Do tiến triển tiếp theo về đối nội của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới tương lai của Đài Loan, nhiều người Đài Loan đã theo dõi rất sát sao các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Tại Hong Kong từ tháng 9/2014, các sinh viên và học sinh đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối quyết định của ban lãnh đạo nhà nước và đảng Cộng sản Trung Quốc không cho phép tổ chức các cuộc bầu cử phổ thông và tự do để bầu trưởng đặc khu hành chính của thành phố này. Các cuộc biểu tình này nằm trong số các cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất trong lịch sử Hong Kong. Vào cuối tháng 8/2014, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã quyết định rằng các ứng cử viên cho cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2017 phải được lựa chọn từ một hội đồng chỉ định trung thành với Bắc Kinh. Kết quả là các ứng cử viên ủng hộ dân chủ sẽ hầu như không có cơ hội ra ứng cử. Cho tới nay, những người biểu tình vẫn chưa đạt được yêu cầu chính của mình là được bầu trực tiếp trưởng đặc khu hành chính.

Đài Loan là một hòn đảo hoàn toàn tự cai quản. Ngược lại Hong Kong, một phần của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, lại có quyền tự trị hạn chế theo công thức “một nước, hai chế độ”, điều được đảm bảo cho tới năm 2047 – 50 năm sau khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc.

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu ngay từ đầu đã ủng hộ các yêu cầu của phong trào biểu tình tại Hong Kong. Theo như ông tuyên bố, một Hong Kong dân chủ hoặc thậm chí một Trung Quốc Đại lục dân chủ, sẽ “thu hẹp khoảng cách tâm lý giữa hai bờ eo biển Đài Loan”. Người dân Đài Loan đã tổ chức các cuộc tụ tập tại Đài Bắc, trong đó họ thể hiện tình đoàn kết với người biểu tình Hong Kong.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh rằng công thức “một nước, hai chế độ” được áp dụng cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hong Kong cũng có thể được áp dụng với Đài Loan. Tuy nhiên, Đài Loan liên tục từ chối công thức này. Và những tiến triển tại Hong Kong đã củng cố quan điểm của Chính phủ và người dân Đài Loan trong việc từ chối công thức này.

Tổng thống Mã Anh Cửu, lên nắm quyền từ năm 2008 và tái đắc cử năm 2012, là chủ tịch Quốc dân Đảng (KMT) có quan điểm thân Trung Quốc cho tới tháng 12/2014. Sau khi nhậm chức Tổng thống, Mã Anh Cửu đã giới thiệu một chính sách giảm căng thẳng và xích lại gần với Trung Quốc. Một kết quả của chính sách này là việc ký kết 21 hiệp định song phương mà đặc biệt đã tạo điều kiện dễ dàng cho trao đổi thương mại và du lịch tại phía bên kia của eo biển Đài Loan. Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong và Macau) là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đài Loan, với kim ngạch thương mại lên tới hơn 160 tỷ USD và nhập khẩu gần 40% hàng xuất khẩu của Đài Loan. Ngoài ra, mỗi năm có 8 triệu chuyến du lịch diễn ra giữa hai phía.

Tổng thống Mã Anh Cửu từng mong muốn có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2014 tại Bắc Kinh, như là đỉnh cao cho chính sách của ông. Do APEC là một trong số ít tổ chức quốc tế trong đó cả hai bên đều là thành viên, hội nghị thượng đỉnh đã có thể đem lại một khuôn khổ phù hợp cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã từ chối cuộc gặp nhằm tránh tạo ra ấn tượng rằng ông qua đó công nhận Đài Loan. Trong một năm rưỡi còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của Mã Anh Cửu, có thể sẽ không diễn ra một cuộc gặp nào.

 

 

Các chướng ngại cho sự xích lại gần nhau hơn nữa

 

Hiện nay, các bước đi tiếp theo cho tiến trình xích lại gần nhau có thể không diễn ra vì hai lý do.
Thứ nhất, phía Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và từ trước đến nay coi Đài Loan như là một tỉnh nổi loạn và nên được hội nhập vào Trung Quốc theo hình mẫu Hong Kong và Macau. Bắc Kinh từ chối bất cứ chính sách nào có thể được nhìn nhận như là một sự thừa nhận chủ quyền của Đài Loan. Theo quan điểm của Trung Quốc, đây chính là trường hợp khi Đài Loan được tạo điều kiện thuận lợi để trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế hoặc tổ chức các cuộc đối thoại chính trị trực tiếp một cách cân bằng giữa hai bên. Ngoài ra, việc tạo ra và bảo vệ sự thống nhất quốc gia đã và đang là một nguồn quan trọng để hợp pháp hóa sự thống trị của đảng Cộng sản. Chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng lớn mạnh tại Trung Quốc cũng thu hẹp khả năng hành động của ban lãnh đạo tại Bắc Kinh và hầu như không cho phép họ có sự nhượng bộ nào đối với Đài Loan. 

Thứ hai, tại Đài Loan cũng có một sự dè dặt đáng kể đối với quá trình xích lại gần nhau hơn nữa. Vào đầu năm 2014, gần 350.000 người Đài Loan đã biểu tình phản đối việc phê chuẩn một thỏa thuận về trao đổi dịch vụ tự do với Đại lục. Các cuộc biểu tình đã dẫn tới việc chiếm đóng hòa bình trụ sở Quốc hội tại Đài Bắc với sự tham gia của khoảng 300 sinh viên. Sau gần 3 tuần, các sinh viên đã nhượng bộ trước tối hậu thư của Chính phủ và cảnh sát và rời khỏi tòa nhà Quốc hội mà không chống cự, sau khi họ đã dọn dẹp và làm sạch. Cuộc biểu tình hòa bình của cái gọi là phong trào Hoa hướng dương, vốn được thực hiện bởi phần lớn người Đài Loan trẻ tuổi và có học thức, đã chỉ rõ cho Mã Anh Cửu thấy những giới hạn cho chính sách xích lại gần Trung Quốc của ông. Việc phê chuẩn thỏa thuận về trao đổi dịch vụ tự do đã bị hoãn lại.

Bên cạnh một số thành phần trong xã hội dân sự của Đài Loan, phe đối lập lớn nhất là đảng Dân tiến (DPP) cũng có quan điểm hoài nghi về một sự xích lại gần hơn nữa với Đại lục. DPP đã giành chiến thắng rõ ràng trong cuộc bầu cử cấp địa phương vào ngày 29/11/2014. Nguyên nhân cho kết quả bầu cử này trước hết là sự không hài lòng của nhiều người dân Đài Loan với thu nhập đình trệ, chi phí sinh hoạt tăng lên và nhiều vụ bê bối thực phẩm. Nỗi lo ngại đang lan rộng trong người dân Đài Loan rằng Mã Anh Cửu có thể gây tổn hại tới nền dân chủ và lối sống của họ, cũng đóng góp vào việc đảng cầm quyền phải gánh chịu thất bại nặng nề. Kết quả bầu cử tồi tệ đã tiếp tục hạn chế quyền lực và khả năng hành động của Tổng thống Mã Anh Cửu. Ông đã từ chức chủ tịch KMT và vì vậy có thể có ít ảnh hưởng hơn đối với đảng của mình trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Ngoài ra, KMT cũng không hứng thú với việc tiếp tục đánh mất sự ủng hộ bởi một chính sách quá thân Trung Quốc. Đảng này sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào đầu năm 2016, trong đó Mã Anh Cửu không được phép tiếp tục ứng cử.

Xã hội Đài Loan hiện chưa có sự thống nhất về bản sắc riêng của hòn đảo này và về mối quan hệ với Trung Quốc. Trong khi một bộ phận ngày càng lớn trong dân chúng Đài Loan tuyên truyền về một bản sắc Đài Loan, một bộ phận khác ít nhất cảm thấy ràng buộc về văn hóa với Trung Quốc Đại lục. Nhưng phần lớn người dân Đài Loan đều có chung mong muốn bảo vệ lối sống của mình trong một xã hội dân chủ và cởi mở. Vì vậy, nhiều người cảm thấy lo sợ trước một sự xích lại gần hơn nữa với Trung Quốc được lãnh đạo một cách độc tài.

 

 

Cuộc bầu cử Đài Loan trong năm 2016

 

Các ứng cử viên cho người kế nhiệm Mã Anh Cửu sẽ phải chứng tỏ rằng họ không chỉ có khả năng bảo vệ chủ quyền trên thực tế của Đài Loan mà còn đảm bảo các quan hệ ổn định với Đại lục. Chủ tịch của DPP và có thể là ứng cử viên tổng thống, Thái Anh Văn, sẽ phải thể hiện rõ trong chiến dịch tranh cử rằng bà có thể từ bỏ các nỗ lực công khai nhằm đạt được nền độc lập và duy trì các mối quan hệ ổn định với Trung Quốc. Trần Thủy Biển, Tổng thống Đài Loan từ năm 2000 đến 2008, thành viên và cựu chủ tịch DPP, đã khiêu khích Trung Quốc Đại lục với khái niệm “một bên, một đất nước”, mà lên kế hoạch cho hai đất nước độc lập.

Ngược lại, ứng cử viên Tổng thống của Quốc dân Đảng sẽ phải làm nguôi sự lo sợ của người dân Đài Loan rằng đảng này làm gia tăng sự phụ thuộc với Trung Quốc Đại lục bằng chính sách xích lại gần nhau. Chu Lập Luân, chủ tịch mới của KMT và là thị trưởng thành phố Tân Bắc, có thể trở thành ứng cử viên. Trong cuộc bầu cử cấp địa phương ngày 29/11, ông là ứng cử viên duy nhất của đảng giành chiến thắng tại một trong số các thành phố lớn của Đài Loan.

Nhưng trước hết đối với người dân Đài Loan, điều quan trọng là đảng nào có chính sách kinh tế và xã hội thuyết phục hơn trong cuộc bầu cử năm 2016. Đặc biệt nhóm cử tri không cảm thấy gắn bó với bất kì đảng nào đang tăng lên có thể sẽ định hướng theo các chủ đề đối nội. Họ quan tâm đến việc có được một sự kết hợp giữa phe ủng hộ độc lập (DPP) và phe thân Trung Quốc (KMT) để định hình chính sách của Đài Loan. Với vấn đề của mình, nhóm cử tri này ngày càng giành được nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, lần đầu tiên một ứng cử viên độc lập được bầu làm thị trưởng tại Đài Bắc, người tuy được DPP ủng hộ, nhưng muốn điều hành một cách độc lập không chịu ảnh hưởng của đảng nào.

Con đường dẫn tới sự hòa giải

Các tiến triển tại Trung Quốc và Đài Loan cho thấy một giải pháp hòa bình cho xung đột tại eo biển Đài Loan vẫn là một nỗ lực khó khăn, vì nó đòi hỏi một sự sẵn sàng thỏa hiệp từ cả hai phía, các biện pháp xây dựng lòng tin, và các ý tưởng sáng tạo cho vị thế tương lai của Đài Loan. Trong đó, các lợi ích của Trung Quốc cũng như của Đài Loan sẽ được lưu ý tới: sự công nhận trên danh nghĩa nguyên tắc một nước Trung Quốc và đồng thời việc bảo vệ sự lựa chọn rằng Đài Loan tự cai quản và có thể duy trì hệ thống dân chủ của mình.

Các biện pháp xây dựng lòng tin sẽ có thể là bước đi đầu tiên dẫn tới sự hòa giải. Nó bao gồm việc Đài Loan từ bỏ mục tiêu độc lập. Đảng DPP đối lập có thể chấp nhận sự đồng thuận vào năm 1992 giữa Trung Quốc và Quốc dân Đảng mà đã đưa ra một công thức: “một Trung Quốc, nhiều cách diễn giải”. Với công thức này, quy tắc một nước Trung Quốc sẽ được công nhận và đồng thời cho phép nhiều khả năng diễn giải “một Trung Quốc” này sẽ như thế nào.

Ngược lại, Trung Quốc có thể từ bỏ lựa chọn sáp nhập Đài Loan. Chừng nào Chính phủ Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm chiếm đóng Đài Loan bằng vũ lực khi cần thiết, họ sẽ không thể giành được trái tim của người dân Đài Loan. Việc từ bỏ nền độc lập cho Đài Loan và từ bỏ sử dụng phương tiện quân sự có thể được đưa vào một thỏa thuận song phương.

Trong bước đi thứ hai, các cuộc đối thoại trực tiếp về vị thế tương lai của Đài Loan có thể được tiến hành. Các ngoại lệ của luật pháp quốc tế ở châu Âu, ví dụ như Spitzbergen hay Grönland, cho thấy những lựa chọn cho một địa vị có thể có cho Đài Loan. Lịch sử của đế chế Trung Hoa cũng đem lại nhiều hình mẫu. Đế chế Trung Hoa đã duy trì các quan hệ cống nạp đối với các lãnh thổ láng giềng, những khu vực tự cai quản nhưng công nhận trên danh nghĩa uy quyền tối cao của hoàng đế Trung Hoa. Với công thức mới như “một nền văn hóa, hai phía”, bất cứ khái niệm nào về địa vị một đất nước có thể được lảng tránh. Nó có thể chỉ ra con đường dẫn tới sự hòa giải thực tế và sáng tạo.

Đối với Liên minh châu Âu và Mỹ, hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan là điều quan trọng. Vì vậy, họ có thể khuyến khích hai bên thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin kể trên và tham gia các cuộc đối thoại chính trị trực tiếp. 

Bên cạnh hòa bình và ổn định trong khu vực, EU và Mỹ cũng quan tâm đến việc nền dân chủ ở Đài Loan được giữ gìn. Đài Loan là nền dân chủ duy nhất trong không gian văn hóa Trung Hoa và chia sẻ các tư tưởng giá trị của phương Tây với tư cách là một nền dân chủ. Hòn đảo này cũng có thể trở thành hình mẫu cho tiến triển chính trị tiếp theo của Trung Quốc. Hong Kong sẽ đánh mất đặc tính hình mẫu của mình, trong đó các tiêu chuẩn dân chủ của thành phố này sẽ bị hạn chế hoặc bãi bỏ.

Mỹ bảo đảm an ninh cho Đài Loan. Ngoài ra, nước này cũng như EU còn có thể hỗ trợ hòn đảo này mạnh mẽ hơn về kinh tế. Trong các hiệp định thương mại tự do hiện đang được thảo luận, Mỹ và EU nên chú ý tới việc đưa ra khả năng cho cả Trung Quốc lẫn Đài Loan trở thành các bên ký kết. Bằng cách này, sự phụ thuộc của Đài Loan vào nền kinh tế Trung Quốc có thể được giảm bớt. Ví dụ, khi EU ký kết một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, một hiệp định tương ứng cũng có thể được ký kết với Đài Loan. Đài Loan là một đối tác thương mại quan trọng tại châu Á. Vì vậy, Mỹ và EU cũng sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như vậy./. 

Viện Nghiên cứu các vấn đề Quốc tế và An ninh, Đức

Thuỳ Anh (gt)