Philippines cử phái đoàn gồm 60 người tham gia phiên tranh tụng vừa qua ở PCA  - Ảnh: PCA

Ngày 7/7/2015 Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye bắt đầu nghe điều trần của Philippines[1] về khả năng Tòa có thẩm quyền xem xét các điểm nội dung Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông (đơn nộp vào tháng 1/2013). Phiên điều trần đã kết thúc ngày 13/7/2015. Thông báo của Tòa Trọng tài PCA cho biết Philippines sẽ tiếp tục đệ trình lên Tòa bản phúc đáp các câu hỏi sau phiên điều trần vào ngày 23/7/2015.[2] Tòa cũng dành quyền cho Trung Quốc có cơ hội gửi bản viết bình luận các vấn đề nảy sinh trong phiên điều trần cho đến hạn 20/8/2015.

Vụ kiện được kỳ vọng

Đây là vụ kiện khá đặc biệt: lần đầu tiên xem xét sử dụng cơ chế Phụ lục VII của Tòa Trọng tài luật biển quốc tế; lần đầu tiên do một bên đơn phương kiện về việc giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển (UNCLOS). Trung Quốc từ chối không tham gia vụ kiện nhưng thể hiện quan tâm sâu sắc khi đưa ra tài liệu lập trường tháng 12/2014[3] và hai thư của Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan gửi Tòa. Việc không tham gia của một bên không ngăn cản Tòa họp để quyết định có thẩm quyền xem xét đơn kiện hay không. Vụ kiện diễn ra trong khi nguyên trạng của Biển Đông đang bị đe dọa phá vỡ sau các cố gắng xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc gây quan ngại cho các nước. Philippines đòi hỏi các vùng biển theo quy định UNCLOS, dựa trên nguyên tắc “đất thống trị biển”; các đảo có lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm và các bãi ngầm không có quyền được coi như các đảo. Yêu sách của Trung Quốc là đường đứt khúc chín đoạn gây nhiều tranh cãi: không tọa độ và dựa trên các quyền lịch sử, cách xa đất liền Trung Quốc đến 700-800 hải lý. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã có tài liệu lên án đường chín đoạn tháng 12/2014.[4] Các nước có quyền lợi trong khu vực đang có những biểu hiện xích lại gần nhau và củng cố quốc phòng. Vì vậy, dù là phiên họp kín, Tòa đã chấp thuận đơn yêu cầu cho đại diện các nước Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản tham dự. Về mặt tình cảm, nhiều nước mong muốn kết quả vụ kiện sẽ có lợi cho Philippines, tạo tiền lệ cho các nước nhỏ đối kháng hiệu quả với sự lấn lướt của nước lớn, tăng niềm tin vào cơ chế giải quyết tranh chấp của luật quốc tế. Song Tòa trọng tài phải có trách nhiệm quyết định thẩm quyền của mình dựa trên cơ sở sự kiện, bằng chứng và pháp lý được chứng minh một cách công bằng. Philippines chỉ có thể đạt được mục tiêu Tòa tuyên bố đường chín đoạn và các hành động lấn chiếm, tôn tạo đảo nhân tạo, mở rộng các vùng biển trnh chấp của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp khi đưa ra được các bằng chứng thuyết phục Tòa. Vụ kiện về thủ tục là nút thắt quyết định để mở ra khả năng xem xét cụ thể đơn kiện 13 điểm nội dung của Philippines đã gửi Tòa tháng 1/2013.[5]

Điều trần của Philippines

Do bảo lưu của Trung Quốc về Điều 298 của UNCLOS, (các tranh chấp liên quan đến chủ quyền không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa), Philippines sẽ phải chứng minh các nội dung đơn kiện chỉ liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước UNCLOS.

Philippines đã cử một đoàn hùng hậu đến La Haye, gồm 60 đại biểu trong đó có Tổng chưởng lý với vai trò Đại diện Nhà nước tại Tòa, hai thẩm phán Tòa án tối cao, Chủ tịch Hạ viện, Bộ trưởng Văn phòng, Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, Đại sứ tại Hague. Vụ việc được tranh luận bởi hai luật sư Mỹ Paul Reichler và Lawrence Martin trong công ty luật Mỹ có kinh nghiệm Foley Hoag có trụ sở tại Washington. Ba chuyên gia tư vấn, giáo sư luật quốc tế bao gồm một người Mỹ và hai người Anh hỗ trợ.

Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario đã đưa ra năm điểm làm cơ sở mà Philippines tin rằng Tòa có thể tuyên bố thẩm quyền:

1. Trung Quốc không có quyền thực hiện những gì họ gọi là "quyền lịch sử" trên các vùng biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên ngoài giới hạn các quyền được phép của mình theo Công ước;Cái gọi là đường đứt khúc chín đoạn không có cơ sở nào theo luật quốc tế nhằm mục đích xác định các giới hạn yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử";

3. Các thực thể khác nhau mà Trung Quốc lấy làm cơ sở để khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông không phải là đảo có quyền được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Hơn thế, một số chỉ là "đá" đúng ý nghĩa của Điều 121, khoản 3; số khác là các bãi lúc nổi lúc chìm; và còn lại là các bãi ngầm. Kết quả là, không số nào trong chúng có khả năng tạo ra các danh nghĩa bên ngoài phạm vi 12 hải lý và một số còn không tạo ra danh nghĩa nào. Hoạt động lấn đất tạo đảo gần đây của Trung Quốc không thể thay đổi hợp pháp tính nguyên gốc và đặc điểm của các thực thể này;

4. Trung Quốc đã vi phạm Công ước bằng cách ngăn cản Philippines thực hiện các quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình; và

5. Trung Quốc đã làm hư hại không thể phục hồi môi trường biển khu vực, vi phạm UNCLOS, khi phá hủy các rạn san hô ở biển Biển Đông, bao gồm cả các khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và bởi hoạt động đánh bắt cá hủy diệt và nguy hiểm cũng như khai thác các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Chuyên gia Philippines ước tính rằng công việc cải tạo Trung Quốc có thể đã gây hư hại 311 ha rạn san hô, với thiệt hại lên tới hơn 352.000 USD.

Trong hơn hai thập kỷ, Philippines đã theo đuổi mục tiêu giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc đã được xác lập của luật quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS ở cả các cấp song phương, khu vực và đa phương song không có kết quả. Hai sự kiện mới đã làm nước tràn ly. Năm 2009, Trung Quốc lưu chiểu bản  đồ đường chín đoạn tại Liên Hợp Quốc và ngăn cản Philippines thực hiện các dự án khai thác dầu khí lâu đời tại các khu vực hoàn toàn nằm trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Năm 2012, Trung Quốc xua đuổi ngư dân Philippines khỏi Scarborough, nơi họ đã có bao nhiêu thế hệ đánh bắt cá mà không có sự phản đối nào từ Bắc Kinh. Trung Quốc đã sử dụng lực lượng áp đảo và đe dọa vũ lực khi theo đuổi các hoạt động của mình tại các khu vực biển tranh chấp. Philippines chỉ có thể viện dẫn luật pháp quốc tế và giải pháp pháp lulà c ýối cùng. Đây không phải là tuyên bố của Philippines chống lại Trung Quốc mà là mong muốn làm sáng tỏ và bảo vệ các quy định và tinh thần của UNCLOS.

So với đơn kiện tháng 1/2013, Philippines đã đưa thêm hai điểm mới để tăng khả năng thuyết phục Tòa ra phán quyết có thẩm quyền. Thứ nhất, theo Philippines, quy chế pháp lý của một thực thể (đảo, đá, bãi…) theo Công ước và các vùng biển mà nó có khả năng tạo ra không phụ thuộc vào việc xác định trước chủ quyền của một quốc gia trên đó. Nghĩa là nếu một thực thể được Tòa cho là đá, thì theo giải thích Công ước, nó sẽ có lãnh hải 12 hải lý mà không cần xác định nó thuộc quốc gia nào. Vì thế Tòa trọng tài không cần xét đến chủ quyền khi xem xét đơn kiện của Philippines. Ngoài ra, Philippines cho rằng trong luật pháp quốc tế có nguyên tắc được xác lập rõ ràng là một tòa án hoặc trọng tài có thể thực hiện quyền tài phán trên một phần của một cuộc tranh chấp nhiều mặt, thậm chí cả khi Tòa thiếu thẩm quyền để xem xét tất cả các vấn đề liên quan đến tranh chấp. Vì vậy, Philippines đã đưa ra điểm thứ 5 về thẩm quyền của Tòa trọng tài đối với các vi phạm bảo vệ môi trường biển. Các quốc gia đều có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển theo các quy định không chỉ của Công ước Luật Biển mà cả của Công ước Đa dạng Sinh học. Điểm này sẽ tăng trọng lượng lập luận của Philippines vì nó ít bị ràng buộc với vấn đề chủ quyền hay phân định biển và do đó sẽ có khả năng làm bảo lưu của Trung Quốc bị vô hiệu.

Các bước tiếp theo

Luật sư Philippines hy vọng phiên thủ tục sẽ có kết quả sau 90 ngày song với thái độ thận trọng và “để tránh sự chậm trễ và chi phí không cần thiết và để cung cấp một quy trình công bằng và hiệu quả,” Tòa đã ấn định thời gian xem xét ra phán quyết về thẩm quyền của Tòa và chấp nhận đơn kiện của Philippines vào cuối năm 2015. Căn cứ điều 20 (3) Quy chế nội bộ của Tòa, các bước tiếp theo về xét xử nội dung sẽ được triển khai nếu Tòa ra phán quyết có thẩm quyền.

Phiên Tòa sẽ ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và cả quốc tế từ hai phía: khả năng phán quyết của Tòa và phản ứng của Trung Quốc.

Tòa sẽ phải xem xét nhiều chứng cứ, lập luận của Philippines cũng như các lập luận có thể của Trung Quốc dù nước này vắng mặt. Các quan Tòa là những người có năng lực pháp lý xuất sắc, được lựa chọn cẩn thận và độc lập trong xét xử sẽ không bị tác động của bất cứ bên nào.

Vì vậy, sau phiên thủ tục sẽ có 3 khả năng Tòa đưa ra lựa chọn:

- Tòa tuyên bố có thẩm quyền và tiếp tục mở phiên Tòa xem xét nội dung đơn kiện của Philippines;

- Tòa tuyên bố để xem xét Tòa có thẩm quyền hay không liên quan đến nội dung của vụ kiện nên Tòa sẽ kết hợp xem xét cả vấn đề nội dung, tức sẽ có sự kết hợp cả phiên hình thức và nội dung;

- Tòa tuyên bố không có thẩm quyền vì liên quan đến tranh chấp chủ quyền.

Trong hai trường hợp trên, Phán quyết của Tòa có thể chấp thuận hoàn toàn các yêu cầu của Philippines hay có lợi cho Philippines ở điểm này nhưng hạn chế ở điểm khác. Trong đơn kiện của mình, Philippines tập trung yêu cầu Tòa giới hạn yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử". Song Tòa sẽ phải cân nhắc nếu đường chín đoạn được hiểu chỉ là yêu sách chủ quyền trên các thực thể trong phạm vi của nó và như vậy sẽ chịu sự điều chỉnh từ bảo lưu của Trung Quốc.

Thời gian để có một phán quyết cuối cùng sẽ có thể mất hai năm, tức sớm nhất vào cuối năm 2017.

Phán quyết sẽ:

- tạo cơ hội thúc đẩy phát triển luật biển quốc tế. Các vấn đề mà Philippines nêu ra là những điểm chưa rõ ràng trong UNCLOS không sớm thì muộn cũng phải giải quyết. Phán quyết của Tòa sẽ tạo ra những tiền lệ pháp lý cho các quốc gia trong giải quyết các tranh chấp tương tự trên thế giới.

- tạo sức mạnh tâm lý và niềm tin vào luật quốc tế nhất là trong kịch bản Tòa coi đường chín đoạn của Trung Quốc là không hợp pháp. Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh lại yêu sách của mình và các quốc gia khác cũng được hưởng lợi giải quyết hòa bình các tranh chấp. Cộng đồng quốc tế sẽ có cơ sở để đấu tranh. (Trong vụ Nicaragua kiện Mỹ năm 1985, Tòa xử Nicaragua thắng dù Mỹ không tham gia và không chấp nhận. Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc để giảm hiệu lực phán quyết của Tòa nhưng chỉ có một nước là Israel hỗ trợ. Mỹ và Nicaragua cuối cùng cũng tìm được biện pháp hòa giải). Các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei có thể yên tâm triển khai các hoạt động dầu khí và ký kết các hợp đồng đầu tư với các công ty dầu khí nước ngoài trên thềm lục địa kéo dài từ đất liền của mình mà Trung Quốc sẽ khó có cơ sở phản đối. Trung Quốc cũng không thể tự do phá hủy các rặng san hô hay đánh bắt cạn kiệt các nguồn tài nguyên sinh vật Biển Đông mà không bị dư luận nhắc nhở.[6]

Tuy nhiên, căn cứ vào phát biểu và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, nước này sẽ không chấp nhận một phán quyết có lợi cho Philippines. Trước mắt, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không trình bản viết bình luận điều trần trước hạn 20/8/2015.[7] Trung Quốc sẽ tìm mọi cách tác động để kéo dài vụ kiện và củng cố thế đứng của mình ở Biển Đông. Philippines mong muốn chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý còn Trung Quốc sẽ thúc đẩy cuộc chiến thực tế, tạo sự đã rồi. Trong hai năm chờ phán quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động củng cố đảo nhân tạo, đưa lực lượng chấp pháp và tàu thuyền đánh cá xuống sâu Biển Đông, ép các nước “gác tranh chấp cùng khai thác” trên các thềm lục địa lựa chọn, thậm chí thiết lập vùng nhận diện phòng không và mở rộng chiếm đóng một số bãi ngầm ở Biển Đông. Do phán quyết của Tòa chỉ ràng buộc với bên tham gia nên sẽ khó ngăn cản Trung Quốc thiết lập một thay đổi hiện trạng mới trên Biển Đông trong thời gian tới. Bầu cử Tổng thống Philippines năm 2016 cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thực thi phán quyết. Vì vậy, bên cạnh kỳ vọng vào một chiến thắng pháp lý, các nước liên quan sẽ phải có đối sách hữu hiệu hơn trước sự lấn lướt của Bắc Kinh.

Trường hợp xấu nhất, Tòa tuyên bố không đủ thẩm quyền do các lập luận của Philippines chưa đủ thuyết phục. Bắc Kinh sẽ tăng cường các hoạt động củng cố chủ quyền làm tình hình thêm căng thẳng. Các nước cũng thấy được sự không hiệu quả của luật quốc tế và sẽ tìm cách củng cố quốc phòng chống lại những hành động phiêu lưu của Bắc Kinh. Tình hình Biển Đông sẽ luôn tiềm ẩn ngòi nổ của một cuộc chiến. Tuy nhiên khi Tòa không có thẩm quyền do những hạn chế của UNCLOS thì điều đó cũng đánh động cộng đồng quốc tế về nhu cầu đồng tâm xóa bỏ những khoảng xám của luật quốc tế. Một Hội nghị mới về Luật Biển sẽ là một sáng kiến hay.

Hình tượng nữ thần công lý bị bịt mắt nhưng vẫn giữ công bằng cán cân công lý trên logo của Tòa thường trực PCA báo hiệu các cuộc chiến pháp lý đều không hề đơn giản nhưng công chúng có thể kỳ vọng chiến thắng cuối cùng của công lý.

Nguyễn Hồng Thao (Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Ngoại giao Việt Nam)