Đây không phải là lần đầu tiên các tranh chấp pháp lý mang tính bước ngoặt trên Biển Đông bùng nổ trong không gian mạng. Mùa Hè năm ngoái, tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc xâm nhập các máy chủ của Tòa Trọng tài trong phiên xét xử về vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc, khiến cho bất cứ ai quan tâm đến vụ kiện mang tính bước ngoặt này đều phải đối mặt với nguy cơ bị trộm cắp dữ liệu. Mùa Thu năm 2015, một số chuyên gia công nghệ thông tin khuyến cáo rằng "Philippines (và các đồng minh của Mỹ) nên chuẩn bị đối phó với các tin tặc Trung Quốc nếu phán quyết của Tòa Trọng tài chống lại nước này. Mặc dù Chính phủ Philippines vẫn chưa công khai bên nào phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công mạng gần đây, nhưng bối cảnh và thời gian của vụ tấn công rõ ràng là bằng chứng "kết tội" nghiêng về phía Trung Quốc.

Các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) đã làm tê liệt mạng của Chính phủ Philippines bắt đầu vào chiều 12/7, khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ kiện với Philippines. Các vụ tấn công mạng xảy ra sau đó kéo dài trong vài ngày và nhắm mục tiêu vào các cơ quan chính phủ quan trọng, bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Trung ương, Văn phòng Tổng thống... Ngoài ra, một số cổng thông tin chính quyền địa phương đã bị xóa và hiện lên biểu tượng của nhóm tin tặc Anonymous với một tin nhắn có chữ ký "Chính phủ Trung Quốc". Sự vi phạm trên môi trường mạng này đã diễn ra sau một loạt vụ tấn công mạng của Trung Quốc nhắm vào các bên tranh chấp ở khu vực Đông Nam Á liên quan đến vùng Biển Đông, trùng với thời gian căng thẳng về địa chính trị ở mức cao. Chiến dịch tấn công mạng lớn đầu tiên nhằm phản đối việc Philippines tham gia các tranh chấp lãnh thổ đã diễn ra vào tháng 4/2012, sau một vụ việc căng thẳng giữa tàu Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough. Một đơn vị mạng Trung Quốc đã xâm nhập vào mạng của chính phủ và quân đội ở quốc đảo này, đánh cắp tài liệu quân sự và các thông tin liên lạc nhạy cảm khác liên quan đến cuộc xung đột.

Ngoài Philippines, Việt Nam cũng từng là mục tiêu tấn công phổ biến của các tin tặc Trung Quốc. Năm 2014 Việt Nam là quốc gia bị nhắm mục tiêu tấn công nhiều nhất trong không gian mạng. Năm đó, hai vụ tấn công đáng chú ý đã diễn ra là tháng 5/2014, sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc di chuyển vào vùng biển Việt Nam, vụ việc đã leo thang thành các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra trên khắp đất nước. Tin tặc Trung Quốc đã giành được quyền truy cập vào các thông tin nhạy cảm về chiến lược ngoại giao và quân sự của Việt Nam bằng cách xâm nhập vào mạng của các cơ quan tình báo. Vào tháng 10/2014, các cuộc tấn công tương tự lại diễn ra sau khi có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có khả năng sẽ mua vũ khí để tăng cường khả năng an ninh hàng hải của nước này.

Các cuộc tấn công DDoS vào các trang mạng quan trọng của Philippines vừa qua cho thấy mặc dù Chính phủ Mỹ và các công ty nghiên cứu báo cáo rằng các cuộc tấn công mạng từ các nhóm liên kết với Trung Quốc đã hạ nhiệt nhưng các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc, nhất là Philippines và Việt Nam, cần đề cao cảnh giác và sớm có những biện pháp hiệu quả để đối phó với tệ nạn tin tặc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia tin học cho rằng các quốc gia, vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei hình như vẫn chưa chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng để đối phó với các đơn vị mạng Trung Quốc. Các nước này cần đầu tư nghiêm túc trong việc bảo vệ an ninh mạng một cách tinh vi thông qua việc tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại trong nước, các sáng kiến khu vực và tăng cường liên minh quốc tế về lĩnh vực quan trọng này. Sau khi Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài và Philippines từ chối đàm phán song phương, tình hình địa chính trị trong khu vực vẫn căng thẳng trong tương lai gần và các vụ tấn công mạng quy mô lớn xuất phát từ phán quyết của Tòa Trọng tài vẫn chưa dừng lại tại đây.

Tác giả Anni Piiparinen là Trợ lý giám đốc Hội đồng Mạng Đại Tây Dương. Bài viết đăng trên Tạp chí "Diplomat" (ngày 22/7).

Nhật Linh (gt)