Biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng đối với hơn một nửa dân số EU và quyết định đóng cửa biên giới với các nước bên ngoài EU trong 30 ngày đã cho thấy rõ những khó khăn mà các nhà lãnh đạo EU phải đối mặt. Trước sự nghiêm trọng của tình hình, khi cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có này chuyển thành một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, EU đang nỗ lực triển khai hiệu quả những phương thức ứng phó khác nhau. Nhưng khả năng hành động của EU phần lớn phụ thuộc vào các nước thành viên và ý chí cùng chung tay hành động của họ, cụ thể, phụ thuộc vào các biện pháp thực hiện ở cấp độ quốc gia và trên toàn châu Âu.

1.Thời kỳ ứng phó với khủng hoảng

Một cuộc khủng hoảng bất ngờ

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (COVID-19) bắt nguồn từ Trung Quốc và bùng phát ở châu Âu vào ngày 25/1. Ngày 25/2, 1 tháng sau trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện, Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu đã ghi nhận 275 ca bệnh. Tính đến ngày 30/3, trên toàn thế giới đã có 715.660 trường hợp mắc bệnh và 33.579 trường hợp tử vong, trong đó châu Âu có 359.102 ca nhiễm và 23.461 ca tử vong. Cuộc khủng hoảng y tế này, do vậy, đã trở thành một cuộc khủng hoảng bất ngờ, đe dọa tính mạng của hàng triệu người dân các nước EU. Đến nay, tất cả các nước EU đều áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập đông người.

Nhiều cách ứng phó

Ở cấp độ châu Âu, sáng kiến đầu tiên được thực hiện vào ngày 1/2, với việc Ủy ban châu Âu (EC) huy động 10 triệu euro cho hoạt động nghiên cứu tìm vắc-xin chống virus SARS-CoV-2. Ngày 24/2, EC đã công bố gói viện trợ trị giá 232 triệu euro cho hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ Tổ chức y tế thế giới (WHO), Trung Quốc và các nước đối tác ở châu Phi, cũng như cho hoạt động đón người châu Âu hồi hương từ Trung Quốc. Ngày 2/3, sau khi vượt ngưỡng 2.000 trường hợp mắc COVID-19 ở châu Âu, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã thành lập đội phản ứng gồm 5 ủy viên châu Âu. Từ ngày 2/3, đánh dấu sự khởi đầu của việc huy động sự tham gia của các thể chế châu Âu, EU đã triển khai một loạt công cụ, chủ yếu tập trung vào việc khắc phục những hậu quả của đại dịch. EC đã chi 140 triệu euro cho hoạt động nghiên cứu tìm ra vắc-xin phòng chống COVID-19 và triển khai sáng kiến đầu tư trị giá 37 tỷ euro như một biện pháp hỗ trợ các nền kinh tế thành viên trước tác động của dịch COVID-19. EC cũng đề xuất tạm ngưng việc áp dụng các quy tắc tài khóa của Hiệp ước ổn định và tăng trưởng – biện pháp này được các nước thành viên nhất trí thông qua vào ngày 23/3, và nới lỏng các quy tắc viện trợ nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.

Ngân hàng trung ương châu Âu dành hơn 1.000 tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế

Ngày 12/3, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde đã công bố các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng và gói thu mua trái phiếu và tín dụng trị giá 120 tỷ euro để hỗ trợ hoạt động kinh tế. Trước mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế và nguy cơ thiếu thanh khoản, ECB đã quyết định thực hiện "chương trình thu mua khẩn cấp chống đại dịch" trị giá 750 tỷ euro từ nay cho đến hết năm 2020 để mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy, ECB đã chi 870 tỷ euro, chưa kể đến 20 tỷ euro mỗi tháng của chương trình thu mua trái phiếu (được khởi động vào ngày 1/11/2019), để duy trì hoạt động kinh tế trong Khu vực đồng euro. Những biện pháp tài chính này chiếm 7,3% GDP của Khu vực đồng euro. Đó là một chương trình hỗ trợ chưa từng có và với quy mô rất lớn. Về phần mình, Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) đã đề xuất một kế hoạch tài trợ trị giá 40 tỷ euro cho các doanh nghiệp châu Âu, thông qua việc áp dụng các khoản vay bắc cầu (khoản vay ngắn hạn được sử dụng cho tới khi một cá nhân hay một doanh nghiệp củng cố được khả năng tài chính dài hạn hoặc thanh toán được các nghĩa vụ nợ hiện tại - ND), hoãn thời hạn trả nợ và nhiều biện pháp khác nhằm giải quyết các vấn đề về thanh khoản và vốn lưu động.

… thế nhưng, các nước thành viên vẫn rơi vào sự hỗn loạn

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên không ngăn được cảm giác rằng châu Âu đã không hành động kịp thời và rối loạn, khi châu lục này đã trở thành tâm dịch với số người tử vong vượt quá số người tử vong được thống kê ở Trung Quốc. Các nước châu Âu đã mất vài năm để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2008 đến năm 2012, và mất vài tháng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư giai đoạn 2015-2016. Lần này, phản ứng của châu Âu là một vấn đề có tính thời sự để cứu sống những người bệnh, bảo đảm các hệ thống y tế, hỗ trợ nền kinh tế và duy trì sự vận hành trơn tru của EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã thừa nhận: "Cách đây một thời gian ngắn, nhiều nước châu Âu đã cảm nhận được rằng họ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng họ chưa nhận thức được rằng cuộc khủng hoảng này kinh hoàng đến nỗi nó đòi hỏi phải có những cách ứng phó đặc biệt".

Giải quyết sự cố y tế không thuộc thẩm quyền của EU, và EC không được trang bị để có thể ngay lập tức ứng phó với đại dịch. Vả lại, trước tình trạng khẩn cấp, với nỗi lo sợ về sự quá tải các cơ sở y tế và thiếu trang thiết bị, các nước thành viên EU đã hành động thiếu nhất quán, và đôi khi gây bất lợi cho nhau. Pháp và Đức đã quyết định chặn việc xuất khẩu các thiết bị bảo hộ mà lẽ ra đã có thể giúp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh ở Ý. Kể từ ngày 24/3, 14 quốc gia đã thiết lập các giới hạn biên giới, và một số nước, như Ba Lan, đã triển khai quân đội tại biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Bỏ qua những kêu gọi phối hợp, các nước thành viên EU đã không thống nhất về những biện pháp y tế, cũng như tốc độ thực hiện chúng căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh. Những cách tiếp cận khác biệt và những tình huống chính trị khác nhau đã dẫn đến những quyết định hoàn toàn chỉ đơn thuần mang tính quốc gia, không đáp ứng được yêu cầu ứng phó với tình hình trong phạm vi châu lục và toàn cầu, cũng như không phù hợp với thực tế về một dịch bệnh đang lây lan với những ổ dịch trong khu vực.

Cách thức tiếp cận cuộc khủng hoảng vì dịch COVID-19 của các nước thành viên EU phản ánh những quan điểm khác biệt trong các lĩnh vực khác nhau: các nước Trung Âu, có tư tưởng bảo thủ hơn, đã nhanh chóng đóng cửa biên giới và áp đặt các giới hạn đối với người dân ngay từ rất sớm khi dịch COVID-19 mới xuất hiện; Hà Lan và Thụy Điển, các nước có tư tưởng tự do hơn, là những nước cuối cùng thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Còn lại, các nước như Đức đã đóng cửa trường học và các địa điểm công cộng, nhưng không áp đặt biện pháp cách ly người dân.

Hơn nữa, do các quyết định đơn phương của một số nước thành viên, cuộc khủng hoảng đã chuyển từ các vấn đề về y tế và trật tự công sang vấn đề về hoạt động của Khối Schengen và của thị trường chung châu Âu – vốn là hai trong số các nền tảng của tiến trình xây dựng Cộng đồng châu Âu. Việc thắt chặt kiểm soát biên giới cũng cản trở hoạt động vận tải hàng hóa và trang thiết bị y tế.

Ngày 2/3, nhóm phản ứng của EU đã được thành lập, gồm Ủy viên phụ trách quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic, Ủy viên phụ trách y tế Stella Kyriakides, Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ Ylva Johansson, Ủy viên phụ trách giao thông vận tải Adina Valean và Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni. Ủy viên thị trường nội bộ EU Thierry Breton đã phải can thiệp để khôi phục việc vận chuyển trang thiết bị y tế giữa các nước thành viên. EC đã quy định rõ những quy tắc đi lại của người dân trong Khối Schengen, thiết lập các "hành lang xanh" để lưu thông hàng hóa thiết yếu qua biên giới, yêu cầu Ba Lan cho phép công dân Estonia, Latvia và Litva đi qua lãnh thổ Ba Lan để trở về nước. Quan trọng hơn, tác động về kinh tế của cuộc khủng hoảng cũng đã buộc Ủy viên EU phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager phải nới lỏng các quy tắc về viện trợ nhà nước. Ủy viên thương mại Phil Hogan đang nỗ lực hết sức để có thể duy trì sự vận hành suôn sẻ của hoạt động thương mại quốc tế, như đã được đề cập trong một cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo G7.

Tất cả những vấn đề nói trên đã thôi thúc EC triển khai việc phối hợp quản lý các trang thiết bị y tế. Trước tiên, EC đẩy nhanh thủ tục mua sắm để cung cấp trang thiết bị bảo hộ cho các nước thành viên. Ngày 19/3, EC đã thiết lập kho thiết bị y tế chiến lược. Sau nhiều tuần, tình đoàn kết châu Âu đã được thể hiện rõ nét hơn. Các bệnh viện ở Đức, Luxembourg và Thụy Sĩ đã tiếp nhận các bệnh nhân đến từ miền Đông nước Pháp. Đức cũng gửi thiết bị y tế đến Ý và tiếp nhận các bệnh nhân Ý. Cộng hòa Séc đã gửi thiết bị bảo hộ đến Ý và Tây Ban Nha.

Nhưng sự thiếu tính tổ chức của các nước thành viên, sự chậm trễ trong việc phối hợp và tình trạng thiếu trang thiết bị y tế ở một số khu vực nhất định đã che khuất những gì đang diễn ra ở cấp độ châu Âu khi mà số người tử vong vì dịch bệnh này đang tăng lên mỗi ngày. Theo một cuộc thăm dò được công bố ngày 19/3, chỉ 35% người dân Ý đánh giá tích cực về vai trò của EU. Cuối cùng, các thể chế của EU, như thường lệ, đã không thể đối thoại với người dân, cho dù Chủ tịch EC đã có nhiều nỗ lực. Trung Quốc, Cuba và Nga lại là những nước được nhắc đến nhiều trên trang nhất các tờ nhật báo của Ý khi đã dành cho Ý sự viện trợ, tuy không phải luôn là viện trợ vô tư. Thế nhưng, không ai có thể giải thích được việc EU, trong khi Ý là nước thành viên, đã gửi 56 tấn hàng viện trợ cho Trung Quốc vào tuần thứ hai của tháng 2/2020. Ngoài ra, các cuộc tấn công mạng từ Nga đã ảnh hưởng đến một số bệnh viện và dịch vụ công cộng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế; các tài khoản giả (troll factory) đã tham gia vào các phương tiện truyền thông chính thức của Nga để tiếp tục thông tin sai lệch nhằm gia tăng sự hỗn loạn trên lãnh thổ châu Âu. Những hành động sai trái này đáng nhận được những phản ứng mạnh mẽ hơn vì Nga cũng sẽ sớm cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.

2. Vượt qua khủng hoảng

Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế, sự lựa chọn chủ yếu ở châu Âu là nỗ lực ngăn chặn đại dịch thông qua các biện pháp giới hạn đi lại và phong tỏa. Tuy nhiên, đó không phải là một sự lựa chọn được đồng tâm nhất trí, bởi một số nước như Hà Lan và Thụy Điển đã không sử dụng những biện pháp trên. Do vậy, việc đưa châu Âu "trở về tình trạng bình thường" và loại bỏ được nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ mất nhiều thời gian và gặp nhiều trở ngại.

Phối hợp các nền kinh tế

Lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế nằm trong tay chính phủ các nước và Cộng đồng châu Âu. Việc điều phối các chính sách ngân sách và tài khóa là rất cần thiết, mà không cần phải chờ tới khi đại dịch bùng phát, để đảm bảo một sự phục hồi lâu dài, cho phép không làm trầm trọng thêm những sự mất cân bằng trong Khu vực đồng euro và giữa Khu vực đồng euro với các nước bên ngoài. Các kế hoạch quốc gia đã được thông qua, với số tiền tương đương 2% GDP của EU, thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ của các chính phủ.

Các công cụ hỗ trợ các nước thành viên dễ bị tổn thương nhất cần phải được sử dụng. Quyết định ngưng thực hiện các nghĩa vụ được nêu trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng để dành chi tiêu cho COVID-19 là một quyết định đáng được khích lệ. Việc sử dụng tiền từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) – có nguồn vốn 410 tỷ euro (và có khả năng huy động được 700 tỷ euro) – cũng cần được khởi xướng. Bất chấp sự miễn cưỡng của Hà Lan và Áo, ngày 24/3, Bộ trưởng Tài chính các nước châu Âu đã bắt đầu xây dựng các phương thức sử dụng tiền từ ESM.

Nỗ lực của châu Âu sẽ diễn ra trong một môi trường quốc tế được đánh dấu bởi sự lớn mạnh hơn của chủ nghĩa bảo hộ và sự cạnh tranh nhiều hơn giữa các nước và các khu vực. Việc triển khai hệ thống trái phiếu kho bạc châu Âu, mà Đức, Hà Lan và Áo không đồng tình, có thể là cần thiết để mang lại cho Khu vực đồng euro những phương tiện tái khởi động mà không để một nước thành viên nào bị tổn thương trước những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Những căng thẳng chắc chắn sẽ tồn tại giữa các nhà kinh tế và các nhà sinh thái, giữa những người muốn thúc đẩy nhanh quá trình "khử cacbon" ở châu Âu và những người muốn khôi phục hoạt động kinh tế trước tiên. Nhưng châu Âu trước hết cần lấy lại vị thế trong môi trường cạnh tranh thế giới và củng cố mô hình của mình, đặc biệt trước Trung Quốc – quốc gia chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nhưng đang tìm cách làm cho điều này bị lãng quên. Muốn vậy, các nước châu Âu cần xây dựng một chính sách công nghiệp và thương mại thực sự làm nền tảng cho tham vọng chính trị chung của châu lục này.

Dự đoán các cuộc khủng hoảng

EU cần có bước tiến xa hơn và cần bắt đầu việc dự đoán các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Ngay khi có thể, các nước thành viên và các thể chế của EU cần tính đến những kịch bản "thiên nga đen", những sự kiện khó lường trước với những hậu quả khôn lường và chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp về dịch tễ học, công nghệ, khí hậu và trong mọi lĩnh vực mà sự ổn định của EU và tính mạng của các công dân EU có thể bị đe dọa. COVID-19 sẽ cho thấy rằng không có kịch bản nào không thể xảy ra và không có cuộc khủng hoảng nào chỉ có thể được giải quyết ở phạm vi một quốc gia. Để chuẩn bị cho tương lai, EU cần ưu tiên đến việc dự đoán vai trò của mỗi nước, xây dựng các kế hoạch và các nguồn dự trữ tài nguyên, hàng hóa và trang thiết bị.

Trong thời gian đầu, EU có thể phát huy vai trò của các cơ chế hiện có và xác định rõ phương thức quản lý khủng hoảng. RescEU, hệ thống ứng phó thiên tai của châu Âu, được triển khai năm 2017 để ứng phó với hỏa hoạn và các thảm họa thiên nhiên khác, cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ các nước thành viên đối phó với các đại dịch hoặc các tình huống nguy hiểm khác đe dọa tới tính mạng của người dân trong cộng đồng EU. Tương tự, Điều 222 của Hiệp ước vận hành EU quy định "EU được quyền huy động mọi phương tiện, bao gồm các phương tiện quân sự của các nước thành viên để hỗ trợ một nước thành viên trong lãnh thổ EU theo đề nghị của nhà chức trách nước này trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên nhiên hay thảm họa nhân đạo". Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu lẽ ra đã có thể sử dụng điều khoản này để làm giảm bớt con số thương vong ở Ý, thậm chí ở Tây Ban Nha, và hạn chế sự tổn thất về người và kinh tế mà dịch COVID-19 gây ra.

Một trong giải pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan đến các hoạt động của công dân. Ở châu Á cũng như châu Âu và Mỹ, những biện pháp khác nhau đã được áp dụng bao gồm sự hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động của người dân: biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc, châu Âu và ở một số bang của Mỹ, đóng cửa các biên giới ở châu Âu, sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt ở Trung Quốc, giám sát hoạt động đi lại của người bệnh ở Hàn Quốc, giám sát hoạt động đi lại của người nước ngoài tại Đài Loan. Việc hàng loạt nước ban bố tình trạng khẩn cấp đã kéo theo những giới hạn đặc biệt đối với sự di chuyển. Châu Á đã sử dụng các ứng dụng công nghệ để giám sát việc đi lại và dự đoán hướng di chuyển của người dân. Áo và Ý cũng đã thực hiện biện pháp này trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng. Và một số chính phủ, chẳng hạn như Chính phủ Hungary, nơi tình trạng khẩn cấp có thể được kéo dài vô thời hạn. Người dân châu Âu cần suy nghĩ về phương thức quản lý nhanh chóng và hiệu quả hơn một cuộc khủng hoảng tương tự mà không làm ảnh hưởng lâu dài đến các hoạt động của người dân.

Phát triển chủ quyền công nghiệp

Việc chính phủ các nước và khu vực tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng sẽ đặt ra những vấn đề về pháp lý, đạo đức, chính trị và kinh tế. Phát triển trí tuệ nhân tạo và xây dựng một chiến lược dữ liệu công nghiệp hiệu quả, từng là những ưu tiên của EC, cần phải được tiếp tục để đảm bảo sự tồn tại của một ngành công nghiệp châu Âu trong một lĩnh vực hiện đang đóng vai trò sống còn, duy trì những tiêu chuẩn phù hợp với luật pháp và các giá trị châu Âu cũng cần được ưu tiên. Đại dịch COVID-19 sẽ bộc lộ một châu Âu dễ tổn thương do quá phụ thuộc vào bên ngoài, kể cả về thuốc men và các thiết bị y tế. Dường như chỉ Pháp, Đức, Ba Lan và Cộng hòa Séc có khả năng sản xuất khẩu trang y tế, nhưng với số lượng không đủ cung cấp cho các nhân viên y tế và toàn bộ người dân. Người dân châu Âu phải nghĩ đến cách ứng phó trước bất cứ tình huống bất ngờ nào, cụ thể, họ phải xác định những lĩnh vực, những mặt hàng và thiết bị cho phép họ đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai một cách độc lập, và có khả năng hỗ trợ những cộng đồng dân cư đang cần sự cứu trợ. Chiến lược công nghiệp mà Ủy viên châu Âu phụ trách chính sách công nghiệp Thierry Breton trình bày vào ngày 10/3 đã cung cấp một nền tảng vững chắc các giải pháp cho các nhà lãnh đạo châu Âu suy ngẫm và thực hiện trên cơ sở những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng này.

Củng cố tâm lý thuộc về châu Âu

Tổng số người tử vong do dịch COVID-19 chưa được thống kê đầy đủ và chính xác, những giới hạn đi lại được áp đặt ở mỗi nước với những mức độ khác nhau, cùng những hậu quả kinh tế và xã hội của dịch bệnh này đã tác động đến tâm lý và sự gắn kết các xã hội châu Âu. Những biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa mà chính phủ các nước đang thực hiện đối với cá nhân và các cộng đồng có thể làm gia tăng những căng thẳng xã hội, trong khi tốc độ và bản chất của sự phục hồi kinh tế cần có sự gắn kết xã hội ở mọi cấp độ. Trong bối cảnh bước vào thời kỳ chuyển giao kỹ thuật số - vốn kéo theo những đảo lộn về kinh tế, và xã hội, EU cũng cần củng cố tâm lý của cộng đồng người dân châu Âu. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến cảm giác bị bỏ rơi của một số cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở Ý, và tác động của cuộc khủng hoảng đối với những nhận thức mang tính tập thể của châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải bảo vệ ý tưởng xây dựng châu Âu thông qua các dự án cụ thể, để đối phó với những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu.

Vài ngày trước khi trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ EU, các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ đã kết thúc 36 giờ thảo luận mà không đi đến thống nhất về ngân sách EU cho giai đoạn 2021-2027. Khi Hội đồng châu Âu tổ chức hội nghị trực tuyến vào ngày 26/3 để bàn về cách thức ứng phó với khủng hoảng, cuộc thảo luận về ngân sách, dù rất cấp thiết, cũng đã không đem lại kết quả nào. Nếu nhìn về tương lai, các nhà lãnh đạo châu Âu còn nhiều việc phải làm để khởi động lại dự án châu Âu. Dự án ngân sách châu Âu giai đoạn 7 năm, với ngân sách được đề xuất ở mức 1,074% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của khối, vẫn đang trong quá trình thảo luận từ hồi tháng 2/2020, sẽ không đáp ứng được những nhu cầu của EU và những mong đợi của người dân châu Âu. Cần có một ngân sách lớn hơn nữa. Nguồn lực tài chính, và cả tham vọng, tình đoàn kết, lẫn ý chí chính trị sẽ là những yếu tố cần thiết để vượt qua được thách thức, mang lại sự phục hồi cho EU, cũng như đảm bảo những lợi ích chiến lược của EU trong một thế giới còn nhiều biến động.

Theo Trung tâm nghiên cứu châu Âu Schuman-Robert (CERS)

Minh Anh (gt)