Ngày 11-12/4/2019, Viện Montaigne và Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) đã đồng tổ chức một buổi thảo luận kín về chủ đề “thúc đẩy một chính sách châu Âu đối với Trung Quốc”. Mathieu Duchâtel, Giám đốc chương trình châu Á của Viện Montaigne và Mikko Huotari, Phó Giám đốc MERICS đã đưa ra những phân tích và so sánh về các phương pháp tiếp cận của Đức và Pháp trong vấn đề này. Đâu là những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nước trong chính sách của họ đối với Trung Quốc? Mức độ hội tụ đến đâu và liệu sự hội tụ này có thể được coi là một cách tiếp cận chung thống nhất của châu Âu đối với Trung Quốc hay không?

Ngày nay những ưu tiên của Pháp và Đức đối với Trung Quốc là gì? Và chúng đã thay đổi như thế nào?

Mathieu duchâtel

Kỷ nguyên De Gaulle của chính sách Pháp đối với Trung Quốc đã có nhiều thay đổi; ngày nay, chính sách này xoay quanh hai ưu tiên. Trước hết, từ quan điểm của Pháp, đó là sự tái cân bằng trong các mối liên kết kinh tế với một quốc gia gây ra phần lớn thâm hụt thương mại của Pháp (29,2 tỷ euro năm 2018), và việc thiếu sự tiếp cận thị trường đối ứng và những chuyển giao công nghệ bắt buộc dường như rất có vấn đề. Mục tiêu đầu tiên này sẽ không thể đạt được chỉ bằng các hiệp định thương mại song phương, mặc dù chúng vô cùng quan trọng đối với nhiều lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế Pháp. Điều mà Pháp cần là việc tái cân bằng hệ thống; thực tế hiện nay chỉ có Liên minh châu Âu (EU) cung cấp một hiệu ứng đòn bẩy vừa đủ. Một mặt thách thức việc đàm phán với Trung Quốc về một quyền tiếp cận lớn hơn thị trường của họ và một sự bảo hộ tốt hơn các quyền sở hữu trí tuệ, mặt khác tạo điều kiện cho những phát triển ở bên trong EU để tự bảo vệ tốt hơn trước chủ nghĩa đế quốc nhà nước Trung Quốc và chủ nghĩa quốc gia về công nghệ.

Ưu tiên thứ hai là Pháp cần sự hợp tác của Trung Quốc để bảo tồn hệ thống quản trị đa phương toàn cầu, vốn đang phải chịu những áp lực mạnh mẽ trên nhiều mặt trận. Trung Quốc mang đến một sự đóng góp lớn cho chủ nghĩa đa phương, nhưng họ rất do dự khi nó vượt ra ngoài những cam kết của họ – chẳng hạn như việc cải cách Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, kết quả không hoàn toàn tiêu cực. Pháp đánh giá cao sự đóng góp to lớn của Trung Quốc trong việc tạo điều kiện cho việc ký kết Hiệp định Paris và việc thảo luận Kế hoành hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran. Nhưng một loạt các vấn đề trong chương trình nghị sự đa phương hiện đang bế tắc.

Đồng thời, khi đánh giá tương lai trật tự quốc tế, Pháp có xu hướng coi Trung Quốc như là một vấn đề hơn là một giải pháp, điều này đưa họ đến việc củng cố các mối liên kết với các đối tác khác. Chính trong triển vọng này, cần phải hiểu thái độ do dự của Pháp trong việc thông qua về mặt chính trị Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, sự hiện diện hải quân thường xuyên của họ trên Biển Đông, trọng tâm đặt vào câu chuyện Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sự phát triển các mối quan hệ phòng thủ với Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Mikko Huotari

Thoạt nhìn, các ưu tiên trong chính sách của Đức đối với Trung Quốc không thay đổi nhiều thời gian gần đây: Làm sâu sắc thêm mối quan hệ chủ yếu vẫn được coi là mối quan hệ đối tác kinh tế song phương có lợi liên kết hai cường quốc thương mại; Tăng cường sự hợp tác này trên phạm vi rộng hơn các vấn đề chiến lược và thách thức toàn cầu, bao gồm cả vấn đề khí hậu; Phát triển một chương trình mang tính xây dựng và hướng tới tương lai trong các lĩnh vực mới như sản xuất thông minh hoặc tự động hóa.

Điều đã thay đổi khá ngoạn mục trong 3 năm qua nói đúng hơn chính là những giả định cơ bản được đưa ra về quỹ đạo cải cách trong nước của Trung Quốc và tham vọng quốc tế của họ. Ngày càng có sự công nhận về tính bền bỉ và thậm chí là sự gia tăng các đặc điểm cơ bản của hệ thống Trung Quốc. Trước các chính sách công nghiệp đầy tham vọng của Trung Quốc và sự trì trệ trong cải cách kinh tế so với các mục tiêu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt ra, các chính trị gia ở Berlin đang cân bằng lại đánh giá của họ về các cơ hội và các mối đe dọa. Họ cũng đang tập trung nhiều hơn vào các phương tiện tạo đòn bẩy để đạt được các mục tiêu như tiếp cận thị trường tốt hơn và tìm kiếm các công cụ mới cho phép đương đầu với những sự mất cân đối của thị trường và các vấn đề an ninh thiếu tính gắn kết vào thực tiễn kinh tế Trung Quốc.

Điều này có chuyển thành một chương trình nghị sự chính trị chung cho Trung Quốc không? Các giới hạn của sự hội tụ Pháp-Đức trong lĩnh vực này là gì?

Mathieu Duchâtel

Pháp và Đức có một tiếng nói chung về Trung Quốc. Hai nước đánh giá tương tự nhau về các xu hướng chính trong quản trị quốc gia dưới thời Tập Cận Bình và có chung đánh giá cao về mục tiêu địa chính trị đầy tham vọng làm nền tảng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc – “ở vị trí lãnh đạo thế giới về mặt sức mạnh toàn cầu và ảnh hưởng quốc tế từ nay đến năm 2050” như ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tại Đại hội Đảng XIX.

Cả hai nước đang hợp tác thành công trong khuôn khổ châu Âu để giải quyết một số thách thức do sự cạnh tranh của Trung Quốc. Việc hình thành, sớm nhất trong năm 2019, một cơ chế sàng lọc các khoản đầu tư ở cấp độ EU là kết quả cụ thể của nỗ lực chung của Pháp và Đức; Mục đích là tạo ra một động lực chính trị ở châu Âu để điều tiết tốt hơn đầu tư từ nước ngoài, tránh chuyển giao những công nghệ đặc biệt, một sự ảnh hưởng chính trị hoặc một đòn bẩy quá đáng. Đây có lẽ là điều không thể tưởng tượng được ngay cả 3 năm trước đây.

Nhưng cũng có một số lĩnh vực tế nhị, ở đó “đầu tàu” Pháp-Đức thực sự không tồn tại. Đầu tiên, châu Âu phải điều chỉnh chính sách Trung Quốc của mình với thực sự của một Trung Quốc đã trở thành một cường quốc công nghệ cao và nền kinh tế kỹ thuật số đổi mới.

Điều này đòi hỏi ít nhất một nỗ lực đầy tham vọng hơn nhiều để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ở châu Âu. Tiếp đó, Pháp-Đức không có câu trả lời chung đối với sự chuyển hóa của Trung Quốc như là một chủ thể của chính sách đối ngoại mang tính can thiệp nhiều hơn, một chủ thể mà các giải pháp quân sự là một phần không thể thiếu trong chiếc hộp công cụ chính trị. Cuối cùng, khi nói đến việc gây ảnh hưởng đến các nước thứ ba, Pháp và Đức không đủ tham vọng cũng như không đủ tính châu Âu để cạnh tranh một cách có hệ thống với Trung Quốc - ngay cả khi đó là một ván bài chiến lược trong dài hạn.

Mikko Huotari

Nhìn từ Berlin, sự hợp tác giữa Pháp và Đức về nhiều vấn đề chính trị quan trọng liên quan đến Trung Quốc đã thành công trong những năm gần đây. Ví dụ, sự phối hợp giữa Paris và Berlin (và Rome) về các vấn đề như “quy chế kinh tế thị trường” của Trung Quốc, dẫn tới những cải cách các công cụ phòng thủ thương mại của EU, hay về khuôn khổ mới được hình thành để sàng lọc các khoản đầu tư của EU. Sự hỗ trợ từ chính phủ Đức và Pháp cũng rất cần thiết trong việc “xác định lại” lập trường kiên quyết hơn và mạnh mẽ hơn của Ủy ban châu Âu đối với Trung Quốc, hồi tháng 3/2019.

Các ranh giới của sự đồng nhất này khá rõ ràng: tính chất của các mối quan hệ kinh tế riêng biệt của Pháp và Đức với Trung Quốc, và cả những tác động toàn cầu của chúng đối với các vấn đề chiến lược và các ưu tiên chính trị vẫn còn khác biệt, ví dụ như về kiểm soát vũ khí và chính sách đối với châu Phi. Paris và Berlin cũng sẽ trình bày những khác biệt trong quan điểm của họ về vấn đề điều hành một chính sách châu Âu đối với Trung Quốc (tăng cường các thể chế Brussels theo điều kiện của Berlin, hay đúng hơn của một cặp tiên phong Pháp-Đức?) cũng như về vai trò của sự phối hợp xuyên Đại Tây Dương trong vấn đề này. Cuối cùng, Berlin và Paris chỉ đơn giản là còn một chặng đường dài để vượt qua những giới hạn hợp tác trong lĩnh vực chính sách đối với Trung Quốc, vượt ra ngoài khuôn khổ các bộ ngoại giao và ở mức thấp hơn các bộ kinh tế của mỗi nước.

Tác động từ sáng kiến của Emmanuel Macron mời Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tới Paris nhân chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình là gì?

Mathieu Duchâtel

Sáng kiến của Pháp là đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ về sự thống nhất châu Âu đến Trung Quốc. Nó cho phép Tập Cận Bình hoặc là tham gia trực tiếp vào các cuộc thảo luận cấp cao về một loạt các ưu tiên của châu Âu được nêu rõ ràng xung quanh khái niệm có đi có lại: ký kết hiệp ước đầu tư song phương như một cách để cân bằng lại mối quan hệ của các bên về mặt này, một sự phát triển trong động lực chuyển giao công nghệ giữa châu Âu và Trung Quốc, tiếp cận thị trường công của Trung Quốc, sẵn sàng làm việc cùng nhau trong các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài nhưng không làm giảm các tiêu chuẩn trách nhiệm của châu Âu về môi trường và xã hội, một nhu cầu rõ ràng để góp phần hơn nữa vào việc giảm lượng khí thải carbon. Sáng kiến này của Pháp cũng đã nhấn mạnh thông điệp của EU theo đó Trung Quốc hiện được châu Âu coi là “đối thủ tuyệt đối” . Khía cạnh này được thể hiện rõ khi chúng ta xem xét các bài phát biểu của Tập Cận Bình và có lẽ chúng ta không thể cho rằng cạnh tranh ý thức hệ không tồn tại - do đó chúng ta phải hoan nghênh sự tiến triển hướng tới một lập trường châu Âu rõ ràng hơn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của thông điệp này thì không lâu dài. Ngoài ra, một sự biểu dương sức mạnh sẽ được hiểu là dấu hiệu của sự yếu kém nếu Đức không làm điều tương tự.

Mikko Huotari

Dù sao, lời mời đến Paris đã thành công trong việc nêu lên ý tưởng rằng một chính sách của châu Âu đối với Trung Quốc đòi hỏi các biện pháp đặc biệt. Về mặt này, sáng kiến này có thể sánh ngang với các kế hoạch tổ chức một cuộc họp toàn thể cả 27 quốc gia thành viên với Trung Quốc, dưới sự chủ trì của Đức, Chủ tịch Hội đồng, vào năm 2020. Quan điểm chung gắn kết này ở Paris cũng cho phép truyền tải một số thông điệp cần thiết đến các đồng sự Trung Quốc: 1/Các quốc gia chủ chốt ở châu Âu đang đánh giá lại, trong mối quan hệ của họ với Trung Quốc, sự cân bằng giữa các cơ hội và những thách thức mà Trung Quốc mang lại; 2/Không dễ để chia rẽ “hạt nhân cứng rắn của châu Âu” về các thách thức của chính sách đối với Trung Quốc; 3/Paris và Berlin ủng hộ đường lối mới của EC bằng cách đưa ra những yêu cầu rõ ràng hơn đối với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc hoàn thành “nghĩa vụ” của mình để đối phó với sự mất cân đối thị trường kéo dài.

Tuy nhiên, do sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa đa phương và giọng điệu tương đối hợp tác được thể hiện trong các tuyên bố công khai, không rõ liệu cuộc họp bốn bên cũng có ý định báo hiệu với Washington rằng EU và Trung Quốc có thể và sẽ làm việc cùng nhau bất chấp sự từ chối của người Mỹ. Một số nhà bình luận ở Berlin, nghi ngờ, thậm chí nói rằng lời mời của Pháp đã cho phép Emmanuel Macron tránh gây ấn tượng rằng ông ủng hộ các thỏa thuận đặc biệt với Trung Quốc và sẽ làm hỏng Chương trình nghị sự châu Âu mới được xây dựng. Quan trọng hơn nữa, cuộc họp đã nuôi dưỡng một sự ngờ vực nào đó giữa các quốc gia thành viên khác, trước khả năng Pháp và Đức sẽ gây áp lực có lợi cho một chương trình nghị sự chính trị mới của châu Âu phản ánh chủ yếu lợi ích riêng của họ.

Mathieu Duchâtel, Giám đốc chương trình châu Á của Viện Montaigne. Mikko Huotari, Phó Giám đốc MERICS. Bài phỏng vấn được đăng trên Institut Montaigne.

Văn Cường (gt)