30/10/2017
Ban đầu đa số đều cho là Madrid đã phản ứng quá tệ với cuộc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, khi nhìn lại, có vẻ thủ tướng Rajoy, một chính trị gia kỳ cựu từng là một thế lực hàng đầu trong nền chính trị Tây Ban Nha gần 2 thập kỷ qua, đã xử lý cuộc khủng hoảng đầy khéo léo.
Thủ tướng Rajoy giành ưu thế trước một liên minh mỏng manh như thế nào?
Mới chỉ vài tuần trước, dường như có khả năng Catalunya sẽ tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha. Ngày 1/10, người dân Catalunya đã bỏ phiếu đa số ủng hộ độc lập (khoảng 90% số người đã bỏ phiếu, theo chính quyền Catalunya) trong một cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trong hoàn cảnh rủi ro bậc nhất. Vào những ngày trước cuộc trưng cầu ý dân, chính quyền trung ương ở Madrid đã tịch thu khoảng 10 triệu lá phiếu, đe dọa truy tố bất kỳ quan chức Catalunya nào dính dáng đến cuộc trưng cầu và ngắt mạng Internet để ngăn người dân tìm kiếm địa điểm bỏ phiếu của họ. Khi tất cả việc đó đều thất bại, Madrid đã cử hàng nghìn cảnh sát quốc gia và sĩ quan phòng vệ dân sự đến ngăn cản người dân đi vào địa điểm bỏ phiếu. Tất cả đã phản tác dụng.
Hình ảnh cảnh sát kéo lê người dân, một số người với khuôn mặt đầy máu, khỏi điểm bỏ phiếu và bắn đạn cao su vào đám đông đã chiếm lĩnh các tít báo. Theo giới chức y tế Catalunya, 844 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Tình trạng bị các tổ chức chỉ trích là lộn xộn này có lợi cho câu chuyện kể của những người ly khai là Chính quyền Madrid đang ngăn cản người dân bày tỏ quyền tự quyết của họ. Đặc biệt, việc Madrid viện đến bạo lực đã nhường ưu thế lớn hơn về đạo đức cho những người ly khai. Tìm cách lợi dụng tình hình, Thủ hiến Catalunya Carles Puigdemont đã tuyên bố rằng "với thời điểm của hy vọng và đau khổ này, công dân Catalunya đã giành được quyền có một nhà nước độc lập theo hình thức một nền cộng hòa".
Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau cuộc trưng cầu ý dân, số phận của phong trào độc lập đã thay đổi hoàn toàn. Puigdemont đã buộc phải hành động cân bằng một cách khéo léo là thừa nhận cả quyền tuyên bố độc lập lẫn thực tế là việc đơn phương làm vậy sẽ rất khó có khả năng thành công. Trong một bài phát biểu trước quốc hội Catalunya vào ngày 10/10, Puigdemont nói rằng ông sẽ tuyên bố độc lập nhưng tạm hoãn tuyên bố để theo đuổi đàm phán với Madrid. Sự rời rạc của tin tức đã làm sững sờ những người tập trung trên khắp Catalunya để chứng kiến dịp quan trọng này, với việc một số người tuyên bố "đã bị lừa và bị nói dối".
Hiện tại, còn lâu mới biết rõ các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến điều gì. Thậm chí không rõ chính xác điều gì được đặt lên bàn đàm phán. Xung đột ban đầu với Madrid là về mong muốn của Catalunya có tiếng nói lớn hơn về tài chính của mình, nhưng mọi người đều đồng ý rằng chỉ giải quyết riêng việc này sẽ không chấm dứt được cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, điều rõ ràng là mong muốn độc lập Catalunya ít nhất trong thời điểm này đang tạm ngừng vô hạn định.
Ảo tưởng về sự đoàn kết của Catalunya
Ít nhất đối với thế giới bên ngoài, cuộc tìm kiếm độc lập của Catalunya đã được định hình bằng những hình ảnh các đám đông đòi quyền tự quyết. Các cuộc tuần hành, một vài trong số đó có hơn 1 triệu người, đã bắt đầu sau năm 2006. Năm đó, người dân Catalunya đã chấp thuận Đạo luận tự trị mới, một văn kiện gọi Catalunya một cách khiêu khích là "một quốc gia" và kêu gọi quyền tự trị lớn hơn, đặc biệt về các vấn đề tài khóa. Trong nhiều thập kỷ, người Catalunya đã phàn nàn rằng họ gửi cho Madrid nhiều tiền hơn những gì họ nhận lại được qua đầu tư. Các cuộc phản kháng đã trở nên dữ dội hơn sau năm 2010, khi Tòa án hiến pháp, tòa án cấp cao nhất của Tây Ban Nha, hủy bỏ phần lớn các điều khoản của đạo luật này. Phán quyết này đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha kể từ cái chết của nhà độc tài Francisco Franco vào năm 1975.
Tuy nhiên, trên thực tế, hình ảnh các đám đông người Catalunya đòi quyền độc lập phần nào đó đã gây hiểu nhầm. Dữ liệu thăm dò đã cho thấy một cách nhất quán là mặc dù đại đa số người dân Catalunya muốn được tham vấn về tương lai chính trị của vùng này, nhưng không có đa số người Catalunya rõ ràng nào đòi độc lập. Phần lớn các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ người Catalunya ủng hộ độc lập ở khoảng 45%, tương đương với tỷ lệ phiếu mà liên minh ly khai quản lý Catalunya đã nhận được trong cuộc bầu cử vùng năm 2015. Hơn nữa, chỉ 42% cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu tham gia cuộc trưng cầu ý dân này. Có thể hiểu là việc không có một đa số rõ rệt ủng hộ độc lập đã làm dấy lên thảo luận về sự tồn tại của một "đa số im lặng" muốn Catalunya ở lại trong Tây Ban Nha.
Đa số đó có vẻ đã thức tỉnh vào ngày 9/10, khi hàng trăm nghìn người (theo ước tính chính thức là 350.000, và gần 1 triệu người theo ước tính của các nhà tổ chức tuần hành) đã xuống đường ở Barcelona để tuần hành phản đối độc lập. Thế giới đã chứng kiến màn thể hiện hiếm thấy của chủ nghĩa dân tộc Tây Ban Nha ở trung tâm của thủ phủ vùng Catalunya. Sau cái chết của Franco, những sự thể hiện các biểu tượng quốc gia như quốc kỳ Tây Ban Nha gần như đã biến mất khỏi Catalunya, trừ những gì được trưng ở các tòa nhà công. "Viva Espana" và "Soy Espanol, Soy Catalan" (Tôi là người Tây Ban Nha, tôi là người Catalunya) là 2 trong số những khẩu hiệu mà người tuần hành hô vang, nhiều người trong số họ quấn quanh mình lá cờ Tây Ban Nha, khi họ đi qua các đại lộ và quảng trường trang nhã của Barcelona. Cảnh sát quốc gia và các sĩ quan phòng vệ dân sự, những người chỉ vài ngày trước đã bị lăng mạ vì hành động của họ trong ngày trưng cầu ý dân, đã được đối đãi bằng những cái ôm và được ca ngợi là người yêu nước. Trong số các diễn giả có nhà văn đoạt giải Nobel và là chính trị gia bảo thủ Mario Vargas Llosa, người có quốc tịch Tây Ban Nhà và Peru. Ông hối thúc đám đông không để "một âm mưu ly khai hủy diệt nền dân chủ Tây Ban Nha".
Cuộc tuần hành đã tác động đến các kế hoạch tuyên bố độc lập của phong trào ly khai theo ít nhất là 2 cách. Thứ nhất, nó đã liên kết các diễn biến ở Barcelona với một phong trào toàn quốc kêu gọi đối thoại giữa chính quyền Catalunya và chính quyền bảo thủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Bắt đầu phát triển ngay sau tình trạng bạo lực diễn ra kèm theo cuộc trưng cầu, phong trào này đã được biết đến trên truyền thông mạng xã hội là Parlem/Hablemos ("Hãy nói chuyện" trong tiếng Catalunya và tiếng Tây Ban Nha). Cuộc tuần hành cũng đã phơi bày sự chia rẽ sâu sắc bên trong Catalunya về vấn đề độc lập và thách thức mà điều này đặt ra cho việc khai sinh ra một nhà nước hoàn toàn mới. Cho đến tận ngày diễn ra cuộc tuần hành, những người ly khai có lẽ vẫn tự lừa dối mình rằng những người phản đối ly khai sẽ giữ im lặng và chấp nhận độc lập.
Một liên minh mỏng manh
Không may cho những người ủng hộ ly khai, sự hỗn tạp về tư tưởng của liên minh ly khai có nghĩa là chưa bao giờ có một liên minh cố kết vì nền độc lập của Catalunya, chứ chưa kể đến một kế hoạch cố kết cho một Catalunya độc lập. Được gọi là Junts pel Si ("Cùng nhau nói Có"), liên minh này được thành lập để phản ứng với phán quyết của Tòa án hiến pháp bác bỏ phần lớn các điều khoản của Đạo luật tự trị mới và đúng vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử vùng năm 2015. Ở trung tâm của liên minh là đảng trung hữu Dân chủ châu Âu Catalunya (PDeCAT), hậu duệ của đảng Hội tụ và liên đoàn, đảng trung hữu đã xây dựng phong trào dân tộc chủ nghĩa Catalunya thời hậu Franco và đã giải tán vào năm 2015 sau một loạt vụ bê bối tham nhũng, và đối thủ cạnh tranh chính của họ là đảng Cánh tả cộng hòa Catalunya.
Mặc dù là người chiến thắng trong cuộc bầu cử vùng năm 2015, nhưng Junts pel Si đã không giành được đủ số ghế trong quốc hội để thành lập một chính phủ, đẩy liên minh này vào một liên minh với đảng Ứng viên đoàn kết dân tộc (CUP), một đảng cực tả nhỏ. Động thái này đã đem đến những kết quả lẫn lộn. Một mặt, nó cho phép thông qua một luật cấp quyền tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập qua quốc hội Catalunya. Mặt khác, nó đã cấp tiến hóa liên minh này. Các nhà lãnh đạo CUP coi cựu Thủ hiến Catalunya Artur Mas là tham nhũng, quá bảo thủ về kinh tế và không đủ mạnh mẽ về vấn đề độc lập, vì thế ông cần phải được thay thế bằng Puigdemont, một nhà ly khai theo đường lối cứng rắn. Tuy nhiên, việc làm vậy có nghĩa là đẩy ra ngoài lề chính trị gia Catalunya có nhiều kinh nghiệm đàm phán với Madrid nhất. Chính Mas là người đã thuyết phục Madrid cho phép tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập không ràng buộc trước đó vào năm 2014. Cuộc trưng cầu đó có kết quả tương đối giống với cuộc trưng cầu mới đây: 80% ủng hộ độc lập, với số người đi bỏ phiếu chỉ chưa tới 40%.
CUP cũng đã đem lại vốn liếng chính trị đáng kể cho liên minh, đặc biệt là sự phản đối nổi tiếng của họ đối với chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa. (Chẳng hạn, đảng này đã chủ trương ủng hộ Tây Ban Nha tách khỏi EU và Khu vực đồng euro.) Những quan điểm như vậy, điều giải thích cho tiếng tăm của đảng này là một tổ chức vô chính phủ, đã chia rẽ các thành viên bảo thủ truyền thống của liên minh và các thành viên của cộng đồng kinh doanh Catalunya đồng cảm với nền độc lập. Chúng cũng đã kích động thêm cáo buộc rằng một thiểu số cấp tiến đang đưa Tây Ban Nha đến bờ vực thảm họa chính trị. Một trong những người chỉ trích CUP thẳng thắn và thuyết phục nhất là Albert Ribera, người đứng đầu Ciudadanos, một đảng trung dung ở Catalunya phản đối kịch liệt độc lập. Vào đêm trước hôm diễn ra cuộc trưng cầu, Rivera nói với tờ Politico Europe rằng Tây Ban Nha đang trải qua "một cuộc khủng hoảng đe dọa pháp quyền" do những người ly khai ở Catalunya gây ra, những người ông gọi là "những kẻ cuồng phóng hỏa" và "nổi dậy".
Căng thẳng giữa các phe phái của liên minh ly khai đã nổ ra trong những ngày sau cuộc trưng cầu. Các nhà lãnh đạo của PDeCAT, lo sợ sự trả thù từ Madrid, đã hối thúc Puigdemont tiếp tục với sự thận trọng. Những ngày sau cuộc trưng cầu, Mas, người đứng đầu đảng, nói với tờ The Financial Times rằng "Catalunya chưa sẵn sàng cho độc lập thật sự". Ngược lại, ban lãnh đạo CUP đã thúc giục ra một tuyên bố độc lập rõ ràng, lập luận rằng chỉ sau khi độc lập thì cộng đồng quốc tế mới cảm thấy buộc phải can thiệp. Sự bất mãn với quyết định của Puigdemont "tạm ngừng" độc lập là rõ ràng. Đoàn đại biểu gồm 10 thành viên của CUP đã “ngồi im như tượng” khi thủ hiến Catalunya đọc bài phát biểu của mình; họ thậm chí không buồn vỗ tay sau khi bài phát biểu kết thúc. Các nhà lãnh đạo của CUP hiện đang cố gắng buộc Puigdemont tuyên bố độc lập. Trong một lá thư công khai hối thúc Puigdemont "dỡ bỏ lệnh tạm ngừng tuyên bố độc lập", các nhà lãnh đạo của CUP cảnh báo rằng họ đã sẵn sàng ra đi và "để ông lại với thiểu số".
Madrid vượt trội hơn
Một nhân tố quan trọng hơn, dù ít rõ rệt hơn, trong việc ngăn chặn nền độc lập của Catalunya là cách xử lý cuộc khủng hoảng đầy khéo léo của Rajoy. Ban đầu, sự đồng thuận ở trong và ngoài nước là Madrid đã phản ứng quá tệ với cuộc trưng cầu ý dân bằng việc sử dụng vũ lực một cách không cần thiết để ngăn một cuộc bỏ phiếu bất hợp pháp diễn ra. Tuy nhiên, khi nhìn lại, có vẻ Rajoy, một chính trị gia kỳ cựu từng là một thế lực hàng đầu trong nền chính trị Tây Ban Nha gần 2 thập kỷ qua, đã tham gia cuộc chơi dài hơi hơn và lớn hơn theo ít nhất 3 cách.
Thứ nhất, Rajoy đã tập hợp được sự ủng hộ chống lại nền độc lập của Catalunya từ các bên tham gia lớn trong cộng đồng quốc tế. Mục tiêu là hủy diệt cái gọi là lộ trình Kosovo cho nền độc lập Catalunya; năm 2008, Kosovo đã đơn phương tuyên bố độc lập, tuyên bố bị người Serbia đàn áp, điều đã khiến cộng đồng quốc tế can thiệp để ủng hộ các lực lượng ly khai. Trước cuộc bỏ phiếu, Rajoy đã tới Berlin và Washington, nơi ông nhận được những sự bảo đảm rằng cả Đức lẫn Mỹ sẽ không công nhận cuộc trưng cầu ý dân mà Chính phủ Tây Ban Nha coi là vi hiến. Ông cũng đã nhận được sự bảo đảm của Brussels rằng một Catalunya độc lập sẽ không tự động được kết nạp vào EU. Họ sẽ phải tái nộp đơn xin gia nhập, một quá trình phức tạp có thể mất nhiều năm để hoàn thành. Sau cuộc trưng cầu, các chính phủ lớn ở châu Âu như Pháp đã lặp lại quan điểm của họ rằng họ sẽ không công nhận một Catalunya độc lập, hoặc thậm chí đóng vai trò nhà trung gian trong cuộc xung đột.
Thứ hai, Rajoy đã tập hợp thành công tầng lớp chính trị Tây Ban Nha chống lại một tuyên bố độc lập đơn phương của người Catalunya. Làm vậy, ông đã củng cố vị thế của mình là người bảo vệ pháp quyền và coi liên minh ly khai là những kẻ phạm tội vi hiến. Ông đã nhận được sự ủng hộ từ cả đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Tây Ban Nha (PSOE), đảng đối lập chính trong chính phủ quốc gia, và Ciudadanos, đảng trung hữu thuộc Catalunya, vì dứt khoát rút lại hiến chương tự trị của Catalunya, một điều khoản được cho phép theo Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha trong trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia. Rajoy cũng đã thiết lập một hiệp ước với người đứng đầu PSOE Pedro Sanchez nhằm tổ chức một ủy ban để nghiên cứu sửa đổi hiến pháp với mục tiêu cải tổ hệ thống các vùng tự trị đã được thiết lập sau năm 1978. Trên lý thuyết, điều đó có thể mở đường cho việc chính thức liên bang hóa Tây Ban Nha, một điều hiện bị hiến pháp ngăn cấm.
Cuối cùng, Rajoy đã triển khai một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất của Chính phủ Tây Ban Nha: khả năng phá hoại nền kinh tế Catalunya. Sau cuộc trưng cầu, Chính quyền Rajoy đã thông qua một luật hủy bỏ thủ tục quan liêu liên quan đến quyết định chuyển trụ sở của một công ty. Ý tưởng là đẩy nhanh sự rời bỏ Catalunya của các công ty lớn. Việc đó đã hiệu quả thần kỳ. Trong vòng vài giờ sau khi luật này có hiệu lực, Catalunya đã trải qua một cuộc tháo chạy ồ ạt của các tập đoàn, điều gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế vùng này. Theo tờ El Pais, 540 công ty đã rời Barcelona sang các thành phố khác của Tây Ban Nha kể từ ngày 1/10, với số lượng lớn nhất các vụ ra đi (212) diễn ra vào ngày 9/10, ngày Puigdemont tuyên bố và tạm hoãn độc lập. Trong số những công ty đầu tiên rời đi có CaixaBank và Sabadell, hai ngân hàng lớn nhất của Catalunya; Gas Natural Fenosa, một công ty năng lượng; Planeta, một trong những nhà xuất bản hàng đầu của Tây Ban Nha; Dogi International, người khổng lồ ngành dệt may; và Albertis, công ty toàn cầu trong ngành quản lý phí cầu đường. Tất cả họ đều dẫn ra sự thiếu chắc chắn về chính trị của Catalunya là lý do để ra đi.
Theo quan điểm của nhật báo La Vanguardia ở Barcelona, cuộc tháo chạy của các tập đoàn đã lên đến mức "một cuộc công kích thực sự nhằm vào độc lập". Nó giáng một đòn tâm lý lớn vào sự tự tin mà những người ly khai đã bày tỏ về một nền kinh tế Catalunya độc lập và một sự chuyển giao không đau đớn sang độc lập. Nó cũng đã cảnh báo các nhà dự báo kinh tế, những người vốn đã lo ngại về thiệt hại mà cuộc khủng hoảng có thể gây ra cho sự phục hồi kinh tế của Tây Ban Nha từ thảm họa tài chính năm 2008. Trong những ngày sau cuộc trưng cầu, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu đã cảnh báo Puigdemont rằng việc tuyên bố độc lập gần như sẽ gây ra sự hỗn loạn tài chính cho vùng Catalunya và đất nước nói chung. Quỹ Tiền tệ quốc tế đã đưa ra một thông điệp tương tự.
Những lựa chọn khó khăn phía trước
Sự đón nhận bài phát biểu của Puigdemont tuyên bố nhưng lại tạm hoãn độc lập từ phía truyền thông Tây Ban Nha nói lên rất nhiều điều về số phận đang thay đổi của dự án độc lập của Catalunya: Tờ El Pais theo tư tưởng tự do đã gọi bài phát biểu là "một cuộc đảo chính ly khai chống lại dân chủ" trong khi tờ báo bảo thủ El Mundo gọi nó là "một trò hề và là một vụ tống tiền". Báo chí địa phương cũng không thân thiện hơn: Tờ La Vanguardia đã gọi bài phát biểu là "đầy bối rối và khó hiểu". Cú sẩy chân của Puigdemont đã khuyến khích Rajoy, người đang dùng Catalunya để "dạy bảo" các vùng khác của Tây Ban Nha mong muốn độc lập, đáng nói nhất là xứ Basque. Sau bài phát biểu của Puigdemont, Rajoy đã viết cho nhà lãnh đạo Catalunya, đề nghị ông này nói một cách rạch ròi xem liệu ông có tuyên bố độc lập hay không. Ông đã cho nhà lãnh đạo Catalunya 5 ngày để trả lời và trong trường hợp có một câu trả lời khẳng định, thì sẽ có thêm 5 ngày nữa để cân nhắc trước khi kích hoạt Điều 155.
Những lựa chọn của Puigdemont không đáng thèm muốn. Ông có thể ra một tuyên bố độc lập rõ ràng mà được cho là sẽ bắt nguồn từ lập luận mơ hồ rằng Madrid đang chà đạp lên người dân Catalunya, điều sẽ khiến nhóm người ủng hộ của ông vui sướng nhưng sẽ kích động Madrid tiếp quản Catalunya và cuộc bầu cử mới; hoặc ông có thể bằng lòng với sự tự trị lớn hơn theo một cách cải tổ hiến pháp Tây Ban Nha hiện vẫn chưa được định rõ trong khi có nguy cơ khiến các nghị sĩ trong liên minh ly khai của ông nổi loạn, điều có thể sẽ khiến chính quyền của ông sụp đổ. Có vẻ trong tình hình này, mối lo ngại lớn nhất của Puigdemont không phải là độc lập cho Catalunya mà là sự sống còn chính trị của chính ông.
Omar G. Encarnación là giáo sư Nghiên cứu Chính trị trường Bard. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.
Trần Quang (gt)
Với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU), cũng như phần còn lại của thế giới, đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, trong đó sự tổn thất về người, sự thiệt hại về kinh tế và chính trị hết sức nặng nề.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chuyển biến thành tình trạng xung đột lâu dài, thì dường như một đặc điểm đang định hình cuộc chiến địa chính trị ngày càng khắc nghiệt hơn này mang hơi hướng của một cuộc chiến công nghệ.
Cho dù đã tăng cường chính sách quyết đoán tại Đông Nam Á, lập trường của châu Âu vẫn bộc lộ chính những vấn đề mà các chuyên gia và giới chức ở châu Âu đã nêu bật: Ngoại trừ thương mại, EU gần như không có biện pháp nào khác để gây ảnh hưởng đến cách ứng xử của các quốc gia trong khu vực.
Đâu là những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nước trong chính sách của họ đối với Trung Quốc? Mức độ hội tụ đến đâu và liệu sự hội tụ này có thể được coi là một cách tiếp cận chung thống nhất của châu Âu đối với Trung Quốc hay không?
Nước Anh cho rằng họ là đối tác bình quyền với EU trong đàm phán Brexit. Nhưng bài học từ những cuộc đàm phán gia nhập Cộng đồng châu Âu (EC) năm 1973 của Anh đã cho thấy rõ ai là người cao tay hơn trong cuộc chơi này.
Chủ nghĩa dân túy đang lan rộng tại Châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh về chủ nghĩa khủng bố và khủng hoảng người tị nạn. Lực lượng và dòng tư tưởng nào sẽ ngăn chặn xu hướng này?