Ngay ngoài phòng ngai vàng trong Đại điện Kremlin, nơi ở chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, là một hành lang dài được biết đến như là phòng chờ Malachite, nơi những bức tường được trang trí bằng những bức chân dung các vị hoàng đế và những người chinh phục của Nga. Yuri Tay dài (Đại công tước Yury Dolgoruky), người được tin rằng đã sáng lập nên Moskva vào thế kỷ 21, Peter Đại đế, người đã mở rộng đế chế Nga sang biển Baltic của châu Âu cho tới khi ông băng hà vào năm 1927. Tất cả những người này có điểm chung là sự khao khát mở rộng nước Nga, mà trong nhiều năm đã làm cho nước Nga trở thành đất nước lớn nhất thế giới. Và ít nhất bằng thước đo đó, Putin vào năm 2014 đã có bức chân dung của mình trong căn phòng này.

Quyết định của ông hồi tháng 3/2014 xâm lược và sau đó sáp nhập khu vực Crimea từ Ukraine đã đánh dấu sự phát triển lãnh địa đầu tiên của Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Mặc dù phương Tây nhớ lại sự kiện đó như một chiến thắng cho tự do, sự sụp đổ của Xôviết là một thảm họa đối với Putin và nhiều đồng bào của ông. Putin đã nói trong một bài diễn văn tại Điện Kremlin vào tháng 3/2014: “Hàng triệu người Nga đi ngủ ở một nước và tỉnh dậy ở một nước khác”. Dường như qua một đêm, Nga đã chuyển mình từ một siêu cường sang một nhà nước dầu mỏ tham nhũng, một đế quốc sụp đổ mà Sergey Brin, một người Nga đã trở thành nhà đồng sáng lập Google, từng chế giễu là “Nigeria có tuyết”.

Thậm chí Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo Xôviết, đã nỗ lực cải cách đất nước của ông nhưng rồi chỉ làm cho nó tan rã vào năm 1991, vẫn suy ngẫm về mất mát này. Ông nói với tạp chí Time ở văn phòng tại Moskva, nơi ông từng được các quan chức cấp cao Mỹ đối xử ngang bằng, nếu không muốn nói chính xác là như một người bạn: “Nga đơn giản là đã bị gạt sang một bên, bị gạt ra khỏi đời sống chính trị, bị khiến cho cảm thấy giống như kiểu tù túng. Trong tất cả mọi việc đều là Mỹ chỉ huy!”. Nhưng trong cuộc chinh phục Crimea, một bán đảo tương tự như bang Massachusetts của Mỹ, Gorbachev nói rằng đến cuối cùng Putin đã khôi phục một phần danh dự của Nga bằng “việc hành xử theo cách của ông”, không bị ràng buộc bởi những hạn chế của sự ưu việt của Mỹ và những quy tắc của luật pháp quốc tế.

Đa số người Nga tán thành. Tỷ lệ ủng hộ Putin tăng vọt kể từ sự kiện sáp nhập Crimea, đạt tới đỉnh điểm 88% vào tháng 10/2014. Không phải kể từ năm 2008, khi Putin coi thường phương Tây bằng việc gửi các xe tăng của Nga sang nước láng giềng Gruzia, ông mới có được sự ủng hộ của người dân. Không phải trong thời kỳ bùng nổ dầu lửa trong 2 nhiệm kỳ đầu của ông với tư cách là tổng thống, từ năm 2000 đến năm 2008, khi nền kinh tế tăng trưởng trung bình 7%/năm, cũng không phải trong khung cảnh hàng tỷ USD của Thế vận hội mùa Đông ở Sochi mà Putin đã tổ chức vào đầu năm 2014. Đối với món quà Crimea – một khu vực nghèo nàn dự tính sẽ tiêu tốn của Nga hơn 18 tỷ USD cho việc phát triển trong 6 năm tới – người Nga dường như sẵn sàng tôn sùng Putin. Những người chỉ trích ở địa phương giữ im lặng, trong khi hàng nghìn người ủng hộ chờ đợi hàng giờ ở Quảng trường Đỏ để mua những đồ lưu niệm có liên quan đến Putin, như chiếc áo phông ông mặc đi dạo dọc bờ biển, có ghi chữ Crimea.

Cái tên đó, gợi lại lịch sử các cuộc chiến tranh thế kỷ 19 của châu Âu, đã trở thành một ngạn ngữ ở Nga dùng để chỉ sự phục hồi quốc gia, mùi vị của danh tiếng đế quốc mà một thế hệ người Nga thèm khát từ lâu. Một nhà xã hội học nổi bật của Nga, Lev Gudkov, nói: “Điều đó thật là đau đớn, chỉ với việc sáp nhập Crimea, mọi người đã bắt đầu cảm thấy địa vị siêu cường của chúng ta được phục hồi”. Ông nói rằng lần đầu tiên kể từ khi Xôviết sụp đổ, “cảm giác tức giận và hổ thẹn đã tan biến”.

Đế quốc phản công

Putin 62 tuổi đã có được sự công nhận đó. Là con trai của một công nhân nhà máy và một cựu quân nhân xuất thân từ những khu ổ chuột của St.Petersburg – khi đó gọi là Leningrad – ông đã dành những năm cuối của Liên Xô phục vụ như một điệp viên của KGB tìm cách duy trì quyền lực của cơ quan này ở thành phố Dresden thuộc Đông Đức. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin đối với ông không phải là một sự giải phóng mà là một mối đe dọa – vào năm 1989, một nhóm người Đức phản kháng đã tụ tập bên ngoài văn phòng của ông để yêu cầu hất cẳng chế độ được Xôviết ủng hộ này. Khi đám đông đe dọa xông vào tòa nhà, Putin đã đốt các hồ sơ của KGB và gửi những yêu cầu điên rồ đòi những ông chủ của ông ở thủ đô ra mệnh lệnh. Putin sau đó đã nhớ lại trong cuốn tiểu sử chính thức của mình: “Moskva im hơi lặng tiếng”.

Vào thời kỳ ông thăng tiến trong đống đổ nát thời hậu Xôviết để trở thành tổng thống vào năm 2000, Putin đã cống hiến cuộc đời mình cho việc xây dựng lại quyền uy đã mất của Nga. Nhưng những nỗ lực của ông trong năm 2014 nhằm thắt chặt sự kiểm soát Ukraine đã dẫn đến một cái giá quá đắt đối với Nga và thế giới. Một chiếc máy bay chở hành khách bay qua vùng chiến sự ở Đông Ukraine đã nổ tung trên bầu trời vào ngày 17/7, gần như chắc chắn đó là hành động của những phiến quân được huấn luyện kém mà Nga đang sử dụng để chiến đấu. Gần 300 người thiệt mạng, hàng chục trong số đó là trẻ em, khi chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị vỡ tan trên phần lãnh thổ Nga đang kiểm soát hiệu quả thông qua các lực lượng ủy nhiệm của nước này. Putin đã đổ lỗi cho Chính phủ Ukraine về thảm họa này, nhưng cách đối xử nhẫn tâm với những người đã mất – phần lớn trong số họ là người châu Âu – làm ông phải trả giá bằng việc mất đi nhiều trong số bạn bè ít ỏi còn lại của ông.

Đã bị loại khỏi câu lạc bộ G-8 gồm các quốc gia giàu có vào tháng 3/2014 sau sự kiện sáp nhập Crimea, Putin còn bị tẩy chay tại hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức vào tháng 11/2014 ở Australia, nước đã mất 38 công dân trong chuyến bay MH17. Nắm bắt được thái độ phổ biến của phương Tây tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế này, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã chào hỏi Putin: “Tôi cho là tôi sẽ bắt tay ngài, nhưng tôi chỉ có một việc nói với ngài: Ngài cần ra khỏi Ukraine”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel dường như là người duy nhất sẵn lòng nghe tất cả những gì Putin nói. Vào buổi tối đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, bà đã đến Hilton Brisbane, nơi đoàn đại biểu của Kremlin ở, và dành 6 tiếng để có một cuộc nói chuyện cá nhân với Putin về Ukraine. Ngày hôm sau, Putin đã sớm rời khỏi hội nghị, trước khi tuyên bố cuối cùng của hội nghị được đưa ra, trong khi Merkel đã đọc một bài diễn văn dự đoán cuộc đối đầu kéo dài với Moskva. Bà nói: “Nga đã coi thường luật pháp quốc tế. Sau những thời điểm kinh hoàng của hai cuộc chiến tranh thế giới và kết thúc Chiến tranh Lạnh, việc này đang thách thức trật tự hòa bình của toàn bộ châu Âu”. Người Đức, những người thực tế chủ trương ôn hòa của châu Âu, giữ vững nguyên tắc, đưa ra một sự phản bác đã giúp thực hiện việc cô lập Nga về mặt chính trị khi giá dầu giảm mạnh làm suy yếu tài sản giá trị nhất của nước này. Do đó, lạm phát ở Nga đã tăng mạnh. Đồng ruble đã mất 40% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm 2014, buộc người Nga phải giảm bớt tiêu dùng các hàng hóa phương Tây và đi du lịch nước ngoài. Năm 2015, chính phủ hy vọng sẽ kiểm soát được suy thoái.

Giá trị nợ chính phủ của Nga đang đạt tới mức trái phiếu cấp thấp, và vào đầu tháng 12/2014, Putin đã bị buộc phải hủy bỏ một trong những dự án di sản của ông, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Nam sang châu Âu, mà những hợp đồng xây dựng của nó ông đã có được thông qua đàm phán với tư cách cá nhân. Putin nói, đề cập đến áp lực từ các nhà làm luật của EU: “Nếu châu Âu không muốn làm điều này, thì có nghĩa là điều này sẽ không thực hiện được. Chúng tôi sẽ hướng dòng chảy các nguồn năng lượng của chúng tôi sang các khu vực khác của thế giới”. Vì vậy, liệu sở thích đế quốc của Putin có đáng với cái giá là sự thịnh vượng của Nga hay không? Đối với những ai mang sự oán giận về lịch sử của Nga, thì điều đó là đáng làm. Alexander Voloshin, một người trong Kremlin phục vụ như là tham mưu trưởng của Putin từ năm 2000 đến năm 2003 cho biết: “Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã trở thành độc quyền”. Ông nói với tạp chí Time: “Họ cảm thấy họ có quyền trừng phạt và tán dương, đưa củ cà rốt và đánh bằng cây gậy. Không có một sự cạnh tranh nào”.

Lựa chọn thay thế toàn cầu

Nga hiện nay đang tìm kiếm địa vị của mình như một sự thay thế cho mô hình dân chủ tự do của phương Tây – và nước này đã có một số thành công. Các chính trị gia cánh hữu ở Pháp và Anh, không đề cập đến Trung Âu và Đông Âu, không e ngại tuyên bố họ ngưỡng mộ Putin. Chính phủ Hungary siêu bảo thủ, một nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu, đã tuyên bố ý định phát triển như “một nhà nước phi tự do” dựa theo mô hình ở Nga, đàn áp gay gắt xã hội dân sự. Đó là một mô hình dường như theo kiểu cũ – tổng thống Nga tuyên bố không sử dụng điện thoại di động và gọi Internet là “dự án của CIA” – nhưng sức hấp dẫn của ông rộng rãi và lan tỏa đối với nhiều người khắp thế giới, những người cảm thấy bị bỏ lại ngoài thế kỷ 21. Michael McFaul, người đã kết thúc nhiệm kỳ làm đại sứ Mỹ tại Nga vào tháng 2/2014, nói: “Putin không muốn ở trong hệ thống này nữa. Hiện nay ông muốn thách thức nó. Ông muốn thúc đẩy. Ông muốn xây dựng mối quan hệ với các nước chống lại hệ thống đó, với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, có thể cả Ấn Độ. Đó là một thách thức trong dài hạn”.

Putin sẽ phải đối mặt với những thách thức của chính ông khi phương Tây bắt đầu tập hợp chống lại sự hung hăng của ông và nền kinh tế Nga bắt đầu đi xuống. Khi Time tặng cho Putin danh hiệu Nhân vật của năm vào năm 2007, chúng tôi đã viết rằng vị tổng thống này đã đem lại cho những chủ đề của ông một “cuộc thương lượng lớn về quyền tự do cho an ninh”. Những người Nga chán ngấy với tình trạng hỗn loạn của những năm 1990 hậu Xôviết đã hăm hở chấp nhận sự thương lượng của Putin khi đó, nhưng họ có thể cảm thấy khác khi bắt đầu có cảm giác ớn lạnh về sự suy thoái kinh tế và cô lập quốc tế. Mặc dù vậy, đừng nhầm lẫn: người Nga cũng nhớ rằng đất nước họ từng chiếm 1/6 diện tích trái đất và có vị trí như một bên tham gia toàn cầu đứng đầu. Đó là vai trò mà Putin đang tìm cách giành lại – và ông dường như đã chuẩn bị cho những hậu quả. Ông nói trong một bài diễn văn vào cuối tháng 10/2014: “Hãy đừng quên bài học lịch sử. Một sự thay đổi trong trật tự thế giới thường xuất hiện cùng với một cuộc chiến tranh toàn cầu, một cuộc đối đầu toàn cầu hay ít nhất là một chuỗi những xung đột cục bộ gay gắt – và đây là tầm quan trọng của những sự kiện mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay”./.

Theo “Tạp chí Time

Anh Thư (gt)