Trần Chính Cao, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, rõ ràng có kẻ thù. Trong khi Trần Chính Cao tới Hong Kong hồi năm 2013, các đối thủ của ông đã chuẩn bị một hồ sơ chi tiết về chi tiêu đi lại và giải trí của ông. Không lâu sau chuyến đi, các doanh nhân Đại lục đã chuyển những tài liệu này cho hãng tin Reuters.

Trong số các tài liệu này có đoạn băng theo dõi chiếu cảnh vị chính trị gia quyền lực này, khi còn là tỉnh trưởng Liêu Ninh, bước ra ngoài khách sạn Conrad xa hoa ở Hong Kong tối ngày 24/4/2013. Trần Chính Cao đang dẫn đầu một đoàn đại biểu lớn gồm các quan chức Liêu Ninh đi thu hút đầu tư. Một nhóm theo dõi trong một chiếc xe hơi bên ngoài khách sạn đã quay cảnh ông bắt đầu đi bộ theo hướng công viên Hong Kong gần đó và quay trở lại khoảng 20 phút sau. Trần Chính Cao cũng bị theo dõi bên trong các phòng chức năng của khách sạn. Đoạn băng có cảnh ông đi vào một căn phòng với các trợ lý đi xung quanh dường như đã được quay bằng một máy quay bí mật.

Tài liệu trong hồ sơ cho thấy đoàn đại biểu của ông đã ở Conrad và hai khách sạn sang trọng khác ở Hong Kong là Island Shangri-La và Four Seasons. Cùng tối hôm Trần Chính Cao bị quay lại cảnh đi dạo, các tài liệu cho thấy đoàn đại biểu đã tổ chức một bữa tiệc với khoảng 30 khách ở Island Shangri-La. Thực đơn công phu gồm có lợn sữa nguyên con và các cao lương mỹ vị Trung Hoa khác tốn hơn 9.000 USD, theo các bản copy của thực đơn và hóa đơn trong hồ sơ.

Không có gì trong đoạn băng hay các tài liệu cho thấy rằng Trần Chính Cao, sinh năm 1952, đã làm gì phi pháp. Các bài báo trên báo chí chính thức Trung Quốc xác nhận rằng ông đã ở Hong Kong vào thời điểm đó. Chúng cũng nói rằng các đoàn đại biểu của ông đã thu hút được đầu tư đáng kể vào Liêu Ninh, một tỉnh phía Đông Bắc nơi nền kinh tế đã mở rộng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Hồ sơ này cho thấy nội tình hiếm thấy trong cuộc thanh trừng lớn đang làm rung chuyển Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Các doanh nhân Đại lục cung cấp hồ sơ này, cùng với tài liệu về nhiều phái đoàn trước đó mà Trần Chính Cao đã dẫn đầu đi Hong Kong và nước ngoài, thẳng thắn về ý định của mình: tô vẽ vị tỉnh trưởng là một người chi tiêu hoang phí và đặt ông vào tầm ngắm của các nhà điều tra tham nhũng, những người đang săn đuổi quan chức trên khắp Trung Quốc theo lệnh của Tập Cận Bình. Như một phần trong cuộc trừng trị nạn hối lộ của ông, Tập Cận Bình đang yêu cầu các quan chức cấp cao tạm ngừng các chuyến đi và giải trí hoang phí.

Bản chất chi tiết của các tài liệu được cho là mô tả chuyến đi của Trần Chính Cao minh họa cho thời gian mà một số người Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra trong nỗ lực nhằm khai thác cuộc trừng phạt. Các nhà điều tra hối lộ của Tập Cận Bình đang hối thúc những người chỉ điểm tố cáo các quan chức cũng như người quản lý của những công ty thuộc sở hữu nhà nước trong một chiến dịch đang tiếp tục sự điên rồ của các phong trào chính trị quần chúng trong những năm đầu của Đảng. Cuộc trừng phạt đang đem lại một cơ hội hiếm có để đánh đổ những nhân vật cao lớn trong một đảng thường có tính cấp bậc chặt chẽ.

Một người có quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc nói: “Về bề rộng và chiều sâu, chiến dịch chống tham nhũng này là chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc”, nhắc tới thời kỳ kể từ cuộc cách mạng năm 1949 khi những người Cộng sản giành thắng lợi trong cuộc nội chiến và lên nắm quyền.

Những lời dọa giết

Một mục trong hồ sơ về Trần Chính Cao cho thấy sự sốt sắng nêu ra những cái tên: hàng chục bức ảnh chụp lại các bảng tên người tham dự đặt trên bàn tiệc khách sạn. Trần Chính Cao đã không trả lời các câu hỏi qua thư điện tử gửi đến văn phòng ông về vụ theo dõi, quy mô của đoàn đại biểu ông đưa tới Hong Kong hay chi phí dành cho người đóng thuế. Các cuộc điện thoại đến văn phòng của ông không được trả lời.

Người phát ngôn của Conrad, Shangri-La và Four Seasons tất cả đều từ chối trả lời những câu hỏi về chuyến thăm của Trần Chính Cao, viện dẫn chính sách riêng tư của khách sạn. Tập Cận Bình đã không đặt một mức trần cho số vụ bắt giữ hay thiết lập một khung thời gian để kết thúc cuộc trừng phạt. Khi cuộc thanh trừng tiếp tục, nó đang phá hoại Đảng Cộng sản, các nhà lãnh đạo quân sự và kinh doanh từng không thể động đến và đang tiêu diệt những mạng lưới họ hàng và đồng minh hùng mạnh của họ.

Trong bầu không khí lo sợ và trả thù này, giới lãnh đạo đang không mạo hiểm. Hai nguồn tin có quan hệ với ban lãnh đạo ở Bắc Kinh cho biết an ninh đã được nâng cao đối với Tập Cận Bình, nhân vật có khả năng loại bỏ nạn hối lộ hàng đầu của ông, Vương Kỳ Sơn, và Tướng Lưu Nguyên, người đã điểm mặt chỉ tên nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội. Các nguồn tin này nói Tướng Lưu Nguyên, một trong những người bạn tâm giao gần gũi nhất của Tập Cận Bình, đã nhận được những lời dọa giết vì vạch trần các sĩ quan cao cấp bán chức tước. Hãng Reuters không thể xác nhận một cách độc lập các lời đe dọa này.

Nếu Tập Cận Bình lo lắng, điều đó không được thể hiện ra. Trước công chúng, dù đang duyệt binh, gặp gỡ một nhà lãnh đạo nước ngoài hay đón tiếp một đoàn doanh nhân, ông luôn mỉm cười, thoải mái và dường như là tự tin. Đó là một hình ảnh mà truyền thông nhà nước Đại lục và các tờ báo thân Bắc Kinh ở Hong Kong muốn tuyên truyền. Tập Cận Bình được trích dẫn khi phát biểu trong một cuộc họp kín của Bộ Chính trị vào ngày 26/6/2014: “Những người đe dọa nói chúng ta nên chờ và xem điều gì sẽ xảy ra trong tương lai với chúng ta nhưng tôi đơn giản chỉ nói, ai đang sợ ai?”, khi nhắc tới những người chỉ trích chiến dịch chống tham nhũng của ông. Bài báo ngày 25/7 đã được đăng trên trang mạng của tờ Đại Công Báo có trụ sở ở Hong Kong.

Loại bỏ các đối thủ

Trong các bài phát biểu và bình luận của mình, Tập Cận Bình lập luận rằng việc làm trong sạch Đảng Cộng sản gồm 86 triệu đảng viên là điều thiết yếu để duy trì quyền lực. Theo những danh sách được truyền thông nhà nước tập hợp, cho đến nay, 59 quan chức thuộc hàm tương đương hoặc cao hơn thứ trưởng nội các đã bị điều tra vì hối lộ kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Lãnh đạo của các công ty thuộc sở hữu nhà nước cũng bị xem xét kỹ lưỡng: Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), bộ phận kiểm soát nội bộ của Đảng, ngày 16/12/2014 cho biết rằng 74 giám đốc điều hành cấp cao của các công ty này đang bị điều tra tham nhũng.

Ngoài việc làm trong sạch Đảng, Tập Cận Bình cũng đang củng cố ban lãnh đạo của ông và loại bỏ các đối thủ nguy hiểm. Nạn nhân cấp cao nhất của ông là cựu lãnh đạo an ninh nội địa, Chu Vĩnh Khang. Chu Vĩnh Khang, sinh tháng 12/1942, là một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định quyền lực nhất của Trung Quốc, cho tới khi nghỉ hưu năm 2012. Hiện tại ông này gần như chắc chắn trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc cấp cao nhất bị khởi tố vì tham nhũng kể từ năm 1949. Giống như lệ thường trong các vụ án tham nhũng Trung Quốc, không thể tiếp cận được Chu Vĩnh Khang để bình luận. Không rõ liệu ông có luật sư hay không.

Ngoài những cáo buộc tham nhũng, vi phạm của Chu Vĩnh Khang còn là cả gan giành quyền lực. Theo những người biết rõ vụ án của ông, ông đã cố gắng đưa những người ủng hộ mình vào ban lãnh đạo cấp cao để có thể tiếp tục tạo ảnh hưởng khi đã nghỉ hưu.

Nạn nhân cấp cao gần đây nhất là Lệnh Kế Hoạch, trợ lý cấp cao của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Trong một tuyên bố ngắn gọn trên trang mạng của mình, CCDI nói rằng Lệnh Kế Hoạch đang bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, thường là cách nói uyển ngữ chỉ tham nhũng. Lệnh Kế Hoạch, người dường như từng được hướng đến một vị trí lãnh đạo hàng đầu, đã bị giáng chức vào năm 2012 xuống lãnh đạo Mặt trận Thống nhất Trung ương, một tổ chức có trách nhiệm mở rộng tầm ảnh hưởng của Đảng ở trong và ngoài nước.

Các nạn nhân bị thanh trừng cấp cao khác gồm có cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị, Tướng Từ Tài Hậu, và Tô Vinh, cho đến đầu năm 2014 còn là phó chủ tịch Chính Hiệp, cơ quan cố vấn hàng đầu cho Quốc hội.

Những con số thống kê đáng kinh ngạc

Bất chấp nguy cơ về một phản ứng chính trị dữ dội, Tận Cận Bình đang gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ ở trong và ngoài nước rằng ông sẽ là một nhà lãnh đạo quyết đoán hơn nhiều so với những người tiền nhiệm của mình, Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói với nhóm Bàn tròn Kinh doanh gồm các giám đốc điều hành của Mỹ ở Washington hồi đầu tháng 12/2014: “Ông ta đã củng cố quyền lực nhanh hơn và toàn diện hơn bất kỳ ai kể từ thời Đặng Tiểu Bình”, khi so sánh Tập Cận Bình với vị cố lãnh đạo Đảng đã từng đưa Trung Quốc đến kỷ nguyên cải cách thị trường của nước này. Obama và Tập Cận Bình đã gặp nhau vào tháng 11/2014 ở Bắc Kinh.

Người đứng đầu chống tham nhũng của Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn, được nhìn nhận rộng rãi là một trong những nhà lãnh đạo kiên quyết và có năng lực nhất của Trung Quốc. Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh cuộc thanh trừng tham nhũng sẽ không ngừng lại. Truyền hình nhà nước đưa tin Vương Kỳ Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là người đứng đầu CCDI, đã nói trước một hội nghị của cơ quan chống hối lộ ngày 25/10/2014 rằng cuộc trừng phạt sẽ không bao giờ chấm dứt.

Giống như các bộ kinh tế định kỳ đưa ra các thước đo đáng kinh ngạc về sản lượng của nhà máy, hàng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, CCDI hiện đang cho ra các số liệu thống kê để chứng minh cho những thành công của chiến dịch này. Theo CCDI, năm 2013, 182.038 đảng viên đã bị trừng phạt vì vi phạm kỷ luật, mà không nói rõ bản chất các vi phạm hay các biện pháp trừng phạt. CCDI cho biết tại một buổi họp báo vào ngày 10/1/2014 rằng con số này tăng 13,3% so với năm 2012.

Theo các số liệu mới nhất từ trưởng công tố chống tham nhũng của Trung Quốc, các công tố viên đã điều tra 10.840 người trong 3 tháng đầu tiên của năm 2014, như vậy là nhiều hơn gần 20% so với cùng kỳ năm trước. CCDI cho biết thông qua đường dây nóng và trang mạng của cơ quan này, kỷ lục số báo cáo từ những người tố giác là 800 chỉ trong một ngày.

Và nỗ lực này vượt ra ngoài cả biên giới Trung Quốc. Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã đưa tin ngày 9/12 rằng trong một chiến dịch gọi là Săn cáo, 428 người chạy trốn bị nghi ngờ phạm tội kinh tế đã bị bắt giữ ở nước ngoài và được đưa trở lại Trung Quốc. Bản tin này nói 231 trong số những người này đã tự nguyện quay về. Viện trưởng Viện kiểm sát Trung Quốc, Tào Kiến Minh, phát biểu trước Quốc hội ngày 10/3/2014 rằng 10,14 tỷ nhân dân tệ (1,65 tỷ USD) “tiền bẩn” và tài sản đã được thu hồi trong năm 2013.

Bầu không khí sợ hãi

Trong một dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn hầu như không có niềm tin vào các chính quyền địa phương, CCDI đã thông qua một cách tiếp cận gây sốc và đáng sợ, triển khai các đội triệt phá hối lộ trên khắp Trung Quốc để thực hiện những cuộc thanh tra bất ngờ ở tất cả các cấp chính quyền và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. CCDI công khai khuyến khích một bầu không khí sợ hãi. CCDI nói trong một tuyên bố vào ngày 16/10/2014 trên trang mạng của mình rằng những đội thanh tra này nhằm mục tiêu “phơi bày các vấn đề và đạt được hiệu quả đáng sợ”.

CCDI nói trong tuyên bố ngày 16/10 rằng kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, cơ quan này đã triển khai các đội thanh tra đến tất cả 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc. Đầu tháng 12/2014, những cuộc triệt phá nạn hối lộ đã động đến hàng ngũ cấp cao của bộ máy quan liêu của Đảng, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Trung ương, trong một bước đi mà Tân Hoa xã mô tả là “chưa từng có tiền lệ”. CCDI nói các đội thanh tra đã được cử đến 6 tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, 7 viện, 2 trường đại học và Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, một tổ chức chính quyền bán quân sự ở khu vực biên giới này.

Cơ quan chống hối lộ cũng đưa ra các hướng dẫn chỉ đạo về cách thức hoạt động của các đội thanh tra. Đầu tiên, họ nên nghiên cứu tổ chức họ đang nhắm tới thanh tra, tìm hiểu lý lịch các nhà lãnh đạo và quan chức của tổ chức đó để chuẩn bị cho những cuộc phỏng vấn trực diện. Sau khi “tới chỗ mục tiêu thanh tra”, các đội nên thông báo công khai chi tiết liên lạc của họ, bao gồm một đường dây nóng và một hòm thư cho những người tố giác. Khi họ rút đi, các thông tin liên lạc này nên được hủy bỏ.

Ủy ban này mô tả công việc của một đội thanh tra đầy quyết đoán tại tỉnh Phúc Kiến ở phía Đông Nam. Sau khi đội này thực hiện một cuộc thanh tra định kỳ, họ sẽ quay trở lại để điều tra chi tiết hơn, chỉ cho các quan chức địa phương biết trước 1 hoặc 2 ngày.

CCDI cho biết trong một tuyên bố vào ngày 31/10/2014: “Khi thực hiện điều tra, đội sẽ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể, như phát triển bất động sản và mua bán đất đai trong thành phố hoặc tỉnh. Đội sẽ tìm cách tìm ra liệu đảng ủy địa phương hoặc các lãnh đạo chính quyền có nhận hối lộ từ các nhà phát triển tư nhân hay không”. CCDI đã không trả lời những câu hỏi gửi bằng fax tới văn phòng ở Bắc Kinh của cơ quan này.

Những người tố giác cũng đã thành công. Lưu Thiết Nam, cựu phó giám đốc cơ quan lập kế hoạch kinh tế đầy quyền lực của Trung Quốc, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, đã bị xử tù chung thân đầu tháng 12/2014 vì nhận 5,8 triệu USD tiền hối lộ sau khi một nhà báo cáo buộc ông ăn đút lót.

Chấm dứt cơn ác mộng

Đối với một số người, sức ép là quá lớn. Ít nhất 32 quan chức đã tự tử trong năm 2014, theo các danh sách được thu thập bởi phiên bản mạng của các tờ báo lớn tiếng là Southern Weekend và International Business Times. Không rõ liệu các quan chức tự sát có phải vì họ bị điều tra tham nhũng hay không. Không có các số liệu so sánh.

Một quan chức Đảng đã nghỉ hưu nói với Reuters: “Thông thường, khi một quan chức (tham nhũng) tự sát, cuộc điều tra chấm dứt. Khó có thể truy tìm các tài sản của gia đình ông ta. Một vụ tự sát cũng chấm dứt những cơn ác mộng của bạn bè quan chức (tham nhũng) đó, những người sẽ chăm sóc gia đình ông ta”.

Hiện tại, Trần Chính Cao dường như chưa bị đụng đến, bất chấp những nỗ lực nhằm thu hút sự chú ý vào chi tiêu đi lại của ông. Sau 6 năm làm tỉnh trưởng Liêu Ninh, ông đã được thuyên chuyển đến Bắc Kinh vào tháng 6/2014 để trở thành Bộ trưởng Nhà đất và Phát triển Đô thị-nông thôn, một sự thuyên chuyển ngang cấp. Nếu Trần Chính Cao có một điểm gì dễ bị tổn thương, thì đó có thể là hoạt động chính trị. Ông có những mối liên hệ từ lâu với Bạc Hy Lai, vị cựu bí thư đại đô thị Trùng Khánh từng đầy quyền lực nhưng nay bị thất thế.

Trước khi chuyển tới Bắc Kinh, Trần Chính Cao đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình ở tỉnh Liêu Ninh, nơi Bạc Hy Lai đã giữ chức trong gần 20 năm. Theo lý lịch chính thức của họ, dường như hai người đã làm việc thân cận. Khi Bạc Hy Lai là thị trưởng thành phố Đại Liên ở Liêu Ninh, Trần Chính Cao là cấp phó. Sau đó, khi Bạc Hy Lai làm tỉnh trưởng, Trần Chính Cao là phó tỉnh trưởng. Bạc Hy Lai đã bị kết án tù chung thân hồi năm 2013 vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực; vợ của ông ta bị buộc tội sát hại một doanh nhân người Anh.

Điều có khả năng bù đắp cho những mối liên hệ của Trần Chính Cao với Bạc Hy Lai là ông cũng phục vụ dưới thời đương kim Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi ông này là bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh từ năm 2004 đến 2007. Lý Khắc Cường, nhân vật số 2 đứng sau Tập Cận Bình trong ban lãnh đạo, có quyền lực để bảo vệ các quan chức thân cận với mình.

Những vụ xét xử do nhà nước xử lý

Đối với những người chỉ trích hệ thống chính trị và luật pháp Trung Quốc, thiếu sót lớn nhất của cuộc trừng phạt là quy trình thực hiện – không nằm trong sách lược của Đảng. Họ lưu ý sự thiếu minh bạch hoàn toàn khi các nghi phạm bị bắt, giam giữ và thẩm vấn. Chu Vĩnh Khang gần như đã bị quản thúc tại gia trên thực tế trong hơn 1 năm nhưng người ta không tiết lộ ông bị quản thúc ở đâu hay ông có đại diện pháp lý hay không. Theo một người biết rõ cuộc điều tra, Đảng vẫn chưa quyết định liệu ông có bị xét xử công khai hay không.

Các phiên tòa công khai được tổ chức cho tới nay đã được đạo diễn một cách cẩn thận. Chỉ các yếu tố được lựa chọn của phiên tòa xử Lưu Hán, một giám đốc khai mỏ ở Tứ Xuyên, bị xử tử hình hồi tháng 5/2014, được công khai. Bằng chứng chưa bao giờ được đưa ra trong phiên toà mở. Kháng cáo của ông này đã bị bác bỏ nhưng kể từ đó ông đã bị giam giữ mà không có bất kỳ tin tức gì về thời điểm diễn ra cuộc xử tử. Phiên toà xử nhà lập kế hoạch hàng đầu của chính phủ, Lưu Thiết Nam, cũng được xử lý tương tự.

Những người chỉ trích nói trong khi ban lãnh đạo Đảng vẫn đứng trên luật pháp, sẽ không thể ngăn chặn một cuộc bùng nổ hối lộ khác trong tương lai. Wang Yukai, phó giám đốc viện nghiên cứu đặt trụ sở ở Bắc Kinh, Hiệp hội Cải cách Hành chính Trung Quốc, và là một giáo sư thuộc Trường Hành chính Quốc gia Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc cần chiến đấu chống tham nhũng bằng pháp trị. Trung Quốc phải chuyển tiếp từ một kiểu phong trào chính trị là chiến dịch chống tham nhũng sang luật hiến pháp”.

Theo “Newsweek” (23/12/2014)

Vũ Hiền (gt)