Dưới đây là bài phỏng vấn giữa ông Fiodor Lukianov, Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong các vấn đề quốc tế” và là Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng, một tổ chức nghiên cứu tập hợp nhiều nhân vật nổi tiếng, đã trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Monde, trong đó phân tích kết quả các cuộc can thiệp của Nga trên bình diện thế giới diễn ra trong thời gian gần đây, từ đó nêu lên các quan điểm và cách thức giành lại vị thế của nước Nga trên trường quốc tế.  

Le Monde: Nước Nga đã được gì sau cuộc can thiệp vào Syria? 

Fiodor Lukianov: Nếu như xem xét tuyên bố của các quan chức Nga từ đầu cuộc can thiệp, cách đây 6 tháng, mọi thứ đã xảy ra không như dự kiến. Một trong những mục tiêu được giới thiệu là chiến đấu chống khủng bố. Trên lĩnh vực này, Nga có quan niệm khác với Mỹ: để chặn đứng bước tiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và các nhóm cực đoan khác, cần phải củng cố Nhà nước Syria, vì đây là nhân tố chính có khả năng làm điều đó. Như vậy, xét từ khía cạnh này, cuộc can thiệp của Nga đã cứu vãn quân đội Syria khỏi sụp đổ, điều làm thay đổi một cách căn bản tình hình trên thực địa. 

Tiếp theo, thông qua cuộc can thiệp này, Nga cũng có ý tưởng thay đổi khuôn khổ quan hệ với phương Tây - điều này đã thực hiện được. Cách đây 6 tháng, quan hệ Nga - phương Tây tập trung vào Ukraine và tiến trình Minsk (thoả thuận ký tháng 2/2015 nhằm bảo đảm một lối thoát chính trị giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine). Ngày nay, Nga đang có không gian vận động rộng lớn hơn. Liên quan đến Ukraine, Moskva không hy vọng giành được nhiều hơn: lợi ích của thỏa thuận Minsk không phải là tìm cách tạo thêm lợi thế, mà là tìm ra một lối thoát. Ukraine có tầm quan trọng rất lớn với chúng tôi và với một số nước châu Âu, nhưng với thế giới chỉ là một cuộc khủng hoảng bên lề. Còn Syria lại là vấn đề có ý nghĩa trung tâm, do đó, nó giúp cho Nga giành lại vị thế trung tâm trong quan hệ quốc tế. 

Lý do thứ ba, đó là để thử nghiệm và chứng tỏ sức mạnh quân sự của Nga. Ngay tại Nga, không ít người vẫn bị bất ngờ trước màn trình diễn của các lực lượng vũ trang Nga. 

Le Monde: Như vậy có nghĩa chiến dịch này là một thành công? 

Fiodor Lukianov: Nếu nhìn vào hai ví dụ gần đây về các cuộc can thiệp của Mỹ, một là phải rút quân hoàn toàn khỏi Iraq, với kết quả đạt được như chúng ta đã biết, tôi muốn nói đến sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo. Hai là Afghanistan, nơi người Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện đáng kể, có điều kiện ổn định hơn. Tại Syria, Nga duy trì căn cứ hải quân được tăng cường (cảng Tartus) và căn cứ không quân mới (Lattakia), nhưng có biên chế nhỏ hơn. Người ta sẽ đánh giá được điều gì xảy ra. 

Le Monde: Nga sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine như thế nào? 

Fiodor Lukianov: Kiev đang có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ, do đó khả năng họ theo đuổi đường lối nhất quán đối với thỏa thuận Minsk khá hạn chế. Nga cho rằng Ukraine sẽ không thể tuân thủ lộ trình Minsk, hoặc giả định nếu họ tuân thủ, họ sẽ không thể hoàn tất toàn bộ các nghĩa vụ. Theo Moskva, đây quả là vấn đề, vì cần phải chứng tỏ rằng đó không phải lỗi của họ: từ trước đến nay phương Tây luôn cho rằng nếu như thỏa thuận Minsk không được thực hiện, đó là do lỗi của Nga. Khi gặp gỡ riêng tư, các nhà ngoại giao thường có quan điểm phê phán Ukraine, nhưng khi phát biểu công khai họ không bao giờ lên án Kiev. 

Le Monde: Vùng Donbass rồi sẽ ra sao? Liệu có trở thành một cuộc xung đột bị đóng băng hay không? 

 

Fiodor Lukianov: Điều này sẽ không có lợi cho Nga. Thứ nhất, một cuộc xung đột đóng băng có quy mô lớn như thế sẽ rất khó quản lý, nhất là về mặt hành chính. Tiếp nữa, sẽ rất tốn kém. Và không ổn định. Để làm đóng băng một cuộc khủng hoảng, cần phải có hai yếu tố. Phe ly khai chịu sự kiểm soát của Nga, nhưng Kiev là nhân tố rất khó dự đoán. Do vậy, nếu Ukraine không muốn đóng băng cuộc xung đột, nó sẽ không thể bị đóng băng. 

 

 

Le Monde: Vị trí của Nga trên thế giới đã thay đổi thế nào từ năm 2012, khi Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ ba? 

 

Fiodor Lukianov: Điều này khá phức tạp. Năm 2012, bối cảnh hòa bình và ổn định hơn ngày nay và nước Nga, ít nhất về mặt hình thức, là một bộ phận của liên minh quốc tế, cùng với châu Âu. Nhưng ngày nay thì mọi thứ đã khác. Không phải là do Ukraine: nước này chỉ đóng vai trò là chất xúc tác. Trên thực tế các vấn đề đã được tích tụ, mâu thuẫn giữa hai bên đã lớn lên kể từ giữa những năm 2000. Nhưng cho tới năm 2013, hai phía, nhất là Liên minh châu Âu và Nga, vẫn cố gắng làm như thể mối quan hệ vẫn ổn. 

 

 

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm vỡ tan lớp bề mặt này, và theo một cách thức nào đó, điều này khó có thể tránh khỏi. Không phải Ukraine thì cũng là một vấn đề khác: mô hình quan hệ này đã lỗi thời. Một chương mới đã mở ra, trong đó vị thế của nước Nga trên thế giới không chắc chắn. Cho tới năm 2013, quan điểm chung cho rằng Nga là một bộ phận của châu Âu rộng lớn. Ngày nay, không còn điều này nữa, thách thức cũng lớn hơn. 

Mặt khác, hiện nay Nga được đánh giá là nhân tố nghiêm túc hơn trước kia. Dù muốn hay không, khả năng sử dụng sức mạnh là một lợi thế lớn. 

Le Monde: Phải chăng Nga cũng được coi là cường quốc hiếu chiến? 

Fiodor Lukianov: Đúng vậy, nhưng theo quan điểm của người Nga, nếu như anh là người dễ mến, không ai coi trọng anh cả. Nếu anh thể hiện sức mạnh của mình thì sẽ khác. 

Le Monde: Đây là quan điểm của Tổng thống Putin hay của dư luận? 

 

Fiodor Lukianov: Đó là niềm tin truyền thống của chúng tôi vào sức mạnh cứng. Putin chỉ là sản phẩm của văn hóa này, chứ không phải là nguyên nhân. Tất nhiên, trong lịch sử Nga, anh sẽ thấy những thời điểm khác, nhưng nhìn chung, trong cuộc thảo luận hậu Chiến tranh Lạnh về cái gì quan trọng hơn, sức mạnh cứng hay sức mạnh mềm, Nga luôn luôn bị chỉ trích bởi thiếu vắng sức mạnh mềm. Cuối cùng, do chúng tôi không có sức mạnh mềm, cần phải bù đắp bằng sức mạnh cứng. Đây có thể không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng nó cho phép có hiệu quả nào đó. 

 

 

Le Monde: Nga tự coi mình là một cường quốc, nhưng nền kinh tế ngày càng yếu. Liệu mô hình này có bền vững? 

Fiodor Lukianov: Không, tất nhiên rồi. Đây là một nghịch lý. Nước Nga ngày càng mở rộng sức mạnh, chính trị, quân sự và địa chiến lược, nhưng Nga bị tê liệt về chính sách kinh tế, đây rõ ràng là một thất bại toàn diện. Dù giải pháp mong muốn như thế nào – tự do, chống tự do, …, không có gì thuận lợi cả. Thật là kỳ lạ. Điều đó phản ánh những vấn đề rất nghiêm trọng trong phương thức điều hành đất nước. Sự thiếu vắng chính sách kinh tế là kết quả của mô hình kinh tế-xã hội. 

Le Monde: Nga sẽ cải thiện quan hệ với châu Âu, nhất là với Đức như thế nào? 

Fiodor Lukianov: Một phần của vấn đề thuộc về Nga, phần khác xuất phát từ tình hình khó khăn, trong đó Đức đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Từ cuộc khủng hoảng đồng Euro, từ xung đột Ukraine cho đến người di cư, Đức đang phải đóng vai trò lớn mà nước này không hề mong muốn. Cho đến cuối năm 2015, họ đã thể hiện khá tốt. Ngày nay, tình hình phức tạp hơn. Người ta chưa rõ mô hình đã vận hành từ gần một nửa thế kỷ nay, theo đó lợi ích kinh tế sẽ định hình những gì còn lại, sẽ được thiết lập lại như thế nào.

Le Monde: Phải chăng chính sách xoay trục của Nga sang châu Á có thể là giải pháp thay thế? 

Fiodor Lukianov: Không. Chính sách này cần phải được củng cố nhiều hơn nữa thì mới có thể thành công. Sự thay đổi này, nếu diễn ra, sẽ rất từ từ. Ngay cả trong trường hợp đó – tôi không lạc quan lắm - thì cũng không thể thay thế cho mối quan hệ với phương Tây. Có thể thấy ở đây mong muốn tái lập một thế cân bằng: Nga có ba phần tư lãnh thổ ở châu Á và ba phần tư dân số ở châu Âu. Nước Nga đã quá tập trung vào phương Tây từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Điều này phải thay đổi, không phải do sự thù địch với phương Tây, mà là một quá trình bình thường, do thế kỷ 21 châu Á sẽ là nhân tố then chốt. 

Le Monde: NATO có phải là mối đe dọa thực sự cho Nga? 

Fiodor Lukianov: Sự mở rộng của NATO là một cơn ác mộng lớn với Nga. Theo ý tôi, điều này là không tránh khỏi, bởi vì một cường quốc rút lui thì cường quốc khác sẽ thế chỗ, không có chỗ cho khoảng trống địa chiến lược. Liên Xô đã thua trong Chiến tranh Lạnh, nên đây là hậu quả tự nhiên. 

Nhưng điều mà người ta quên, là đợt mở rộng đầu tiên, gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungari xảy ra tháng 2/1999. Tháng 3/1999, NATO đã mở chiến dịch quân sự đầu tiên chống một nhà nước có chủ quyền, đó là Nam Tư. Từ thời điểm này, NATO không đơn thuần là một liên minh phòng thủ, chỉ quan tâm tới mở rộng dân chủ và thịnh vượng, mà đã trở thành một liên minh sẵn sàng can thiệp quân sự. Tôi cho rằng đó là yếu tố rất quan trọng trong tâm trí của Putin. 

Rộng hơn, nếu như anh đọc bài báo đầu tiên của Putin, “Nước Nga trong bước ngoặt thiên niên kỷ” ra ngày 30/12/1999, đêm trước khi ông ấy được Boris Yeltsin bổ nhiệm làm tổng thống tạm quyền, ông ấy đã mở đầu bằng tuyên bố: “Lần đầu tiên trong lịch sử, Nga có nguy cơ rơi xuống thang bậc thứ hai, thậm chí thứ ba của chính trị quốc tế. Cần phải chặn đứng sự xuống dốc này”. Đây là điều ông đã làm. Cũng trong bài báo, ở phần khác, Putin đã nói rất nhiều đến kinh tế, vì tình hình lúc đó khá thê thảm. Sau đó, ông quay sang các vấn đề quân sự và địa chiến lược. Trả lại sự vĩ đại cho nước Nga, đó là sự ám ảnh của Putin, hơi giống Donald Trump với Mỹ! 

Le Monde: Ông hình dung quan hệ Trump-Putin sẽ như thế nào? 

Fiodor Lukianov: Rất khó… Nhưng tôi cho rằng nó sẽ không tốt đẹp. Nếu Donald Trump trở thành tổng thống, ông ta sẽ đi gặp Putin ngay và nói: “Bây giờ, chúng ta lại là bạn”, còn Putin trả lời: “Ồ, tất nhiên rồi!” Nhưng một ngày nào đó, Trump nhận ra rằng Putin thông minh hơn ông ta rất nhiều, điều đó sẽ không làm ông ta thích thú. Và rồi, mọi thứ sẽ thay đổi.

Theo Le Monde

Hương Lan (gt)