Đảng Cộng sản.
Người dịch: Linh Nguyễn
Nguồn: tại đây
[1] Xem Xi Jinping, ‘读懂今天的中国, 必须读懂中国共产党’ [‘Để hiểu Trung Quốc ngày nay, chúng ta phải hiểu Đảng Cộng sản Trung Quốc], 求是 [Qiushi], 03/12/2021, https://bit.ly/3gaVcFz [found: 28/01/2022].
[2] Tập Cận Bình tuyên bố kỷ nguyên mới cho chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc tại Đại hội Đảng năm 2017. Về bản chất, ông xem Trung Quốc 100 năm qua được chia thành ba thời đại: thời đại Mao, khi Trung Quốc ‘đứng lên’; thời Đặng Tiểu Bình-Giang Trạch Dân-Hồ Cẩm Đào, khi Trung Quốc ‘giàu lên’; và ‘kỷ nguyên mới’, khi CHND Trung Hoa “đang trở nên vững mạnh”. Kỷ nguyên mới này sẽ đạt đến đỉnh cao khi đạt được ‘mục tiêu trăm năm lần thứ hai’ vào năm 2049, khi CHND Trung Hoa trở thành siêu cường của thế giới, hay như lời của ĐCSTQ là ‘một quốc gia xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và hiện đại’. Xem: Xi Jinping, ‘Principal contradiction facing Chinese society has evolved in new era’, The State Council of the People’s Republic of China, 18/10/2017, https://bit.ly/3s2qZhq [found: 28/01/2022].
[3] Winston Churchill, ‘The Russian Enigma’, The Churchill Society, 01/10/1939, https://bit.ly/3gd0kZH [found: 28/01/2022].
[4] ‘Current Key Work Arrangements for the Disclosure of Government Information’ [‘国务院办公厅关于印发当前政府信息公开重点工作安排的通知’], 中华人民共和国中央人民政府 [The Central People’s Government of the People’s Republic of China], 01/07/2013, https://bit.ly/3ANSVtB [found: 28/01/2022].
[5] ‘Current Key Work Arrangements for the Disclosure of Government Information’ [‘国务院办公厅关于印发当前政府信息公开重点工作安排的通知’], 中华人民共和国中央人民政府 [The Central People’s Government of the People’s Republic of China], 01/07/2013, https://bit.ly/3ANSVtB [found: 28/01/2022].
[6] Lily Kou, ‘From denial to pride: how China changed its language on Xinjiang’s camps’, The Guardian, 22/10/2018, https://bit.ly/3IPrlyH [found: 28/01/2022].
[7] Một ví dụ hay về việc việc sử dụng chế độ ánh sáng ban đêm để làm sáng tỏ quy mô của các trại tập trung ở Tân Cương. Xem: Eric Robinson and Sean Mann, ‘Investigating the Growth of Detention Facilities in Xinjiang Using Nighttime Lighting’, RAND Corporation, 26/02/2021, https://bit.ly/3ocUFqV [found: 28/01/2022].
[8] The Royal United Services Institute’s ‘Project Sandstone’ is a good example. See: ‘Project Sandstone’, Royal United Services Institute, No date, https://bit.ly/3udKAOl [found: 28/02/2022].
[9] Katrina Northrop, ‘Open Source’, The Wire China, 16/01/2022, https://bit.ly/32JlrzJ [found: 28/01/2022].
[10] See: ‘Central Committee of the Chinese Communist Party Decision Concerning Deepening Cultural Structural Reform’, China Copyright and Media, 18/10/2011, https://bit.ly/3GfGdVe [found: 28/01/2022].
[11] Mặc dù Tập Cận Bình không phải là Tổng Bí thư ĐCSTQ vào tháng 11 năm 2011, nhưng ông vẫn được chỉ định là người kế nhiệm và phụ trách ủy ban soạn thảo quyết định. Theo đó, những đóng góp về nội dung của Tập Cận Bình hiển nhiên là quan trọng, nhưng điều này cũng phản ánh quyết tâm thắt chặt kiểm soát của cấp cao nhất ĐCSTQ.
[12] Đây là chủ đề chính trong Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề chính liên quan đến cải cách sâu rộng toàn diện tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa 18 vào tháng 11 năm 2013. Xem ‘Decision of the Central Committee of the Communist Party of China on Some Major Issues Concerning Comprehensively Deepening the Reform’, China.org.cn, 16/01/2014, https://on.china.cn/3rbX734 [found: 28/01/2022].
[13] Một bản hướng dẫn về các tên này có sẵn tại: Wen-Hsuan Tsai and Peng-Hsiang Kao, ‘The Secret Codes of Political Propaganda’, China Quarterly, 214 (2014).
[14] “Do not lose your sense of humour. A regimented press is too serious to be taken very seriously”: ý tác giả có thể được hiểu là đừng luôn trầm trọng hoá vấn đề, mà hãy nhìn vấn đề ở một góc độ thú vị, vui vẻ hơn.
[15] Zhuang Pinghui, ‘China’s top party mouthpieces pledge “absolute loyalty” as president makes rare visits to newsrooms’, South China Morning Post, 19/02/2016, https://bit.ly/3KUthrF [found: 28/01/2022].
[16] Thông báo lần này có khác gì các thông báo gần đây không? Quyền sở hữu tài sản của các thành viên ĐCSTQ, những người có thu nhập thấp, cũng như sự phản đối của tầng lớp sở hữu tài sản là hai trở ngại lớn.
[17] Xem cuộc thảo luận chi tiết hơn tại: Geremie Barmé, ‘New China Newspeak’, A New Sinology Reader, No date, https://bit.ly/3IRlicS [found: 28/01/2022].
[18] Tìm kiếm Baidu tại https://www.baidu.com/.
[19] Steve Tsang đã mô tả ngắn gọn nhất về hệ thống này: ‘Chủ nghĩa Lenin có năm đặc điểm chính: (i) tất cả xoay quanh duy trì quyền lực; (ii) cải cách quản trị liên tục để đáp ứng trước các nhu cầu của công chúng về dân chủ hóa; (iii) những nỗ lực bền vững để nâng cao năng lực của Đảng trong việc thu hút, phản ứng và định hướng dư luận; (iv) tính thực dụng trong quản lý kinh tế, tài chính; và (v) thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc thay cho chủ nghĩa cộng sản”. Xem : Steve Tsang, ‘Consultative Leninism: China’s new political framework’, Journal of Contemporary China, 18: 62 (2009).
[20] Để hiểu được bản chất nghiêm túc của tham vấn, hệ thống Hội nghị Hiệp thương Chính trị của Nhân dân Trung Quốc bao gồm khoảng 622.000 người ở các cấp quản trị khác nhau trên toàn CHND Trung Hoa.
[21] Guangdong, Shandong, Henan, Jiangsu and Sichuan. See: ‘Population in China in 2020, by region’, Statista, 10/2021, https://bit.ly/32LglmB [found: 28/01/2022].
[22] Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương từ tháng 12 năm 2012 đến tháng 6 năm 2021, 393 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ đã bị điều tra, 22.000 ở cấp sở và cục, hơn 174.000 ở cấp quận và huyện, và 631.000 ở thị xã và các bộ phận. Xem: ‘开年打两虎:保持对腐败的压倒性力量常在’ [‘At the start of the year, fighting tigers; Maintaining unrelenting and overwhelming force against corruption’], 中共中央纪律检查委员会 [Central Commission for Discipline Inspection of the Communist Party of China], 08/01/2022, https://bit.ly/3G8nT0s [found: 28/01/2022].
[23] Theo kinh nghiệm của tác giả, đây là một cái bẫy mà các đại sứ đặc biệt dễ gặp phải. Nhiều người cho rằng những người đối thoại cấp cao của ĐCSTQ sẽ luôn nói sự thật, không bị thao túng bởi cạm bẫy của tuyên truyền.
[24] Các giá trị phương Tây là thù địch, nhưng ngay cả con gái của Tập Cận Bình cũng học ở Mỹ. Để tuyên bố rằng
CHND Trung Hoa đã “đưa ra một báo cáo chung về nguồn gốc của vi rút, thể hiện cam kết đối với sự cở mở, minh bạch và hợp tác quốc tế” và trong cùng đoạn văn đó làm sống lại cáo buộc cho rằng Covid-19 có thể đã bắt đầu tại phòng thí nghiệm Fort Detrick Mỹ cần đôi chút táo bạo. Xem ‘China’s Diplomacy in 2021: Embracing a Global Vision and Serving the Nation and its People’, Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, 20/12/2021, https://bit.ly/3od3q4u [found: 28/01/2022].
[25] Một ví dụ điển hình là bài phát biểu của Tập Cận Bình tháng 8 năm 2015 với các bí thư đảng uỷ của ĐCSTQ. Xem: Xi Jinping, ‘做焦裕禄式的县委书记’ [‘Being a county party secretary in the manner of Jiao Yulu’], 新华网 [Xinhuanet], 08/09/2015, https://bit.ly/3ILaT2k [found: 28/01/2022].
[26] Mao Zedong, Quotations from chairman Mao Tsetung (San Francisco, California: China Books and Periodicals, Inc., 1990), p.224.
Để phục vụ công tác nghiên cứu và tra tìm tư liệu, website Nghiên cứu Biển Đông trân trọng giới thiệu bạn đọc toàn văn bài nghiên cứu có tựa đề “Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman và việc bổ nhiệm đại sứ mới Tần Cương liệu có mở ra bước ngoặt cho quan hệ Trung – Mỹ?” của tác giả Zhou Yuan,...
Liệu họ có thể tin tưởng vào một quốc gia ban đầu đã tìm cách che giấu dịch COVID-19 để rồi khiến nó lan ra toàn cầu hay không?
Bài viết này xem xét chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc trong khuôn khổ lý thuyết địa tâm lý học, một loại lý thuyết có thể được định nghĩa là lăng kính địa lý về mô hình hành vi và thái độ của một dân tộc đối với các dân tộc khác, bắt nguồn từ những kinh nghiệm trong quá khứ, quá trình...
Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống COVID-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước: từ thận trọng và phòng vệ sang bất mãn với những nhận định về nguồn gốc của virus.
Tham vọng của Bắc Kinh xây dựng PLA thành một lực lượng quân đội hàng đầu thế giới sẽ đặt ra những thách thức đối với các lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Không phải cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay các cuộc biểu tình ở Hong Kong, mà chính sự bùng phát dịch Covid-19 mới là thử thách thực sự về khả năng lãnh đạo của Chính quyền Tập Cận Bình.