23/07/2016
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Toà Trọng tài Thường trực ở La Hay đã ra phán quyết về tranh chấp biển giữa Philippines và Trung Quốc. Phán quyết đã làm thay đổi cuộc chơi trong tranh chấp biển.
Bình luận
Phán quyết CUỐI CÙNG của toà Trọng tài vụ kiện Philippines Trung Quốc được mong đợi nhất ở bất cứ toà án quốc tế hay toà trọng tài nào trong lĩnh vực luật biển kể từ khi Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực vào năm 1994.
Để hiểu tầm quan trọng của Phán quyết thì cần phải đặt trong bối cảnh của Công ước 1982 thường được cho là một trong những thành tựu lớn của hệ thống Liên Hợp Quốc. Mục tiêu là thiết lập lên một hệ thống hiệp định phức tạp một trật tự pháp lý trên biển và đại dương có tính đến các nhu cầu và lợi ích của tất cả các nước thông qua việc khuyến khích việc sử dụng biển một cách hoà bình, thúc đẩy trao đổi giao lưu quốc tế thông qua đi lại trên biển và hàng không, thiết lập các nguyên tắc xác định và quản lý các nguồn tài nguyên tự nhiên của biển cả và thiết lập các nguyên tắc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển.
Bối cảnh của Công ước 1982
Công ước 1982 được đàm phán theo dạng “thoả thuận cả gói”. Để có được quyền thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên, các quốc gia ven biển phải chấp nhận các nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hợp tác với nhau để quản lý các nguồn sinh vật sống.
Các nhà soạn thảo Công ước đã đã đưa vào một phần quan trọng không thể tách rời của “thoả thuận cả gói” là cơ chế giải quyết tranh chấp phức tạp nhất từng có trong công ước quốc tế. Khi một quốc gia trở thành thành viên của Công ước, nước này đã đồng ý trước với hệ thống giải quyết tranh chấp theo thủ tục bắt buộc đưa ra phán quyết cuối cùng và ràng buộc bởi toà án quốc tế hay toà trọng tài. Tầm quan trọng đó là Công ước quy định rằng nếu như có tranh chấp phát sinh giữa hai quốc gia thành viên của Công ước mà không thể giải quyết được bằng đàm phán thoả thuận thì cả hai bên đều có quyền đơn phương khởi kiện ra toà án quốc tế hay toà trọng tài mà không cần sự đồng thuận của bên kia.
Philippines đã khởi kiện ra toà trọng tài vào ngày 22 tháng 1 năm 2013. Mặc dù Trung Quốc đã quyết định không tham gia bào chữa hoặc tham gia vào quá trình tố tụng, toà trọng tài vẫn tiếp tục xét xử vắng mặt phù hợp với các điều khoản của Công ước. Sau gần ba năm tiến hành các thủ tục xét xử, 5 thành viên toà trọng tài đã đồng thuận ra Phán quyết về Thẩm quyền Và Thủ tục vào ngày 29 tháng 10 năm 2015.
Nguồn gốc của các tranh chấp
Toà trọng tài thấy rằng một số hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại các nghĩa vụ của nước này phải tuân theo Công ước và trong một số trường hợp các hoạt động này vi phạm quyền của Philippines. Tuy nhiên, toà trọng tài đã lưu ý về mặt nguyên tắc, cả Trung Quốc và Philippines đã tham gia Công ước do đó nghĩa vụ chung là phải tuân theo các điều khoản của Công ước một cách có thiện ý.
Toà tuyên bố rằng nguồn gốc của các tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc cơ bản là sự hiểu khác nhau về quyền của mỗi nước có được đối với các vùng nước ở Biển Đông, và các bên không cố ý vi phạm quyền của nhau.
Có thể lập luận rằng sự hiểu khác nhau này là vấn đề cơ bản. Mặc dù Trung Quốc đã tham gia vào quá trình 9 năm đàm phán để thông qua Công ước và Trung Quốc đã trở thành một bên của Công ước năm 1996, Trung Quốc đã diễn dịch và áp dụng các điều khoản của Công ước theo các truyền thống văn hoá và lịch sử của riêng mình. Trung Quốc dường như không thể chấp nhận rằng mục đích của Công ước là thiết lập một hệ thống nguyên tắc toàn cầu mà các quốc gia đều phải diễn dịch và áp dụng giống như nhau cho dù là các truyền thống văn hoá và lịch sử như thế nào đi nữa.
Ví dụ, Trung Quốc đã không hiểu rằng Công ước quy định các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền thăm dò và khai thác tất cả các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế đo từ bờ biển đất liền và nó không phù hợp với Công ước để Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” đối với các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác dựa trên bản đồ đường chín đoạn.
Quyền lịch sử, Đường chín đoạn và các tranh chấp chủ quyền
Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử nằm trong đường chín đoạn vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là lý do chính để Philippines đưa vấn đề ra khởi kiện. Do đó, đây là thắng lợi lớn của Philippines khi toà tuyên rằng: đối với các yêu sách Trung Quốc tuyên bố có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên ở các vùng nước nằm trong đường chín đoạn thì các quyền này đã bị loại bỏ đi khi nước này phê chuẩn Công ước nếu như các vùng nước đó nằm tron vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển khác.
Philippines đã không đưa ra bất cứ vấn đề nào về việc nước nào có yêu sách chủ quyền mạnh hơn đối với các đảo ở Biển Đông. Điều này là vì toà trọng tài thành lập theo Công ước chỉ có thể xem xét các tranh chấp về diễn dịch và áp dụng Công ước – Công ước không có điều khoản nào về giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Do đó, phán quyết của toà không giải quyết nguồn gốc tranh chấp ở Biển Đông đó là các tranh chấp về yêu sách chủ quyền đối với các đảo.
Hơn thế nữa, mặc dù toà trọng tài thấy rằng Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử trong đường chín đoạn là không phù hợp với Công ước, toà không tuyên rằng đường chín đoạn là trái pháp luật hay vô hiệu. Trung Quốc không có nghĩa vụ phải chính thức từ bỏ đường chín đoạn. Đường chín đoạn vẫn còn vì nó thể hiện vị trí của các đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Sự khác biệt đó là vì Trung Quốc là một nước thành viên của Công ước, Trung Quốc chỉ có thể yêu sách chủ quyền đối với các đảo mà đáp ứng được định nghĩa là đảo theo Điêu 121 của Công ước, đó là khu vực được hình thành tự nhiên bởi đất liền bao bọc bởi nước và luôn nổi trên mặt nước khi thuỷ triều lên cao.
Đá, Đảo đá, Đảo và Vùng đặc quyền kinh tế
Các nội dung mà Philippines kiện là có các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines về quy chế các vùng biển của các đá do Trung Quốc chiếm đóng. Trong phán quyết của toà về thẩm quyền, toà đã tuyên rằng toà có thể xem xét các vấn đề này mà không cần phải xem ai có yêu sách chủ quyền lãnh thổ tốt hơn đối với các đảo đá trong đơn kiện.
Philippines chấp nhận rằng nhiều đá mà Trung Quốc chiếm đóng là “đảo” theo như định nghĩa của Điều 121 của Công ước do được hình thành tự nhiên bởi đất liền bao bọc bởi nước và nổi khi thuỷ triển lên cao. Điều này có nghĩa là các thực thể này được phép yêu sách chủ quyền và về nguyên tắc được phép có các vùng biển.
Tuy nhiên, Philippines đã khẳng định thêm rằng không một đảo nào ở Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng được phép có hơn 12 hải lý lãnh hải. Philippines lập luận rằng các đảo Trung Quốc chiếm đóng nằm trong ngoại lệ của đoạn 3 Điều 121 quy định rằng “đá không đảm bảo được cuộc sống của con người hay có nền kinh tế của riêng nó thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”.
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng đây là vấn đề khó nhất mà toà phải đối mặt, nghiên cứu ngôn ngữ của Điều 121(3) một cách chi tiết. Ở phần khó nhất của quyết định, toà tuyên rằng không một đảo nào có tranh chấp ở Trường Sa là đảo được phép có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng nó. Toà tuyên rằng thậm chí Ba Bình, đảo tự nhiên lớn nhất do Đài Loan chiếm đóng cũng là “đá” không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của riêng nó vì nó không thể đảm bảo được cuộc sống của con người hay có nền kinh tế riêng.
Tầm quan trọng của phán quyết “Không có đảo nào có vùng đặc quyền kinh tế”
Tác động của phán quyết của toà đó là toàn bộ các đảo ở Trường Sa là đảo đá và không có được hơn 12 hải lý lãnh hải không nên bị đánh giá thấp. Điều này có nghĩa là không có khu vực nào chồng lấn các yêu sách đặc quyền kinh tế của Philippines.
Theo đó, Philippines có đặc quyền khai thác dầu và nguồn khí ga ở Bãi Cỏ Rong, khu vực phía ngoài bờ biển của nước này có tiềm năng lớn về nguồn khí hydrocarbon. Khai thác khu vực này đã bị ngừng lại do Trung Quốc yêu sách quyền đối với các nguồn tài nguyên do khu vực này chồng lấn với đường lưỡi bò.
Phán quyết của toà trọng tài cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia. Toà trọng tài đã tuyên rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên ở trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác nằm trong đường chín đoạn, và không một đảo có tranh chấp nào được phép có vùng đặc quyền kinh tế của riêng nó, điều đó có nghĩa là Trung Quốc không có cơ sở pháp lý dựa trên Công ước để yêu sách rằng mình có quyền chia sẻ hoạt động đánh bắt cá hoặc nguồn khí hydrocarbon ở trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước có yêu sách trong ASEAN trong khu vực Biển Đông.
Các thực thể lúc nổi lúc chìm
Toà cũng đồng ý với đệ trình của Philippines rằng nhiều đá do Trung Quốc chiếm là các thực thể lúc nổi lúc chìm chứ không phải là đảo. Theo đó, các thực thể này không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền trừ phi các thực thể này nằm trong 12 hải lý lãnh hải của một đảo, và các thực thể này cũng không được phép có bất cứ một vùng biển nào của riêng nó.
Phán quyết của tòa về Đá Vành Khăn đặc biệt là vấn đề đối với Trung Quốc. Toà đã tuyên rằng Đá Vành Khăn là thực thể lúc nổi lúc chìm, không phải đảo, và thực thể này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Do đó, theo như Công ước, Philippines có quyền tài phán kiểm soát đá Vành Khăn và có đặc quyền cấp phép và điều chỉnh hoạt động xây dựng, vận hành và sử dụng các công trình và cấu trúc trên đá Vành Khăn.
Và do đó toà tuyên rằng các công trình và cấu trúc do Trung Quốc xây dựng trên Đá Vành Khăn về mặt pháp lý thuộc quyền tài phán của Philippines.
Toà cũng tuyên rằng Bãi Cỏ Mây là thực thể lúc nổi lúc chìm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đây là đá mà Philippines đã chủ ý để lại một tàu hỏng lại nhằm ngăn không cho Trung Quốc chiếm giữ. Với kết quả của Phán quyết, đá Cỏ Mây về mặt pháp lý hoàn toàn thuộc quyền tài phán của Philippines và bất cứ một hành động nào của Trung Quốc can thiệp vào việc tái cung cấp lương thực cho tàu đều là trái với luật pháp.
Xây dựng đảo và các hoạt động xây dựng
Phán quyết của Toà cũng có ý nghĩa quan trọng cả đối với những gì toà nói và không nói liên quan đến hoạt động xây dựng (xây đảo) ở Trường Sa.
Trước tiên, toà đã làm rõ rằng các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc là vi phạm nghĩa vụ của nước này bảo vệ và bảo tồn môi trường biển bao gồm nghĩa vụ của nước này phải tiến hành đánh giá ảnh hưởng đến môi trường cho các hoạt động đã được lên kế hoạch phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và phải công bố kết quả của việc đánh giá đó.
Thứ hai, toà cũng tuyên rằng các hoạt động xây dựng là trái pháp luật bởi vì các hoạt động này làm trầm trọng và mở rộng các tranh chấp đang được đưa ra trước toà. Thêm vào đó, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc cũng phá huỷ bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các thực thể nêu trong đơn kiện trong bối cảnh việc xác đinh quy chế cho các thực thể đó là vấn đề đang được toà thụ lý.
Thứ ba, cũng cần phải chú ý rằng toà đã không ra phán quyết rằng về mặt nguyên tắc là trái pháp luật khi Trung Quốc thực hiện các hoạt động xây dựng trên các đảo có tranh chấp mà nước này chiếm đóng. Do đó, toà đã không thảo luận liệu có hợp pháp cho Trung Quốc thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông thông qua việc xây dựng các đường băng và các trang thiết bị khác ở trên đảo nước này chiếm đóng. Không có một điều khoản nào của Công ước về vấn đề này và Philippines cũng không rằng về mặt nguyên tắc các hoạt động xây dựng là vi phạm Công ước.
Sự thay đổi cuộc chơi trong các tranh chấp ở Biển Đông
Phản ứng ban đầu của Trung Quốc đối với Phán quyết của toà không phải là không được nghĩ đến. Trung Quốc đã tuyên bố rằng không chấp nhận tính pháp lý của Phán quyết và Phán quyết sẽ được coi là vô hiệu.
Tuy nhiên, trên thực tế, Phán quyết là “sự thay đổi cuộc chơi”. Phán quyết không chỉ làm rõ Công ước được áp dụng cho các tranh chấp ở Biển Đông nhiều cách khác nhau. Phán quyết cũng cho các bên liên quan thấy tầm quan trọng của Công ước thiết lập một hệ thống các quy tắc trên biển và đại dương bao gồm cả Biển Đông.
Các nước có yêu sách trong ASEAN và Indonesia có thể được mong đợi là sẽ ủng hộ mạnh mẽ phán quyết vì phán quyết phán quyết có thể được áp dụng tương ứng cho các yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của các nước này. Các nước có yêu sách trong ASEAN sẽ phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động yêu sách của Trung Quốc dựa trên quyền lịch sử trong đường chín đoạn đối với các nguồn tài nguyên tự nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước này.
Các tác động đến cộng đồng quốc tế
Phán quyết đảm bảo rằng các vùng nươc bên trong Biển Đông nằm ngoài 12 hải lý lãnh hải từ các đảo sẽ là khu vực biển khơi mở cho tất cả các quốc gia thực hiện tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động quân sự. Điều này được Mỹ và các đồng minh đặc biệt ủng hộ.
Các quốc gia quan tâm đến tầm quan trọng của trật tự trên biển sẽ chỉ ra rằng Phán quyết là cuối cùng và ràng buộc với các bên và kêu gọi Trung Quốc thực hiện các hành động phù hợp với Phán quyết. Tuy nhiên, các lời kêu gọi như vậy sẽ dường như là đạo đức giả nếu các quốc gia này trước tiên không áp dụng phán quyết của toà vào các yêu sách và hành động trên biển của mình.
Các nhà bình luận sẽ nhanh chóng chỉ ra rằng các quốc gia như Nhật Bản và Mỹ hiện đang yêu sách vùng đặc quyền kinh tế từ các đảo mà theo như cách toà diễn dịch điều 121(3) sẽ là đá và không thể có hơn 12 hải lý lãnh hải. Cũng như vậy, Mỹ cũng nên kiềm chế chỉ trích Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện và thực thi phán quyết cho đến khi Mỹ trở thành thành viên của Công ước và bản thân Mỹ cũng tuân theo hệ thống giải quyết tranh chấp theo thủ tục bắt buộc của Công ước.
Cuối cùng, việc diễn dịch lý do đưa ra phán quyết trong vụ kiện này dường như sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển của một trật tự dựa trên các nguyên tắc cho đại dương cho dù nó có được tuân theo một cách nghiêm túc hay không bởi các bên trong vụ kiện. Sự diễn dịch áp dụng Công ước bởi các chuyên gia luật biển có thẩm quyền và đưa ra phán quyết sẽ được các sinh viên nghiên cứu luật và các cố vấn chính phủ nghiên cứu trong nhiều năm tới.
Robert Beckman, giám đốc Chương trình Chính sách và Luật Đại dương, Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), phó giáo sư khoa Luật, NUS. Ông hiện cũng là nhà nghiên cứu cao cấp liên kết của trường Nghiên cứu Quốc têS. Rajaratnam (RSIS), đại học Công nghệ Nanyang, Singapre. Bài viết được đăng lần đầu trên trang The Straits Times.
Văn Cường (dịch)
Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.
Sáng ngày 17/7/2024, (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia làm Trưởng đoàn, đã...
Ngày 14/6, Philippines đã nộp lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) bản đệ trình thềm lục địa mở rộng tại khu vực Tây Palawan. Đây là đệ trình thứ hai của Philippines; trước đó, nước này đã nộp đệ trình vào năm 2009 ở khu vực Benham...
Tòa Trọng tài Biển Đông đã tuyên rằng Ba Bình là “đá” và không phải là một “đảo” như quy định tại Điều 121 của UNCLOS. Đài Loan đã phản ứng với phán quyết khi lặp lại quan điểm phản ứng của Trung Quốc. Bài viết này đưa ra hai quan điểm: thứ nhất, phản ứng tức thì từ Đài Loan là nhắm tới ba đối tượng,...
Ấn Độ không nên quá kỳ vọng rằng phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài sẽ thay đổi "hành vi ngang ngược" của Trung Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho New Delhi giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trong tương lai.
Cùng với khát vọng quyền lực lớn của Trung Quốc, các "chiến binh" mạng của nước này đã thể hiện sự tức giận sau khi thua trong vụ kiện với Philippines. Chỉ vài giờ sau phán quyết của Tòa đưa ra, ít nhất 68 trang mạng của chính phủ và địa phương của Philippines đã đồng loạt bị tấn công.
Để giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về phán quyết mà Tòa Trọng tài đã đưa ra trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc ở Biển Đông, Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu chi tiết Mục X trong phán quyết của Tòa.