Đài Loan và Phán quyết của Tòa Trọng tài: Các phản ứng và thách thức trong tương lai

Phán quyết Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 là thắng lợi lớn cho Philippines và bị Trung Quốc phản đối. Mặc dù Đài Loan không phải là một bên trong vụ kiện, nhưng Đài Loan cũng bị kéo vào các tiến trình liên quan, vì vấn đề địa vị pháp lý và khả năng tạo ra các vùng biển của Itu Aba. Đây là một vấn đề nổi bật trong quá trình xét xử của Tòa do Itu Aba, còn được biết tới với tên gọi đảo Ba Bình, là thực thể địa lý lớn nhất ở quần đảo Trường Sa do Đài Loan chiếm đóng..

Phán quyết của Tòa tuyên rằng Ba Bình là “đá” và không phải là một “đảo” như quy định tại Điều 121 Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)[1]. Chính quyền tại Đài Loan – đứng đầu bởi Chủ tịch Đảng Dân Tiến (DPP) là bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) – ngay lập tức phản đối phán quyết và tuyên bố rằng phán quyết không ràng buộc thực thi pháp lý đối với Đài Loan. Phản ứng của Đài Loan lặp lại quan điểm phản ứng của Trung Quốc – mặc dù quan hệ Đài Loan và Trung Quốc trở nên trục trặc kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào tháng 5/2016. Bài viết này đưa ra hai quan điểm: thứ nhất, phản ứng tức thì từ Đài Loan là nhắm tới ba đối tượng, và thứ hai, phán quyết tạo ra các thách thức với chính sách của bà Thái đối với vấn đề Biển Đông.

Các phản ứng nhiều mặt của Đài Loan đối với phán quyết của Tòa Trọng tài.

Cùng ngày công bố phán quyết, Đài Loan đưa ra hai tuyên bố chính thức phản đối phán quyết. Một trong hai tuyên bố từ văn phòng của bà Thái Anh Văn, đưa ra ba khẳng định: 1) Đài Loan có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, được hưởng tất cả các quyền gắn liền với các quần đảo đó và các vùng nước theo luật quốc tế cũng như luật biển; 2) bởi Tòa Trọng tài đã không mời phía Đài Loan tham gia vào các tiến trình hay tham vấn quan điểm của Đài Loan nên các quyết định của Tòa, vốn vi phạm tới lợi ích của Đài Loan và làm suy yếu quyền lợi của Đài Loan, đặc biệt là các quyền liên quan đến địa vị pháp lý của Ba Bình, đều không ràng buộc pháp lý đối với Đài Loan; 3) Đài Loan chủ trương các tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán đa phương, và Đài Loan sẽ làm việc với tất cả các nước liên quan trên cơ sở bình đẳng.[2]

Tuyên bố còn lại được BNG Đài Loan công bố, đưa ra các lý do cụ thể hơn cho việc phản đối của Đài Loan đối với phán quyết[3]. Thứ nhất, Tòa đã đề cập không phù hợp tới Đài Loan là “Đài Loan của Trung Quốc” và chính phủ Đài Loan coi định nghĩa này là “không phù hợp” và “là một sự coi thường đối với Đài Loan với tư cách là một quốc gia chủ quyền”. Lí do thứ hai liên quan tới cách thức Tòa đã giải quyết địa vị pháp lý của Ba Bình. Theo như tuyên bố trên, vấn đề này không nằm trong đệ trình ban đầu của Philippines vào tháng 1/2013, và Tòa “đã tự ý mở rộng quyền hạn của mình”. Bất chấp chủ quyền của Đài Loan và sự kiểm soát thực tế đối với Ba Bình, và việc không mời Đài Loan tham gia các tiến trình vụ kiện hay tham vấn quan điểm của Đài Loan, Tòa đã phủ nhận tư cách “đảo” và khả năng tạo ra các vùng biển của Ba Bình mà UNCLOS quy định. Tuyên bố cũng lặp lại lời kêu gọi của văn phòng Tổng thống Thái giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua đàm phán đa phương, cũng như “trên tinh thần gạt qua khác biệt, ủng hộ khai thác chung”[4].

Hai tuyên bố này cùng lúc nhằm vào ba đối tượng. Đối tượng trước hết và quan trọng nhất là Trung Quốc. Bắc Kinh nghi ngờ sâu sắc về chính sách đại lục và Biển Đông của chính phủ Đảng Dân tiến của Đài Loan, và đã theo dõi một cách thận trọng cách bà Thái giải quyết những vấn đề trên kể từ khi bà được bầu từ tháng 1/2016. Trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông và Đài Loan đã trở thành “các lợi ích cốt lõi” có liên hệ chặt chẽ với nhau đối với Trung Quốc. Một mặt, việc Bắc Kinh khẳng định cho rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể thiếu của Trung Quốc, và sự phản đối quyết liệt đối với cái gọi là “Đài Loan độc lập” đã tồn tại lâu nay. Mặt khác, Bắc Kinh, chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, nối tiếp chính phủ Quốc Dân Đảng (KMT) từ ngày 01/10/1949, đã thông qua “đường chữ U” đường 11 đoạn của Đài Loan vốn được công bố năm 1947 nhằm để thể hiện yêu sách của Đài Loan tại Biển Đông, dù có các điều chỉnh sau này.[5] Bắc Kinh cũng coi việc Đài Loan kiểm soát đối với Ba Bình từ 1956 là bằng chứng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa. Do đó, Trung Quốc nhiều lần kêu gọi Đài Loan hợp tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và toàn bộ lợi ích của đất nước Trung Quốc.

Trung Quốc hoan nghênh các nỗ lực của người tiền nhiệm của bà Thái, ông Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) để bảo vệ và làm rõ các yêu sách của Đài Loan ở Biển Đông, đặc biệt sau khi bắt đầu các tiến trình của vụ kiện vào năm 2013. Các nỗ lực này gồm có việc tổ chức “Triển lãm Lưu trữ Lịch sử về Vùng lãnh thổ phía Nam” ở Đài Bắc vào tháng 9/2014, và ủng hộ quy chế “đảo” của Ba Bình[6]. Thậm chí mặc dù chính phủ thời ông Mã đã từ chối lời kêu gọi của Bắc Kinh hỗ trợ Đài Loan bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng phía Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận Sáng kiến Hòa bình Biển Đông của ông Mã đưa ra tháng 5/2015[7], và Bản đồ đường đi có liên quan công bố vào tháng 1/2016[8] bao gồm các kiến nghị đàm phán đa phương và hợp tác khu vực. Trung Quốc chấp thuận các động thái của ông Mã bởi ông ta duy trì cái gọi là “Đồng thuận 1992”, một bản ghi nhớ chia sẻ quan điểm là hai bên dọc Eo biển Đài Loan duy trì một nước Trung Quốc duy nhất bao gồm cả Trung Quốc lục địa và Đài Loan thuộc Trung Quốc, dẫu cách diễn giải “một Trung Quốc” của hai bên có sự khác biệt: đối với Trung Quốc, khái niệm này nghĩa là Công hòa Nhân dân Trung Hoa, còn đối với Đài Loan là Trung Hoa Dân quốc (ROC).[9]

Cho đến nay, Tổng thống Thái vẫn chưa công nhận một cách hoàn toàn và rõ ràng “Đồng thuận 1992” và quan điểm ngầm  “một Trung Quốc”, cái mà Bắc Kinh đòi hỏi là căn cứ cho quan hệ tích cực giữa hai bên eo biển tiếp tục. Sự chần chừ của bà Thái với vấn đề này đã khiến Bắc Kinh tạm ngừng trao đổi giữa hai chính phủ với Đài Bắc, và tước quyền tham gia các tổ chức quốc tế của Đài Loan. Về vấn đề Biển Đông, chính phủ của Đảng Dân tiến lặp đi lặp lại yêu sách chủ quyền và quyền tài phán trên biển đối với bốn nhóm đảo – Đông Sa (Pratas), Trung Sa (Bãi Macclesfield), Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spartly) – và phủ nhận phán quyết của Tòa vì nó làm suy giảm các quyền lợi và lợi ích của Đài Loan.

Có thể thấy là những tuyên bố trên đây không đề cập gì tới một lịch sử Trung Quốc chung hay tới đường chữ U như cựu Tổng thống Mã đã làm. Do vậy, ít nhất từ bên ngoài, phản ứng của chính phủ của bà Thái đối với phán quyết có vẻ như phù hợp với phản ứng của Trung Quốc và do vậy phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với việc phủ nhận phán quyết của Đài Loan là giọng điệu ôn hòa. Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang): “Người dân Trung Quốc ở hai bờ có bổn phận và nghĩa vụ cùng bảo vệ mảnh đất do tổ tiên để lại của đất nước Trung Quốc”[10]. Tuy nhiên, một số chuyên gia chính sách ở Trung Quốc đã chỉ ra một số cảnh báo về các tuyên bố của Đài Loan. Ví dụ như ông Ngô Sỹ Tồn (Wu Shicun), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia cho rằng bà Thái chưa bao giờ công nhận đường chữ U, và cảnh báo rằng chính sách Biển Đông trong tương lai của bà Thái có thể “sẽ tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc đại lục, bắt chước Mỹ và Nhật, lấy lòng ASEAN và tìm kiếm sự độc lập cho Đài Loan”, điều đổi lại, có thể tác động tiêu cực tới hợp tác giữa hai bờ[11].

Đối tượng thứ hai là dân chúng. Theo một cuộc điều tra tiến hành sau phán quyết, gần 70% người Đài Loan cảm thấy Đài Loan là nạn nhân của cạnh tranh Mỹ - Trung ở Biển Đông[12]. Đặc biệt, Mỹ bị buộc tội ủng hộ các tiến trình của vụ kiện, điều dẫn đến việc Ba Bình bị hạ từ một đảo thành bãi đá[13]. Trong một nỗ lực nhằm thực hiện cam kết nhậm chức “bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Trung Hoa Dân quốc”[14] của mình, một ngày sau phán quyết, bà Thái đã phái một tàu chiến tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông, bao gồm một điểm dừng ở Ba Bình. Trong một bài diễn văn được đưa ra ở trên tàu chiến này trước khi nhổ neo, bà Thái tuyên bố rằng phán quyết của Tòa đã tạo ra một cục diện mới ở Biển Đông và rằng Đài Loan cần phải thể hiện sự quyết tâm của mình để bảo vệ lợi ích quốc gia[15]. Tuy nhiên, cho đến nay, bà Thái vẫn kiềm chế tới thăm Ba Bình dù có sự ủng hộ rộng rãi cho hành động này. Thay vào đó, Bộ trưởng Nội Vụ Đài Loan Diệp Tuấn Vinh (Yeh Jiunn Rong) đã có chuyến thăm khiêm tốn tới Ba Bình vào tháng 8/2016, trong suốt chuyền thăm ông này chỉ nói về các vấn đề môi trường[16]. Chuyến thăm của ông này đã bị phía Quốc Dân Đảng (KMT) chỉ trích vì đã không mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Đối tượng thư ba là cộng đồng quốc tế. Cả hai tuyên bố thể hiện sự bất bình của Đài Loan đối với sự thiên vị của Tòa bất lợi cho chủ quyền của Đài Loan cũng như cách cư xử của Tòa đối với Đài Loan trong suốt tiến trình vụ kiện. Mặc dù địa vị pháp lý của Ba Bình trực tiếp liên quan tới quyền lợi và lợi ích của Đài Loan ở Biển Đông nhưng Tòa đã từ chối yêu cầu vị trí quan sát viên của Đài Bắc. Hơn thế, mặc dù Tòa có ghi nhận các tài liệu cung cấp bởi Đài Loan – bao gồm Đệ trình Thân hữu từ Cộng đồng Luật Quốc tế Trung Hoa (Đài Loan) – nhưng Tòa không cho Đài Loan một cơ hội theo thủ tục bình đẳng để lập luận tố tụng chống lại Philippines. Thái độ của Tòa với Đài Loan có thể do thực tế là Đài Loan không phải là thành viên thuộc UNCLOS hoặc bởi Trung Quốc không tham gia vào các tiến trình của vụ kiện. Tuy nhiên, Đài Loan cảm thấy mình chính đáng trong việc bác bỏ quyết định của Tòa đối với Ba Bình bởi phán quyết này được đưa ra mà không có thủ tục tố tụng hợp pháp.

Các thách thức tiềm tàng đối với Đài Loan sau Tòa Trọng tài

Nói một cách hợp pháp, phán quyết của Tòa chỉ ràng buộc Philippines và Trung Quốc, mặc dù các quốc gia khác có thể chọn lựa chấp nhận phán quyết này. Trong trường hợp của Đài Loan, mặc dù chính phủ của bà Thái không chấp nhận sự ràng buộc với sự diễn giải của Tòa về địa vị pháp lý của Ba Bình nhưng cũng cam kết duy trì các yêu sách lãnh thổ và biển theo luật quốc tế và UNCLOS, và do vậy không đưa ra các yêu sách quá mức.[17] Điều này cho thấy mặc dù Đài Loan vẫn muốn yêu sách chủ quyền đối với tất cả các đảo san hô ở Biển Đông và ở các vùng nước có liên quan nhưng chính phủ Đài Loan nhiều khả năng tiếp tục chỉ thực thi một vùng biển cấm 4,000m và vùng hạn chế 6,000 xung quanh Ba Bình khu vực đã được tuyên bố vào năm 1994 và đã được thực thi từ thời điểm đó.

Về mặt kỹ thuật, Đài Loan không bắt buộc thi hành với đường chữ U vì Tòa có kết luận dựa trên tập trung chủ yếu vào cách diễn giải và thực tiễn của Trung Quốc và đã chỉ ra rằng phán quyết chỉ áp dụng với Philippines và Trung Quốc. Tuy nhiên, phán quyết có thể vẫn tác động đến các lợi ích và quyền lợi của Đài Loan. Ví dụ, theo phán quyết, một vòng tranh luận và đàm phán mới có thể được diễn ra về vị trí của các vùng “chồng lấn” hay “tranh chấp” ở Biển Đông. Điều này có thể phát sinh những căng thẳng mới đặc biệt giữa Philippnes và Trung Quốc, hoặc giữa Trung Quốc và Việt Nam, và bất cứ biện pháp đơn phương nào được tiến hành bởi các quốc gia này cũng có thể tác động tiêu cực đến lợi ích của các thuyền cá Đài Loan hoạt động ở Biển Đông. Các nỗ lực của các bên yêu sách cạnh tranh để khẳng định chủ quyền hay các quyền tài phán, hay việc gia tăng quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa cũng luôn luôn ảnh hưởng đến quyền hoặc gây rủi ro tới sự an toàn của thuyền và máy bay Đài Loan đang đi lại hay bay ở Ba Bình. Điều này đòi hỏi các chính phủ liên quan liên lạc và tham vấn vẫn lẫn nhau để tránh các va chạm nguy hiểm tiềm tàng trên biển.

Hơn thế nữa, với tư cách là một quốc gia giáp ranh với Biển Đông nửa kín, và kiểm soát Ba Bình cũng như quần đảo Trường Sa không có tranh chấp ở phía Đông Bắc, Đài Loan là một bên trực tiếp trong tranh chấp. Do vậy, Đài Loan cần được đưa vào các quá trình hợp tác và quản lý xung đột có liên quan, ví dụ như hợp tác theo Điều 123 của UNCLOS đối với các quốc gia giáp ranh với các vùng biển kín hoặc nửa kín, sự thực thi Tuyên bố Ứng xử các bên trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DoC) và đàm phán tiến tới Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC) ràng buộc. Những người tiền nhiệm của Tổng thống Thái nhất quán phản đối việc loại trừ Đài Loan ra khỏi các cơ chế hợp tác, ví dụ như DoC và Thỏa thuận thăm dò địa chấn ba bên (Trung Quốc – Philippines – Việt Nam (2004-2008) được cho là bao gồm các vùng xung quanh Ba Bình mà không tham vấn với Đài Loan. Các tình huống tương tự tốt nhất cần tránh trong tương lai. Phải thừa nhận là đối với Đài Loan để tham gia vào các tiến trình đa phương như vậy thì ý chí chính trị và trao đổi hiệu quả giữa các chính phủ liên quan là cần thiết.

Anne Hsiu-An Hsiao là Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Chengchi. Bài viết được đăng trên Contemporary Southeast Asia: A Journal of International and Strategic Affairs.

Trần Quang (gt)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] “PCA Case No. 2013-9 in the Matter of the South China Sea Arbitration”, 12/7/ 2016, tr. 253–54, xem tại: 175/2016/07/PH-CN-20160712-Award.pdf. Tại đây sau “Award”.

[2] “ROC Government Position on the South China Sea Arbitration”, Thông cáo Báo chí Văn phòng Tổng thống ROC (ĐàI Loan), 12/7/ 2016, xem tại: http://english. president.gov.tw/Default.aspx?tabid=491&itemid=37703&rmid=2355

[3] “ROC Position on the South China Sea Arbitration”, Bộ Ngoại giao Đài Loan, 12/7/ 2016, xem tại http://www.mofa.gov.tw/en/News_Content. aspx?n=1EADDCFD4C6EC567&s=5B5A9134709EB875

[4] Như trên.

[5] Xem “Limits in the Sea No. 143 China Maritime Claims in the South China Sea”, Bộ Ngoại giao Mỹ, 5/12/2014, xem tại:  http://www.state. gov/documents/organization/234936.pdf>.

[6] Ma Ying-jeou, “A Flawed Verdict in the South China Sea”, Wall Street Journal, 26/7/ 2016.

[7] “South China Sea Peace Initiative”, 26 May 2015, xem tại: http://www.mofa. gov.tw/News_Content.aspx?n=604CBAA3DB3DDA11&sms= 69594088D2AB9C50& s=4589151C339E71C5>.

[8] “Remarks by President Ma on Taiping Island”, 28/1/2016, xem tại: http://english.president.gov.tw/Default.aspx?tabid=491&itemid=36616&rmid= 2355>.

[9] Ma Ying-jeou, “Consolidating Peace in the Taiwan Strait”, USA Today, 22/11/2015.

[10] “Foreign Ministry Spokesperson Lu Kang’s Remarks on Taiwan’s Response to South China Sea Arbitration Ruling”, 12/7/2016, xem tại: http://www. fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/t1380255.shtml

[11] “14th Cross-Strait Forum on the South China Sea Issue held in Haikou”, National Institute for South China Sea Studies, 26/8/2016, xem tại http://en.nanhai.org.cn/index.php/Index/Info/content/cid/20/id/2905.html

[12] I-Chia Lee, “New Party Publishes South China Sea Poll Results”, 27/7/2016, xem tại: http://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2016/07/27/ 2003651882

[13] “Trouble in Taiwan: Hague Ruling on Taiping Island gives Tsai her Biggest Headache”, South China Morning Post, 30/7/2016, xem tại: http://www. scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/1994841/trouble-taiwan-hague-ruling-taiping-island-gives-tsai

[14] “Inaugural Speech of ROC 14th–term President Tsai Ing-wen”, 20/5/2016, Văn phòng Tổng thống Đài Loan, xem tại: http://english.president.gov.tw/ Default.aspx?tabid=491&itemid=37416&rmid=2355 >.

[15] “President Tsai Addresses Troops at Naval Fleet Command”, 13/7/2016, xem tại: http://english.president.gov.tw/Default.aspx?tabid=491&itemid= 37728&rmid=2355>.

[16] Stacy Hsu, “Interior Minister Pays a Visit to Itu Aba”, Taipei Times, 17/8/ 2016.

 

[17] “Tsai Holds 1st NSC Meeting, Unveils South China Sea Approach”, Taiwan Today, 20/7/2016, xem tại http://taiwantoday.tw/ct.asp?xItem=246353& ctNode=2175