Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện tham vọng tăng cường ảnh hưởng ra bên ngoài mà không sử dụng vũ lực. Năm 2007, Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là ông Hồ Cẩm Đào đã phát biểu rằng nước này cần phải tăng cường "quyền lực mềm". Tuyên bố này cũng được Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại vào năm 2014. Trung Quốc hiểu rõ rằng, việc tiềm lực quân sự và kinh tế của Trung Quốc ngày một tăng có thể khiến các nước láng giềng tìm cách liên minh với các nước khác để làm đối trọng, lúc đó một chiến lược thông minh nên được áp dụng là tăng cường ảnh hưởng nhưng không phải bằng các hành động đe dọa. Tuy nhiên, tham vọng này của Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại.

Có thể nói, những nỗ lực của Trung Quốc đã có những tác động và ảnh hưởng nhất định. Giới quan sát - khi chứng kiến việc Trung Quốc kêu gọi các nước tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và tuyên bố chi hàng tỉ USD viện trợ - lo ngại rằng nếu thâu tóm được "quyền lực mềm", Trung Quốc có thể "giữ chân" lãnh đạo các nước như Mỹ hiện nay. David Shambagh, nhà Hán học người Mỹ, ước tính mỗi năm Trung Quốc chi gần 10 tỉ USD cho việc "quảng bá hình ảnh ra bên ngoài". Trong khi đó, Mỹ chỉ chi khoảng 666 triệu USD (năm 2014) cho chiến dịch ngoại giao công chúng.

Mặc dù vậy, chiến dịch chi nhiều tỉ USD này của Bắc Kinh vẫn chưa đem lại nhiều hiệu quả. Theo các cuộc thăm dò dư luận ở Bắc Mỹ, châu Âu và Ấn Độ thì những nhìn nhận về ảnh hưởng của Trung Quốc đa phần là tiêu cực. Tại Mỹ Latinh và châu Phi, nơi Trung Quốc không có tranh chấp lãnh thổ và vấn đề nhân quyền chưa được quan tâm nhiều, đánh giá có phần tích cực hơn. Tuy nhiên, những nước này cũng không hài lòng với nhiều hành động của Trung Quốc, chẳng hạn như việc đưa nhân công vào thực hiện các dự án hạ tầng.

Để kết hợp được giữa "quyền lực cứng" và "quyền lực mềm" là không đơn giản. Quyền lực mềm của một nước xuất phát từ 3 nguồn lực: nền văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại. Trung Quốc thường đề cao bản sắc văn hóa và sức mạnh kinh tế, nhưng chưa chú ý nhiều tới mặt chính trị và chính đây là yếu tố có thể hủy hoại những nỗ lực của chính họ.
Theo mạng tin "Project Syndicate" ngày 13/7, hiện có 2 yếu tố chính hạn chế "quyền lực mềm" của Trung Quốc: 

Một là, chủ nghĩa dân tộc. Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ sử dụng lợi thế của việc kinh tế tăng trưởng cao mà còn dựa vào ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc. Tuy vậy, "Giấc mơ Trung Hoa" của Chủ tịch Tập Cận Bình bị suy giảm do chính sách gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và sự thù địch với các nước láng giềng. Ví dụ, cùng với việc thành lập Viện Khổng Tử ở Manila để tuyên truyền văn hóa Trung Quốc, Bắc Kinh lại đe dọa Philippines trong tranh chấp các đảo ở Biển Đông. Rõ hơn cả là làn sóng phản đối Trung Quốc ở Việt Nam sau khi nước này kéo giàn khoan dầu vào vùng lãnh hải mà cả hai cùng tuyên bố chủ quyền.

Hai là, Trung Quốc chưa "tự nguyện" chấp thuận xã hội dân sự. Tạp chí "Nhà kinh tế" của Anh đã lưu ý rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không chấp nhận quan điểm "các suối nguồn quyền lực mềm" chủ yếu xuất phát từ các cá nhân, khu vực tư nhân và hội dân sự. Thay vào đó, Bắc Kinh cho rằng chính phủ là nguồn "quyền lực mềm" chủ yếu và đang thúc đẩy các biểu tượng văn hóa cổ đại mà họ cho rằng có sức hấp dẫn toàn cầu và thường sử dụng các công cụ tuyên truyền. 

Ở Mỹ, quyền lực mềm không xuất phát từ chính phủ mà từ xã hội dân sự - từ các trường đại học, Hollywood, các quỹ và văn hóa nhạc Pop. Trung Quốc không có ngành công nghiệp giải trí hàng đầu thế giới như Hollywood và các trường đại học mang tính cạnh tranh như ở Mỹ. Quan trọng hơn, Trung Quốc thiếu các tổ chức phi chính phủ - nơi có thể truyền bá "quyền lực mềm". Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ còn góp phần "giảm nhẹ" những chính sách không được đánh giá cao của chính phủ (chẳng hạn như việc Mỹ xâm lược Iraq) thông qua tự do chỉ trích những chính sách này. Trung Quốc thì ngược lại, các chính sách của chính phủ được theo sát và chính điều này làm xói mòn "quyền lực mềm". 

Để phát huy hết tiềm năng "quyền lực mềm", Trung Quốc phải hoạch định lại chính sách đối nội cũng như đối ngoại, nhằm hạn chế sự bất bình của các quốc gia láng giềng.

Joseph S.Nye, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ và hiện là giáo sư của Đại học Harvard. Bài viết được đăng trên The Australian.

Văn Cường (gt)