Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Romania, ông Teodor-Viorel Melescanu (đứng giữa) cùng với Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU, bà Federica Mogherini (người thứ hai từ bên trái) và các đại biểu khác tại cuộc họp EU – ASEAN tại Brussels (Bỉ) vào ngày 21/1/2019.

 

Trong những năm đầu của thế kỷ 21, có nhiều ý kiến cho rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể đóng vai trò một “siêu cường thầm lặng”, và thậm chí EU được dự đoán có thể trở thành đối thủ của Mỹ trong cuộc đua giành bá quyền. Hiện tại, với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự bàn tán về một cuộc chiến tranh lạnh mới đang âm ỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, vị thế của EU trên thế giới đang ngày càng trở nên kém ấn tượng hơn.

Đối với một số chuyên gia và nhà quan sát, EU vẫn được coi là một “liên minh dân sự” xét tới các khả năng phi quân sự của khối này, hoặc là một “liên minh mang tính quy chuẩn”, thể hiện qua vai trò lịch sử của họ trong việc giúp định hình các quy chuẩn toàn cầu về nhân quyền và quản trị. Một thuật ngữ thích hợp hơn được Chad Damro thuộc Đại học Edinburgh phổ biến là “liên minh mạnh về thị trường”, dựa trên khả năng của EU trong việc gây ảnh hưởng với các chính phủ nước khác bằng các điều khoản khích lệ hợp tác thương mại tốt hơn thay vì ép buộc hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Trên mặt trận thương mại, EU có lợi thế hơn nhiều. Theo Ngân hàng thế giới, năm 2017, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia thành viên EU là 17.300 tỷ USD, so với 19.400 tỷ USD của Mỹ và 12.200 tỷ USD của Trung Quốc. Hơn nữa, không giống như Trung Quốc, lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu mỗi năm của EU thường ngang nhau, khiến EU trở nên không thể thay thế đối với các quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Một số người cho rằng sự hòa nhã là một trong những tài sản lớn nhất của EU. Mustafa Kutlay, giảng viên trường Đại học City London, đã viết trong một nghiên cứu năm 2018: “Khả năng biến đổi linh hoạt mà không cần sử dụng đến vũ lực phản ánh bản chất đặc biệt của EU trong đời sống chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại xem đây là điểm yếu lớn nhất của EU. Bà Judy Dempsey, học giả cấp cao của Tổ chức nghiên cứu Carnegie tại châu Âu, vào tháng 6/2019 đã lập luận rằng “châu Âu đang vật lộn với một khủng hoảng địa chiến lược… Với tư cách là một khối, EU không thể phòng vệ cũng như không thể sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế vì triết lý của EU gắn liền với một công cuộc hòa bình.”

Quan điểm của bà được nhiều quan chức cấp cao châu Âu nhắc lại. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát biểu vào tháng 5/2019: “Chắc chắn châu Âu cần phải xác định lại vị trí của mình trong một thế giới đã thay đổi”. Cũng trong tháng 5, Michel Barnier, cựu Cao ủy châu Âu và cũng là cựu Bộ trưởng ngoại giao Pháp, người hiện đang phụ trách các cuộc đàm phán của EU với Anh về vấn đề Brexit, đã tuyên bố: “Châu Âu vẫn đang nắm giữ sức mạnh mềm đáng kể, tuy nhiên lại không thể sánh được với các bên khác về sức mạnh cứng… Châu Âu cần cả ‘hai chân’ thì mới có thể đứng vững”. Và như một bài bình luận trên tờ Financial Times gần đây có viết: “Thẩm quyền quản lý thị trường lớn nhất và một trong những ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới trao cho liên minh này sức mạnh thương mại tương xứng với Mỹ mà không một bên nào khác có thể sánh bằng. Tuy vậy, châu Âu hoặc chưa nhận thức được sức mạnh của chính mình hoặc cảm thấy lo sợ khi vận dụng sức mạnh đó”.

Mặc dù châu Âu dường như vẫn đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn, nhưng họ đang thể hiện sự quyết đoán hơn ở một khu vực khác trên thế giới, đó là Đông Nam Á. Tháng 2/2019, EU đã mở một cuộc điều tra kéo dài 18 tháng về việc có nên tiếp tục đưa Campuchia vào danh sách các nước được hưởng quy chế ưu đãi “Miễn thuế mọi thứ ngoại trừ vũ khí” (EBA) – kế hoạch cho phép miễn mọi loại thuế quan và hạn ngạch đối với hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Vốn nhằm mục tiêu đối phó với sự thụt lùi về dân chủ của Chính phủ Campuchia, một trong những nước tiếp nhận viện trợ lớn nhất của châu Âu trong những thập kỷ gần đây, động thái này có thể khiến Campuchia phải trả giá đắt. Năm 2018, gần như tất cả số hàng hóa trị giá 6 tỷ USD mà các nhà sản xuất Campuchia bán sang thị trường châu Âu - chiếm gần một nửa số hàng xuất khẩu của Campuchia - đã được hưởng các ưu đãi thương mại theo EBA.

Brussels cũng đe dọa sẽ loại Myanmar ra khỏi thỏa thuận EBA do quân đội nước này đã có hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với dân tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. EU cũng gây khó dễ đối với Malaysia và Indonesia, hai quốc gia sản xuất cọ dầu lớn nhất thế giới, khi Ủy ban châu Âu đã kết luận vào tháng 3/2019 rằng việc trồng dầu cọ dẫn đến nạn phá rừng quá mức và khuyến nghị cấm nhập khẩu mặt hàng này. Sự việc này xảy ra sau một cuộc bỏ phiếu được tiến hành vào năm 2017, trong đó hầu hết các nghị sĩ châu Âu đều nhất trí cấm sử dụng nhiên liệu sinh học được làm từ dầu cọ vào năm 2020 để phù hợp với các mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo của EU.

Cùng thời điểm EU đe dọa sử dụng các biện pháp trừng phạt để áp đặt sự thay đổi ở một số khu vực của Đông Nam Á, Brussels cũng đã hứa hẹn về một hiệp định thương mại tự do có lợi với Việt Nam, đối tác thương mại khu vực lớn thứ hai của EU sau Singapore, nhằm nhận được nhiều sự nhượng bộ hơn về các điều kiện lao động từ phía Việt Nam. Thỏa thuận thương mại này, hay còn gọi là Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), đã được đàm phán trong nhiều năm, nhưng bị các cơ quan của EU trì hoãn trong 2 năm qua. Hiệp định này cuối cũng đã được ký kết vào ngày 30/6/2019.

EU từ lâu đã tận dụng quyền tiếp cận thị trường chung đầy hấp dẫn của mình làm lợi thế đòn bẩy để định hình chính sách thương mại và điều tiết. Nhưng trong những năm gần đây, liên minh này đã bắt đầu ràng buộc thương mại với một số điều kiện chính trị nhất định, điều mà một số nhà phân tích đánh giá là “sự xoay trục” trong chính sách của châu Âu. Chẳng hạn như vào cuối năm 2018, bà Cecilia Malmström, Cao ủy thương mại của EU, cho biết: “Chính sách thương mại phải được dẫn dắt bởi các giá trị của chúng ta”. Và có thể nói không một nơi nào trên thế giới mà ở đó EU đang cố khẳng định các giá trị của mình như ở khu vực Đông Nam Á.

Các kênh gây ảnh hưởng

Có một lý do hợp lý để biến Đông Nam Á thành nơi thử nghiệm cho chính sách mới đầy quyết đoán này. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đối tác thương mại chính của khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Trung Quốc. Đổi lại, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, sau Mỹ và Trung Quốc. Xét tới việc hầu hết các quốc gia Đông Nam Á vẫn duy trì nền kinh tế định hướng xuất khẩu và EU là thị trường lớn nhất đối với hầu hết các quốc gia này, chính phủ của những nước mà danh tiếng của họ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng tin cậy vẫn cần phải xem xét nghiêm túc mối đe dọa từ sự giảm sút thương mại.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của EU vẫn chưa chứng minh được tính hiệu quả trong việc thực sự tác động đến cách ứng xử của các chính phủ nước ngoài. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người từng tự mãn rằng đất nước ông sẽ tồn tại mà không cần hưởng các ưu đãi của EBA, vẫn chưa bắt đầu tiến hành những thay đổi mà EU yêu cầu. Ông Hun Sen cũng phát biểu vào tháng 3: "Tôi đã nói rằng nếu EU cho chúng tôi hưởng quyền tiếp cận ưu đãi thị trường của họ, điều đó cũng không giúp chúng tôi trở nên giàu có. Nếu họ rút lại những ưu đãi đó, điều đó cũng không khiến chúng tôi kiệt quệ”. Chính phủ Campuchia tin rằng họ có thể ngả về phía Trung Quốc, hiện là đối tác trung thành nhất của nước này, nếu nền kinh tế nước này bị thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của châu Âu. Chính phủ Myanmar dường như cũng sẽ không thay đổi chính sách của mình. Về phần mình, Malaysia và Indonesia đã đe dọa sẽ kiện EU lên tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu lệnh cấm nhập khẩu dầu cọ được ban hành và cam đoan sẽ có những chính sách trừng phạt để trả đũa, bao gồm cả việc hủy bỏ các hợp đồng quốc phòng trị giá hàng tỷ USD.

Mặt khác, cho dù đã tăng cường chính sách quyết đoán tại Đông Nam Á, lập trường của châu Âu vẫn bộc lộ chính những vấn đề mà các chuyên gia và giới chức ở châu Âu đã nêu bật: Ngoại trừ thương mại, EU gần như không có biện pháp nào khác để gây ảnh hưởng đến cách ứng xử của các quốc gia trong khu vực. Hanna Deringer, Hosuk Lee-Makiyama và Danny Murty thuộc Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu (ECIPE) đã viết trong một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay: “Bản thân việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế (hoặc thu hồi chính sách ưu đãi) đối với một quốc gia kém phát triển nhất là một sự thất bại trong chính sách, vì trên thực tế EU đã cho thấy những dấu hiệu rằng họ không còn bất cứ lựa chọn hay phương tiện nào để gây ảnh hưởng”.

Khi nhắc đến sức ép ngoại giao, điều EU thực sự thiếu lúc này là một yếu tố quân sự đáng tin cậy. Bộ máy quân sự quan liêu hiện tại của châu Âu gần như không có kết nối nào với các đối tác ở Đông Nam Á. Thành viên của Ủy ban quân sự EU (EUMC) – cơ quan quân sự cấp cao nhất trong Hội đồng châu Âu – rất hiếm khi đến Đông Nam Á, và gần như không bao giờ nói chuyện chính trị. EU cũng không tham gia các thỏa thuận an ninh ở châu Á, ngoại trừ Diễn đàn khu vực ASEAN - một hội nghị thượng đỉnh thường niên về an ninh. Bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm khởi động các sáng kiến quốc phòng của EU, tình hình này khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Đây là một vấn đề khi xét tới việc ngoại giao quân sự đã trở thành một phương thức ngày càng quan trọng giúp các chính phủ bên ngoài gây ảnh hưởng đến công việc nội bộ của các quốc gia châu Á. Campuchia là một ví dụ. Khi Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Joseph Felter, tới thăm Campuchia hồi đầu năm 2019, một phát ngôn viên chính phủ đã khiển trách ông vì đã bàn chuyện chính trị với các quan chức quân sự cấp cao của Campuchia. Tình tiết này đã công khai tiết lộ những gì từ lâu vẫn được coi là chuyện “hậu trường”: rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều coi ngoại giao quân sự là một phương thức để tác động đến chính sách đối nội của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là những nước mà quân đội nắm giữ quyền lực đằng sau vỏ bọc là các chính phủ có vẻ mang tính dân sự, chẳng hạn như Thái Lan và Myanmar.

Các nước thành viên châu Âu có chung trách nhiệm về thất bại của EU trong việc sử dụng ngoại giao quân sự như một kênh để gây ảnh hưởng đến các nước khác. Nước Đức, nền kinh tế lớn nhất và cũng thường là nhà hoạch định chính sách chính của EU, gần như chính thức phản đối việc triển khai sức mạnh cứng ra bên ngoài. Tháng 5/2019, bà Judy Dempsey đến từ Tổ chức nghiên cứu Carnegie tại châu Âu đã viết: “Berlin nói rất nhiều về quan hệ đối tác, nhưng các mối quan hệ kinh tế và thương mại của họ với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và tại vành đai Ấn Độ Dương không có bất kì nội dung nào về an ninh”.

Nếu có một ngoại lệ thì đó là Pháp, thành viên duy nhất còn lại của EU có lợi ích quân sự thực sự tại khu vực châu Á–Thái Bình Dương một khi Anh chính thức rời khỏi liên minh. Ngoài các phạm vi hoạt động và lãnh thổ bên ngoài ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Pháp còn ký kết thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia năm 2011, Singapore năm 2012 và Việt Nam năm 2013. Pháp còn bán tàu ngầm và đề xuất huấn luyện cho các lực lượng vũ trang Malaysia. Nước này cũng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các bên tham gia quan trọng khác trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, và trong năm 2018 đã kêu gọi thành lập một “trục chiến lược” gồm Úc-Pháp-Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sự vật lộn của một “liên minh mạnh về thị trường

EU đã nêu rõ mong muốn trở thành một cường quốc toàn cầu, đặc biệt là trong văn kiện “Chiến lược toàn cầu về chính sách đối ngoại và an ninh” được liên minh công bố vào năm 2016. Như Đại diện cấp cao sắp mãn nhiệm của EU về chính sách đối ngoại là bà Federica Mogherini đã viết trong phần mở đầu của văn kiện này, “EU luôn tự hào về sức mạnh mềm của mình - và sẽ luôn là như vậy, vì chúng ta có năng lực nhất trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ý tưởng rằng EU là một ‘liên minh dân sự’ không phản ánh đúng thực tế đang diễn ra.” Văn kiện chiến lược của EU tiếp tục nêu rõ: “Chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc sẽ định hướng cho hành động đối ngoại của EU trong những năm tới”.

Một lĩnh vực mà EU có thể đóng vai trò dẫn đầu trong các vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á là buôn bán vũ khí. Năm 2018, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm đã chỉ ra rằng tất cả các nước EU kết hợp lại, bao gồm Anh, là bên xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Và những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào vũ khí nhập từ châu Âu đều ở Đông Nam Á, trong đó 58% số vũ khí của Malaysia là mua từ các nước EU, con số này ở Indonesia, Brunei, Singapore và Thái Lan lần lượt là 46%, 82%, 42% và 41%.

Dù vậy, các nguyên tắc của EU vẫn cản trở khối này phát huy tầm ảnh hưởng tiềm năng, vì họ vẫn đang suy tính đắn đo về việc bán vũ khí ra bên ngoài, đặc biệt là cho một số quốc gia ít dân chủ nhất ở châu Á. Bà Eva Pejsova đến từ Viên nghiên cứu an ninh của Liên minh châu Âu đã lưu ý trong một bài viết được công bố vào năm 2018: “Sự tương phản giữa việc mua bán vũ khí ở cấp độ các quốc gia thành viên riêng rẽ và việc Brussels thiếu tư duy chiến lược mạch lạc về vấn đề an ninh châu Á đang trở nên nổi bật”. Bà nói thêm: “Cuộc tranh luận về việc bán vũ khí của châu Âu cho thấy một sự phân chia rõ rệt về mặt khái niệm: giữa một bên là diễn ngôn về chính sách đối ngoại và an ninh dựa trên các giá trị ở cấp EU, và một bên là lợi ích và hoạt động kinh tế của các quốc gia thành viên.”

Không ai kỳ vọng EU từ một bên gây ảnh hưởng bằng sức mạnh mềm sẽ biến thành bên sử dụng sức mạnh cứng trên vũ đài thế giới trong thời gian tới. Nhưng ngay cả với tư cách một “liên minh mạnh về thị trường”, EU cũng phải chật vật để xác định rằng mình muốn bảo vệ giá trị nào trong số những giá trị đôi khi mâu thuẫn nhau của liên minh. Chẳng hạn như EBA, được xây dựng nhằm mục tiêu hướng tới “xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy nhân quyền” tại các quốc gia đang phát triển. Tuy vậy, EU hiện cảm thấy mình đang rơi vào tình thế khó khăn. Việc cấm Campuchia không được hưởng các ưu đãi của EBA sẽ củng cố hơn nữa các điều kiện về nhân quyền ngày càng xấu đi dưới thời Hun Sen. Nhưng tác động của lệnh cấm này đối với lĩnh vực sản xuất của Campuchia cũng có thể sẽ làm tăng tình trạng thất nghiệp, cùng với đó là nghèo đói. Một báo cáo của Nghị viện châu Âu được công bố đầu năm nay đã giảm thiểu đáng kể phí tổn kinh tế đối với Campuchia nếu các đặc quyền thương mại EBA bị rút lại. Báo cáo này cũng lưu ý đến sự mâu thuẫn giữa hai mục tiêu trên và nhấn mạnh rằng “quyết định của EU cần phải cân bằng một cách hợp lý giữa các ưu tiên”.

Hơn nữa, đối với tất cả những lời bàn tán về “chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc”, EU dường như thường cố gắng sửa chữa những sai lầm của bên tham gia có ảnh hưởng xấu thay vì phát triển mối quan hệ bền vững với các chính phủ tương xứng. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 8/2018, Richard Youngs, một học giả cấp cao của Chương trình Dân chủ, xung đột và quản trị thuộc tổ chức Carnegie châu Âu, đã nhận xét: “EU dường như không hề nỗ lực định hình sự hợp tác với những nơi được gọi là ‘nền dân chủ đang trỗi dậy’”, như Indonesia và Hàn Quốc. Bằng việc đề xuất cấm nhập khẩu dầu cọ, EU đã gây phật lòng cả Indonesia, nền kinh tế lớn nhất và cũng được cho là nền dân chủ ổn định nhất khu vực, lẫn Malaysia, đất nước lần đầu tiên trong lịch sử đã chứng kiến sự thay đổi dân chủ của chính phủ vào năm 2018.

Uy tín của EU về nhân quyền và dân chủ cũng đã giảm sút do sự trỗi dậy của những chính phủ có tư tưởng hẹp hòi trong số các nước thành viên của tổ chức này, chẳng hạn như Hungary và Ba Lan. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cũng có thể lập luận rằng EU nên ổn định nội bộ trước khi cố gắng giải quyết các vấn đề chính trị ở lục địa khác. Một số thậm chí còn lợi dụng tình trạng mất đoàn kết ở châu Âu để trục lợi cho mình. Từ ngày 3 đến ngày 10/6, các phái đoàn của Ủy ban châu Âu và Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) đã dẫn đầu sứ mệnh “tìm kiếm sự thật” tại Campuchia. Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau khi các đại biểu EU rời Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã tới Hungary để gặp gỡ người đồng cấp của mình là Thủ tướng Viktor Orban, bề ngoài là để thảo luận về cách thức Chính phủ Hungary sẽ thay mặt Campuchia vận động hành lang ở EU. Việc này diễn ra sau khi bà Aung San Suu Kyi, người đứng đầu chính phủ dân sự Myanmar, có một chuyến thăm hiếm có trước đó vài tháng sang châu Âu để gặp Viktor Orban ở Budapest. Tại đây hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng vấn đề di cư là “một trong những thách thức lớn nhất” đối với thế giới và chế nhạo nỗ lực của các quan chức EU nhằm “xuất khẩu” nền dân chủ, thể hiện sự đồng quan điểm của họ trước sức ép của EU nhằm buộc Myanmar và Campuchia phải thay đổi đường lối chính trị.

Trong nhiều trường hợp, có một sự chia rẽ nghiêm trọng giữa tư tưởng của EU và tình hình thực tế tại khu vực. Năm 2018, Hanna Deringer và Hosuk Lee-Makiyama đến từ Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu (ECIPE) đã viết: “Châu Âu tìm kiếm những thành tựu lớn và cố gắng thay đổi khu vực châu Á-Thái Bình Dương – sân chơi trung tâm của thương mại thế giới - điều mà các nhà hoạch định chính sách không phải lúc nào cũng đủ tò mò hoặc kiên nhẫn để tìm hiểu kỹ càng. Về vấn đề này, châu Âu vẫn như một kẻ theo đuổi lý tưởng mộng mơ thường cố gắng vươn tới những điều bất khả”. Một số nhà lãnh đạo châu Á lại không lãng mạn như vậy. Kavi Chongkittavorn, một nhà báo kỳ cựu về các vấn đề khu vực, đã viết trên tờ Bangkok Post vào tháng 1/2019: “Trong thâm tâm, chỉ một số ít các nước thành viên ASEAN không hài lòng về thái độ trịch thượng của EU đối với họ, cho dù là về vấn đề thương mại hay nhân quyền”. Ông trích lời của một nhà ngoại giao rằng “EU muốn làm cho ASEAN tức giận, nếu không muốn nói là coi thường chúng ta”.

Nguyên tắc hơn hay thực dụng hơn?

Vấn đề mà EU phải đối mặt là việc họ đang cố gắng bảo vệ một trật tự thế giới tự do chỉ thông qua sức mạnh thị trường trong thời điểm mà Mỹ và Trung Quốc dường như đã sẵn sàng phá vỡ trật tự này bằng một cách tiếp cận cứng rắn đối với thương mại như là một phần trong cuộc cạnh tranh địa chính trị rộng lớn hơn giữa hai cường quốc này. Đây phần nào là kết cục của một EU không biết cách xác định vị trí của mình trong một thế giới đa cực đang ngày càng kêu gọi phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Rõ ràng, EU vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ về an ninh, tuy nhiên các quốc gia thành viên đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư và thương mại. Quả thực, Italy đã trở thành nước lớn đầu tiên của EU gia nhập sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh vào tháng 3/2019, trong khi các quốc gia thành viên EU ở khu vực Tây Balkans cũng đang tiếp nhận ngày càng nhiều các khoản đầu tư này từ Trung Quốc.

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung cũng có tác động đến Đông Nam Á. Vì Mỹ hiện nay chủ yếu nhìn nhận khu vực Đông Nam Á thông qua lăng kính chính sách của khu vực này đối với Trung Quốc, nên nước này đã đơn giản hóa cách đối phó với các quốc gia Đông Nam Á, chủ yếu bằng cách chia thành nhóm các nước thân thiện và không thân thiện với mình. Quan hệ chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Việt Nam, bao gồm cả quan hệ quốc phòng, có thể được xem xét trong bối cảnh này, khi Việt Nam hiện là nước lên tiếng phản đối một cách quyết liệt nhất các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Tuy nhiên EU không có một lập trường nhất quán như vậy đối với Trung Quốc, và không rõ ràng nhìn nhận khu vực Đông Nam Á qua sự chia rẽ Mỹ-Trung. Cùng lắm thì EU chỉ có thể đưa ra một lập trường quyết đoán hơn đối với Trung Quốc thông qua cái gọi là “tầm nhìn chiến lược”, được công bố vào tháng 3/2019, trong đó nêu rõ: “Trung Quốc vừa là đối tác hợp tác mà EU có các mục tiêu phù hợp chặt chẽ, một đối tác đàm phán mà EU cần tìm sự cân bằng về lợi ích, một đối thủ cạnh tranh kinh tế đang theo đuổi vị thế đi đầu về công nghệ, và cũng là một đối thủ có tính hệ thống đang quảng bá các mô hình quản trị thay thế. Điều này đòi hỏi toàn EU phải có một cách tiếp cận linh hoạt và thực dụng cho phép bảo vệ những lợi ích và giá trị của mình một cách có nguyên tắc”.

Dù chính sách cuối cùng của EU đối với Trung Quốc có như thế nào đi nữa, về bản chất nó cũng sẽ quyết định cách thức khối này đối xử với Đông Nam Á. Nhưng vẫn cần phải xem liệu Brussels có coi mối quan hệ với các chính phủ trong khu vực này là “mang tính chiến lược” hay không, trong bối cảnh thế giới quan của EU về địa chính trị vẫn chưa được xác định, hoặc liệu các mối quan hệ này sẽ được dẫn dắt bởi “chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc” mà EU đã tuyên bố, trong đó các giá trị và lợi ích của châu Âu sẽ được đánh giá và cân bằng theo từng trường hợp cụ thể.

Một cách để tránh con đường mà Mỹ đã chọn – cụ thể là đánh giá các quốc gia Đông Nam Á dựa trên tầm nhìn địa chính trị của họ - chính là phải theo đuổi quan hệ với tất cả các quốc gia này thông qua ASEAN. Nhưng ASEAN lại gần như không có ảnh hưởng đối với các nước thành viên, do chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ. Làm việc thông qua ASEAN sẽ hỗ trợ chủ nghĩa đa phương mà EU ưa thích, nhưng sẽ làm giảm lợi thế đòn bẩy mà EU đang sử dụng đối với các vấn đề ở Đông Nam Á và giảm khả năng thực thi “chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc” của khối này. Như Hanna Deringer, Hosuk Lee-Makiyama và Danny Murty đã cảnh báo: “Rõ ràng là phi lý (và không khả thi) khi đàm phán một thỏa thuận mang tính khu vực vừa bao gồm các thỏa thuận song phương trên thực tế, vừa đồng thời hủy bỏ các ưu đãi song phương”.

Họ cũng nói thêm rằng về ngoại giao kinh tế, EU nên “can dự với thế giới một cách thực chất thay vì lấy thực tế làm cái cớ để từ bỏ”. Đối với EU, điều này có nghĩa là phải quyết định xem, với “chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc” của mình, liệu EU muốn trở nên nguyên tắc hơn hay trở nên thực dụng hơn. Trở nên nguyên tắc hơn có thể đòi hỏi phải có thêm nhiều kênh gây ảnh hưởng hơn chứ không chỉ là một “liên minh mạnh về thị trường”, điều rõ ràng không thể mang lại đủ lợi thế đòn bẩy để gây ảnh hưởng đối với các chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên, trở nên thực dụng hơn nghĩa là phải chấp nhận rằng EU sẽ không thể luôn ưu tiên các giá trị của mình trong vấn đề ngoại giao, và quan hệ tốt đẹp với các chính phủ phi dân chủ vẫn được coi là phù hợp nếu những nước này giúp duy trì hoặc mở rộng tầm ảnh hưởng của EU trong một khu vực có tầm quan trọng chiến lược như Đông Nam Á.

David Hutt là một nhà báo chính trị có trụ sở giữa Pháp và Cộng hòa Séc, đưa tin về các vấn đề chính trị của châu Âu cũng quan hệ giữa EU Châu Á. Trước đây, ông đã từng làm công việc đưa tin về tình hình khu vực Đông Nam Á tại Campuchia trong 5 năm. Hiện tại, ông là nhà bình luận cho chuyên mục chính trị Đông Nam Á thuộc tạp chí The Diplomat, phóng viên của tờ Asia Times; đồng thời viết bài cho các ấn phẩm quốc tế khác. Bài viết được đăng trên tạp chí World Politics Review.

Ngọc Diệp (gt)