Khi nền kinh tế của Trung Quốc phát triển và những lợi ích quốc gia mở rộng, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) nói chung và Hải quân PLA (PLAN) nói riêng sẽ nhìn nhận như thế nào về sự thay đổi về những vai trò và trách nhiệm của mình? Hơn nữa, PLAN có thể sử dụng ảnh hưởng của mình như thế nào trong quá trình định hình chính sách quốc gia? Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ đi tìm bằng chứng về sự thay đổi cũng như tính liên tục trong nhận thức của PLAN về những sứ mệnh trên biển của mình, về những lĩnh vực mà trong tương lai PLAN có thể góp phần định hình nên chính sách của Trung Quốc tuy vượt ra khỏi phạm vi nhiệm vụ của hải quân, chẳng hạn như việc diễn giải luật hàng hải quốc tế. Một mặt, những lợi ích có từ lâu như việc sử dụng vũ lực ngăn cản Đài Loan chính thức độc lập (dejure), bảo vệ bờ biển phía tây của Trung Quốc và duy trì yêu sách lãnh thổ của đối với những hòn đảo tại Biển Đông, Biển Hoa Đông, vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Mặt khác, chúng tôi cũng chỉ ra rằng những vấn đề liên quan đến kinh tế như duy trì điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, bảo vệ những mối liên kết của kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới, đang là những vấn đề nổi lên rõ rệt. PLAN đang ngày càng tự mình vào vai người bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc và sử dụng điều đó làm lý do hợp lý cho việc gia tăng ngân sách hải quân.

Những hiểu biết mới mẻ về các lợi ích quốc gia của Trung Quốc được phản ánh trong những định nghĩa đang thay đổi về haiyang quanyi (海洋权益), thường được gọi tắt là haiquan, (), hay “những quyền và lợi ích biển” của Trung Quốc. Thuật ngữ được đưa vào sử dụng ít nhất là từ những năm 1980, và trong khi chưa có sự thống nhất về ý nghĩa chính xác của nó thì rõ ràng phạm vi của nó đã được mở rộng đáng kể. Trong ấn phẩm xuất bản năm 2000 trên báo Hải quân Đương đại, nhà nghiên cứu Ngưu Bảo Thành (牛宝成)  đã đưa ra 3 quan niệm về haiquan, cho rằng “khi xã hội loài người phát triển, và đặc biệt là khi hiểu biết của chúng ta về đại dương tăng lên, thì ý nghĩa và tác động của haiquan cũng sẽ liên tục thay đổi.”[1]  Ngưu cho rằng, trong quá khứ Trung Quốc có cách hiểu rất hạn chế về haiquan, chỉ bao gồm việc bảo vệ bờ biển và vùng biển ven bờ, vùng tiếp giáp và vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc. Ngày nay, Trung Quốc có khái niệm rộng lớn hơn về haiquan, đó là khả năng đi lại ở những vùng biển quốc tế và phá triển các nguồn lực trên biển. Cuối cùng, Ngưu cho rằng Trung Quốc phải hướng về cái mà ông gọi là “những lợi ích và quyền hàng hải quân sự” (junshi haiquan, 军事海权), ám chỉ đến khả năng của những tàu quân sự di chuyển tự do trên đại dương và bảo vệ những tuyến vận tải giao thương trên biển (SLOCs) trong trường hợp có chiến tranh, cũng như khả năng ngăn chặn kẻ thù có được sự tự do tương tự. Trong khi quan điểm của Ngưu không thể xem là đại diện cho quan điểm chính thức của PLAN, thì bài viết của ông lại làm rõ những điều được ẩn dấu trong rất nhiều bài viết trên các tạp chí và báo của quân đội rằng: những lợi ích của Trung Quốc đang mở rộng và PLAN phải chuẩn bị để bảo vệ những lợi ích này.

...Những dấu hiệu chỉ dẫn

Trong khi những quan niệm của PLAN về haiquan đã phát triển bao gồm cả những lợi ích kinh tế, thì khái niệm về haifang (海防) hay “phòng thủ biển” giờ đây cũng thay đổi. Trong vòng ít nhất là 20 năm, những học giả chuyên về hải quân đều đặn ghi chú rằng kể từ 1840, những mối đe dọa chủ yếu đối với an ninh Trung Quốc đến từ biển.[2] Vì lý do này mà những tác giả PLAN bền bỉ cố gắng thay đổi tư duy “tập trung trên đất liền, bỏ qua biển” trong quân đội. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa những năm 90 những tác giả hải quân còn đi xa hơn nữa. Họ cho rằng sẽ không đầy đủ khi chỉ nhấn mạnh đến phòng thủ hải quân, thao vào đó thì khái niệm về phòng thủ biển nên được mở rộng. Trung Quốc phải ngừng ngay việc nhìn nhận đại dương đơn thuần chỉ là “chiến hào” (huchenghe, 护城河) có chức năng bảo vệ đất liền của Trung Quốc, thay vì nhận ra rằng bản thân đại dương nắm giữ những lợi ích sống còn nhất thiết phải được bảo vệ. Những lợi ích này bao gồm 300 triệu km2 “lãnh thổ biển” (lanse guotu, 蓝色国土) – vùng yêu sách chủ quyền biển của Trung Quốc), 3 nhóm lợi ích quan trọng gồm đảo và đá ngầm đang tranh chấp, vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên thiên nhiên, những con đường hàng hải cung cấp năng lượng và tài nguyên cho Trung Quốc và kết nối Trung Quốc với nên kinh tế thế giới.

Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy có sự nhấn mạnh ngày càng tăng bắt nguồn từ hải quân nhằm biến PLAN thành người bảo vệ cho nền kinh tế của Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp điều này liên quan trực tiếp đến những lời kêu gọi của hải quân nhằm có thêm nhiều nguồn lực quân sự hơn nữa, và thậm chí với những lý lẽ cho rằng phần ngân sách quân đội chi tiêu cho hải quân nên tăng thêm. Trong khi việc ngăn chặn Đài Loan độc lập vẫn chiếm vị trí trụ cột trong lý lẽ của PLAN về chi tiêu ngân sách, thì những lý lẽ mới hơn và tinh vi hơn đang được đưa ra diễn giải việc chi tiêu cho hải quân là sự đầu tư đúng đắn cho nền kinh tế của Trung Quốc. Đặc biệt, PLAN đang cố gắng định hình những cuộc tranh luận chính sách đối với những hòn đảo xa bờ, diễn giải luật biển, an ninh năng lượng và làm thế nào để bảo vệ những tuyến đường biển.

Bài nghiên cứu này sẽ phân tích những quan niệm thay đổi này về vai trò của PLAN và những ảnh hưởng tiềm tàng của nó bằng việc áp dụng một cách tiếp cận “từ trong ra ngoài” (inside-out). Đầu tiên chúng tôi xem xét đến những khu vực mà Trung Quốc xem như là lãnh thổ của mình – Đài Loan và những hòn đảo tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông. Thứ hai chúng tôi xem xét những quan điểm liên quan về vùng EEZ của Trung Quốc và tiềm năng khai thác tài nguyên thiên nhiên. Cuối cùng chúng tôi xem xét những khu vực xa nhất từ bờ biển Trung Quốc và nhìn vào những quan điểm hướng tới việc bảo vệ những tuyến đường hàng hải, “tình thế lưỡng nan Malacca” và an ninh trong vấn đề nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc từ Trung Đông. Mục đích ưu tiên của chúng tôi là đưa ra quan điểm của PLAN/PLA trên mỗi vấn đề, và làm rõ quan điểm của quân đội so với những quan điểm dân sự trên cùng một chủ đề nhằm xác định xem PLAN có thể làm thế nào để trở thành một nhân tố trong hoạch định chính sách quốc gia. Thứ hai, nếu có thể, chúng tôi cũng tìm kiếm bằng chứng về những sự khác biệt về vị thế giữa PLAN và PLA, mặc dù điều này về căn bản khó hơn nhiều

Mục đích nghiên cứu

Mục đích của bài nghiên cứu là đánh giá phạm vi những gì mà PLAN đang là nhân tố ảnh hưởng, nhân tố được xác định  sở hữu khả năng định hình hay ảnh hưởng lên những mục tiêu chính sách quốc gia và những ưu tiên vượt ra khỏi phạm vi vấn đề của hải quân. Đây là điều khó khăn vì sự ít ỏi về dữ liệu đáng tin cậy và sự kín đáo xung quanh vấn đề ra chính sách an ninh quốc gia tại Trung Quốc. Thông thường, chỉ có kết quả của quá trình ra chính sách mới có thể được nhận biết; do đó chúng tôi tập trung vào việc PLAN nói về lợi ích của mình như thế nào tại những khu vực mà PLAN có thể dễ dàng ảnh hưởng lên chính sách quốc gia và xem xét tuyên bố của PLAN về những lợi ích của mình tại những khu vực này  thay đổi như thế nào theo thời gian. Nếu thời lượng cho phép, chúng tôi sẽ so sánh những nguồn của PLAN hoặc PLA về những nhiệm vụ hàng hải phù hợp với những nguồn dân sự để nhận dạng sự khác và giống nhau về những nhận thức về lợi ích quốc gia của Trung Quốc trong cùng vấn đề.

Những bài viết của PLA và PLAN gần đây về “phòng thủ biển” (haifang) và “những quyền và lợi ích biển” (haiyang quanyi or haiquan) phác thảo ra một loạt những vấn đề chính sách quốc gia nơi mà ảnh hưởng của PLAN có thể quan sát một cách dễ dàng nhất. những vấn đề như sau: tranh chấp chủ quyền đối với những hòn đảo xa bờ cũng như Đài Loan; khẳng định và bảo vệ những quyền hàng hải theo luật quốc tế, đặc biệt là những quyền đối với tài nguyên xa bờ trong vùng EEZ của Trung Quốc; an ninh tại những tuyến đường biển và tự do hàng hải trên những vùng biển quốc tế. PLAN có lợi ích mang tính tổ chức rõ ràng trong việc thúc đẩy những vấn đề này vì mỗi vấn đề có vai trò rõ ràng đối với hải quân và có thể được dùng nhằm tạo dựng  cơ sở hợp  lý để tăng nguồn lực ngân sách và những sứ mệnh tác chiến vượt ra bên ngoài phòng phủ bờ biển (jinan fangyu). Trong khi đây là những lý do quan trọng, thì tiềm năng ảnh hưởng của PLAN đối với chính sách quốc gia có thể suy ra theo một số cách thức. Đầu tiên, nguồn tin của PLAN hay của PLA có thể đặt ra tầm quan trọng khác nhau so với nguồn tin của chính phủ trên cùng một vấn đề, là điều gợi ý những chính sách mà PLAN có thể tìm kiếm để định hình hoặc thay đổi. Thứ hai, trong những bài viết của mình, các quan chức PLA hay PLAN có thể biện hộ cho những thay đổi cụ thể đối với chính sách quốc gia, điều có thể gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong tranh luận nội bộ đối với vấn đề được đưa ra và nêu bật khu vực nơi mà PLAN có thể sử dụng ảnh hưởng.

Trong bài nghiên cứu, chúng tôi sử dụng một vài phương pháp để giải quyết những vấn đề này. Đầu tiên, chúng tôi so sánh tần số những bài viết về những chủ để chính của tờ báo chủ đạo của PLA, đó là Nhật báo PLA (Jiefangjun Bao) (PLA Daily), và tờ báo quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), Nhân dân Nhật báo (Renmin Ribao). Tùy thuộc vào chủ đề cụ thể, chúng tôi vừa tính số lượng bài báo với từ khóa trong bài viết và vừa tính số lượng bài viết mà từ khóa có trong toàn bộ bài viết. Kể từ khi  tờ Nhật báo PLA có số hóa tài liệu từ năm 1987 – 2005, thì những bài báo trong suốt 2 thập kỷ này đều có thể kiểm chứng. Mặc dù Nhân dân Nhật báo tờ báo của CCP và không phải là nguồn của chính phủ, nhưng mối liên kết gần gũi giữa đảng và chính phủ cho thấy rằng đó là sự ủy nhiệm hữu ích cho những quan điểm dân sự. Bằng việc đối chiếu tần suất vấn đề được thảo luận từ hai nguồn này, chúng tôi có thể phác thảo đường nét ban đầu về sự khác biệt tiềm ẩn giữa quân sự và chính phủ dân sự. Vì Nhật báo PLA là tờ báo của PLA, nên những kết quả phải được coi như là sự  phản ánh những vấn đề hàng hải hay hải quân được tổng thể cả PLA  cho là quan trọng hay có giá trị chứ không riêng chỉ là quan điểm của PLAN. Tuy nhiên, nếu như số lượng bài báo về vấn đề hàng hải được đưa ra gia tăng trên một tờ báo và giảm ở tờ báo khác, thì có thể có lý do hợp lý suy luận về sự thay đổi về tầm quan trọng của vấn đề đối với quân đội hay chính phủ. Cho dù tần suất hàng năm gần giống nhau, nhưng tầm quan trọng của những bài viết ở mỗi tờ báo cũng có thể tiết lộ những thông tin về tầm quan trọng có liên quan đối với những vấn đề khác nhau đối với PLAN và với chính phủ.

Thứ hai, chúng tôi kiểm chứng cả về tần suất và nội dụng của những bài viết liên quan trên những ấn phẩm của quân đội, đặc biệt là các tạp chí và tờ báo hàng ngày. Những tạp chí quan trọng nhất đối với nghiên cứu này là Hải quân Đương đại (Modern Navy – Dangdai Haijun) và Quốc phòng (National of Defense – Guofang). Đặc biệt tạp chí Hải quân Đương đại là rất quan trọng, vì tạp chí này được xuất bản bởi Đảng Ủy PLAN (dangwei) và có thể được sử dụng để “kiểm chứng” tư tưởng của hải quân Trung Quốc và những lợi ích toàn thể của của họ. Tuy nhiên, mức độ tin cậy của những bài viết này nằm ở chỗ các bài viết đều được các nhân vật trong Cục Tác chiến Chính trị viết ra chứ không phải từ các nhà chiến lược hải quân hay quân sự. Hơn nữa, độ tin cậy của những bài tạp chí có thể được đặt câu hỏi khi chức vụ trong quân ngũ hay cơ quan của tác giả không được liệt kê. Chúng tôi cũng tham vấn một số nguồn quân sự khác về những vấn đề hải quân, ví dụ như những bài nghiên cứu liên quan trong hai ấn phẩm cùng của Zhangyi Xue (The Science of Campaigns- Khoa học Tác chiến) cũng như những bà báo trên Zhongguo Junshi Kexue (China Military Science – Khoa học Quân sự Trung Quốc).

Những tranh chấp chủ quyền biển: Đài Loan, Biển Đông và Hoa Đông

Hầu hết các  phân tích về an ninh hàng hải đăng trên PLAN hoặc PLA đều nêu bật vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với những hòn đảo tranh chấp ở xa bờ, đặc biệt là đưa ra giải pháp đối với các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc trên biên giới đất liền của nước này. Do vậy, nếu như PLAN sử dụng ảnh hưởng của mình đối với chính sách quốc gia, thì có lẽ sẽ dễ dàng nhận thấy nhất trong thảo luận về những tranh chấp đối với những hòn đảo xa bờ. Ngoài vấn đề chủ quyền¸ những hòn đảo được xem như là chìa khóa trong việc khẳng định những quyền hàng hải theo Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS) cũng như tầm quan trọng đối với an ninh SLOC liền kề. Như vậy, phân tích về việc PLA và PLAN miêu tả như thế nào về lợi ích của Trung Quốc trong những tranh chấp này không thể tách rời khỏi 2 phần tiếp theo trong bài nghiên cứu này.

 Phân tích về PLAN và những bài viết khác của PLA về tranh chấp lãnh thổ nổi bật lên một vài xu hướng. Thứ nhất, tranh chấp đối với Đài Loan nhận được nhiều sự chú ý hơn đối với những tranh chấp đảo xa bờ khác của Trung Quốc. Hơn nữa, sự chú ý trong vấn đề tranh chấp Đài Loan theo nguồn của PLA tăng lên đáng kể từ năm 2000. Thứ hai, mặc dù những tranh chấp lãnh thổ biển khác của Trung Quốc được coi là “đáng chú ý hơn” trước đây, thì việc thảo luận về những tranh chấp này không tăng lên mà ở chừng mực nào đó nó còn bị giảm đi. Thứ ba và cũng khá thú vị, PLA đang tập trung nhiều hơn vào những tranh chấp nơi mà Trung Quốc có vị thế tương đối mạnh, chẳng hạn như các bài viết về quần đảo Trường Sa (nơi Trung Quốc chiếm dữ 7 đảo đá ngầm) được đăng tải nhiều hơn so với các bài viết về Senkaku/Điếu Ngư (nơi nước này hiện không chiếm giữ bất kỳ thực thể nào mà Trung Quốc có yêu sách). Thứ tư, nội dung trong các bài viết của PLA và PLAN về các tranh chấp này tập trung duy trì và củng cố những yêu sách cũng như đưa ra lý do cho việc xây dựng “công trình phòng thủ biển” (haifang jianshe). Có rất ít bằng chứng tồn tại cho thấy nỗ lực thiết thực để định hình chính sách trong các tranh chấp các hòn đảo xa bờ, mặc dù có sự khẳng định liên tục về những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc cho thấy rằng PLA sẽ phản đối những thỏa hiệp thực sự trong bất cứ cuộc đàm phán nào với các bên yêu sách khác trong tương lai.

Còn nữa

M. Taylor Fravel và Alexander Liebman

Trần Quang (dịch)

Bài viết trích trong Chương 3:  Beyon the Moat: The PLAN’s Evolving Interests and Potential Influence trong cuốn sách The Chinese Navy – Expanding Capabilities, Evolving Roles  do Trung tâm Nghiên cứu Quân đội Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, Đại học Quốc phòng, Mỹ xuất bản.



[1]  Ngưu Bảo Thành, “Cong haiquan dao junshi haiquan” [Từ quyền và lợi ích biển tới quyền và lợi ích quân sự biển], Dangdai Haijun (Hải quân Đương đại),  số. S1 (2000), 32. Chức vụ hay tiểu sử tác giả không được chú thích

[2] Số liệu thống kê cụ thể về những lần Trung Quốc bị xâm lược từ biển, xem Yao Wenhuai, “Jianshe qiangda haijun weihu woguo haiyang zhanlue liyi” [Xây dựng Hải quân Vững mạnh và bảo vệ Lợi ích Biển chiến lược đất nước], Guofang, số. 7 (2007), 1. Tác giả là Chuẩn Đô đốc và là giám đốc Cục Chính trị PLAN