09/06/2020
Liệu họ có thể tin tưởng vào một quốc gia ban đầu đã tìm cách che giấu dịch COVID-19 để rồi khiến nó lan ra toàn cầu hay không?
Ngay cả khi thế giới vẫn đang đóng cửa, Vịnh Đồng La - trung tâm bán lẻ của Hong Kong, nơi thực hiện việc phong tỏa từ sớm - đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa hoàn toàn bình thường. Chi nhánh của Ngân hàng công thương Trung Quốc (ICBC) tại Hong Kong, một biểu tượng cho sức ảnh hưởng của Bắc Kinh, vẫn chưa dỡ bỏ rào chắn. Các nhà quản lý chi nhánh ICBC này lo ngại rằng những người biểu tình được tự do sau nhiều tuần bị cách ly, có thể lại nhắm mục tiêu vào ngân hàng này. Điều này thể hiện rõ sự căng thẳng trong các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Hệ thống chính trị của Trung Quốc có thể nhanh chóng áp chế các vấn đề bằng cách huy động mọi nguồn lực nhằm theo đuổi một mục tiêu. Nhưng điều đó cũng tạo ra các cuộc khủng hoảng và khiến chúng trở nên sục sôi.
Niềm tin là thứ gắn kết hệ thống tài chính lại với nhau. Cần thuyết phục chứ không phải hăm dọa các thành phần tham gia nền kinh tế. Nhưng giống như nhiều nhà quan sát Trung Quốc trong các lĩnh vực khác, họ vẫn cảm thấy vừa kinh sợ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, vừa nghi ngờ liệu Trung Quốc có quan tâm đến lợi ích chung hay không. Ông Jan Dehn, một nhà quản lý quỹ thuộc Tập đoàn Ashmore, nói: “Mọi người nghĩ nó giống như Ngôi sao Tử thần trong ‘Chiến tranh giữa các vì sao’. Chính cái thứ đồ sộ, bí hiểm xuất hiện trên bầu trời này có khả năng hủy diệt tất cả chúng ta”. Liệu họ có thể tin tưởng vào một quốc gia ban đầu đã tìm cách che giấu dịch COVID-19 để rồi khiến nó lan ra toàn cầu hay không?
Sẽ khó có thể ngăn chặn được sự tách rời một phần trong hệ thống tài chính của thế giới. Kinh tế là thứ vũ khí rẻ và hầu như không đòi hỏi phải được chấp thuận, vì vậy đây tiếp tục là lựa chọn yêu thích của Tổng thống Mỹ các nhiệm kỳ. Họ nắm quyền càng lâu thì càng tăng cường sử dụng các vũ khí đó. Cho đến gần đây, may mắn là những điều này chưa gây ra vấn đề thực sự, nhưng Trung Quốc, với nền kinh tế có khả năng sớm vượt qua nền kinh tế Mỹ, có đủ sức mạnh để tạo ra các thị trường và chuẩn mực thay thế. Và Trung Quốc đang tập trung lôi kéo thế giới các nước đang phát triển, những nước ít trung thành hơn với các cấu trúc phương Tây nên có thể giúp Trung Quốc dễ tách rời hơn.
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi không tin việc một quốc gia vừa có thặng dư tài khoản vãng lai, vừa kiểm soát vốn chặt chẽ lại có thể đem lại cho thế giới một đồng tiền dự trữ. Nhưng thặng dư của Trung Quốc đã giảm mạnh sau khi đạt đỉnh vào năm 2007. Thâm hụt có thể sẽ trở thành điều bình thường. Dân số đang già đi của Trung Quốc sẽ tiết kiệm ít hơn. Bắc Kinh muốn tăng cường tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy nhập khẩu. Và các nền kinh tế phương Tây trì trệ đồng nghĩa với việc xuất khẩu chậm chạp. Morgan Stanley ước tính rằng trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2030, mỗi năm, Trung Quốc sẽ cần 210 tỷ USD dòng vốn ròng nước ngoài đổ vào để bù đắp khoản thiếu hụt này.
Đến lượt mình, điều đó sẽ thúc đẩy Trung Quốc tự do hóa hơn nữa các thị trường tài chính của họ. Việc nới lỏng điều tiết trên diện rộng là bất khả thi, nhưng các bước nhằm tăng tính thanh khoản, như cơ sở hạ tầng thị trường tốt hơn và giá cả công bằng hơn, sẽ giúp cho việc tự do hóa các thị trường tài chính. Và các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc vốn đang được nới lỏng. Những người có tài khoản tiết kiệm ở trong nước vẫn bị kiềm chế, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài cho biết họ không gặp khó khăn trong việc rút tiền ra, ngay cả trong thời điểm thị trường hỗn loạn. Các nhà quản lý quỹ dự trữ thấy được giá trị của việc ổn định tiền tệ mà các biện pháp kiểm soát hạn chế mang lại. Vì vậy, đồng nhân dân tệ có thể không cần phải có khả năng hoán đổi đầy đủ để trở nên được ưa thích. Vào đúng thời điểm, các nhà lãnh đạo đảng ở Bắc Kinh có thể quyết định điều đó, đặc biệt là nếu đã thu hút đủ các nhà đầu tư dài hạn để cảm thấy thoải mái.
Một hệ thống tài chính đa dạng hơn sẽ đem lại nhiều lợi ích. Việc dựa vào một loại tiền tệ thống trị duy nhất có nguy cơ đẩy thế giới vào tình trạng cạn kiệt tiền mặt trong thời kỳ khủng hoảng. Thanh toán xuyên biên giới hiệu quả hơn sẽ làm giảm chi phí.
Tách rời hay đảo ngược toàn cầu hóa?
Cũng có những thay đổi đáng khích lệ trong cách Trung Quốc kết nối với hệ thống tài chính thế giới. Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn thứ ba thế giới, tăng từ vị trí thứ 16 vào năm 2005. Và mặc dù cho đến tận năm 2016, dự trữ ngoại hối là loại hình đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở nước ngoài, nhưng tài sản đầu tư tư nhân nước ngoài của Trung Quốc, giá trị 4.200 tỷ USD, hiện đã vượt hơn hẳn dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Đây là một cách sử dụng đồng tiền hiệu quả hơn. Việc Trung Quốc mở cửa ngành tài chính sẽ cho phép các khoản tiết kiệm của nước này được phân bổ tốt hơn. Sự phát triển của thị trường tài chính Trung Quốc đem lại cho các nhà đầu tư quốc tế nhiều lựa chọn hơn. Chưa đến mức gây ra phản ứng quá thái của Washington, sự tách rời về tài chính không nhất thiết đồng nghĩa với việc đảo ngược toàn cầu hóa hoàn toàn.
Tuy nhiên, điều đó dẫn đến 3 nguy cơ. Thứ nhất là nó đẩy nhanh quá trình chia tách thành nhiều khu vực thị trường tài chính thù địch lẫn nhau, một vấn đề vốn đã bắt đầu diễn ra cách đây một thập kỷ. Hầu hết các quốc gia đã phản ứng trước cuộc khủng hoảng tài chính bằng cách ban hành các quy định mới. Nhiều quy định đã khiến hệ thống tài chính trở nên an toàn hơn. Tuy nhiên, dường như các cơ quan giám sát đôi khi bị thôi thúc bởi mong muốn khôi phục quyền kiểm soát ở địa phương hơn là thúc đẩy khả năng phục hồi toàn cầu. Tình trạng cục bộ như vậy buộc các ngân hàng toàn cầu phải thành lập các công ty con, thuộc sự giám sát của các nhà quản lý địa phương, thay vì chỉ mở các chi nhánh. Đặc quyền ngoại giao khiến các ngân hàng nước ngoài phải thực hiện nhiều nghĩa vụ ở nhiều cấp độ khác nhau.
Các thị trường tách biệt hơn có thể giúp ngăn chặn sự lây lan trong các cuộc khủng hoảng. Nhưng chúng cũng ngăn cản các tổ chức tài chính đa dạng hóa danh mục đầu tư, điều khiến họ không thể phân tán rủi ro. Theo Jose Viñals của Ngân hàng Standard Chartered (Anh), những thị trường tách biệt này “khóa chặt” các khoản tiết kiệm dư thừa, cản trở việc đầu tư số tiền này vào những nơi thiếu hụt.
Những căng thẳng địa chính trị đã đẩy mạnh khuynh hướng đó. COVID-19, đại dịch vốn khiến các nước dồn tâm trí và tiền bạc về trong nước nhiều hơn, có thể là một cú hích nữa cho khuynh hướng này. Cái giá của nó không hề rẻ. Một cuộc khảo sát năm 2018 cho thấy sự chia tách đã khiến GDP toàn cầu giảm gần 1%. Các chính sách bắt buộc các công ty phải phân bổ lại dữ liệu của mình bên trong biên giới của một quốc gia, vốn đã tồn tại ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác, có thể làm suy giảm các lợi ích của việc số hóa và khiến các thị trường phân mảnh hơn trong tương lai.
Các quy định cục bộ hóa cũng có thể ngăn chặn việc chia sẻ dữ liệu vì các mục đích quản lý rủi ro, dẫn đến nguy cơ thứ hai: một hệ thống bị sụp đổ sẽ trở nên kém an toàn hơn. Các liên kết phức tạp giữa các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính sẽ cung cấp nhiều điểm thâm nhập hơn cho những kẻ lừa đảo trên mạng. Những bên phụ thuộc đang xây dựng dựa trên các nút mạng không được kiểm soát và kém hiểu biết, tạo cơ hội cho các sự cố mang tính hệ thống.
Rủi ro thứ ba, và cũng là rủi ro lớn nhất, nằm ở việc dựa vào một bộ máy có hai nhà lãnh đạo nhưng lại không có một nhà lãnh đạo bác ái. Bất chấp các khủng hoảng, hệ thống đồng USD cho phép tăng trưởng được duy trì trong hàng thập kỷ. Tuy nhiên, Mỹ đôi khi tỏ ra ít quan tâm đến lợi ích chung hơn là lợi nhuận có thể thu được từ vai trò chi phối hệ thống tài chính của mình. Tháng 8/2019, một số nhà lập pháp Mỹ đã ủng hộ một dự luật lưỡng đảng đề xuất rằng Ngân hàng dự trữ Liên bang (FED) đánh thuế dòng vốn nước ngoài đổ vào nhằm giúp hạ giá đồng USD. Những hành động như vậy cho thấy sự đồng thuận ở Washington về những đánh đổi đi kèm với việc trở thành bá chủ tài chính đang ngày một phai mờ.
Ngược lại, Trung Quốc nói rằng họ sẵn sàng nắm vai trò lãnh đạo. Trung Quốc phản ứng trước các cuộc tấn công của Washington bằng những lời đề nghị hợp tác. Mặc dù có tiềm lực rất lớn nhưng các ngân hàng Trung Quốc lại tỏ ra ngần ngại trong việc tìm cách mua các đối thủ ở châu Âu. Tuy nhiên, cũng như trong kinh doanh, trong ngoại giao và hầu hết các lĩnh vực có sự hiện diện rõ ràng của Trung Quốc, những nghi ngờ vẫn tồn tại. Trung Quốc đang mở cửa các thị trường của mình, nhưng những người mới tham gia không chắc rằng liệu các quy định bất thành văn có cản trở họ hay không. Chế độ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thu hồi tài sản thế chấp nếu các công ty vỡ nợ chưa được kiểm chứng.
Nếu không được giải quyết, những nghi ngờ đó có thể giới hạn ảnh hưởng tài chính của Bắc Kinh trong phạm vi là một hệ thống vệ tinh, vì nhiều người tham gia thị trường chọn gắn bó với những nơi họ biết chắc rủi ro có thể nằm ở đâu. Thế giới đó sẽ không tối ưu theo nhiều cách. Hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ bị hạn chế tiếp xúc với hệ thống đồng USD, gây cản trở các dòng vốn. Khi cảm thấy lo ngại hơn về Trung Quốc, Mỹ có lẽ sẽ tìm cách kéo cấu trúc hiện tại nghiêng về phía có lợi hơn cho mình.
Có một con đường khác. Trung Quốc có thể chọn trấn an cộng đồng tài chính rằng họ sẽ không tìm cách che giấu sự thật khi xuất hiện các vấn đề trong hệ thống này và rằng họ sẽ hành động kịp thời, tất nhiên là tuân thủ các quy định thường được chấp nhận để giải quyết các vấn đề đó. Trung Quốc phải thể hiện rằng họ sẵn sàng tôn trọng quyền của những người đã chọn tin vào Trung Quốc, ngay cả khi chúng đi ngược lại với các lợi ích của nước này. Các thể chế do phương Tây lãnh đạo có thể giúp đỡ bằng cách công nhận vị thế mà Trung Quốc có được. Rồi sẽ đến lúc giới tài chính tiếp xúc với các tài sản và hệ thống của Trung Quốc phát hiện ra rằng chúng không chỉ đem lại lợi nhuận tốt, mà còn giữ được lời hứa.
Theo nhiều đánh giá, Mỹ đang trở thành một phần nhỏ bé hơn bao giờ hết của nền kinh tế toàn cầu. Định luật vạn vật hấp dẫn cho rằng khả năng Mỹ trở thành ông chủ ngân hàng trung ương duy nhất của thế giới sớm hay muộn cũng sẽ giảm đi và Trung Quốc sẽ lấp đầy một phần của khoảng trống này. Sẽ tốt hơn nhiều khi hai cường quốc này cùng tồn tại và hợp tác một cách hòa bình thay vì tự co cụm lại trong thế giới không hoàn chỉnh của chính mình.
Theo The Economist
Minh Anh (gt)
Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo mọi thứ và có mặt ở khắp mọi nơi. Một trong những phi hành gia của Trung Quốc đã kêu gọi thành lập một nhánh của ĐCSTQ ngoài không gian - sẽ là “một bước tiến nhỏ của con người, một bước tiến vĩ đại cho nhân loại”.
Để phục vụ công tác nghiên cứu và tra tìm tư liệu, website Nghiên cứu Biển Đông trân trọng giới thiệu bạn đọc toàn văn bài nghiên cứu có tựa đề “Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman và việc bổ nhiệm đại sứ mới Tần Cương liệu có mở ra bước ngoặt cho quan hệ Trung – Mỹ?” của tác giả Zhou Yuan,...
Bài viết này xem xét chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc trong khuôn khổ lý thuyết địa tâm lý học, một loại lý thuyết có thể được định nghĩa là lăng kính địa lý về mô hình hành vi và thái độ của một dân tộc đối với các dân tộc khác, bắt nguồn từ những kinh nghiệm trong quá khứ, quá trình...
Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống COVID-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước: từ thận trọng và phòng vệ sang bất mãn với những nhận định về nguồn gốc của virus.
Tham vọng của Bắc Kinh xây dựng PLA thành một lực lượng quân đội hàng đầu thế giới sẽ đặt ra những thách thức đối với các lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Không phải cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay các cuộc biểu tình ở Hong Kong, mà chính sự bùng phát dịch Covid-19 mới là thử thách thực sự về khả năng lãnh đạo của Chính quyền Tập Cận Bình.